Dứt phàm thành Thánh
Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015
Chương I
Tâm ở đâu?
I.
Lòng Người Điên Đảo?
Ngày
tôi quyết chí cắt ái ly gia tìm con đường thoát khổ bằng việc vào chùa, có rất
nhiều người nói với tôi “Tu tại tâm chẳng phải tu tại chùa”, “Tức tâm tức Phật”.
Khi tôi hỏi về việc cần làm của một người học Phật thì chỉ nhận được những câu
trả lời đại loại là: Hãy tu đi! Hãy hành đi! Nhưng tu cái gì? Hành cái gì? Ngay
cả những vị Tăng bảo cao niên cũng không thể chỉ rõ. Tùy tông chỉ của từng pháp
môn khác nhau mà có những pháp tu khác nhau. Tông chỉ của thiền môn là trì tụng
kinh Kim cang, đọc tụng kinh Sám hối, ngồi thiền. Tịnh độ tông thì chú trọng đọc
tụng kinh A di đà, niệm Phật hiệu, tín tâm cầu vãng sanh tịnh độ. Mật tông chú
trọng trì chú, ấn quyết, mạn đà la,… Và tất cả các pháp môn đều trói buộc người
học Phật phải tin sâu, siêng năng trì tụng sám hối nhằm giảm trừ nghiệp quả tiền
kiếp; Rồi nhất tâm niệm Phật, minh tâm kiến tánh,… Có lẽ tôi là người ngu độn,
si mê và nhiều hoài nghi. Vì thế tôi không có đủ sự tín tâm cần thiết. Hàng loạt
câu hỏi đặt ra: Có thật sự chỉ cần tín tâm niệm Phật là được vãng sanh? Có thật
chuyên tâm đọc tụng sám hối sẽ tiêu trừ được nghiệp chướng, phiền não? Việc đọc
kinh, trì chú, giữ giới miên mật, hồi hướng công đức giúp các vong linh siêu
thoát,… sẽ giúp tôi giải thoát hoàn toàn? Hẳn tôi là người sống rất thực tế. Tôi
không tin việc sám hối bằng hình thức đọc tụng giúp tiêu trừ nghiệp cũ. Vì lẽ tôi
không rõ những việc xấu ác đó tiền kiếp tôi có làm hay không? Cúng cơm, nguyện
cầu giúp chúng sinh nẻo không thân siêu thoát thì tôi sẽ được giải thoát. Sự việc
dường như có phần điên đảo. Thật ra tôi độ chúng sinh nẻo không thân hay những
chúng sinh đó độ tôi? Nếu việc cầu nguyện tín thành của tôi có thể giúp chúng
sinh nẻo không thân vãng sinh Tịnh độ thì việc tôi đọc tụng kinh, trì chú, giữ
giới, ngồi thiền,… đã không còn cần thiết. Vì dù cho tôi có tạo tác nghiệp nhân
xấu ác thì khi chết đi tôi sẽ nhờ người thân, đạo tràng tín tâm cầu vãng sinh tịnh
độ. Mặt khác, tôi sẽ chi một khoản tiền lớn mời đông đảo các vị tăng bảo lập giới
đàn nhằm tiêu trừ mọi tội lỗi đã gieo.
Không lẽ đường về cõi Tây phương cực lạc có thể dùng tiền mua được? Sự luân hồi,
quy luật nhân quả phải chăng đã đánh mất đi tính khách quan và bình đẳng? Việc
học Phật nhằm giải thoát hoàn toàn có còn giá trị gì? Sự hoài nghi khiến tôi không
thể tín tâm niệm Phật, đọc kinh, tụng sám hối, trì chú, giữ giới,… Những người
học Phật mà tôi biết - người xuất gia và cư sĩ tại gia - đều không cho tôi những
câu trả lời thích đáng, họ trói tôi vào việc “Hãy tu đi! Hãy hành đi!”. Tôi lại
nghĩ “Những câu hỏi tôi đặt ra đâu có gì là sai trái với giáo lý kinh điển của Đức
Phật”. Tôi mơ hồ nhận ra “Dường như chánh pháp đang sống nhờ người chết, người
sống đang lợi dụng người chết nhằm có cái ăn, cái mặc; Vậy người chết sống hay
người sống sống?”
Tôi
tiếp tục tham cứu, học hỏi kinh điển nhằm tìm ra những câu trả lời hợp lý hơn.
Kinh Phật khuyên dạy chúng sinh trong 6 đường dứt trừ tham lam, sân hận, si mê,
hoài nghi và kiêu mạn thì sẽ thoát ra khỏi mọi khổ đau trong cuộc sống và mang
lại sự an lạc cho mọi loài. Tôi lại nhớ
“Một người học Phật khi hành trì miên mật, tùy thuận Bát nhã ba la mật - Bố thí,
trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định và trí tuệ - thì sẽ đạt được sự giác
ngộ giải thoát hoàn toàn”. Vậy ra muốn thoát khổ tôi cũng cần có sự hiểu biết.
Khi có sự hiểu biết tôi sẽ có câu trả lời
hợp lý cho những câu hỏi về con đường giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Qua đó tôi
dứt trừ được sự u mê và hoài nghi. Niềm tin tăng trưởng tôi sẽ tinh tấn hành trì
và liễu thoát sinh tử. Tôi nhận biết “Tôi đang đi đúng hướng”. Ngoài việc tìm
hiểu giáo lý, tôi còn chú trọng thiền định.
Sau
những buổi thiền định, tôi có câu hỏi lớn “Tại sao những người học Phật không
chấp nhận những câu hỏi chính đáng của tôi?”. Sau cùng, tôi nhận ra “Họ không là
Phật. Cũng như tôi, họ là người đang học Phật. Mặc dù vậy họ cũng là người chỉ đường.
Họ chỉ đường cho người khác đi con đường mà họ không rõ biết. Không ít người
trong số họ lạc vào lối rẽ - lợi dưỡng, độ vong, chờ Phật Di Lặc thọ ký,… Một số
khác đang “bận” làm kẻ chỉ đường. Họ quên mất việc họ chưa từng qua sông”.
Chuyển
sang vấn đề hành đạo của Lục tổ Huệ Năng - Khi cơ duyên giáo hóa Phật pháp đã đến,
Lục tổ Huệ Năng đã nhân dịp tranh luận giữa hai vị Tăng mà nhiếp phục, hiển bày
pháp môn đốn ngộ.
Lúc
bấy giờ, Lục tổ đi ngang qua chùa Pháp Tánh - Quảng Châu chợt thấy có hai vị tăng
tranh luận về nghĩa: Gió động hay lá cờ động? Người thì bảo gió động, người thì
nói cờ động, tranh cãi không ngừng. Nhân dịp đó, Lục tổ lên tiếng thức tỉnh hai
vị tăng đã rơi vào hý luận - Một việc làm không có nhiều lợi ích đối với một người
học Phật. Lục tổ nói: Chẳng tại gió động, chẳng tại lá cờ động mà là tâm hai vị
động. Câu nói chứa đựng diệu lý Phật môn của Lục tổ đã được Ấn Tông pháp sư lưu
tâm. Chính pháp sư Ấn Tông là người làm lễ xuống tóc cho Lục tổ và bái Lục tổ làm
thầy.
Qua
câu chuyện trên cho thấy, tâm chính là gốc rễ của người học Phật. Lục tổ nói tâm
hai vị tăng động là tùy thuận mà nói. Tâm động vốn là vọng tâm vướng vào cảnh mà
có động có tịnh còn chân tâm thì như như bất động - Đối cảnh vô tâm.
Tâm
là gì? Tâm ở đâu? Hai câu hỏi dường rất đơn giản nhưng có lẽ sẽ không có nhiều
người trong nhân loại đưa ra được câu trả lời chuẩn xác. Những người học Phật
thì có thể trả lời hai câu hỏi trên nhưng cũng chỉ là “Bắt chước lời Phật thuyết
mà thôi”. Vì bởi họ chỉ thông qua giáo lý nhà Phật mà biết nhưng bản thân lại
không sống với cái biết đó. Thế nên Phật giáo mới rơi vào cảnh “Rồng thời vắng,
rắn thời nhiều”.
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét