Phật A Di Đà sẽ độ sinh ở những đâu khi Phật Di Lặc hạ sinh?
Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016
Người học Phật nói:
- Như các Phật tử, ai cũng biết, sắp đến ngày Phật Thích Ca nhập diệt và Bồ tát Di Lặc sẽ là vị Như Lai tiếp theo, độ trì cho những người thành tâm tu đạo. Do vậy, tôi có một vấn đề thắc mắc chưa thông. Sau đây, tôi xin nêu rõ:
* Thời Phật Thích Ca còn là Như Lai, độ trì chúng sinh 6 nẻo, người học Phật thường nói câu "Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật", câu này được dùng khi người dương thế gặp, nói chuyện, chào nhau.
* Lúc ấy, Phật A Di Đà là người độ trì cho những người ở quá khứ, đã mất không còn tại thế, ta thường thấy hình của Phật A Di Đà ở nơi có đám tang và nghe tụng kinh A Di Đà, kinh cầu siêu... và ở những nơi đó tôi thường được nghe câu: "Nam mô A Di Đà Phật".
Vậy khi Phật Thích Ca nhập diệt, Bồ Tát Di Lặc sẽ là Phật - Như Lai hiện kiếp thì Phật Thích Ca sẽ lui về độ trì cho những người đã khuất như Phật A Di Đà đã từng làm? Và nếu như vậy, Phật A Di Đà sẽ độ trì cho các chúng sinh nào?
Và ta có thể vẫn dùng câu "Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật" trong các trường hợp bình thường như lúc này hay không? (Ở các chùa, khi có thông báo đến các tăng ni và Phật tử thường mở đầu bằng câu nói này).
Kính mong các quý Phật tử cùng các đạo hữu thông tuệ giúp tôi hiểu rõ các vấn đề này hơn.
Trả lời:
Chào bạn! Ngạo Thuyết sẽ trả lời câu hỏi của bạn một cách thẳng tắt, chân thật và có phần kinh động 3 cõi, 6 đường.
Bạn tin cũng được không tin cũng chẳng sao vì về cơ bản những điều Ngạo Thuyết trình bày cũng không hại gì ai và cho dù là Chân Sư, Thánh Tăng xuất thế cũng không dám nói Ngạo Thuyết nói lời sai quấy, hư vọng.
Có một sự thật là ngoài Phật Thích Ca ra chẳng có một vị Phật hay vị Bồ tát nào khác cả.
Theo kinh điển thì có rất nhiều vị Phật như Phật A Di Đà, Phật Dược Sư Lưu ly Quang, Phật Bảo Tích, Phật Nguyệt Quang, Phật Di Lặc, Phật A Súc,… và vô số hà sa vị Bồ tát. Trong đó nổi danh nhất là Bồ tát Quan Thế Âm, Bồ tát Địa Tạng Vương,...
Nếu bạn từng đọc qua đoạn kinh niệm hồng danh Phật thì có đến hơn 100 vị. Trong đó có cả Đấu Chiến Thắng Phật. Nói khác hơn đó là Tôn Ngộ Không, một ông Phật mà Ngô Thừa Ân đã cấp chứng chỉ hành nghề Phật. Vậy mà bảy vị Phật thời quá khứ lại không được nhắc tới trong thời niệm hồng danh chư Phật.
Ngạo Thuyết muốn nói với bạn điều gì?
Có rất nhiều điều được thêm thắc vào kinh điển - giáo lý nhà Phật là do người đời sau.
Nhất là những điều liên quan đến lễ nghi, trì tụng. Đáng tiếc là những việc thêm thắc này làm lu mờ, làm xấu đi kinh điển của Phật Thích Ca. Đó là sản phẩm của người học Phật còn trong lưới vô minh hoặc là những người học Phật rơi vào lợi dưỡng, lợi danh. Kết quả của việc làm đó là khiến người học Phật rối trí, làm loạn chánh pháp.
Quay lại vấn đề của bạn đề cập, bạn dựa vào đâu mà cho rằng khi Phật Thích Ca tại thế thì Phật A Di Đà là Phật quá khứ trở về làm Phật sự trợ pháp cho Phật Thích Ca?
Theo chỗ Ngạo Thuyết được biết dựa vào kinh sách Phật học thì tương truyền Phật Thích Ca Mâu Ni đã thuyết rằng Phật Thích Ca và Phật A Di Đà ra đời cùng thời chỉ là làm Phật sự ở khác cõi mà thôi. Phật Thích Ca ở cõi Ta Bà, cõi mà Ngạo Thuyết và bạn đang ở đây.
Cõi Ta Bà là cõi được mệnh danh là nơi ở của những chúng sinh cang cường, khó độ, khó giáo hóa,… Bởi lẽ cõi này có không ít chúng sinh tự phụ sự thông minh, học rộng, biết nhiều nên lời Phật nói thì không chịu nghe, nghe thì lại không tin nhận, không làm theo nên nỗi chìm đắm trôi lăn, trong 3 cõi, 6 đường.
Còn Phật A Di Đà là Phật ở cõi Tây Phương Cực Lạc cách cõi Ta Bà vượt quá 8 vạn bốn ngàn a tăng kỳ kiếp về phía tây, nói thẳng ra với khoảng cách đó thì cho dù ngồi vào phi thuyền không gian đi với tốc độ ánh sáng thì mãn muôn kiếp cũng không đến được. Thế mà chỉ cần có người đọc niệm kinh vãng sanh thì người chết sẽ có thể đến được Tây phương.
Đối với vấn đề này nếu bạn tin thì cứ tin chứ riêng Ngạo Thuyết thì không thể tin nhận (Có lẽ Ngạo Thuyết là hạng chúng sinh can cường, khó độ nên Ngạo Thuyết đành chọn một ghế ở địa ngục vậy).
Thật ra, thời Phật Thích Ca tại thế chẳng có ai chào nhau bằng câu Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật cả. Đó là sự thật 100% vì lẽ đặt trường hợp Ngạo Thuyết và bạn sống cùng thời Phật Thích Ca. Không lẽ ở trước mặt Phật Thích Ca mà Ngạo Thuyết lại chào bạn “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”. Lúc ấy, Phật Thích Ca biết phải làm sao? Có lý nào Phật Thích Ca lặng im, không nói. Còn lên tiếng ơi thì một ngày Như Lai phải ơi bao nhiêu lần vì đệ tử Phật gặp nhau, chào nhau mà lại gọi tên Phật.
Thế nên, đây không chỉ là chỗ hỏi sai của bạn mà là sai sót của phần lớn người học Phật ngày nay.
Điều này với việc người học Phật ngày nay gặp nhau khởi câu Phật hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” có gì khác biệt không?
Không lẽ Phật A Di Đà cứ phải ơi suốt ngày. Ngạo Thuyết thật không rõ biết thời điểm nào xuất hiện câu Phật hiệu này nhưng chắc chắn rằng sẽ xuất hiện sau thời Phật Thích Ca tại thế rất lâu xa.
Cho đến khi người học Phật chia tông, rẽ giáo, tạo lập ra nhiều tông giáo riêng.
Cụ thể là khi người học Phật lập ra tông Tịnh độ thì họ mới tạo câu Phật hiệu "Nam Mô A Di Đà" nhằm tạo ra sự khác biệt và cũng là để nhắc nhở người học Phật nhớ nghĩ về con đường giác ngộ, giải thoát hoàn toàn, thoát khỏi luân hồi.
Nhưng đến nay thì dường như người học Phật đã không còn nhận rõ đâu là chánh pháp, đâu là trợ pháp. Mọi việc điên đảo, chân giả khó phân định,…
Khi Phật Di Lặc xuất thế thì Phật Thích Ca sẽ làm gì?
Sẽ không có Phật Di Lặc hạ sinh vì khi liễu ngộ chánh pháp Phật Thích Ca thì mỗi người đều sẽ phát tâm bồ tát, sống hành trì và khuyên người sống theo chánh pháp thì mỗi một người sống theo chánh pháp sẽ là một hóa thân của Phật Di Lặc. Đó chính là Phật Di Lặc thiên bá ức hóa thân.
Không có bất kỳ một người học Phật chân chính nào khi lĩnh hội sống được với chánh pháp mà dám tuyên bố "Ta là Phật Di Lặc hạ sinh".
Nếu có người dám làm điều đó thì chính là tà ma ngoại đạo không phải là Chân Phật.
Ngạo Thuyết dù bất tài cũng tìm đến để gặp và “vấn nạn” gã mạo nhận thấp hèn kia đôi câu. Câu thứ nhất tôi sẽ hỏi:
- Hắn có thực chứng pháp vô sanh chưa?
Nếu hắn trả lời chưa thì hắn chẳng thể làm Phật Di Lặc được.
Còn bằng hắn trả lời có thì tôi hỏi thêm một câu nữa:
- Nếu đã chứng pháp vô sanh thì tại sao lại có Phật Di Lặc hạ sinh?
Hẳn là kẻ mạo nhận sẽ không còn lời nào để trình bày.
Bạn có biết tại sao sa môn Tất đạt đa thành Phật không?
Vì sa môn Tất Đạt Đa chứng pháp vô sanh. Đã là vô sanh thì làm sao có sự diệt mất để mà có Phật hiện tại, quá khứ, tương lai.
Tất cả những gì Phật thuyết chỉ nhằm giúp nhân loại tin nhận 3 cõi, 6 đường là thật có và con người là một chúng sinh nhào lên, lộn xuống trong các nẻo luân hồi.
Muốn thoát khỏi luân hồi thì con người phải sống theo chánh pháp, học hỏi sự hiểu biết để phá tan cái bản ngã - cái tôi mà mỗi con người đang chấp giữ.
Buông bỏ cái tôi mê lầm đó con người sẽ được giải thoát hoàn toàn.
Thật sự là sau một thời gian tìm hiểu, học hỏi, lĩnh hội những lời Phật thuyết thì Ngạo Thuyết dám khẳng định "Điều đó là sự thật, là lời nói đúng thật của Phật Thích Ca. Còn Tam tạng kinh điển chỉ là phương tiện, là những chỉ dẫn cho con người nhận biết rõ điều đó".
Ngạo Thuyết thật thấy tiếc cho rất nhiều vị Tăng bảo lầm lạc đường tu, diễn giải kinh điển sai lạc khiến người học Phật rối trí và khiến nhân loại hiểu sai về bổn nguyện của Phật Thích Ca.
Cám ơn câu hỏi của bạn! Dẫu là một câu hỏi sai nhưng cũng là một câu đáng hỏi!
Ngạo Thuyết cả nghĩ người học, tìm hiểu kinh Phật nên hỏi những điều mình không rõ biết, dù là hỏi sai thì cũng sẽ có người góp ý, trả lời để sự hiểu biết nơi bản thân thông suốt, hoàn thiện hơn.
Nếu người trả lời đúng thì tin nhận, biết thêm còn không đúng thì bỏ qua, hoặc là tránh vấp những lỗi sai của người thì cũng học được điều hay.
Chúc bạn và mọi người an lạc, hạnh phúc, thương yêu hòa hợp!
(25/01/2016)
...
#Nikaya_Đốn_Ngộ
#Một_Thoáng_Phương_Đông
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét