Đạo cao một thước, Ma cao một trượng
Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015
Chương I
Chim thiên nga trúng tên
I. Đạo cao một
thước, Ma cao một trượng.
Có dịp ra Bắc, tôi ghé thăm nhà người bạn. Vào một buổi sáng, tôi chợt nghĩ
đến việc đi viếng chùa.
Tôi hỏi:
- Bác trai! Chùa làng mình có ở gần đây không? Cháu có ý đi viếng cảnh chùa.
Bác trai đáp:
- Cháu muốn viếng chùa to hay chùa bé?
Dì chợt lên tiếng:
- Làng mình làm gì có chùa nào bé. Toàn là chùa to cả.
Bác trai như chợt nhớ ra:
- À, làng mình thật không còn ngôi chùa nào bé. Sư bây giờ giàu lắm!
Dì tiếp lời:
- Sư bây giờ không dùng xe máy đời cũ. Nhiều sư “đánh” cả xe con mà đi. Sư
không cần tài xế, sư tự lái xe lấy,...
Dì quay sang nói với tôi:
- Cháu đi viếng chùa vào khoảng thời gian này không vui đâu. Cháu phải đi
vào khoảng thời gian đầu tháng. Vui nhất là tháng giêng, tháng hai, tháng ba,…
Nam thanh, nữ tú dập dìu. Người ta sắm sửa đồ cúng lễ rất trang hoàng. Nào là
giấy tiền vàng mả, nhà lầu, xe hơi, máy bay, quần áo,… nhiều món to như thật
vậy. Mọi người chỉ cúng bái, cầu nguyện, viếng cảnh chùa,… tập trung vào những
ngày đầu tháng. Không biết ở quê cháu thì sao chứ ngoài này người ta quan niệm
cúng vào những ngày đầu tháng các vong linh mới tiếp nhận đồ cúng lễ được. Thế
nên trong vòng vài ngày, có nhiều chùa đốt đồ hàng mả lên đến số tiền tỷ,…
Bác trai lại lên tiếng:
- Thật là phí phạm! Người chết là hết rồi. Lấy tiền thật mua đồ giả, đốt đồ
giả mất tiền là thật. Có ai đâu mà nhận. Toàn là trò mê tín dị đoan. Còn bày
trò coi bói, đồng bóng, trạng, cầu an, giải hạn, cúng sao…
Thấy tôi nín lặng, bác trai hỏi:
- Lần trước, cháu ra đây cách nay là bao lâu?
Tôi:
- Dạ, khoảng hơn 10 năm. Thời gian trôi qua nhanh thật.
Bác trai:
- Cháu có nhớ cái mảnh vườn mà bác trồng nhãn, trồng táo không? Đó là mảnh
vườn của chùa làng mà bác đã nhận làm. Cái mảnh vườn nằm cạnh ngôi chùa bé.
Ngoài này, mỗi làng đều có một cái chùa riêng. Chùa thì khách thập phương, ai
cũng có thể vào cúng viếng còn đình làng thì chỉ có người trong làng mới được
vào. Ngay cả người trong làng muốn cúng lễ ở đình cũng phải xin phép mới được
vào làm lễ,…
Tôi:
- Dạ, hơn 10 năm rồi cháu không còn nhớ rõ. Cháu chỉ nhớ có ra trẩy một ít
quả táo mang về.
Bác trai:
- Bác đã trả mảnh vườn lại cho chùa rồi. Ngôi chùa đó, giờ to lắm. Đất chùa
bây giờ rộng lắm. Nhà chùa không mua đất. Bác không hiểu họ vận động làm sao mà
người ta cho chùa nhiều đất thế. Bác thấy bây giờ sư không làm gì mà tại làm
sao sư giàu thế. Các sư nhiều tiền lắm!
Tôi:
- Tiền sư có là của khách thập phương cúng dường và tiền của sư đi cúng đám
ma chay, hộ niệm,…
Dường như, bác trai không chú ý lời nói của tôi,
Bác trai:
- Bác thấy sư bây giờ không làm gì mà sao sư nhiều tiền thế. Ngày trước,
chùa đâu có to. Bây giờ chùa nào cũng to, đất thì rộng. Ngày trước, sư ở chùa
phải làm ruộng, trồng màu để sống. Còn bây giờ, sư không làm gì mà sao sư nhiều
tiền thế.
Trong lòng tôi dậy lên một sự xót xa, …
Tôi:
- Hàng mả ở ngoài này đốt trong vài ngày lên đến tiền tỷ phải không, Bác?
Bác trai:
- Có mà hàng nhiều tỷ.
Tôi:
- Thật là …! Người chết rồi, thần thức thoát ra khỏi thân xác không còn tồn
tại ở dạng vật chất như là đất, nước, gió, lửa. Thế nên bằng mắt ta không thể
nhìn thấy, cũng không thể nắm bắt được. Thần thức người chết thể như hư không
nhưng vì u mê vọng chấp có thân. Trong tâm ý mê mờ đó, người chết vẫn nghĩ mình
còn thân, tự dối lừa mình trong tấm thân không thật có. Vẫn tham đắm việc uống
ăn nhưng thật không có chỗ để uống ăn. Đây là những vong linh tồn tại trong
kiếp ngạ quỷ. Những người đã khuất luân chuyển sang cõi Trời, Atula thì không
cần cõi Người cung cấp đồ dùng. Vì bởi phước báu chúng sinh cõi Trời rất lớn,
muốn gì có ngay thứ ấy. Quần áo, trang sức lộng lẫy, thức ăn thượng hạng,...
Một số sống trong thiền định tiêu diêu, tự tại. Chúng sinh cõi Atula thì bận
bịu trong việc trao chuốt sắc đẹp, ca hát, đánh đàn,… Phần lớn mãi lo đánh
nhau. Thế nên, chúng sinh hai cõi này chẳng cần nhận những đồ hàng mả mà con
người gửi lên. Đồ hàng mả ở cõi Người nếu gửi lên được chỉ làm bẩn cõi giới của
họ. Còn những chúng sinh tồn tại trong cõi Địa ngục thì đang chịu muôn điều
hành hạ làm sao có thời gian mà thọ hưởng việc uống ăn, đi ôtô, xe máy, ở nhà
to đẹp,... Trải qua thời gian rất lâu, tâm trí vơi bớt hoảng loạn, họ sẽ luân
chuyển sang những nẻo khác. Số đông luân chuyển sang kiếp Ngạ quỷ tiếp tục sống
trong mê lầm. Việc đốt hàng mả không mang nhiều lợi ích cho chúng sinh trong
cõi vô hình mà khiến cho những chúng sinh mê lầm thêm ngộ nhận. Họ sẽ chấp nhận
sống kiếp không thân lang thang vất vưởng và chờ đợi những người thân gửi đồ
giả xuống hưởng dụng. Chỉ khi con người không gửi đồ xuống cho họ. Họ sẽ thấy
đói khát, rét lạnh đến chết đi sống lại nhiều lần. Cuối cùng, họ sẽ dần ý thức
được họ không hề chết vì lẽ họ không còn cái gì để gọi là chết. Tất cả chỉ do
tâm ý mê lầm mà có sự sống chết. Khi nhận ra điều đó thì tùy nghiệp duyên đời
trước mà họ sẽ chuyển sang nẻo khác.
Bác trai nói:
- Làm gì có. Chết là hết. Bác đi từ bắc vào nam. Chùa chiền, miếu mạo,
những nơi hoang vắng ít người đặt chân đến, bác cũng từng đến mà bác nào có
thấy hồn ma bao giờ?
Dì lên tiếng:
- Tin thì mới gặp, không tin thì làm sao mà gặp được.
Tôi trình bày:
- Thật không phải chết là hết. Cháu đã từng được học trong môi trường giáo
dục khoa học để tin rằng con người chết là hết. Cháu rất tin vào điều đó. Cho
đến khi cháu có dịp gặp và trò chuyện
với những người đã khuất. Lần gặp đầu cháu còn hoài nghi tính xác thực
nhưng đến lần gặp thứ hai thì cháu không thể không tin. Bác và dì đừng vội nhận
định vấn đề cháu nói là đúng hay sai. Mọi người chỉ dừng lại vấn đề ở góc đánh
giá có lý hay không có lý. Nếu có lý thì mọi người nên tin. Hơn nữa, cháu dối
lừa bác nào được lợi ích gì. Cháu cũng không chấp nhận việc mê tín dị đoan vì
đó là điều không hợp lý.
Dì lại hỏi:
- Hôm giỗ bà nội, gia đình có thỉnh một cậu trạng để hỏi ngày mất của một
người trong gia đình đã chết trẻ từ hồi chiến tranh loạn lạc để tiện việc cúng
lễ. Hôm đó, hình như cháu cũng có mặt.
Tôi:
- Vâng, cháu thấy hơi lạ - Giỗ ngoài bắc làm khác trong miền nam. Cháu còn
định hỏi “Đám giỗ mà mời ông đồng, bà bóng về làm gì?”. Nhưng cháu thấy không
tiện nên thôi.
Dì nói:
- Cháu có tin không? Chứ dì không tin lắm! Đã mời ba cậu trạng về hỏi ngày
mất của cùng một người lại có 3 ngày mất khác nhau. Tên tuổi cũng sai khác.
Tôi nói:
- Chuyện đồng bóng cháu không muốn đề cập nhưng dì đã hỏi thì cháu sẽ trình
bày. Việc lên đồng có thật, có giả.
Tôi tiếp tục:
- Có một số người thích công việc nhàn hạ mà vẫn có tiền tiêu xài, họ đã
làm việc lừa người dối quỷ thần. Chỉ vài ba lần rùng mình, thay đổi hành vi,
cách nói, giọng nói và thêm vài hình thức khoa trương thì dễ dàng moi tiền thân
chủ. Đây là hạng giả danh đồng bóng. Giả thì không thể cho ra được những lời
thật. Hạng người này, nếu không tự biết dừng lại thì đời sau sẽ mê mờ trong nẻo
tối. Bởi vì “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
Tôi tiếp lời:
- Hạng thật có nhiều dạng nhưng gồm hai hạng chính.
o
Hạng thứ
nhất: Đây là hạng người, nhiều tiền kiếp trước đó từng buông lung tánh ý, thần
trí loạn động,... Một số là những cô cậu trạng giả danh luân chuyển thành,...
Vì thế hiện kiếp người này tinh thần không được định tỉnh, lúc tỉnh lúc mê.
Ngôi nhà xác thân của chính mình lại không thể làm chủ thường bị chúng sinh nẻo
không thân đoạt nhà. Tâm ý nẻo không thân mượn nhà hạng người này lại cũng mê
loạn. Thế nên họ cũng không thể cho lời nói thật.
o
Hạng thứ hai:
Hạng người này từng luyện qua pháp thuật, bùa chú,… được chúng sinh không thân
ở nẻo giới cao phò trợ nên lời nói có phần thật hơn. Nhưng đây cũng không phải
là chánh pháp. Không là chánh thì hiển nhiên là tà. Nếu mọi người muốn tin nhận
thì phải xét xem vấn đề có lý hay không? Phàm việc gì cũng đừng rơi vào thái
quá. Quá mức sẽ loạn, người sống loạn mà người đã khuất càng thêm mê mờ.
Bác trai lại nói:
- Khi nhận mảnh vườn làm, bác vẫn hay ngủ lại ở chùa. Có hôm bác nghe có
tiếng người gọi tên bác. Bác trở mình lấy đèn tìm xem ai kêu nhưng không thấy
ai cả. Những hôm khác, bác lại nghe gọi, bác đợi họ kêu 2, 3 tiếng. Tiếng kêu
rất rõ nhưng bác không nhận ra được tiếng của ai. Bác đã có lúc từng nghĩ là
người làng trêu bác nhưng lại nhớ ngày đó làng đâu có nhiều người, chùa lại
cách xa làng. Bác lại lấy đèn tìm nhưng cũng chẳng thấy. Nếu có ma thì bác phải
thấy chứ?
Tôi nói:
- Thần thức người đã khuất vốn không phải là dạng vật chất hữu hình. Thế
nên con người muốn dùng đôi mắt thịt để nhìn thấy thì không có lẽ đó. Ngay khi
bác trở mình thì bác đã đánh mất cơ hội để gặp họ. Bác hãy nhớ lại xem khi đó
bác đã ngủ hẳn chưa?
Bác trai nói:
- Rõ ràng là bác chưa ngủ. Bác nghe tiếng gọi rõ mồn một mà. Nhưng bác đứng
lên đi tìm thì không thấy gì cả.
Dì lên tiếng:
- Tại anh đứng lên, đi tìm nên không thể gặp họ.
Tôi tiếp lời:
- Thật vậy! Con người chỉ có thể tiếp xúc với cõi giới vô hình ở ranh giới
mơ hồ giữa thức và ngủ hoặc ở ranh giới giữa sự sống và cái chết. Đây là trạng
thái không dễ nghĩ bàn. Tuy nhiên, những người tinh thần không định tỉnh thì dễ
bắt gặp người đã khuất hơn. Đôi khi, họ nói họ nhìn thấy những người mà ta
không hề nhìn thấy bằng đôi mắt thịt. Có thể họ không nói dối nhưng thật ra họ
đã mơ hồ không rõ biết ngay thời điểm họ nhìn thấy những người đã khuất thì họ
đã lơ là mở cánh cửa ngôi nhà xác thân và thần thức họ đã “chân trong, chân
ngoài” với ngôi nhà xác thân .
Bác trai nói:
- Có phải bác cứng nhắc, cố chấp quá không?
Tôi nói:
- Cháu không nói thế. Cháu chỉ nói “Phàm việc gì có lý thì cũng nên tin
nhưng đừng rơi vào quá mức. Việc này không có hại chỉ có lợi thôi”.
Nhìn ra ngoài đường, trời tháng 09 oi bức.
Tôi chợt nghĩ:
- Phật giáo suy vi. Rồng thì vắng, rắn thì nhiều khiến người đời không thể
không bài bác.
Dì lên tiếng:
- Trong nam sư ăn mặn hay ăn chay? Ngoài này có sư vẫn thường ăn mặn.
Tôi hỏi lại:
- Sư ăn mặn?
Dì tiếp lời:
- Có là gì. Sư đội tóc giả, lái “xế hộp”. Sư đi uống rượu, ăn thịt chó, sư
đi hát karaoke,…
Những lời nói rất chướng tai đối với những Phật tử tín thành và gây mất
niềm tin về Phật giáo đối với mọi người trong xã hội. Nhưng không có lửa thì
làm sao có khói.
Nhìn thân Phật chảy máu, tôi thật sự xót xa. Tôi không xót xa cho Phật vì
tôi rõ biết Pháp thân Như Lai là như như bất động. Dù cho máu Phật có chảy
thành sông, trái đất có nổ tung thì Phật cũng chẳng thể diệt mất. Tôi chỉ xót
xa cho những vị Tăng bảo lầm đường, lạc bước. Thân mang trọng trách giữ gìn
Pháp bảo lại không giữ phạm hạnh, giới luật gây ngộ nhận cho người đời về đạo
giải thoát. Đáng thương hơn là những vị Tăng bảo này đắm chìm trong dục lạc,
khó mong thoát ra khỏi bể khổ luân hồi. Đây là kết quả của quá trình tu học
trên lý, làu thông kinh điển. Biết đạo, hiểu đạo lại chấp lý Không, không lĩnh
hội được kinh Phật lại bị kinh Phật chuyển. Không sống được với Đạo.
Người đời
thường nói “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Những điều tôi trình bày ở
trên là đúng hay sai? Thiết nghĩ điều đó không là vấn đề thật sự quan trọng,
cũng không là chướng ngại đối với những người học Phật chân chính vì lẽ “Cây
ngay không sợ chết đứng”. Tôi cũng thật xót xa khi phải viết ra những điều
“Trái tai gai mắt” đó. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng: Những người học Phật chân
chính luôn bao dung, độ lượng và một khi người học Phật hành trì theo đúng
chánh pháp thì họ sẽ rõ biết tôi đang làm một việc đúng đắn góp phần làm sáng
rõ chánh pháp của Phật Thích Ca. Đứng ở một góc nhìn tổng thể, khách quan,...
để chỉ ra những sai lạc, ngộ nhận tồn tại ở người học Phật là một việc làm góp
phần hoằng dương chánh pháp. Trân trọng!
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét