Luận Giải (P.2)
Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016
Ngôn ngữ viết Đạo đức kinh lại là
ngôn ngữ Trung Hoa cổ, rất nhiều từ đồng âm, khác nghĩa và có những từ có rất
nhiều nghĩa; Việc trình bày lại ngắn gọn, việc lưu truyền lâu xa, việc sao chép
nhiều lần nên dẫn đến nhiều đoạn ở bản gốc bị sai lạc, tối nghĩa. Có đoạn do
người đời sau thêm vào. Không ít câu từ khi đặt vào mỗi ngữ cảnh khác nhau lại
có ý nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau. Cụ thể:
Câu “Tuyệt học vô ưu” khi đặt trong nguyên bản thì được dịch là “Dứt
học thì không lo” nhưng khi tách rời ra khỏi Đạo đức kinh lại có hàm nghĩa khác
hẳn là “Điều cao nhất của việc học là giữ được sự không lo lắng, ưu phiền, giữ
lòng hư tĩnh, vô ưu”. Bởi lẽ chữ “tuyệt” ngoài nghĩa là “chấm dứt, gạt bỏ” còn có
nghĩa khác là “cao nhất”.
Câu “Thiên địa bất nhân dĩ vạn vật vi sô cẩu; Thánh nhân bất nhân dĩ bách
tính vi sô cẩu” khi đặt vào bối cảnh xã hội mà Lão Tử sống với “Triều thậm trừ,
điền thậm vu, sương thậm hư; Phục văn thái, đái lợi kiếm, yếm ẩm thực, tài hóa
hữu dư, thị vị đạo khoa, phi đạo dã tai!”
Triều đình thật ô uế, đồng ruộng
thật hoang vu, kho lẫm thật trống rỗng; Mà họ bận áo gấm thêu, đeo kiếm sắc, ăn
uống chán mứa, của cải thừa thãi. Như vậy là trùm trộm cướp chứ đâu phải là hợp
đạo!
Thì câu “Thiên địa bất nhân dĩ vạn vật vi sô cẩu; Thánh nhân bất nhân dĩ bách
tính vi sô cẩu” sẽ được hiểu với nghĩa: Trời đất không có tình người xem
mọi vật bình đẳng, không phân biệt, mọi thứ đều như chó rơm không thương, không
ghét; Thánh nhân ở đây được dùng với hàm nghĩa là người ở trên, tức là nhà cầm
quyền. Thế nên câu sau sẽ được diễn nghĩa: Vua chúa, quan lại đương thời không
có tình người, xem dân đen như chó rơm, như cỏ rác, mặc sức vơ vét, bóc lột, hà
hiếp.
Ngược lại, khi đặt câu
“Thiên địa bất nhân dĩ vạn vật vi sô cẩu; Thánh nhân bất nhân
dĩ bách tính vi sô cẩu” vào ngữ cảnh sau thì ý nghĩa sẽ khác đi.
(56-1)Tri giả bất ngôn; Ngôn giả bất tri. Tắc kì đoài, bế kì môn, tỏa kì
nhuệ, giải kì phân, hòa kì quang, đồng kì trần. Thị vị huyền đồng.
(5-1)Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu; Thánh nhân bất nhân, dĩ
bách tính vi sô cẩu.
(79-2)Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân.
(56-2)Cố bất khả đắc nhi thân. Bất khả đắc nhi sơ. Bất khả đắc nhi lợi.
Bất khả đắc nhi hại. Bất khả đắc nhi quí. Bất khả đắc nhi tiện. Cố vi thiên hạ
quí.
Người nào sống thuận theo đạo thì
không nói về đạo; Người nào nói về đạo thì không thật sống trong đạo. Vì lẽ
người đạt đạo là người đã ngăn hết các lối, đóng hết các cửa, không để lộ sự
tinh nhuệ ra, gỡ những rối loạn, che bớt ánh sáng, hòa đồng với trần tục. Như
vậy người đó đã hòa đồng với vạn vật một cách hoàn toàn, họ sẽ không tự biểu
hiện, chứng tỏ sự hiểu biết của bản thân.
Trời đất không có tình người, coi
vạn vật như chó rơm, như cỏ rác, không thương, không ghét; Người đạt đạo dường như cũng không có tình
người, coi mọi người cũng như chó rơm, cỏ rác, không ghét thương. (Hàm ý nói người đạt đạo có thái độ bình
đẳng, không phân biệt khi tiếp người cho dù người đối diện là ai thì người đạt
đạo vẫn giữ thái độ trung dung, bình thản)
Trời đất và người đạt đạo không tư
vị, thân thích với bất kỳ ai, thường quý mến người có đức.
Đạt tới cảnh giới đó thì người đạt
đạo sẽ rõ biết không có ai là người thân thích. Không có ai là người xa lạ. Không
có ai làm cho mình được lợi. Không có ai làm cho mình bị hại? Không cần người
khác tôn trọng. Không quan tâm đến người nhận định mình hèn hạ, thấp kém. Vì
vậy mà người đạt đạo trở nên tôn quí nhất trong thiên hạ.
Ở phần 36,
Tương dục hấp chi, tất cố trương chi. Tương dục nhược chi, tất cố cường
chi. Tương dục phế chi, tất cố cử chi. Tương dục đoạt chi, tất cố dữ chi. Thị
vị vi minh. Nhu nhược thắng cương cường.
Ngư bất khả thoát ư uyên; Quốc chi lợi khí bất khả dĩ thị nhân.
Muốn cho vật gì thu rút lại thì tất
hãy mở rộng nó ra đã. Muốn cho ai yếu đi thì tất hãy làm cho họ mạnh lên đã.
Muốn phế bỏ ai thì tất hãy đề cử họ lên đã. Muốn cướp lấy vật gì thì tất hãy
cho đã. Hiểu như vậy là sâu kín mà sáng suốt. Vì nhu nhược thắng được cương
cường.
Cá không nên rời khỏi vực. Lợi khí
của đất nước không nên khoe cho dân thấy.
Đoạn văn này thể hiện sự cơ mưu,
quyền biến của bọn mưu sĩ. Không hợp với tư tưởng vô vi, giữ lòng hư tĩnh, coi
trọng sự thành tín,… của Lão Tử. Có lẽ đoạn văn này do người đời sau chịu ảnh
hưởng tư tưởng Pháp gia thêm vào.
Ở phần 79,
(79-1)Hòa đại oán, tất hữu dư oán, an khả dĩ vi thiện?
Thị dĩ thánh nhân chấp tả khế, nhi bất trách ư nhân. Hữu
đức ti khế; Vô đức ti triệt.
Giải được cái oán lớn thì vẫn còn
chút oán thừa trong lòng, như vậy sao gọi là phải?
Cho nên người sống theo đạo sẽ cầm
phía bên trái tờ khế ước(tờ hợp đồng) mà đời không nhận bởi vì người sống theo
đạo chỉ giữ tờ khế ước để làm tin chứ không buộc người phải trả. Thế nên người
có đức cũng sẽ cầm phía trái tờ khế ước; Người không có đức thì không làm như
vậy, họ sẽ cầm bên phải tờ khế ước và sẽ đòi người phải trả cho mình.
Ở phần 54 có đoạn:
Tử tôn dĩ tế tự bất chuyết.
Con cháu mà khéo lập, khéo giữ việc
tế tự thì dòng tộc sẽ đời đời không dứt mất.
Hai đoạn văn này khi xét kỹ sẽ nhận
thấy có ẩn chứa tư tưởng của Nho giáo, hẳn là phần thêm vào của người đời sau.
Ở phần 55,
có đoạn:
Hàm đức chi hậu, tỉ ư xích tử. Độc trùng bất thích, mãnh thú bất cứ; Quắc
điểu bất bác. Cốt nhược, cân nhu nhi ác cố, vị tri tẫn mẫu chi hợp nhi tôi tác,
tinh chi chí dã. Chung nhật hào nhi bất sá, hòa chi chí dã.
Người nào có đức dày thì như con đỏ.
Độc trùng không chích, mãnh hổ không vồ, ác điểu không quắp. Xương yếu gân mềm
mà tay nắm rất chặt, chưa biết giao hợp mà con cu dựng đứng, như vậy là tinh
khí sung túc. Suốt ngày gào hét mà giọng không khản, như vậy là khí cực hòa.
Lão Tử là người sống tùy thuận theo
đạo nhưng ông thật không phải là một Đạo gia. Đoạn “Hàm đức chi hậu, tỉ ư xích tử. Độc trùng bất thích, mãnh thú bất cứ; Quắc
điểu bất bác” chính thật là do Lão Tử viết vì Lão Tử khuyên dạy mọi người
nên giữ tâm xích tử, là giữ tâm hồn như là đứa trẻ sơ sinh vô tư, vô lự, hồn
nhiên sống. Con người sống theo đạo không nên đi vào nơi hung hiểm, tuyệt địa
như chiến trường, rừng sâu, núi thẳm,… thì sẽ không bị mãnh thú vồ, ác điểu
quắp, chết vì binh khí, đao kiếm. Về sau, các đạo gia tu tiên đã dựa vào việc
giữ “Tâm xích tử” đã khai mở sự hiểu biết phát triển đoạn kinh văn trên thêm
một bước tạo thành yếu quyết “Bế tinh, luyện khí”. Thế nên, đoạn “Cốt nhược, cân nhu nhi ác cố, vị tri tẫn mẫu
chi hợp nhi tôi tác, tinh chi chí dã. Chung nhật hào nhi bất sá, hòa chi chí
dã” là do những người theo Lão giáo bổ sung thêm vào vì lẽ tinh ý bạn sẽ
nhận ra đoạn này không nhất quán với tư tưởng xuyên suốt của Đạo đức kinh. Cách
hành văn của Đạo đức kinh chủ yếu thể hiện những quy luật chung chung, không đi
vào cụ thể, không đi sâu vào chi tiết và thường mang tính giả định qua các ngôn
từ - cơ hồ, dường như,…
…
Không chỉ vậy, có không ít đoạn thể
hiện ý từ của việc điều binh của các nhà binh lược - binh pháp.
Tuy nhiên, với những đoạn kinh văn
có thể dung hòa với nguyên bản thì tôi sẽ tùy thuận giữ lại. Những đoạn không
nhất quán với Đạo đức kinh tôi sẽ lược giản khỏi bản gốc Đạo Đức Kinh Tân Bản.
Đối với những đoạn kinh văn do quá
trình lưu giữ, sao chép bị dư, thiếu hoặc sai từ,… tôi sẽ tùy thuận hiệu chỉnh
lại cho phù hợp, thống nhất với tư tưởng chung của Đạo đức kinh.
Ở phần 20, có đoạn không nhất quán với tư tưởng của Đạo đức kinh nên chăng
hiệu đính lại cho hợp lý hơn.
(20-2)Duy chi dữ a, tương khứ kỉ hà? Thiện chi dữ ác, tương khứ nhược
hà?
Việc vâng dạ với thái độ kính trọng,
lễ phép và câu trả lời ơi với giọng nói bất cần, thiếu tôn trọng khác nhau bao
nhiêu? Việc thiện với việc ác khác nhau thế nào? (Trích lược từ bản dịch của dịch giả Nguyễn Hiến Lê)
Ở góc nhìn tổng thể, khách quan,…
câu từ đoạn văn này có phần sai khác, dị biệt với tư tưởng xuyên suốt trong nội
dung của Đạo Đức Kinh. Nguyên nhân của sự không đồng nhất này có lẽ do việc sao
chép nhiều lần khiến cho bản gốc Đạo Đức Kinh bị sai xót một vài từ dẫn đến nội
dung, ý nghĩa của câu văn bị thay đổi. Trong trường hợp này, có lẽ do từ đa
[多] và từ a
[阿] là hai từ đồng âm vì thế chữ đa [多] bị viết nhầm thành chữ a [阿] . Nếu
dùng chữ đa [多] thay cho chữ a [阿] thì
đoạn Đạo Đức Kinh trên sẽ được viết lại như sau:
(20-2)Duy chi dữ đa, tương khứ kỉ hà? Thiện chi dữ ác, tương khứ nhược
hà?
Ít và nhiều khác nhau ra sao? Việc
thiện ác khác nhau như thế nào?
Và bản dịch sẽ được diễn giải lại sẽ
có nội dung nhất quán, tương đồng với tư tưởng mà Lão Tử thể hiện xuyên suốt
trong Đạo Đức Kinh.
Ở phần 50, có đoạn:
Xuất sinh nhập tử. Sinh chi đồ thập hữu tam, tử chi đồ thập hữu
tam, nhân chi sinh, động chi tử địa, diệc thập hữu tam.
Phù hà cố? Dĩ kì sinh sinh chi hậu. Cái văn thiện nhiếp sinh giả, lục
hành bất ngộ hủy hổ, nhập quân bất bị binh giáp. Hủy vô sở đầu kì giác, hổ vô
sở thố kì trảo; Binh vô sở dung kì nhẫn. Phù hà cố? Dĩ kì vô tử địa.
Ra đời gọi là sống, vô đất gọi là
chết, cứ 10 người ra đời thì 3 người bẩm sinh được sống lâu, 3 người bẩm sinh
chết yểu, 3 người có thể sống lâu được nhưng chết sớm.
Như vậy là vì đâu? Vì hạng người thứ
ba tự phụng dưỡng quá hậu (hưởng thụ quá mức). Tôi từng nghe nói người khéo
dưỡng sinh thì đi đường không gặp con tê ngưu, con hổ, ở trong quân đội thì
không bị thương vì binh khí. Con tê ngưu không dùng sừng húc, con hổ không dùng
móng vồ, binh khí không đâm người đó được. Tại sao vậy? Tại vì người đó khéo
dưỡng sinh, không tiến vào tử địa. (Trích
lược từ bản dịch của dịch giả Nguyễn Hiến Lê)
Ngoài ra đoạn “Sinh chi đồ thập hữu tam, tử chi đồ thập hữu tam, nhân
chi sinh, động chi tử địa, diệc thập hữu tam…” còn được diễn dịch
theo nhiều cách thức khác nhau nhưng nhìn chung ý từ có phần rối, tối nghĩa,…
Có lẽ đoạn kinh văn này qua quá trình truyền giữ đã có sự sai xót, cụ thể là dư
3 chữ “hữu” khiến cho ngữ nghĩa của đoạn văn rối rắm, khó luận giải. Nên chăng
bỏ chữ “hữu” thì việc diễn nghĩa có phần mạch lạc hơn.
Xuất sinh nhập tử. Sinh chi đồ thập tam, tử chi đồ thập tam. Nhân chi
sinh; Động chi tử địa, diệc thập tam. Phù hà cố?
Dĩ kì sinh sinh chi hậu. Cái văn thiện nhiếp sinh giả, lục hành bất ngộ
hủy hổ, nhập quân bất bị binh giáp. Hủy vô sở đầu kì giác, hổ vô sở thố kì
trảo; Binh vô sở dung kì nhẫn. Phù hà cố? Dĩ kì vô tử địa.
Sinh ra gọi là sống, mất đi gọi là
chết. Ví như là có 13 người được sinh ra thì 13 người đó cũng sẽ chết đi. Sự
thật là con người sinh ra, sống, làm việc,… sau một thời gian thì con người sẽ
phải chết. Số người sinh ra chính bằng số người chết đi cũng đều là 13 người.
Có phải là như vậy không?
Trong số những người được sinh ra
đó, có một số người sống được dài lâu, có tuổi thọ cao vì họ biết dưỡng sinh,
biết quý trọng mạng sống. Tôi từng nghe nói người khéo dưỡng sinh thì đi đường,
sẽ tránh không gặp con tê ngưu, con hổ; Ở trong quân đội thì tránh không để
binh khí làm thương tổn. Vì vậy mà không bị con tê ngưu dùng sừng húc, không bị
con hổ dùng móng vuốt vồ; Không bị binh khí tổn hại. Tại sao lại như vậy? Tại
vì người đó khéo dưỡng sinh, không đặt mạng sống của mình vào những nơi hung
hiểm, tuyệt địa.
Trong Đạo đức kinh, hai từ “Thánh
nhân” được Lão Tử dùng rất nhiều lần với nhiều nghĩa khác nhau tùy thuộc vào
ngữ câu, ngữ cảnh mà có các nghĩa sau: 1 - Người đạt đạo, 2 - Người học đạo, 3
- Người sống theo đạo, 4 - Người hiểu biết, 5 - Nhà cầm quyền hiểu đạo, 6 - Nhà
cầm quyền, 7 - Các bậc tiền hiền, minh quân như vua Nghiêu, vua Thuấn,…
…
Tôi sẽ hệ thống lại bản Đạo đức kinh
nhằm giúp người đọc dễ lĩnh hội ý từ, nhận rõ chân giá trị của quyển sách cổ
quý giá của tiền nhân. Những mong bạn đọc lĩnh hội, chuyển hóa, sống tùy thuận theo
những “điều” mà Lão Tử đã “gửi gắm” nhằm giúp cho mọi người có cuộc sống bình
dị, an ổn, hạnh phúc, giảm trừ khổ đau cho bản thân và mọi người xung quanh; Đẩy
lùi chiến tranh, việc giết chóc,…; Góp phần xây dựng xã hội loài người hòa bình,
ấm no và hạnh phúc; Hướng nhân loại đến một nền văn minh mới thật sự bình đẳng,
hài hòa, văn minh, tiến bộ và có hiểu biết.
Trân trọng!
Bài liên quan
Bạn luận hay quá :) Rất hay ~
Trả lờiXóa