Khuất Nguyên đi coi bói
Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017
Khuất Nguyên bị cấm ba năm
không được gặp vua. Khuất Nguyên là người tận trí, tận trung mà lại bị bọn gian
thần hãm hại, gièm pha khiến vua xa cách.
Lòng buồn, ý loạn Khuất
Nguyên không biết phải đi con đường nào. Vì vậy ông mới đến nhà quan Thái bốc
Trịnh Thiềm Doãn dò hỏi:
- Tôi có điều nghi, xin Tiên
Sinh giải hộ cho.
Thiềm Doãn sửa ngay lại cỏ
thi, phủi bụi mu rùa, hỏi:
- Ông muốn coi việc chi?
Khuất Nguyên đáp:
- Nằm lâu thì muốn dậy, bị
giam lâu thì muốn được thả ra,... Tôi nghe rằng “Sự chứa đựng lâu rồi thì phải
tiết ra. Sự bế tắc đến cùng cực rồi thì sẽ được thông đạt. Sự nóng đến cùng cực
rồi thì nổi gió. Đông qua xuân đến,… không gì co rồi mà không duỗi, đi xa rồi
thì trở lại, một đi một về,…”. Tôi còn có điều nghi. Xin tiên sinh chỉ bảo.
Thiềm Doãn nói:
- Ông đã biết cả rồi còn hỏi
gì nữa?
Khuất Nguyên nói:
- Tôi vẫn chưa rõ biết lẽ
huyền diệu ẩn trong đó. Xin ông giảng giải giúp.
Trịnh Thiềm Doãn đáp lời:
- Đạo Trời thân với gì? Chỉ
thân với Đức mà thôi. Quỷ thần linh nhờ đâu? Nhờ người mà linh. Cỏ thi là thứ
cỏ khô, mai rùa là thứ xương khô đều là vật vô tri. Ông sao không nghĩ đến ngày
trước? Có ngày trước tất phải có ngày nay. Cho nên bây giờ đây là tường xiêu,
gạch nát thì biết đâu ngày trước nơi này là cao lâu, tửu quán. Bây giờ là bụi
hoang, cành gãy thì ngày trước biết đâu là hoa quỳnh, cây ngọc. Bây giờ đây là
ma trơi, đom đóm thì ngày trước biết đâu đây là đèn vàng, nến bạc. Bây giờ đây
là rau đắng, rau má thì ngày trước biết đâu đây là cao lương, mỹ vị. Bây giờ đây
là lá phong hồng, bông địch trắng thì ngày trước biết đâu đây chẳng là gấm xứ
Thục, lụa xứ Tề. Trước kia không có mà nay có, đâu phải dư. Trước kia có mà nay
không, đâu phải thiếu. Vậy nên hết ngày thì đến đêm, hoa nở lại tàn, xuân qua
thu đến, vật cũ rồi mới, dưới dòng nước chảy mạnh tất có vực sâu, dưới chân núi
cao tất có hang thẳm. Quân hầu đã biết rõ lẽ ấy rồi, còn coi bói làm gì?
Khuất Nguyên lại nói:
- Tôi có nên khẩn khoản gìn
giữ mãi một lòng trung chính hay nên đưa đón theo đời để khỏi khốn cùng?
- Có nên bừa cày hết sức làm
ruộng mà nuôi thân hay nên giao du với người vinh hiển để cầu danh?
- Có nên nói thẳng, không vị
nể đến thân sơ hay nên nói theo thói tục, cầu sang giàu để sống bê tha?
- Có nên siêu nhiên xuất thế
để giữ gìn thiên chân hay nên nịnh hót, khúm núm, xum xoe, cười gượng theo thói
thường bọn gian thần, xu nịnh?
- Có nên liêm khiết, chính
trực để được sạch trong hay nên trơn tru, tròn trĩnh như cây cột tròn thoa mỡ?
- Có nên ngang tàng như con
ngựa thiên lý hay nên lênh đênh như con vịt nước, cùng nhấp nhô với sóng mà bảo
toàn được tấm thân?
- Có nên sống như loài kỳ
lân hay noi theo cái thói của loài ngựa hèn ?
- Có nên sánh vai với loài
hồng hạc hay nên tranh ăn như đám vịt gà?
- Đường nào kiết? Đường nào
hung? Bỏ đường nào? Theo đường nào?
- Đời hỗn trọc, rối ren,
điên đảo,… thì cánh ve là nặng mà vật nghìn cân lại là nhẹ. Cái chuông vàng thì
bỏ nát còn cái nồi đất thì kêu vang. Kẻ gièm pha, xu nịnh thì tiếng tăm lừng
lẫy, được trọng vọng,… còn người hiền trí thì không được trọng dụng, không tên
tuổi, bị chà đạp,..
- Than ôi! Biết nói gì đây?
Ai biết ta là trong sạch?
…
Thiềm Doãn nghe Khuất Nguyên
nói xong, đặt cỏ thi xuống mà tạ rằng:
- Thước có khi lại ngắn, mà
tấc có khi lại dài. Vật có chỗ không đủ, mà trí có chỗ không sáng. Số có chỗ
đoán không tới, mà thần có chỗ cũng không thông. Ông cứ theo lòng mà làm cho
đúng ý ông. Cỏ thi và mu rùa, quả thật là không thể biết được những việc ấy...
Chú Thích:
Khuất Nguyên tên Bình, biệt
hiệu là Linh Quân, là một nhà thơ lớn, một nhà chính trị tài ba, ông giữ chức
Tả Đồ cho Sở Hoài Vương. Về sau, Khuất Nguyên bị gian thần dùng gian kế hãm hại
khiến vua Sở không còn tin dùng. Ông là người tính tình cương trực nên có phần
cực đoan, cố chấp. Việc bị vua Sở ghét bỏ, trù dập khiến ông thất chí và ông đã
tâm tình với ông lão đánh cá ở Giang Nam “Người đời đục cả, một mình ta trong.
Mọi người say cả, một mình ta tỉnh. Bởi vậy nên ta bị bãi chức”.
Ông tự cho rằng “Mình là
người trong lại sống trong thời đục. Lòng buồn, ý loạn, không tìm ra lối thoát
cho tinh thần sau cùng ông đã ôm một khối đá rồi trầm mình xuống dòng sông Mịch
La”.
Lời Bàn:
Than ôi! Biết nói gì đây? Ai
biết ta là trong sạch?". Lời than của Khuất Nguyên thật chua chát, não
nề,… ông không tìm được lối thoát cho nội tâm nên nhờ Trịnh Thiềm Doãn coi cho
một quẻ để hóa giải, tìm lấy lối đi. Nhưng Thiềm Doãn cũng bị trói trong màng
lưới nhị nguyên vô minh nên đã không thể giúp Khuất Nguyên. Quan Thái bốc Trịnh
Thiềm Doãn chỉ biết chắc rằng “Dù có gieo quẻ cũng chẳng thể gỡ rối cho Khuất
Nguyên”. Vì lẽ Thiềm Doãn nghĩ rằng “Khuất Nguyên sẽ không tin nhận” nên đành
thành thật "Thần có chỗ cũng không thông.".
Sự thật là sự hiểu biết của
Khuất Nguyên đã bị tấm màng vô minh của nhị nguyên che lấp. Quả thật không dễ
gì khai thông cho đặng. Ngay nơi nhị nguyên luận thì đến thần thánh cũng mê mờ,
không thể thông suốt. Do bởi không có người giúp Khuất Nguyên khai thông sự bế
tắc trong tư tưởng nơi nhị nguyên nên dù rằng đã tự đưa ra hàng loạt giả thuyết
cho phương thức sống ở đời nhưng Khuất Nguyên lại bí lối, không tìm được một
hướng đi rõ ràng cho bản thân.
Sự bế tắc trong tư tưởng
khiến Khuất Nguyên nghĩ rằng không ai hiểu mình, không ai cần đến ông nữa, có
sống thêm cũng trở thành người thừa, là kẻ vô dụng nên ông tự tìm đến cái chết
như là tìm đến sự giải thoát cho bản thân.
Ông tự tận và đó là một việc
làm sai lầm vì thật sự là dù ông đã chết đi thì sự bế tắc trong tâm thức của
ông vẫn còn nguyên vẹn.
Cụ thể là do tính tình cang
cường, có phần cố chấp,… và việc cả đời Khuất Nguyên sống thiện lương nên ông
được người dân trong vùng tưởng nhớ. Kết quả của việc “Đồng thanh tương ứng,
đồng khí tương cầu” này là Khuất Nguyên đã nhiều lần cảm ứng, báo mộng cho
nhiều người quanh dòng sông Mịch La về tình cảnh của ông.
Vong hồn Khuất Nguyên đã nói
với người dân trong vùng về sự đói lạnh và nỗi oan khuất, việc bị gian thần hãm
hại, việc ông bị vua nước Sở không trọng dụng, việc bị đày xuống Giang Nam,...
Do việc cảm phục, tiếc
thương, tưởng nhớ và nhằm giúp vong hồn một con người trung nghĩa được siêu thoát
người dân hai bên bờ sông Mịch La đã làm bánh ném xuống dòng Mịch La, làm lễ
tiễn biệt Khuất Nguyên.
Đó chính thật là nguyên nhân
sâu kín ẩn khuất trong cái chết của Khuất Nguyên, là cội nguồn của ngày tết
Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 hàng năm của người Trung Hoa.
Cám ơn nguồn tri thức nhân
loại!
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét