Câu chuyện lỗi lầm của mẹ
Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015
I. Câu chuyện lỗi lầm
của mẹ
Thư gửi mẹ
Mẹ có còn đó chăng, thưa mẹ?
Con vẫn còn đây, xin chào mẹ của con!
Ánh sáng diệu kỳ vào lúc chiều hôm
Xin cứ tỏa trên mái nhà của mẹ.
Người ta viết cho con rằng mẹ
Phiền muộn, lo âu quá đỗi vì con
Rằng mẹ luôn dạo bước bên đường
Khoác tấm áo choàng xưa cũ nát.
Trong bóng tối buổi chiều hôm xanh ngắt,
Mẹ mãi hình dung một cảnh tượng hãi hùng
Rằng có kẻ nào vừa đâm trúng tim con
Giữa quán rượu ồn ào, loạn đả.
Nhưng mẹ ơi! Xin mẹ cứ an lòng!
Đó chỉ là cơn nặng nề mộng mị
Con có đâu be bét rượu chè
Đến nỗi chết mà không nhìn thấy mẹ.
Con vẫn như xưa, đằm thắm, dịu dàng
Vẫn như xưa chỉ một niềm mong ước
Sớm thoát khỏi nỗi buồn đau trĩu nặng
Để trở về với mái nhà xưa.
Con sẽ về khi vào độ xuân sang
Mảnh vườn ta trắng cây cành nảy lộc
Chỉ có điều, mẹ nhé! Mỗi ban mai,
Đừng gọi con như tám năm về trước
Đừng thức dậy những ước mơ đã mất
Đừng gợi chi những mộng đẹp không thành
Đời con nay đã thấm nỗi nhọc nhằn
Đã gánh chịu bao điều cay đắng…
Cũng đừng dạy con nguyện cầu vô ích,
Với cái cũ xưa, đừng quay lại làm chi
Chỉ mẹ là nguồn vui, là ánh sáng diệu kỳ
Chỉ có mẹ giúp đời con vững bước…
Hãy quên những âu lo, mẹ nhé!
Đừng buồn phiền quá đỗi vì con,
Mẹ cũng đừng luôn dạo bước ra đường
Khoác tấm áo choàng xưa cũ nát…
(Sergei Esenin)
Có chút gì xao
xuyến, rung động trong lòng bạn? Bạn có chạnh lòng nhớ về người cha, người mẹ
khi đọc bài thơ trên. Bài thơ là cảm nhận của người con khi “thấm mệt” trên đường
đời. Nhìn lại quãng đời đã qua, người con nhận ra những nông nổi, những lỗi
lầm,… của thời niên thiếu, hiểu rõ được tấm lòng thương con vô bờ của cha mẹ,
người con thầm mong ngày trở về. Ẩn khuất trong bài thơ còn chứa đựng chút nỗi
niềm hờn trách, xen lẫn sự thương cảm xót xa và một điều mong mỏi, hy vọng sự
thay đổi ở đấng sinh thành.
Chỉ có điều, mẹ nhé! Mỗi ban mai,
Đừng gọi con như tám năm về trước
Đừng thức dậy những ước mơ đã mất
Đừng gợi chi những mộng đẹp không thành
…
Cũng đừng dạy con nguyện cầu vô ích,
Với cái cũ xưa, đừng quay lại làm chi
…
Hãy quên những âu lo, mẹ nhé!
Đừng buồn phiền quá đỗi vì con,
Mẹ cũng đừng luôn dạo bước ra đường
Khoác tấm áo choàng xưa cũ nát…
Dù ở quốc gia,
vùng miền lãnh thổ nào? Tấm lòng người mẹ đều luôn nghĩ và sống vì con. Bài thơ
trên là tình cảm rất thật mà nhà thơ người Nga, Sergei Esenin đã viết và gửi
cho người mẹ của ông.
Bạn hãy cảm
nhận…! Về bản chất của tình yêu thương, bạn sẽ không nhận thấy sự khác biệt của
tấm lòng người mẹ đối với người con. Dù là người Châu Âu hay người Châu Á,
Phương Tây hay Phương Đông,… thì tấm lòng người mẹ đều lo nghĩ về con như thế.
Tuy nhiên, cách thể hiện tình yêu thương con ở mỗi người mẹ sẽ có ít nhiều sự
khác biệt,...
Qua bài thơ,
những người con sẽ thấu rõ hơn tình cha, nghĩa mẹ là rất thiêng liêng, cao quý.
Họ dường như cả đời sống hy sinh, lo nghĩ cho các con. Tuy nhiên, sự chắt chiu,
tằng tiện, dành dụm mọi thứ nhằm chăm lo cho những người con đôi khi quá mức.
Họ không dám ăn ngon, không dám mặc đẹp, luôn nhớ về và chất giữ lấy những
khoảng thời gian thơ ấu của con. Họ cứ thường kể lập lại những câu chuyện cũ
xưa mà người con cảm thấy chán ngán, mệt mỏi. Họ cũng luôn trông nom, răn dạy,…
những người con như thể là những người con sẽ không bao giờ lớn. Điều này đã khiến
những người con cảm thấy tù túng, ngột ngạt,… và đẩy người con xa rời người mẹ.
Đôi lúc, người con muốn quay về mái nhà xưa nhưng một cảm giác gò bó, tù túng,…
khiến người con ngần ngại, chầm chậm bước quay về,…
Sự hối hận, tiếc
nuối là cảm xúc mà những người con bộc bạch khi ngày họ quay trở về đã không còn được vòng tay của mẹ ôm ấp, chở
che. Người mẹ vĩnh viễn ra đi nhưng những ký ức nông nổi, lầm lạc,… lại ùa về,
lấp đầy tâm trạng bi thương; Sự hối tiếc, ân hận dằn xé trong lòng những người
con trẻ. Những người con trẻ đã khóc rất nhiều và nguyện cầu “Giá như thời gian
quay trở lại, họ sẽ ngoan hiền, hiếu thuận, vâng lời cha mẹ”. Nhưng thời gian
không quay lại bao giờ…!
Tuổi thơ nông
nổi, những đứa trẻ thường bị cuốn vào những trò chơi, những cuộc vui vầy bên
chúng bạn. Việc học đôi khi chiếm hết thời gian, làm bọn trẻ mất hết tự do. Lũ
trẻ đã bỏ học, rong chơi. Những bậc làm cha mẹ biết được, đã khuyên bảo, răn đe
và đánh đập. Việc này đã khiến cho những đứa trẻ càng chán ngán việc học. Bởi
lẽ, trong suy nghĩ non nớt những đứa trẻ sẽ đổ lỗi “Chính việc học là nguyên
nhân làm cho ba mẹ rầy la, đánh mắng,
không còn thương yêu chúng,…” Những đứa trẻ vẫn thường mắc cùng suy nghĩ lầm
lạc như vậy. Người lớn lại không nhận thức rõ vấn đề này. Thấy con mãi chơi
đùa, không còn chăm học. Họ răn đe “Nếu con không muốn học thì mẹ sẽ đốt hết
sách vở, cho con nghỉ học để mà thỏa chí rong chơi, lêu lỏng”. Cùng với lời
nói, người lớn sẽ giật lấy tập vở, cặp sách và châm lửa đốt. Điều gì sẽ xảy ra?
Những người con vừa cố giành lại sách vở, vừa khóc lóc, van xin và hứa sẽ đổi
thay.
Tại sao những
đứa trẻ cố giành lại sách vở? Phải chăng bọn trẻ còn chăm học? Điều này có thể
đúng nhưng cũng rất có thể đứa trẻ giành lấy tập vở vì những nguyên nhân khác.
Có thể do việc làm của người cha, người mẹ là khá bất ngờ, những người con chưa
kịp nghĩ suy “Nghỉ học rồi thì mọi việc sẽ ra sao?”. Nhưng chúng vẫn muốn giữ
lấy hình ảnh ngoan hiền, chăm học dưới cái nhìn của cha mẹ. Hoặc là trong đầu
óc tinh ranh thơ trẻ,… những người con đã kịp suy lường “Nếu nghỉ học sẽ không
còn bạn bè, không còn cơ hội trốn học, rong chơi” và còn nhiều nguyên nhân khác
nữa,…
Sự không thông
hiểu giữa cha mẹ và con cái là nguyên nhân chính tạo ra hố sâu tình cảm ngăn
cách giữa hai thế hệ. Những người con lầm lủi, cam chịu sống dưới sự áp đặt,
răn đe của người lớn. Với cách nghĩ của người lớn thì những việc họ trói con
cái vào khuôn khổ, buộc đứa trẻ phải luôn tuân thủ nghe lời chỉ mang lại những
điều tốt đẹp cho con. Nhưng những người con đã không hiểu rõ, không nghĩ vậy.
Thế nên những đứa trẻ càng thêm khó bảo, bỏ bê việc học. Phần lớn những người
con rơi vào tình trạng trên đều nghỉ học giữa chừng, sớm rời gia đình tìm kiếm
công việc mưu sinh. Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái càng nới rộng ra thêm.
Mãi lo toan cho cuộc sống, những người con đã không còn nhiều thời gian về thăm
lại mẹ cha. Do không học hành đến nơi, không nhiều hiểu biết,… người con phải
làm những công việc nặng nhọc, cơ cực,… Người con lại e ngại phải về nhà vì ở
nơi đó có những lời đay nghiến, răn đe và hờn trách. Đến khi họ quay về thì cha
mẹ đã “Gần đất, xa trời”. Cha mẹ đã già lẩn, trí óc không còn minh mẫn, sáng
suốt,... Những câu chuyện xưa cũ nát được kể lại nhiều lần. Người con lập gia
đình, sinh con, đẻ cái và biết đến việc dạy dỗ con trẻ. Lúc cha mẹ qua đời, con
trẻ đủ tuổi đến trường. Cuộc sống gia đình rơi vào cảnh khó nghèo, lam lũ,…
bởi do cha mẹ trẻ không có công ăn, việc
làm ổn định. Những đứa bé lại mãi chơi cùng chúng bạn. Người cha, người mẹ trẻ
dường như nhận ra đã có lúc bản thân ham chơi, trốn học, không biết vâng lời.
Cảm giác ăn năn, hối tiếc về những chuyện đã qua, ký ức về thuở dại khờ, nông
nổi,… Biết là đã muộn để chuộc lại lỗi lầm xưa, họ nghĩ đến việc sửa lại những
lầm lạc thời thơ dại. Người mẹ đốt nén hương thơm gửi cho người đã khuất với
những giọt nước mắt lăn dài. Người con trẻ tình cờ bắt gặp giọt nước mắt trên
khuôn mặt hao gầy của mẹ. Đứa bé thơ dại, hồn nhiên hỏi “Ai làm mẹ khóc? Sao mẹ
lại khóc trước bàn thờ ông bà?”. Người mẹ đã lau vội những giọt nước mắt và bắt
đầu kể cho đứa bé nghe câu chuyện “Lỗi lầm của mẹ”. Về sau, người mẹ trẻ không
còn áp đặt, ràng buộc,… người con phải học như thế này, như thế kia nữa. Bà mẹ
chỉ nhẹ nhàng khuyên “Con hãy ráng chăm lo, học hỏi sự hiểu biết để mai này
thành người hữu ích, sống tốt trong xã hội”. Đứa bé này là một đứa trẻ thông
minh, hiểu biết, thấu rõ nỗi lòng của mẹ đã chăm học, chăm làm. Về sau, người
con trở thành một giáo viên mẫu mực.
Tôi đã được
người bạn kể lại câu chuyện “Lỗi lầm của mẹ” vào một buổi chiều mưa. Dưới bóng
chiều chập choạng, ánh mắt của người bạn vẫn ngời lên nét tự hào đã là một
người con ngoan hiền, hiếu thuận.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét