Mở cửa tâm linh
Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015
Anh latuan thân!
Anh có nói rằng ở trạng thái không thân thì thần thức
con người sẽ di chuyển qua lại giữa 4 nẻo vô hình gồm nẻo Trời, Atula, Ngạ Quỷ,
Địa ngục và 4 nẻo này do ý mà thành hình. Nhưng em nghĩ mỗi người khi sống sẽ
có tánh ý khác nhau và nếu 1 người sống không hề có khái niệm về 4 nẻo trên thì
khi chết đi thần thức của họ sẽ thế nào hả anh?
Ví như 1 người tin sâu vào thuyết duy vật, khi lâm
chung họ rất bình thản, không có ý níu kéo sự sống và họ cho rằng chết là hết,
vậy thần thức người này có chết hẳn không ạ?
Những người khi sống họ luôn mơ tưởng về 1 thế giới
cực lạc sau khi chết, họ luôn cố gắng trì kinh, làm thiện, với niềm tin mạnh mẽ
như vậy phải chăng thần thức sẽ về với cõi giới cực lạc và cõi giới này là do
kinh nghiệm tích lũy từ khi còn sống (có thể từ kinh sách, truyền miệng,...).
Những thần thức với tâm ý mơ tưởng giống nhau như vậy liệu có gặp được nhau
không ạnh?
A.Q mến!
Những câu hỏi của em khá thú vị, hay và anh sẽ lần
lượt trả lời ổn thỏa những vấn đề em đã đặt ra.
Đúng vậy khi con người chết đi thì thần thức sẽ rời
khỏi thân xác và quẩn quanh nơi cõi vô hình. Và chính tâm ý của thần thức sẽ
dựng lập nên các nẻo vô hình khác nhau chứ không hẳn là 4 nẻo - Trời, Atula,
Ngạ quỷ (quỷ đói) và địa ngục (theo giáo lý đạo Phật gốc). Bởi lẽ qua một thời
gian giáo lý đạo Phật rộng truyền vào nhân loại đạo Phật đã bị tiêm nhiễm giáo
lý các tôn giáo khác cũng như những quan niệm dân gian ở các vùng miền khác
nhau cùng với sự tùy thuận thì Phật giáo đại thừa đã bày vẽ ra Thập Pháp Giới
gồm 4 nẻo vô hình đã kể trên cùng 2 nẻo hữu hình - người, súc sinh còn có thêm
4 nẻo vô hình bổ sung là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát và Phật. Chính Phật giáo
đại thừa gốc Trung Hoa đã vẽ rắn thêm chân những mong tạo ra Thần long nào hay đã
tạo ra một thứ “quái thai, dị dạng” nơi đạo Phật, Phật giáo Trung Hoa đã tạo
dựng nên 4 nẻo vô hình còn lại, đây là việc làm gây tối mắt người hậu học và
làm rối loạn thêm thế giới tâm linh vô hình. Hiển nhiên đây chính là sự sai lầm
của giới Tăng lữ trong Tam bảo, những người tạo ra sự tối tăm nơi giáo lý đạo
giác ngộ phần nhiều là những kẻ không có sự thực chứng pháp vô sanh. Từ sai lầm
trên giáo lý của đạo Phật mất dần giá trị đúng mực, sáng rõ.
Tiếp theo các tôn giáo biến thể đạo Phật như Cao Đài,
Hòa Hảo, Lão giáo… còn vẽ vời thêm 18 tầng địa ngục cùng những chuyện luân hồi,
tái sinh mang đậm chất mê tâm, loạn trí. Kết quả là khi con người không đủ đầy
sự hiểu biết và tín tâm giáo lý các tôn giáo mê tâm thì họ bị dính mắc, cột
trói vào những điều vọng tưởng ấy dẫn đến lối đi ở hậu kiếp thật rối càng thêm
rối.
Có một điều quan trọng em cần rõ biết là khi Phật
Thích Ca đạt sự giác ngộ hoàn toàn rõ biết quy luật sinh tử và cách thức thoát
ra khỏi luân hồi cùng 8 sự khổ nơi nhân loại thì Phật không hề vẽ vời ra 3 cõi,
6 đường. Lúc bấy giờ, giáo lý các tôn giáo hiện có đã phân định các cõi giới
khá rườm rà, rối rắm và Phật Thích Ca đã hệ thống lại ở mức tối giản, đúng mực
nhất có thể. Phật làm việc này không nhằm lợi ích cá nhân mà vì muốn cho loài
người dễ dàng nắm bắt hơn quy luật vận hành sự sống giữa hai thế giới hữu hình
và vô hình.
Kỳ thực là do bởi người đời lúc bấy giờ đã có sự tin
nhận về nẻo Trời, Atula, Ngạ quỷ, Địa ngục, ở mỗi tín đồ, giáo chủ tôn giáo
riêng biệt có sự dính mắc, cột trói tư tưởng khác nhau nên nhất thời Phật Thích
Ca không thể xóa bỏ triệt để hoàn toàn những nẻo giới đó. Chính vì vậy Phật đã
hệ thống lại nhằm giúp người đời dễ dàng nhận thức về thế giới tâm linh vô hình
và là trợ pháp để Phật truyền trao đạo lý giác ngộ giải thoát nhằm giúp những
người chán ngán sinh tử, khổ đau có lối thoát ra khỏi quy luật luân hồi nhân
quả. Đấy chỉ là sự tùy thuận của Phật Thích Ca khi con người còn mê mờ bản tâm,
chưa sáng rõ chánh pháp.
Thật ra khi rơi vào trạng thái vô hình thì tâm ý thần
thức làm chủ và các cõi giới sẽ rất đa dạng, phong phú tùy thuộc nhiều vào tâm
tưởng của người mất mà ra cảnh. Thế nên khi con người dính mắc càng nhiều khái
niệm về các cõi giới vô hình thì càng rối trí, mê tâm tạo cảnh không dừng. Tùy
thuộc vào độ tín tâm, định lực khi sống mà nẻo giới vô hình (giả hình) đó tồn
tại lâu hay mau mà thôi nhưng dẫu thế nào đi chăng nữa thì cũng sẽ không có sự
vĩnh viễn, khi chán chê hoặc nhớ nghĩ những điều mê đắm, tham cầu lúc còn sống
thì thần thức sẽ qua lại nơi các nẻo vô hình khác nhau. Em hãy chú ý các nẻo
giới vô hình hoàn toàn do tâm ý họ tạo ra chứ không có ai sai xử, trừng phạt cả.
Và trong số rất nhiều những tâm ý vọng tưởng móng cầu thì tùy duyên mà thần
thức vô hình đó sẽ tìm lấy một thân xác hữu hình có thể là loài người hoặc loài
vật.
Vấn đề này lệ thuộc vào duyên và tâm tham đắm hoặc
yêu thích cùng với hành vi thiện ác ở những kiếp sống trước mà có quả báo xấu
hay tốt.
Nghe chừng có vẻ hơi phức tạp, khó hiểu. Thôi thì thế
này vậy. Tạm thời em “gác bỏ” sự hiểu biết mà em đang có qua một bên hay nói
cách khác là quên đi những kiến chấp em từng góp nhặt được, những kiến thức mà
em đang đinh ninh rằng là rất đúng. Ví như kiến chấp “Chết là hết” đấy, bỏ đi.
Và em cũng bỏ qua sự tự phụ về thông minh, sáng suốt của em (nếu có) thì vấn đề
sẽ trở nên rất dễ hiểu, sáng rõ và sẽ không có lỗ hổng kiến thức nơi tri kiến nhân
loại. Em hãy yên tâm anh không lấy mất sự hiểu biết của em mà chỉ là động thái
nhằm bổ khuyết nơi lỗ hổng tri thức mà em chưa tường tận mà thôi.
Rồi. Em tạm tin rằng con người chết rồi sẽ được luân
hồi, tái sinh lại. Và để đơn giản anh chỉ xét đến những người có hành vi sống
tốt, thiện lương, ít móng cầu tham đắm thì vấn đề tái sinh của họ thường quay
lại ở nẻo người và tiếp tục học hỏi mọi điều phát sinh thêm nơi cuộc sống. Cứ thế…
cứ thế… trải qua rất nhiều kiếp khác nhau thì người sau khi tái sinh nhiều lần
sẽ tích lũy cho mình những kiến thức tâm linh vô hình và tất nhiên sau mỗi lần
chết rồi sống lại thì mớ kiến thức tâm linh cũng bị hòa trộn vào nhau, thật sự
không còn sự rõ ràng vì ký ức không thể bảo lưu mọi tri thức rõ ràng, minh
bạch. Chính vì vậy mỗi khi chết đi thì thần thức sẽ truy cập lại kho dữ liệu cũ
để tạo ra cảnh giới cho mình ở thế giới vô hình. Điều đặc biệt là chính kiến
thức tâm linh ở kiếp sống gần kề nhất sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến cõi giới mà
thần thức ở dạng không thân tạo ra.
Vấn đề đã có sự sáng rõ nhất định. Nếu người nào đó
tìm hiểu đạo Phật mà lệch lạc, không rõ chánh pháp tin rằng sau khi chết 49
ngày, 100 ngày mới siêu thoát được thì họ sẽ cứ quẩn quanh chờ đợi thời gian
bằng tâm tưởng của họ. Và một khi thời gian đó kéo dài quá lâu dễ khiến họ bị
rối loạn tiềm thức, những tri thức tâm linh ở các kiếp trước đó sẽ xen tạp vào
làm lạc lối đi tiếp theo. Có thể họ sẽ quẩn quanh chờ cúng cơm, đốt vàng mả
chấp nhận đời sống không thân kéo dài, dựa vào tâm ý đánh giá thì anh sẽ liệt
nhóm này vào nẻo Ngạ quỷ.
Những năm gần đây đạo Phật phát triển lạc lối ra sức
tạo dựng cõi Tây Phương cực lạc quả thật đã ảnh hưởng đến loài người không ít.
Sự tín tâm đã khiến người gần chết lẽ ra an nhiên ngủ giấc ngàn thu thì họ lại
bị trói cần phải có sư thầy, đạo tràng hộ niệm. Nếu thiếu khuyết hộ niệm A di
đà Phật thì thần thức của họ sẽ dùng dằng, nhọc nhằn mà chưa chịu rời thân chịu
thêm nhiều khổ não, dằn vặt thân tâm và đau lòng người thân. Anh nhắc lại chú ý
trước đó là em hãy nên nhớ pháp tu tịnh độ đã được thâm nhập khá lâu nơi tiềm
thức mỗi người, khi đứng trước ngưỡng cửa sinh tử những tiềm thức xưa cũ được
khơi dậy và chi phối đến thần thức người chết ít nhiều. Vì lẽ đó đứng trước sự
tín tâm và góc nhìn phiến diện một kiếp ta sẽ thấy việc hộ niệm là tốt, giúp
người thanh thản ra đi nhưng ở góc nhìn khác thì chính việc hộ niệm đã trói cột
thần thức người chết thêm một khoảng thời gian “bức bối” dính mắc với xác thân tàn hoại. Bên cạnh đó, việc thần
thức của người chết nhùng nhằng chưa rời khỏi xác vì còn mê thân, còn tham sống.
Thêm nữa, do trì tụng, hiểu sai về giáo lý đạo Phật
dính mắc vào giả cảnh Tây Phương và nếu có sự tín tâm kết hợp tâm tưởng cùng
định lực mạnh thì thần thức người chết sẽ tạo dựng nên cảnh giới Tây Phương
bằng vào tâm ý của cá nhân. Tuy nhiên, ở nơi cõi Phật giả lập một thời gian thì
thần thức sẽ sinh tâm nhàm chán và nhớ nghĩ đến những thói quen tham đắm hoặc
là những giống loài yêu thích, kết hợp yếu tố duyên thần thức người chết sẽ tìm
lại xác thân hữu hình. Bên cạnh việc thần thức người chết tự lập cảnh giới Tây
Phương còn có trường hợp do tâm tham cầu được tiếp dẫn Tây Phương của thần thức
bị chúng sinh nơi thế giới tâm linh bắt được tín hiệu sẽ xuất giả hình Phật A
di đà và thần thức sẽ lạc vào mê trận tâm linh.
Cõi giới Tây Phương hoàn toàn có nơi tâm tưởng của
thần thức và việc tồn tại nơi giả cảnh đó lâu hay mau là do định lực của thần
thức sau đó thần thức sẽ tiếp tục trôi lăn nơi 3 cõi. Cõi Tây Phương tựu trung
lại có phần giống cõi Tiên nơi đạo Lão, đây chính là dấu vết cho thấy người
Trung Hoa xưa đã ra sức đồng hóa, ảnh hưởng đạo Phật. Người giải thoát hoàn
toàn sẽ không tiếp tục luân hồi nơi thế giới hữu hình và vô hình, đấy là sự
khác biệt giữa đạo Phật với các tôn giáo khác và đó cũng chính là điểm cao tột
của đạo lý giác ngộ.
Đối với những người tin hoàn toàn vào duy vật, tín
tâm chết là hết cũng không thể thoát khỏi vòng quay luân hồi sinh tử bởi lẽ tin
là tin vậy nhưng trước giây phút sinh tử phần đông loài người sẽ mong cầu được
còn sống, họ luôn dính mắc vào cái tôi, cái của tôi nên họ chẳng thể “Chết là
hết” theo niềm tin của họ. Ngay khi chết đi rồi họ mới nhận ra họ vẫn còn dù
vậy họ không thể tương tác với người thân, ban đầu họ còn không ý thức được
điều đó. Mãi sau họ nhận thức được vấn đề nhưng họ cũng chẳng biết sẽ bắt đầu
lại từ đâu, họ đành quẩn quanh ở những nơi họ từng đến, đặc biệt là ở nơi gia
đình họ. Nếu có cơ duyên thì họ sẽ tái sinh nương gá vào một thân xác vật chất.
Đây là trường hợp người sống thiện lương, ít dính mắc ko chịu ảnh hưởng một
giáo lý tôn giáo nào, không tạo ra nhân xấu ác nghiêm trọng…
Những tâm ý thần thức có tưởng giống nhau cũng không
nhiều cơ hội gặp nhau vì đâu cần gặp nhau tâm tưởng của họ vẫn thừa sức dựng
lập cảnh họ đã gặp được người mong mỏi. Còn trường hợp những tâm tưởng muốn tìm
lại nhau ví như có hai người yêu nhau thắm thiết nhưng không may có một người
chết đi thì họ có thể bám theo người còn lại và nếu người kia lập gia đình,
sinh con thì xác suất người mất trở nên là con của người còn lại cũng không hề
ít. Nếu không có duyên đó cho đến khi người còn lại mất đi thì cơ hội hai tâm ý
này gặp nhau cũng không nhiều vì có thể người chết trước đã tái sinh hoặc người
chết sau đã có một tâm tưởng khác, hoặc trải qua thời gian cách biệt quá lâu
tần sóng rung động của cả hai đã bị sai lệch…
Có vài trường hợp thần thức người chết gặp nhau như
hai mẹ con hoặc hai người đang yêu chết trong cùng một tai nạn, thời gian chết
dù khác nhau nhưng do sự gắn kết tình cảm thì họ có nhiều hơn cơ hội gặp nhau.
Tuy nhiên, điều này không có nhiều ý nghĩa vì tâm tưởng mỗi người mỗi khác. Thế
nên đến một lúc nào đó thì một trong hai sẽ tìm được xác thân vật chất cho
riêng mình…
Nói tóm lại, thế giới tâm linh dù phức tạp nhưng ở
góc nhìn tổng thể thì các cõi giới trở nên rất rõ ràng. Chính do sự tích góp
tri thức sai lầm mà thế giới tâm linh ngày càng trở nên rối ren, phức tạp.
…
Em hãy xem lại những vấn đề anh trình bày nếu có chỗ
chưa rõ thì em cứ đặt câu hỏi anh sẽ tiếp tục trình bày. Những vấn đề mà em cảm
nhận đúng thì hãy kiểm chứng, xác minh lại. Khi em rõ biết thật đúng thì em hãy
chuyển hóa nó thành của em.
…
Mấy hôm nay anh nhận comment của em mà không có thời
gian tốt nhất để trả lời. Tạm thời gửi mail cho em trước đặng em khỏi trông.
Khi hoàn chỉnh lại anh sẽ đăng lên blog với tiêu đề Mở cửa tâm linh thuộc mục
hỏi đáp. Lúc đó, em xem lại nhé! Tạm biệt!
Bài liên quan
- Hỏi đáp cùng người em về việc "cắt ái, ly gia, học Phật" (P.1)
- Trả lời câu hỏi của một người bạn...
- Nhân quả chẳng lầm
- Vì Sao Tăng Bảo Ngày Càng Đổ Đốn Đến Tệ?
- Vì Sao Giới Tăng Bảo Ngày Nay Phơi Bày Hiện Tướng Khuyết Tật, Bệnh Hoạn?
- Vì Sao Tăng Đoàn Trực Thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Rúng Động, Hoảng Loạn...?
- Chiết Giải Trực Luận Phật Đà
- Lý Giải Hiện Trạng Các Lão Thiền Sư Bị Đột Quỵ… (P.1)
- Rác Rưởi Phật Môn – Thiền Tông Tân Diệu
- Phật A Di Đà sẽ độ sinh ở những đâu khi Phật Di Lặc hạ sinh?
- Luận bàn về việc sát sinh ở Đạo Phật
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét