Cần lắm sự đổi thay (P.1)
Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015
II. Cần lắm sự đổi thay
Mẹ à! Mẹ nằm nghỉ ngơi, con đi xóm
một lúc. Chút nữa, con về sẽ nấu nước cho mẹ tắm.
Thuận ơi! Con để mắt xem chừng bà
nội. Đừng để nội đi ra khỏi nhà nghe con. Dạo này bà nội con già lẩn rồi, đi ra
khỏi nhà là không còn nhớ được đường về.
…
Những câu nói quen thuộc tôi vẫn
thường nghe người chị hàng xóm dặn dò đứa con trai trông chừng bà nội già lẩn. Tôi
thầm nghĩ “Rõ là khổ! Hơn nửa đời người sống minh mẫn, sáng suốt,…”. Rồi đến
tuổi “xế chiều” lại trở nên si dại, đần ngốc, lú lẩn,… với sự hiểu biết không
bằng đứa trẻ lên ba.
Có bao giờ bạn nhìn thấy một bà cụ
dùng nước tiểu của chính mình để tắm rửa, uống ăn,…? Có bao giờ bạn bắt gặp một
ông lão già khọm trần truồng bên cạnh đống phân gớm bẩn, ông lão dùng những
ngón tay khô gầy nghịch đùa phân và nước tiểu, rồi ông lão lại dùng những ngón
tay bẩn chà lên khuôn mặt nhăn nheo ngả màu thời gian, cả tấm thân gầy còm, run
rẩy,…? Có phải họ là những người bị bệnh tâm thần? Không! Họ là những người cao
tuổi già lẩn. Họ đã từng là những người làm trụ cột của gia đình nhưng giờ thì
họ phải sống với chuỗi ngày vô tri, đần ngốc,…
Trên bước đường bôn ba, xuôi ngược,
tôi đã không ít lần chứng kiến, nghe kể về những cảnh đời, những số phận bất
hạnh, hẩm hiu,... Nhưng hình ảnh những người cao tuổi già lẩn là cảnh đời khiến
tôi nhiều xót xa, nặng oằn tâm trí hơn cả. Sống mà rơi vào tình cảnh già lẩn,
rõ thật là sống không bằng chết. Đã có lúc, tôi lo lắng nghĩ về bản thân ở độ
tuổi “Gần đất xa trời”. Nếu chẳng may tuổi già mình lại như thế thì quả thật là
rất đáng sợ! Thế là tôi nghĩ đến việc “Làm cách nào để thoát ra khỏi căn bệnh
lú lẩn, si dại,… ở tuổi già?”.
Tôi đã tìm hiểu hoàn cảnh, tính cách
sống, công việc, thân nhân của những người già lẩn và những vấn đề liên quan
khác,… Sau khi tổng hợp và phân tích, dường như tôi tìm ra một vài điểm chung
giữa những người già lẩn. Thời trẻ, họ là những người hay lo nghĩ, xét nét mọi
việc, có phần cố chấp, gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền,… Về già, tính tình
họ không hề thay đổi. Thậm chí, tính cách còn có phần độc tài, chuyên quyền
hơn. Họ thường áp đặt, răn đe, rầy dạy,… con cháu. Dù rằng không hẳn là mọi
việc họ khuyên dạy con cháu là sai nhưng bối cảnh xã hội đã khác xưa. Thời đại
ngày nay mà bảo con cháu dùng quạt nan thay cho quạt điện, dùng khói đuổi muỗi
thay cho bình xịt, nhang trừ muỗi,… thì đã không còn hợp thời,... Không chỉ có
vậy, một bà già 70 tuổi chờ đợi cậu con trai 30 tuổi về dùng cơm, một ông cụ 80
tuổi chờ cửa cô con gái 40 tuổi về nhà ngủ rồi thì mới yên tâm chợp mắt thì quả
thật là sự lo lắng của người già đã rơi vào quá mức, ngược đời,...
Những người cao tuổi lại sợ sự cô
độc, lẻ loi, sự im lặng và sợ mọi người quên mất sự hiện diện, vai trò của họ.
Người cao tuổi cố níu giữ lại vai trò làm chủ gia đình bằng việc nhớ nghĩ lại
những câu chuyện về thời thơ bé của con cháu nhằm khơi gợi, nhắc nhở con cháu
biết vâng lời,… Nhưng sự minh mẫn không còn họ đã kể lặp đi, lặp lại những câu
chuyện rời nát, chắp vá; Những lời khuyên dạy chán ngắt cùng với sự răn đe, dọa
nạt cũ rích, vô ích. Hiển nhiên là những lời nói của người già sẽ không được
thế hệ trẻ chú ý, lắng nghe và làm theo. Việc này khiến những người lớn tuổi
thêm buồn bực, muộn phiền,… dẫn đến tâm trạng bị con cháu bỏ rơi, hắt hủi,...
Tất cả những ức chế, dồn nén tinh thần càng làm cho người già cáu gắt, khó
chịu,… Con cái lại bận rộn việc mưu sinh, không có nhiều thời gian quan tâm
chăm sóc cha mẹ già. Sự buồn bực, lo nghĩ khiến những người già nhớ trước, quên
sau, lầm lộn mọi việc là khởi đầu cho căn bệnh lú lẩn quái ác. Người lớn tuổi
cho rằng mình đã từng trải trên đường đời và cố ý thể hiện quyền lực là người
chủ gia đình qua việc ra sức áp đặt, trói buộc con cái phải làm theo những
quyết định, yêu cầu của họ. Cụ thể, họ bức ép con cháu bỏ công ăn, việc làm về
nhà chăm lo vườn tược, ruộng đồng,... Nhưng những người con vốn đang là một
doanh nghiệp thành đạt, một bác sĩ, kỹ sư,… Thế nên họ chưa thể quay về theo ý
muốn của cha mẹ già. Người lớn tuổi đã thể hiện sự độc đoán, chuyên quyền, tính
gia trưởng bằng việc bán đất đai, ruộng vườn. Những người con sẽ ra sức ngăn
lại, mâu thuẫn giữa hai thế hệ hình thành và làm cho cả hai thế hệ chuốc lấy
đau khổ, hờn oán,… Việc lo nghĩ, muộn phiền, tính gia trưởng, việc cố thể hiện
quyền làm chủ gia đình, sự oán hờn, giận dỗi,… đan xen trong trí não của người
già. Tất cả các vấn đề trên càng làm cho suy kiệt thêm tinh thần và thể chất
của người già vốn đã rệu rã, hao mòn theo dấu thời gian. Dần dần, người già trở
nên si dại, đần ngốc, lú lẩn,…
Tại sao bà cụ dùng nước tiểu của
chính mình để tắm rửa, uống ăn,…? Những lo nghĩ, muộn phiền đan xen đã khiến
trí nhớ của bà cụ lầm lộn, quên lẫn. Ngay khi bà cụ tiểu tiện thì bà lại nhớ
đến việc tắm rửa, ăn uống. Sự xáo trộn, lẫn lộn của trí óc khiến bà cụ dùng
nước tiểu của chính mình như là một thứ nước uống hay là nước dùng cho tắm rửa.
Tính hay quên và đôi mắt không còn tinh tường khiến người già lẩn không còn
nhận ra đường về nhà. Không chỉ vậy, sâu thẳm trong tâm trí của bà cụ đã từng
có ý định bỏ nhà đi vì bà cụ nhận ra “Trong mắt con cháu, bà chỉ là một bà già
vô tích sự”. Sự buồn bã, hờn tủi, nuối tiếc,… đã nuôi lớn ý định rời bỏ lũ con
cháu vô ơn, bất hiếu ở bà cụ.
Tại sao ông lão già khọm lại trần
truồng bên cạnh đống phân gớm bẩn, ông lão dùng những ngón tay khô gầy nghịch
đùa phân và nước tiểu, rồi ông lão lại dùng những ngón tay bẩn chà lên khuôn
mặt nhăn nheo ngả màu thời gian, cả tấm thân gầy còm, run rẩy,…? Ông lão đã nhớ
nghĩ, chất giữ hình ảnh đứa con thời thơ ấu, vô tri. Ký ức đứa bé trần truồng
nghịch đùa phân và nước tiểu, ông đã ngăn đứa con chà xát những thứ bẩn dơ lên
thân người ra sao? Nhưng đáng tiếc! Ông lão đã quên mất “Ông là ai?” Ông lầm
lẫn, ngộ nhận “Bản thân ông là đứa bé thơ dại”. Không chỉ có vậy, ở ngay hành
động nghịch đùa phân, chi trét những thứ bẩn dơ lên tấm thân trần trụi của ông
lão có chứa đựng sự trả thù cho những oán hờn được chất giữ, nuôi lớn trong
lòng. Mối oán hận này có từ đâu? Từ những khoảng thời gian trước khi ông già
lẩn hoàn toàn. Từ những việc ông lão trói buộc con cháu mà chúng không thuận
theo. Lúc đó, ông lão nhận biết mình đã già, không làm ra tiền nên cháu con
không nghe lời. Ông lão nghĩ thầm “Đúng là có tiền mua tiên cũng được”. Ông lão
tiếc rẻ “Giá như mình còn số tiền kha khá thì làm gì có đứa con ngỗ nghịch nào
không chịu vâng lời”. Rồi thì ông lão nhận biết “Bản thân còn có đất đai, ruộng
vườn”. Một ý nghĩ lóe lên “À, mình bán đất đai, ruộng vườn thì sẽ có tiền. Có
tiền rồi thì con cháu sẽ nghe theo, đứa nào không nghe thì đói khổ mặc xác”.
Nhưng những người con đã không cho ông lão làm việc đó. Dù rằng những người con
đã phân bua, giải bày: Hiện tại, gia đình cũng đủ ăn, đủ mặc. Đất đai, ruộng
vườn hãy nên để lại cho con cháu hoặc là làm “Của để dành” phòng ngừa khi có
bệnh ngặt nghèo thì dùng đến. Tuy nhiên, ông lão nghĩ rằng “Mình là người từng
trải, hiểu chuyện và chỉ khi có tiền trong tay thì mình mới khôi phục được
quyền hành, là người chủ gia đình”. Thế nên ông đã cố chấp giữ ý riêng “Những
người con không cho bán đất là muốn sang đoạt tài sản của ông. Chúng là những
đứa con bất hiếu đã bức bách, dồn ép ông”. Mối hận trong lòng được nuôi lớn
dần, ông lão oán hận chính những người con mà ông đã thương yêu, nuôi dạy cho
khôn lớn. Mối oán hờn đã làm rạn nứt tình phụ tử cao quý, thiêng liêng. Ông lão
nghĩ đến việc làm mất mặt, bêu xấu tội bất hiếu của con cháu trước xóm làng,
dòng họ. Ban đầu là việc “Chửi chó, mắng mèo” và ông bà, tổ tiên. Tiếp theo,
ông lão uống rượu, giả vờ say rồi khóc kể tội lỗi của con cái cho mọi người
cùng biết; Ông lão lăn lê “đầu đường xó chợ”, mặc quần áo tanh hôi, rách bẩn
nhằm bêu xấu con cháu. Con cháu ra sức khuyên ngăn còn mọi người thì dường như
thờ ơ, chẳng quan tâm. Sự phẫn uất, căm giận và việc sa đà bia rượu mau chóng
biến ông lão thành một người già lẩn si dại, đần ngốc, vô tri.
...
Tóm lại, tất cả những đè nén tinh
thần - Việc nhớ nghĩ chất chứa, việc chấp giữ phiền muộn, lo toan, bực dọc,… sẽ
khiến những người cao tuổi trở nên phẫn uất, già lẩn,… tạo ra những cảnh đời bi
thương, thảm não. Những hình ảnh mà ở nơi đó sẽ khơi dậy sự thương cảm, chua
xót,… trong lòng của bất kỳ một ai được một lần tận mắt chứng kiến. Đó là sự
xót thương trĩu nặng lòng người.
Phải chăng tất cả những người cao
tuổi đều bị căn bệnh già lẩn quái ác hành hạ, giày vò?
Không hẳn là tất cả người già đều
trở nên si dại, lú lẩn, đần ngốc,... Tôi lại đi tìm hiểu nguyên do dẫn đến sự
khác biệt giữa những người già lẩn và những người cao tuổi có đầu óc sáng suốt,
tinh tường. Một sự khác biệt rõ nét về lối sống giữa hai nhóm người cao tuổi.
Trong khi những người cao tuổi già lẩn có lối sống luôn chứa giữ lấy muộn
phiền, lo nghĩ, thường xét nét can thiệp vào mọi việc; Thậm chí họ can thiệp cả
vào những công việc mà gần như họ không hề biết chỉ với mục đích chứng tỏ sự
từng trải, nhiều hiểu biết của bản thân,… thì những người già có tinh thần minh
mẫn lại có lối sống bình thản, an nhàn. Qua tìm hiểu, tôi nhận biết “Những
người cao tuổi ở nhóm người già có trí óc sáng suốt là những người học được
cách sống biết dừng lại, biết buông bỏ những lo nghĩ”.
Đây là buổi trò chuyện giữa tôi cùng
với một người cao tuổi giữ được sự sáng suốt, minh mẫn và khỏe mạnh.
Tôi dò hỏi: Tại sao ông lại không
cáng đáng, chỉ dẫn mọi việc cho con cháu như những người cao tuổi ở nhóm người
già lẩn đã làm?
Ông lão trả lời: Cuộc sống sau này
là của thế hệ trẻ. Thế nên, con cháu họ phải biết sống tự lập, không dựa dẫm
vào thế hệ đi trước, ông không thể “Lột da như rắn” để sống đời với con cháu.
Hơn nữa, bối cảnh xã hội không ngừng thay đổi, cách suy nghĩ của hai thế hệ lại
sai khác nhiều. Áp đặt, trói buộc con cháu làm theo ý riêng của mình thì không
hẳn là đúng đắn. Con cháu hiếu thuận vâng lời nhưng trong lòng lại không vui.
Còn bằng con cháu không thuận theo, dẫn đến tranh cãi thì cả người lớn lẫn con
trẻ đều chuốc lấy buồn phiền, đau khổ,… Ông đã sống hơn nửa đời người mới có được
sự hiểu biết từng trải. Sự hiểu biết từng trải ở người cao tuổi là nhận biết
được thời điểm dừng lại. Nhận biết khi nào con cháu lớn khôn thì chuyển giao
mọi việc cho thế hệ con cháu còn người cao tuổi thì buông bỏ những lo nghĩ đa
đoan, tận hưởng những giây phút an nhàn, thảnh thơi,…Chỉ có như vậy thì người
cao tuổi mới có thời gian nuôi dưỡng tinh thần, giữ cho trí não minh mẫn, sáng
suốt. Về sau, họ không rơi vào tình cảnh già lẩn, không gây khó, làm khổ con
cháu,…
(Còn tiếp)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét