Liễu giải kinh Duy ma cật sở thuyết
Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015
Dẫn nhập
Kinh Duy ma cật
sở thuyết còn có một tên gọi khác là kinh Bất khả tư nghị giải thoát, đây là một
bộ kinh đậm chất thi vị, rất phóng khoáng và đặc biệt là yếu tố hào sảng ngôn
từ cũng như việc cởi mở hoàn toàn pháp hành buông xả rốt ráo, là cứu cánh đưa
hành giả đạt đến tâm thái tự tại, an nhiên, giải thoát hoàn toàn. Hẳn nơi pho Tam
Tạng kinh không chỉ có bộ kinh Duy ma cật sở thuyết là hiển bày pháp môn bất
nhị song có thể nói pháp môn không hai không thể nghĩ bàn thậm thâm, vi diệu đã
được Giác giả thể hiện thông qua bộ kinh Duy ma cật sở thuyết là thật sự đạt
đến điều trọn vẹn, toàn bích.
Bộ kinh Duy ma
cật sở thuyết hiển lộ rõ sự giác ngộ, giải thoát bất khả tư nghị ở người liễu
ngộ chánh pháp. Nói là không thể nghĩ bàn vì bởi bộ kinh đã vượt lên tầm nhận
thức thời đại mà Giác giả Thích Ca ra đời. Có thể nói bộ kinh đã vượt qua tầm
nhận thức của tất cả các bậc hành giả đã chứng đắc quả vị A la hán như Ngài Xá
lợi phất, Mục Kiền Liên, Phú lâu na, Ma ha Ca chiên diên, Ma ha Ca diếp, A Nan,
La hầu la, Ưu ba li,…
Nói bất khả tư
nghị là vì lời người ngộ nói với kẻ mê, thế nên những người còn trong lưới mê
khó thể lĩnh hội rốt ráo, cùng tận. Nói bất khả tư nghị là vì cho đến nay người
mê, kẻ ngộ đều không thể tường tận thông điệp mà Giác giả gửi gắm đến nhân loại
thông qua bộ kinh Bất khả tư nghị giải thoát, cứu cánh Niết bàn vô sở đắc cũng
như pho Tam Tạng kinh.
Bồ tát bệnh vì
chúng sinh bệnh - Vì sao lại như vậy?
Đã có rất nhiều
hành giả lẫn học giả ra sức dịch giải bộ kinh Duy ma cật sở thuyết, song đứng
trước pháp môn không hai bất khả tư nghị thì người mê lẫn kẻ ngộ đều “lực bất
tòng tâm” trong việc chạm đến việc liễu giải bộ kinh Duy ma cật sở thuyết. Thật
đúng là:
Y kinh giải nghĩa Tam thế Phật oan
Ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết.
Bồ tát là ai?
Chúng sinh là ai? Phật là ai?
Hầu hết các dịch
giả dịch giải kinh sách Phật giáo xưa nay đều cho rằng Phật là Đấng Toàn giác; Bồ
tát là những người đang ra sức dẫn dắt, chỉ bày cho người học Phật về con đường
thoát khổ, giải thoát hoàn toàn, Bồ tát là người nâng cao cùng việc gìn giữ
ngọn đuốc chánh pháp; Chúng sinh là mọi loài sinh vật nơi 3 cõi. Trong đó,
chúng sinh được chú trọng đề cập đến là loài người, đặc biệt là người học Phật.
Qua cách diễn giải như thế thì người học Phật cũng như những thành phần tham
cứu kinh điển xưa nay phần nhiều đều sẽ dính mắc vào sự phân định rạch ròi giữa
Phật, Bồ tát, chúng sinh; Phật, Bồ tát, người học Phật,… là những chúng sinh
hoàn toàn sai khác, riêng biệt. Kỳ thực không phải vậy Phật, Bồ tát, chúng sinh
vốn không hai.
Thật ra Giác giả
thuyết Tam Tạng kinh không nhằm vào việc phân định, chia chẻ cõi giới Phật, Bồ
tát, Thanh văn chứng đắc A la hán là Niết bàn và chúng sinh vô minh là trôi lăn
nơi 3 cõi 6 đường; Cũng lại như vậy không có sự tách rời riêng biệt giữa Phật, Bồ
tát khi chứng ngộ và chúng sinh vô minh. Phật chỉ là người giác ngộ hoàn toàn, thấu
rõ tự tánh vạn pháp, do sự hiểu biết chạm đến sự khách quan, sáng rõ, đúng mực
mà Giác giả an nhiên, tự tại nơi cuộc sống, đạt tâm thái Thường an lạc tịnh, về
sau hết kiếp mạng chung sẽ liễu thoát sinh tử, đoạn dứt việc luân hồi. Còn
chúng sinh nơi Tam giới vì sự hiểu biết hạn cuộc, rơi vào vô minh mà phiền muộn
và mãi trôi lăn nơi lưới mộng luân hồi, nhân quả trả vay.
Mục đích rốt ráo
của giáo lý chánh pháp là cứu khổ và hiển bày sự thật về sự giác ngộ giải thoát
hoàn toàn chứ kỳ thực không nhằm vào việc có quả vị A la hán để đắc, có Phật
quả để thành, có Niết bàn để chúng sinh chứng ngộ thọ dụng. Do bởi sự vọng
chấp, ngộ nhận của chúng sinh nơi 3 cõi, trong đó có cả các vị đắc quả A la hán
nên Giác giả thuyết bộ kinh Duy ma cật sở thuyết nhằm phá chấp vô minh một cách
trọn vẹn. Kinh Duy ma cật sở thuyết là bộ kinh hiển bày pháp môn bất nhị bất
khả tư nghị, thế nên chúng sinh, Bồ tát, Phật vốn không hai, không khác. Do vậy
mà nơi bộ kinh nói chúng sinh bệnh kỳ thực là để trình bày Phật, Bồ tát bệnh và
ngược lại. Hay nói đúng hơn Bồ tát bệnh vì chúng sinh bệnh chính là nỗi lòng
thao thức của những vị Giác giả trước căn bệnh vô minh miên tuyệt bất khả tư
nghị của mọi loài chúng sinh nơi 3 cõi.
Phật Thích Ca
chính là vị Đại Bồ tát vĩ đại, là vị thánh nhân đau nỗi đau của mọi loài chúng
sinh, là từ bi tâm bất khả tư nghị của bậc Giác giả.
…
Với những bản
dịch giải kinh Duy ma cật sở thuyết bất liễu nghĩa thì hầu hết các dịch giả đều
thừa nhận cũng như công nhận rằng vị Bồ tát bệnh vì chúng sinh bệnh là cư sĩ
Duy ma cật, vị Đại Bồ tát đến từ cõi nước Diệu Hỷ, nơi Bất Động Như Lai chủ trì
việc giáo hóa Pháp môn bất khả tư nghị giải thoát.
Vì người dịch
giải không hành trì chạm đến sự toàn giác nên các bản dịch giải kinh Duy ma cật
đã rơi vào tình cảnh kinh bất liễu nghĩa. Kỳ thực sự xuất hiện vị cư sĩ Bồ tát
Duy ma cật cũng như sự ra đời bộ kinh Bất khả tư nghị giải thoát khởi nguồn từ
những trăn trở, ưu tư của một vị Giác giả khi đứng trước sự vô minh của chúng
sinh nơi 3 cõi, trong đó có cả sự vô minh ở các vị đệ tử ưu tú, thượng thặng về
Bi - Trí - Dũng như Xá lợi phất, Mục Kiền Liên, Ma ha Ca diếp, Tu bồ đề, Ma ha
Ca chiên diên, Phú lâu Na, A na luật, A Nan,…
Đã có không ít giả
thuyết được đặt ra xoay quanh vị Đại Bồ tát Duy ma cật, song tất cả chỉ là lời
của người mê nói mộng. Thực ra, vị cư sĩ Duy ma cật chỉ là một hóa thân Bồ tát
mà vị Giác giả tạo ra, vị hóa thân Bồ tát này thể hiện chỗ dụng vượt ra ngoài
mô phạm đóng khuôn mà Giác giả Thích Ca từng thị hiện.
Mô phạm đóng
khuôn mà Giác giả Thích Ca từng thị hiện là gì? Và việc thị hiện mô phạm đóng
khuôn của Giác giả Thích Ca là nhằm vào mục đích gì?
Mô phạm đóng
khuôn mà Giác giả Thích Ca thị hiện lúc lúc dấn thân truyền trao chánh pháp đó chính
là hình tượng một người xuất gia. Với vai trò một người xuất gia vị Giác giả
đầu tiên của nhân loại đã ra sức chỉ bày cho những người có cùng chí hướng tìm
ra cách thức liễu thoát sinh tử, đoạn dứt luân hồi. Và cũng thông qua hình
tượng người xuất gia Phật Thích Ca thắp sáng, nâng cao và truyền trao ngọn đuốc
chánh pháp đến với xã hội loài người, đây là việc làm góp phần duy trì sự tồn
vong, suy thịnh của nhân loại.
Do chúng sinh
chi loại mê vọng thành Tánh, kiến chấp trùng trùng nên khi thấy Phật Thích Ca dấn
thân truyền trao giáo lý chánh pháp qua hình tượng xuất gia đã khiến người
người mê đắm, lâu về sau người học Phật rơi vào tà kiến cứu cánh của đạo giải
thoát là ở sự xuất gia. Biết vậy nên sau khi Phật Thích Ca nhập diệt, đứng
trước hiện trạng chánh pháp suy vong một vị Giác giả khác đã nhập thế và hóa
hiện vị cư sĩ Duy ma cật sống đời tại gia nhưng không chìm đắm ngũ dục, do
thông tỏ vạn pháp mà sự hiểu biết chạm đến sự giác ngộ giải thoát, tự tại, biện
tài vô ngại.
Ở hình tượng cư
sĩ Duy ma cật, vị Giác giả thứ hai sau thời Phật Thích Ca đã công khai một điều
rất thật, đó là người tại gia sống đúng chánh pháp vẫn đạt đến sự giác ngộ giải
thoát hoàn toàn. Đạo giác ngộ giải thoát hoàn toàn với pháp môn không hai bất
khả tư nghị đưa hành giả đến cứu cánh Niết bàn vô sở đắc mà không lìa vô vi -
xuất gia, không trụ hữu vi - tại gia, là pháp hành buông xả rốt ráo, cùng tận.
Đó chính là thông điệp của chánh pháp mà những vị Giác giả muốn gửi đến cho
nhân loại thông qua bộ kinh Duy ma cật sở thuyết.
Không chỉ vậy.
Thông qua bộ kinh Duy ma cật sở thuyết Giác giả chỉ rõ sự giới hạn của người
học Phật theo lối tu tiểu thừa - Thanh văn, và cả người học Phật theo lối tu
đại thừa - Bồ tát; Sự giới hạn ở Thanh văn, Bồ tát thông qua bộ kinh Bất khả tư
nghị giải thoát đồng thời cũng chính là ưu khuyết điểm của các vị đệ tử ưu tú,
thượng thặng thời Phật Thích Ca giáo và cũng chính là sự vô minh của người học
Phật ngày nay.
Sau khi Phật Thích Ca nhập Niết bàn vài trăm
năm đã có một vị Bồ tát thông tuệ nhờ nương vào giáo lý kinh điển nguyên thủy
mà đắc pháp vô sanh, chứng quả A la hán. Vị Giác giả này nhìn thấy hiện trạng
Phật giáo đương thời suy vi bởi do người học Phật đa số đều tiệm tu theo lối
Thanh văn thừa. Giới Tăng bảo vì rơi vào biên kiến nên đã lâu không có người
chứng ngộ pháp vô sanh đạt Nhất thiết chủng trí, giáo lý giác ngộ giải thoát do
vậy phơi bày ra những nhược điểm, khiếm khuyết về tính khế cơ, tùy thời. Trước
nguy cơ chánh pháp của vị Giác giả Thích Ca rơi vào đoạn diệt bởi sự khả dụng, tính
cứu cánh bất khả tư nghị ở đạo giải thoát bị mai một, nhạt nhòa; Vị Giác giả
sau thời Phật Thích Ca đã lưu xuất pháp khí đại thừa, quyết lòng làm bừng lên
ngọn lửa chánh pháp bất khả tư nghị, việc làm đúng thời nhằm gìn giữ giáo lý
giác ngộ hiển bày tự tánh không hai của vạn pháp cùng con đường giải thoát hoàn
toàn.
Vì muốn chánh pháp Như Lai không bị đoạn dứt
nên vị Giác giả thông tuệ đã ra sức truyền trao giáo lý kinh điển đại thừa, đây
là việc làm có tính khế cơ, khế hợp. Việc trao truyền giáo lý kinh điển đại
thừa là nhằm vào việc truyền tâm pháp khí đại thừa cho người học Phật đời sau.
Người học Phật khi thọ trì pháp khí đại thừa sẽ nỗ lực hành Bồ tát đạo, chánh
pháp Như Lai tạng nhờ vào những vị Bồ tát phát tâm đại thừa mà ngọn đuốc chánh
pháp được truyền giữ, khêu sáng khắp muôn phương cõi trời - người.
Vị Giác giả thứ hai rõ biết chánh pháp Như
Lai tạng muốn được công nhận trước phải được đại chúng và người học Phật thừa
nhận. Nương theo thông lệ, lục chủng chứng tín được vị Giác giả đặt làm phần
khởi đầu cho tất cả bộ kinh điển đại thừa.
Lục chủng chứng tín bắt đầu nơi những bộ kinh
đại thừa là do nơi lòng tin, sự hiểu biết của người học Phật lúc bấy giờ chưa
đủ, vì thế nên vị Giác giả sau thời Phật Thích Ca đã dùng làm phương tiện khéo
để giúp người học Phật phát khởi lòng tin đối với giáo lý kinh điển đại thừa.
Dựa vào việc ngài A Nan là người trùng tuyên
pho Kinh Tạng vị Giác giả sau thời Phật Thích Ca đã bắt đầu những bộ kinh điển
đại thừa bằng “Như thị ngã văn - Chính A Nan tôi được tham dự buổi pháp thoại”.
Năm chủng chứng tín còn lại cũng chỉ nhằm vào việc tạo lòng tin nơi người học
Phật xem kinh, ngoài ra chủng chứng tín về thành phần tham dự buổi pháp thoại
còn nhằm phô diễn thần lực bất khả tư nghị của Như Lai, mục đích của việc đưa
ra chủng chứng tín tham dự pháp thoại là nhằm giúp người học Phật sơ cơ thuở
xưa tin sâu vào thần thông Như Lai vượt xa tất cả ngoại đạo. Chỉ khi lòng tin
của người học Phật vững vàng thì con đường giải thoát hoàn toàn của họ về sau
mới rộng mở.
Song giá trị của lục chủng chứng tín chỉ hữu
ích với người học Phật thuở xưa, khi kinh điển đại thừa chưa được người học
Phật đương thời biết đến. Ngày nay, lục chủng chứng tín đã không còn quan
trọng, lục chủng chứng tín thực sự không có tính quyết định về sự giải thoát
hoàn toàn ở những bộ kinh. Dựa vào sự hiểu biết đúng mực người học Phật sẽ rõ
biết đâu là kinh Phật, đâu là ngụy thư trong kinh Phật, đâu là giáo lý sáng rõ mang
lại sự giác ngộ giải thoát. Thời đại hiện nay, lục chủng chứng tín đã thật sự
không còn là điều quan yếu then chốt quyết định giá trị thật có của một bộ kinh
do Giác giả thuyết. Vậy nên người học Phật ngày nay chớ dính mắc vào lục chủng
chứng tín để xác định một bộ kinh Phật, người học Phật càng không nên chấp chặt
chủng chứng tín chúng sinh tham dự buổi pháp thoại là thật có vì điều này sẽ
ngăn chặn trí tuệ Bát nhã của người học Phật, khiến người học Phật rơi vào tà
kiến, lầm lạc trong biển mê tín, dị đoan.
…
Tất cả những vị Phật, Bồ tát, Đế Thích, Phạm
thiên, Thiên ma, A tu la, Thiên nữ, Long thần, Càn thát bà, trưởng giả, thiện
nam, tín nữ, cư sĩ, nhẫn đến các hàng Thanh văn đệ tử Phật Thích Ca như ngài A
Nan, Ca diếp, Xá lợi phất, La hầu la…. đều là những hóa thân do Giác giả kiến
tạo.
Tên hiệu các vị Phật, Bồ tát cho đến danh
xưng của các vị trời Phạm thiên, trưởng giả, cư sĩ, đồng tử,… đều thể hiện tánh
hạnh của Bồ tát hay công đức trang nghiêm của chư Phật cũng như chỗ phát tâm
của người học Phật xưa nay.
…
Bài liên quan
- Phẩm Được Thấy Phật A Súc
- Phẩm Hạnh Bồ Tát
- Phẩm Phật Hương Tích
- Phẩm Pháp môn không hai
- Phẩm Con Đường Phật Đi
- Phẩm Quán Chiếu Căn Tánh Chúng Sinh
- Phẩm Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát
- Phẩm Văn Thù Sư Lợi Đi Thăm Bệnh
- Phẩm Trò Chuyện Cùng Các Vị Bồ Tát (P.2)
- Phẩm Trò Chuyện Cùng Các Vị Bồ Tát (P.1)
- Phẩm Nói Với Chúng Học Trò Thanh Văn (P.2)
- Phẩm Nói Với Chúng Học Trò Thanh Văn (P.1)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét