Đạo Phật sơ khai - Lộng giả thành chân
Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015
Chương II
Hiển Bày Chân Thật Pháp – Xé Nát Xưa
Nay
Trong quá trình hành đạo và trao truyền chánh pháp Phật đã tùy thuận theo
căn tánh, trình độ, hoàn cảnh sống,… của người cầu đạo mà có những thay đổi
giáo lý khác nhau. Mục đích cuối cùng của việc thay đổi tùy thuận là nhằm đưa
đạo lý về sự giác ngộ, giải thoát hoàn toàn đến với mọi thành phần, mọi tầng
lớp xã hội loài người. Vì lẽ việc thay đổi tùy thuận theo tâm ý của loài người
sẽ giúp đạo lý tỉnh thức lan truyền sâu rộng trong 3 cõi 6 đường.
Cốt lõi, gốc rễ của đạo lý tỉnh thức là sự giác ngộ, giải thoát hoàn toàn
giúp con người thoát ra mọi khổ não, thoát ra 3 cõi 6 đường. Thể nhập Niết bàn.
Niết bàn chỉ là giả lập, là phương tiện Phật đã dùng nhằm truyền trao chánh
pháp - Con đường của sự giải thoát hoàn toàn.
Trên thực tế ngôn ngữ chỉ là giả lập, con người đã dùng ngôn ngữ giả lập để
trao đổi thông tin cho nhau. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc,… sẽ dùng những thứ ngôn
ngữ khác nhau. Sự khác biệt về ngôn ngữ giữa các quốc gia, vùng miền chứng tỏ
ngôn ngữ chỉ là giả lập, là phương tiện hỗ trợ việc giao tiếp. Tám vạn bốn ngàn
pháp môn mà Phật thuyết cũng chỉ là phương tiện, là giả lập. Đó không phải là
chân lý. Phật đã tùy thuận dùng ngôn ngữ giả lập thuyết ra những pháp môn giả
lập tùy thuận nhằm hiển bày một con đường thoát khổ chân thật, thoát khỏi luân
hồi. Phật đã “Lộng giả thành chân”.
Sau 49 ngày ngồi dưới cội bồ đề, Phật chứng ngộ quả vị chánh đẳng, chánh
giác. Phật đạt được sự hiểu biết và giải thoát hoàn toàn, có được sự tự tại, vô
ngại.
Nhìn chúng sinh nẻo Người điên đảo vướng vào sáu mươi hai luận chấp gồm:
Có mười tám luận chấp về quá khứ - bốn chủ
thuyết thường trụ, bốn chủ thuyết vừa thường trụ vừa vô thường, bốn chủ thuyết
về hữu biên và vô biên, bốn chủ thuyết ngụy biện và hai chủ thuyết về không có
nhân quả. Có ba mươi chín luận chấp về tương lai - mười sáu chủ thuyết là còn
tri giác sau khi chết, tám chủ thuyết không còn tri giác sau khi chết, tám chủ
thuyết không phải còn cũng không phải không còn tri giác sau khi chết và bảy
chủ thuyết về đoạn diệt. Có năm luận chấp về hiện tại là Niết bàn.
Khi vướng vào những luận chấp con người sẽ cố chấp, bảo thủ, tranh hơn,
luận thắng cho chủ thuyết của mình. Để chứng tỏ chủ thuyết của tôn giáo mình là
chân lý, con người sẽ đi đến hý luận nhằm lôi kéo tín đồ và số đông người đồng
tình. Việc làm này khiến con người càng bị trói chặt trong cái lưới vô minh và
hoài nghi. Đến khi vô thường gọi thì những chủ thuyết lầm lạc trên vẫn không
giúp con người có được sự an lạc, giải thoát khỏi thân tâm.
Phật nhận biết chúng sinh nẻo Người tự lấy dây trói mình nên nỗi phiền não,
đau khổ chồng chất. Số khác chấp nhận số phận hèn mọn, bạc nhược,… có ít nhiều
niềm tin đối với Đấng quyền năng. Thế
nên những con người này chỉ còn biết lễ lạy, cúng bái, cầu nguyện được Ơn trên
ban ơn, thương xót,…
Nhưng thực tế, do tự lấy dây trói mình và không ngừng vùng vẫy nên những
con người đó không thể thoát ra được những khổ não mà còn bị trói chặt hơn. Còn
vai trò của những Đấng quyền năng chỉ dừng lại ở những tác động thụ động về mặt
tinh thần. Họ thật sự không thể tạo ra của cải, vật chất giúp cho loài người.
Họ cũng không khả năng tạo ra mưa thuận, gió hòa giúp con người thoát khỏi
những thiên tai, dịch họa,…
Phật nhìn thấy rõ thật mọi việc đều tuân theo quy luật của nhân quả.
Mùa hè con người gieo nhân là hạt lúa thì mùa thu sẽ thu hoạch được những
hạt lúa vàng. Mùa đông ươm mầm cỏ dại thì mùa xuân sẽ có một đồng cỏ. Không có
việc gieo mầm cỏ dại mà lại thu được nhiều hạt lúa vàng,...
Trong mối quan hệ nhân duyên chằng chịt, con người khi gieo nhân hòa hợp,
ấm êm và hiểu biết thì sẽ nhận quả tốt là sự hiếu thuận, thảo hiền,…
Ngược lại khi con người gieo nhân ngang tàng, bạo ngược, ích kỷ,… thì sẽ
nhận lấy quả báo là sự lẻ loi, cô độc, mọi người xa lánh,…
Và Phật còn nhận rõ quy luật nhân quả không chỉ là sự biểu hiện ở hiện đời
mà đó là kết quả của hằng sa số kiếp luân chuyển của tất cả các chúng sinh
trong 3 cõi.
Có một điều khác biệt giữa chúng sinh nẻo Người và chúng sinh 5 nẻo còn
lại. Đó là con người hoàn toàn có thể thay đổi số phận, nghiệp quả của tự thân
bằng sự hiểu biết và nhẫn nhịn. Khi nhìn rõ vạn pháp, Phật biết rằng “Cơ duyên
đã đến, Người cần phải cất lên tiếng gầm của con sư tử chúa để xóa tan những
điên đảo, lầm lạc có trong các tà thuyết, kiến chấp của tri thức nhân loại thời
xưa”.
Kinh Phạm Võng được Phật thuyết nhằm đập tan sáu mươi hai luận chấp sai lạc
của các tôn giáo, chủ thuyết đương thời và xóa tan cả việc cầu nguyện, cúng bái
và lễ lạy.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm được Phật thuyết khi ngài Anan bị trúng mê dược của cô
Ma Đăng Già suýt phạm vào sắc giới. Sở dĩ ngài Anan không thể thoát ra khỏi
lưới tình của cô Ma Đăng Già là vì mặc dù là người học rộng biết nhiều nhưng
ngài Anan đã bị cái thấy nghe hay biết trói buộc, không tự thực chứng. Kết quả
ngài Anan mê mờ không nhận rõ bản tâm. Nhận cái thấy nghe hay biết dính mắc làm
tâm, ngài Anan đã phạm sai lầm mà Phật nhận định là “Nhận giặc làm con”. Vì lẽ
nếu cái thấy nghe hay biết phân biệt là tâm, vậy khi không vướng vào cái thấy nghe
hay biết thì cái trạng thái dừng lặng đó là gì? Nếu ngài Anan đạt được sự thực
chứng - chứng ngộ bản tâm - thì ngài hoàn toàn có khả năng hóa giải lưới tình
của cô Ma Đăng Già. Không chỉ có vậy mà ngài Anan còn có thể giúp cô Ma Đăng
Già quay về chánh pháp.
Phật thuyết kinh Thập Nhị Nhân Duyên và Duyên Sinh nhằm giúp con người trả
lời câu hỏi về nguồn gốc của con người và vạn vật có trong vũ trụ, phá đi cái
vọng chấp về cái tôi thường tại có trong mỗi chúng sinh.
Phật thuyết kinh Chăn Trâu nhằm giúp cho những người học Phật ở tầng lớp mà
xã hội cho rằng thấp hèn như chăn trâu, hốt phân,… Sở dĩ Phật thuyết kinh chăn
trâu là vì Người nhận thấy có sự tương quan giữa việc chăn trâu và việc tu học.
Trình bày việc tu học thông qua hình ảnh chăn trâu sẽ khiến giáo lý gần gũi, dễ
hành trì hơn.
Phật thuyết kinh Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ khi rõ biết hoàng hậu Vi
Đề Hi rơi vào tận cùng của sự tuyệt vọng. Phật đã nói về cõi A Di Đà tuyệt đẹp,
không có khổ não bức hại nhằm vực dậy tinh thần rệu rã của hoàng hậu Vi Đề Hi.
Khi đã sống được với bản tâm người học Phật sẽ tự nhận biết cõi A Di Đà và Niết
bàn vốn không hai.
Mỗi bộ kinh Phật thuyết ra đều khởi nguồn từ những vấn đề gút mắc cần phải
giải quyết của xã hội loài người thời Phật hành đạo.
Việc đi khất thực tuần tự từng nhà, ngày ăn một bữa cũng chính là một pháp
môn của Phật.
Tại sao Phật chọn giải pháp đi khất thực để truyền trao giáo lý giác ngộ,
giải thoát hoàn toàn sâu rộng vào quần chúng?
Vì Người rõ biết nếu cứ trói mình trong nỗi lo cơm áo thì sẽ không thể đưa
giáo lý tỉnh thức, phương pháp thoát khỏi mọi khổ đau cho chúng sinh trong 3
cõi. Người ăn ngày một bữa vì Người biết tầng lớp tu sĩ không tạo ra của cải
vật chất phục vụ cho nhân loại. Việc giữ thân để hành trì, tu tập sự giải thoát
hoàn toàn là cần thiết nhưng không nên phụng dưỡng thân quá hậu, sẽ rơi vào lợi
dưỡng dẫn đến tham đắm, si mê lạc lối vào 6 nẻo luân hồi.
Việc ngồi thiền cũng chính là pháp môn của Đức Phật, vì thông qua lời Phật
thuyết chúng sinh trong 3 cõi chỉ nhận biết được việc thoát khổ, giải thoát
nhưng không thật sự sống với điều đã lĩnh hội được. Việc dừng lặng sẽ giúp con
người khai mở được trí tuệ và chuyển hóa những cái thấy nghe hay biết trở về
với bản tâm. Từ đó không còn tham đắm, vướng mắc đạt được sự tự tại, an lạc ngay
trong hiện kiếp. Khi sống được với chánh định thì sẽ tự nhận biết Niết bàn
không phải ở quá khứ, tương lai hay hiện tại. Niết bàn cũng không ở trong, ở
ngoài hay ở giữa mà Niết bàn chính là bản tâm thường tại của mọi chúng sinh.
Phật giáo sơ khai đã tùy thuận theo bối cảnh xã hội ở từng quốc gia mà có
những sự thay đổi phù hợp. Việc thay đổi tùy thuận chỉ nhằm mục đích giúp giáo
lý kinh điển của đạo Phật được truyền trao đến người học Phật. Người học Phật
khi sống được với những điều Phật chỉ bày thì sẽ thoát khổ ngay trong hiện đời.
Nếu người học Phật tinh tấn hành trì đạt được chánh định thì sẽ tự biết đã
đạt sự giải thoát hoàn toàn.
Sở dĩ Phật giáo có sự thay đổi tùy thuận là vì phần lớn con người thời đạo
Phật sơ khai có trình độ hiểu biết chưa cao. Nếu không dùng sự tùy thuận làm
phương tiện thì đạo lý tỉnh thức khó có thể thâm nhập vào cuộc sống, giúp con
người thoát khổ.
Khi nhân duyên giáo hóa Phật giáo ở Ấn Độ không còn, Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã
vượt biên giới sang Trung Quốc với bi nguyện hoằng dương chánh pháp.
Tổ Đạt Ma đã gặp vua Lương Võ Đế và sớm nhận biết Phật giáo Trung Hoa cũng
đã rơi vào thời mạt pháp. Tổ đã bỏ vào hang đá ngồi thiền định.
Về sau có vị sư Thần Quang sau khi tìm hiểu giáo lý nhà Phật vẫn không đạt
được sự tỏ ngộ, đã tìm đến tham học. Tổ Đạt Ma chỉ lặng im. Sư Thần Quang đứng
giữa trời tuyết lạnh hết ngày sang đêm một lòng cầu pháp.
Sơ Tổ Đạt Ma thương tưởng hỏi:
- Cầu pháp mà chỉ đến thế thôi sao?
Sư Thần Quang đã chặt một cánh tay dâng lên thể hiện tâm tha thiết cầu đạo.
Sơ Tổ nói:
- Tâm cầu pháp như vậy cũng khá.
Sư Thần Quang được Sơ Tổ nhận làm đệ tử ban cho pháp danh Huệ Khả.
Có một dịp, sư Huệ Khả mong cầu đắc pháp, lòng bấn loạn chẳng an.
Sư Huệ Khả nói:
- Bạch thầy, tâm con không an. Cầu thầy an tâm cho?
Sơ Tổ Đạt Ma đã nói:
- Đưa tâm đây, ta an tâm cho.
Sư Huệ Khả xoay lại tìm tâm nhưng không thể nhận biết được tâm ở đâu nên đã
trả lời:
- Con tìm chẳng thấy.
Sơ Tổ Đạt Ma nói:
- Ta đã an tâm cho con.
Quả thật, căn cơ của sư Huệ Khả là không thật sự bén nhạy và do đã vướng
vào giáo lý, kinh điển. Qua lời đốn ngộ của Sơ Tổ, sư Huệ Khả vẫn mờ mịt, chưa
thể thấy tánh.
Hai câu nói “Đưa tâm đây, ta an cho” và “Ta đã an tâm cho con” khiến cho sư
mịt mờ chẳng biết tâm ở đâu và Sơ Tổ đã an tâm giúp mình khi nào?
Vô hình chung đã “cột tâm” sư vào một chỗ. Sau thời gian dài “lắng tâm” sư
Huệ Khả đã tỏ ngộ. Chính việc thiền định đã giúp sư Huệ Khả minh tâm kiến tánh.
Sư Huệ Khả đã trình sở đắc:
- Con đã dứt hết các duyên rồi.
Sơ Tổ Đạt Ma hỏi:
- Con không rơi vào đoạn diệt chứ?
Sư Huệ Khả đáp:
- Chẳng thành đoạn diệt.
Sơ Tổ Đạt Ma hỏi:
- Lấy gì chứng minh?
Sư Huệ Khả đáp:
- Rõ ràng thường biết. Nói không thể được.
Sơ Tổ Đạt Ma nói:
- Đây chính là bí quyết tâm truyền của tất cả các chư Phật. Con chớ nghi
ngờ gì.
Đó là sự chân thật của pháp môn tâm truyền tâm mà Sơ Tổ Đạt Ma truyền trao
cho Sư Huệ Khả. Sư Huệ Khả nhận được tâm ấn về sau làm Nhị Tổ ở Trung Hoa.
Pháp môn tâm truyền tâm cơ bản chính là dừng lặng việc lạm bàn giáo lý, sự
hiểu biết và vướng mắc vào kinh Phật.
Sự dừng lặng sẽ giúp người học Phật chuyển hóa, lĩnh hội được kinh Phật và
khi thật sống với những điều đã lĩnh hội thì trí tuệ sẽ được khai mở. Tùy thời
người học Phật sẽ đạt được sự giải thoát hoàn toàn, đắc quả thánh.
Nói cách khác, pháp tâm truyền tâm là chuyển muôn niệm về thành một niệm.
Hành trì miên mật, tùy thuận cho đến khi thuần thục thì dứt một niệm về vô
niệm. Sau cùng người học Phật dứt vô niệm trở về lại muôn duyên.
Tuy nhiên, người học Phật đắc quả thánh sẽ đối diện muôn duyên nhưng không
sinh một niệm. Thế nên mới có việc - Người chưa học Phật nhìn thấy núi sông là
núi sông. Người học Phật nhìn thấy núi sông không phải là núi sông.
Người học Phật đạt quả giải thoát nhìn thấy núi sông là núi sông. Sự khác
biệt của người chưa học Phật là nhìn núi sông nhận biết núi sông với tâm phân
biệt dính mắc còn người học Phật đạt quả vị giải thoát thì nhìn núi sông nhận
biết núi sông với tâm vắng lặng, tịch diệt. Họ và núi sông là không hai.
Lúc bấy giờ đạo Lão đang dần hình thành và phát triển mạnh ở Trung Hoa. Tư
tưởng vô vi, giữ lòng hư tĩnh của các bậc đạo nhân tu tiên và pháp môn ngồi
thiền của đạo Phật đã có sự ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Thực tế khi giữ lòng hư
tĩnh, người hành thiền sẽ đạt những trạng thái lắng tâm và sự hiểu biết sẽ được
nâng cao. Con người sẽ có thể kéo dài tuổi thọ. Thậm chí con người còn có thể
xuất thần thức - Huyễn thân - ra khỏi cơ thể, rong chơi tiêu diêu, tự tại.
Những đạo nhân tu tiên đã xây dựng nên pháp song tu gồm tu tánh và tu mạng.
Tu tánh nhằm minh tâm. Tu mạng nhằm kéo dài tuổi thọ. Đây là sự sai biệt giữa
đạo Lão và đạo Phật.
Đạo Phật lấy sự giải thoát hoàn toàn, thoát khỏi luân hồi làm “Điểm đến”.
Vì thế, người học Phật sau khi tham cứu giáo lý sẽ dùng xác thân giả tạm - thân
huyễn hành trì nhằm đạt được sự tỏ ngộ giải thoát hoàn toàn, không thiết việc
kéo dài tuổi thọ.
Còn đạo Lão lấy việc kéo dài tuổi thọ và việc tạo “Huyễn thân” rong chơi
trong tam giới làm “Điểm đến” cho thấy người tu tiên còn chấp cái tôi vào
“Huyễn thân” dù hành trì đạt đạo cũng khó thể rời khỏi tam giới.
Do có sự ảnh hưởng qua lại giữa đạo Phật và đạo Lão, người học Phật đời sau
rơi vào kiến giải. Điều đáng tiếc vẫn thường tồn tại là “Người biết thời không
nói, người nói thời không biết”. Pháp môn tâm truyền tâm được thừa nhận là
riêng của thiền tông do Tổ Bồ Đề Đạt Ma sáng lập.
Về sau thiền tông còn phân định ra nhiều khái niệm thiền khác nhau điển
hình là Như Lai thiền, Tổ Sư thiền ,… và có cả tối thượng thừa thiền. Điều này
giống như là việc “Trên đầu lại gắn thêm đầu” “Trên mỏ lại gắn thêm mỏ”.
Do không thực chứng ngộ bản tâm người học Phật đời sau đã xem pháp môn tâm
truyền tâm là tông chỉ thiền tông với yếu quyết:
Truyền
riêng ngoài giáo
Không
dùng lời nói
Chỉ
thẳng tâm người
Thấy
tánh thành Phật.
Câu chuyện truyền pháp của Sơ Tổ Đạt Ma cho Nhị Tổ Huệ Khả giúp bạn nhận ra
pháp môn tâm truyền tâm không phải rời lời nói, ngôn ngữ cũng không phải là
không rời ngôn ngữ, lời nói. Thật sự chỉ là tránh rơi vào hý luận, lạm bàn giáo
lý, buông bỏ sự hiểu biết trên lý thuyết chuyển hóa những điều đã lĩnh hội về nguồn
tâm, sống thật với bản tâm vắng lặng, không dính mắc. Pháp tâm truyền tâm cũng
chỉ là phương tiện, là sự tùy thuận truyền pháp Phật của các vị Tổ.
Trong khi đó ở Tây Tạng, Phật giáo cũng rơi vào thời mạt pháp, người học
Phật chỉ mãi lo tranh luận mà không đạt được sự tỏ ngộ.
- Một số người học Phật chán ngán bỏ vào những hang động của dãy Hymãlạpsơn
chuyên tâm thiền định.
- Một số người học Phật khác lại dùng chú thuật, ấn quyết,… mong cầu mau
chóng đạt sự giải thoát hoàn toàn.
Sự dừng lặng và chú thuật, ấn quyết,… giúp người học Phật tiếp cận được thế
giới vô hình. Niềm tin tăng trưởng một số người học Phật tin sâu pháp Phật miên
mật hành trì, đạt được những tỏ ngộ về con đường giải thoát.
Số người học Phật khác đuổi theo thần thông, bùa chú, ấn quyết,… lạc vào
lối rẽ. Người biết không nói, người nói lại không biết.
Mật tông ra đời trong sự “nghẽn lối” về con đường giải thoát hoàn toàn.
Những bậc chân sư cũng đã tùy thuận dùng chú thuật, ấn quyết,… nhằm tạo niềm
tin sâu và cũng là “cột tâm” người học Phật vào một chỗ - Là phương tiện giúp
người học Phật “lắng tâm”. Nhưng do việc không nói rõ dụng tâm dùng pháp của
các bậc chân sư đã làm người học Phật
ngày nay mê mờ sự chân ngụy.
Một số người học Phật lầm tưởng đã đuổi theo thần thông, bùa chú,… khó mong
thoát khỏi luân hồi.
Phật đã nói về cõi giới A Di Đà trong bối cảnh tinh thần hoàng hậu Vi Đề Hi
hoàn toàn suy sụp. Bà Vi Đề Hi lúc bấy giờ như là người bị rơi xuống dòng nước
chảy xiết, hoàn toàn muốn buông xuôi số phận. Phật đã tùy thuận lập ra cõi giới
A Di Đà như là việc đưa người bị rơi vào dòng nước xoáy lên khỏi mặt nước trước
khi người đó bị chết chìm. Phật rõ biết
“Cần phải giữ lấy được thân mạng bà Vi Đề Hi, giúp người trấn tỉnh tinh
thần rồi thì mới có thể giúp hoàng hậu đi trên con đường giải thoát hoàn toàn”.
Về sau, nhằm để có thể truyền trao pháp Phật đến với mọi người, các vị Tổ
đã tùy thuận dùng pháp môn “Nhất tâm niệm Phật” giúp con người biết đến đạo
giải thoát. Sau đó các vị minh sư sẽ tùy thuận truyền dạy giáo lý kinh điển
nhằm giúp người học Phật giác ngộ, liễu thoát sinh tử.
Nhưng ngày nay người học Phật đã lầm lạc tìm đến Tịnh độ tông chỉ với niềm
tin cõi giới A Di Đà là thật có. Việc học hỏi sự hiểu biết giác ngộ, hành trì
chánh pháp nhằm đạt được sự giải thoát hoàn toàn bị xem nhẹ. Sự lầm lạc này sẽ
dẫn người học Phật thọ hưởng phước báu nẻo Người, nẻo Trời ở kiếp sau. Đây
không phải là chánh pháp. Bởi lẽ nếu mải mê hưởng phước báu người học Phật sẽ
lui sụt chí Bồ đề. Thấu rõ bi nguyện muốn độ thoát chúng sinh nẻo Người ra khỏi
3 cõi 6 đường, thoát khỏi luân hồi tôi sẽ xóa đi những lầm lạc, ngộ nhận,… của
người học Phật.
Tóm lại, Phật, các vị Tổ và những người học Phật đạt được sự giác ngộ giải
thoát hoàn toàn đã dùng pháp Phật tùy thuận làm phương tiện, đã “Lộng giả thành
chân” nhằm hiển bày sự thật về con đường giác ngộ giải thoát hoàn toàn.
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét