Bàng bạc hương đêm (P.2)
Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015
Cuộc sống tôi vốn dĩ chẳng êm trôi.
Trong sự mông lung tôi đã từng hỏi lòng “Cuộc sống cần tôi hay tôi cần cuộc
sống?”. Tôi đã không tìm được câu trả lời và theo vết thời gian câu hỏi đó trở
thành ký ức. Cho đến khi tôi hụt hẫng trong cuộc sống và tôi xin vào chùa để
trốn tránh những phiền muộn, lo toan. Tôi về chùa mà không tin rằng “Có một thế
giới khác - nơi tồn tại những người đã khuất”. Rồi thì tôi gặp họ. Hai người đã
khuất là nạn nhân của chiến tranh, họ vẫn chấp giữ lấy hình hài bị bom đạn cày
nát. Họ u mê không chịu rời bỏ tâm ý chứa đựng xác thân tàn hoại. Thời gian
giúp tôi bình tâm lại. Nhân duyên xuất gia chưa đến, gia đình dường như cần
đến, tôi lại quay về cuộc sống.
…
Cuộc đời người thật không ít buồn
khổ, thất vọng. Có một dịp, tôi chợt giật mình khi nhận ra “Chỉ có mình tôi
ngồi cạnh một dòng sông lặng lẻ”. Trăng 16 đã lặn tắt từ lâu, vu vơ tôi tự hỏi:
Giờ này sao ta còn ngồi một mình nơi đây? Rồi hàng loạt câu hỏi ập về. Cuộc
sống cần ta hay ta cần cuộc sống? Ta sinh ra để làm gì? Để lớn lên, để già, để
bệnh và để chết? Chết là hết? Vậy sinh ra để làm gì? Để hưởng thụ cuộc sống vật
chất, uống ăn? Để thọ hưởng ái ân, lạc thú? Để rồi bệnh tật, hụt hẫng, hoang
mang, đau khổ giày vò, oằn mình níu giữ những hơi thở cuối và chết đớn đau? Trước
khi được cha mẹ sinh ra, ta ở đâu? Khi chết, ta sẽ đi về đâu? Phải chăng ta có
ở “tinh cha, huyết mẹ”? Không đúng, ta
chỉ có một tâm thế nên ta không thể có nguồn gốc ở hai nơi mà họp lại thành.
Vậy ta ở tinh cha hay ở huyết mẹ? Vậy trước khi cha mẹ ta ra đời ta ở đâu? Ôm
mớ câu hỏi mông lung tôi về nhà mà không tài nào dỗ giấc được.
Nguyên nhân nào tôi lại một mình
ngồi bên dòng sông vắng mà quên cả thời gian? Bởi do một người bạn bị mất do
tai nạn giao thông, vợ chồng người bạn và gia đình “cơm không lành canh không
ngọt” cùng với những bộn bề của cuộc sống - việc cơm áo gạo tiền, hơn thua,
được mất, lợi danh,…
Rồi thì cũng qua… Cho đến một ngày
tôi nhận ra gương mặt của mình khi chưa được sinh ra. Tôi đã trả lời được những
câu hỏi khó. Tôi trở nên Vô Ưu từ đó vì lẽ tôi đã tìm lại được chính tôi.
…
Trên bước đường ngược xuôi để hoàn
tất việc cần làm, tôi vẫn qua lại những cung đường hoan lạc. Tôi vẫn nhìn thấy
em trong xiêm áo gọi mời. Em vẫn đẹp xinh, quyến rũ kẻ qua người lại mua vui
trong màn đêm tăm tối. Tôi càng thấy thương em hơn nhưng tôi vẫn chưa thể dừng
ghé lại.
...
Nói gì đây? Người đời vẫn nói nơi em
ở là tệ nạn xã hội, là bùn lầy nhơ nhớp, là sự suy đồi băng hoại nhân cách con
người. Em là hoa hèn mạt hạng chốn bùn nhơ, họ rẻ rúng miệt thị nhìn em lả lơi
cợt nhã,… Nhưng đâu đó tôi vẫn được nghe nơi em ở là thiên đàng khoái lạc, là
vực thẳm ái tình,… Ong bướm vẫn vờn quanh những cánh hoa hèn. Kẻ lại người qua,
em vẫn là người tình chung thủy. Yêu cuồng si kẻ lạ lẫn người quen. Tình chăn
chiếu thoáng qua, người mua kẻ bán. Yêu thương gì mây gió mà thôi. Họ cần em
tìm phút giây khoái lạc, em cần họ vì cơm áo gạo tiền. Phải không em? Có mất gì
đâu?
Em vẫn thủy chung với nơi em ở. Nơi
em dễ dàng có nhiều tiền không cần phải vất vã mưu sinh. Có phải em vội quên
miền quê heo hút, mùi rạ thơm, khói đốt đồng,… vì hương đồng nội đã tàn phai?
Bà mẹ già nua, nhà em đông em lắm, cha bỏ em đi khi thắng út ra đời là đứa trẻ
tật nguyền. Phải không em? Nhà em nghèo lắm không có ruộng vườn, bầy em nhỏ đến
trường mà không có tiền trang trải, em phải dấn thân vào chốn phong trần,...
Tôi vẫn thương em dù em có nói hay không nói điều gì chăng nữa. Tôi thương em
vì em nông nổi dại khờ vội bỏ làng quê nghèo, yên bình, ấm tình người nông dân
chân chất, hiền lương.
Em đi rồi khoác lên mình xiêm áo
mới. Em đẹp xinh hơn và sực nức hương đêm. Nhưng em vẫn là cô gái nghèo ra phố
thị. Ngày xưa em nghèo mặc áo rách sờn mẹ vá. Xa quê rồi, nơi phố thị phồn hoa,
áo em “trống trước hụt sau” mẹ làm sao vá may cho lành được. Thế nên cái đẹp
ngày xưa mẹ gìn giữ cho em. Nay em hững hờ mặc ánh mắt người sờ nắn. Đêm truy
hoan khách bướm ong vùi dập tấm thân ngà. Cái đẹp vẫn đẹp nhưng tôi vẫn hoài
nhớ nét đẹp của ngày xưa. Chân chất, mộc mạc, quê mùa, đơn sơ và thuần khiết.
Em ra đi đánh mất hương đồng nội trinh nguyên - Nét duyên xưa nhu mì, e ấp. Tôi
vẫn yêu hơn cái đẹp thôn quê thuần khiết và hương đồng nội dịu dàng thanh sắc
những ngày xưa.
Một hôm ta thấy bạn ta ngượng ngùng
Vờ che ngực áo hơi phồng
Ta run rẩy ngó má hồng hây hây…
Nguyễn Duy
Em đã quên
rồi, còn đâu nữa? Em ơi! Còn lại gì đây nơi hương phấn loẹt lòe, áo quần cũn
cỡn? Trân tráo, lọc lừa, cạm bẫy chua ngoa,… Lẽ ra,…
Lẽ ra em không nên đi. Lẽ ra em cần biết
rằng: Em đi hương sắc sẽ ra đi. Lẽ ra em đừng đi.
Nói gì đây? Cuộc sống mưu sinh khốn
khó khiến em phải ra đi? Ngày em ra đi, ánh mắt cha mẹ cùng các em buồn lắm và
những cánh đồng trải dài cũng buồn bã vì thiếu người cần mẫn, nâng niu. Những
khu công nghiệp đã mọc lên cũng rất cần bàn tay người thợ khéo. Có nơi nào ở
quê nghèo không cần em cùng sức lao động cần cù, chăm chỉ? Phải không em? Sao
em ra đi bỏ lại tình thân và đánh rơi hương sắc? Em cần rất nhiều tiền để giúp
đỡ mẹ cha và các em chăng? Sức lao động cần mẫn của em là không đủ đáp đền ơn
dưỡng dục chăng? Họ cần em chu cấp tiền nhiều hơn nữa chăng? Phải chăng họ
dưỡng nuôi để bán em ra giữa chợ đời đen bạc? Hay bạc tiền đã xô ngã đời em?
Hay em muốn thoát ra khỏi kiếp nghèo tay bùn, chân lấm? Phải chăng em yêu kiếp
sống nhởn nhơ, nhàn nhã lại có rất nhiều tiền và lạc thú ái ân? Nói gì đi em?
…
Nói gì đây? Tôi nhìn thấy nơi em ở
không là thiên đường dục lạc. Dường như là… địa ngục tối tăm. Những cảnh đời
bất hạnh, đau thương. Những tiếng khóc nấc nghẹn lời nơi những cuộc tình mua
bán. Những ly tán, đổ vỡ ấm êm hạnh phúc gia đình. Những căn bệnh xã hội truyền
nhiễm, bệnh xã hội, HIV, bệnh vô sinh,… Những đứa trẻ chết đi chưa một lần được
nhìn thấy gương mặt mẹ cha. Chúng chết đi dù rằng chẳng hiểu “Vì sao mình phải
chết?”. Đáng thương thay! Những thiên thần nhỏ bé, mong manh.
Sau những cuộc tình hờ hững bán mua,
em còn lại gì? Một tâm hồn chai sạn, một tấm thân dạn dĩ phong trần và hồn quê
đã nguội lạnh tự bao giờ. Rồi mai này khi cái đẹp xác thân em tàn tạ, em sẽ về
đâu? Rồi những đêm thâu mình em ôm gối lẻ, em có cất tiếng khóc đoạn trường thương
cho một loài hoa dại ương hèn? Bạc tiền có khỏa lấp được niềm đau cô lẻ? Nói gì
đi em?
…
Dù em có nói hay không nói gì đi
chăng nữa tôi vẫn thương em nhiều. Bởi lẽ tôi nhìn thấy em đến và đi ở những nơi
tối tăm, mờ mịt tình người. Những ánh đèn mờ ảo, nhá nhem - nơi em ở, từ nơi đó
em sẽ về đâu? Thời gian sẽ trôi qua, em không thể mãi làm kẻ mua vui của người.
Em sẽ về đâu? Khi tình thân em đã lìa bỏ, tâm hồn em chai sạn rồi, em không tìm
được một bờ vai nương tựa. Em cô độc đi hết quãng đời. Em sẽ về đâu? Trong đêm
tối cô đơn, những ký ức xưa sẽ trở về. Những đớn đau xác thân vùi dập, ánh mắt
buồn của mẹ cha, tiếng gọi mẹ trong đêm vắng,… Có thể em sẽ thầm hỏi “Con tôi
đâu?” và em nhận ra “Thiên thần bé nhỏ mong manh đã chết rồi vì nông nổi của
chính em”. Em lẻ loi một mình suốt quãng đời còn lại. Rồi thời gian cứ dần trôi
và em chết. Chết em sẽ về đâu?
Tôi biết những nơi em đến. Đó là
những nơi tăm tối, mịt mờ. Tại sao? Vì lẽ em đã quen rồi những nơi như thế. Những
nơi thiếu tình người cùng đầy dẫy đớn đau,...
Tôi vẫn thương em nhiều lắm. Dừng
lại thôi! Về nhé em? Về với tình thân cùng cánh đồng quê thơm hương khói lam
chiều. Em có về không? Tôi sẽ đón em về. Về với làng quê đơn sơ mộc mạc cùng
với cái đẹp trắng trong, thuần khiết luôn có ở nơi em. Tôi tin và chờ đợi em sẽ
quay về.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét