Cần lắm sự đổi thay (P.2)
Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015
II.Cần lắm sự đổi thay...
Tôi hỏi thêm: Vậy…! Tại sao những người cao tuổi từng trải khác lại không biết “Điểm dừng”? Tại sao họ lại trói buộc, áp đặt con cháu phải làm theo ý riêng của họ?,…
Tôi hỏi thêm: Vậy…! Tại sao những người cao tuổi từng trải khác lại không biết “Điểm dừng”? Tại sao họ lại trói buộc, áp đặt con cháu phải làm theo ý riêng của họ?,…
Ông lão trả lời: Xem ra chú em cũng
là người hiểu chuyện. Già chẳng tiếc lời trò chuyện cùng chú em.
Dừng lại một lúc, ông lão lại nói:
Những người cao tuổi không biết “Điểm dừng lại”, thường hay can thiệp, sắp xếp
mọi việc làm của con cháu là vì tình thương yêu con cháu trong lòng họ quá lớn.
Thật vậy, trong cái nhìn của phần
lớn những người làm cha mẹ thì những đứa con luôn bé bỏng, đáng yêu. Đó là
nguyên nhân làm cho cha mẹ nghĩ rằng “Những đứa trẻ chẳng bao giờ lớn”. Thế nên
những người làm cha mẹ luôn bảo bọc, chăm lo, sắp xếp mọi việc cho con trẻ.
Thời gian cứ trôi qua, những người con dần khôn lớn nhưng cha mẹ thường không
tin nhận vào sự trưởng thành của lũ trẻ. Họ vẫn để mắt, xét nét việc làm của
con cái.
Tại thời điểm này sẽ hình thành nên
hai nhóm cha mẹ khác biệt nhau:
Nhóm thứ nhất là nhóm người tạo điều
kiện cho những người con phát huy năng lực, sở trường,… Nếu những người con có
thể tự lập tốt thì họ chuyển giao dần công việc, tài sản cũng như vai trò trụ
cột gia đình cho thế hệ trẻ, giúp những người con sớm nhận biết vai trò, trách
nhiệm làm chủ cuộc sống của chính mình. Từ đó, tạo cho thế hệ trẻ có được sự tự
tin, vững vàng đối diện với những khó khăn, thử thách của cuộc sống,... Nếu
những người con chưa đủ tự tin để làm chủ cuộc sống thì những người làm cha mẹ
sẽ dìu dắt, chỉ dạy, động viên,…giúp thế hệ trẻ có thêm niềm tin, sức mạnh và
sự hiểu biết,… để hòa nhập tốt vào cuộc sống. Thế hệ trẻ được nuôi dạy theo
phương cách này tương lai sẽ trở thành những trụ cột vững chắc của gia đình và
xã hội. Đến khi nhận biết con trẻ đã thực sự trưởng thành thì những bậc cha mẹ
chuyển giao hết mọi việc cho con cái, buông bỏ vai trò làm chủ gia đình, dứt
trừ những suy nghĩ, lo toan về cuộc sống của con cháu, tận hưởng sự an nhàn,
thảnh thơi. Chú em có biết “Tại sao những người cao tuổi từng trải biết được
điểm dừng lại không?”. Bởi vì sự từng trải hiểu biết giúp họ dám chấp nhận sự
thật. Họ đã nuôi dạy những người con từ tấm bé. Cho đến lúc con trẻ khôn lớn,
trưởng thành. Điều này đồng nghĩa với việc “Họ đã già”. Chấp nhận thực tế “Bản
thân đã già” thì những người cao tuổi mới có thời gian nghỉ ngơi, thư giản. Tâm
trí thảnh thơi giúp người cao tuổi dừng lại những lo nghĩ đa đoan vì lẽ họ đã
lo toan gần cả một đời người, đã đến lúc họ dừng lại ngơi nghỉ. Sự hiểu biết
từng trải lại một lần nữa giúp người cao tuổi nhận ra “Rồi họ sẽ phải chết, đó
là một sự thật mà bất kỳ ai cũng phải trải qua ở kiếp người”. Người cao tuổi
dám chấp nhận sự thật sẽ chọn lựa lối sống cho quãng đời còn lại cũng như là
chọn lựa cách thức chết cho bản thân. Những người từng trải sẽ dễ dàng nhận
biết “Cái chết đến với con người với rất nhiều hình thức khác biệt nhau nhưng
thực ra chỉ là biểu hiện của hai hình thức chính có sự sai khác ít nhiều về mức
độ biểu hiện. Đó là cái chết đến với con người như là một giấc ngủ ngon êm đềm,
không mộng mị và một cái chết vật vã, đau đớn cả về xác thân lẫn tinh thần”.
Nhìn những người có cái chết nhẹ nhàng như đang say ngủ chú em sẽ nhận thấy ở
nơi đó có sự bình yên an lạc, không hối tiếc lo toan, sầu khổ; Chú em cũng nhận
thấy được sự chấp nhận việc già chết là một sự thật ở nét mặt của người đã
khuất, họ an nhiên, bình thản đón nhận cái chết,... Ngược lại, nhìn những người
phải chết vật vã, đớn đau chú em sẽ thấy những ưu tư phiền muộn, sự ân hận tiếc
nuối, lo lắng,… và cả việc không cam chịu, không chấp nhận cái chết tìm đến họ
qua những hình ảnh vùng vẫy, giẫy dụa,… như là cố níu kéo lại mạng sống, hơi
thở của chính mình nhưng việc làm đó thật sự vô ích. Tìm hiểu thêm chú em sẽ
biết những người già lẩn, những người khó khăn với con cháu, những người có tính
gia trưởng, độc đoán, cố chấp, hay can thiệp vào công ăn, việc làm của con
cháu, ham muốn thể hiện mình,… thường phải nhận lấy những cái chết bi thảm, vật
vã. Bởi lẽ tính cách cố chấp, bảo thủ,… khiến họ không can tâm, không chấp nhận
việc già chết là một việc tất yếu, không thể tránh khỏi của đời người. Tóm lại,
do không hiểu biết và chấp nhận “Bản thân đã già yếu” những người cao tuổi này
đã không có thời gian chuẩn bị cho những ngày cuối đời. Họ không có được thời
gian nhàn hạ, tự tại, hàm dưỡng nội tâm, giữ tâm trí minh mẫn, sáng suốt, kiên
định. Việc lo nghĩ đa đoan làm suy kiệt tinh thần và thể chất gây nên việc rối
loạn trí nhớ, già lẩn ở người cao tuổi. Do không chấp nhận việc già chết là
việc không thể tránh khỏi cho nên khi cận kề với cái chết những người cao tuổi
này sẽ hoảng loạn, cầu cứu, bám víu sự sống một cách tuyệt vọng, đau đớn. Già
đã sống đến từng tuổi này để nhận biết sáng rõ “Việc dừng lặng, buông bỏ những
suy tư, lo nghĩ,… giúp tinh thần của người già luôn minh mẫn, sáng suốt; cơ thể
thì ít bệnh tật”. Nếu người cao tuổi nào cũng có lối sống lành mạnh, tỉnh táo
như thế thì già tin chắc rằng “Căn bệnh già lẩn quái ác sẽ không thể gây khó,
bức hại người già”.
Nhóm thứ hai là nhóm những người
thương yêu, bảo bọc, chăm lo con cái từ miếng ăn, giấc ngủ,… Sự thương yêu
khiến họ luôn nghĩ con trẻ còn nhỏ dại, yếu đuối,… Họ ra sức chở che, tiếp
sức,… mọi việc. Họ không an tâm khi con trẻ tham gia làm những công việc mới
mẻ, khác lạ. Họ sợ lũ trẻ sẽ làm hỏng việc, thất bại. Vì thế họ sẽ ngăn cản, cấm
đoán con cái làm những việc mà họ không thông hiểu, rõ biết. Họ ép buộc con trẻ
vào những khuôn khổ, những công việc giới hạn mà theo sự hiểu biết của những
người làm cha mẹ là “Tốt nhất cho con”. Việc này khiến cho những đứa trẻ trở
nên bạc nhược, yếu đuối, sống ỷ lại vào cha mẹ. Vạn nhất cha mẹ đột ngột qua
đời thì những đứa trẻ đó sẽ khó thể vững vàng sống tốt trong xã hội. Hoặc là
đến khi những đứa trẻ lớn lên. Một số vẫn giữ lối sống ỷ lại, dựa dẫm vào người
khác, những người con thuộc nhóm thành phần này là những người có lớn nhưng
không có khôn, chúng sẽ khó thể xây dựng cuộc sống tự lập hài hòa, hạnh phúc.
Số khác nhận ra những điều không ổn, vô lý khi cha mẹ cứ trói buộc họ vào những
công việc, những nghĩ suy không đúng với sở thích, năng lực của bản thân. Kết
quả sẽ dẫn đến những tranh cãi, chống đối lại những quyết định mang tính áp
đặt, ràng buộc của người lớn. Mâu thuẫn sẽ lớn dần tạo nên hố sâu tình cảm giữa
cha mẹ và con cái. Mâu thuẫn này phát sinh do sự sai khác về nhận thức giữa hai
thế hệ. Trong khi thế hệ người cao tuổi cho rằng “Con cái vẫn còn nhỏ dại, chưa
lớn khôn” thì thế hệ trẻ lại nhận thấy “Cha mẹ đã già, lớn tuổi”. Khi mà sự
khác biệt về nhận thức giữa hai thế hệ không được dung hòa ổn thỏa thì những
chống trái, xung đột,… không ngừng nảy sinh, gây ra sự đổ vỡ, ly tán gia đình.
Kết quả là cả hai thế hệ đều chuốc lấy khổ đau, muộn phiền. Lẽ ra những người
làm cha mẹ phải biết thời điểm dừng lại và hiểu rõ đạo lý “Tre già, măng mọc”.
Chỉ khi chuyển giao vai trò làm chủ cho thế hệ trẻ thì con cái mới có thể khôn
lớn, trưởng thành và họ mới có cuộc sống nhàn hạ, thảnh thơi.
Tôi lại hỏi: Giả như những người con
vẫn muốn dựa dẫm, nương nhờ sự nâng đỡ, dìu dắt của cha mẹ. Trong trường hợp
này có phải người làm cha mẹ sẽ tiếp tục bảo ban, quán xuyến mọi việc cho con
cháu đến lúc cuối đời không?
Ông lão trả lời: Chú em ngốc thật
hay là giả ngốc? Nếu hiểu biết chú em sẽ nhận ra những con gà rừng, heo rừng,…
thường thích ứng rất tốt trong môi trường sống hoang dã ít thức ăn, nhiều kẻ
thù. Bởi vì những chú heo rừng, gà rừng,… ngay từ nhỏ đã được tập sống quen dần
với những khó khăn, khắc nghiệt. Ngược lại, những con gà nuôi, heo nhà,… thì
lại dễ nhiễm bệnh tật dù rằng “Đồ ăn, thức uống, thuốc bổ dưỡng thì luôn được
bày sẵn”. Kết quả là lũ thú rừng thích ứng tốt sẽ sống khỏe mạnh đến lúc cuối
đời còn lũ thú nuôi chỉ là “Đồ bị thịt” lại sớm lên bàn mổ. Thực tế là con
người khi sống trong môi trường nhiều khó khăn, thử thách thường sớm trưởng
thành, chững chạc hơn những người sống trong môi trường được nâng đỡ, che chở
quá mức của cha mẹ. Người cao tuổi từng trải rõ biết điều đó và giúp con cái có
ý thức, lối sống tự lập, tránh cho con cháu trở thành “Đồ bị thịt”. Họ biết
được giới hạn tình yêu thương, sự bảo bọc, nâng đỡ đối với con cái. Họ chấp nhận
sự vấp ngã, thất bại ở thế hệ trẻ vì “Mỗi lần vấp ngã là một lần bớt dại,
ai nên khôn mà chẳng dại
đôi lần”. Sự vấp ngã là bài
học mà mỗi người đều phải tự học lấy để thích ứng, sống tốt hơn và người già
không thể chăm lo, sống mãi với con cháu. Mặt khác, người cao tuổi hiểu biết
cũng nhận biết “Sự sống là của con cháu, họ không thể sống thay thế hệ trẻ. Còn
cái chết sẽ đến với họ và con cái cũng chẳng thể chết thay”. Họ cũng cần có
thời gian quen dần và chấp nhận cái chết. Vì thế người cao tuổi từng trải hiểu
biết sẽ buông bỏ mọi việc cho con cháu, dừng lại những lo nghĩ đa đoan, quay về
lối sống tĩnh lặng, an nhàn.
Tôi tiếp lời: Việc chuyển giao hết
quyền hành, công việc, tài sản,… đồng nghĩa với việc người cao tuổi không còn
gì cả. Chuỗi ngày còn lại chủ yếu sống dựa con cháu. Nếu chẳng may gặp phải con
cái ngỗ nghịch, bất hiếu,… xem người già là đồ vô tích sự, đồ đáng bỏ đi,… thì
quả thật là những ngày cuối đời của người cao tuổi bi thảm, cùng quẩn. Có lẽ
người cao tuổi nên chuẩn bị sẵn cho mình một số tài sản đảm bảo cho đến ngày
nhắm mắt, nên chăng?
Ông lão khẽ cười nói: Chú em thật
là…! Đã nói buông bỏ mọi thứ mà còn giữ lại “Tài sản hộ thân” thì làm sao dứt
bỏ lo nghĩ được. Hơn nữa, không sống thành thật, bao dung với con cháu, còn
“Rào trước, đón sau” thì làm sao con cháu có thể sống với người cao tuổi bằng
tình thương chân thành cho được. Chú em phải hiểu rõ là “Khi con người gieo
nhân yêu thương, hòa hợp, ấm êm và hiểu biết thì sẽ nhận được quả tốt là sự
hiếu thuận, thảo hiền, chân thật,… Ngược lại, khi con người gieo nhân ngang
tàng, bạo ngược, ích kỷ, ganh ghét, tranh giành,… thì sẽ nhận lấy quả báo là sự
mất mát, lẻ loi, cô độc, mọi người xa lánh,…”. Mặt khác, nếu chẳng may gặp phải
con ngỗ nghịch, bất hiếu thì người cao tuổi phải sớm nhận biết đó là lỗi của
chính mình vì đã không biết cách nuôi dạy con. Xuất phát từ tình thương chân
thành, người làm cha mẹ sẽ có phương cách chỉ dạy những người cháu ngoan hiền,
tự khắc con cái nhận ra lầm lỗi, trở nên hiếu thuận. Chỉ khi con cháu xua đuổi,
ruồng bỏ,… thì người cao tuổi cứ an nhẫn bước đi vì sự hiểu biết từng trải sẽ
giúp người cao tuổi nhận ra: Là cha mẹ không ai lại “Tranh ăn” với con cháu.
Người cao tuổi từng trải một khi nhận ra “Con người, chính ngay mạng sống của
bản thân còn không thể làm chủ được thì việc tranh giành vai trò làm chủ gia
đình, tài sản, của cải,… có ích lợi, có giá trị gì?”. Khi người cao tuổi nhận
thức, chấp nhận “Cái chết sẽ đến với mình là một việc hiển nhiên, không thể né
tránh” thì có khó khăn, chướng ngại nào mà họ không thể vượt qua. Người cao
tuổi từng trải sẽ kiên định, quả cảm đối diện với cuộc sống gian truân, ngang
trái,… bởi lẽ chết đã không sợ thì có gì đáng để lo nghĩ.
Tôi buộc miệng: Người cao tuổi mà
sống kham nhẫn, chịu đựng như vậy hẳn là con cháu chẳng thể xa lánh, rời bỏ cho
được. Nhưng ông lão à! Liệu ông lão nói được mà có làm được như vậy không? Hay
là khi ông gặp cảnh “Trái ý, nghịch lòng” thì mặc tình “La con, mắng cháu”,
nguyền rủa ông bà, tổ tiên,...
Ông lão nghiêm giọng: Chú em nói
đúng lắm! Mọi người, ai cũng có thể hiểu biết, lĩnh hội hết những điều ta đã
trao đổi với chú em nhưng sống được như thế quả thật là không dễ. Vì thế ngay
khi hiểu chuyện thì chú em hãy tập sống với những điều đã lĩnh hội, tạo thành
một thói quen tốt. Đừng chờ đợi đến khi lớn tuổi rồi mới áp dụng, già chỉ e
rằng “Khi đó, chú em lại trở thành một con vẹt, nói được mà không hiểu đang nói
gì và cũng không làm theo được” bởi vì thói hư, tật xấu đã thành thói quen,
không dứt bỏ được. Ở từng tuổi này, già đã gặp không ít cảnh đời “Dở khóc, dở
cười” - Rất nhiều người khuyên bảo, chỉ dẫn người khác sống tốt - đừng gia
trưởng, độc đoán, cố chấp, bảo thủ, đừng cáu gắt, khó tính, trì chiết, rầy la,…
con cháu nhưng nhìn lại thì chính họ lại là người mắc nhiều tật xấu nhất và về
sau những người đó rơi vào tình cảnh lú lẩn, đần ngốc,... Thật đáng tiếc! Người
xưa dạy “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” nghĩa là trước nhất phải xét bản thân
có mắc sai trái gì, sau đó mới xét đến người xem có lỗi lầm gì. Sau khi xét kỹ
mọi việc thì mới khách quan mở lời góp ý, sửa sai. Con người thời nay thì lại
khác, chỉ mãi lo xoi mói, phanh phui,… lỗi lầm của người; Quên bỏ, che giấu,…
những sai trái của bản thân - Việc làm thành công thì ra sức tâng bốc, kể lể
công trạng; Việc làm sai trái thì lờ đi, lảng tránh hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh,
cho người khác,… Thật ra chú em đang đứng trước sự chọn lựa của một đời người
và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả của việc chọn lựa. Về sau chú em
sẽ không thể đổ lỗi, trách hờn,… bất kỳ ai vì đó chính là chọn lựa của chú em.
Một là chú em sống lành mạnh, có hiểu biết, yêu thương đúng mực, biết dừng lại,
tạo điều kiện cho con cháu tự lập tốt; sống gần gũi, hài hòa với con cháu … thì
chú em sẽ có thời gian nghỉ ngơi, sống an nhàn, minh mẫn, khỏe mạnh đến cuối
đời; Hai là chú em sống gắt gỏng, khó khăn, ham tranh giành vai trò làm chủ, cố
chấp, bảo thủ, chuyên quyền,… thì mọi người sẽ phải xa lánh, rời bỏ,…Chú
em phải chịu cảnh lẻ loi, cô độc khi
tuổi già, sức yếu và căn bệnh già lẩn sẽ có dịp tàn phá khiến cho tâm trí chú
em trở nên si dại, đần ngốc,… Có lẽ đây là cảnh đời mà chú em không mong muốn
mình nhận lấy. Vì thế ngay bây giờ chú em hãy chọn con đường để mà đi, già lẩn
rồi thì sẽ không còn cơ hội chọn lựa. Chú em có biết rằng “Ngày nay những người
cao tuổi thường dễ bị đột quỵ do tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim
không?”. Những đè nén, ức chế tinh thần do tính cố chấp mà những người cao tuổi
đã bị bệnh tật xâm hại. Cả những căn bệnh như tiểu đường, béo phì, thoái hóa
khớp, giảm trí nhớ,… ít nhiều cũng do những tổn thương về tình cảm , tinh thần.
Những tổn thương tinh thần đã gián tiếp hay trực tiếp tàn phá, làm hao mòn trí
não, thân thể người già. Có phải là những người giữ được sự hài hòa, cân bằng
giữa tinh thần và vật chất thì ít bệnh tật còn những người làm việc quá sức
hoặc lo nghĩ nhiều thì dù có tích góp rất nhiều tài sản, của cải thì cũng không
thể thọ hưởng dài lâu vì bệnh tật, khổ đau,… sẽ làm những người lao tâm, lao
lực sớm ngã quỵ?
…
Như tôi đã trình bày ở trên, nhìn những
người cao tuổi già lẩn khiến lòng tôi nặng trĩu. Tôi thật lòng muốn giúp họ
thoát ra căn bệnh già lẩn quái ác nhưng biết làm sao khi đó chính là chọn lựa
của những người cao tuổi khó tính, không mở lòng ra để sống tốt hơn. Tôi lại
nhận biết được một phương pháp giúp người cao tuổi nâng cao trí nhớ, sự tập
trung, giữ được sự cân bằng về tinh thần, giảm trừ bệnh tật, sức khỏe ổn định.
Phương pháp ngồi thiền là trợ pháp hữu hiệu giúp người cao tuổi có được sự minh
mẫn, sáng suốt,…
Những lúc rảnh rỗi, ít việc bạn hãy rèn luyện việc ngồi
thiền. Việc ngồi thiền sẽ giúp thần trí bạn được ngơi nghỉ, cân bằng lại; Bạn
có khoảng thời gian thoát ra khỏi những lo lắng, chộn rộn,… trong cuộc sống
hàng ngày.
Phương pháp ngồi thiền căn bản gồm có 3 giai đoạn: Nhập, trụ, xuất.
1.
Nhập
thiền:
Bạn hãy chọn một nơi
bằng phẳng, sạch sẽ, thoáng mát, kín gió. Đối với người cao tuổi thì hãy nên
dùng một chiếc gối mềm đặt ở nơi ngồi. Ngồi lên chiếc gối, điều chỉnh thân hình
ngay ngắn, giữ xương sống thẳng. Đầu hơi cúi về trước, mắt nhắm hờ, nét mặt
bình thản, tự nhiên.
Có hai cách ngồi:
- Ngồi bán già: Nâng
chân trái để lên phần đùi của chân phải hoặc ngược lại.
- Ngồi kiết già: Nâng
chân trái để lên đùi chân phải, nâng chân phải để lên đùi chân trái, kéo gót
bàn chân áp sát vào thân.
Đặt bàn tay phải
nằm trên lòng bàn tay trái. Những ngón tay chồng lên nhau, hai đầu ngón tay cái
vừa chạm nhau, đặt hai bàn tay nằm giữa lòng hai bàn chân.
Nếu lòng bàn chân
bên nào trũng nên dùng khăn chêm vào cho bằng.
Dùng mũi hít không khí
vào cơ thể và tập trung mường tượng “Không
khí trong lành, sạch sẽ tràn khắp cơ thể làm cơ thể trở nên tươi mới, tràn đầy
sức sống”. Sau khi nghĩ tưởng như vậy rồi thì thở ra bằng miệng, ngay khi thở
ra lại tập trung mường tượng “Tất cả khổ đau, phiền muộn, bệnh tật đều được đẩy
ra ngoài qua luồng khí được thở ra”. Thở như thế vài lần từ mạnh rồi đến nhẹ dần.
Thở xong ngậm miệng lại, về sau cả việc
hít và thở được thực hiện bằng mũi đều đều, nhè nhẹ.
2.
Trụ
Có 3 bước căn bản mà người ngồi
thiền phải rèn luyện thuần thục thì mới phát huy được hiệu quả tốt nhất của
việc ngồi thiền.
Bước 1: Tập trung đếm
hơi thở. Sau khi hít không khí vào rồi thở không khí ra bằng mũi bạn hãy dùng ý
đếm 1; lại hít vào, thở ra bạn đếm 2; cứ tiếp tục như thế,… bạn đếm đến 10 thì
đếm lại từ đầu với con số 1.
Trong quá trình đếm,
bạn có thể bị nhầm lẫn số đếm thì đếm lại vòng đếm với con số 1. Sau một thời
gian rèn luyện thuần thục thì bạn không đếm số nữa. Bạn hãy chuyển qua bước 2.
Bước 2: Sau khi điều
hòa, ổn định hơi thở, bạn hãy tập trung chú ý, theo dõi luồng khí di chuyển
trong cơ thể. Khi hít vào, luồng khí lưu chuyển đến đâu bạn hãy chú tâm nhận
biết. Khi thở ra bạn cũng cảm nhận luồng không khí lưu chuyển ra sao?
Lưu ý: Bạn
hãy giữ hơi thở nhẹ, đều, ổn định trong suốt quá trình ngồi thiền. Ở bước 1 và
2, bạn hãy dừng lại hết mọi suy tư, lo nghĩ,… để giữ sự tập trung đếm cùng việc
theo dõi hơi thở một cách thuần thục. Việc làm chuyên tâm này sẽ giúp tinh thần
bạn có được sự tập trung có chủ định, trí não khỏe mạnh, tinh tường, minh mẫn.
Sau khi nhuần nhuyễn bước 1, 2 bạn hãy chuyển qua bước 3.
Bước 3: Bạn vẫn bắt đầu với việc đếm và theo dõi hơi
thở. Sau khi điều hòa, ổn định hơi thở. Bạn hãy dừng lặng việc đếm và theo dõi
hơi thở, buông bỏ hết tất cả mọi thứ chạy lăng xăng trong đầu. Bạn hãy giữ tâm
an tịnh, bình thản. Lúc bấy giờ, bạn sẽ thấy nội tâm bạn luôn bị xáo trộn, trí
não bạn luôn chạy theo mọi thứ điên đảo diễn ra hàng ngày. Chuyện vui buồn,
được mất, hơn thua,… Việc đã qua - thời thơ ấu, lỗi lầm ngày trước,… Việc hiện
tại - chuyện cơm áo gạo tiền,… Việc chưa đến - ngày mai đám cưới thằng Tí, ngày
kia là ngày kị cơm của ông nội con Tèo,… cứ đan xen, nhảy loạn trong đầu. Bạn
hãy tỉnh táo, bình thản nhìn những tấn tuồng bi hài của trò đời. Bạn sẽ nhận ra
“Ngay thời điểm hiện tại bạn sẽ chẳng thể cùng lúc giải quyết tất cả mọi việc.
Mọi việc rồi sẽ qua đi dù có hay không có sự sắp xếp của bạn”. Tôi nói “Mọi
việc rồi sẽ qua đi dù có hay không có sự sắp xếp của bạn”, lời nói này có hợp
lý không? Tôi sẽ đưa ra một ví dụ rất thực tế. Giả như bạn có dự định “Ngày kia
bạn sẽ đi dự đám kị cơm ông nội của con Tèo thì về đêm trời trở lạnh, bạn không
may bị tai biến và được nhập viện điều trị”. Dù rằng không có sự hiện diện của
bạn thì ngày kị cơm của ông bạn hàng xóm vẫn tổ chức bình thường, điều này có
thể xảy ra không? Do đó, bạn đừng quá coi trọng vai trò, sự hiện diện của bản
thân vì bạn thật sự không là gì cả. Mạng sống của chính bạn, bạn còn không làm
chủ được thì việc sắp đặt, làm chủ mọi việc có giá trị gì? Thế nên bạn đừng tìm
về quá khứ vì quá khứ thì đã qua; Bạn cũng đừng tìm đến tương lai vì tương lai
thì chưa đến và không một ai dám chắc rằng “Tại thời điểm tương lai đó, bạn còn
sống hay đã chết”. Hãy sống tốt và trân quý cuộc sống ở hiện tại. Chấp nhận sự
thật đó bạn sẽ bình thản đối mặt với những lo nghĩ, toan tính vẩn vơ. Bạn đừng
chạy rong theo những ý nghĩ, những suy tư vì ngay tại thời điểm ngồi thiền bạn
sẽ không thể giải quyết được bất kỳ một việc nào cả. Bạn cũng đừng cố xóa những
ý nghĩ đó vì ngay khi ý nghĩ này mất đi thì sẽ phát sinh ý nghĩ khác. Tâm trí
bạn luôn chộn rộn, đan xen mọi chuyện như thế. Từ trước đến nay, do mãi chạy
theo cuộc mưu sinh mà bạn không nhận ra điều đó. Lúc bấy giờ bạn lại nhận ra
“Bạn không thật sự làm chủ trí não của chính mình”. Nhận thức rõ như thế bạn sẽ
bật ra câu hỏi “Vậy những nghĩ tưởng lăng xăng, những hình ảnh đã qua, những lo
toan,… là gì? Tại sao bạn muốn dừng lặng lo toan, giữ đầu óc thảnh thơi mà
chúng cứ chạy càn loạn làm cho tinh thần bạn mệt nhoài, rối trí?”. Những suy
tư, lo nghĩ, tưởng nhớ,… chính thật là những kẻ trộm. Những tên trộm này sẽ
trộm sức khỏe tinh thần của bạn, làm bạn mệt mỏi, chán chường, mất đi sự tỉnh
táo, sáng suốt, minh mẫn. Bất kỳ ai khi làm việc trong điều kiện thiếu sáng
suốt, mất tập trung,… sẽ dễ gây ra những việc không đúng, tạo nhiều lỗi lầm.
Hiểu rõ như thế bạn sẽ phải khắc chế những tên trộm. Bạn không thể bắt hết lũ
trộm này và cũng không cần bắt chúng. Vì khi bạn bắt một tên trộm thì đồng
nghĩa với việc bạn phải giữ lấy tên trộm đó; Rồi lại có tên trộm khác lẻn vào,
bạn đuổi bắt, giữ lại thì tiếp tục có thêm nhiều tên trộm khác vây quanh bạn.
Bạn sẽ mệt nhoài với việc đuổi bắt, giữ mà tâm trí không dừng lặng được. Bạn
không nên làm vậy. Bạn cứ bình thản, tỉnh táo, tập trung nhìn tên trộm; tên
trộm sẽ tự biến mất. Việc này giống như là việc tên trộm muốn trộm của nhà
người nhưng người chủ đã tỉnh táo canh giữ thì tên trộm sẽ phải rời đi và những
tên trộm theo sau nhìn thấy ông chủ tỉnh táo cũng không dám bén mảng, dòm ngó
nhà người nữa. Rèn luyện như thế lâu ngày dài tháng bạn sẽ có khoảng thời gian
giữ tâm trí dừng lặng dài lâu thêm. Điều này đồng nghĩa với việc trí não bạn
tỉnh táo, sáng suốt và có sự tập trung cao. Tuy nhiên, bạn cũng không thể giữ
mãi tâm trí dừng lặng, những tên trộm vẫn quẩn quanh ngôi nhà của bạn. Vì thế
bạn sẽ dùng sự tập trung tinh thần để khiến chúng biến mất hoàn toàn. Qua quá
trình rèn luyện ít nhiều gì bạn cũng đã có thể kiểm soát được tâm trí, bạn hãy
bắt đầu nhớ nghĩ có sự tập trung về những chuyện đã qua với những kí ức, hình
ảnh, nghĩ tưởng,… tốt, hay, đẹp. Điều này giúp trí não bạn thư thái, thoải mái,
an ổn. Khi kiểm soát tốt tâm trí, bạn hãy nhớ nghĩ về những chuyện không vui,
những việc “Trái ý nghịch lòng” mà con cháu đã gây ra,… nhưng bạn đừng chìm vào
trong sự buồn lo, sầu khổ. Bạn hãy đi tìm và bắt lấy những khía cạnh tốt dù là
nhỏ nhặt trong những việc xấu xa đó để mà cảm thông, tha thứ, bỏ qua những lỗi
lầm. Làm được như thế là bạn hoàn toàn thanh thản, thoát ra khỏi mọi ưu tư,
phiền muộn. Làm thế nào để tìm ra mặt tốt trong lỗi lầm của con cái? Giả như
trong một cuộc tranh cãi người con đã nặng lời xúc phạm, không nghe theo ý kiến
của bạn. Điều này khiến bạn rất buồn, bây giờ bạn hãy xét lại vấn đề này ở góc
đánh giá khác, tốt hơn. Thực tế là trước đó con bạn vẫn là người con biết vâng
lời có lẽ việc tranh cãi khiến con bạn tức giận, đánh mất khả năng kiểm soát
nên đã nói lời sai quấy, cay độc. Con cái làm theo ý riêng thể hiện việc chúng
đã có ý thức tự lập, khôn lớn. Dù rằng theo đánh giá của bạn thì việc con bạn
cố làm chắc rằng chuốc lấy thất bại nhưng những vấp ngã bước đầu sẽ giúp con
bạn trưởng thành, mạnh mẽ hơn. Vì bạn rõ biết sự từng trải mà bạn có được cũng
chính là kinh nghiệm của những lần thất bại trước đó và học được ở trường đời,…
Hoặc là con cái từ bỏ, xua đuổi bạn. Hiển nhiên bạn sẽ rất tức giận, đau lòng
và oán hận những đứa con bất hiếu, vô ơn. Nếu bạn vẫn chấp giữ những ý nghĩ đó
thì bạn khổ đau hơn và tinh thần bạn sẽ suy sụp. Sự căng thẳng thần kinh sẽ kéo
theo nguy cơ tai biến, nhồi máu, đột quỵ,… tìm đến bạn. Bạn hãy chuyển dịch ý
nghĩ sang hướng tốt hơn. Việc con bạn ruồng bỏ bạn rõ thật là việc làm sai
nhưng tại sao con cái lại hành xử tệ bạc? Bạn hãy xét lại “Phải chăng bản thân
bạn cáu gắt, khó ăn khó ở, trái tính trái nết,… khiến con cháu phải xa lánh?”.
Nếu thật sự bạn đã sai thì bạn hãy sửa đổi, không bao giờ là muộn cho việc sửa
sai lỗi lầm; Nếu con bạn sai thì bạn hãy tha thứ cho con trẻ, sống bình thản.
Nếu có thể bạn hãy chân thành nghĩ về những việc hay, hãy nói những điều tốt
của con bạn, đừng bêu xấu tội bất hiếu của con cháu. Bởi lẽ chúng là con cháu
bạn, chúng không phải là kẻ thù của bạn. Có lẽ con bạn hãy còn trẻ dại, thời
gian chúng sẽ lớn lên và việc nuôi dạy con góp phần giúp chúng hiểu rõ tấm lòng
của bạn,… Bạn phải rõ biết “Bạn tìm cách hóa giải những chuyện buồn đau không
phải chỉ vì con bạn mà vì chính bản thân bạn”. Sự bao dung, tha thứ, vị tha,…
sẽ nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần của bạn. Khi tất cả những gút mắc, vướng bận,
chuyện vui buồn,… trong lòng tan biến thì bạn mới thật sự làm chủ được nội tâm,
tâm hồn của bạn. Bạn sẽ có được tâm trạng an lạc, thanh thản.
3.
Xả
thiền:
Trước khi dừng việc ngồi thiền, bạn
dùng mũi hít vào và thở ra bằng miệng vài ba lần (hơi thở từ nhẹ đến mạnh dần).
Sau đó, bạn cần làm những động tác xoay chuyển giúp cơ thể giảm những tê mỏi,
căng cứng và khí huyết lưu thông bình thường trở lại. Ban đầu thả lỏng thân,
xoay người, xoay hông, cổ qua lại. Tiếp theo dùng hai tay chà xát lẫn nhau,
dùng tay chà xát vào vùng hông, vùng cổ, mặt, đầu, vành tai. Xoa hai lòng bàn
tay vào nhau tạo ra hơi nóng rồi áp hai bàn tay lên đôi mắt. Thao tác này giúp
tinh thần tỉnh táo, mắt sáng tỏ hơn và trị được một số bệnh thông thường ở mắt
nếu được thực hiện thường xuyên. Duỗi thẳng chân và dùng hai tay xoa bóp hai
chân giúp chân không còn tê mỏi. Kết thúc việc ngồi thiền.
Việc xả thiền tùy thuộc vào thời
gian ngồi thiền. Nếu chỉ ngồi trong khoảng thời gian ngắn mà có việc gấp cần
làm thì bạn chỉ xoay chuyển thân người, hông, cổ, co duỗi chân vài lần là có
thể đi lại bình thường. Nhưng khi thời gian ngồi thiền lâu bạn nên chú ý làm
tốt, thực hiện kỹ các thao tác xả thiền thì việc ngồi thiền mới đạt hiệu quả
cao nhất. Bạn không nên làm thao tác xả thiền qua loa, đại khái rồi đứng lên,
bước đi ngay bạn sẽ bị té ngã vì hai chân tê buốt. Thao tác dùng tay chà xát cơ
thể cần mạnh nhưng không gấp, cứ thong thả trong từng thao tác.
Nếu có thể bạn hãy sắp xếp việc ngồi
thiền hai buổi mỗi ngày với những thời điểm cố định nhằm nâng cao khả năng tập
trung tinh thần, làm chủ được các trạng thái tâm lý, cảm giác của bản thân,…
Ban đầu, bạn sẽ không thể ngồi lâu vì thế bạn hãy bắt đầu làm quen dần với 20
phút cho một buổi ngồi thiền. Sau đó tăng dần thời gian ngồi thiền lên nhưng
cũng đừng cố gắng, gò ép bản thân quá mức. Cốt yếu cho buổi ngồi thiền thành
công là ở việc bạn dừng lặng mọi suy tư, lo nghĩ. Ngồi thiền là phương pháp tốt
giúp bạn hàm dưỡng nội tâm, nuôi dưỡng sức khỏe thể chất và trí não,… Trạng
thái tĩnh tại, dừng lặng của thiền định sẽ giúp bạn khai mở, nâng cao sự hiểu
biết về cuộc sống; Sự hiểu biết này ẩn chứa và sẵn có trong tâm hồn bạn, bạn sẽ
không học được sự hiểu biết lợi lạc này từ bên ngoài. Tôi vốn là người vụng về,
kém trí, ít hiểu biết về cuộc sống. Vì không hiểu biết nhiều nên tôi chập
choạng bước trên đường đời. Việc thiền định đã giúp tôi khai mở sự hiểu biết,
giúp tôi vững tin đối mặt lòng người đa đoan, muôn lối với một nụ cười bình
thản nở trên môi.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét