Cội nguồn, khoảng trống và thực tại
Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015
IV. Cội
nguồn, khoảng trống và thực tại
Từ xưa đến
nay dường như không có một ngôi trường nào đảm nhận việc hướng dẫn, chỉ bày con
người cách thức làm cha, làm mẹ một cách chuẩn mực, hợp lý. Đã từ lâu kỹ năng
làm cha mẹ dựa vào nền tảng sự hiểu biết, nhận thức về cuộc sống, đời sống tinh
thần của tự thân mỗi người,… và dựa vào bối cảnh tình hình xã hội mà con người
đang sống.
Tuy nhiên,
khi bạn mở lòng ra nhìn vào cuộc sống với một góc nhìn tổng thể, khách quan,…
bạn sẽ nhìn ra được “một điểm chung” luôn tồn tại trong mọi gia đình. Bạn sẽ
nhận thấy quy luật phát triển ở một dòng tộc bất kỳ giống như là quy luật nước ròng, nước lớn của
một dòng sông. Ở những gia tộc bạn tìm hiểu sẽ có những giai đoạn mà mọi người
trong dòng họ đó sang giàu, có truyền thống ham học, sống hiểu biết,… và xen
lẫn với những giai đoạn những người trong dòng tộc đó rơi vào cảnh nghèo đói,
khó khăn, truyền thống hiếu học bị xem nhẹ,… Người xưa đã đúc kết quy luật này
thành một câu thành ngữ được ẩn dụ về thời gian “Không ai giàu ba họ, không ai
khó ba đời”. Với tri thức ngày nay, con người sẽ biểu thị quy luật này thành
một biểu đồ hình sin với những đường cong lên xuống. Tất nhiên là khoảng thời
gian để gia tộc đó phát triển cực thịnh và giai đoạn suy tàn ở mỗi thời điểm là
sẽ không giống nhau. Điều này lệ thuộc vào truyền thống giáo dục về nội tâm,
đạo đức nhân cách con người ở mỗi dòng tộc. Quy luật “nước ròng, nước lớn” của
mỗi dòng tộc gần như là luôn đúng. Cụ thể, nếu có một gia tộc đã trải qua nhiều
đời nghèo khó, cơ khổ. Cha mẹ tần tảo, nuôi con cái ăn học. Những người con
cháu trong dòng tộc nhận biết được tình thương của những người đi trước đã cố
gắng “chăm học, chăm làm”. Cuộc sống dần xoay chuyển, gia tộc đó sẽ thoát cảnh
nghèo khổ vươn lên giàu có. Trải qua nhiều đời, khi mãi sống trong cuộc sống
giàu sang, vinh hiển những con cháu trong dòng tộc đó hình thành nên tư tưởng
biếng lười, ỷ lại,… và thời điểm suy tàn của dòng tộc đó sẽ sớm hiện rõ.
Cho dù
xuất phát điểm của mỗi dòng tộc là rất khác nhau nhưng quy luật thịnh suy giữa
các gia tộc đều gần như tuân thủ vào quy luật con nước ròng, con nước lớn. Nếu
cơ sở xây dựng gia tộc không dựa trên cơ sở nội tâm, tinh thần và sự hiểu biết
của con người thì sự bền vững ở dòng tộc đó sẽ mong manh, dễ đứt gãy.
Trong bối
cảnh xã hội hiện tại, lối sống thực dụng thiên về vật chất đã tạo ra những xáo
trộn nhất định cho cuộc sống gia đình. Hiển nhiên là quy luật “nước lớn, nước
ròng” ở mỗi gia đình sẽ không hề mất đi mà biểu hiện rõ hơn với những thời điểm
thịnh suy dường như ngắn lại và có vẻ như nghiệt ngã hơn vì sự mâu thuẫn, rạn
nứt, giành giật,… xảy ra là giữa cha con, chồng vợ, anh em, con cháu, người
thân.
Tôi đã
lặng lẽ bước qua ba mươi tuổi đời. Cái độ tuổi chưa đủ để gọi là từng trải
nhưng cũng đủ chính chắn nhìn thẳng, nói thật về cuộc sống. Đã từng có lúc tôi
sợ phải sống và tôi từng sống như là một cái xác không hồn. Tôi an nhiên nhìn
đời và cơ hồ nhận ra bản chất cuộc sống mà xã hội loài người đang ngụp lặn, vẫy
vùng,… Một vòng tròn lẩn quẩn mà con người dường như không nhận biết, không thể
thoát ra. Con người từ lâu ngụp lặn trong tấm lưới sinh lão bệnh tử mà họ không
còn trực nhận, họ quên mất mình là “cá nằm trong lưới”. Con người đang trói
mình trong nỗi lo cơm áo gạo tiền - Đời sống vật chất và giới hạn về sự hiểu
biết - Đời sống tinh thần nội tâm. Do không nhận biết nên con người đã không
giữ được sự hài hòa, cân bằng giữa đời sống nội tâm và vật chất nên đã tạo ra
sự xáo trộn, rối ren,... trong lòng mỗi người cũng như toàn nhân loại.
Tôi sẽ bắt
đầu câu chuyện với những mối quan hệ trong gia đình. Tôi sẽ nói về mối nguy ở
sự kỳ vọng của cha mẹ đối với con cái. Ý thức con người ngày nay ít nhiều bị
vật chất chi phối khiến những người làm cha mẹ không chuẩn bị tri thức, nhận
thức để nuôi dạy con tốt. Thế nên bạn sẽ dễ dàng nhận ra những người làm cha mẹ
dạy con cái chối bỏ nguồn gốc của chính mình. Bạn sẽ không khó để bắt gặp những
gia đình có học thức, trình độ hiểu biết cao như giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ
sư, luật sư, giám đốc, doanh nghiệp,… răn dạy, áp đặt con cháu “Hãy cố gắng học
tập cho tốt, còn bằng học kém, ham chơi thì lớn lên sẽ phải cuốc đất, cày
ruộng”. Còn những gia đình công nhân, nông dân thì cũng răn đe con cái bằng câu
nói đại loại như “Con không học giỏi, mẹ cho con nghỉ học bán vé số, đánh
giày,…” Bạn đừng vội trách tôi “Bới lông tìm vết” vì đó chỉ là những lời khuyên
dạy con trẻ của người lớn. Bạn hãy nhìn vấn đề này thực tế một chút bạn sẽ nhận
biết được vấn đề rõ thật là chính người lớn đã chối bỏ cội nguồn tổ tiên của
chính họ.
Đời sống
của người nông dân quá cơ khổ, lam lũ,… người lớn đã khuyên con cái ăn học nên
người. Những người con trưởng thành và răn đe con cháu bằng những lời dạy của
cha ông như là một thói quen hay là thật sự họ đã quên cội nguồn hoặc là họ
muốn chối bỏ cái nguồn gốc mà xã hội cho rằng ngu dốt, thấp hèn. Bên cạnh đó,
một niềm kỳ vọng, kiêu hãnh đã được đặt vào người con vì lẽ “Con hơn cha là nhà
có phúc”. Bất kỳ gia đình sang giàu hay nghèo khó đều trói buộc, áp đặt,… con
cái vào “lý tưởng” của cha mẹ.
Bạn nghĩ
sao nếu mai này số lượng người thuộc tầng lớp trí thức, kinh tế, thượng lưu
đông đảo hơn thành phần lao động nông dân, công nhân?
Đáng tiếc
là tri thức con người đang xây dựng trên cơ sở lạc lối đó. Những người con gánh nặng trên vai niềm kiêu hãnh của cha mẹ
liệu chúng có thể đạt được kỳ vọng, sở nguyện ở người lớn?
Nếu đạt
được sự kỳ vọng thì những đứa trẻ sẽ thành công trong việc chối bỏ cội nguồn và
chúng lại dạy bảo con cái hãy nên làm thế. Nếu không làm tốt thì những đứa trẻ
sẽ không làm vừa lòng cha mẹ. Nỗi mặc cảm tội lỗi của người con, sự thất vọng
nuối tiếc ở cha mẹ khiến cho những đứa con được xem là bất hiếu sẽ khó ăn ở
ngay nơi đã được sinh ra. Tất nhiên mối quan hệ trong gia đình là rất đa biến
thế nên không phải mọi việc đều diễn tiến như những gì tôi đã trình bày. Thực
tế sẽ có rất nhiều tình huống khác xảy ra nhưng tôi chỉ muốn nhắc nhở bạn “Đừng
dạy con cháu chối bỏ nguồn gốc và bạn phải tỉnh táo, sáng suốt tìm ra phương
pháp nuôi dạy con cái tốt hơn”. Với góc nhìn sáng rõ, khách quan bạn sẽ nhận
biết “Việc dạy con cái chối bỏ nguồn gốc trong lối sống thực dụng, bon chen,
ích kỷ,… là việc làm rất thiếu hiểu biết. Có thể người cha, người mẹ sẽ vĩnh
viễn mất đi người con”.
…
Hãy nuôi
dưỡng nội tâm, tinh thần của thế hệ trẻ bằng việc rèn luyện con cháu bạn thói
quen đọc sách lành mạnh và bổ ích!
...
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét