Luận Giải (P.1)
Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015
Khác với cách dịch
giải của các nhà nghiên cứu, học thuật, dịch giả tiền bối,… tôi sẽ hệ thống,
rút gọn, hiệu chỉnh,… lại bản gốc Đạo đức kinh. Trên thực tế, các nhà nghiên
cứu học thuật đã sớm nhận ra sự đan xen, trùng lập ý từ trong Đạo đức kinh.
Nhưng có lẽ nhằm thể hiện sự khách quan trong quá trình dịch giải, các bậc tiền
bối đã giữ nguyên bản. Việc làm thận trọng này đã khiến ý tứ của các bản dịch
giải không được mạch lạc, rõ ràng. Điều này làm cho người đọc không dễ thông
hiểu, lĩnh hội, sống được với tư tưởng, tri thức mà Lão Tử truyền lại.
Nhằm giữ sự khách quan
cho bản gốc Đạo đức kinh, những câu từ mà người đời sau thêm vào có phần nhất
quán với nguyên bản tôi sẽ giữ lại, dung hòa với bản gốc. Những đoạn Đạo đức
kinh được giản lược có phần sai khác với tư tưởng Lão Tử tôi sẽ tùy thuận dịch
giải riêng lẻ. Phần giản lược liên quan đến cuộc đời, bối cảnh sống, việc tự
nhìn nhận, đánh giá,… bản thân và đạo của Lão Tử tôi sẽ trình bày ở phần Luận
giải và phần Thiên Hạ,...
Mặc dù từ năm 165 (đời
Hậu Hán) Lão Tử được Đạo giáo tôn làm Thái Thượng Lão Quân, là một trong 3 vị
đại tiên tối cao (Đại la kim tiên) của Đạo Lão. Nhưng tôi vẫn phải trình bày
một vấn đề không kém phần quan trọng. Đó là Lão Tử không phải là người học rộng,
biết nhiều và chính Lão Tử cũng đã thừa nhận lẽ thật này ở phần 81,
Tri giả bất bác, bác giả bất tri.
Người sáng suốt hiểu
đạo, biết đạo thì tri thức không cần rộng (Vì
nắm được gốc đạo là hiểu rõ, thông suốt được mọi việc, biết được ngọn),
người có tri thức rộng thì không hẳn là sáng suốt, hiểu đạo (Vì tìm ngọn thì quên mất gốc).
Thông qua bản gốc Đạo
đức kinh, bạn dễ dàng nhận ra ý từ, các vấn đề được trình bày đan xen, trùng
lập, không theo một trình tự rõ ràng, mạch lạc cho thấy Lão Tử không thực sự là
người có kiến thức sâu rộng. Việc trình bày Đạo đức kinh như thể là viết cho
chính bản thân xem, giống như là việc viết nhật ký. Khi tỏ ngộ, lĩnh hội được
vấn đề nào liên quan đến cuộc sống và đạo thì Lão Tử viết lại nhằm để chiêm
nghiệm, tùy thuận sống theo nguyên tắc đó. Ở góc nhìn tổng thể bạn sẽ nhận ra
Đạo đức kinh chính là kết quả của quá trình tự học, tu thân của Lão Tử thông
qua việc trả lời những câu hỏi về những vấn đề gút mắc trong tư tưởng, nhận thức của tự thân.
Về sau, Lão Tử nhận ra khi sống theo những nguyên tắc, tùy thuận theo đạo thì
cuộc sống trở nên tốt đẹp, an ổn hơn. Lão Tử nhận biết rằng “Nếu mọi người - Từ
vua chúa, quan lại cho đến dân thường - đều sống theo đạo thì sẽ không có chiến
tranh, trộm cướp, xã hội sẽ an ổn, thái bình, loài người sẽ không còn đau khổ,
thù hận,…”. Vì nghĩ như thế Lão Tử đã truyền trao tập sách mà ông đã dùng kiến
thức, kinh nghiệm đúc kết được. Tuy nhiên, Lão Tử nhận biết “Với ngôn từ thể
hiện trong Đạo đức kinh và ở bối cảnh xã hội phong kiến loạn lạc, vua chúa mất đạo
thì sinh mạng ông sẽ lâm nguy”. Đạo đức kinh đã được lan truyền âm thầm trong
tầng lớp trí thức, ẩn sĩ thời Lão Tử sống và hiển nhiên là Lão Tử sẽ che dấu
thân phận, tên tuổi thật. Với cách trao truyền như thế đã tạo ra những hiểu
biết sai lạc khi người xưa tiếp nhận, lĩnh hội nguồn tri thức có trong Đạo đức
kinh và tốc độ lan truyền là rất chậm. Nhất là khi các nước đang xâu xé, xâm
lấn triền miên thì các vị vua chúa vô đạo khó thể chấp nhận nguồn tư tưởng của
Lão Tử. Mãi cho đến vài trăm năm sau, xã hội thái bình, ổn định những bậc minh
quân sáng suốt ra đời thì “Đạo đức kinh mới được thừa nhận là một quyển sách có
giá trị”. Việc thừa nhận “Đạo đức kinh là một quyển sách quý” cũng giống như là
việc về sau các đạo nhân tu tiên đã mặc nhiên xem Lão Tử là Ông Tổ khai sáng ra
đạo Lão.
Dù rằng nội dung của
Đạo đức kinh thể hiện nhiều vấn đề khác nhau. Đặc biệt, vấn đề đạo được Lão Tử
đề cập nhiều nhất. Tuy nhiên, khi nhìn ở góc nhìn tổng thể thì nội dung Đạo đức
kinh trình bày rõ nét ở hai vấn đề căn bản. Một là tu thân, hai là trị quốc. Cả
hai vấn đề tu thân và
trị quốc đều dựa vào nền tảng tùy thuận theo đạo. Bởi lẽ
(55-2) Tâm sử khí viết cường. Vật tráng tắc lão, thị vị bất đạo, bất đạo
tảo dĩ.
Đam mê chạy theo thọ hưởng dục vọng,
để cho lòng dục sai khiến thì được gọi là tham, là cuồng. Vật nào cường tráng
rồi thì sẽ già, vĩnh viễn không có việc cường tráng mãi, cường tráng mãi là
trái đạo. Trái đạo tất phải diệt vong, suy kiệt, sớm chết. (Diễn theo nghĩa tu thân - tự học)
[Điều này thật nguy hại vì vậy người sống theo đạo sẽ không chạy theo
vật dục, không để sự ham muốn, tư dục lôi cuốn, trói buộc, làm điều trái đạo.]
Làm việc gì cũng đừng quá ngang
tàng, bạo ngược -Ỷ lại nước lớn, cường thịnh hiếp đáp, chèn ép các nước nhỏ.
Việc gì cũng đừng rơi vào quá mức, vượt giới hạn. Làm như vậy thì sẽ không hợp
đạo. Không hợp đạo thì dễ bị phản tác dụng, gây ra tai họa, tạo ra chiến loạn
khiến người dân sống trong sự giết chóc, thù hận. Đến khi người dân nhận biết
việc làm trái đạo của nhà cầm quyền sẽ mất niềm tin, không ủng hộ,… thì việc
sụp đổ một đế chế, một quốc gia cường thịnh là điều không khó xảy ra. (Diễn theo nghĩa trị quốc)
[Lịch sử phát triển của loài
người đã chứng kiến bao nền văn minh rực rỡ, huy hoàng,… tàn lụi? Bao quốc gia cường thịnh diệt vong? Đế chế La
Mã, Triều đại Ai Cập, Hy Lạp,… Phải chăng khi nhà cầm quyền vì tư dục, ham mê
hưởng thụ, gom góp lợi dưỡng, lợi danh,… làm điều trái đạo đẩy cuộc sống người
dân vào cảnh khốn cùng, xua người dân vào những cuộc giết chóc vô nghĩa ở đấu
trường đầy máu tươi, ở những cuộc tranh giành quyền lực, lãnh thổ. Kết quả khi
lòng dân đã loạn thì …]
…
Thực ra vấn đề cốt lõi
Lão Tử muốn mỗi người trong mọi thành phần, mọi tầng lớp của xã hội nhận biết, nắm
bắt, lĩnh hội,… ở Đạo đức kinh chỉ là lấy việc tu thân làm nền tảng, là căn
bản. Nếu mọi người đều biết tu thân tốt, chuẩn mực, sống tùy thuận theo đạo thì
xã hội tự thái bình, an ổn, hạnh phúc.
Khi trình bày Đạo đức
kinh, khuyên người giữ đạo dường như đã có người chất vấn Lão Tử mà hỏi rằng
“Ông có đạt đạo không?”. Lão Tử đã điềm đạm trả lời ở phần 20,
(20-5)Chúng nhân hi hi, như hưởng thái lao, như xuân đăng
đài; Ngã độc bạc hề kì vị triệu, như anh nhi chi vị hài, luy luy hề nhược vô sở
qui.
Chúng nhân giai hữu dư, nhi ngã độc nhược di; Ngã ngu nhân
chi tâm dã tai, độn độn hề! Tục nhân chiêu chiêu, ngã độc hôn hôn; Tục nhân sát
sát, ngã độc muộn muộn, đạm hề kì nhược hải, liêu hề nhược vô chỉ.
Chúng nhân giai hữu dĩ, nhi ngã độc ngoan thả bỉ. Ngã độc
dị ư nhân, nhi quí thực mẫu.
Mọi người hớn hở như hưởng bữa tiệc
lớn, như mùa xuân lên đài; Riêng ta điềm tĩnh, không lộ chút tình ý gì như đứa
trẻ mới sinh, chưa biết cười, rũ rượi mà đi như không có nhà để về.
Mọi người đều có thừa, riêng ta như
thiếu thốn; Lòng ta ngu muội, đần độn thay! Người đời sáng rõ, riêng ta tối
tăm; Người đời trong trẻo, riêng ta hỗn độn, như sóng biển nhấp nhô, như gió
vèo vèo không ngừng.
Mọi người đều có chỗ dùng, riêng ta
ngoan cố mà bỉ lậu. Riêng ta khác người, mà quí mẹ của muôn loài (tức đạo). (Trích lược từ bản dịch của dịch giả Nguyễn
Hiến Lê)
Bối cảnh xã hội thời
Lão Tử sống? Lão Tử sinh cùng thời, trước hay sau Khổng Tử?
Xã hội thời Lão Tử
sống chỉ có thể nói là thời loạn lạc, các nước phân tranh, cướp hại lẫn nhau.
Nhà cầm quyền thì sống xa hoa, hoang phí, dân thì đói khổ, lầm than, cơ cực.
Thấu rõ nỗi khổ của người dân bị nhà cầm quyền vơ vét, bóc lột, buộc phải đi
phu, đi lính, chết ở chiến trường, cảnh nước mất nhà tan,… Lão Tử đã cảnh tỉnh
người dân, nhà cầm quyền qua 5000 từ trong Đạo đức kinh.
Sự sa đọa, trụy lạc của
giới cầm quyền thời Lão Tử sống được thể hiện ở phần 53,
(53-2)Triều thậm trừ, điền thậm vu, sương thậm hư; Phục
văn thái, đái lợi kiếm, yếm ẩm thực, tài hóa hữu dư, thị vị đạo khoa, phi đạo
dã tai!
Triều đình thật ô uế, đồng ruộng
thật hoang vu, kho lẫm thật trống rỗng; Mà họ bận áo gấm thêu, đeo kiếm báu, ăn
uống chán mứa, của cải thừa thãi. Như vậy là trùm trộm cướp chứ đâu phải là hợp
đạo!
Học thuyết của Lão Tử
là chủ yếu đề cập việc tu thân và trị quốc, còn học thuyết của Khổng Tử là tu
thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Dựa vào lập luận những nhà dịch giả cho
rằng Lão Tử đả đảo lễ nghi rườm rà, phiền phức, giả tạo của Nho gia - Khổng
giáo và đưa ra giả thuyết Lão Tử ra đời sau Khổng Tử (vì có lễ nghi rồi thì mới mạt sát, gạt bỏ lễ nghi). Lập luận này
có vẻ ổn nhưng khi khách quan đánh giá thì lại có lỗ hỏng không nhỏ. Không phải
đợi Khổng Tử ra đời thì xã hội loài người mới có hủ tục, nguyên tắc, lễ nghi,…
Thật ra Khổng Tử chỉ là người kế thừa, đúc kết, tổng hợp, hệ thống, truyền dạy
lại tri thức của người xưa. Cũng lại như vậy, không phải đợi đến Lão Tử ra đời
thì mới hình thành nên đạo Lão. Thực tế là trước Lão Tử đã có người sống tùy
thuận theo đạo và về sau mãi đến thế kỷ thứ II thì Trương Đạo Lăng mới dựng lên
Lão giáo. Những nhà nghiên cứu đã trói sự nhận định cố định vào việc Lão Tử là
người đầu tiên khai sáng, phát kiến ra đạo Lão, Khổng Tử là người xây dựng nên
đạo Nho dẫn đến tạo ra những lầm lạc khi lĩnh hội tư tưởng của người xưa. Lão
Tử - Khổng Tử, ai sinh trước ai, cùng thời hay khác thời? Điều này có thật sự
là rất quan trọng? Trận bút chiến có lẽ đã đến lúc dừng lại.
Ở góc nhìn phiến diện,
thiên lệch,… nhiều người đã cho rằng Nho giáo đã mai một, chìm lắng, không còn
được người đời coi trọng nhưng trên thực tế Nho giáo không hề mất đi mà Nho
giáo chỉ là thay đổi cho phù hợp với bối cảnh xã hội hiện tại. Ở góc nhìn tổng
thể, việc học luôn được con người quan tâm, chú trọng. Việc học chính là Nho
giáo - Khổng giáo; Nho giáo bao gồm việc học hỏi, rèn luyện nhân cách đạo đức, sự
hiểu biết,… thông qua các chuẩn mực nhân - nghĩa - lễ - trí - tín,… Học thuyết
của Nho giáo chứa đựng việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Thế nên dù
là ở phương Tây hay phương Đông thì con người có lẽ sẽ mãi mãi không có việc xóa
bỏ hoàn toàn Nho giáo.
Khi nhìn nhận vấn đề
sáng rõ, khách quan bạn sẽ nhận ra Lão Tử không hề đả đảo, mạt sát lễ mà Lão Tử
chỉ dựa vào sự hiểu biết về cuộc sống và đạo đã nói ra quy luật phát triển của
xã hội loài người. Vấn đề này thể hiện ở phần 38,
Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức; Hạ đức bất thất đức, thị dĩ vô đức.
Thượng đức vô vi nhi vô dĩ vi; Hạ đức vô vi nhi hữu dĩ vi.Thượng nhân vi chi
nhi vô dĩ vi; Thượng nghĩa vi chi nhi hữu dĩ vi; Thượng lễ vi chi nhi mạc chi
ứng, tắc nhương tí nhi nhưng chi.
Cố thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa,
thất nghĩa nhi hậu lễ. Phù lễ giả, trung tín chi bạc, nhi loạn chi thủ. Tiền
thức giả đạo chi hoa; Nhi ngu chi thủy. Thị dĩ đại trượng phu xử kì hậu, bất cư
kì bạc; Xử kì thực, bất cư kì hoa. Cố khứ bỉ thủ thử.
Người có đức thuận theo tự nhiên và
không có ý cầu đức, cho nên có đức; Người kém đức không thuận theo tự nhiên, có
ý cầu đức, cho nên không có đức. Người có đức không làm - vô vi mà thật ra là
không việc gì không làm, làm mà không có ý thức đang làm vì làm việc tùy thuận
theo tự nhiên; Người kém đức thì thật ra không làm - vô vi mà lại tranh công do
có ý nghĩ mình đã làm. Người có lòng thương yêu giúp người thì việc giúp người
xuất phát từ tấm lòng thành chứ không vì toan tính cá nhân, không nghĩ mình đã
làm việc tốt; Người có lòng nghĩa hiệp thì làm việc nghĩa mà có dụng ý làm vì
có sự cân phân nặng nhẹ giữa việc nên làm và việc không nên làm, để tâm đến
việc tốt đã làm; Người giữ lễ - coi trọng hình thức, nguyên tắc,… thì sống theo
nguyên tắc, chú trọng thủ tục, lễ nghi,… và áp đặt, buộc người khác phải giữ lễ
nghi giống như mình. Việc giữ lễ là sống theo khuôn khổ, lề lối, nguyên tắc,…
đôi khi quá mức gây mất hết tình.
Thực tế là đạo mất rồi sau mới có
đức, đức mất rồi sau mới có nhân, nhân mất rồi sau mới có nghĩa, nghĩa mất rồi
sau mới có lễ. Lễ là biểu hiện cho sự suy vi trung hậu, thành tín, là đầu mối
của sự hỗn loạn, rối ren cho xã hội. Lễ giống như là việc dùng sự hiểu biết để
sắp xếp, toan tính mọi việc từ trước, làm mất đi sự chất phác, tự nhiên, là
biểu hiện của sự giả tạo, gượng ép; Điều đó chỉ làm rối đạo do sự bày vẽ màu
mè, rườm rà, phiền phức của lễ nghi, hủ tục; Lễ nghi, hủ tục chính là nguồn gốc
tạo ra sự ngu ngốc và mê muội. Cho nên người hiểu đạo chỉ giữ sự trung hậu
thành tín mà không trọng lễ nghi, hình thức; Giữ đạo chất phác, tự nhiên mà
không dùng đến sự hào nhoáng, hoa mĩ của lễ nghĩa. Giữ gốc, giữ đạo mà không lệ
thuộc vào tục lệ, lễ nghi của người đời.
[Đạo mất rồi mới có đức, đức mất rồi mới có nhân, nhân mất rồi mới có
nghĩa, nghĩa mất rồi mới có lễ. Lão Tử đã dựa vào nguyên tắc hiển nhiên, thực
tế của đạo để đưa ra nhận định trên. Vì lẽ con người thời sơ khai, chưa có lề
lối, khuôn phép lễ nghi thì bản thân người cha, người mẹ yêu thương, quý mến,…
con cái; Con cái kính trọng, vâng lời,… cha mẹ. Sự yêu kính, thuận thảo,… này
là tự nhiên, xuất phát từ tình cảm chân thành, từ sự gắn bó khắng khít, bảo bọc
của người lớn với con cái mà sinh ra những biểu hiện tình cảm chân thật đó. Cho
đến khi con người đông đúc và việc học hỏi, sự hiểu biết, phân biệt tăng trưởng
thì nảy sinh vấn đề con cái không còn hiếu thuận; Cha mẹ không còn lo lắng,
chăm sóc con cái tốt như trước. Thể hiện con người đã xa rời đạo - mất đạo. Lúc
bấy giờ quan niệm về đức mới được chú ý coi trọng. Xã hội loài người mới thừa
nhận những gia đình có con cái hiếu thuận, thảo hiền với cha mẹ; Cha mẹ chăm lo
nuôi dạy con cái tốt là những người có đức. Điều này thể hiện tình cảm của con
người đã đánh mất sự yêu thương chân thật, tự nhiên, tùy thuận. Về sau, con người
tham đắm dục vọng, si mê tài vật,…dẫn đến tranh giành quyền lợi, tài sản giữa
cha mẹ với con cái, vợ với chồng, anh với em, người với người,… Đây là biểu
hiện con người quên bỏ đức - mất đức. Tri thức nhân loại mới đưa ra khái niệm
nhân; Người có lòng nhân là người có lòng yêu thương, giúp đỡ người khác chân
thành, không toan tính, vụ lợi. Sau đó, con người vì sống ích kỷ, tự tư, tự
lợi,… không còn giữ được tình cảm yêu thương, giúp đỡ người một cách chân thật
nữa. Mọi việc làm đều có dụng tâm, mục đích, toan tính riêng,... Con người mới
đưa ra khái niệm việc nghĩa để giúp con người giữ lại chút tình cảm khăng khít
còn lại giữa người với người. Nhưng về sau con người lại xa rời việc nghĩa, tri
thức nhân loại mới đưa ra quan niệm lễ; Lễ là những nguyên tắc, tục lệ, lễ
nghi,… mà tri thức người xưa thừa nhận và ràng buộc con người phải thực hiện,
phải sống theo một cách bắt buộc, áp đặt. Điều này cho thấy lễ chính là những
ràng buộc khi mà con người không còn sống tùy thuận theo đạo, mất đức, bất
nhân, bất nghĩa; Con người đã “đánh mất” sự trung hậu, thành tín. Càng về sau
việc lễ nghi càng thêm rườm rà, phức tạp, phiền phức. Vì thế Lão Tử mới đưa ra
nhận định “Lễ là đầu mối của sự rối ren, hỗn loạn cho xã hội”.]
(Còn tiếp)
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét