Phẩm Nói Với Chúng Học Trò Thanh Văn (P.2)
Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015
Tinh yếu
lược giải:
Như tôi đã trình bày từ trước, cư sĩ Duy ma cật vốn
là hóa thân được dựa trên hành trạng của trưởng giả Cấp Cô Độc cùng với trí tuệ
viên dung của một vị Giác giả, thế nên việc tâm tâm tương ưng giữa cư sĩ Cấp Cô
Độc và Phật Thích Ca chỉ là một pháp phương tiện xảo diệu mà Giác giả lập ra
nhằm đưa người học Phật thâm nhập trí tuệ Bát nhã. Vị Giác giả thứ hai rõ biết
rằng chỉ khi người học Phật khai mở trí tuệ Bát nhã thì pháp khí đại thừa sẽ tự
lưu xuất. Chánh pháp nhãn tạng Như Lai sẽ được sáng tỏ trong lòng nhân loại khi
người học Phật “minh tâm, kiến tánh” dấn thân hành Bồ tát đạo.
Dựa vào kinh điển nguyên thủy vị Giác giả thứ hai
nhận ra những vị đệ tử lớn của Phật Thích Ca đều có những sở trường, sở đắc
riêng và chính do việc chấp Pháp mà những vị đệ tử lớn của Phật Thích Ca đều có
sự chướng ngại Bồ đề tâm ở trí tuệ bát nhã. Những người học Phật thời Phật Thích Ca đa số đều trụ
nơi pháp tiểu thừa, cũng do trụ nơi pháp tiểu thừa mà trí tuệ Bát nhã ở những
vị đại đệ tử không đạt đến mức viên dung, thông tuệ.
Bệnh chấp Pháp không chỉ có ở những vị đệ tử lớn thời
Phật Thích Ca mà đó chính là căn bệnh chung rất khó tránh khỏi ở người học
Phật, đây là căn bệnh có tính nan y không dễ trị dứt ở người học Phật còn trong
lưới vô minh.
Do vậy thông qua việc chỉ ra những hạn chế, những
khiếm khuyết của những đệ tử lớn thời Phật Thích Ca, vị Giác giả thứ hai của
nhân loại đã cảnh tỉnh người học Phật về sau nên tránh rơi vào những tật bệnh
chấp Pháp tương tự. Lời cảnh tỉnh này vị Giác giả thứ hai đặc biệt lưu tâm đến
những người học Phật dấn thân hành Bồ tát đạo với pháp khí đại thừa.
Vị Giác
giả thứ hai chỉ ra những hạn chế của việc chấp Pháp ở 10 vị đệ tử lớn của Phật
Thích Ca.
Ngài Xá lợi phất vẫn được vị Giác giả thứ hai ưu ái
hơn so với những vị đệ tử lớn khác của Phật Thích Ca.
Không chỉ nơi bộ kinh Duy ma cật sở thuyết mà ở rất
nhiều bộ kinh đại thừa khác ngài Xá lợi phất, đại biểu ưu tú cho người học Phật
đại trí, mẫn tiệp đã khởi hỏi những câu vấn đạo rất ngô nghê, nông nổi.
Tại sao vị Giác giả thứ hai lại đặt ngài Xá lợi phất
vào những tình huống nghe chừng có vẻ rất thiệt thòi cho vị đại trí Thanh văn
thừa?
Vị Giác giả thứ hai ngầm xác quyết rằng dù là hàng
đại trí Thanh văn thừa có tận sức suy lường cũng không thể thấu triệt được trí
tuệ Phật. Vì sao? Vì trí tuệ Phật không thể dùng sự suy lường hay lối tư duy
chủ quan rơi vào biên kiến mà có thể liễu ngộ được.
Qua Phẩm nói chuyện với chúng học trò Thanh văn, vị
Giác giả thứ hai đã xác nhận những vị đệ tử lớn của Phật Thích Ca đều học Phật
theo lối Thanh văn thừa, họ đều là những người Tăng bảo xuất gia, điều này phần
nào thừa nhận với nhân loại rằng “Tăng bảo đa số là người học Phật theo lối
Thanh văn thừa, vai trò của giới Tăng bảo là gìn giữ, lưu truyền giáo lý chánh
pháp - Pho Tam Tạng kinh”.
Người học Phật Thanh văn thừa đa số sẽ trụ nơi pháp tiểu
thừa, là thuyền nhỏ không thể ra sông lớn. Do vậy việc làm bừng sáng ngọn đuốc
chánh pháp nhãn tạng Như Lai ở phạm vi nhân loại sẽ cần đến những người học
Phật có pháp khí đại thừa để thi triển diệu pháp Di Lặc thiên bá ức hóa thân.
1 - Ngài Xá lợi phất:
Ở bộ kinh Duy ma cật sở thuyết, vị Giác giả thứ hai
thông qua ngài Xá lợi phất xác quyết lại việc “Hàng đại trí Thanh văn thừa dù
tận sức suy lường cũng không thể thấu triệt trí Như Lai” thì ngài Xá lợi phất
còn chấp Pháp gì để thể hiện đây là người học Phật theo lối tiểu thừa?
Cư sĩ Duy ma cật đến gặp ngài Xá lợi phất khi đang
tọa thiền và qua lời vấn của cư sĩ Duy ma cật cùng với sự khách quan ta sẽ nhận
biết rằng ngài Xá lợi phất chấp vào Pháp thiền định. Ngài Duy ma cật sách tấn, cảnh
tỉnh người học Phật chấp pháp thiền định là “Không nhất thiết phải ngồi bất
động như vậy mới là thiền định. Không trụ nơi Tam giới mà hiện thân khẩu ý mới
thiền định. Không khởi diệt tận định mà hiện đủ mọi oai nghi mới là thiền định.
Không rời đạo pháp mà làm các việc phàm phu mới là thiền định. Tâm không trụ
trong cũng không trụ ngoài mới là thiền định. Đối với các kiến chấp không động
mà hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo mới là thiền định. Không đoạn phiền não mà vào
Niết bàn mới là thiền định. Nếu mà hành như thế thì đến được chỗ Phật ấn
chứng”.
Hẳn là lời vấn đúng người, đúng bệnh nên ngài Xá lợi
phất chỉ có thể im lặng, lắng nghe lời khai thị.
Và quả thật đúng vậy. Nếu Bồ tát với pháp khí đại
thừa thì không thể nào tự ràng buộc việc “trụ tâm, quán tịnh” mà phải nhập thế
hoằng pháp, nâng cao ngọn đuốc chánh pháp mang lại muôn điều lợi lạc cho nhân
loại và mọi loài.
2 - Ngài Mục Kiền Liên:
Tương truyền ngài Mục Kiền Liên là người có thần
thông đệ nhất.
Thật ra thần thông của ngài Mục Kiền Liên đó là gì?
Người học Phật chưa đến bờ Giác thường cho rằng ngài
Mục Kiền Liên nhiều lần thị hiện thần thông như bấm ngón chân xuống đất thì từ
cung trời Đế Thích, Phạm thiên đến Long cung thảy đều rung chuyển, chúng sinh ở
những nơi đó đồng thời kinh hoảng, khiếp sợ.
Những điều hư vọng, hoang đường về thần thông như thế
lẽ ra người học Phật xưa nay không nên dính mắc, người học Phật đúng mực không
nên lấy sự huyễn hóa ràng buộc trí tuệ bản thân. Thần lực Phật, thần thông ngài
Mục Kiền Liên,… đó chỉ là một lối nói ẩn dụ. Với trường hợp ngài Mục Kiền Liên
thì đây chính là sự ghi nhận tánh khí cang cường, chánh trực của ngài Mục Kiền
Liên, vị đệ tử lớn này là người hộ trì giáo lý giác ngộ giải thoát của Phật
Thích Ca một cách quyết liệt, xông xáo nhất, ngài Mục Kiền Liên rất sẵn sàng và
kiên quyết xô dẹp mọi tà thuyết của ngoại đạo trên bước đường dấn thân truyền
pháp.
Chính do sự kiên cường, quyết liệt hộ pháp mà thiếu
đi sự nhu hòa, uyển chuyển nên ngài Mục Kiền Liên đã tạo ra mối tư thù nơi giới
tu sĩ lõa hình (Kỳ na giáo). Kết quả là ngài Mục Kiền Liên đã bị một nhóm tu sĩ
lõa hình phục kích đánh cho đến chết.
Có thể nói ở một mức độ nào đó cách thức truyền pháp
của ngài Mục Kiền Liên đã rơi vào sự cứng nhắc, bảo thủ. Việc thuyết pháp cho
người nghe ở ngài Mục Kiền Liên dựa trên nền tảng y kinh, điều này được bày ra
khi cư sĩ Duy ma cật đến gặp ngài Mục Kiền Liên.
- Này ngài
Mục Kiền Liên, nói pháp cho cư sĩ tại gia, không phải như cách ngài nói vậy. Vì
nói pháp phải tùy tâm người cầu pháp mà nói. Pháp không chúng sinh, pháp lìa cả
phiền não chúng sinh. Pháp không có tôi, pháp lìa cả cái của tôi. Pháp không có
sinh diệt, pháp lìa cả sinh diệt. Pháp không có nhân duyên, lìa tướng trước
sau. Pháp thường vắng lặng, bặt hết danh tướng. Pháp lìa các tướng, không hạn
cuộc bởi duyên sinh. Pháp không danh tự, dứt đường ngôn ngữ. Pháp không nói
năng, lìa mọi quán chiếu. Pháp không sắc tướng, như là hư không. Pháp không hí
luận, rốt ráo rỗng không. Pháp không phân biệt, lìa các thức. Pháp không so
sánh, lìa tướng đối đãi. Pháp không thuộc nhân, pháp không nhờ duyên. Pháp đồng
tự tánh, pháp là vạn pháp. Pháp tùy chân như, pháp không có chỗ tùy. Pháp là
thực tế, pháp không trụ nhị biên - Hữu Vô, Thường Đoạn. Pháp không lay động,
không nương sáu trần. Pháp không đến đi, thường không dừng lặng. Pháp là không,
tùy vô tướng, ứng vô tác. Pháp lìa tốt xấu, không thêm không bớt. Pháp không
sinh diệt. Pháp không chỗ về. Pháp ngoài mắt tai mũi lưỡi thân ý, pháp không
cao thấp, pháp thường trụ vô thường. Pháp lìa tất cả quán chiếu. Vậy hỏi ngài
Mục Kiền Liên! Pháp mà như thế có thể diễn nói không? Thêm nữa, người thuyết
pháp không nói, không chỉ bày; Người nghe cũng không nghe, không được. Việc
thuyết pháp phải như là nhà huyễn thuật nói pháp cho người huyễn hóa nghe, phải
dụng tâm như thế mà nói pháp.
Theo cách vấn của cư sĩ Duy ma cật thì ngài Mục Kiền
Liên đã truyền pháp không đúng theo tâm người đến cầu pháp. Khi thuyết pháp cho
người tại gia ngài Mục Kiền Liên đã cứng nhắc lấy pháp dành cho người xuất gia
mà diễn nói, việc thuyết pháp như thế là thiếu tính khế cơ và tùy thuận. Thêm
nữa, việc thuyết pháp không khế hợp người cầu pháp sẽ bày ra rất nhiều khuyết
điểm mà cư sĩ Duy ma cật đã vấn qua lời thoại như pháp có cái tôi, cái của tôi,
có người thuyết, có pháp thuyết, có người nghe, có pháp để nghe,… Việc thuyết
pháp mà như thế là không đúng pháp. Nếu thuyết pháp mà rơi vào hiện trạng không
đúng pháp thì im lặng sẽ là sự đúng mực hơn.
Không chỉ vậy, dường như việc thuyết pháp của ngài
Mục Kiền Liên có sự ràng buộc người nghe pháp ở tâm hạnh tiểu thừa vì thế nên
cư sĩ Duy ma cật đã cảnh tỉnh “Ngài phải
rõ căn cơ của chúng sinh có sự thông minh, ngu tối chẳng đồng, khéo léo điều
phục tri kiến chúng sinh mà không có sự chướng ngại e dè, sợ sệt, thường lấy
tâm đại bi ngợi khen pháp đại thừa, nghĩ nhớ việc đền ơn Phật, chớ để đoạn dứt
Tam Bảo. Ngài nói pháp được như vậy mới nên thuyết Pháp”.
Tuy nhiên, chính do tâm hộ trì chánh pháp kiên cố,
dũng mãnh của ngài Mục Kiền Liên mà vị Giác giả thứ hai đã tôn quý đặt ngài Mục
Kiền Liên ở vị trí thứ hai trong số 10 vị đệ tử lớn của Phật Thích Ca.
3 - Ngài Ca diếp:
Ngài Ma ha Ca diếp khi xuất gia theo Phật đã sớm lập
hạnh đầu đà, tự trói mình trong pháp tu tiểu thừa, điều này Phật Thích Ca rất
nhiều lần nhắc nhỡ. Mãi sau này, ngài Ca diếp có sửa đổi đôi chút nhưng “Giang
sơn dễ đổi, bản tánh khó thay”. Chính do hành pháp theo lối tu tiểu thừa mà
ngài Ca diếp bị tâm phân biệt ràng buộc, đây là điều mà người học Phật nên
tránh vấp phải.
Việc khất thực không theo tuần tự, thứ lớp mà chỉ
khất thực ở những nhà nghèo thể hiện tâm phân biệt dính mắc ở ngài Ma ha Ca
diếp sâu nặng. Đã là đi trên con đường giải thoát hoàn toàn mà tự ràng buộc như
thế thì rõ thật là không đúng pháp, với tâm hạnh như thế thì ngài Ca diếp khó
thể phát tâm đại thừa. Khi người truyền pháp chỉ dừng lại ở tâm hạnh tiểu thừa
thì gần như người nghe pháp chỉ có thể được nghe pháp Thanh văn thừa chứ đâu dễ
nghe được pháp Duyên giác thừa, Bồ tát thừa.
Qua lời thoại cư sĩ Duy ma cật đã vấn thẳng vào tâm
phân biệt dính mắc của ngài Ca diếp, đó cũng là cách mà vị Giác giả cảnh tỉnh
người học Phật nói chung - Chớ nên Chấp pháp, dính mắc lối tu tiểu thừa vì đây
là sự ràng buộc chẳng phải là sự giải thoát.
Về sau, biết ngài Ca diếp ít nhiều có sự chuyển biến
ở lối hành pháp nên vị Giác giả đã có sự tán thán, khích lệ sự thay đổi cần có
ở người học Phật.
4 - Ngài Tu bồ đề:
Theo kinh sách Phật giáo ghi nhận, ngài Tu bồ đề vốn
là người học Phật có sở đắc đệ nhất giải Không. Hẳn đây cũng chính là sở cậy
của ngài Tu bồ đề hay nói cách khác rõ ràng hơn là ngài Tu bồ đề rơi vào chấp
Không. Đây chính là một trong những lỗi lầm thường thấy ở người học Phật từ xưa
đến nay. Vị Giác giả thứ hai nhận biết điểm hạn chế của ngài Tu bồ đề nên thông
qua hóa thân cư sĩ Duy ma cật chất vấn ngài Tu bồ đề. Với biện tài vô úy, hóa thân
cư sĩ Duy ma cật thật sự sẽ khiến bất kì người học Phật chấp Không nào cũng
phải đến kinh hoảng, hoang mang. Lời ngài Duy ma cật diễn nói về tánh Không
thật không đúng y kinh nhưng sau rốt lại chẳng sai chánh pháp, thế nên người
học Phật chấp Không khó thể trả lời, chỉ có thể tìm đường tháo lui.
Trưởng giả Duy ma cật vấn:
- Thưa ngài
Tu bồ đề! Đối với món ăn bình đẳng thì các pháp cũng bình đẳng, các pháp bình đẳng thì món ăn cũng bình đẳng, đi
khất thực như thế mới nên lãnh món ăn. Cũng như ngài Tu bồ đề không trừ dâm nộ
si cũng không chung cùng với nó, không hoại thân mình mà tùy hỷ trang nghiêm,
không dứt si ái mà khởi sự giải thoát, ở nơi tướng ngũ nghịch mà đặng giải
thoát, không mở cũng không buộc, không thấy tứ đế cũng không phải không thấy tứ
đế, không phải đắc quả cũng không phải không đắc quả, không phải phàm phu cũng
không phải rời phàm phu, không phải thánh nhân, không phải không thánh nhân,
tuy lập tất cả các pháp mà rời tướng các pháp, thế mới nên lấy món ăn. Cũng như
nếu ngài Tu bồ đề không gặp Phật, không được nghe chánh pháp thì bọn lục sư
ngoại đạo - Phú lan na Ca diếp, Mạc dà lê Câu xa lê tử , San xà dạ tỳ la chi tử, A kỳ đa xy xa khâm bà la, Ca la cưu
đà Ca chiên diên, Ni kiền đà nhã đề tử - thảy đều là thầy của ngài. Ngài theo
ngoại đạo xuất gia, bọn lục sư ngoại đạo đọa, ngài cũng đọa theo, ngài mới nên
nhận lấy món ăn. Này ngài Tu bồ đề! Nếu ngài vào nơi tà kiến, không đến bờ
giác, ở nơi tám nạn, không được khỏi nạn, đồng với phiền não, lìa pháp thanh
tịnh, ngài được Pháp ấn tam muội, tất cả chúng sinh cũng được tam muội ấy,
những người thí cho ngài chẳng gọi phước điền, những kẻ cúng dường cho ngài đọa
vào ba đường ác, ngài cùng với ma nắm tay nhau làm bạn lữ, ngài cùng với các ma
và các trần lao như nhau không khác, ngài cũng như tất cả chúng sinh có lòng
oán hận, hủy báng Phật, chê bai Pháp, không vào Tăng đoàn, hoàn toàn không được
diệt độ, nếu ngài được như thế mới nên lấy món ăn.
Quả thật trước biện tài của ngài Duy ma cật thì vị
Tăng bảo Thanh văn đệ nhất giải Không chẳng thể ứng đáp, tâm trí mờ mịt, tối
tăm.
Muốn tháo chuông phải cần đến người cột chuông do vậy
sau khi phá chấp Không ở người học Phật, trưởng giả Duy ma cật đã ra sức tháo
chuông - Vạn pháp là tướng huyễn hóa, chẳng thật có, chẳng thật không chứ không
phải hoàn toàn Không, đây là vấn đề mà người học Phật cần nên sáng rõ.
- Thưa ngài
Tu bồ đề! Ngài đừng kinh hoảng cứ nhận lấy bát mà về. Ý ngài nghĩ sao? Ví như
Phật hóa hiện ra một người huyễn hóa và nếu người huyễn hóa đó đem việc này hỏi
ngài, chừng ấy ngài có sợ chăng?”. Con đáp “Không sợ”. Trưởng giả Duy ma cật
lại nói “Tất cả các pháp là tướng huyễn hóa, ngài không nên có tâm sợ sệt. Vì
sao? Vì tất cả lời nói đều không thể lìa tướng huyễn hóa, vì thế người trí
không chấp tướng văn tự, ngôn thuyết nên không có sự sợ sệt, kinh hoảng. Vì sao
thế? Vì tánh văn tự vốn không ràng buộc, do vậy không dính mắc văn tự đó là
giải thoát. Tướng giải thoát chính là các pháp”.
5 - Ngài Phú lâu na:
Sở trường của ngài Phú lâu na là thuyết pháp. Tuy
nhiên, việc thuyết pháp của ngài Phú lâu na hạn cuộc vào y kinh, do vốn dĩ là
người học Phật theo lối Thanh văn thừa nên việc diễn nói pháp của ngài Phú lâu
na mang tánh hạnh tiểu thừa.
Việc hoằng dương chánh pháp bằng pháp tiểu thừa sẽ
ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài, tính bền vững cũng như sự sáng rõ của
chánh pháp về sau. Vị Giác giả thứ hai vì muốn người học Phật hành Bồ tát đạo
với pháp khí đại thừa nên đã dùng hóa thân cư sĩ Duy ma cật đến gặp ngài Phú lâu
na trong một buổi thuyết pháp nhằm cảnh tỉnh việc thuyết pháp không đúng theo
căn cơ, tánh hạnh của người cầu pháp là việc truyền pháp sai lệch với sự đúng
mực chánh pháp, đây là lối thuyết pháp thường thấy ở giới Tăng bảo xuất gia xưa
nay. Nguyên nhân dẫn đến việc thuyết pháp biên kiến, không khế cơ này là do
người thuyết pháp vẫn còn là người học Phật vô minh, là người chưa chứng ngộ
hoàn toàn.
Ngài Duy ma cật nói:
- Thưa ngài
Phú lâu na! Ngài nên nhập định trước để quán sát tâm địa, căn cơ của những người
này, rồi sau mới nên nói pháp. Ngài chớ đem món ăn dơ để trong bát báu, phải
biết rõ tâm niệm của các vị Tỳ kheo này, chớ ngộ nhận ngọc lưu ly là thủy tinh,
chớ nên dùng pháp tiểu thừa mà phát khởi cho họ, những người kia tự không có tì
vết, chớ làm cho họ có tì vết, họ muốn đi đường lớn, chớ chỉ cho lối nhỏ. Ngài
chớ nên đem biển lớn để vào dấu chân trâu, chớ cho rằng ánh sáng mặt trời đồng
với ánh sáng loài đom đóm. Ngài Phú lâu na! Những vị Tỳ kheo này đã phát tâm
đại thừa từ lâu, giữa chừng quên lãng, nay tại sao ngài lại lấy pháp tiểu thừa
dẫn dắt họ? Phải chăng khả năng quán chiếu của trí tuệ tiểu thừa ở giới Thanh
văn học Phật nông cạn như chỗ thấy của người mù, do vậykhông thể phân biệt được
căn tánh lợi độn của chúng sinh.
6 - Ngài Ma ha Ca chiên diên:
Sở trường của ngài Ma ha Ca chiên diên là luận giải.
Ở cuộc gặp gỡ với ngài Duy ma cật, ngài Ma ha Ca chiên diên đã trình bày:
- Nhớ lại
lúc trước, con được nghe Phật nói chỗ tinh yếu, thâm sâu nơi các pháp cho chúng
Tỳ kheo, sau này con diễn nói lại nghĩa ấy, là những nghĩa vô thường - khổ -
không - vô ngã - tịch diệt. Lúc ấy, ngài Duy ma cật đến và nói “Thưa ngài Ca
chiên diên! Ngài chớ nên đem tướng sinh diệt mà nói nghĩa thật tướng. Ngài Ca
chiên diên! Các pháp rốt ráo không sinh, không diệt là thật nghĩa của vô
thường. Năm ấm - sắc thọ tưởng hành thức - đều rỗng không, không chỗ khởi là
thật nghĩa của khổ, các pháp rốt ráo không là thật nghĩa của không, ngã và vô
ngã không hai là thật nghĩa của vô ngã. Pháp trước không sinh, nay cũng không
diệt là thật nghĩa của tịch diệt.
Qua lời kể của ngài Ma ha Ca chiên diên ta sẽ nhận ra
hẳn là khi luận giải những lời Phật diễn nói ngài Ma ha Ca chiên diên đã rơi
vào biên kiến vô thường - khổ - không - vô ngã - tịch diệt. Do trụ nơi biên
kiến mà ngài Ma ha Ca chiên diên không thể chạm đến lý trung đạo, vì vậy ngài
Ma ha Ca chiên diên đã không trình bày trọn vẹn thật tướng vạn pháp, thật nghĩa
vô thường - khổ - không - vô ngã - tịch diệt.
Rơi vào biên kiến, không thoát khỏi nhị nguyên, vướng
lại nơi trung đạo là những lỗi thường thấy ở người học Phật. Chính vì nhận diện
ra chỗ chướng ngại khó thể vượt qua ở lối tu Thanh văn thừa mà vị Giác giả thứ
hai đã sách tấn người học Phật nên phát tâm đại thừa, hành Bồ tát đạo, đây là
pháp phương tiện xảo diệu giúp người học Phật vượt qua những chướng ngại tri
kiến lập tri, tiến nhập trí tuệ Bát nhã. Pháp môn không hai bất khả tư nghị
giải thoát là một cánh cửa khai mở trí tuệ Như Lai ở người học Phật, đây cũng
chính là cánh cửa rộng mở cho việc chứng ngộ pháp vô sanh, thành tựu vô sở đắc.
7 - Ngài A na luật:
Câu chuyện kể qua lời ngài A na luật:
- Nhớ lại
lúc trước, con đang đi kinh hành, khi ấy có vị Phạm thiên tên Nghiêm Tịnh, cùng
với một muôn Phạm thiên khác, phóng ánh sáng tinh sạch rực rỡ đến chỗ con cúi
đầu làm lễ và hỏi “Thưa ngài A na luật! Thiên nhãn của ngài thấy xa được bao
nhiêu?”. Con liền đáp “Thưa nhân giả, tôi thấy cõi Tam thiên Đại thiên thế giới
ở cõi Phật Thích Ca Mâu Ni đây như thấy trái Am ma lặc đặt trong lòng bàn tay”.
Lúc đó ngài Duy ma cật đến nói “Thưa ngài A na luật ! Thiên nhãn của ngài thấy
đó là do làm ra tướng mà thấy hay không làm ra tướng mà thấy? Nếu như là do làm
ra tướng mà thấy thì khác gì cái thấy của ngũ thông ngoại đạo; Ngược lại, nếu
không do làm ra tướng thì là vô vi - không lập, không lập tướng lẽ ra phải là
không thấy?”. Thưa Thế Tôn! Lúc ấy con chỉ biết nín lặng. Các vị Phạm thiên
nghe ngài Duy ma cật nói lời ấy rồi đặng chỗ chưa từng có, liền làm lễ và hỏi
“Thưa ngài! Ai là người có chân thiên nhãn?”.
Trưởng giả Duy ma cật đáp “Chỉ có Phật - Thế Tôn được chân thiên nhãn,
Người thường ở chánh định thấy suốt các cõi Phật không có hai tướng”.
Tương truyền ngài A na luật có thiên nhãn. Người học
Phật từ xưa đến nay ít nhiều cũng dính mắc việc thành tựu thiên nhãn.
Trước tôi sẽ trình bày chỗ sở đắc thiên nhãn của ngài
A nan luật. Ngài A nan luật vì muốn sớm chứng ngộ pháp vô sanh dụng công hành
trì quá sức, dù rằng Phật Thích Ca cảnh tỉnh nhưng ngài A na luật đã cố chấp
không nghe. Kết quả của việc dụng công không đúng mực đã khiến ngài A na luật
mù cả hai mắt. Biết chuyện, Phật Thích Ca đã đến diễn nói lại các pháp vô
thường khổ không vô ngã nhằm sách tấn, động viên ngài A na luật. Sau này, ngài
A nan luật trực nhận được điều đó đã đến trình bày chỗ sở đắc với Phật, Phật
Thích Ca nhân đó xác nhận ngài A na luật có được thiên nhãn, là cái nhìn thấy
đúng thật về các pháp vô thường khổ không vô ngã. Đó chính là thiên nhãn mà
ngài A na luật chứng ngộ chứ không phải thiên nhãn của người học Phật là nhìn
thấy Tam thiên đại thiên thế giới rõ như nhìn quả Am ma lặc đặt trong lòng bàn
tay. Thiên nhãn của người học Phật là việc quán chiếu nhìn thấu tự tánh vạn
pháp, đó mới chính là chân thiên nhãn.
Vị Giác giả thứ hai vì rõ biết ngài A na luật về sau
chấp giữ sở đắc thiên nhãn mà thường quán chiếu vạn pháp ở tánh vô thường khổ
không vô ngã nhưng sau rốt lại không thâm nhập được vào tự tánh của tánh vô
thường khổ không vô ngã là thường lạc ngã tịnh nên vị Giác giả thứ hai đã diễn
nói ra cuộc đối thoại giữa cư sĩ Duy ma cật và ngài A na luật để cảnh tỉnh
người học Phật ngày sau.
Nếu người học Phật cầu thiên nhãn để nhìn thấy xa,
trông thấy rộng thì cái thấy này đích thị là do vọng tưởng, ý niệm khởi lập
nên, đây không phải là cái nhìn đúng thật về thật tướng vạn pháp. Người học
Phật chớ nên lấy vọng làm chân.
8 - Ngài Ưu ba ly:
Ngài Ưu ba ly là vị Tỳ kheo giữ giới nghiêm cẩn, kín
kẽ nhất ở thời Phật Thích Ca. Một dịp, có hai vị Tỳ kheo phạm giới nên sinh tâm
sám hối muốn giải trừ việc phạm giới để phục hồi giới thể thanh tịnh. Ngài Ưu
ba ly đã đúng y kinh diễn nói khiến hai vị Tỳ kheo phạm giới càng thêm kinh
hoảng vì ngài Ưu ba ly gần như chỉ vấn lỗi mà không chỉ giúp cách để hai vị Tỳ
kheo phục hồi giới thể thanh tịnh. Đây là lỗi y pháp bất y nhân ở ngài Ưu ba
ly; Cách hộ trì, chấp giữ giới luật của ngài Ưu ba ly là có sự cứng nhắc, bảo
thủ, đậm tính ràng buộc. Trong khi hai vị Tỳ kheo phạm giới tự sinh tâm hối lỗi
thì đã rõ về sau lỗi trước sẽ không sinh, lỗi mới sẽ ngăn ngừa, người học Phật
sám hối vô tướng như thế thì giới thể vốn đã dần thanh tịnh. Việc dùng dây trói
người là điều mà người học Phật không nên làm, ngài Ưu ba ly là người đại diện
cho việc hộ trì giới luật của Tăng đoàn nên quả thật khó tránh khỏi việc hành
xử cứng nhắc, cực đoan. Lẽ ra ngài Ưu ba ly nên rõ biết “Tánh của tội là hư huyễn”
nên với việc phạm giới của người phải xét đến tâm tánh của người phạm giới mà
luận.
9 - Ngài La hầu la:
Ngài La hầu la cũng là một vị chấp pháp xuất gia mà
không rõ tự tánh của việc xuất gia. Việc diễn nói đúng y pháp của ngài La hầu
la cũng rơi vào biên kiến xuất gia có công đức. Để phá việc chấp pháp rơi vào biên
kiến của ngài La hầu la, của người học Phật thì hóa thân cư sĩ Duy ma cật đã
diễn nói:
- Thưa ngài
La hầu la! Ngài không nên nói cái lợi của công đức xuất gia. Vì sao? Không lợi
ích, không công đức mới thật là xuất gia. Về pháp thế gian thì gượng nói có lợi
ích, có công đức khi xuất gia; Tuy nhiên, với pháp xuất thế gian thì không lợi
ích, không công đức mới là chân xuất gia. Này ngài La hầu la! Vả lại xuất gia
là không kia, không đây, cũng không ở chính giữa; Rời sáu mươi hai món kiến
chấp, lìa nơi Niết bàn, là chỗ thông đạt của người trí, chỗ làm của bậc Thánh,
hàng phục các ma, ra khỏi sáu đường, sạch ngũ nhãn, đặng ngũ lực, rời ngũ căn,
không làm não loạn người khác, dứt các việc tạp ác, dẹp các ngoại đạo, vượt
khỏi giả danh, ra khỏi bùn lầy, không bị ràng buộc, không ngã sở, không chỗ
thọ, không rối loạn trong lòng, ưa hỗ trợ người khác, tùy thuận thanh tịnh, rời
các lỗi. Nếu được như thế mới thật là xuất gia.
Quả thật đúng vậy. Không lợi ích, không công đức mới
thật là chân xuất gia.
…
Ngài Duy ma
cật lại nói với con các vị trưởng giả:
- Mọi người
nay đang ở thời chánh pháp hãy nên cùng xuất gia. Vì sao? Phật ra đời rất khó
gặp.
Các chàng
trai trẻ đáp:
- Thưa thiện
tri thức! Chúng tôi nghe Phật thuyết “Cha mẹ không cho, không được xuất gia”.
Trưởng giả
Duy ma cật ứng đáp:
- Đúng thế.
Song mọi người nên biết khi phát tâm vô thượng bồ đề thì chính đã là xuất gia,
ngay khi ấy liền thọ trì đủ đầy giới luật và giáo lý chánh pháp.
…
Người học Phật xưa nay thường cả nghĩ việc xuất gia
là phải “cắt ái ly gia”. Song thật không phải vậy. Vì điểm đến rốt ráo của việc
xuất gia là thoát khổ, giải thoát hoàn toàn thế nên bất kỳ ai một khi nhận ra
sự đúng sai, chân ngụy ở sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn và phát tâm giải
thoát phiền não, sinh tử là đã chính thức dấn thân trên con đường xuất Tam giới
gia chứ không nhất định phải hiện tướng xuất gia mới là người xuất gia.
10 - Ngài A Nan:
Ngài A Nan là vị đệ tử Thanh văn đệ nhất đa văn thời
Phật Thích Ca. Song ngài A Nan chỉ có thể tích góp “Tri kiến lập tri” rồi tự
ràng buộc mà không thể “minh tâm kiến tánh” chuyển hóa sự hiểu biết thành “Tri
kiến vô tri”. Do vậy nên ngài A Nan không thể lĩnh hội được chân nghĩa những
lời Phật Thích Ca từng diễn nói. Chính sự đa văn đã phần nào hạn chế sự hiểu
biết khách quan, đúng mực ở ngài A Nan.
Vị Giác giả thứ hai vì rõ biết sự chướng ngại đa văn
sẽ khiến người học Phật khó thể thực chứng nên đã bày ra cuộc đối thoại giữa cư
sĩ Duy ma cật và ngài A Nan nhằm cảnh tỉnh người học Phật đời sau.
- Này ngài A
Nan! Sao ngài cầm bát đứng đây sớm thế?”. Ngài A Nan đáp “Thưa cùng trưởng giả,
Thế Tôn đang có bệnh phải cần dùng sữa bò để mau chóng khôi phục thể trạng mạnh
lành nên tôi đến đây chờ sự cúng dường”. Trưởng giả Duy ma cật nghe rồi liền
nói “Ngài A Nan đừng bao giờ nói lời như thế! Như Lai là thân bất hoại, các
hạnh ác đã dứt, các hạnh lành đủ đầy, Như Lai đâu còn có bệnh, không còn có gì
não hại được Như Lai. Ngài hãy im lặng mà đi, chớ phỉ báng Như Lai, chớ để
người khác nghe lời nói như thế, chớ làm cho các trời oai đức lớn và các Bồ tát
từ các cõi thanh tịnh nghe được lời ấy. Ngài A Nan này! Chuyển luân Thánh vương
có ít phước báu còn không tật bệnh, huống chi Như Lai đã đủ đầy tất cả phước
báu. Hãy đi đi, ngài A Nan! Chớ làm cho chúng tôi chịu sự ô nhục đó, hàng ngoại
đạo Phạm chí nếu nghe lời ấy hẳn sẽ nghĩ rằng “Sao được xưng tụng là vị thầy
thuốc lớn đủ khả năng trị hết thảy bệnh của tất cả chúng sinh mà bệnh của mình
còn không trị dứt, nếu đã vậy thì làm sao có thể trị được bệnh người khác?”.
Ngài hãy nên đi mau, chớ để cho mọi người biết. Ngài A nan này! Hãy nên nhớ
thân Như Lai, chính là Pháp thân, không phải thân do ái dục mà hợp thành. Phật
là bậc Thế Tôn hơn hết ba cõi, thân Phật là dứt sạch nghiệp chướng, phiền não,
tâm thường thanh tịnh, thân Phật là vô nhiễm, không hạn lượng, thân như thế đâu
còn có bệnh?...
Ngài A Nan và một số lượng đông đảo
người học Phật thời Phật Thích Ca tại thế đã gào khóc bi thảm và mong mỏi Phật
Thích Ca đừng nhập diệt là do không sáng rõ chánh pháp nhãn tạng Như Lai. Phàm
có sinh tất có diệt. Thân xác vật chất của Phật Thích Ca hay của bất kỳ ai đều không
thể tránh khỏi quy luật sinh diệt vô thường của tạo hóa.
Song với Phật và người chứng ngộ
pháp vô sanh, Phật đã từng giả lập nói có hai thân. Sắc thân là xác thân vật
chất trong hình hài của một con người, sắc thân tất sẽ có sinh già bệnh chết;
Còn Pháp thân là thân bất sinh bất diệt, không tăng không giảm, không đến không
đi,…
Vì ngài A Nan và người học Phật chưa
chứng ngộ không rõ tự tánh Phật thân nên vị Giác giả thứ hai đã thêm một lần
cảnh tỉnh sự hiểu biết sai lạc, không đúng pháp của người học Phật còn trong
lưới vô minh.
Qua Phẩm nói với chúng học trò Thanh
văn vị Giác giả thứ hai đã phần nào chỉ ra những dính mắc, ràng buộc từng khiến
cho những vị đệ tử lớn của Phật không thể đạt đến sự triệt ngộ, toàn giác.
Thông qua việc chất vấn 10 vị đệ tử lớn của Phật Thích Ca, vị Giác giả thứ hai
của nhân loại đã sách tấn, động viên người học Phật hãy nên phát tâm đại thừa
khi cầu đạo vô thượng bồ đề nhằm tránh mắc phải những lỗi lầm thường gặp ở
người học Phật theo lối Thanh văn thừa.
Bài liên quan
- Phẩm Văn Thù Sư Lợi Đi Thăm Bệnh
- Phẩm Trò Chuyện Cùng Các Vị Bồ Tát (P.2)
- Phẩm Trò Chuyện Cùng Các Vị Bồ Tát (P.1)
- Phẩm Nói Với Chúng Học Trò Thanh Văn (P.1)
- Phẩm Pháp Phương Tiện - Sự Quyền Biến
- Phẩm Cõi Nước Phật Thích Ca
- Liễu giải kinh Duy ma cật sở thuyết
- Phẩm Căn Dặn
- Phẩm Pháp Cúng Dường
- Phẩm Được Thấy Phật A Súc
- Phẩm Hạnh Bồ Tát
- Phẩm Phật Hương Tích
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét