Phẩm Pháp Phương Tiện - Sự Quyền Biến
Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015
Bấy giờ, ở trong
thành Tỳ da ly có trưởng giả Duy ma cật, vị này từng cúng dường vô lượng chư
Phật, đã đắc pháp vô sanh, biện tài vô ngại, đầy đủ thần thông, nắm vững tất cả
tổng trì, không còn sự sợ sệt, hàng phục mọi chúng ma, thấu suốt vạn pháp,
thường dùng trí tuệ độ người, khéo sử dụng các pháp phương tiện, đã thành tựu
Bồ tát đạo, rõ biết tâm ý mọi chúng sinh, dễ dàng phân biệt được chúng sinh lợi
căn hay chậm lụt. Vị trưởng giả này thường ở nơi Phật đạo diễn nói pháp khí đại
thừa, mọi việc làm đều vì pháp lành, thường an trụ nơi trí tuệ Phật, tấm lòng
như biển lớn. Hạnh nguyện được chư Phật ngợi khen; Những đệ tử Phật, các cõi
trời Phạm thiên và mọi người đều rất kính phục, quy ngưỡng.
Vị trưởng giả
Duy ma cật ở nơi thành Tỳ da ly khéo dùng những phương tiện thiện xảo, sự quyền
biến nhằm hóa độ mọi người. Do tiền tài không hạn lượng nên ông bảo bọc tất cả
người nghèo. Ông giữ giới thanh tịnh để điều phục người phạm giới cấm. Ông dùng
hạnh nhẫn nhịn để hóa độ người sân hận. Ông hành trì tinh tấn để nhiếp phục
người giải đãi, dễ duôi. Ông giữ tâm tịch yên để chỉ bày người có tâm ý loạn
động. Ông dùng trí tuệ để hướng dẫn người kém trí, cạn cợt.
Dù là cư sĩ
nhưng ông giữ giới thanh tịnh của Tỳ kheo. Dù hiện thân là người tại gia nhưng
tâm ông đã không còn hạn cuộc trong Tam giới. Thị hiện có vợ con nhưng sống đời
phạm hạnh. Hiển bày có quyến thuộc nhưng kỳ thực đã không còn ràng buộc. Dù có
mang trân bảo nhưng thật ra là chỉ trang nghiêm thân bằng tánh hạnh tốt. Dù có thể
hiện sự uống ăn nhưng thiền vị mới chính thật là món ăn. Thường ra vào nơi cờ
bạc, chỗ mua vui để cứu giúp người. Tiếp cận ngoại đạo mà không đánh mất chánh
tín. Dù qua lại ở các pháp thế gian nhưng thường trụ nơi pháp xuất thế gian.
Ông cung kính tất cả mọi người, việc ông thường làm là cúng dường, bố thí. Ông
hộ trì chánh pháp, làm gương cho già trẻ, trên dưới. Trong công việc làm ăn ông
giữ sự hài hòa, dù gom góp được rất nhiều tài vật thế tục nhưng không lấy đó
làm vui thú, đắm nhiễm. Ông đi khắp mọi nơi và làm nhiều việc ích lợi cho mọi
người. Hòa vào chánh pháp nhằm hộ trì đúng lúc. Đến các nơi diễn thuyết để hiển
bày pháp đại thừa. Vào nơi dạy học nhằm khai mở trí tuệ cho người trẻ. Ra vào
kỹ viện để chỉ bày cho người rõ mầm họa của dục vọng, len lõi nơi quán rượu để
giúp người biết đến việc từ bỏ các chất gây nghiện.
Trong giới
trưởng giả ông được tôn quý vì ông chỉ bày họ phương cách làm ăn. Trong giới cư
sĩ ông được tôn quý vì ông chỉ bày họ cách dứt trừ tham đắm. Trong dòng dõi Sát
đế lợi ông được tin cậy vì ông chỉ bày họ sự khéo kham nhẫn. Trong giới Bà la
môn ông được trọng vọng vì chỉ bày họ cách khéo dứt trừ ngã mạn. Trong dòng dõi
đại thần ông được quý mến vì chỉ dạy họ sự công chính, liêm minh. Trong giới
vương tử ông được kính trọng vì chỉ bày họ sự trung hiếu. Trong giới nội quan,
ông được tôn quý vì khéo chỉ dạy lễ nghi cho các cung nữ, người hầu. Với dân
thường, ông được trọng vọng vì chỉ bày họ làm việc phước đức, vun bồi công đức.
Nơi các cõi Phạm thiên, ông được tôn quí do chỉ bày họ trí tuệ thù thắng. Nơi
trời Đế Thích, ông được nể trọng vì giúp họ nhận thức được các pháp vô thường.
Ở nơi trời Tứ thiên vương ông được tôn kính vì dạy họ cách hằng tiếp độ chúng
sinh. Trưởng giả Duy ma cật dùng vô lượng pháp phương tiện, sự quyền biến như
thế nhằm mang lại lợi ích cho muôn loài chúng sinh.
Ông đã quyền
biến lấy hiện trạng thân có bệnh làm pháp phương tiện để độ hóa mọi người về
chánh đạo. Bởi do ông là người có tầm ảnh hưởng lớn với mọi thành phần, tầng
lớp xã hội nên khi ông bệnh thì sẽ có rất nhiều người đến thăm viếng từ các vị
Quốc vương, Đại thần, Bà la môn, trưởng giả,… cùng vương tử, quan nhân, Tỳ
kheo, cư sĩ đến cả những người nghèo hèn, khốn khổ. Và vì những người đến thăm
bệnh, ông nhân dịp thân mang bệnh mà rộng nói các pháp “Này mọi người! Cái
huyễn thân này thật là vô thường, nó không có sự dẻo dai, không tráng kiện,
không bền chắc mãi, nó là vật dễ hư hoại, thân này thật không đáng tin cậy. Nó
là cái ổ chứa nhóm những thứ khổ não bệnh hoạn. Này các nhân giả! Người có hiểu
biết sáng suốt sẽ không bao giờ nương cậy nó. Nếu xét cho kỹ thì cái thân này
như đống bọt không thể cấm nắm, thân này như váng nước không thể bền lâu, thân
này như ánh nắng dợn giữa đồng. Thân này do lòng tham ái sinh, thân này như cây
chuối không bền chắc, thân này như đồ huyễn hóa do nơi điên đảo mà lập, thân
này như cảnh chiêm bao do hư vọng mà thấy có, thân này như bóng của hình do
duyên mà hiện, thân này như âm vang của tiếng do nhân duyên thành, thân này như
mây bay thoáng chốc tan biến, thân này như điện chớp sinh diệt rất mau lẹ, niệm
niệm không dừng, thân này không chủ như là đất, thân này không có ta như là
lửa, thân này không trường thọ như là cơn gió, thân này không có nhân như là
nước, thân này không thật bởi do tứ đại giả hợp mà thành, thân này vốn không
nếu lìa ngã và ngã sở, thân này là vô tri, như cây cỏ, ngói, đá, thân này không
có làm ra do nghiệp báo hóa hiện, thân này là bất tịnh do chứa đầy những thứ dơ
bẩn, thân này là giả dối dầu có tắm rửa ăn mặc tử tế rốt cuộc nó cũng tan rã,
thân này là tai họa vì đủ các thứ bệnh tật khổ não, thân này như giếng khô trên
gò vì nó bị sự già yếu ép ngặt, thân này không chắc chắn vì thế nào nó cũng
phải tàn hoại, thân này như rắn độc, như kẻ cướp giặc, như chốn rỗng không vì
do ấm, giới, nhập nhóm họp thành.
Này các nhân
giả! Hãy nên nhàm chán cái thân này, chớ mãi tham tiếc, ràng buộc. Hãy nên ưa
muốn thân Phật. Vì sao? Vì thân Phật là Pháp thân do vô lượng công đức trí tuệ
sinh; Do giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến sinh; Do từ bi hỉ xả
sinh; Do Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Nhu hòa, Cần kiệm, Tinh tấn, Thiền định,
Giải thoát tam muội, Đa văn, Trí tuệ các pháp Ba la mật sinh; Do vạn pháp sinh,
Do Lục thông, Tam minh sinh, do 37 phẩm trợ đạo sinh, do Chỉ quán sinh; Do Thập
lực, Tứ vô sở úy, Thập bát bất cộng sinh; Do đoạn tất cả pháp bất thiện, tu các
pháp thiện sinh; Do thật tướng sinh, không do vọng tưởng sinh;… Vô lượng pháp
thanh tịnh như thế sinh ra thân Như Lai.
Này các nhân
giả! Muốn được thân Phật, đoạn tất cả bệnh chúng sinh thì phải phát tâm vô
thượng chánh đẳng chánh giác.
Như vậy, trưởng
giả Duy ma cật vì những người đến thăm bệnh, mà nói pháp làm cho vô số ngàn
người đều phát tâm vô thượng Bồ đề.
Tinh yếu lược giải:
Trưởng giả Duy
ma cật là ai?
Vì rơi vào suy
lường nên người học Phật sau này đã đi tìm tung tích của vị Bồ tát Duy ma cật
qua quyển sách Huyền thoại Duy ma cật. Đây quả thật là việc làm rơi vào hư vọng
ở người học Phật còn trong lưới vô minh.
Ví như có nhà
huyễn thuật làm ra những hình người bằng giấy. Nhìn vào những người bằng giấy
đó mà đi tìm tung tích, hành trạng của những hình người như thế, việc làm này
phải chăng rất hư vọng, hoang đường? Việc làm nông nổi như thế thể hiện sự lạm
bàn, hý luận vô ích, điều đó minh chứng cho sự si mê, lầm lạc ở người học Phật
còn trong lưới vô minh.
…
Vị Giác giả sau
Phật Thích Ca rõ biết chánh pháp Như Lai tạng được lan truyền rộng khắp mọi nơi
là nhờ vào rất nhiều công sức, tài vật của những vị cư sĩ tại gia. Vị Giác giả
này xem những vị cư sĩ tại gia thường hộ trì Tam bảo là những vị đại Bồ tát rất
đáng kính trọng.
Trong số những
vị thiện tri thức hộ trì chánh pháp Phật Thích Ca, vị trưởng giả Cấp Cô Độc -
Tu đạt đa (Sudatta) là người nổi trội bậc nhất trong công cuộc hỗ trợ Phật
Thích Ca hoằng pháp, đây là vị đại Bồ tát đóng góp rất nhiều công sức, tài vật
cho giáo đoàn Tỳ kheo, là người có công rất lớn giúp giáo lý giác ngộ giải
thoát hoàn toàn lan truyền đến đất nước Kosala (Câu tát la). Do vậy vị Giác giả
thứ hai đã thể hiện niềm kính trọng chân thành đến bậc đại thiện tri thức Cấp
Cô Độc; Vị Giác giả đã khắc họa trưởng giả Duy ma cật qua bóng dáng của cư sĩ
Cấp Cô Độc - Tu đạt đa cùng với trí tuệ Bát nhã bất khả tư nghị của một Đấng
Toàn Giác. Qua đó vị Giác giả sau thời Phật Thích Ca thừa nhận trí tuệ ưu việt
của cư sĩ Cấp Cô Độc đồng thời xác quyết rằng chính người học Phật tại gia mới
hội đủ mọi yếu tố, điều kiện để chứng ngộ pháp vô sanh và đắc trí tuệ Phật bằng
vào hạnh nguyện Bồ tát.
Phẩm pháp phương
tiện ra đời dựa trên một tư liệu có thật, đó là một chuyến thăm bệnh của ngài
Xá lợi phất ở tại nhà trưởng giả Cấp Cô Độc. Thông qua cuộc đối thoại giữa ngài
Xá lợi phất và trưởng giả Cấp Cô Độc có nơi kinh điển nguyên thủy vị Giác giả
thứ hai nhận biết sự thua sút trí tuệ của ngài Xá lợi phất trước biện tài của
trưởng giả Cấp Cô Độc do vậy nên vị Giác giả thứ hai đã bày ra Phẩm pháp phương
tiện để dẫn dắt người học Phật vào pháp môn không hai, nền tảng của trí tuệ Bát
nhã.
…
Khi mang xác
thân vật chất thì bất kỳ ai cũng sẽ phải trải qua quy luật sinh già bệnh chết,
sẽ không bao giờ có trường hợp ngoại lệ. Phật Thích Ca hay những vị Giác giả
sau này cũng không thể tránh khỏi quy luật tuần hoàn của vật chất vũ trụ, đây
là sự thật mà người học Phật nên khách quan, đúng mực nhìn nhận. Người học Phật
đừng vì quá thần thánh hóa những người chứng ngộ mà mê mờ sự chân ngụy, rồi u
mê trong lưới vô minh.
Tuy nhiên, khác
với người chưa chứng ngộ giải thoát hoàn toàn, người chứng ngộ pháp vô sanh xem
sự biến diệt hư hoại của xác thân là sự hiển nhiên, là điều không thể tránh
khỏi nên an nhẫn chấp nhận với tâm thái an nhiên, tự tại. Do vậy họ không vì sự
hư hoại của xác thân vật chất mà chất chứa khổ não, ưu phiền.
Không chỉ vậy
thông qua sự tàn hoại của thân xác vật chất những vị Giác giả lấy đó làm một
pháp phương tiện có thật để minh chứng cho sự vô thường của kiếp sống con người
và muôn loài. Qua sự biến diệt tàn hoại của cơ thể vị Giác giả hướng con người
tìm về sự giải thoát hoàn toàn khỏi xác thân vật chất tạm bợ, không bền chắc.
Giác giả đang có bệnh sẽ diễn nói thân của muôn loài chúng sinh đều có sinh, có
diệt với rất nhiều tật bệnh, phiền não; Còn pháp thân của Như Lai, của người
chứng ngộ pháp vô sanh là thân thường trụ bất sinh, bất diệt. Khi chứng ngộ
pháp vô sanh người chứng ngộ sẽ thành tựu pháp thân viên mãn, đây là thân không
còn bệnh tật hay phiền não xâm hại.
Thế nên, những
vị Giác giả khi còn mang thân xác con người thì thân xác ấy vẫn phải chịu sự
chi phối bởi quy luật sinh lão bệnh tử, khi xả bỏ xác thân vật chất đó thì
người chứng ngộ pháp vô sanh mới chính thức hòa vào vạn pháp, pháp thân vũ trụ,
trở thành Như Lai không đến, không đi, chưa từng sinh ra. Nhưng trước khi chấm
dứt kiếp sống sau cùng nơi lưới mộng luân hồi thì vị Giác giả đã hằng sống với
pháp vô sanh bất diệt.
Bài liên quan
- Phẩm Quán Chiếu Căn Tánh Chúng Sinh
- Phẩm Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát
- Phẩm Văn Thù Sư Lợi Đi Thăm Bệnh
- Phẩm Trò Chuyện Cùng Các Vị Bồ Tát (P.2)
- Phẩm Trò Chuyện Cùng Các Vị Bồ Tát (P.1)
- Phẩm Nói Với Chúng Học Trò Thanh Văn (P.2)
- Phẩm Nói Với Chúng Học Trò Thanh Văn (P.1)
- Phẩm Cõi Nước Phật Thích Ca
- Liễu giải kinh Duy ma cật sở thuyết
- Phẩm Căn Dặn
- Phẩm Pháp Cúng Dường
- Phẩm Được Thấy Phật A Súc
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét