Trả lời câu hỏi của một người bạn...
Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015
Khi đọc sách của bạn tôi rất lấy làm vui mừng. Có một trí tuệ và tình thương như thế không dễ mấy ai có được. Song tôi có những suy nghĩ cá nhân, bạn có thể cho ý kiến nhé. Theo tôi nghĩ, hạng người đã từ chối lời chân thật, trí tuệ ... mà bảo thủ sống tự do theo cái thực dụng và ích kỷ... không hề chuyển biến hay nói chính xác là không có cái giác tánh mà nhà Phật vẫn thường nói. Phải chăng nó cũng là một loài chúng sinh ngu dốt ngang hàng với súc sinh tại cõi Ta Bà này? Nếu như vậy thì người trí tuệ có cố công giáo huấn, chỉ vẽ cũng chỉ là tạo thêm cái ngã cho bản thân mình chứ chẳng được lợi ích gì cả… Hơn nữa luật tối thượng của vũ trụ là Thành - Trụ - Hoại - Không. Phải chăng đã đúng với qui luật của chúng sinh ngu dốt? Bởi vì theo tôi nghĩ đến một thời gian nào đó, những người đã hướng thượng đi đến giải thoát và rời khỏi cái thế giới ta bà này thì chỉ còn lại loại chúng sinh chậm tiến và đi vào vòng tự hủy diệt. Như vậy xét cho cùng có một loại chúng sinh mang hình dáng con người tuyệt nhiên không thể giác ngộ? Và ngay tại thời điểm hiện tại loại chúng sinh đó không phải là ít. Chính vì thế người giác ngộ sao không thuận lẽ trời để sống? Khổ chi phải nhọc lòng với những người không thể giác ngộ?
Theo như kinh sách có ghi chép: Phật không thể độ người không có duyên, Phật không thể thay đổi định nghiệp của chúng sinh, Phật không thể độ hết chúng sinh. Nói như thế theo tôi hiểu thì Phật chưa hề độ một chúng sinh nào cả, mà cũng chẳng thể độ một chúng sinh nào hết. Đơn giản chỉ là người đạt đại giác ngộ với cái tâm rỗng rang vô duyên từ đồng thể bi là thấy được cái lẽ thực mà nói con đường đi đến giải thoát mà không với riêng bất kỳ một chúng sinh nào cả, như ngón tay chỉ mặt trăng để mọi người tự nhận biết mà tự đi.
Lại như trong kinh Kim cang có nói chúng sinh muốn tự giải thoát thì phải độ chúng sinh trong tâm mình cho vào vô dư niết bàn... chứ không phải độ chúng sinh bên ngoài. Vậy xét cho cùng ai muốn đi đến giải thoát thì chỉ còn cách là mình tự tin vào mình vào theo con đường chỉ dạy mà Đức Phật đã nói để đi thì tự mình được giải thoát. Chính vì vậy mà con người không thể cứ gượng ép để giáo huấn, chỉ bày... Vì từ thời trước Phật ra đời đến khi nhập diệt đến nay, xét cho cùng có rất nhiều thánh nhân chỉ dạy. Song nhân loại vẫn trượt trên con đường tham lam ích kỷ, dẫn đến nguy cơ hủy diệt. Nhưng chắc chắn vẫn có những con người đã giác ngộ… Nhưng theo tôi nghĩ người giác ngộ (tự giác) thì cứ giác ngộ, nhân loại đắm chìm vẫn cứ đắm chìm thế mới đúng luật tối thượng chứ. Cũng như thế tôi rất lấy làm tin tưởng thông qua quyển sách của bạn để tự tin mình cũng có giác tánh (tánh giác ngộ).
Song qua chuyện cuốn sách của bạn tôi cũng nghĩ nhân loại không dễ gì chấp nhận cuốn sách của bạn. Đơn giản là nhân loại không còn tin vào bản thân họ và cũng không tin vào con đường tự giải thoát mọi đau khổ mà mà các hiền thánh và đến hôm nay là Vô Ưu đã chỉ dạy chính vì lẽ đó mà ngày nay không mấy ai tu đạo mà đạt đạo chỉ đơn giản họ đã gắn cho tâm mình một cái danh. Bởi vì Phật đã từng nói: Thuyết pháp 49 năm mà chưa hề nói một chữ. Chính vì Pháp Phật xét cho cùng cũng không có cái gì cả. Vì chỉ cần buông bỏ cái bản ngã của mỗi người và sống với cái (tánh không bất sinh) đó thì được giải thoát cũng thế với cái đại giác Phật đâu có còn tự ngã nữa mà bảo độ với không độ với bất cứ ai? Chỉ đơn giản là chỉ cho con đường buông bỏ để đi đến giải thoát hoàn toàn. Nhưng loài người không chịu hiểu ý của Phật lại bày đặt đủ mọi kiến giải dẫn đến sai lầm ngày nay. Tôi hiểu ít, biết ít chỉ có như thế không biết có đúng không? Nếu cần bạn chỉ thêm ra để được sáng tỏ. nếu sai cứ chỉ dạy không sao cả.
Viết bởi một người bạn vong niên.
Lời đầu tôi xin gửi lời cảm ơn bạn đã đồng cảm cùng tôi. Cũng cảm ơn bạn đã có lời nói hay tặng dành cho tôi khi duyệt sách Hãy là đường mây trắng bay… và thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ của mình. Và một lần nữa tôi xin không dám gánh 2 từ chỉ chỉ dạy không chỉ với riêng bạn mà với tất cả mọi người. Thật lòng tôi không hề có ý nghĩ và cũng không dám chỉ dạy ai cả. Tôi chỉ nói ra những điều mình biết. Còn việc đúng sai, hay dở,… thì tôi để mọi người toàn quyền phán xét, nhận định.
Bạn nói bạn không biết nhiều về Phật giáo thì tôi không đồng thuận với bạn về điểm này. Bởi lẽ bạn biết nhiều về giáo lý nhà Phật và ít nhiều gì đã bị kinh sách Phật trói. Có thể bạn thấy tôi quá lời, vội vàng đánh giá bạn - Một người mà tôi chưa được tiếp xúc, trò chuyện nhiều. Nhưng bạn hãy thong thả để rồi sau bài viết này bạn rõ biết “Tại sao tôi đã vội vàng nhận định như vậy?”.
Tuy nhiên, bạn bị kinh Phật trói không phải vì bạn kém mà là do những người dịch giải kinh sách diễn nghĩa chưa đúng mực. Có thể nói ngay khi dịch kinh những bậc thầy học Phật đó đã chưa giác ngộ hoàn toàn, dẫn đến dịch kinh chưa liễu nghĩa. Tôi không nói họ không tỏ ngộ mà là chỉ tỏ ngộ chưa hoàn toàn mà thôi. Tôi cũng biết kinh điển bạn được xem và mở lòng bạn là do những bậc Cao Tăng đức cao vọng trọng nhưng điều đó không có nghĩa họ đã “thấu suốt” Tam tạng kinh. Thế nên việc diễn giải không trọn ý kinh cũng là lẽ thường.
Bạn thấy tôi đang hạ thấp người xuống nhằm nâng sự tỏ ngộ của mình lên, chứng thực bản thân đạt đạo. Nếu điều đó là đúng thì tôi thật đã rơi vào đại ngã mất rồi. Nếu bạn cảm nhận tôi rơi vào đại ngã thì cũng không sao cả, bạn vẫn còn sự chọn lựa rời xa tôi hoặc tránh những điều sai tôi đã làm thì cũng tốt. Đúng không?
Tuy nhiên, nếu rõ biết mọi lẽ vô thường, danh lợi phù hoa, bào ảnh,… mà tôi vẫn đeo giữ hư danh, chứng thực đạt đạo để rơi vào đại ngã tiếp tục trôi lăn trong sinh tử luân hồi thì không phải tôi là kẻ đại ngốc sao? Thế nên nếu tôi vẫn nói lời cao ngạo thì đó chỉ là thuận duyên mà nói, hy vọng nói để cảnh tỉnh người mê mà thôi.
Và tiếp theo đây bạn sẽ lại thấy dường như tôi đang bị đại ngã trói chặt vì lời lẽ ngông cuồng, dưới mắt không người.
Ngôn từ, lời nói của con người đã bị bệnh hoạn, nhiễm ô mất rồi. Đó là nhận định mà tôi đã từng nghe một ai đó nói. Và … người đó đã nói đúng. Bởi lẽ ngôn từ, lời nói lẽ ra dùng để diễn đạt ra ý nghĩ, sự thật nhưng ngôn từ con người đang dùng hiện tại thì lại che giấu sự thật, không dám nói ra ý nghĩ, lòng mình,… Không chỉ vậy ngôn từ đang bị biến chuyển thành một công cụ hữu hiệu để con người dối lừa nhau, tô hồng, sơn phết phần lớn vấn đề khiến con người chìm sâu trong sự ngộ nhận vô minh…
Dù vậy tôi vẫn phải dùng ngôn từ bị cho là ô nhiễm đó để nói rõ về bản chất mọi vấn đề, về sự thật. Và … để trả lại sự trong sáng của ngôn từ, lời nói thì tôi sẽ sử dụng ngôn từ một cách tà quái, bá đạo, đầy ma thuật biến ảo khôn lường…
Với Phật giáo tôi cũng có chút duyên và một niệm đau về đạo Phật ngày nay khi thấy người học Phật hiện tại lầm lạc ý kinh khiến cho đạo Phật không còn nhiều giá trị từ bi mà Phật Thích Ca phải bỏ công 49 năm đi chân trần trao truyền chánh pháp.
Bạn đã nói đến hai chữ hiền thánh và những người nỗ lực truyền trao về con đường giải thoát hoàn toàn nên tôi sẽ đóng góp thêm một ý. Đó là ngoại trừ Phật đạt được sự giác ngộ giải thoát hoàn ra thì người học Phật về sau đều không đạt đến mức giác ngộ đó. Các vị Tổ cũng thế, họ đạt sự giải thoát hoàn toàn nhưng không hề giác ngộ hoàn toàn và những người học Phật về sau ít nhiều gì cũng bị kinh Phật trói. Có thể họ không bị trói về tâm (đạt sự giải thoát hoàn toàn) nhưng lại bị trói về hành vi, cách đối mặt với cuộc sống, nhốt thân vào đạo Phật và xa lánh người đời, cô phụ từ bi tâm của Phật Thích Ca. Bởi do trói vào quan điểm “Trao truyền chánh pháp tùy duyên” mà tạo ra lỗi lầm đáng tiếc. Nếu chánh pháp bị mai một, thất truyền khiến xã hội, lòng người hỗn độn, rối ren, diệt vong loài người chẳng phải là đã “có lỗi” với Phật Thích Ca chăng? Nếu có người giác ngộ hoàn toàn thì đạo Phật đã không suy vi đến vậy, rồng thời vắng, rắn thời nhiều. Nếu có người thật sự tỏ ngộ thì đạo Phật không thể xếp sau Kito giáo, Hồi giáo,… về số lượng người tin nhận và xã hội, lòng người nhờ sự tồn tại của chánh pháp sáng rõ đã không hỗn độn, rối ren, bát nháo như hiện nay. Đó là điều đáng tiếc của hơn 2500 năm tồn tại giáo lý nhà Phật. Vì rõ biết nhân loại không xuất hiện một người giác ngộ hoàn toàn sau thời Phật Thích Ca mà Vô Ưu mới phải lủi thủi viết sách.
Khi tìm hiểu giáo lý nhà Phật, người học Phật thường bị vướng vào ma trận ngôn từ. Người học Phật có chứng, có đắc rồi người học Phật không có sự chứng đắc, người nào nói chứng đắc thì là không đúng với tinh thần nhà Phật và là kẻ lừa đảo tâm linh… Vướng vào cái mớ bòng bong này những người chưa chứng ngộ hoàn toàn tự nhận chứng đắc cũng dở mà nói đã chứng đắc để tiện bề trao truyền chánh pháp cũng không xong. Thế mới khó cho người học Phật có từ bi tâm. Thế nên, về sau nếu có người tự nhận chứng ngộ thì cũng lẽ thường và muốn biết họ có thực sự chứng ngộ không thì hãy nhìn xuyên suốt cả cuộc đời của họ. Tuy nhiên, thật ra họ có chứng ngộ hay không thật không quan trọng mà quan trọng là những điều họ trình bày có giúp bạn giác ngộ, giải thoát hoàn toàn, thoát khổ, an lạc hay không mà thôi.
Sự chứng đắc là thật có. Có chứng đắc thì mới có con đường nói về sự giải thoát hoàn toàn. Sự tỏ ngộ thì có cao thấp, nông sâu nhưng không hẳn phải giác ngộ hoàn toàn thì mới có giải thoát hoàn toàn. Con người có thể giải thoát hoàn toàn mà không cần đến chứng ngộ toàn phần. Và… thời gian học Phật không quyết định nhiều cho vấn đề chứng ngộ. Vì có sự chứng đắc nên con người mới giữ giáo lý nhà Phật lại để học hỏi, tìm hiểu, tham cứu. Vì có chứng đắc nên mới có người học Phật nếu không học Phật làm gì?
Thực ra là có sự chứng đắc thật sự nhưng chứng đắc thì cũng đâu phải là điều gì to tát cho cá nhân người đó. Nếu có chăng thì kết quả của việc chứng ngộ là ích mình, lợi người.
Tại sao có sự chứng đắc mà giáo lý nhà Phật không cho người chứng ngộ thừa nhận có đạt đạo?
Bởi lẽ chứng ngộ có nhiều bậc, Phật vì sợ người học Phật chỉ mới chứng ngộ một vài phần đã vội nhận đạt đạo dẫn đến lui sụt chí bồ đề do hiển lộ đại ngã rơi vào lợi dưỡng, lợi danh mà lập ngôn như thế. Kết quả là người chứng ngộ không hoàn toàn và nhân loại bị trói trong cái vòng lẩn quẩn có chứng đắc, không chứng đắc.
Một điều quan trọng khác mà người học Phật đạt tỏ ngộ hoàn toàn rõ biết về sự chứng đắc đó là họ chứng ngộ tánh không của vạn pháp. Rõ biết tánh không vạn pháp, chứng ngộ tánh không thì sao có thể nói có chứng, có đắc. Bởi lẽ nếu lập ngôn hỏi “Anh chứng ngộ gì?” chẳng lẽ trả lời chứng ngộ không = không chứng ngộ. Vì không tỏ ngộ hoàn toàn người học Phật ngán ngại nhận sự tồn tại của việc chứng đắc. Và có một vài người chứng ngộ Tánh không chưa hoàn chỉnh xoay qua chấp không, sống mà như chết không làm được gì lợi ích cho việc trao truyền chánh pháp, cô phụ tâm từ của Phật Thích Ca.
Cám ơn bạn đã rào đón lo lắng, sợ tôi rơi vào đại ngã mà lao nhọc, mệt người, khổ thân. Hôm nay, tôi thừa nhận đã chứng ngộ pháp vô sanh và bạn hãy xem cách nói của người chứng ngộ hoàn toàn khác với cách nói của người chứng ngộ không hoàn toàn như thế nào nhé.
Bạn đừng vội nhận định tôi đang dùng đại ngã nói chuyện cùng bạn mà đánh mất sự khách quan khi nhìn nhận những vấn đề tôi trình bày. Bởi lẽ người chứng ngộ toàn phần không bị trói vào ngã và vô ngã nên không vướng đại ngã. Còn quẩn quanh nơi ngã và vô ngã mới là những người học Phật rơi vào đại ngã. Bạn thấy dường như tôi có phần cưỡng cầu xuất bản sách, theo đuổi hư danh. Thật ra là tôi còn sống thì tôi sẽ làm, còn việc làm được hay không với tôi không quan trọng. Bạn hãy chú ý cụm từ “với tôi không quan trọng” bởi lẽ với người khác thì là chuyện khác.
Giả như ngày mai tôi vội vàng bước sang đường, một chiếc xe tông mạnh vào người, tôi vong mạng hoặc giả như có một ai đó trong số những người bị tôi va chạm đến lấy mạng tôi thì việc làm của tôi xem như đã xong. Sách có được in hay không thì đã không dính gì đến tôi cả. Thế nên việc cưỡng cầu in sách ở tôi không thành lập mà vì khi sống tôi không muốn mình cô phụ tấm lòng Phật Thích Ca và vì người mà sống. Làm hết khả năng của mình thế thôi, không sống như người chết khi chưa xong việc cần làm. Được mất, thành bại,… không chấp giữ trong lòng thì đại ngã ở nơi nào? Lao tâm, khổ trí ở nơi đâu?
Sự giống nhau giữa Phật Thích Ca và Vô Ưu là làm việc tùy thuận dù vậy giữa 2 người có sự khác biệt cách thức trao truyền chánh pháp.
Sự khác biệt cách thức truyền trao chánh pháp giữa Phật Thích Ca và Vô Ưu là do yếu tố thời đại.
Thời đại của Phật Thích Ca chưa có phương tiện giao thông đi lại thuận lợi, tri thức nhân loại hãy còn thấp, và chánh pháp về con đường giác ngộ giải thoát hoàn toàn chưa được rộng truyền nơi xã hội vì lẽ đó Phật đã bảo lưu mạng sống và đi truyền trao chánh pháp trên đôi chân trần vượt qua muôn vạn dặm đường đời bằng cách thức truyền miệng để tỏ bày cho con người về một con đường giải thoát hoàn toàn vượt qua sinh tử luân hồi. Người đi từng bước ung dung, tự tại trao truyền chánh pháp sáng rõ qua hình thức hỏi đáp cùng mọi người. Khi con người có chướng ngại về tư tưởng, tinh thần đặt vấn đề hỏi thì Phật tùy thuận trả lời. Với lời nói nhu hòa, đầm ấm tình thương Phật đã giúp cho nhân loại biết về con đường giác ngộ, giải thoát hoàn toàn, cứu khổ chúng sinh nơi 3 cõi, giữ lại phần người nơi người sống,…
Còn thời đại Vô Ưu thì mọi sự đã nhiều đổi thay, tri thức con người nâng cao. Con người bị chủ nghĩa duy vật “chặn đứng” sự hiểu biết về phần tâm linh của con người. Chủ nghĩa thực dụng và sự hiểu biết chủ quan, phiến diện đã trói con người vào tình cảnh “Con người sẽ biết mọi thứ cả vũ trụ nhưng lại không rõ biết về thể xác và phần tâm trong chính con người, chẳng rõ phần tâm và thể xác gắn kết, vận hành ra sao? Kết quả là con người sống trong tham đắm, u mê và hoài nghi sự thật. Không nhận biết và bỏ qua câu hỏi “Ta là ai? Tại sao ta tồn tại? Trước khi sinh ra ta ở đâu và khi chết ta sẽ về đâu?”… Bỏ quên sự hiểu biết chính mình là nguyên nhân khiến nhân loại sống trong thực dụng, ích kỷ, cuồng loạn. Do bị trói nơi tư duy chủ quan mà tri thức nhân loại đã không đặt ra những câu hỏi với đại ý như trên thì câu trả lời lại càng không có trong Bách khoa toàn thư của nhân loại. Trước tình cảnh đó tôi đã “làm mới” cách truyền trao chánh pháp Phật Thích Ca. Viết sách và trả lời những câu hỏi, những gút mắc trong nội tâm của số đông người mà không chờ đợi người khác đặt ra những câu hỏi. Ngôn từ thì cao ngạo, ngông cuồng và có phần “đao to, búa lớn” những mong cảnh tỉnh người mê. Bán mạng, viết sách nhằm tạo tiếng vang nhằm giữ lấy và làm sống lại chánh pháp sáng rõ của Phật Thích Ca trong lòng nhân loại. Bởi lẽ tôi rõ biết đó là chiếc chìa khóa duy nhất tháo gỡ những rối ren, hỗn độn, bát nháo nơi xã hội và lòng người. Nếu phải đổi một mạng để đem lại bình yên, hạnh phúc, yêu thương bác ái nơi nhân loại thì đâu phải là cuộc đổi chác thua thiệt cho tôi. Có thể nói tôi đang vẽ đường cho hươu chạy vì nhận biết hươu đang lao nhanh vào cạm bẫy, hố sâu nên tôi mới vẽ đường. Dù vậy việc hươu có chạy theo lối tôi vẽ, hay chạy càn thì là việc ngoài tầm với của tôi, thật tôi không thể cưỡng cầu hươu chạy theo ý mình dù rằng tôi có ý tốt cứu giúp hươu.
Nếu việc làm không thành thì tạm nói tôi cũng đâu có thiệt hại gì đáng kể. Còn bằng mất mạng vô nghĩa thì không thể có. Dù cho có mất mạng thì sự thật cũng đã được hiển bày, phao cứu sinh đã có, còn dùng hay không là việc của người còn lại. Tuy nhiên, trong nội tâm của mỗi con người đều mong muốn, ước mơ về một xã hội hài hòa, bình đẳng, bác ái,… thì tôi có thể mất nhưng sự thật đó nhân loại không thể chối bỏ và từng bước dựng xây một Kỷ Nguyên Con Người Sống Trong Sự Hiểu Biết Khách Quan. Tiến trình tiến đến Kỷ Nguyên Tươi Đẹp nhanh hay chậm là tùy thuộc vào tốc độ lan truyền sự hiểu biết khách quan, sáng rõ của bạn và mọi người…
Tôi đã chuyển thể sự siêu hình, huyền hoặc,… có nơi kinh điển không liễu nghĩa thành những bài viết gần gũi, mộc mạc mà mọi người dễ dàng nhận biết, lĩnh hội. Tuy nhiên lĩnh hội và thật sống lại không là một. Dù vậy rõ biết chánh pháp rồi từng bước sống được trong chánh pháp sẽ tốt hơn, dễ dàng hơn là không biết gì về chánh pháp. Có thể với nội dung những bài tôi viết bạn cảm nhận rất dễ hiểu, lĩnh hội,… Có thể sẽ có nhiều người viết được thậm chí viết hay hơn. Nhưng thật ra để viết ngần ấy vấn đề hiển bày ra bản chất rõ ràng như thế thật không hề đơn giản. Ngay cả chính tôi cũng không nghĩ mình đã làm được điều đó. Cách đây 3 năm tôi chẳng thể viết được 1 vấn đề trong số những bài viết thì nói gì viết đến ngần ấy vấn đề. Chỉ mất 3 năm mà tôi đã có sự đổi thay như vậy. Vì thuận duyên mà viết, nếu biết làm việc không lợi ích thì hẳn là tôi đã không viết sách để tỏ bày những điều rõ biết. Bởi vì việc làm đó không cần thiết, vô nghĩa và mệt óc nếu tôi cưỡng cầu làm…
Quay lại những vấn đề bạn đã đặt ra, tôi sẽ trình bày…
Phật không thể độ người không có duyên, Phật không thể thay đổi định nghiệp của chúng sinh, Phật không thể độ hết chúng sinh.
Dù là khách quan dịch giải nhưng người dịch đã không thể chuyển tải được tâm Phật đúng mực. Không hẳn người dịch thuật dịch giải sai mà có câu “Y kinh giải nghĩa Tam thế Phật oan. Ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết”. Vì thế người dịch đã vấp lỗi này. Còn tôi thì ly kinh mà thuyết đồng ma thuyết nhưng con ma này có chút ít tâm Phật…
Phật không thể độ người không có duyên đã thiếu chuẩn vì lẽ liệu có mấy ai có duyên tiếp cận, gần gũi Phật. Hiện nay, Phật nhập diệt thì làm sao chúng sinh nơi 3 cõi có cơ may diện kiến, chẳng lẽ con người ngày nay đều không có duyên với Phật? Không còn có sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn chăng?
Thực ra không có duyên gặp Phật thì hãy còn duyên gặp Pháp. Điều quan trọng nhất là có duyên tiếp cận với kinh liễu nghĩa, chánh pháp chân thật sáng rõ hay không? Chỉ khi đó thì con người mới dứt hoài nghi và chọn lựa con đường để bước tiếp. Điều đáng tiếc là các dịch giả đã biết nói kinh Phật là ngón tay tay chỉ mặt trăng chứ không là mặt trăng nhưng lại không thể nói rạch ròi, đúng mực về ngón tay chỉ mặt trăng, rồi thêm chuyện vẽ vời hướng ngón tay chỉ về mặt trăng ở các hướng đông tây nam bắc,… Mỗi người chỉ một kiểu khiến tâm trí người học Phật ngày nay thêm rối bời, hoang mang. Không có duyên gặp Phật là ám thị không có duyên được đọc chánh pháp sáng rõ chân thật hoặc cầm trên tay chánh pháp chân thật mà lại không có thời gian xem qua, đem đặt lên kệ sách rồi quên bẵng hoặc là người không thích đọc sách mà có trong tay quyển sách chứa chánh pháp chân thật thì cầm bằng vô dụng… Không có duyên với Phật lẽ ra phải diễn giải như thế.
Phật không thể thay đổi định nghiệp của chúng sinh. Điều này đúng một phần vì Phật không thể thay đổi định nghiệp của chúng sinh nhưng có thể giúp chúng sinh tỏ ngộ và tự chúng sinh đó sẽ thay đổi định nghiệp của chính mình. Nếu nhìn trên diện rộng thì Phật đã thay đổi định nghiệp của chúng sinh rồi. Có phải lập luận này không mắc lỗi, đúng không bạn?
Phật không thể độ hết chúng sinh. Câu này chuẩn vì chung quy lại Phật đâu có độ ai thành Phật hoặc giải thoát hoàn toàn mà tự mỗi chúng sinh độ chính mình để thôi không trôi lăn trong sinh tử. Và… không thể độ hết chúng sinh vì chúng sinh không thể thành Phật cả. Nếu mọi chúng sinh trong 3 cõi 6 đường thành Phật cả thì sự sống nơi vũ trụ còn lại gì, không Phật, không chúng sinh. Thật tẻ nhạt. Dù rằng Phật cảnh tỉnh người mê nhưng tự họ phải độ lấy chính họ…
Từ bi tâm của Phật không phải là món đồ đáng vứt đi vì thế mà kinh điển nhà Phật còn tồn tại đến ngày nay. Đó là giá trị của từ bi tâm có nơi thương hiệu Phật Thích Ca.
Lại như trong kinh Kim cang có nói chúng sinh muốn tự giải thoát thì phải độ chúng sinh trong tâm mình cho vào vô dư niết bàn... chứ không phải độ chúng sinh bên ngoài. Vậy xét cho cùng ai muốn đi đến giải thoát thì chỉ còn cách là mình tự tin vào mình vào theo con đường chỉ dạy mà Đức Phật đã nói để đi thì tự mình được giải thoát. Chính vì vậy mà con người không thể cứ gượng ép để giáo huấn, chỉ bày... Vì từ thời trước Phật ra đời đến khi nhập diệt đến nay, xét cho cùng có rất nhiều thánh nhân chỉ dạy. Song nhân loại vẫn trượt trên con đường tham lam ích kỷ, dẫn đến nguy cơ hủy diệt. Nhưng chắc chắn vẫn có những con người đã giác ngộ… Nhưng theo tôi nghĩ người giác ngộ (tự giác) thì cứ giác ngộ, nhân loại đắm chìm vẫn cứ đắm chìm thế mới đúng luật tối thượng chứ.
Kinh Kim Cang là bộ kinh được rất nhiều cao Tăng, chân sư dịch giải. Dù vậy cũng không hẳn đã liễu nghĩa và bạn cũng đã không lĩnh hội đúng mực lời dịch giải.
Nếu xử sự như vậy thì chỉ có tự giác (tự giác ngộ) mà rời giác tha (độ người, trao truyền chánh pháp) thì chỉ ở một bên, mất lý trung đạo. Rơi vào một bên thì con đường giác ngộ giải thoát hoàn toàn khó thông. Người giác ngộ hoàn toàn rõ biết không có chúng sinh trong tâm và ngoài tâm, xử sự tùy thuận, đúng mực. Nói mà không nói, làm mà không làm. Thế nên không có sự gượng ép, giáo huấn, chỉ bày chi cả.
Song nhân loại vẫn trượt trên con đường tham lam ích kỷ, dẫn đến nguy cơ hủy diệt. Vì sao? Vì lẽ chánh pháp mà Phật Thích Ca đã mất 49 năm truyền lại bị mai một, không còn sáng rõ và ngoi ngóp thở dốc. Thế nên Vô Ưu phải vụng về để lộ hành tung, giải cứu chánh pháp Phật Thích Ca.
Bạn nói đến Vô dư niết bàn. Bạn biết gì về vô dư niết bàn? Nó ở đâu? Có tồn tại hay không?
Nghe chừng bạn nghĩ vô dư niết bàn tồn tại ở một nơi nào đó xa xăm, nơi người đạt sự giải thoát hoàn toàn khi chết lui về. Phải không bạn? Đó là một tư duy sai lầm. Nhưng tôi sẽ không chỉ ra nếu bạn chưa thật muốn rõ biết về nó. Tôi không giấu bất kỳ điều gì có lợi cho sự trở lại của chánh pháp chân thật. Chỉ là chờ đợi sự hợp thời.
Bạn đã có những hiểu biết nhất định về bản chất cuộc sống. Bạn đã chọn lựa cách sống của mình cho hiện đời. Bạn sống như thế vì ít nhiều gì bạn cũng chịu sự ảnh hưởng của giáo lý nhà Phật, nơi chứa giữ chánh pháp chân thật. Bạn sống như thế vì bạn ít nhiều tin nhận vào chánh pháp nơi Phật Thích Ca đã trình bày. Bạn tin tưởng vào đạo Phật vì bạn nhận diện được sự hợp lý, tính đúng đắn từ những lời Phật thuyết. Thế nên vấn đề của nhân loại hiện tại là niềm tin về đạo Phật. Muốn được tin nhận thì chánh pháp của Phật Thích Ca phải hiển lộ sự chân thật, sáng rõ, đúng mực và “trốn đời, vào đạo” là một tư tưởng sai lầm cần gỡ bỏ nơi người học Phật ngày nay. Từ bi tâm của Phật Thích Ca không thể bị giết chết bởi những ngộ nhận của người đời khi học Phật. Tôi sẽ ngăn không cho điều đó xảy ra. Thế nên bạn không nên vội phủ nhận giá trị của việc truyền trao chánh pháp ở người học Phật vì nhận ra sự vô nghĩa của việc trao truyền giáo lý nhà Phật. Bạn hãy nhớ cho rằng “Nhờ tham khảo giáo lý nhà Phật mà bạn có ít nhiều hiểu biết về chánh pháp”. Có lẽ tôi không ngoa khi nói nhờ tiếp xúc kinh Phật mà bạn đã chọn lựa được cuộc sống tốt hơn. Vì thế nếu chưa thể trao truyền chánh pháp chân thật thì bạn đừng vội phủ nhận giá trị của chánh pháp.
Song qua chuyện cuốn sách của bạn tôi cũng nghĩ nhân loại không dễ gì chấp nhận cuốn sách của bạn.
Bạn có tin những gì tôi trình bày trong sách không? Hỏi là vậy nhưng tôi rõ biết bạn ít nhiều đã có sự đồng cảm, tin nhận. Vậy nên nhận định trên của bạn đã bị vô hiệu. Chỉ là có một rào cản nơi một số ít người kém hiểu biết. Đó là điều bạn cùng tôi phải vượt qua dù là khá khó khăn nhưng không phải là điều không thể. Sở dĩ bạn và tôi cần vượt qua chướng ngại vật này là vì nhân loại quả thật đang rất cần một nguồn tri thức, một sự hiểu biết khách quan, sáng rõ như vậy. Sẽ không có sự bi quan, tuyệt vọng cho sự chọn lựa đúng đắn nơi nội tâm mỗi người. Hơn nữa, rõ biết người u mê, lầm lạc, lao xuống vực sâu, hố thẳm thì có lý nào ta không ra tay ứng cứu, quên bỏ từ bi tâm. Nỗ lực diễn đạt về sự hung hiểm nơi hố sâu mà những người kém hiểu biết, tự phụ thông minh đang lao xuống,… Giúp họ nhận biết hố sâu, vực thẳm còn việc họ có muốn thoát ra hay không thì đó là việc của họ, là tùy duyên vậy. Nhưng cũng không vì trói vào 2 chữ tùy duyên và chút trở ngại nơi số ít người tham đắm, u mê mà bỏ rơi số đông nhân loại cùng những người đang cần lắm sự hiểu biết có nơi chánh pháp chân thật, sáng rõ…
Đơn giản là nhân loại không còn tin vào bản thân họ và cũng không tin vào con đường tự giải thoát mọi đau khổ mà mà các hiền thánh và đến hôm nay là Vô Ưu đã chỉ dạy chính vì lẽ đó mà ngày nay không mấy ai tu đạo mà đạt đạo chỉ đơn giản họ đã gắn cho tâm mình một cái danh. Bỏ 2 từ chỉ dạy thì bạn đã nhận định đúng vấn đề này nhưng không có sự tuyệt đối vì chí ít trong khuôn khổ bài viết này đã có tôi, bạn và nhiều người ẩn danh vẫn còn tin vào bản thân, tin vào giáo lý nhà Phật.
Về giác tánh thì bạn đã nhận định thiếu chuẩn rồi. Ai cũng có giác tánh cả. Bạn có giác tánh, tôi cũng có giác tánh. Theo kinh Phật thì chỉ có hạng nhất xiển đề là không có giác tánh mà thôi. Nhất xiển đề là hạng người nào? Đó là những người điên loạn, vô tri. Thật ra giác tánh của họ không hề mất đi, mà bị chèn lấp, ẩn khuất sâu trong tâm hồn không định tĩnh nơi hiện đời. Rồi thì … thời gian sẽ qua đi, chết sống rồi sống chết. Họ dần hồi tỉnh lại, giác tánh lại khai mở. Tuy nhiên, nếu trái đất bị nổ tung do bởi lòng tham con người không còn kiểm soát được thì việc chúng sinh 3 cõi 6 đường tìm lại giác tánh, con đường giác ngộ, giải thoát hoàn toàn sẽ vô vàn khó khăn. Giác tánh của chúng sinh không thể mất đi hoàn toàn dù rằng chúng sinh vào địa ngục thì giác tánh cũng theo vào. Và một phần nhờ vào giác tánh mà chúng sinh nẻo địa ngục luân chuyển sang những cõi giới khác cao và tốt đẹp hơn. Không hề có người ngu dốt hoàn toàn, đánh mất giác tánh tuyệt đối. Chỉ là họ chưa đủ duyên, chưa có người chỉ lối khai mở mà thôi. Có thể họ kém may mắn không chạm được đến chánh pháp chân thật. Vậy nên nếu họ chưa biết thì giúp họ nhận biết. Sự hiểu biết, tình yêu thương khách quan, đúng mực cho đi nào có mất gì đâu?
Chánh pháp Phật Thích Ca lu mờ, không sáng rõ đâu phải lỗi của họ mà là sai lầm của toàn nhân loại Vì thế nếu có thể gột rửa, lau chùi cho chánh pháp sáng rỡ, tỏa rạng thì người học Phật sao có thể né tránh, ngoảnh mặt làm ngơ. Vô tâm đứng ngoài sự bấn loạn, rối ren, hỗn độn nơi xã hội hay tận lực đốt lại ngọn đuốc chánh pháp sáng rõ là lựa chọn của mỗi người.
Đã có lúc những người đại diện cho sự hiểu biết nhân loại chủ quan xóa bỏ chủ nghĩa duy tâm, tôn thờ chủ nghĩa duy vật. Đó là một sai lầm tệ hại bậc nhất của tri thức nhân loại. Nguyên nhân một phần do yếu tố tính sống còn của thời đại và một phần do sự chủ quan, kém hiểu biết của một số ít người. Kết quả là làm mai một sự hiểu biết của con người về cõi vô hình, chối bỏ sự tồn tại của thế giới tâm linh. Chết là hết đã trói tư duy, nhận thức số đông nhân loại tin vào sự không tồn tại thế giới vô hình sau người chết. Lòng tham, sự ích kỷ, lối sống thực dụng,… xâm thực thế giới nội tâm toàn nhân loại tạo ra thảm cảnh Kỷ Nguyên Nhân Loại Đổ Nát Hoàn Toàn. Người tỏ ngộ ngày nay cần phải rõ biết đó là then chốt của vấn đề và phải ra tay gỡ bỏ then chốt gút mắc đó nơi tri thức nhân loại dù rằng phải chống lại cả nhân loại để cứu lấy nhân loại. Vấn đề sự không minh bạch nơi giáo lý kinh điển chỉ là một phần của sự sai lầm nhân loại. Nói rõ sai lầm nơi nhân loại, tạo điều kiện cho chủ nghĩa duy vật sửa sai, thừa nhận sự tồn tại khách quan của thế giới tâm linh sẽ là cứu cánh cho sự rộng truyền chánh pháp và sự tồn vong nhân loại.
Thêm một dẫn chứng cho sai lầm nơi người học Phật. Có một vài vị Tăng bảo có tiếng tăm, rêu rao về cái Ngày Tận Thế 21 - 12 - 2012 khiến cho không ít người trong nhân loại hoang mang lo sợ. Vậy mà không có lấy một vị Tăng bảo nào có tiếng nói đủ trọng lượng và đúng lúc phủ nhận lời đồn đoán mơ hồ kia. Điều này cho thấy các vị Tăng bảo hiện tại đã không giác ngộ hoàn toàn hoặc tỏ ngộ mà chưa thể tận lực hộ trì chánh pháp. Nếu có vị Tăng bảo giác ngộ hoàn toàn thì việc “thổi bay” lời đồn Ngày Tận Thế chỉ là chuyện nhỏ nhưng lại là việc làm cần thiết. Rồi thì ngày 21 - 12 - 2012 đến mà không có bất kỳ điều gì tệ hại vượt mức xảy ra thì một vài vị Tăng bảo tạo lỗi lầm cùng môn đồ “vớt vác” thể diện bằng việc “lừa người, dối mình” thêm lần nữa. Ngày Tận Thế không xảy ra do hành vi của nhân loại đã sửa sai và có rất đông Tăng bảo hợp lực nguyện cầu đẩy lui Ngày Tận Thế. Thật kinh dị, hoang đường!
Không có việc đẩy lui Ngày Tận Thế dựa vào lời cầu nguyện suông mà phải bằng những hành động sửa sai thật sự nhưng làm gì có số đông nhân loại sửa sai hành vi lối sống sai lầm. Thế nên lập ngôn dối người của các vị Tăng bảo lầm đường đã không thành lập, bị vô hiệu. Lại không thấy một cao Tăng hay vị tiến sĩ Phật học danh tiếng nào mở lời chỉ rõ sai lầm của người học Phật vụng về. Quả thật là sai lầm tiếp nối sai lầm…
Không có việc những người đã hướng thượng đi đến giải thoát và rời khỏi cái thế giới Ta Bà này, chỉ còn lại loại chúng sinh chậm tiến và đi vào vòng tự hủy diệt. Không bao giờ có điều đó xảy ra ngay nơi trái đất này.
Thành Trụ Hoại Không không là một vòng tròn đơn lẻ mà là một vòng tuần hoàn biến thiên, đổi thay tương tục. Thế nên không rồi lại có, có rồi lại không. Chính cái vòng lẩn quẩn đó đã trói chúng sinh 3 cõi 6 đường nhào lên, lộn xuống với hà sa cung bậc vui buồn, khổ đau, ghét thương thù hận. Dù rằng những người hướng thượng tìm về chánh pháp nhưng nếu chưa sống được với sự sáng rõ của chánh pháp thì vẫn phải trôi lăn, có lúc lên voi, nhiều lần xuống chó, lên xuống phập phồng. Tuy nhiên, không hẳn là muốn thoát ra khỏi vòng luân hồi là điều không thể hoặc “bỏ công” rất nhiều đời mà lệ thuộc vào có duyên gặp đúng chánh pháp hay không mà thôi. Chỉ có những người giác ngộ, giải thoát hoàn toàn, chứng ngộ pháp vô sanh, xóa sổ cái tôi,… mới có thể dừng lại vòng tròn Thành Trụ Hoại Không mà bạn đã đề cập.
Có lẽ tôi đã giải quyết xong những vấn đề mà bạn đã đặt ra. Nếu có chỗ nào chưa rõ hoặc là tôi trình bày thiếu, không ổn thì bạn hãy nhắc nhỡ tôi sẽ lại tháo gỡ tiếp cho bạn và những người bạn khác.
Có lẽ bạn sẽ bị hụt hẫng, bị sốc vì tôi nhiều lần “đánh sập” những sự hiểu biết mà bạn đã góp nhặt, gìn giữ nơi cuộc sống và kinh Phật. Nhưng bạn hãy thong thả, bình tâm để suy xét mọi vấn đề và nhận ra rằng “Tôi không phải là kẻ phá hoại đáng ghét”. Việc đúng sai khách quan, đúng mực không nằm trong nội dung những bài tôi viết mà chính thật có nơi nội tâm của bạn cùng mọi người.
Phật Thích Ca 49 năm thuyết pháp mà không nói một lời thì Vô Ưu dám đâu có nói lời hư vọng. Dù vậy thì bạn rõ biết tôi đã từng trình bày những điều hiển bày sự chân thật. Rõ thật là tôi đã có nói. Nói mà không nói, không nói mà nói - Đó là ma thuật trong cách sử dụng ngôn từ của Vô Ưu - Ngạo Thuyết và cũng là một lối lập ngôn thường thấy của Phật Thích Ca cùng các bậc hiền thánh. Nếu chấp một bên bạn sẽ thấy tôi có đại ngã to bằng trời nhưng thôi bạn đừng chấp bên nào cả. Hãy sống đúng với chánh pháp nơi lòng bạn. Chúc bạn an lạc, thảnh thơi và hạnh phúc!
Bài liên quan
- Rác Rưởi Phật Môn – Thiền Tông Tân Diệu
- Phật A Di Đà sẽ độ sinh ở những đâu khi Phật Di Lặc hạ sinh?
- Luận bàn về việc sát sinh ở Đạo Phật
- Hỏi đáp cùng người em về việc "cắt ái, ly gia, học Phật" (P.1)
- Mở cửa tâm linh
- Nhân quả chẳng lầm
- Vì Sao Tăng Bảo Ngày Càng Đổ Đốn Đến Tệ?
- Vì Sao Giới Tăng Bảo Ngày Nay Phơi Bày Hiện Tướng Khuyết Tật, Bệnh Hoạn?
- Vì Sao Tăng Đoàn Trực Thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Rúng Động, Hoảng Loạn...?
- Chiết Giải Trực Luận Phật Đà
- Lý Giải Hiện Trạng Các Lão Thiền Sư Bị Đột Quỵ… (P.1)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét