Phật giáo đương đại - Lộng chân thành giả
Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016
II.Phật Giáo
đương đại - Lộng chân thành giả.
Phật giáo đương đại cũng tồn tại và phát triển trong sự tùy thuận nhưng với
những bước đi lệch lạc.
Vì lẽ con người ngày nay đã có nhiều hiểu biết, người tu học thông qua giáo
lý kinh điển rồi sinh hiểu và chấp lấy cái hiểu đó và cho rằng - Đó là chân lý.
Người học vướng vào sở tri chướng, bị cái thấy nghe hay biết của bản thân
làm chướng ngại đường tu.
Nhưng thực tế, kinh Phật không phải là chân lý. Kinh Phật chỉ là phương
tiện. Kinh Phật là ngón tay chỉ mặt trăng. Do vướng vào kiến chấp, người tu học
đã ngộ nhận ngón tay là mặt trăng từ đó không nhìn thấy mặt trăng và mê lầm
không nhận ra ngón tay chính là phương tiện mà Đức Phật đã dùng nhằm giúp chúng
sinh trong 3 cõi nhận rõ mặt trăng - là sự giác ngộ, giải thoát hoàn toàn.
Nói cách khác, kinh Phật chỉ là chiếc bè giúp mọi chúng sinh sang bờ giải
thoát nhưng con người đã nhầm lẫn khi mơ hồ nhìn thấy chiếc bè thì vội khởi
nghĩ đã sang đến bờ bên kia. Số khác lại ôm ảo tưởng ngồi giữ chặt lấy chiếc
bè. Như Lai gọi những chúng sinh mê mờ kia là “Thật đáng thương xót! Điên đảo
thêm điên đảo”.
Như Lai sớm nhận ra nhân loại sẽ rơi vào việc chấp pháp. Trước khi nhập
diệt, Người đã khẳng định lại một vấn đề “Bốn mươi chín năm ta chưa từng nói
một lời” nhằm dứt trừ bệnh chấp pháp của chúng sinh nẻo Người.
Hiện nay, Phật giáo đã phát triển rộng khắp trên phạm vi thế giới nhưng lại
đánh mất đi giá trị thực tiễn. Khi Phật tại thế, mọi người tìm đến tu học nhằm
mục đích thoát ra khỏi bể khổ luân hồi. Ngày nay, có lẽ do thiếu chân sư chỉ
dẫn nên con người đến với Phật giáo qua việc cúng bái, cầu nguyện, lễ lạy,… Con
người chỉ chú tâm làm việc phước đức, gieo nhân tốt ở cõi Trời, cõi Người.
Chí hướng xuất trần, cứu khổ chúng sinh trong 3 cõi chỉ là những lời nói
“đầu môi chót lưỡi”. Và có cả những người xuất gia cũng không còn tin vào con
đường giác ngộ, giải thoát hoàn toàn.
Một số lượng không ít những người xuất gia đã không còn nhận ra giá trị của
Tam tạng kinh của Đức Thế Tôn.
Số người học Phật khác thì nhận biết rằng “Chỉ cần học thuộc vài quyển kinh
Phật thì lo gì không có “Cái ăn cái mặc””.
Họ đã đúng - Việc gìn giữ truyền trao Pháp bảo đã tạo cho ngôi thứ ba trong Tam bảo có được phước báu vô cùng
lớn. Vì phước báu rất lớn khiến cho số đông Tăng bảo đã không còn nhớ được mục
đích việc học Phật của bản thân, rơi vào lợi dưỡng. Thật đáng tiếc!
Trải qua thời gian lâu xa, sự tùy thuận của đạo Phật và sự không thực chứng
của những người học Phật đã khiến nhân loại không nhận ra được sự chân thật của
con đường giải thoát hoàn toàn và tính ứng dụng thực tiễn của đạo Phật.
Thêm vào đó, việc phạm giới và cả việc rơi vào lợi dưỡng, lợi danh,… của
không ít vị Tăng bảo đã khiến nhân loại đang hoài nghi giáo lý, kinh điển của
đạo Phật.
Từ sự hoài nghi giáo lý nhà Phật nhân loại đã hoài nghi cả chánh pháp dẫn
đến việc bài bác đạo Phật.
Chủ nghĩa duy vật đã từng cố xóa bỏ chủ nghĩa duy tâm. Việc này đã góp phần
làm mai một sự hiểu biết của tri thức nhân loại về thế giới tâm linh. Chánh
pháp ẩn tàng trong kinh Phật vì thế cũng bị diễn giải sai lạc.
Đạo Phật từ lâu đã trở thành một cái bình cổ được trang trí hoa văn trang
nhã, bóng bẩy,… bên ngoài với nắp đậy kín và dường như thiếu đi cái cốt lõi
tinh túy ở bên trong?
Tri thức nhân loại cũng đã cố công dùng nhận thức, tư duy,… nhằm nhận biết
bên trong chiếc bình cổ chứa đựng “vật gì” hay không?
Nhưng do dựa trên góc nhìn sai lệch và chủ quan,… nên đã không thể nhận rõ
được bên trong đạo Phật có hay không có “vật gì”?
Ngày nay, sự bùng nổ dân số toàn cầu, lối sống thực dụng, ích kỷ, sự không hiểu biết về sự tồn tại của thế giới
tâm linh một cách khoa học,… Nhân loại đang lầm lạc não hại nhau trong sự đau
khổ, thù hận và chiến tranh. Điều này khiến cho trái đất đứng trước nguy cơ
hoại diệt.
Chỉ có chánh pháp mới có thể bảo đảm sự tồn vong của nhân loại và trái đất.
Tôi rõ biết trong chiếc bình cổ có chứa đựng chánh pháp. Cách duy nhất để
giúp nhân loại nhận ra chánh pháp là tôi sẽ mở cái nắp đậy kín của chiếc bình
cổ quý giá nhằm giúp nhân loại nhìn rõ “vật” được chứa đựng ở bên trong - Chánh
pháp.
Khi người học Phật tìm hiểu, tham cứu kinh điển Phật. Nhất là kinh Đại
thừa. Nếu người tu học thiếu sự khách quan và sự hiểu biết thì sẽ hiểu sai ý
kinh. Điều này sẽ khiến người học Phật sẽ tin nhận thần thông của Phật là cùng
tột, khôn lường,… Phần lớn người học Phật tin rằng “Mỗi khi Phật thuyết pháp là
có hằng hà sa Bồ tát, A la hán, chư thiên, long thần hộ pháp,… Đại diện cho
chúng sinh trong 3 cõi 6 đường hội tụ về”...
Tôi không nói chúng sinh nẻo không thân là không có. Thậm chí tôi đang
chứng thực những chúng sinh đó thật sự có tồn tại.
Nhưng trong trường hợp này, người học Phật đã dùng góc nhìn lệch lạc để
nhìn nhận vấn đề. Trong khi những vị Tổ kết tập kinh điển dùng đại diện của
chúng sinh trong 6 nẻo và cả những vị Bồ tát, A la hán nhằm chứng thực như là
một phương tiện để khẳng định những điều trong kinh là lời nói đúng thật do
Phật thuyết nhằm giúp người học Phật sơ cơ, ít hiểu biết thời xa xưa tin sâu,
hành trì theo chánh pháp.
Ngày nay, sự hiểu biết nâng cao, những người theo chủ nghĩa duy vật và khoa
học đã hoài nghi tính chân thật của thần thông, cõi giới vô hình nên không thể
tin nhận kinh Phật.
Ngược lại, phần lớn người học Phật lầm lạc lại ngộ nhận thần thông, thiên
nhãn, bùa chú,… là chánh pháp, dẫn đến lạc lối đường tu.
Hình ảnh Phật hạ sinh ở bên hông mẹ, vừa sinh ra đã bước bảy bước hiện ra
bảy đóa sen cũng là do người đời sau thêu dệt. Đây là sự tùy thuận truyền đạo
của những người học Phật chưa đạt được sự tỏ ngộ cao tột. Riêng câu nói “Thiên
thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” chính thật là lời Phật nói sau ngày thành đạo.
Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp cũng chỉ là do người đời sau
dùng tâm phân biệt thần tượng hóa, thần thánh hóa Đức Phật.
Trong kinh Kim Cang, Phật đã dùng một câu nói cảnh tỉnh người học Phật. Câu
nói “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” được diễn dịch với hàm nghĩa “Bất kỳ vật gì có hình tướng đều không thật
vì chúng sẽ hư hoại, chuyển dịch do tự tánh vô thường của vạn pháp”.
Về sau Phật giáo được truyền sang Trung Quốc, nhằm hoằng dương Phật pháp một
số người học Phật đã chuyển nơi tu tập, hóa thân của những người đệ tử Phật từ
Ấn Độ sang Trung Quốc.
Cụ thể, Phổ Hiền Bồ tát dời về Nga Mi Sơn thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Văn Thù Sư
Lợi Bồ tát hóa thân tại Ngũ Đài Sơn thuộc tỉnh Sơn Tây, Quan Thế Âm Bồ tát thị
hiện ở Phổ Đà Sơn, nằm trên một đảo nhỏ gần Thượng Hải, thuộc tỉnh Triết Giang,
Địa Tạng Vương Bồ tát hóa thân ở Cửu Hoa Sơn thuộc tỉnh An Huy,…
Người học Phật ngày nay ngộ nhận tâm Phật dẫn đến việc tham học kinh điển
sai lạc. Lẽ ra người học Phật tham cứu, hành trì chuyển kinh Thủ lăng nghiêm về
tự tâm.
Vì lẽ người học Phật mà lại không rõ biết - Tâm là gì? Tâm ở đâu? - thì làm
sao mà hành trì, tu học thành bậc giác ngộ, giải thoát hoàn toàn.
Việc trì tụng kinh ở các chùa, các tự viện,… theo khuynh hướng “Lấy ngọn bỏ
gốc” khiến người học Phật càng thêm mê mờ, lầm lạc,… không thể nhận biết chân
ngụy.
Tịnh độ tông chú trọng đọc tụng Kinh A Di Đà, kinh Vu Lan, kinh Địa Tạng,…
đã dẫn đến việc ngộ nhận cho người học Phật. Người học Phật tin rằng người đã
khuất có thể vãng sinh tịnh độ khi được người sống cầu siêu, cầu vãng sinh,...
Vậy thì người học Phật chỉ cần siêng năng cầu vãng sinh cho người chết và việc
làm đó sẽ giúp cõi Tây Phương mở cánh cửa đón họ khi họ không còn.
Ngoài ra, nhằm để gieo duyên tốt người tu học sẽ không ngừng cầu nguyện, lễ
lạy, cúng bái,… với rất nhiều nghi thức, đồ cúng lễ: Quần áo, nhà cửa, tiền
bạc, ti vi, xe máy,… gửi cho người đã khuất sử dụng.
Khi khách quan nhận xét, tri thức nhân loại sẽ nhận thấy Phật giáo đã tùy
thuận tiêm nhiễm lễ nghi của Nho giáo và tục lệ thờ cúng ông bà, tổ tiên của
truyền thống văn hóa phương Đông.
Thực ra, Phật tùy thuận thuyết kinh Địa Tạng nhằm chỉ bày cho người học
Phật biết sự tồn tại của nẻo Địa Ngục và những khổ não, hành hạ mà chúng sinh
nẻo tối này phải thọ lãnh. Người học Phật sẽ kinh sợ muốn thoát ra khỏi những
nẻo tối sẽ tinh tấn hành trì theo chánh pháp mà tỏ ngộ, đạt sự giải thoát hoàn
toàn.
Lúc bấy giờ, ngài Mục Kiền Liên là người có đạo tâm, đã đạt ít nhiều sự tỏ
ngộ. Vì sự khổ tâm của những người học Phật có người thân đã khuất từng sống
với những hành vi xấu ác, bất thiện,… ngài Mục Kiền Liên đã cầu Phật chỉ bày
cách giúp cho những người đã khuất tiêu giảm nghiệp xấu ác, sớm được siêu sinh.
Phật đã thuyết kinh Vu Lan nhằm trấn an những người sống, đồng thời hướng
con người tìm về chánh pháp. Phật thuyết pháp chủ yếu là nhằm giúp chúng sinh
nẻo Người thoát khổ, giải thoát hoàn toàn chứ không chỉ vì giúp chúng sinh nẻo
không thân được siêu sinh.
Tuy nhiên, việc cầu siêu cho người đã khuất cũng có những hiệu quả nhất
định. Điều quan trọng nhất giúp chúng sinh nẻo không thân sớm siêu sinh là phụ
thuộc vào sự tín tâm, đạo hạnh của người trì tụng chứ không phải là ở mâm cao,
cỗ đầy cũng như đồ tế lễ.
Do việc “Lấy ngọn bỏ gốc” và tiêm nhiễm những hủ tục, nghi lễ rườm rà,…
Phật giáo đương đại đã khiến cho nhân loại ngộ nhận Phật giáo đã gieo rắc sự mê
tín, dị đoan vào xã hội loài người.
Thiền tông tách pháp môn tâm truyền tâm, rời ngôn ngữ, lời nói, tạo tông
giáo riêng. Chú trọng thiền tọa, thiền hành.
Mặt khác, do ảnh hưởng qua lại với đạo Lão khiến người học Phật thiếu hiểu
biết đời sau ngộ nhận. Người học Phật là phải tạo “thánh thai” trong thân huyễn
- huyễn thân, rồi xuất huyễn thân ra khỏi thân,…
Một số người học Phật khác lại xa rời giáo lý, chuyên tâm thiền định đạt
được chút ít tỏ ngộ, đã vội nghĩ tưởng thông hiểu pháp Phật. Do chưa buông bỏ
được cái tôi người học Phật đã vội nhập thế, tự lập tông giáo, khinh sư diệt
Phật, gây thêm nhiều lầm lạc, ngộ nhận cho người đời sau.
Mật tông thì rơi vào bùa chú, ấn quyết,… Việc tiếp xúc với thế giới tâm
linh, khiến người học Phật sơ cơ rơi vào đường rẽ thần thông, độ vong, thiên
nhãn,… Việc này góp phần làm người học Phật đời sau xa rời chánh pháp. Việc cầu
nguyện, cúng bái, lễ lạy,… bị lạm dụng thái quá khiến nhân loại không còn nhận
ra chân giá trị Tam Tạng Kinh và chánh pháp.
Ở góc nhìn tổng thể, nhân loại hiện nay có rất nhiều truyền thống tín
ngưỡng tâm linh, cũng có không ít người theo chủ nghĩa vô thần. Nếu việc cầu
nguyện, cúng bái,… của người sống giúp những người đã khuất có tín ngưỡng tâm
linh siêu sinh thì những người đã mất không có tín ngưỡng tâm linh sẽ không
được luân hồi trở lại. Việc này đồng nghĩa với sự tịch diệt.
Phải chăng những người đã khuất đó được thể nhập Niết bàn tịch diệt?
Thêm nữa, đạo Thiên Chúa, Tin Lành,… không nhang đèn, không có tục lệ thờ
cúng ông bà, tổ tiên và người thân thì những người thân đã mất của họ sẽ vĩnh
viễn ở trên thiên đàng hoặc mãi mãi chịu hành hạ ở địa ngục hoặc chịu cảnh đói
khát, không cơm ăn, áo mặc,...
Thật không có lý lẽ đó. Bất kỳ chúng sinh nào trong 6 đường đều phải siêu
sinh, luân hồi chỉ có những người hành trì hòa cái tôi vào không đại thì mới
đạt được sự thoát khỏi luân hồi.
Việc chia chẻ đạo Phật ra thành nhiều tông giáo, sự không thực chứng của
những người học Phật đã khiến kinh Phật trở nên mập mờ, thật giả khó phân định.
Trong khi Phật và các vị Tổ dùng các phương tiện giả lập nhằm hiển bày
chánh pháp chân thật - Lộng giả thành chân - thì người học Phật ngày nay lại
nhận lấy những phương tiện giả lập làm thật và xa rời, quên bỏ chánh pháp -
Lộng chân thành giả.
Việc không ít Tăng bảo rơi vào lợi dưỡng, lợi danh, tài vật,… và việc phạm
những giới cấm của các vị Tăng bảo. Sự không rõ tâm Phật của người học Phật, đệ
tử Phật đã gom góp tiền của, đất đai, … nhằm xây dựng chùa to, Phật lớn. Là
nguyên nhân gây ra sự tranh giành địa vị, quyền lợi,… của các vị Tăng bảo ở các
ngôi chùa.
Những việc “Trái tai, gai mắt” trên làm chướng ngại cho những người học
Phật sơ cơ và cả những người tu học chân chính.
Cụ thể, giả như tôi chưa từng có sự hiểu biết về đạo Phật. Chẳng may tôi
gặp một biến cố rất khổ đau. Những thiện tri thức đoái thương chỉ bày cho tôi
biết về đạo Phật và khuyên tôi muốn thoát khổ thì hãy quy y Tam bảo. Tôi thật
lòng muốn thoát khổ, vượt khỏi 6 đường.
Tôi sẽ xin về chùa phụng sự Tam bảo nhưng khi tôi tận mắt chứng kiến sự
tranh danh, đoạt lợi và việc phạm giới của các vị Tăng bảo thì tôi sẽ có tâm
trạng ra sao?
Mặc dù mới là người học Phật sơ cơ thì tôi vẫn phải nhận biết - Đó không
phải là chánh pháp.
Niềm tin về đạo lý giải thoát của tôi lúc đó còn không?
Tôi trốn chạy khổ não ở đời, lánh vào đạo tìm con đường giải thoát mà lại
bị cướp mất niềm tin. Sự hụt hẩng sẽ khiến tôi chơi vơi không thể sống ở đời và
cả trong đạo. Có lẽ khi đó tôi thật sự rất đáng thương và tuyệt vọng.
Việc cầu nguyện, cúng bái, bùa chú,… sẽ khiến những người có sự hiểu biết
nhất định về khoa học, chủ nghĩa duy vật hoài nghi giá trị của chánh pháp.
Ngược lại, số người theo chủ thuyết duy tâm nhưng có sự hiểu biết sai lạc
lại tin nhận thần thông, pháp thuật huyễn hoặc,… là chánh pháp, sống nhờ việc
độ vong, cầu siêu, cầu vãng sanh,… hoặc là
tạo duyên chờ trông Phật Di Lặc hiện thân thọ ký Phật quả,...
Tại sao Phật Thích Ca và các vị Tổ lại thuyết pháp và truyền trao kinh Phật
chứa đựng rất nhiều điều huyễn hoặc, thần thông biến hóa khôn lường,…?
Sự khác biệt bối cảnh xã hội giữa quá khứ và hiện tại: Tri thức của phần
lớn người xưa là không sâu rộng. Người xưa tin nhận chú thuật, pháp lực,… của
giáo chủ các tôn giáo khác, tin nhận thần thông của các Đấng quyền năng,… Nhưng
thần thông chân chính và cao tột nhất lại là chánh định và sự hiểu biết.
Vì vậy Phật đã nhiếp phục những chủ thuyết, kiến chấp,… sai lầm của các tôn
giáo khác nhằm chỉ bày chánh pháp.
Bùa chú, huyễn thuật,… của các tôn giáo khác không thể làm tổn hại Phật vì
Phật có chánh định vững vàng.
Thực tế, bùa chú và thế giới vô hình không thể làm hại những người có định
tâm vững vàng và đạt được sự giải thoát hoàn toàn. Thế nên, Phật đã dùng sự
thật đó giả lập làm phương tiện giúp người xưa tin nhận, hành trì chánh pháp.
Hiện tại, tri thức của nhân loại đã được nâng cao. Bùa chú, thần thông, thế
giới người đã khuất là những thứ huyễn hóa, không dễ nhìn thấy, nhận biết khi
không có sự nghiên cứu, tìm hiểu chuyên sâu.
Thêm vào là sự sai lầm cơ bản, ngớ ngẩn của chủ nghĩa vô thần, việc bị ngôn
ngữ đánh lừa và trói buộc, tri thức nhân loại đã hoài nghi bùa chú, huyễn
thuật, kinh Phật, hoài nghi chánh pháp dẫn đến lầm lạc chất chồng, trói con
người vào trong khổ đau, trong vòng luân hồi sinh tử.
Tất cả sự lầm lạc trên sẽ hủy hoại chánh pháp, vùi chôn đạo Phật. Tôi sẽ vì
nhân loại chỉ ra những sự ngộ nhận, sai lầm,… đang tồn tại trong đạo Phật và
tri thức nhân loại. Hy vọng nhân loại sẽ sớm nhận rõ chánh pháp và tin nhận con
đường giác ngộ giải thoát hoàn toàn.
Chánh pháp không thuộc về đạo Phật. Từ lâu, tri thức nhân loại đã “cất
giấu” chánh pháp vào đạo Phật. Về sau tri thức nhân loại lại ngộ nhận đạo Phật
là chiếc bình cổ, chánh pháp được cất trong chiếc bình cổ. Ngày nay nhân loại
đã không sống với chánh pháp gây não hại, đau khổ cho nhau. Người biết thời
không nói, người nói thời không biết khiến cho tri thức nhân loại ngộ nhận, mê
lầm.
Sống với tri thức, nhận thức sai lầm, nhân loại sẽ bị hủy diệt trong khổ đau,
thù hận.
Trái đất nổ tung, con người
sẽ không còn nhưng chết không phải là hết. Sự sống luôn tồn tại cho dù nhân
loại không nhìn thấy và nhận biết. Tôi đã cất công mở cái nắp của chiếc bình cổ
hiển bày chánh pháp chân thật, gần gũi. Việc cần làm của nhân loại bây giờ là
chọn lựa sống với chánh pháp, giải thoát hoàn toàn hay chọn lựa sống với khổ
đau, thù hận và luân hồi trong 3 cõi 6 đường?
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét