Tri kiến mê lầm ở các hệ phái đạo Phật xưa nay
Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016
Do có sự chia
chẽ Tông giáo từ xa xưa nên các Tông phái đạo Phật ngày nay có sự dị biệt về
giáo lý Tam Tạng kinh. Vì sự bảo thủ, cố chấp của những người học Phật nắm vai
trò đại diện lực lượng truyền pháp - Tăng bảo ở các Tông giáo đạo Phật nên pho
Tam Tạng kinh hiện đặt trong tình trạng tà chính bất phân, chân ngụy rối bời.
Người học Phật
đứng đầu mỗi hệ phái với tầm nhìn hẹp kém, vô minh nên điên đảo thị phi chẳng
thể khách quan nhìn nhận tính chân ngụy của từng bộ kinh trong pho Tam Tạng
giáo điển. Mặt khác, đa phần người làm nhiệm vụ giữ kho Tam Tạng kinh chỉ dừng
ở mức giới hạn là học giả, nhà nghiên cứu Phật học, số khác là hành giả chưa
triệt ngộ nên khó tránh khỏi tư tâm khi nhận diện giáo lý Tam Tạng kinh.
Đại diện mỗi hệ
phái (nói riêng) cùng đại chúng các hệ phái đạo Phật (nói chung) đều dựa vào
biên kiến, nhị nguyên mà ra sức bảo về luận điểm chánh tông tâm pháp Phật môn
bằng vào sở cậy, sở đắc cùng bản ngã dưới mắt không người.
Nam tông - hệ
phái nguyên thủy Phật giáo không thừa nhận kinh điển đại thừa là do nơi Phật
Thích Ca thuyết. Người học Phật Nam tông cho rằng kinh điển đại thừa là ngụy
kinh do Bà la môn giáo hoặc là do người Trung Hoa ngụy tạo lồng ghép vào pho
Tam Tạng giáo điển. Mục đích của việc lồng ghép ngụy kinh vào chân kinh của
ngoại đạo là phá hoại giá trị chánh pháp đúng mực, sáng rõ có ở đạo Phật. Do
vậy người học Phật Nam tông chỉ thừa nhận các bộ kinh Nikaya - Trung bộ kinh,
Tương ưng bộ kinh, Tăng chi bộ kinh, Tiểu bộ kinh… là kinh điển do Phật Thích
Ca thuyết. Người học Phật Nam tông hành trì pháp theo đường lối tu học được xem
là nguyên thủy, việc tác pháp mặc định là như thời Phật Thích Ca tại thế. Pháp
thiền người học Phật Nam Tông thọ trì là thiền Minh sát - Thiền vipassana.
Người học Phật
Nam tông không thừa nhận luận thuyết của hệ phái đại thừa về việc Phật Thích Ca
đã thành Phật từ rất nhiều đời. Về sau, do thấy chúng sinh cõi Ta Bà khổ não
nên nhập thế, giả nhập thai mẹ, giả lập gia đình, giả đi tầm đạo, giả tu khổ
hạnh rồi thị hiện thành đạo dưới cội bồ đề sau đó mới dấn thân hoằng pháp, giáo
hóa chúng sinh cang cường khó độ cõi Ta Bà. Người học Phật Nam Tông xác quyết
Thái tử Tất đạt đa chỉ là một chúng sinh như muôn chúng sinh trong cõi Ta Bà.
Vì thấy cuộc đời vô thường, nhiều khổ não nên mới lên đường tìm đạo, trải bao
gian truân, khổ nhọc thì Thái tử Tất đạt đa mới thành đạo và trở thành vị Phật,
là vị Giác giả đầu tiên và duy nhất trong lịch sử nhân loại từ xưa đến nay. Về
điểm này thì người học Phật Nam tông đã đúng nhưng việc bác bỏ hoàn toàn giáo
lý kinh điển đại thừa không do nơi Phật Thích Ca thuyết là một lỗi lầm thật có
ở người học Phật theo đường lối nguyên thủy. Có lẽ rơi vào biên kiến phủ định
kinh điển đại thừa không chứa đựng giáo lý chánh pháp mà hành giả thuộc hệ phái
Nam tông từ xưa đến nay chỉ đạt được sự minh sát - tỉnh thức mà không có Giác
giả hoàn toàn.
Bắc tông - hệ
phái đại thừa với rất nhiều chi nhánh riêng rẽ, sai biệt với Tịnh độ tông,
Thiền tông, Mật tông. Vì nhiều nên loạn, có thể nói người học Phật theo hệ phái
đại thừa phần nhiều chẳng rõ Tông chỉ ở từng pháp môn thọ trì. Trước sau người
học Phật theo hệ phái đại thừa chỉ dùng tư kiến cá nhân và niềm tin vô lối để
chọn pháp môn học Phật. Bởi do sự chia Tông, rẽ giáo ở hệ phái Bắc tông là khá
sâu sắc nên có phát sinh sự tranh giành tín đồ học Phật giữa các hệ phái. Vì
nhận thức trói buộc thời mạt pháp mà người học Phật Bắc tông có thiên hướng tu
phước, ít tu huệ do vậy nên việc hành trì pháp Phật của người học Phật đại thừa
có ít nhiều sự tắc trách, thiếu sự miên mật dụng công.
Ngày nay, phần
nhiều người học Phật theo hệ phái đại thừa học Phật trên lý nên việc khai mở
tuệ giác - Trí bát nhã gặp nhiều chướng ngại. Thật vậy, ngày nay rất hiếm thấy
người học Phật thuộc hệ phái đại thừa có hành giả chứng ngộ.
Nương theo lịch
sử Thiền tông xa xưa dựa vào pháp ngữ của các vị Thiền sư ta dễ dàng nhận ra
người học Phật xưa chứng ngộ pháp vô sanh không hề ít.
Vì sao người học
Phật theo hệ phái Bắc tông xưa có nhiều người chứng ngộ?
Vì người học
Phật thuộc hệ phái đại thừa mà nhất là người học Phật theo Thiền tông xưa có
thực tu nên có thực chứng. Còn người học Phật đại thừa ngày nay tu học trên lý
chỉ tựu thành tri kiến lập tri nên đâu dễ chứng đắc vô sư trí, ngộ pháp vô
sanh.
Mật tông ra đời
là kết quả của việc học Phật rơi vào biên kiến, chấp giữ huyễn thuật, bùa chú.
Người học Phật xưa dựa vào chánh pháp đạo Phật thọ trì pháp hành nhưng do không
có chân sư chỉ dẫn nên chẳng ngộ được pháp vô sanh, vì mống cầu đạt đạo nên
người học Phật xưa lần tìm về dấu tích Phật Thích Ca tầm đạo ngõ hầu tìm thấy
sự giác ngộ giải thoát. Kết quả của việc lội ngược dòng ở một thành phần người
học Phật xa xưa mà Mật tông ra đời. Và bùa chú, huyễn thuật của người hành trì
Mật tông chính thật là một pháp môn của ngoại đạo, đây là pháp hành thuộc về tà
kiến.
Đạo Phật vốn
không lạm dụng bùa chú, huyễn thuật. Bùa chú mà người học Phật ngày nay thọ trì
chỉ là nguyên văn của kinh điển gốc, là thổ âm, là ngôn ngữ bản địa chưa được
dịch thuật, chuyển ngữ.
Người tu Mật
tông do hành trì bùa chú, huyễn thuật nên dễ có cơ may tiếp cận với chúng sinh
cõi vô hình, năng lực tâm linh tăng trưởng, đây là trở ngại lớn đối với hành
giả hành trì pháp Phật. Vì hành giả đạt chút ít thành tựu tâm linh nên sa vào
đại ngã, dính mắc đại ngã hành giả khó thể triệt ngộ hoàn toàn. Vì lẽ đó mà từ
xưa đến nay người học Phật theo đường lối Mật tông ít người chứng ngộ, việc
truyền nối pháp âm thầm và hầu như không mang lại cứu cánh niết bàn cho tín đồ
thuần thành.
Tịnh độ tông rơi
vào biên kiến, chỉ có pháp môn niệm Phật phù hợp mọi căn cơ chúng sinh là còn
trụ thế ở đời mạt pháp nên việc ra sức xiểng dương pháp môn niệm Phật đẩy đạo
Phật rơi vào thời kỳ mạt pháp thật sự. Trong kinh A di đà có đoạn kinh viết với
đại ý “Thời mạt pháp kinh Phật sẽ không còn, sách nếu có sẽ không còn chữ viết,
đạo Phật chỉ còn lại lục tự Di đà - Nam mô A di đà Phật, nhẫn đến mãi về sau
chỉ còn lại bốn chữ - A di đà Phật để người học Phật thọ trì”. Do người học
Phật theo Tịnh độ tông cả tin vào kinh điển, thêm việc biếng lười tư duy học
Phật nên đa phần chỉ lấy việc niệm Phật làm cứu cánh giải thoát mà xa lìa việc
tham cứu Tam Tạng kinh, việc làm mông muội vô minh này khiến trí tuệ người học
Phật chẳng thể khai mở, giáo lý đạo giác ngộ ở pho Tam Tạng kinh vì thế đã rơi
vào sự mai một, ít người học Phật theo Tịnh độ tông thọ trì.
Do thấy nguy cơ
đạo Phật rơi vào thời mạt pháp thật sự - giáo lý chánh pháp bị thất truyền,
việc người học Phật cả tin nhận lầm ngụy kinh nên cả hai hệ phái Nam tông - Bắc
tông đều mở lời cảnh báo kinh A di đà là ngụy kinh len lõi trong pho Tam Tạng
giáo điển. Việc mở lời cảnh tỉnh ở các hệ phái học Phật ngoài pháp môn niệm
Phật về gốc tích kinh A di đà đã gây sự bất bình, tạo ra phản kháng mạnh mẽ từ
những người học Phật theo Tịnh độ tông. Các vị Tăng bảo thuộc Tịnh độ tông ra
sức biện giải kinh A di đà là chân kinh, Tín Nguyện Hạnh theo pháp môn niệm
Phật nhất định sẽ vãng sanh Tây phương cực lạc. Người học Phật theo Tịnh độ
tông với số lượng áp đảo cùng với việc thọ trì pháp môn niệm Phật đã lâu nên
tín tâm cùng sự cố chấp, bảo thủ sâu dày, họ đã ra sức bảo vệ việc tồn tại cõi
Tây phương cực lạc. Song tin rằng chưa có bất kỳ ai - chính họ hay một vị Tăng
bảo hoặc một người học Phật thuần thành theo pháp môn Tịnh độ tông từng đến cõi
A di đà và trở về. Chính vì sự tín tâm đó mà cõi giới A di đà được dựng lên.
Cõi A di đà vì thế mà thật có song cõi Tây phương cực lạc cũng chỉ là huyễn
cảnh, do tâm tưởng người học Phật giả lập mà tựu thành.
Tuy nhiên, cõi
Tây phương cực lạc được dựng lên nơi tâm tưởng của chúng sinh học Phật chẳng
thể thanh tịnh, thuần khiết, vi diệu như là huyễn cảnh được giả lập ra trong
kinh Phật, giá trị về Tây phương cực lạc nhất định sẽ thành Phật càng thêm nhạt
nhòa với bản ngã, sự si mê, tham đắm, sân hận, kiêu mạn và hoài nghi ở người
học Phật ngày nay.
Vậy kinh A di đà
là ngụy kinh hay chân kinh? Trong pho Tam Tạng kinh có bao nhiêu bộ kinh là
ngụy kinh, có bao nhiêu bộ kinh là chân kinh?
Bài liên quan
- Chọn lựa của nhân loại
- Đơn nghiệp - Cộng Nghiệp
- Bồ tát - Thanh văn
- Huyền môn và đạo Phật
- Một nguyên nhân khác khiến cho đạo Phật bị lu mờ
- Hóa giải thâm cừu, đại hận giữa các hệ phái đạo Phật
- Tam Tạng kinh do ai thuyết?
- Diệu ý Như Lai
- Phác họa chân dung Giác giả Thích Ca
- “Khai quan điểm nhãn” (P.4)
- “Khai quan điểm nhãn” (P.3)
- “Khai quan điểm nhãn” (P.2)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét