Cách phục lòng người - Sự quyền biến ,cơ mưu...
Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016
- Mình là người sang trọng, giàu có thì chớ
nên kiêu mạn.
- Mình là bậc thông minh, tài trí thì chớ
nên khinh người.
- Mình có quyền thế, sức mạnh thì chớ nên
chèn ép, đè nén người.
- Mình ăn nói lanh lợi, hoạt bát thì chớ nên
dối trá, lừa gạt người.
- Mình còn kém thì phải học, chưa biết thì
phải hỏi, phải biết lắng nghe.
- Ðối với làng nước thì phải giữ cái thứ
bậc, trật tự trên dưới.
- Ðối với người nhiều tuổi thì phải giữ cái
nghĩa con em.
- Ðối với người bằng vai thì phải giữ cái
nghĩa bè bạn.
- Ðối với trẻ thơ thì phải dạy bảo khoan
dung, độ lượng.
Như vậy thì ai cũng yêu, ai cũng kính, không
tranh giành với ai. Tâm địa rộng rãi thênh thang như trời đất, thì bao bọc được
cả muôn loài.
Hàn Thi Ngoại Truyện
Sự quyền biến, cơ mưu có trong
sách Hàn Phi Tử
Ngày trước, Di Tử Hà được vua nước Vệ tin yêu. Theo pháp luật của nước Vệ, ai tự tiện trưng dụng xe của nhà vua để đi lại là bị tội chặt chân.
Một hôm, mẹ Di Tử Hà lâm bệnh
nặng. Di Tử Hà nghe tin báo vào
lúc nửa đêm vội vàng lấy xe ngựa của vua về nhà chăm nom bệnh tình cho mẹ. Nhà vua nghe
tin cho là người hiền, đã miễn
tội chặt chân.
Vua nước Vệ nói:
- Di
Tử Hà thực là người con có hiếu! Sẵn lòng vì mẹ mà chịu tội chặt chân.
Hôm khác, Di Tử Hà cùng đi với vua trong vườn thượng uyển. Di Tử Hà đang ăn quả đào thấy ngon, không ăn hết mà dâng cho
vua nước Vệ.
Nhà vua nói:
- Anh ta thật yêu ta! Của đang ngon miệng mà biết nhớ nghĩ, nhường lại cho ta.
Về sau, nhà vua không còn lòng tin yêu,
trọng dụng Di Tử Hà.
Một dịp Di Tử Hà phạm lỗi, vua cả giận nói
rằng:
- Di Tử Hà đã từng có lúc dám tự tiện lấy xe
của ta đi. Lại một bận dám cho ta ăn quả đào thừa. Thật là mang tội với ta đã
rất nhiều lần.
Nói xong, nhà vua sai người bắt Di Tử Hà đem
đi trị tội.
Di
Tử Hà ăn ở với vua trước sau vẫn vậy. Thế nhưng lúc trước vua khen, về sau vua
bắt tội là vì khi yêu ghét khác nhau mà thành ra nơi sự có khác biệt. Lúc được
vua yêu, việc làm chính thật là tạo tội thì lại hóa công thần. Tuy vậy, đến khi
vua chán ghét, việc làm chính ra không đáng tội thì lại hóa ra thành tội. Cho
nên người muốn can ngăn, đàm luận với vua điều gì, thì trước phải xem xét cái
lòng vua yêu hay ghét thế nào rồi hãy nói.
Hàn Phi Tử
Lời Bàn:
Đó là vì lòng yêu ghét có sự thay đổi. Cho nên được nhà vua yêu thì cái khôn của
mình càng làm cho mình được thân, bị nhà vua ghét thì cái hay của mình càng làm cho mình bị ruồng bỏ, hại mạng.
Sự yêu ghét thường làm cho con người nhìn
nhận vấn đề trở nên lệch lạc, không thật đúng với sự thật, bản chất; không rõ
biết được cái giá trị của người được yêu hay bị ghét là như thế nào?
Không nói gì yêu người này, ghét người nọ,
cũng chỉ một người ấy, lúc yêu cho ra thế này, lúc ghét cho ra thế kia. Cái
thói thường yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu. Trong lòng đã vậy thì sự cư xử
cũng theo đó mà biểu hiện. Lúc yêu nhiều bao nhiêu thì đến lúc ghét lại hận bấy
nhiêu.
Kinh nghiệm người xưa đã đúc kết lại “Yêu
nhau cau bảy bổ ba, ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười”.
Lại chẳng những yêu ghét riêng một người ấy
thường yêu ghét đến cả những sự việc hay những người có liên quan đến người ấy.
Vì lẽ đó, dân gian có câu “Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông
chi, họ hàng”.
Sự yêu ghét làm cho con người thiên vị và
lầm lộn, xáo trộn mọi thứ. Cho nên con người muốn cho công bình, ngay thẳng,
đúng mực thì khi yêu, khi ghét phải nên rõ cái giá trị của người được yêu hay
bị ghét, rõ biết cả chỗ phải và chỗ trái.
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét