Phẩm Trò Chuyện Cùng Các Vị Bồ Tát (P.2)
Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016
Tinh yếu lược giải:
Cũng như là cư
sĩ Duy ma cật, những vị Bồ tát, đồng tử, con nhà trưởng giả giàu có xuất hiện ở
Phẩm trò chuyện cùng các vị Bồ tát cũng chỉ là những hóa thân Bồ tát do vị Giác
giả thông tuệ giả lập mà tượng hình.
Có một điểm rất
đáng lưu ý ở người học Phật khi thọ trì những bộ kinh đại thừa, đó là kinh điển
đại thừa thường chú trọng đến việc hành Bồ tát đạo. Vì thế nên khuynh hướng của
kinh điển đại thừa luôn hướng đến người học Phật có pháp khí đại thừa, những
người có tấm lòng Bồ tát.
Kinh Duy ma cật
sở thuyết là bộ kinh được vị Giác giả sau thời Phật Thích Ca truyền tải thông
điệp hành Bồ tát đạo, phát tâm đại thừa đến người học Phật một cách rất rõ rệt,
đặc sắc nhất.
Như tôi đã trình
bày từ trước tên của các vị Bồ tát, Phật, Phạm thiên, Đồng tử, Trưởng giả,…mà
vị Giác giả sử dụng đều biểu thị cho tánh hạnh của một con người có chí hướng
xuất trần, quyết liễu đạt sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn.
Ở Phẩm nói chuyện
cùng các vị Bồ tát, nếu người học Phật có sự chú tâm đúng mực thì sẽ dễ dàng
nhận ra ngoài hai vị Di Lặc Bồ tát, Trì Thế Bồ tát còn có hai chàng trai trẻ là
Đồng tử Quang Nghiêm và Thiện Đức. Điều này có nghĩa là vị Giác giả thông tuệ
thừa nhận và lưu ý với người học Phật rằng chính những người trẻ tuổi tràn đầy
sức sống, nhiệt huyết, trí tuệ minh mẫn cùng với sự hiểu biết khách quan đã
đang sẽ là những vị đại Bồ tát có pháp khí đại thừa. Danh hiệu Đồng tử Quang
Nghiêm biểu thị cho một con người có tâm hồn trong sáng, thanh tịnh; Chàng trai
trẻ giàu có Thiện Đức với những cuộc đại bố thí, cúng dường biểu thị cho tấm
lòng nhân hậu, lương thiện, đức độ. Đây thật chính là những người giữ lửa và
nâng cao ngọn đuốc chánh pháp ở phạm vi nhân loại, là Phật Di Lặc thiên bá ức
hóa thân. Quả thật tầm nhìn của Phật Thích Ca và vị Giác giả sau thời Phật
Thích Ca là bất khả tư nghị.
1 - Di Lặc Bồ
tát:
Phật đã từng
thuyết pháp về việc thọ ký cho Di Lặc Bồ tát là Phật sẽ thành. Kinh viết Phật
Di Lặc sẽ nhập thế với thiên bá ức hóa thân và thông điệp được Giác giả truyền
tải qua vị Bồ tát Di Lặc là tứ vô lượng tâm - Từ bi hỷ xả.
Tiếc rằng người
học Phật còn vô minh, mê vọng thành tánh nên chẳng rõ dụng tâm của những Bậc
Toàn Giác.
Lẽ ra, người học
Phật nên sáng rõ mối gắn kết mật thiết giữa những lời Phật thuyết “Ta là Phật
đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” và việc thọ ký Di Lặc Bồ tát ở đời vị
lai. Kết hợp hai sự kiện lại và với một sự khách quan, đúng mực, sáng rõ mỗi
người hãy tự trả lời “Vậy ai sẽ là Phật Di Lặc đương lai hạ sinh?”. Chẳng phải
mỗi người học Phật, mỗi chúng sinh sáng rõ chánh pháp đều là một hóa thân Phật
Di Lặc với đủ đầy Từ bi hỷ xả.
Giác giả đã dùng
pháp phương tiện khéo để sách tấn, khích lệ người học Phật phát tâm đại thừa.
Khi người học Phật thọ trì pháp môn Từ bi hỷ xả đúng mực với pháp khí đại thừa
thì sẽ mau chóng thâm nhập trí tuệ Bát nhã. Người học Phật hàm thụ trí tuệ Bát
nhã viên dung thì sẽ dễ dàng chứng ngộ sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn, Giác
giả ra đời đâu cần đến danh xưng Di Lặc Tôn Phật.
Phẩm Trò chuyện
cùng các vị Bồ tát có trong Kinh Duy ma cật sở thuyết bày những ngã chấp sai
lạc ở người học Phật về sự ra đời của vị Phật Di Lặc. Thật ra, nếu nói vị Giác
giả thứ hai là Phật Di Lặc cũng không sai. Song Phật Di Lặc xuất thế không chỉ
với một hóa thân duy nhất mà là với thiên bá ức hóa thân. Do vậy nên mỗi người
giác ngộ giải thoát hoàn toàn về sau đều là một vị Phật Di Lặc.
…
Trưởng giải Duy
ma cật vấn Di Lặc Bồ tát:
- Ngài Di Lặc! Thế Tôn thọ ký cho ngài một
đời sẽ được quả vô thượng chánh đẳng chánh giác, đó là đời nào mà ngài được thọ
ký? Đời quá khứ chăng? Đời vị lai chăng? Đời hiện tại chăng? Nếu là đời quá khứ
thì quá khứ đã qua. Nếu là đời vị lai thì vị lai sẽ luôn chưa đến. Nếu là đời
hiện tại thì hiện tại vốn không có sự dừng lặng dù chỉ một phút giây, vậy hiện
tại là khi nào? Như lời Phật từng nói “Này chư Tỳ kheo! Như ông ngay bây giờ
cũng sinh, cũng già, cũng chết”. Nếu dùng vô sanh mà được thọ ký thì vô sanh
tức là chánh vị. Thật ra ở trong chánh vị cũng không thọ ký, cũng không được
quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. Thế nào là Bồ tát Di Lặc được thọ ký một
đời? Là từ Như sinh mà được thọ ký, hay từ Như diệt mà được thọ ký? Nếu từ Như
sinh mà được thọ ký mà Như vốn không có sinh ra. Nếu từ Như diệt được thọ ký mà
Như vốn lại không có diệt. Tất cả chúng sinh đều Như, tất cả pháp cũng đều Như,
các Thánh Hiền cũng Như, cho đến Di Lặc cũng Như. Nếu Di Lặc được thọ ký thì tất
cả chúng sinh cũng phải được thọ ký. Vì sao? Vì Như là không hai, không khác.
Nếu Di Lặc được quả vô thượng chánh đẳng chánh giác thì tất cả chúng sinh cũng
đều được. Vì sao? Tất cả chúng sinh chính là tướng Bồ đề. Nếu Di Lặc được diệt
độ, tất cả chúng sinh cũng đều diệt độ. Vì sao? Như Lai biết tất cả chúng sinh
rốt ráo vắng lặng, chính là tướng Niết bàn, chẳng còn diệt nữa.
Tánh không hai
của vạn pháp đã được hiển bày rõ trong kinh Duy ma cật sở thuyết và lời vấn Di
Lặc Bồ tát của cư sĩ Duy ma cật cũng thể hiện rõ điều đó. Phật là Như Lai thì
làm gì có đến đi, có 3 thời - Quá khứ, hiện tại, vị lai. Phật là chúng sinh,
chúng sinh là Phật, chúng sinh và Phật vốn không hai. Chỉ do mê ngộ, sự hiểu
biết chẳng đồng mà có Phật, có chúng sinh. Phật, người thoát khỏi mọi ràng buộc
khổ não, sinh tử; Còn chúng sinh thì với mọi muộn phiền vây kín cùng với sự
trôi lăn vô định nơi quy luật sinh tử luân hồi.
- Cho nên Di Lặc, chớ dùng pháp đó dạy bảo
các Thiên tử, thật không có chi gọi là phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh
giác, cũng không có chi gọi là sự thoái lui Bồ đề tâm. Ngài Di Lặc! Hãy làm cho
các vị Thiên tử này bỏ chỗ kiến chấp phân biệt Bồ đề. Vì sao? Vì Bồ đề không
thể dùng thân được, không thể dùng tâm được. Tịch diệt là Bồ đề vì diệt các
tướng; Chẳng quán chiếu là Bồ đề vì lìa các duyên; Chẳng hiện hạnh là Bồ đề vì
không chấp giữ; Đoạn dứt là Bồ đề vì bỏ các kiến chấp; Lìa huyễn là Bồ đề vì
dứt các vọng tưởng. Chướng là Bồ đề vì ngăn các nguyện; Bất nhập là Bồ đề vì
không tham đắm. Thuận là Bồ đề vì thuận chân như; Trụ là Bồ đề vì trụ pháp
tánh; Không hai là Bồ đề vì lìa chấp pháp tánh; Bình đẳng là Bồ đề vì đồng hư
không; Không làm là Bồ đề vì không sinh, trụ, diệt; Biết là Bồ đề vì rõ tâm hạnh
chúng sinh; Không đến là Bồ đề vì không nhóm họp; Không họp là Bồ đề vì rời tập
khí phiền não; Không xứ sở là Bồ đề vì không hình sắc; Giả danh là Bồ đề vì
danh tự vốn không; Như huyễn hóa là Bồ đề vì không thủ xả; Không loạn là Bồ đề
vì thường tự vắng lặng; Vắng lặng là Bồ đề vì tánh thanh tịnh; Không giữ là Bồ
đề vì rời các duyên; Không khác là Bồ đề vì các pháp bình đẳng; Không sinh là
Bồ đề vì không thể chỉ ra; Vi diệu là Bồ đề vì các pháp khó biết.
Ai là Thiên tử?
Chúng sinh, Phật, Thiên tử là không hai. Vị Giác giả đang nhắc nhở, cảnh tỉnh
người học Phật về những điều rất đúng mực, khách quan, sáng rõ. Đáng tiếc là
người học Phật cứ ở trong lưới vô minh mà sinh khởi tà kiến, kiến chấp mê mờ
nào là chấp Pháp, chấp Tướng, chấp văn tự, chấp Ngã, chấp Có, chấp Không, chấp
Phật, chấp chúng sinh, chấp Giới, chấp Thiền, chấp Mật, chấp Tịnh, chấp Tăng…
Người học Phật
còn trong lưới vô minh thảy đều là ngoại đạo, do vậy nên lời nói của người học
Phật chưa triệt ngộ đều là tà thuyết dù rằng họ vẫn nói chánh pháp có nơi giáo
lý đạo Phật. Đây là điều mà người học Phật chân chánh, đúng mực - những vị Bồ
tát nên khách quan nhận biết.
2 - Đồng tử
Quang Nghiêm:
Với Đồng tử
Quang Nghiêm, Giác giả chỉ bày về Bồ đề đạo tràng mà người học Phật hành Bồ tát
đạo nên nhận chân, đạo tràng không chỉ là nơi an tịnh của những người học Phật
mà đạo tràng không ở trong, không ở ngoài, không trụ vô vi, không rời hữu vi...
3 - Hộ Thế Bồ
tát:
Hộ Thế Bồ tát là
ai?
Hộ Thế Bồ tát
chính là những người có tấm lòng thiện lương, sống vì mọi người, biết hướng mọi
người sống theo chánh pháp để xã hội phát triển hài hòa, bền vững. Và trong mỗi
người luôn có những hạt giống biết yêu người, thế nên có ai không là Bồ tát Hộ
Thế, có chăng là do không thể tự nhận biết.
Trong Phẩm trò
chuyện cùng các vị Bồ tát, vị Bồ tát Hộ Thế đang là một người học Phật tinh tấn
hành trì chánh định.
Chánh định của
người học Phật chân chính là gì?
Là thoát khổ,
giác ngộ pháp vô sanh và chọn lựa sự tự chủ trong việc luân hồi sinh tử.
Tương truyền khi
những hành giả hành trì thiền định rốt ráo nhằm triệt ngộ sự giải thoát hoàn
toàn thường sẽ có Thiên ma Ba Tuần đến não hại, nếu hành giả sinh khởi vọng
tưởng, đem lòng chấp đắm thì sẽ bị nhiễu loạn chánh định, việc rơi vào tà kiến
dễ khiến hành giả trở nên mê loạn, hoang tưởng hoặc đến mức điên dại.
Thiên ma Ba Tuần
là hạng chúng sinh nào mà lại hay làm khó người tìm về sự giải thoát hoàn toàn?
Thật ra Thiên ma
Ba Tuần vốn không là Ma bên ngoài - Ma vương cõi Tam giới mà chính là Tâm ma
lưu xuất từ nội tâm của vị hành giả. Nếu hành giả có chánh định vững vàng, tâm
minh, trí sáng thì Tâm ma đâu thể làm não hại. Ma từ bên trong còn chẳng thể
làm khó thì Ma bên ngoài càng khó thể làm động loạn.
Về Thiên ma Ba
Tuần, người học Phật xưa nay quả thật đã có sự hiểu biết mê lầm, sai lạc với sự
thật. Ở pháp thế gian, khi lắng lòng nhìn vào sự phân định 3 cõi 6 đường có nơi
giáo lý đạo Phật người tham cứu đạo Phật sẽ nhận ra những loài có sự sống nơi 6
đường đều có cùng một tên gọi, đó là chúng sinh nơi 3 cõi. Vì thế nên chúng
sinh 3 cõi sẽ vừa là Trời, người, A tu la, ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục, đây là
sự đúng mực của chân nghĩa đế - Một là tất cả, tất cả là một. Chỉ cần lắng lòng
mỗi người sẽ tự nhận ra trong nội tâm mỗi người sẽ hội tụ đủ tất cả mọi chúng
sinh hiện có nơi Tam giới.
Với pháp xuất
thế gian thì chỉ có hai đối tượng, ngộ là Phật, mê là chúng sinh do vậy có thể
nói ngộ là Giác giả, mê là Ma vương. Học Phật mà hiểu được như thế thì mới
không luống uổng công đức thâm nhập trí tuệ Bát nhã, thế nên Thiên ma Ba Tuần
cũng chính là chúng sinh học Phật chưa thấu triệt chánh pháp.
Biết người học
Phật xưa nay nhân chuyện Tâm ma đến khuấy nhiễu trước ngày thành đạo vô thượng
nơi cội bồ đề của Phật Thích Ca sinh lòng chấp trước, dính mắc sinh lòng sợ sệt
gây chướng ngại sự tinh tấn hành trì việc thiền định - quán chiếu do vậy vị
Giác giả thứ hai đã khơi gợi câu chuyện Thiên ma Ba Tuần đến não loại Hộ Thế Bồ
tát nhằm biện rõ lẽ chân ngụy.
…
- Nhớ lại lúc trước, con đang ở nơi tịnh
thất, bấy giờ Thiên ma Ba Tuần hóa thành trời Đế Thích cùng một muôn hai ngàn
Thể nữ trổi nhạc, ca hát đồng hiện thân. Thiên ma cùng Thể nữ cúi đầu làm lễ
dưới chân con, chắp tay cung kính rồi đứng sang một bên. Con ngỡ trời Đế Thích
đến tham vấn nên bảo rằng “Chào, ngài Kiều Thi Ca! Dù có phước lớn ngài chớ buông
lung. Ngài nên quán ngũ dục là vô thường để cầu cội lành, ở nơi thân mạng, tài
sản mà nên tu pháp bền chắc”. Thiên ma liền nói “Thưa Chánh sĩ! Xin Ngài nhận
cho một muôn hai ngàn Thể nữ này để dùng hầu hạ, dọn dẹp”. Con nói rằng “Này
ngài Kiều Thi Ca! Ngài đừng cho tôi những vật phi pháp, tôi là người xuất gia
cầu giải thoát, việc thọ dụng Thể nữ là giới cấm, dòng dõi học trò Phật Thích
Ca không thể khứng nhận”. Con nói chưa dứt lời, bỗng thấy ngài Duy ma cật hiện
thân và nói “Đây chẳng phải là trời Đế Thích, đây là Thiên ma Ba Tuần đến làm
loạn động chánh định của ngài đấy”. Nói đoạn, ngài ấy liền quay lại vấn Thiên
ma “Các vị Thể nữ này hãy cúng dường cho ta, ta sẽ thọ nhận. Việc này có được
không?”. Thiên ma Ba Tuần kinh hãi thầm nghĩ “Hẳn là trưởng giả Duy ma
cật đến gây phiền cho ta? Nghĩ vậy, Thiên ma muốn biến mất mà không thể được
như ý, dù vận dụng hết quyền phép Thiên ma cũng không thể ẩn hình. Xảy nghe
giữa hư không có tiếng rằng “Này Thiên ma Ba Tuần! Hãy đem Thể nữ cho trưởng
giả Duy ma cật thì mới đi được”. Thiên ma vì không còn cách nào khác, lại rất
kinh hãi nên đành chấp nhận việc cúng dường Thể nữ.
Hãy lắng lòng
chứng nghiệm câu chuyện Bồ tát Hộ Thế ứng đối trước những chúng sinh nơi Tam
giới. Lúc trưởng giả Duy ma cật chưa hiện thân thì Thiên ma Ba Tuần mặc nhiên
là trời Đế Thích cũng đồng thời là một người cư sĩ tại gia giàu có, quyến thuộc
đông đúc.
Bồ tát Hộ Thế
với hình tượng người xuất gia tinh tấn hành trì song lại chưa triệt ngộ chánh
pháp. Khi thấy người tham đắm ngũ dục đã y kinh giải nghĩa khiến người này phát
tâm vô thượng bồ đề và để xả ly ngũ dục theo lối y kinh mà Bồ tát Hộ Thế chỉ
bày thì người học Phật phải xả ly tất cả, thế là xảy ra việc cúng dường quyến
thuộc cùng tài vật. Đứng trước tình huống đặc biệt y kinh này thì những người
học Phật chưa triệt ngộ chánh pháp mà đại diện là Bồ tát Hộ Thế hoàn toàn bất
ngờ và thật sự kinh hoảng, hoang mang. Vấn đề này quả thật là điều nằm ngoài sự
hiểu biết y kinh của người học Phật chưa triệt ngộ. Bồ tát Hộ Thế không còn
cách nào khác ngoài việc thoái thác trách nhiệm đối với quyến thuộc, tài vật
của người phát tâm vô thượng bồ đề mang đến cúng dường, đây là cách hành xử
không đúng mực và thể hiện rõ sự vô trách nhiệm đối với những lời đã thuyết ở
người học Phật. Điều này sẽ gây chướng ngại tâm cầu đạo vô thượng ở người học
Phật vừa tìm đến tham vấn khi mà họ vừa mới phát khởi tâm đại thừa dũng mãnh,
cầu trí tuệ Bát nhã, sự giải thoát quyết liệt, rốt ráo.
Song với sự xuất
hiện của ngài Duy ma cật thì tình hình đã thay đổi trời Đế Thích trong phút
chốc đã trở thành Thiên ma Ba Tuần, điều này thể hiện sự vô thường ở tâm ý mọi
chúng sinh nơi Tam giới. Người phát tâm vô thượng bồ đề sẵn sàng cúng dường tất
cả bỗng trở nên thoái thất khi có vị Bồ tát sẵn sàng nhận lấy vật phẩm đã được
hứa cúng dường. Vì sao lại có sự thoái thất đột ngột này? Vì thú vui ngũ dục đã
từng trói buộc mọi chúng sinh trôi lăn vô định trong các nẻo luân hồi vốn có sự
dính mắc sâu nặng, thế nên người học Phật sơ phát tâm không thể nói xả bỏ là có
thể thành tựu rốt ráo ngay.
Trước sự khẳng
khái nhận một muôn hai ngàn Thể nữ hay nói cách khác là tất cả tài vật, quyến
thuộc đã từng ràng buộc người phát tâm vô thượng bồ đề của ngài Duy ma cật thì
người học Phật sơ phát tâm, Thiên ma Ba Tuần cảm thấy sự mất mát, luống uổng và
tính phi lý của việc xả thí, do vậy nên trong lòng người học Phật sơ phát tâm
có sự thoái thất, thật không còn tâm ý cúng dường thú vui ngũ dục. Tuy nhiên,
lời đã nói ra cũng không dễ thu hồi, thế nên đành im lặng và ra sức suy lường
nhằm tìm cách rút lui mà không thiệt hại về tài vật đã hứa ứng cúng dường.
Ngài Duy ma cật
mặc định sự im lặng của Thiên ma Ba Tuần là đồng ý nên quay sang chỉ bày chánh
pháp nhãn tạng Như Lai cho các thể nữ, quyến thuộc của chúng Ma.
Khi ấy, ngài Duy ma cật ôn tồn nói với các
Thể nữ “Thiên ma đã đem các ngươi cho ta rồi, nay các ngươi đều phải phát tâm
vô thượng chánh đẳng chánh giác”. Rồi tùy theo căn cơ của Thể nữ mà ngài Duy ma
cật diễn nói Pháp yếu để chúng Thể nữ đều phát tâm Bồ đề bất thoái chuyển. Sau
khi diễn nói pháp bất khả tư nghị trưởng giả Duy ma cật sách tấn chúng Thể nữ
rằng “Các ngươi đã phát tâm cầu sự giải thoát hoàn toàn, từ nay các ngươi đã có
niềm vui an lạc của chánh pháp thế nên về sau đừng buông lung tánh ý mà lại đắm
nhiễm các món ngũ dục vô thường”. Thể nữ hỏi “Thế nào là niềm vui an lạc của
chánh pháp?”. Trưởng giả Duy ma cật đáp “Niềm vui an lạc của chánh pháp là niềm
vui tín tâm Phật, thích nghe pháp, ưa cúng dường Tăng, xa lìa ngũ dục đắm
nhiễm, thường quán ngũ ấm như oán tặc, nhận rõ thân tứ đại như rắn độc, biết
sáu căn rỗng không, niềm vui giữ gìn thân khẩu ý thanh tịnh, niềm vui vì lợi
ích chúng sinh, niềm vui cung kính cúng dường thiện tri thức, niềm vui hành
pháp nhẫn nhục nhu hòa, niềm vui tích lũy căn lành, niềm vui thiền định chẳng
loạn ý, niềm vui rời đắm nhiễm thế gian đặng trí tuệ sáng suốt, niềm vui mở
rộng tâm Bồ đề, niềm vui hàng phục chúng ma phiền não, oán hờn, sinh tử…, niềm
vui cõi nước thanh tịnh, niềm vui thành tựu các tướng tốt mà vun bồi công đức,
niềm vui trang nghiêm đạo tràng, niềm vui nghe pháp thâm diệu mà không kinh sợ,
niềm vui nơi ba môn giải thoát mà không vui phi thời, niềm vui gần bạn đồng
học, niềm vui ở chung với người không phải đồng học mà lòng không chướng ngại,
vui giúp đỡ ác tri thức, vui gần thiện tri thức, niềm vui tâm hoan hỷ thanh
tịnh, vui tu vô lượng pháp phương tiện khéo. Đó là niềm vui an lạc của Bồ tát”.
Với vai trò của
một vị Bồ tát triệt ngộ chánh pháp, ngài Duy ma cật rõ biết tâm ý các nẻo chúng
sinh hay vô thường, tráo trở nên sớm nhận ra sự thoái thất ở người học Phật sơ
phát tâm, dù vậy ngài chú trọng đến việc giáo hóa trên diện rộng, nếu người học
Phật sơ phát tâm có ý thoái thất thì còn có quyến thuộc của họ, những người sẵn
sàng đi trên con đường lớn chánh pháp vì đã thực sự nhàm mỏi việc sinh tử luân
hồi, khổ não cùng thú vui ngũ dục buông lung.
Sau khi chỉ rõ
về sự giải thoát hoàn toàn, sự thù thắng, vi diệu của chánh pháp trưởng giả Duy
ma cật hướng dẫn quyến thuộc của chúng Ma về cách hành trì, cách liễu ngộ chánh
pháp để xây dựng Bồ đề tâm kiên cố, bất thoài chuyển. Việc nói chánh pháp đúng
pháp đã khiến quyến thuộc chúng Ma thảy đều phát tâm vô thượng bồ đề, đây cũng
là nền tảng vững chắc góp phần khiến chúng Ma dẫu có thoái thất thì về sau cũng
quy y chánh pháp. Cuối cùng, ngài Duy ma cật khích lệ, động viên người học
Phật, một muôn hai ngàn Thể nữ tìm về quả vô thượng bồ đề hãy nên phát tâm đại
thừa xây dựng cõi nước đang ở trở nên thanh tịnh, hài hòa.
Khi ấy, Thiên ma Ba Tuần bảo các Thể nữ rằng
“Ta muốn các người cùng về”. Các Thể nữ đáp “Ngài đã đem chúng tôi cho cư sĩ,
chúng tôi đã có niềm vui chánh pháp, chúng tôi ưng lắm, chúng tôi không còn
muốn vui theo ngũ dục nữa”. Thiên ma liền thưa với trưởng giả Duy ma cật rằng
“Xin ngài hãy xả thí các Thể nữ! Người nên đem tất cả tài vật của mình để bố
thí cho kẻ khác, người đó mới là Bồ tát”. Ngài Duy ma cật nói “Ta đã xả rồi,
ngươi hãy đem họ đi để cho tất cả các người được pháp nguyện đầy đủ”. Lúc ấy,
các Thể nữ hỏi cư sĩ Duy ma cật rằng “Chúng tôi nên làm gì ở nơi cung ma?”.
Ngài Duy ma cật đáp “Này các Thể nữ! Có Pháp môn là Vô tận đăng, các vị nên thọ
trì. Pháp môn Vô tận đăng là pháp phương tiện thù thắng, xảo diệu ví như một
ngọn đèn mồi đốt trăm ngàn ngọn đèn, những chỗ tối nhờ vậy đều được sáng tỏ, ánh
sáng lan tỏa mãi không cùng tận. Là như thế đấy! Hơn nữa, một vị Bồ tát hướng
dẫn, khai mở trí tuệ cho hàng trăm ngàn chúng sinh phát tâm Bồ đề, đạo tâm của
người đó cũng chẳng bị tiêu mất, tùy nói pháp gì đều đem lợi lạc cho các Pháp
lành, đó gọi là Vô tận đăng. Các vị hãy nên ở nơi cung ma mà dùng Pháp môn Vô tận
đăng ngõ hầu giúp cho vô số Thể nữ cùng mọi người phát tâm vô thượng bồ đề, đó
là báo ơn Phật, cũng là việc làm lợi ích cho tất cả chúng sinh”. Bấy giờ, các
Thể nữ cúi đầu đảnh lễ dưới chân trưởng giả Duy ma cật rồi theo Thiên ma Ba
Tuần trở về cung Ma, thảy đều biến mất không còn nữa.
Rồi thì Thiên ma
Ba Tuần cũng nghĩ ra được cách rút lui mà vẫn đảm bảo không mất tài vật đã xả
thí với lối lập luận “Người đem tất cả tài vật bố thí cho kẻ khác mới là Đại Bồ
tát”. Và vị Giác giả với mục đích giáo hóa chúng sinh viên mãn đã “tương kế tựu
kế” hoàn trả tài vật, quyến thuộc lại cho Ma vương nhằm đảm bảo việc thuyết
pháp không có người thuyết pháp, không có kẻ nghe thuyết pháp và không có cả
Pháp thuyết; Đây gọi là chân thuyết pháp.
Pháp môn Vô tận
đăng được trao truyền cho chúng Ma, cho người học Phật chưa triệt ngộ. Ngọn đèn
Vô tận đăng chính là ngọn đuốc chánh pháp cứu khổ, giải thoát hoàn toàn được
trao truyền vào nhân loại dựa vào nền tảng chúng Ma có nơi Tam giới. Vị Giác
giả triệt ngộ rõ biết chỉ có nơi cung Ma mới có nhiều khổ não bức ngặt tâm thức
chúng sinh và chỉ có quyến thuộc chúng Ma, những người cùng khổ có tâm minh,
trí sáng mới đủ khả năng kham nhẫn, thắp lên ngọn đuốc chánh pháp làm sáng rỡ
cung Ma tăm tối.
Cung Ma chính là
xã hội loài người cùng những tranh giành hơn thua, được mất hỗn độn với chiến
tranh, hận thù và giết chóc trải qua ngàn muôn ức kiếp trả vay. Cung Ma cũng
chính là nội tâm bấn loạn, chất chứa những ưu phiền vây kín kiếp tử sinh xuôi
ngược chẳng biết đến điểm dừng của mỗi người.
Thế nên, lời
nhắn nhủ của những vị Giác giả đến người học Phật có pháp khí đại thừa là hãy
trao truyền chánh pháp đến những nơi có sự hiện diện của khổ đau, thù hận, giết
chóc bởi Tham sân si mạn nghi. Hãy phổ truyền chánh pháp đến với sự hiểu biết
khách quan, đúng mực của nhân loại.
Đừng mãi giữ Tam
Tạng kinh nơi Tàng Kinh Các của thiền viện, chùa chiền vì nơi trú ngụ của Tăng
bảo theo hạnh Thanh văn thừa chỉ là nơi chứa giữ kho tàng Như Lai tạng. Song
những người học Phật đã bị ràng buộc bởi biên kiến nẻo đạo sẽ không đủ sức nâng
cao ngọn đuốc chánh pháp làm bừng sáng sự văn minh, tiến bộ, hài hòa, bác ái
nơi xã hội loài người.
4 - Chàng trai
trẻ Thiện Đức:
Lời nhắn gửi của
Giác giả đến với những người trẻ tuổi, năng động, nhiệt tâm, khí khái sẵn sàng
thọ trì hạnh nguyện Bồ tát, bố thí, cúng dường khắp tất cả.
Giác giả khẳng
định “Trong các việc bố thí thì Pháp thí là thù thắng, vi diệu bậc nhất, là
công đức bất khả tư nghị”.
Người hành hạnh
Bồ tát nên liễu ngộ điều đó, tài sản, vật thực, thuốc trị bệnh tuy cần cho
người học Phật, người tìm về chánh pháp vì nó giúp người nuôi giữ thân mạng
nhưng đây chỉ là pháp thế gian, pháp thế gian thì sẽ hạn cuộc nơi ràng buộc,
dính mắc khổ não, sinh tử. Do vậy người xả thí phải vượt ra ngoài sự đối đãi có
không mà hướng đại chúng và tự thân đến quả vô thượng bồ đề, là cúng dường Pháp
xuất thế gian. Việc bố thí phải dũng mãnh đến mức thành tựu pháp thí không có
người cho, không có kẻ nhận, không phải không có vật bố thí, không phải có vật
bố thí… là việc xả thí rốt ráo không còn chướng ngại bởi tâm dính mắc, ràng
buộc.
Trưởng giả Duy
ma cật diễn giải:
- Nghĩa là lập hội Đại thí vì đạo giải
thoát, khởi Bồ đề tâm; Vì cứu chúng sinh, khởi tâm đại bi; Vì muốn giữ gìn
chánh pháp, khởi tâm hoan hỉ; Vì nhiếp trí tuệ, làm theo tâm xả; Vì nhiếp tâm
tham lam khởi bố thí ba la mật; Vì độ kẻ phạm giới khởi trì giới ba la mật; Vì
pháp vô ngã khởi nhẫn nhục ba la mật; Vì rời tướng thân tâm khởi tinh tấn ba la
mật; Vì tướng Bồ đề khởi thiền định ba la mật; Vì nhất chủng thiết trí khởi trí
tuệ ba la mật; Vì giáo hóa chúng sinh mà khởi nói pháp Không; Chẳng bỏ pháp hữu
vi mà khởi pháp Vô tướng; Thị hiện thọ sinh mà khởi pháp Vô tác; Hộ trì Chánh
pháp khởi pháp phương tiện khéo; Vì độ chúng sinh khởi pháp tứ nhiếp; Vì cung kính
tất cả khởi pháp trừ khinh mạn; Đổi thân, mạng và tài sản khởi ba pháp bền
chắc; Trong pháp lục niệm khởi ra pháp nhớ tưởng; Ở sáu pháp hòa kính khởi tâm
chánh trực; Chân chánh thực hành thiện pháp khởi chánh mạng trong sạch; Vì tâm
thanh tịnh hoan hỷ khởi gần bậc Thánh hiền; Vì chẳng ghét người dữ khởi tâm
điều phục; Vì pháp xuất Tam giới gia khởi thâm tâm; Vì đúng theo chỗ nói mà làm
khởi đa văn; Vì diễn nói pháp vô tranh khởi ở chỗ yên lặng; Vì đi tới Phật huệ
khởi ra ngồi yên lặng (Thiền định - Thiền quán); Vì mở ràng buộc cho chúng sinh
khởi sự truyền pháp; Vì đầy đủ tướng tốt và thanh tịnh cõi Phật khởi sự nghiệp
phước đức; Vì muốn biết tâm niệm tất cả chúng sinh đúng chỗ nói pháp khởi ra
nghiệp trí; Vì biết tất cả pháp không lấy không bỏ, vào môn nhất tướng khởi ra trí
tuệ Bát nhã; Vì đoạn tất cả phiền não, tất cả chướng ngại, tất cả việc bất
thiện khởi làm tất cả pháp trợ Phật đạo. Như vậy đấy,Thiện nam tử! Đó là hội
pháp thí. Nếu Bồ tát trụ nơi hội pháp thí đó, là vị đại thí chủ, cũng là phước
điền cho tất cả thế gian.
…
Lúc đó, tâm con đặng thanh tịnh, con đã cất
lời ngợi khen chưa từng có và cúi đầu đảnh lễ dưới chân ngài Duy ma cật. Con
liền mở chuỗi Anh lạc giá đáng trăm ngàn lượng vàng dâng lên, ngài ấy không ứng
nhận. Con nói:
- Thưa bậc Đại thiện tri thức! Xin ngài hãy
nhận, tùy ý ngài sử dụng.
Ngài Duy ma cật liền lấy chuỗi Anh lạc chia
làm hai phần, một phần đem cho người ăn xin hèn hạ nhất trong hội, còn một phần
đem dâng cho Đức Nan Thắng Như Lai. Tất cả chúng trong hội đều thấy cõi nước
Quang Minh và Đức Nan Thắng Như Lai, lại thấy chuỗi Anh lạc ở trên cõi Đức Phật
Nan Thắng biến thành bốn trụ đài quí báu, bốn mặt đều trang nghiêm rực rỡ không
ngăn che nhau.
Sau cùng, vì rõ
biết tâm của chúng sinh chất chứa điều phân biệt thủ xả việc bố thí, cúng dường
- Việc tham đắm phước báu đời sau.
Người học Phật
sơ cơ chỉ thường cung kính cúng dường Tam bảo và có sự phân biệt bố thí cho
những người khốn khổ, nghèo khó. Nguyên nhân của việc bố thí, cúng dường có tâm
phân biệt thủ xả sâu nặng ở người học Phật chưa sáng rõ chánh pháp là vì người
học Phật còn trong lưới vô minh cho rằng cúng dường Tam bảo được lợi ích lớn,
cúng dường cho kẻ bần hàn, tật nguyền thì người bố thí sẽ không được hưởng
nhiều phước báu, lợi lạc về sau.
Giác giả đã
khẳng định “Nếu người thí chủ dùng tâm
bình đẳng bố thí cho một người ăn xin rất hèn hạ và cũng xem người ấy là tướng
phước điền của Như Lai, việc bố thí không có sự phân biệt, bố thí với lòng đại
bi bình đẳng, không cầu quả báo, đó gọi là đầy đủ pháp thí vậy”.
Người học Phật
xưa nay thường có sự phân biệt thủ xả nên khi khởi việc bố thí, cúng dường liền
đánh mất tâm bình đẳng “Nhân đã có sự sai biệt, quả theo đó thành hư vọng”.
Thật đáng tiếc cho người học Phật xưa nay!
Bài liên quan
- Phẩm Hạnh Bồ Tát
- Phẩm Phật Hương Tích
- Phẩm Pháp môn không hai
- Phẩm Con Đường Phật Đi
- Phẩm Quán Chiếu Căn Tánh Chúng Sinh
- Phẩm Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát
- Phẩm Văn Thù Sư Lợi Đi Thăm Bệnh
- Phẩm Trò Chuyện Cùng Các Vị Bồ Tát (P.1)
- Phẩm Nói Với Chúng Học Trò Thanh Văn (P.2)
- Phẩm Nói Với Chúng Học Trò Thanh Văn (P.1)
- Phẩm Pháp Phương Tiện - Sự Quyền Biến
- Phẩm Cõi Nước Phật Thích Ca
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét