Câu chuyện bên lề
Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016
III. Câu Chuyện Bên Lề.
Thực
tế là có rất nhiều việc bạn cố quên đi nhưng càng muốn quên thì lại càng thêm
nhớ. Vậy nên bạn hãy cứ tập trung nhớ rõ lại những việc đó, chấp nhận đó là sự
thật, là chuyện đã qua và hóa giải tất cả những vị đắng còn đọng lại trong tâm
trí bạn.
Dẫu biết rằng cố quên là sẽ nhớ
Hãy dặn lòng cố nhớ để mà quên.
Sau một quá
trình thiền định dài lâu, bạn buông bỏ được mọi vướng mắc thì tâm trí bạn thật
sự dừng lặng, ngơi nghỉ. Trí não minh mẫn, sáng suốt và sức mạnh tinh thần kiên
định; Bạn đã đủ mạnh để đối mặt với kẻ thù cuối đời - Cái chết. Sự hiểu biết
từng trải và định lực vững vàng giúp bạn chấp nhận sự thật “Cái chết sẽ đến với
bạn”. Nhìn nhận “Việc chết là lẽ dĩ nhiên, là điều tất yếu” bạn sẽ không còn sợ
chết nữa. Có thể bạn cười nhạo và tự tin khẳng định “Bạn không sợ chết, chết
không có gì là đáng sợ”. Tôi tin bạn vì “Tôi cũng không sợ chết”. Tuổi trẻ, tôi
chẳng ngán ngại một điều gì; Trời cao đất rộng chẳng hơn một bước chân,... Thời
gian qua đi, tôi nhìn thấy người khác giãy dụa, rên xiết, cuồng loạn,… ở những
phút giây cuối đời; Lòng tôi thầm lo, lo rồi lại sợ. Đó là một quá trình mà mỗi
người đều phải trải qua. Tuổi trẻ khí vượng, nông nổi, bồng bột, háo thắng,…
“Coi trời bằng vung”. Đến khi cao tuổi già yếu, sức tàn, lực kiệt, nhiệt huyết
suy giảm, mòn mỏi,…con người lại sợ sệt, lo lắng. Sợ tiếng chó vọng giữa đêm.
Sợ tiếng bước chân người bên hiên vắng. Sợ nghe tiếng gió giao mùa. Sợ cả mùa
xuân đến,… Và bạn hãy nhìn lại, tìm hiểu những người vừa mới chết. Có bao nhiêu
người bình thản chìm vào giấc ngủ sâu? Có bao nhiêu người vẫy vùng, níu kéo,
bám víu,… từng hơi thở cuối? Bạn thuộc nhóm người nào? Nói và làm là hai việc
khác nhau. Không hẳn bạn nói là có thể làm được. Thế nên bạn cần có quá trình
rèn luyện, chuẩn bị từ trước. Hơn nữa, nếu thật sự bạn không sợ chết, chấp nhận
cái chết thì bạn đã buông bỏ mọi việc cho con cái, không xét nét, can
thiệp,…công việc của thế hệ trẻ, những “Trái ý nghịch lòng” không thể não hại,
khiến bạn đau lòng vì “Chết đã không sợ” thì sẽ không có điều gì làm bạn rối
trí.
Chuyển sang vấn
đề khác, tôi sẽ nói về trạng thái con người ngay tại thời điểm chết. Bạn có
từng thấy một người chết vùng vẫy, gào thét,… trước khi dứt hơi thở sau cùng
không? Người đó không phải là bạn nhưng bạn hãy trực nhận “Hình ảnh đó có khác
gì hình ảnh ta lột da một con rắn đang còn sống không?”. Hẳn đây không thể là
một cảm giác dễ chịu. Nguyên nhân của việc vùng vẫy, gào thét,… ở người chết là
do người này thật sự đau đớn, hoảng loạn,… vì họ không chấp nhận cái chết. Bạn
lại nghĩ: Vậy chỉ cần chấp nhận “Cái chết sẽ đến” thì sẽ thanh thản lìa đời.
Bạn nghĩ đúng nhưng điều quan trọng nhất là bạn phải có định lực đủ mạnh và tâm
trạng thực sự bình thản trước mọi việc. Và … khi bạn rơi vào căn bệnh già lẩn
thì bạn sẽ không có sự chọn lựa cách thức chết cho chính bạn. Sự minh mẫn, sáng
suốt, định tỉnh,… là việc mà người cao tuổi nên gìn giữ. Việc ngồi thiền không
chỉ giúp người cao tuổi không bị già lẩn mà còn giúp người cao tuổi nâng cao
khả năng chịu đựng những đau đớn về tinh thần và thể xác. Do việc ngồi thiền sẽ
giúp bạn quen dần cảm giác tê buốt, căng cứng ở chân, hông, cổ và sự tĩnh lặng
ở trí não. Những điều này sẽ rất lợi ích cho bạn, nhất là khi bạn cận kề cái
chết. Tôi không dùng cái chết để khiến bạn lo lắng, hoảng sợ. Điều này không
ích lợi gì cho cá nhân tôi. Tôi chỉ giúp bạn chấp nhận một sự thật tuyệt đối
“Chết là điều tất yếu, không thể tránh khỏi của đời người” và giúp bạn không bị
căn bệnh già lẩn quái ác hành hạ, giày vò.
Việc ngồi thiền
không chỉ tốt cho người cao tuổi. Dù bạn là ai thì việc giữ tinh thần tập
trung, trí não minh mẫn, sáng suốt,… đều rất tốt. Việc ngồi thiền tốt cả cho
việc học, công việc và sức khỏe của bạn. Việc ngồi thiền thật sự rất ích lợi
cho sức khỏe của bạn. Những căn bệnh đau khớp, đau thần kinh tọa, cột sống,
bướu cổ, ung thư, tiểu đường, giảm trí nhớ,… đã thuyên giảm khi những bệnh nhân
siêng năng ngồi thiền. Lý giải cho khả năng trị bệnh của việc ngồi thiền là do
khi dừng lặng mọi lo toan suy tính, cơ thể bạn có thời gian nghỉ ngơi, điều hòa
lại những huyệt vị bị nghẽn, khí huyết sẽ lưu chuyển thông suốt khắp cơ thể.
Quá trình ngồi thiền tinh chuyên, không gượng ép sẽ hình thành một luồng khí
trung hòa trong cơ thể. Luồng khí này sẽ tự tìm đến những cơ quan, bộ phận “gặp
sự cố” trong cơ thể người và sửa chữa những “hỏng hóc” ở nơi đó. Tuy nhiên, bạn
phải kiên trì, nhẫn nại, chuyên tâm thiền định. Bạn cũng đừng cố tìm học những
phương pháp ngồi thiền kỳ đặc. Vì lẽ khi bạn hành trì sai phương pháp hoặc bỏ
lỡ nửa chừng thì việc ngồi thiền kỳ đặc đó có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến sức
khỏe, tinh thần của bạn và “Tiền mất, tật mang”.
Tóm lại, việc
ngồi thiền - thiền định là dừng lặng ý niệm, buông bỏ suy tư, lo nghĩ để đạt
được trạng thái tĩnh tâm. Khi khởi nghĩ, bạn hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp. Khi
gặp những chuyện không vui, bạn hãy hóa giải chúng bằng cách tìm ra những điểm
tốt trong câu chuyện buồn đó. Đừng tạo điều kiện cho buồn lo, sầu khổ,… nhấn
chìm, não hại tinh thần của bạn. Nếu phải nhớ thì bạn hãy nhớ lại mọi việc rồi
quên bỏ, đừng chất giữ tất cả mọi chuyện. Vì ngay cả mạng sống bạn còn không
giữ, không làm chủ được thì bạn giữ những câu chuyện vẩn vơ, vớ vẩn để được gì?
Bạn hãy giữ tâm trí an lạc, thảnh thơi, giữ tâm thanh tĩnh,…
Một vấn đề khác
không kém phần quan trọng mà người cao tuổi cần lưu tâm. Đó là người cao tuổi
phải rèn luyện lối sống lặng yên, tĩnh tại. Thế nên việc ít nói, giữ sự im lặng
là cần thiết. Người xưa có câu “Đa ngôn
sác cùng, bất như thủ xung” có hàm nghĩa là càng nói nhiều lại càng nguy
hại cho thân, chi bằng giữ sự yên tĩnh,
lặng im. Vì lẽ bạn hãy chú ý những người sau khi nói huyên thuyên, dông
dài,…mọi chuyện thì phải dừng lại thở hào hển, mồ hôi đổ ra như tắm. Đặc biệt,
ở những người cao tuổi sau một hồi tranh luận, “ăn to, nói lớn”,… thì hơi thở
gấp gáp, đứt quãng, hao hơi, tốn sức,… Khi con người cất lên tiếng nói, nhất là
những lúc tranh cãi, kích động,… thì sẽ làm rối loạn nhịp thở, nhịp tim,… Điều
này sẽ dẫn đến việc tán loạn hơi thở - khí lực mà khí lực trong cơ thể người là
chủ của mạng người. Khí lực thực sự là chủ của mạng sống con người vì lẽ con
người có thể nhịn ăn, nhịn uống vài ngày nhưng có mấy ai nhịn thở được 5 phút.
Khi còn trẻ, khí lực con người còn mạnh nên cho dù có “Ăn to nói lớn”, “Lao tâm
khổ trí”, tổn hao khí lực,… thì việc phục hồi nguyên khí, sức lực, bình ổn điều
hòa lại hơi thở còn có phần dễ dàng. Tuy nhiên, nếu những người trẻ tuổi không
biết bảo toàn nguyên khí, sống trong sự căng thẳng về tinh thần và thể chất thì
việc hao mòn nguyên khí âm thầm sẽ gây ra bệnh tật, tinh lực suy, khí lực cạn
dần, dẫn đến việc sức khỏe suy giảm, tuổi thọ rút ngắn lại. Còn đối với người
già thì vấn đề nghiêm trọng hơn, việc nói nhiều sẽ làm khí lực tán loạn; Việc
điều hòa bình ổn lại nhịp thở, nhịp tim, tâm trạng,… sẽ mất nhiều sức lực dẫn
đến tổn hao nguyên khí, nguyên thần của con người.
Nguyên thần của
con người là gì? Nói với nghĩa hẹp, dễ hiểu thì nguyên thần là sức khỏe thể
chất và tinh thần của con người; Còn nói với nghĩa rộng, đầy đủ thì nguyên thần
chính là tâm, còn gọi là phần hồn của con người. Một người được gọi là người
sống thì gồm có 2 phần gồm thân và tâm. Thân xác là phần vật chất, có hình dạng
có thể nhìn thấy, nắm bắt,… được xem là phần dương; Còn phần tâm thì vô hình,
không thể sờ mó, nắm bắt,… được xem là phần âm. Nhưng trên thực tế người vừa
mới chết, thân xác còn, phần tâm rời khỏi lại nằm im, bất động,… Vì thế khi
nhìn nhận chuẩn xác hơn thì phần thân là dương nhưng thật ra lại là âm, tạm gọi
là dương trong âm; Còn người sống cử động, suy nghĩ được là do tâm chi phối,
điều khiển,… Tâm là phần âm lại có thể giúp thân xác bất động làm việc, đi lại,
nói cười,… nên chuẩn xác hơn sẽ tạm gọi tâm là âm trong dương. Người chết, thân xác vật chất sẽ
hư hoại, tan rã mất. Còn phần tâm không hình, không dạng,… thì sẽ tan mất hay
ra sao? Phần tâm đi về đâu?
Khi nguyên khí
tán loạn, tan mất thì con người sẽ chấm dứt mạng sống. Việc nói nhiều, tranh
cãi kích động,… sẽ làm người già sớm chết hoặc rơi vào tình trạng già lẩn, si
dại,… Thế nên việc dừng lặng, ít nói sẽ rất cần thiết cho sức khỏe tinh thần và
thể chất ở người già. Không chỉ vậy việc ít nói sẽ không gây ra những cãi vã,
xung đột,… trong gia đình vì sự khác biệt về nhận thức, sự hiểu biết, bối cảnh
sống giữa hai thế hệ là luôn tồn tại. Điều này sẽ giúp cho gia đình bạn có sự
hài hòa, ấm êm và hạnh phúc. Có thể bạn sẽ nghĩ: Nếu sống dừng lặng, ít nói,…
thì người cao tuổi có khác gì “Pho tượng biết đi”, không có giá trị gì? Vậy
“Chết quách cho xong”. Bạn đừng nên cạn nghĩ, cực đoan như thế. Vì lẽ: Một là việc nói nhiều, can thiệp quá mức
vào việc làm của con cháu sẽ làm bạn “Hao hơi tốn sức”, làm rạn nứt tình cảm,
đổ vỡ gia đình,… thì bạn nói để được gì?; Hai là việc giữ trí não tinh tường,
sáng suốt, sức khỏe tốt sẽ giúp bạn có tâm thái an lạc, tươi vui. Có tinh thần
minh mẫn, bạn ít lời nhưng lời nói lại có sự
chuẩn mực, lời hay ý đẹp - Bạn sẽ là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con
cháu, được mọi người kính nể, tôn trọng; Ba là bạn thật sự không thể làm chủ
việc chết vì thế bạn hãy giữ sự minh mẫn, bình thản để đón nhận một giấc ngủ nhẹ
nhàng, thanh thản hơn là phải đau đớn, khổ sở, oằn mình,… khi cái chết tìm đến.
Tóm lại, việc bạn ít nói, giữ sự yên lặng sẽ giúp bạn bảo toàn được sức khỏe
thể chất và tinh thần.
Khi nói, bạn hãy
nói những điều hay, những việc tốt để khuyên dạy con cháu. Hãy cất lời nói hợp
thời, đúng lúc - Khi con cháu cần đến sự hiểu biết, kinh nghiệm từng trải,… của
bạn. Là cha mẹ, bạn phải rõ biết những đứa trẻ khi đói chúng sẽ đòi ăn, khi
khát sữa chúng sẽ đòi bú, khi “tè ướt quần” chúng sẽ kêu khóc,… Khi no đủ chúng
sẽ hồn nhiên vui đùa, tự do,… Rõ biết như thế, bạn đừng gò bó, áp đặt, sắp
xếp,… mọi việc cho thế hệ trẻ. Việc làm đó sẽ gây khổ cho bạn, cho con bạn, cho
người thân,… Hãy sống an nhàn, thảnh thơi, dứt trừ lo toan, buông bỏ mọi việc,…
Tôi lại đi vào
“vết xe đỗ” của những người mẹ, tôi sẽ kể một câu chuyện xưa cũ nát. Tương
truyền vào một thời xa xưa, ở Trung Quốc. Có một nhà sư đạo cao, đức trọng được
mọi người tin tưởng, cả nể. Vào một ngày kia, vị pháp sư được mời dự một tiệc
cưới. Đến lúc nhìn thấy cô dâu và chú rể, nhà sư buộc miệng nói “Ô hay! Bà lấy
cháu nội”. Hiển nhiên là câu nói đó đã gây ra sự chấn động lớn. Mọi người chú ý
và yêu cầu nhà sư trình bày cho rành mạch, rõ ràng cơ duyên đã nói ra câu nói
“động trời” trên. Nhà sư đã trình bày “Sở dĩ ông nói điều đó là vì cô dâu hiện
tại chính là bà nội của chú rể”. Câu chuyện được kể rằng bà nội của chú rể vốn
là một người hiền lành, tốt bụng. Tuổi tác đã cao mà bà lão vẫn cứ chất giữ
tình yêu thương, lo lắng cho con cháu. Đặc biệt là bà lão rất yêu quý cháu trai
vừa mới chào đời. Bà lão đã mất khi đứa cháu trai tròn một tuổi. Trước khi nhắm
mắt bà vẫn ôm giữ ý định lo cho đứa cháu còn nhỏ dại, không có bà ai nuôi giữ
đứa cháu nên người. Vì ý nghĩ đó bà cứ quanh quẩn, lân la,… xung quanh ngôi nhà
của mình. Rồi một ngày kia bà đã hạ sinh vào gia đình của người láng giềng bên
cạnh. Năm tháng qua, hai đứa trẻ dần khôn lớn, chúng gặp nhau trong một lễ
cưới.
Trong câu chuyện
này bà nội của chú rể là người hiền lành, tốt bụng, sống thiện lương. Vì thế bà
lão đã có thể luân hồi trở lại nẻo Người và thành toàn sở nguyện mà tiền kiếp
đã chất chứa. Bạn đừng cho rằng câu chuyện này là thật, cũng đừng cả nghĩ là
không thật. Nhưng bạn hãy sống để về sau đừng hối tiếc!
Có thể khi đọc
những trang giấy này bạn là một đứa trẻ, một cụ già, một chàng trai, một cô
gái,… Bạn hãy chiêm nghiệm, đừng vội xem qua rồi thờ ơ, lãnh đạm buông lời:
“Chuyện của người ta”, “Đây là trò vớ vẩn của kẻ nhàn rỗi”,… Bởi lẽ dù bạn là
ai thì tôi đã viết cuộc đời bạn vào trong vài trang giấy mỏng. Tôi đã thật sự
làm điều đó. Giả như bạn nhận thấy những trang giấy này còn chút ít giá trị thì
hãy giữ lại cho mình một bản và gửi tặng cho những người thân yêu khi cảm nhận
họ cần đến.
Hãy xem những
trang giấy mỏng này như là một món quà. Trân trọng! Chúc mọi điều tốt đẹp đến
với bạn và bạn hãy luôn tươi vui, sống khỏe, hạnh phúc!
Không bao giờ là muộn cho việc sửa sai,
Không bao giờ là sớm cho việc rèn luyện một thói
quen tốt.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét