Phẩm Văn Thù Sư Lợi Đi Thăm Bệnh
Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016
![]() |
Lúc bấy giờ,
Phật bảo Văn Thù Sư Lợi Bồ tát:
- Hãy thay ta
đến thăm bệnh trưởng giả Duy ma cật.
Văn Thù Sư Lợi
Bồ tát đáp:
- Thưa Thế Tôn!
Trước Bậc Đại sĩ kia thật không dễ ứng đáp vì ngài ấy đã thông đạt thật tướng,
khéo nói Pháp yếu, trí tuệ vô ngại, biện tài lưu loát, thấu suốt các pháp hành
của chư Bồ tát, thâm nhập kho tàng Như Lai, hàng phục hết chúng ma, thần thông
vô úy, trí tuệ và các pháp phương tiện đều đặng rốt ráo. Song con sẽ đi thăm
bệnh ngài ấy.
Lúc ấy, trong
đại chúng các hàng Bồ tát và hàng đệ tử lớn, trời Đế Thích, trời Phạm thiên, Tứ
thiên vương đều nghĩ rằng “Hôm nay hai vị đại sĩ - Văn Thù Sư Lợi Bồ tát và Duy
ma cật Bồ tát gặp mặt hẳn sẽ nói Pháp yếu thâm sâu, vi diệu” . Thế là tám ngàn
Bồ tát, năm trăm Thanh văn và hàng trăm ngàn trời - người đều muốn cùng đi.
Bấy giờ, Bồ tát
Văn Thù cùng các vị Bồ tát, đại đệ tử và các hàng trời - người cung kính đi
vòng quanh Phật rồi tiến về thành Tỳ da ly.
Lúc ấy, trưởng
giả Duy ma cật liền biết “Ngài Văn Thù Sư Lợi và đại chúng chốc lát nữa sẽ cùng
đến”. Trưởng giả Duy ma cật liền dùng sức thần thông làm cho nhà cửa trống
rỗng, không có vật chi và cũng không có người thị giả nào, chỉ để một chiếc
giường cho ông nằm dưỡng bệnh.
Ngài Văn Thù Sư
Lợi vào nhà ông Duy ma cật nhận thấy trong nhà trống rỗng, không có vật chi,
chỉ có một mình trưởng giả Duy ma cật nằm trên giường dưỡng bệnh. Khi ấy ông
Duy ma cật cất lời chào:
- Thật tốt lành!
Ngài Văn Thù Sư Lợi mới đến! Tướng không đến mà đến, tướng không thấy mà thấy.
Ngài Văn Thù Sư
Lợi nói:
- Đúng vậy, thưa
cư sĩ! Nếu đã đến tức là không đến, nếu đã đi tức là không đi. Vì sao? Đến
không từ đâu đến, đi không đến nơi đâu, hễ có tướng thấy tức là không thấy.
Thôi việc ấy hãy để đó. Bệnh của ngài thế nào, có thể duy trì được không? Việc
điều trị có thuyên giảm? Bệnh có chuyển nặng không? Thế Tôn ân cần gửi lời hỏi
thăm đến ngài. Vì sao ngài có bệnh? Bệnh đã bao lâu? Và làm thế nào để bệnh kia
khỏi hẳn?
Trưởng giả Duy
ma cật đáp:
- U mê, tham dục
là căn nguyên của bệnh. Vì tất cả chúng sinh bệnh nên tôi bệnh. Nếu tất cả
chúng sinh không bệnh thì bệnh tôi sẽ khỏi. Vì sao? Vì chúng sinh mà Bồ tát thị
hiện vào đường sinh tử, hễ có sinh tử thời sẽ có bệnh, nếu chúng sinh đồng rời
khỏi sinh tử thì Bồ tát không còn bệnh. Ví như ông trưởng giả chỉ có một người
con, hễ người con bệnh thì cha mẹ cũng bệnh, nếu bệnh của người con lành thì vợ
chồng trưởng giả tự nhiên sẽ khỏi. Bồ tát cũng thế! Đối với tất cả chúng sinh
đều thương mến như con, cho nên khi chúng sinh bệnh, Bồ tát sẽ bệnh; Chúng sinh
lành, Bồ tát cũng lành. Ngài hỏi bệnh do nhân gì mà sinh khởi? Bồ tát có bệnh
là do lòng đại bi.
Ngài Văn Thù Sư
Lợi hỏi:
- Thưa cư sĩ!
Nhà này vì sao trống không và không có cả người giúp việc?
Ngài Duy ma cật
đáp:
- Cõi nước của
chư Phật cũng đều không.
- Lấy gì làm
không?
- Lấy không làm
không.
- Đã không thì
cần gì lấy không làm không?
- Vì không phân
biệt nên không.
- Không, có thể
dùng phân biệt được chăng?
- Phân biệt cũng
không.
- Không ấy, phải
tìm nơi đâu?
- Phải tìm trong
sáu mươi hai món kiến chấp.
- Sáu mươi hai
món kiến chấp phải tìm nơi đâu?
- Phải tìm trong
các pháp giải thoát của chư Phật.
- Pháp giải
thoát của chư Phật phải tìm nơi đâu?
- Phải tìm nơi
tâm hạnh của tất cả chúng sinh.
Trưởng giả Duy
ma cật lại nói:
- Ngài lại hỏi
vì sao không người giúp việc? Vì tất cả chúng ma và các ngoại đạo đều là người
giúp việc của tôi. Vì sao? Vì các ma ưa sinh tử mà Bồ tát ở nơi sinh tử không
bỏ. Còn ngoại đạo thì đắm các kiến chấp, tà thuyết mà Bồ tát ở nơi các kiến
chấp không động.
Ngài Văn Thù Sư
Lợi hỏi:
- Bệnh của cư sĩ
có thuộc tính thế nào?
Trưởng giả Duy
ma cật đáp:
- Bệnh của tôi
không hình, không tướng, không thể thấy được.
- Bệnh ấy do nơi
thân hay do nơi tâm?
- Không phải do
thân vì thân tướng vốn lìa; Cũng không do nơi tâm vì tâm như huyễn.
- Đất nước gió
lửa, trong bốn đại ấy bệnh thuộc về đại nào?
- Bệnh ấy không
thuộc đất cũng không lìa đất, cả nước gió lửa cũng đều như thế. Nhưng bệnh của
chúng sinh vốn từ bốn đại - đất nước gió lửa mà khởi, vì chúng sinh bệnh nên
tôi có bệnh.
Khi ấy, ngài Văn
Thù Sư Lợi hỏi ngài Duy ma cật:
- Phàm Bồ tát
gặp Bồ tát có bệnh phải thăm hỏi như thế nào?
Trưởng giả Duy
ma cật đáp:
- Nói thân vô
thường mà không nói hãy nhàm chán thân. Nói thân có khổ mà không nói hãy đắm
Niết bàn. Nói thân vô ngã mà thường chỉ bày, giáo hóa mọi chúng sinh. Nói thân
vắng lặng mà không nói là rốt ráo tịch diệt. Nói sám hối nghiệp cũ mà không nói
trụ nơi quá khứ. Nói lấy bệnh mình mà nhớ nghĩ đến bệnh người. Nói phải biết
cái khổ ở vô số kiếp trước mà làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Nói đến việc
làm phước mà giữ chánh mạng thanh tịnh, Nói chớ nên sinh tâm phiền não mà
thường khởi lòng tinh tấn, nguyện sẽ làm vị y vương điều trị tất cả bệnh chúng
sinh. Bồ tát phải thăm hỏi Bồ tát có bệnh như thế để khiến cho hoan hỷ.
Ngài Văn Thù Sư
Lợi hỏi:
- Thưa cư sĩ! Bồ
tát có bệnh phải điều phục tâm mình như thế nào?
Ngài Duy ma cật
đáp:
- Bồ tát có bệnh
phải nghĩ thế này. Nay ta có bệnh đây đều do các món phiền não, điên đảo vọng
tưởng nhiều đời sinh ra, tất cả các pháp đều không thật có, vậy lấy ai đang có
bệnh. Vì sao? Vì tứ đại nhóm họp giả lập gọi là thân, mà tứ đại không có tướng
chủ thể, do vậy thân cũng không có ngã. Lại nữa, bệnh này khởi ra đều do chấp
ngã, vậy nên ở nơi không có ngã này mà không sinh lòng chấp giữ. Khi đã biết
gốc bệnh thì trừ ngã tưởng - vọng tưởng về cái tôi thường tại, trừ chúng sinh tưởng -vọng tưởng có chúng
sinh, trừ pháp tưởng - vọng tưởng có pháp khởi. Vị Bồ tát bệnh nên quán chiếu
“Thân này chỉ do các pháp hòa hợp, khi khởi chỉ là do các pháp khởi, khi diệt
chỉ do các pháp diệt. Các pháp lại cũng chẳng tự nhận biết, do vậy khi khởi các
pháp không ứng nói có pháp khởi, khi diệt các pháp không ứng nói có pháp diệt”.
Bồ tát có bệnh muốn trừ diệt pháp tưởng lại quán chiếu “Pháp tưởng này cũng là
một thứ điên đảo. Sự điên đảo là một mối họa lớn, ta nên đoạn trừ, từ bỏ sự
điên đảo”. Làm cách nào đoạn dứt mọi sự điên đảo? Là việc lìa ngã và ngã sở.
Thế nào là lìa ngã và ngã sở? Là lìa hai pháp. Thế nào là lìa hai pháp? Là
không nghĩ các pháp trong - ngoài mà thực hành theo pháp bình đẳng. Sao gọi
pháp bình đẳng? Là ngã bình đẳng, Niết bàn bình đẳng. Vì sao? Ngã và Niết bàn
hai pháp này đều không. Do đâu mà không? Vì chỉ là lý trên văn tự, không có
thật tướng nên không. Đúng thế, hai pháp đều không có tánh quyết định nên
không.
Nếu đặng nghĩa
bình đẳng đó thì không có bệnh chi khác, chỉ còn lại bệnh chấp Không, mà bệnh
chấp Không cũng không thật. Vị Bồ tát có bệnh dùng tâm không dùng mà thọ dụng
các món cần dùng, nếu chưa đầy đủ chánh vị thì sẽ không dùng diệt tận định mà
thủ chứng theo lối học Phật nhị thừa. Dù thân có khổ cũng nên nghĩ đến chúng
sinh trong các nẻo ác thú mà khởi tâm đại bi “Ta đã điều phục được tâm ta, cũng
nên điều phục cho tất cả chúng sinh”. Bồ tát có bệnh nên trừ bệnh mà không trừ
pháp, vậy nên Bồ tát có bệnh chỉ bày cho chúng sinh cách dứt trừ gốc bệnh. Sao
gọi là gốc bệnh? Nghĩa là do có các duyên, vì có các duyên mà thành gốc bệnh.
Các duyên có từ đâu? Các duyên có ở ba cõi. Làm thế nào đoạn dứt các duyên?
Dùng vô sở đắc; Nếu trọn vô sở đắc thì không còn các duyên. Sao gọi là vô sở
đắc? Nghĩa là rời hai món kiến chấp. Sao gọi là hai món kiến chấp? Nghĩa là
chấp trong và chấp ngoài; Rời cả hai món kiến chấp đó là vô sở đắc. Thưa ngài
Văn Thù Sư Lợi! Đó là Bồ tát có bệnh điều phục tâm mình để đoạn các khổ - già
bệnh chết, là Bồ đề tâm của Bồ tát. Nếu Bồ tát có bệnh không điều phục tâm như
thế thì tuệ giác chứng ngộ sẽ không thông đạt. Ví như người chiến thắng được
lòng oán hờn mới gọi là người dũng mãnh; Còn ai trừ được cả già - bệnh - chết
đồng thời được như thế mới gọi là Bồ tát. Bồ tát có bệnh lại nên quán chiếu
“Bệnh của ta đây, không phải là thật, không phải không thật; Bệnh của chúng
sinh cũng không phải thật, không phải không thật”. Khi quán sát như thế, đối
với chúng sinh nếu có khởi lòng đại bi mến tiếc thì phải bỏ ngay. Vì sao? Vì Bồ
tát phải trừ dứt phiền não mến tiếc mà khởi tâm đại bi bởi lẽ nơi lòng đại bi
mến tiếc đối với sinh tử sẽ có tâm nhàm chán, nếu lìa được ái kiến mến tiếc thì
không có tâm nhàm chán, mai hậu dù sinh ra nơi nào cũng không bị ái kiến chướng
ngại, không còn bị ràng buộc, lại khéo nói pháp cởi trói sự dính mắc cho mọi
chúng sinh. Như Phật nói “Nếu mình còn bị trói mà mở trói cho người khác là
việc không thể được; Nếu mình không bị trói thì mới có thể cởi trói cho người”.
Vì thế Bồ tát không nên tự khởi sự dính mắc, trói cột. Sao gọi là dính mắc,
trói cột? Sao gọi là giải thoát? Nếu tham đắm thiền vị là còn bị ràng buộc,
trói cột. Nếu khéo dùng phương tiện độ thoát chúng sinh là được giải thoát.
Không có trí tuệ bát nhã là dính mắc, có trí tuệ bát nhã là giải thoát, không
dùng đến trí tuệ bát nhã thì trói cột, thường dùng đến trí tuệ bát nhã là giải
thoát. Sao nói không có trí tuệ bát nhã là còn bị cột trói? Bồ tát dùng từ bi
ái kiến trang nghiêm cõi Phật, thành tựu chúng sinh, ở trong Không, Vô tướng,
Vô tác mà ra sức tự điều phục, đó là không có trí tuệ bát nhã nên còn bị trói
buộc. Sao nói có trí tuệ bát nhã thì giải thoát? Bồ tát không dùng tâm mến tiếc
trang nghiêm cõi Phật, thành tựu chúng sinh, Tùy Không, Vô tướng, Vô tác điều
phục lấy mình do vậy nên không sinh tâm nhàm chán, mỏi mệt, đó là có trí tuệ
bát nhã thì giải thoát. Sao nói không dùng đến trí tuệ bát nhã là bị cột trói?
Bồ tát trụ nơi các món phiền não, tham dục, sân hận, tà kiến, điên đảo mà trồng
các cội công đức, đó là không dùng đến trí tuệ bát nhã nên còn bị trói buộc.
Sao nói là thường dùng đến trí tuệ bát nhã là giải thoát? Vì Bồ tát rời các thứ
phiền não, tham dục, sân hận, tà kiến, điên đảo mà vun bồi công đức, thường nhớ
nghĩ quả vô thượng bồ đề của mọi loài chúng sinh, đó là thường dùng đến trí tuệ
bát nhã nên giải thoát. Ngài Văn Thù Sư Lợi! Bồ tát có bệnh phải quán chiếu các
pháp như thế. Rồi Bồ tát có bệnh lại quán thân vô thường - khổ - không - vô
ngã, đó chính là trí tuệ bát nhã. Dù thân có bệnh mà vẫn ở trong sinh tử làm
lợi ích chúng sinh không nhàm mỏi, xem việc thân có bệnh là pháp phương tiện
khéo để hóa độ mọi chúng sinh. Lại quán thân không rời bệnh, bệnh chẳng rời
thân; Bệnh này - thân này không phải mới, không phải cũ, đó chính là trí tuệ
bát nhã. Dù thân có bệnh mà không nhàm chán, không vội nhập Niết bàn, dùng thân
có bệnh làm pháp phương tiện khéo để hóa độ mọi chúng sinh. Ngài Văn Thù Sư
Lợi! Bồ tát có bệnh nên điều phục tâm mình như thế, mà không trụ trong đó, cũng
không trụ nơi tâm không điều phục. Vì sao? Nếu trụ nơi tâm không điều phục là
pháp của phàm phu, nếu trụ nơi tâm điều phục là pháp của Thanh văn, cho nên Bồ
tát không nên trụ nơi tâm điều phục hay không điều phục, lìa hai pháp ấy là
hạnh Bồ tát. Ở trong sinh tử mà không bị nhiễm ô, ở nơi Niết bàn mà không diệt
độ hẳn là hạnh Bồ tát. Không phải hạnh phàm phu, không phải hạnh Hiền thánh là
hạnh Bồ tát. Không phải hạnh dơ, cũng không phải hạnh sạch là hạnh Bồ tát. Tuy
vượt khỏi ma chướng mà thường hiện việc hàng phục ma là hạnh Bồ tát. Cầu trí
tuệ Phật mà không cầu khi không hợp thời là hạnh Bồ tát. Dù thấu rõ các pháp
không sinh mà không nhập chánh vị là hạnh Bồ tát. Dù thông suốt mười hai duyên
khởi mà thường ra vào nơi chốn các tà kiến là hạnh Bồ tát. Nhiếp độ tất cả
chúng sinh mà không mê đắm, dính mắc là hạnh Bồ tát. Ưa xa lìa mà không nương
theo sự đoạn dứt thân tâm là hạnh Bồ tát. Tuy ở trong ba cõi mà không hoại pháp
tánh là hạnh Bồ tát. Tuy biết tánh Không vạn pháp mà gieo trồng các cội lành là
hạnh Bồ tát. Dù hành Vô tướng mà cứu độ chúng sinh là hạnh Bồ tát. Dù hành Vô
tác mà quyền biến hiện có thân là hạnh Bồ tát. Dù hành vô khởi mà khởi tất cả
hạnh lành là hạnh Bồ tát. Dù hành sáu
pháp ba la mật mà biết khắp các tâm, tâm sở của mọi chúng sinh là hạnh Bồ tát.
Dù hành sáu pháp thần thông mà không dứt hẳn ràng buộc thế tục là hạnh Bồ tát.
Dù hành bốn tâm vô lượng - Từ bi hỷ xả mà không tham sinh về cõi Phạm thiên là
hạnh Bồ tát. Dù hành thiền định, giải thoát tam muội mà không nhập diệt tận
định là hạnh Bồ tát. Dù hành bốn pháp niệm xứ mà không hoàn toàn lìa hẳn thân -
thọ - tâm - pháp là hạnh Bồ tát. Dù hành bốn pháp chánh cần mà không rời sự
tinh tấn là hạnh Bồ tát. Dù hành bốn pháp như ý túc mà đặng thần thông tự tại
là hạnh Bồ tát. Dù hành năm căn mà phân biệt rành rẽ các căn lợi độn của chúng
sinh là hạnh Bồ tát. Dù hành năm lực mà ưa cầu thập lực của Phật là hạnh Bồ
tát. Dù hành bảy pháp giác chi mà rành rõ trí tuệ Phật là hạnh Bồ tát. Dù hành
bát chánh đạo mà hàm dưỡng vô lượng Phật đạo là hạnh Bồ tát. Dù hành các pháp
chỉ quán trợ đạo mà trọn không về hẳn nơi tịch diệt là hạnh Bồ tát. Dù hành các
pháp bất sinh bất diệt mà dùng tướng hảo trang nghiêm thân mình là hạnh Bồ tát.
Dù hiện oai nghi theo Thanh văn, Duyên giác mà không rời Phật pháp là hạnh Bồ
tát. Dù tùy theo tướng hoàn toàn thanh tịnh của các pháp mà tùy theo chỗ sở ứng
hiện thân là hạnh Bồ tát. Dù quán sát cõi nước của chư Phật trọn vắng lặng như
hư không mà hiện ra rất nhiều cõi Phật thanh tịnh là hạnh Bồ tát. Dù chứng đặng
quả Phật, chuyển Pháp luân, nhập Niết bàn mà không bỏ Bồ tát đạo là hạnh Bồ tát
vậy.
Khi trưởng giả
Duy ma cật nói những lời ấy xong, cả đại chúng đi theo ngài Văn Thù Sư Lợi,
trong đó tám ngàn chư Thiên đều phát tâm vô thượng bồ đề.
Tinh
yếu lược giải:
Ở Phẩm Văn Thù
Sư Lợi đi thăm bệnh, vị Giác giả đã trình bày rất rõ ràng. Việc chào hỏi giữa
hai vị Bồ tát quả nhiên là bất khả tư nghị, đại ý cuộc đối thoại xoay quanh
việc Như Lai không có sự đến đi, vạn pháp đồng tánh hư huyễn, không thật có,
chẳng thật không.
Quả thật Bồ tát
bệnh vì chúng sinh bệnh, Phẩm Văn Thù Sư Lợi thăm bệnh cũng hiển bày pháp môn
không hai bất khả tư nghị, người học Phật cầu trí tuệ Bát nhã hãy nên thâm nhập
vào diệu ý Như Lai để khai mở trí tuệ, đây là chỗ diệu dụng của trí tuệ, điều
này giúp người học Phật vượt qua chướng ngại Thanh văn thừa, phát khởi pháp khí
đại thừa.
Bồ tát vì thân
có bệnh mà quán chiếu tự tánh của bệnh, thâm nhập trí tuệ Bát nhã rồi dùng thân
bệnh để diễn nói chánh pháp giúp người học Phật trực nhận vô thường, khổ,
không, vô ngã. Khi rõ biết tự tánh vạn pháp thì người học Phật tự đốt đuốc mà
đi trên đường chánh đạo rộng mở.
Và vị Giác giả
luôn cảnh tỉnh người học Phật dù phát tâm cầu vô thượng bồ đề nhưng không vì
thế mà nhàm chán Tam giới, hãy tinh tấn, dũng mãnh dấn thân cứu khổ, giúp người
tìm về chánh pháp vì do nơi đất mà ngã thì cũng nương nơi đất mà Bồ tát mới có
thể đứng lên.
Nếu phát tâm đại
thừa, nguyện hành Bồ tát đạo thì người học Phật hãy nên tham cứu cùng tột tánh
hạnh Bồ tát có ở bộ Kinh Duy ma cật sở thuyết.
Bài liên quan
- Phẩm Hạnh Bồ Tát
- Phẩm Phật Hương Tích
- Phẩm Pháp môn không hai
- Phẩm Con Đường Phật Đi
- Phẩm Quán Chiếu Căn Tánh Chúng Sinh
- Phẩm Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát
- Phẩm Trò Chuyện Cùng Các Vị Bồ Tát (P.2)
- Phẩm Trò Chuyện Cùng Các Vị Bồ Tát (P.1)
- Phẩm Nói Với Chúng Học Trò Thanh Văn (P.2)
- Phẩm Nói Với Chúng Học Trò Thanh Văn (P.1)
- Phẩm Pháp Phương Tiện - Sự Quyền Biến
- Phẩm Cõi Nước Phật Thích Ca
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét