Đạo, đời và tôn giáo (P.2)
Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017
3. Tôn giáo.
Ở phần II, ngoài việc trình bày những vấn đề liên quan đến Phật giáo và các
tôn giáo thuộc về Thần giáo, tôi sẽ trình bày thêm Lão giáo - Là tôn giáo đã
đóng góp nhiều tri thức giá trị cho sự hiểu biết của nhân loại.
Tuy nhiên, do tư tưởng bất tranh của đạo và sự hiểu biết hạn chế của người
đời sau nên nguồn tri thức quý giá trên bị quên lãng, đánh mất giá trị thực
tiễn.
Tôn giáo cũng gồm phần vật chất hữu hình và phần tâm linh vô hình.
Khác biệt của đạo và tôn giáo là đạo mang tính tự nhiên, tôn giáo lại chịu
nhiều sự chi phối của con người nên có phần chủ quan, áp đặt.
Tuy nhiên, thật không dễ phân định tôn giáo và đạo. Do tôn giáo là sự
chuyển thể của đạo khi sự hiểu biết và tâm phân biệt của con người nâng lên.
Thực ra hiểu biết con người không dừng lại ở nhận định con người và vạn vật
do trời tạo ra. Họ đưa ra thêm nhiều giả thuyết về nguồn gốc của sự sống là
nước, không khí, lửa,… Từ những giả thuyết đó con người đã tạo ra nhiều tôn
giáo thờ những Đấng quyền năng khác nhau Thượng Đế, Thánh Ala, Đức Chúa Trời,
Thần Lửa, Thần Nước,…
Quay thời gian ngược lại hàng ngàn năm trước, khi sự hiểu biết con người
còn hạn chế, lòng tham đã khiến con người tranh giành đất đai, tài sản lẫn
nhau. Các nước lớn đã xâm lấn, cướp bóc các nước khác bằng sức mạnh của phần
thuộc tính con trong con người. Sự tàn bạo dã man trong việc cai trị của các
nước lớn khiến người dân ở các nước bị chiếm đóng khốn cùng, rất nhiều cuộc đấu
tranh, phản kháng nhỏ lẻ diễn ra và nhanh chóng bị đè bẹp.
Nguyên do sự thất bại của các cuộc đấu tranh là mang tính tự phát, thiếu tổ
chức, thiếu đoàn kết. Nhằm củng cố vai trò thống trị, giới cai trị đã tiến hành
những cuộc trừng phạt đẫm máu khiến người dân các nước thuộc địa thêm căm hận,
uất ức, tinh thần tự tôn dân tộc được nuôi lớn dần.
Lúc bấy giờ, con người đã có niềm tin, con người được một Đấng quyền năng
nào đó tạo ra. Trong số những người tổ chức các cuộc đấu tranh phản kháng, có
người đã nhận ra nguyên nhân thất bại của các cuộc đấu tranh và họ cũng có
những hiểu biết nhất định về thế giới tâm linh. Họ sắp đặt, chuẩn bị một kế
hoạch hoàn hảo. Họ tạm dừng các cuộc đấu tranh, bỏ vào những hang động, chuyên
tâm thiền định nhằm tìm hiểu thêm về cõi vô hình và vạch ra những kế hoạch mới
nhằm giúp dân tộc thoát khỏi sự áp bức, bóc lột của các nước xâm chiếm.
Khi thời cơ đến, họ xuất hiện với vai trò là hóa thân của Đấng quyền năng
mà dân tộc họ tôn thờ. Việc làm này được tiến hành từng bước với sự xuất hiện
của nhà tiên tri và những lời sấm truyền.
Kết quả họ đã thành công vì những người dân với niềm tin được sự hỗ trợ của
thần linh đã đoàn kết lại, vùng lên mạnh mẽ, bất chấp mạng sống.
Tinh thần quật khởi đó đã đánh bại quân đội lớn mạnh của các nước xâm
chiếm. Giành lại được chính quyền, những người lãnh đạo nhận thấy giá trị của
phần tâm linh trong tinh thần của con người, họ tiếp tục duy trì đức tin trong
lòng người dân để dễ bề cai trị và thuận lợi cho việc bảo vệ chủ quyền quốc
gia. Giáo lý, kinh điển, lời răn, điều luật, lời tiên tri,… được xây dựng và
dần hoàn chỉnh. Điều này tùy thuộc vào tính khách quan, tư dục, sự hiểu biết về
tâm linh của những nhà lãnh đạo tinh thần và bối cảnh xã hội khi tôn giáo đó ra
đời.
Tuy nhiên, càng về sau tính chủ quan và tư dục đã bộc lộ trong các điều
luật vì lẽ chúng tạo ra những đặc quyền, đặc lợi cho giới cầm quyền, cho các
thành phần lãnh đạo tôn giáo,…
Tiêu biểu cho dạng tôn giáo xây dựng theo kiểu mẫu trên chính là Kitô giáo
và Hồi giáo.
Kito Giáo:
Khi đất nước bị xâm lược, người dân Israel đã không có sự đoàn kết nên
không đủ sức giành độc lập, tự do dân tộc. Một nhóm người có hiểu biết về Thần
giáo đã nhận ra muốn khôi phục chủ quyền đất nước cần phải dựa vào yếu tố tâm
linh. Họ tạo dựng ra vị giáo chủ mới - Chúa Jesu ra đời là con của đức Chúa
Cha.
Kito giáo đã thành công trong việc giành lại độc lập, chủ quyền quốc gia.
Để duy trì sự phát triển và tồn tại chủ quyền quốc gia, các nhà truyền giáo đã
xây dựng hệ thống giáo lý, kinh điển mới có nhiều khác biệt so với nguyên bản
cho phù hợp với tình hình xã hội, tương quan với sự hiểu biết tiến bộ của con
người.
Việc làm thiện, tích lũy phước đức, tu bồi đạo đức, phẩm hạnh - Là nền tảng
cho sự ổn định, phát triển xã hội vẫn được duy trì. Xóa bỏ chế độ đa thê.
Nghiêm ngặt trong chế độ gia đình, xây dựng cuộc sống gia đình một vợ một
chồng, tổ chức cuộc sống có phần khoa học hơn.
Kito giáo chú trọng vấn đề vật chất hơn, không đào sâu, tìm hiểu vấn đề tâm
linh. Các nhà lãnh đạo Thiên Chúa, Tin Lành giữ đạo bằng việc trói buộc tín đồ
vào niềm tin. Niềm tin kiên định không đặt ra những câu hỏi hóc búa, gai góc
truy nguyên nguồn gốc của Chúa Jesu và Đức Mẹ Maria,...
Tinh ý, bạn sẽ nhận ra Kito giáo là tôn giáo đã được tư tưởng phương Tây đồng
hóa. Tuy nhiên, Kito giáo vẫn phó thác số phận cho Đấng quyền năng, xin tội và
cầu nguyện. Con người là do Thượng đế, do Chúa Cha tạo ra.
Về sau tư dục của những người lãnh đạo tinh thần đã chia Kito giáo ra làm
Công giáo La Mã, Chính Thống Giáo Đông Phương, Anh Giáo, Tin lành, các nhóm
Kito giáo độc lập,...
Hồi Giáo:
Cũng như Kito giáo, dựa vào yếu tố tâm linh các vị thủ lãnh tinh thần đã
giành lại được vai trò lãnh đạo đất nước. Sau khi giành lấy chủ quyền, vị giáo
chủ cùng các chức sắc, các thành phần trong tôn giáo đã xây dựng hệ thống kinh
điển, điều luật và các lời răn,… khuyên dạy con người làm nhiều điều thiện,
điều tốt, hạn chế sát sinh hại mạng,…
Bối cảnh lịch sử và điều kiện xã hội ở khu vực Trung Đông thời đó là chế độ
chiếm hữu nô lệ, là chế độ quân chủ. Thân phận người phụ nữ thật sự hèn kém.
Lòng tham dục của giới thống trị và sự hiểu biết hạn chế của con người trong xã
hội chiếm hữu nô lệ, chế độ đa thê được thừa nhận.
Nhằm đảm bảo vị trí thống trị, giới chính trị và các nhà truyền giáo gieo
vào lòng người dân về đức tin tuyệt đối với Thánh Ala. Còn họ được chỉ định là
đại diện của Đấng quyền năng và là những người có khả năng giao tiếp được với
Thánh Ala. Nếu con người tin theo và đáp ứng tốt những yêu cầu của họ, sẵn sàng
chết vì những nhiệm vụ được họ thay mặt Đấng quyền năng giao phó thì khi chết
sẽ về Thiên đàng cộng trú với Thánh Ala.
Càng về sau, các giai cấp thống trị và các thủ lãnh tinh thần lợi dụng việc
tử vì đạo, thánh chiến để bảo vệ đất nước và củng cố địa vị giai cấp thống trị.
Kinh Coran lại là cổ ngữ đã khiến cho người đời sau thêm lầm lạc mơ hồ.
Trên thực tế khi chuyên tâm trì kinh Coran thì người trì tụng sẽ có thể
tiếp xúc với cõi vô hình nhưng muốn nhận biết rõ thế giới tâm linh thì đòi hỏi
người trì kinh phải có định tâm thật vững vàng và có sự hiểu biết rộng về cõi
vô hình.
Chính vì việc được tiếp xúc, nhận biết mơ hồ về cõi vô hình nên các tín đồ
Hồi giáo có đức tin mãnh liệt và tin những nhà truyền giáo chính thật là đại
diện của Thánh Ala.
Không dừng lại đó, giai cấp lãnh đạo đã hạn chế sự hiểu biết của người dân.
Đặc biệt là người phụ nữ bằng cách hạn chế họ đến trường. Vì giai cấp lãnh tụ
tinh thần tôn giáo nhận biết rằng “Khi người dân có hiểu biết thì người dân sẽ
có những hoài nghi, không còn tin vào những điều luật vô lý và giai cấp thống
trị sẽ mất lá bùa hộ mạng quan trọng”.
Người dân ngay từ nhỏ đã được nhồi nhét vào đầu niềm tin tôn giáo sâu sắc.
Tử vì đạo, thánh chiến được giới lãnh đạo dùng như một lá bùa bảo hộ cho sự
tồn vong của quốc gia, dân tộc và họ sẽ đảm bảo được vai trò thống trị.
Tôi cũng đã nhận ra sự quay lưng lại với những điều luật không đúng, không
còn hợp thời của các tín đồ Hồi giáo có hiểu biết. Mai này, những tín đồ Hồi
giáo thuần thành sẽ không còn giữ đức tin mù quáng như trước. Không lâu nữa,
những người phụ nữ Hồi giáo sẽ được đến trường, họ cần sự hiểu biết.
Tôi cũng nhận ra những thanh niên, những người đàn ông Hồi giáo tiến bộ đã
nhận biết những điều không hợp lý của chế độ đa thê. Tuy nhiên, họ cần thêm
thời gian để bước qua lòng tham dục.
Những quốc gia Hồi giáo rồi đây sẽ có phong trào bình đẳng giới phát triển mạnh
mẽ nhất so với các quốc gia khác trên thế giới, người phụ nữ Hồi giáo sẽ tìm
được chỗ đứng thực sự của họ trong xã hội văn minh.
Giai cấp lãnh đạo các quốc gia Hồi giáo nên sớm nhận biết rõ điều này, tùy
thuận thay đổi cho hợp với lòng tin của các tín đồ, cho phù hợp với tình hình
phát triển của nhân loại. Đừng cố giữ lấy lá bùa hộ mạng đã mất hết quyền năng.
Điều này sẽ sớm ra.
Hơn nữa, những người bạn Hồi giáo hãy nhìn nhận lại vấn đề. Thánh Ala, giáo
chủ, nhà tiên tri Mohamet có chia Hồi giáo ra làm hai dòng Sunni và Shitte
không?
Họ có kêu gọi tín đồ dòng Sunni giết hại dòng Shitte và ngược lại không?
Nếu câu trả lời là có thì thật vô lý. Sunni và Shitte có cùng cha chung -
Thánh Ala và nhà tiên tri Mohamet.
Có người cha nào khiến các con mình giết hại lẫn nhau không?
Vậy câu trả lời đúng sẽ là không. Thế nên Hồi giáo phân cành rẽ nhánh là do
tư dục của các thủ lãnh tinh thần Hồi giáo. Họ chia rẽ tín đồ nhằm nhận lấy
nhiều lợi dưỡng hơn và tranh giành quyền lợi cá nhân.
Lão Giáo:
Tiêu biểu cho tư tưởng Lão giáo được lưu giữ trong quyển sách Đạo Đức Kinh
của Lão Tử.
Không giống với các tôn giáo khác, tư tưởng của đạo Lão mang đậm nét Á Đông
với nền tảng triết lý sống, với tư tưởng bất tranh, khiêm nhu bởi lẽ Lão Tử
nhận biết rõ quy luật của đạo hơn các vị giáo chủ của các tôn giáo khác. Lão Tử
không chủ trương tranh cạnh, không kêu gọi bạo động, đấu tranh, sống tùy thuận
theo đạo, tùy thời,… Vì Lão Tử rõ biết quy luật sinh trụ dị diệt, thành trụ
hoại không, sinh lão bệnh tử của vạn vật, của con người. Con người cũng là một
phần của đạo, vì thế khi con người làm trái đạo thì tất sẽ bị diệt vong.
Quy luật của đạo đã được Lão Tử diễn giải:
Cố quý dĩ tiện vi bản, cao dĩ hạ vi cơ.
Sang lấy hèn làm gốc, cao lấy thấp làm nền. Bởi lẽ nếu không có hèn, không
có thấp thì làm gì có sang, có cao. Thế nên thấp, hèn là gốc, là nền của cao,
sang.
Khúc tắc toàn, uổng tắc trực, oa tắc doanh, tệ tắc tân,
thiểu tắc đắc, đa tắc hoặc.
Tùy thuận thì sẽ được bảo toàn, cong rồi thì sẽ thẳng ra, cạn rồi sẽ đầy,
ít thì sẽ được thêm, nhiều rồi thì sẽ loạn.
Tĩnh thắng động, hàn thắng nhiệt, thanh tĩnh vi thiên hạ
chính.
Trọng vi khinh căn, tĩnh vi táo quân. Thị dĩ thánh nhân
chung nhật hành bất li tri trọng, tuy hữu vinh quan, yến sử siêu nhiên. Nại hà
vạn thặng chi chủ nhi dĩ thân khinh thiên hạ? Khinh tắc thất căn, táo tắc thất
quân.
Tri kỳ vinh, thủ kỳ nhục, vi thiên hạ cốc, thường đức mã
túc, phục quy ư phác. Phác tán tắc vi khí, thánh nhân dụng chi, tắc vi quan
trưởng, cố đại chế thập bất cát.
Tĩnh thắng động, lạnh thắng nóng, thanh tĩnh là đạo làm chủ thiên hạ.
Nặng là gốc rễ của nhẹ, sự tĩnh tại, lặng yên là chủ của sự náo động, xáo
trộn. Vì vậy người hiểu đạo thì suốt ngày không rời gốc, rời đạo. Tuy là người
có quyền tự chủ, tự quyết định nhưng lại chú trọng sự nhàn tĩnh, xa rời tư dục,
xử sự khách quan, tùy thuận. Vì là người hiểu đạo nên không thể coi trọng bản
thân mà xem thường mọi người xung quanh. Xem nhẹ người là trái đạo, kém đức;
Người vô đạo, kém đức thì sẽ tự đánh mất bản thân, bị đào thải ra khỏi xã hội
loài người.
Người hiểu đạo biết vinh nhưng giữ nhục làm cái hay của thiên hạ. Giữ cái
hay của thiên hạ thì cái đức vĩnh cữu bất biến sẽ tự đầy đủ, mọi người nhìn cái
đức vĩnh cữu bất biến sẽ hiểu đạo mà tự trở về mộc mạc như gỗ chưa đẽo. Gỗ chưa
đẽo thì tùy thuận xẻ ra làm đồ dùng. Người hiểu đạo tùy thuận mà điều khiển
được mọi việc. Cho nên người hiểu đạo, biết đạo thời không can thiệp, không
chia cắt mọi việc thành nhỏ vụn.
Ngũ sắc linh nhân mục manh, ngũ âm linh nhân nhĩ lung,
ngũ vị linh nhân khẩu sản, trì sính điền liệp linh nhân tâm phát cuồng. Nan đắc
chi hóa linh nhân hành phương. Thị dĩ thánh nhân vị phúc bất vị mục, cố khứ bỉ
thủ thử.
Ngũ sắc làm người mờ mắt, ngũ âm làm người ù tai, ngũ vị làm người tê lưỡi,
ruổi ngựa săn bắn làm lòng người mê loạn, loạn động. Vàng bạc châu báu khiến
hành vi con người đồi bại. Cho nên ngưòi hiểu đạo chỉ cầu no bụng không cầu vui
mắt, bỏ việc xa xỉ, đa dục mà giữ lấy sự chất phác, đạm bạc.
Lão Tử xem trọng đạo, khuyên người giữ đạo vì lẽ.
Đạo sinh chi, đức súc chi, vật hình chi, thế thành chi.
Thị dĩ vạn vật mạc bất tôn đạo quý đức. Đạo chi tôn, đức chi quý, phù mạc chi
mệnh nhi thường tự nhiên.
Cố đạo sinh chi, đức súc chi, trưởng chi, dục chi, đình
chi, độc chi, dưỡng chi, phú chi. Sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, trưởng nhi
bất tể, thị vị huyền đức.
Đạo sinh ra vạn vật, đức bao bọc vạn vật, vật thành hình, tùy thuộc vào
điều kiện hoàn cảnh khí hậu, đất nước mà vật có hình dạng, công dụng khác nhau.
Dù vậy đạo và đức không cần vạn vật coi trọng. Nhưng đạo vẫn được coi là mẹ vạn
vật, đức vẫn được xem là quý vì đạo và đức không can thiệp, chi phối vạn vật mà
để vạn vật tự nhiên phát triển.
Đạo sinh ra vạn vật, đức bao bọc, bồi dưỡng, nuôi lớn tới thành hình, che
chở vạn vật. Tuy đạo sinh ra vạn vật nhưng không chiếm làm của riêng, để cho
vạn vật tự lớn mà không cậy công, không làm chủ, không can thiệp chi phối sự
phát triển của vạn vật nhờ vậy mà đạo đạt được cái đức huyền diệu.
Có lẽ người đời sau đã hiểu sai tư tưởng hàm chứa trong Đạo Đức Kinh nên
vội nhận định tư tưởng bất tranh, khiêm nhu của Lão Tử rất có hại cho sự phát
triển, sự tiến bộ của loài người, không nhìn ra được cái thấy tột cùng của Lão
Tử “Nếu loài người sống tùy thuận ôm đạo, giữ đức thì xã hội loài người sẽ phát
triển rất ổn định và bền vững”.
Về điểm này thì Khổng Tử cũng có sự đồng thuận với Lão Tử, Khổng Tử nói:
Tứ thời hành yên, bách vật sinh yên, thiên hà ngôn tai.
Trời có nói gì đâu mà bốn mùa thay đổi, luân phiên vận hành, vạn vật cứ tự
thích nghi tùy thuộc vào hoàn cảnh. Cá tự có vây, chim tự mọc cánh, con nòng
nọc lên cạn thì tự mất đuôi thành ếch, con tằm tự làm kén hóa nhộng, rồi đục
kén ra thành bướm;… và loài vật nào cũng vậy, đói thì đi kiếm ăn, no rồi thì
thôi, mệt thì kiếm chỗ nghỉ,…
Lão Tử đã rất sâu sắc khi nhận ra mọi vật đều có hai mặt trái phải nhưng
thật khó phân định trái phải một cách rõ ràng. Ông cũng nhìn ra được dù vật lớn
hay nhỏ đều dường như có bản chất như nhau. Thế nên khi tìm hiểu quy luật bản
chất của những sự vật hiện tượng cực lớn hoặc cực nhỏ, vi tế thì ông sẽ tìm
hiểu quy luật, bản chất ở những sự vật hiện tượng đơn giản, dễ tìm hiểu hơn nhờ
vậy ông nắm rõ quy luật của đạo, của các sự vật hiện tượng.
Phản giả đạo chi động, nhược giả đạo chi dụng. Thiên địa
vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô.
Phù vật vân vân, các phục quy kì căn. Quy căn viết tĩnh,
thị vị phục mệnh. Phục mệnh viết thường. Tri thường viết minh, bất tri thường
vọng tác hung.
Luật vận hành của đạo là trở lại lúc đầu, trở lại gốc, nhờ vậy mà đạo trở
nên diệu dụng. Vạn vật trong trời đất sinh ra là có mà có lại từ không sinh ra.
Vạn vật phồn thịnh đều trở về cội nguồn, về đạo. Về cội nguồn thì tĩnh, còn
gọi là trở về mệnh. Trở về mệnh là lẽ thường. Hiểu được lẽ thường là sáng suốt,
không hiểu lẽ thường mà vọng động thì sẽ gây họa.
Bởi lẽ:
Nhân chi sinh dã nhu nhược, kì tử dã kiên cường. Vạn vật
thảo mộc chi sinh dã như thủy, kì tử dã khô cảo. Cố kiện cường giả, tử chi đồ,
nhu nhược giả, sinh chi đồ. Thị dĩ binh cường tắc bất thắng, mộc cường tắc
binh. Cố kiên cường xử hạ, nhu nhược xử thượng. Vật tráng tắc lão. Lương cường
giả bất đắc kì tử.
Con người khi sinh ra thì mềm yếu, khi chết thì cứng đơ. Cây cỏ sinh ra thì
mềm dịu, chết thì khô cứng. Thế nên cứng mạnh là cùng loài với chết, mềm yếu là
cùng loài với sống. Vì vậy binh lực mạnh không hẳn sẽ tất thắng bởi lẽ những
cây to cứng thường dễ bị đổ gãy trước giông bão. Cứng mạnh thì phải đặt ở dưới,
mềm yếu thì được đặt ở trên. Vật gì cường tráng rồi thì sẽ già. Cuồng bạo thì
sẽ chết bất ngờ.
Xí giả bất lập, khóa giả bất hành. Tự giả bất chương, tự
phạt giả bất công, tự khoa giả bất trường.
Đứng nhón chân thì sẽ không vững, bước xoạc cẳng thì không đi được xa.
Người tự biểu hiện thì không sáng rõ, kẻ tự kể công thì không còn công trạng,
người khoe khoang, phô trương thì sẽ không tồn tại lâu dài.
Tri nhân giả trí, tự tri giả minh. Thắng nhân giả lực, tự
thắng giả cường. Tri túc giả phú, cường hành giả chí.
Kẻ biết người là người khôn, tự biết mình là người sáng suốt. Thắng được
người là có sức mạnh, thắng được mình thì mới thật sự kiên cường. Người biết đủ
là người giàu, người chăm làm là người có chí.
Lão Tử nhận thấy quỷ thần cũng nằm trong đạo. Tuy nhiên, ông đã không đi
sâu tìm hiểu về cõi giới vô hình. Bởi do Lão Tử đứng ở vị trí là người quan sát
đạo nên đã không thể nhập được vào đạo, không nhận rõ hết bản nguyên của đạo dù
rằng ông biết đạo luôn trường cửu.
Cụ thể:
Đạo chi vi vật, duy hoảng duy hốt, hốt hề hoảng hề, kì
trung hữu vật. Yểu hề, minh hề, kì trung hữu tinh, kì tinh thậm chân, kì trung
hữu tín.
Tự cổ cập kim, kì danh bất khứ, dĩ tuyệt chúng phủ. Ngô
hà dĩ tri chúng phủ chi trang tai? Dĩ thử.
Đạo là cái gì chỉ mập mờ, thấp thoáng; mập mờ, thấp thoáng mà ẩn chứa hình
tượng ở bên trong; thấp thoáng, mập mờ mà bên trong có vật; nó thâm viễn, tối
tăm mà bên trong có cái tinh túy; cái tinh túy đó rất thực, rất đáng tin.
Từ xưa đến nay, đạo tồn tại hoài, nó sáng tạo vạn vật. Do đâu mà ta biết
bản nguyên của vạn vật? Chính là do đạo.
Vì Lão Tử hiểu rõ quy luật của đạo, quy luật của cuộc sống. Lão Tử nhìn
thấy quy luật phát triển của xã hội giống như con nước ròng rồi con nước lớn.
Ngay thời điểm ông sống là một con nước ròng. Hiểu được quy luật Lão Tử đã
không vọng động mà lui về giữ đạo, đứng ngoài cuộc tranh đua của thế sự suy
đồi, đảo điên.
Lão Tử viết Đạo Đức Kinh nhằm khuyên nhủ mọi thành phần trong xã hội từ vua
chúa, quan lại,… đến người dân nên hiểu, sống tùy thuận theo đạo nhưng nếu xã
hội mất đạo, đại loạn thì nên quay về ở ẩn, giữ mình, giữ đạo.
Nói cách khác khi nhìn rõ quy luật con nước ròng, con nước lớn của cuộc
sống, Lão Tử đã giữ mình làm bờ sông. Vì lẽ này mà ông đã không thể nhập vào
đạo được.
Đây là điểm khác biệt của Lão Tử và Phật Thích Ca Mâu Ni:
Cùng là tư tưởng bất tranh, bất bạo động, Đức Phật cũng nhận biết rõ các
quy luật vận hành của đạo. Nhưng Phật không những nhận ra quy luật của đạo ở thế
giới vật chất hữu hình mà Người còn rõ biết quy luật vận hành của thế giới vô
hình. Sau cùng Phật hợp nhất cả hai cõi giới vô hình, hữu hình và Người thể
nhập hòa vào đạo.
Hay nói một cách khác với tư tưởng giữ đạo, Lão Tử sẽ là bờ sông; không
vướng vào việc đua tranh nước ròng, nước lớn để đạt được sự tiêu diêu, tự tại.
Còn Phật Thích Ca hòa vào đạo, là đạo nên sẽ là dòng sông có con nước ròng,
con nước lớn, có cả bờ sông. Nhưng vì rõ biết bản nguyên của đạo nên Phật không
tham đắm, không dính mắc nên đạt sự an lạc, tự tại.
Bài liên quan
- Lời tự tình của mây trắng
- Ván Cờ Trân Long
- Lại nói về Phật Thích Ca
- Đạo, đời và tôn giáo (P.3)
- Đạo, đời và tôn giáo (P.1)
- Kinh tế và…
- Chính trị
- Giáo dục - Khoa học
- Viết lại sự hiểu biết của nhân loại
- Chánh pháp thất truyền của Phật Thích Ca (P.3)
- Chánh pháp thất truyền của Phật Thích Ca (P.2)
- Chánh pháp thất truyền của Phật Thích Ca (P.1)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét