Dùng nhị nguyên luận cổ, giải kim (P.2)
Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017
Tịnh độ tông:
Tịnh độ tông ra đời dựa vào
bộ kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ. Người học Phật hành
trì theo pháp môn Tịnh độ tin sâu lời nguyện của Phật A Di Đà, nương cầu tha
lực. Lâu ngày thành tánh, người tu Tịnh độ không còn tin nơi tự tâm, tự tánh
vội nhận căn tánh ngu độn, trí tuệ cạn cợt, phước mỏng,… Hành trì tu học chỉ
cầu Phật A Di Đà tiếp dẫn Tây Phương Cực Lạc khi nhắm mắt lìa đời.
Người học Phật theo Tịnh độ
tông phần nhiều không chú trọng học hỏi pháp Phật nhằm nhận biết sáng rõ con
đường liễu thoát sinh tử và tự chủ bước đi vượt qua luân hồi. Sự không tự tin
vào tự tâm mỗi người đều có Phật tánh thể hiện rõ ở nơi người học Phật theo
pháp môn Tịnh độ.
Cụ thể là có không ít vị cao
Tăng danh tiếng học theo pháp tu Tịnh độ trải qua thời gian rất lâu xa. Vậy mà
khi được Phật tử đến lễ bái lòng e dè không muốn nhận vì sợ hóa thân Bồ tát
tham bái sẽ bị tổn hại phước lực. Nếu gắng gượng cho rằng vì là người học Phật
nên thể hiện phép khiêm cung, kham nhẫn. Nhưng đến việc dặn dò Phật tử vào ngày
họ viên tịch hãy cùng hộ niệm, trợ duyên giúp họ tiến nhập Tây Phương thì không
thể là sự khiêm cung. Bởi lẽ khi người học Phật đạt pháp sẽ tự biết chọn đường
để đi nếu vì sự khiêm cung mà nói lời hư vọng là dối truyền pháp Phật, không là
người học Phật chân chính.
Quả thật, khi trình bày vấn
đề này dù vô tình hay cố ý thì tôi cũng đã phạm vào lỗi “Đại ngã mạn”, tôi sẽ
sám hối nơi tự tâm.
Đây thật là việc bất đắc dĩ
tôi phải làm chứ không vì danh lợi phù vân. Nếu tôi có lòng hư dối “Khinh Sư,
diệt Tổ” nguyện đọa địa ngục Vô gián muôn ngàn kiếp không thể siêu sinh.
Lý do tôi trình bày vấn đề
trên là vì chỉ ra điểm sai then chốt của người học Phật khi hành trì pháp môn
Tịnh độ mà thiếu sự hiểu biết sáng rõ. Tôi sẽ kể 1 câu chuyện được nghe từ một
người học Phật khác. Chuyện kể rằng:
Một hôm, người học Phật đó gặp các cô, các bác Phật tử đi từ trong chùa
ra sau một thời kinh. Vốn có quen biết, người học Phật buộc miệng hỏi:
- Hôm nay các bác đi chùa trì kinh gì?
Người Phật tử trả lời:
- Tụng kinh Quán Vô Lượng Thọ.
Người học Phật lại hỏi:
- Trong kinh viết gì?
Người Phật tử đáp:
- Trong đó viết “tùm lum, tùm la”, đọc không hiểu gì hết.
Đến đây, người học Phật chẳng còn lời nào để hỏi.
Xét lại vấn đề này, câu trả
lời cuối cùng của người Phật tử cho thấy họ là người rất chân chất, tri thức
không rộng nhưng đến chùa học Phật mà như thế thì “Tham, sân, si, mạn, nghi” có
dứt trừ được không?
Nếu không thể dứt trừ “Tham,
sân, si, mạn, nghi” thì sao có thể có “cửu phẩm liên hoa” chờ sẵn nơi Tây
Phương cực lạc. Nếu không có cái nhìn sáng rõ để tự tiến tu thì Phật đâu thể
tiếp dẫn đặng.
Phật Thích Ca đã từng thuyết
“Bất kỳ chúng sinh nào trong 6 đường đều có Phật tánh”.
Hiển nhiên chỉ có chúng sinh
nẻo Người là có thể hiểu được câu nói đó.
Vậy bạn có tin nơi bạn có
Phật tánh không?
Nếu không tin nhận thì bạn
học Phật mà làm gì?
Nếu đã tin nhận sao lại còn
u mê vướng vào tà kiến căn tánh ngu độn, chậm lụt, phước mỏng, cần tu học Phật
rất nhiều đời?
Nếu thật tin nhận “Phật tánh
có nơi tự tâm” thì hãy lấy Phật tánh ra chuyển thành Tánh Phật. Ngay đây chính
là nơi người học Phật không bị kinh chuyển mà đã chuyển được kinh. Nếu hành trì
tinh tấn, miên mật chuyển Phật tánh thành Tánh Phật thì sẽ mau chóng giác ngộ,
giải thoát hoàn toàn.
Tánh Phật là gì?
Nơi Tánh Phật không có “Tham
sân si mạn nghi”, trợ pháp hiển lộ Tánh Phật là 6 pháp ba la mật - Bố thí, trì
giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.
Hiển nhiên là nơi bạn luôn
sẵn có. Nếu bạn phát tâm bồ tát dũng mãnh, hành trì tùy thuận 6 pháp ba la mật
bạn hoàn toàn có thể thành Phật, Bồ tát cũng như quả vị của những bậc bất thối
chuyển ngay trong hiện đời. Đây là lời nói không hư dối, đúng thật.
…
Thiền tông:
Dựa vào pháp Tâm truyền tâm
được cho là “của riêng” Sơ Tổ Trung Hoa, ngài Bồ Đề Đạt Ma. Trói người học Phật
vào pháp với việc thiền hành, thiền tọa, xa rời ngôn thuyết, giáo lý kinh điển.
Mục tiêu của người học Phật theo pháp tu Thiền tông là chứng đắc 1 trong 4 quả
vị Thánh, cầu A la hán, tham học pháp xuất thế gian.
Do việc hạn chế tham khảo
giáo lý, kinh điển, không học hỏi sự hiểu biết và ít va chạm nơi pháp thế gian
nên sự chứng ngộ đạo lý giác ngộ, giải thoát ở người tu Thiền tông có phần giới
hạn.
Tuy nhiên, người tu Thiền
Tông quả thật có chứng, có đắc và vì có sự “đột ngột” khai mở trí tuệ nên người
học Phật dễ sinh tâm ngã mạn, nuôi lớn bản ngã.
Có không ít người tu thiền
đã “Coi trời bằng vung”, “Dưới mắt không người”, “Khinh Sư, diệt Phật”.
Cụ thể là có không ít người
tu học một thời gian được khai mở sự hiểu biết đã lập ra tông giáo mới, phân
biệt ra Như Lai thiền, Tổ Sư thiền, thêm nhiều pháp thiền khác nhau và cả Tối
thượng thừa thiền.
Không chỉ vậy, có một vài
Tông phái thiền dõng dạc tuyên bố “Pháp môn tu cao hơn pháp Phật, hoặc là nếu y
pháp môn của Tông phái đó thì sẽ đảm bảo đắc A la hán,…”.
Những người học Phật này nếu
không rơi vào lợi dưỡng, lợi danh thì hẳn là đã dừng nơi Đại ngã. Đành rằng:
Vạn pháp đồng tánh không nhưng cũng đừng quên cụm từ “chẳng thật không”.
Với trí tuệ của Đại ngã nơi
tự thân mà dám tự thị “Pháp môn tu cao hơn pháp Phật” thì không phải là quá
ngông cuồng sao?
Hãy nên nhìn nhận lại cội
nguồn nơi đâu mà đạt pháp, phát khởi trí tuệ lớn. Dù rằng là vì người học Phật
đời sau nói lời hư vọng nhưng không thể “một sớm, một chiều” “tắm máu” Như Lai.
Rõ thật là việc làm cuồng
ngông đó chỉ ở nơi Đại ngã chưa thực chứng Vô ngã. Nếu dừng lại nơi Đại ngã thì
người học Phật chưa thật sự sống với Chánh vị. Nếu nhận biết phạm lỗi Đại ngã
mạn thì người học Phật nên tự tâm sám hối chí thành nhằm phục hồi giới thể, tự
tìm về bản tâm thanh tịnh, không dính mắc.
Tôi lại kể một câu chuyện về
sự hành trì sai chánh pháp của một người học Phật rơi vào đại ngã. Đây là một
câu chuyện có thật.
Trước đây, có một người học Phật chuyên tâm thiền định. Sau một thời
gian hành trì, người đó khai mở được sự hiểu biết trở nên thông tuệ. Do chưa
phá bỏ hoàn toàn bản ngã và do dục tính huân tập sâu dày chưa được điều phục
rốt ráo, người đó đã hướng sự phát triển tông giáo theo hướng mới nhằm thỏa mãn
tính dục bản thân mà về sau nhân loại tạm gọi tông giáo đó là tà giáo. Người
đứng đầu tông giáo đó được gọi là nhà truyền giáo tình dục. Nguyên do tông giáo
đó hướng con người đến sự tự do tình dục, tổ chức những buổi quan hệ tình dục
nam nữ tập thể, quần hôn,… Kết quả nhà truyền giáo đó đã chết không minh bạch.
Cái chết không minh bạch đó có thể xét đến khía cạnh việc truyền bá tư tưởng
của nhà truyền giáo trên không đúng với lòng người, trái đạo. Trái đạo tất sẽ
mạng vong.
Xét lại vấn đề này, ta sẽ
thấy việc làm của người truyền giáo trên là sai trái, không đúng với chánh pháp
Phật Thích Ca. Nếu chưa sống được chánh vị thì hẳn là người truyền giáo đó sẽ
phải luân hồi trở lại.
Đáng buồn hơn là những tín
đồ của Tông phái tà quái trên sẽ bị dìm sâu hơn trong những nẻo tối tăm, xấu
ác.
Ở đây sẽ có sự khác biệt
giữa pháp thế gian và pháp xuất thế gian. Với pháp thế gian thì người “biết
luật phạm luật” sẽ bị trừng phạt nặng hơn còn ở pháp xuất thế gian thì ngược
lại, người “biết luật phạm luật” sẽ nhận nghiệp quả nhẹ hơn.
Bởi do mọi việc đều lưu xuất
ngay nơi tâm ý, người học Phật đúng pháp rõ biết nghiệp quả nên việc làm e dè,
thận trọng, không ngừng sửa sai vì thế sẽ dễ dàng hơn trong việc “Cầm lên được
thì buông xuống được” đồng nghĩa với việc không dính mắc, buông bỏ được việc đã
làm.
Tuy nhiên để làm được điều
này đòi hỏi người học Phật có sự hiểu biết sáng rõ và thường sống nơi pháp
Phật, sống với tâm không dính mắc, sáng rõ.
Để rõ hơn về việc trừng phạt
nơi pháp xuất gian giữa người học Phật và người không học Phật tôi sẽ đưa ra
một câu chuyện có trong giáo lý nhà Phật:
Ví như 2 người phạm tội và nhận cùng một hình phạt là chạm tay vào
thanh sắt cực nóng. Người không học Phật, không biết đến pháp xuất thế gian sẽ
không rõ biết thanh sắt cực nóng nên dùng bàn tay nắm cả vào thanh sắt, còn
người học Phật dù vừa mới tiếp xúc đến pháp xuất thế gian nhưng do nhận biết
thanh sắt nóng nên chỉ chạm nhẹ vào thanh sắt và rút tay về.
Hậu quả của việc trừng phạt
ở 2 người, bạn hãy tự nhìn nhận lấy.
Liên quan đến việc làm trái
đạo của nhà truyền giáo trên tôi phải trình bày lại sáng rõ một vấn đề nhằm
tránh tạo ra sự ngộ nhận đáng tiếc và cũng là giải một mối nghi trong tri thức
nhân loại.
Từ lâu, người học Phật và
phần lớn nhân loại lầm lạc tin rằng “Việc học Phật cần phải “cắt ái, ly gia” vì
vậy mà nhân loại đã tạo ra khoảng trống là sự xa rời pháp Phật”.
Nay tôi trình bày việc xiển
dương “tự do tình dục” là việc làm không đúng với chánh pháp của nhà truyền
giáo cũng lại là vấn đề liên quan đến tình dục.
Nếu tôi không trình bày rõ
ràng thì nhân loại lại mặc nhiên tin rằng “Người học Phật phải lìa bỏ tình yêu,
hôn nhân, gia đình”. Nhận thức như thế thì con người sẽ khó thể đồng thuận dẫn
đến việc xa rời pháp Phật và không thể tùy thuận sống theo chánh pháp.
Thực tế là giáo lý Phật
Thích Ca chưa bao giờ khuyên con người từ bỏ yêu thương.
Vậy sao có thể thừa nhận
người học Phật là nên lấy “cắt ái, ly gia” làm sự chuẩn mực và là thước đo của
việc học Phật?
Người học Phật học gì nơi
Phật?
Việc học đó không gì khác
hơn ngoài việc học hỏi, hành trì theo chánh pháp.
Chánh pháp là gì?
Chánh pháp có ở nơi đâu?
Chánh pháp có nơi lòng
người, lòng người chứa đựng chánh pháp. Thật vậy, sâu thẳm nơi lòng người chính
thật là việc cầu giải thoát khỏi mọi khổ đau và sinh tử. Chánh pháp là các pháp
giúp con người thực hiện việc thoát ra mọi khổ đau, thoát khỏi sinh tử.
Để rõ hơn vấn đề này tôi sẽ
xét lại việc ngài A Nan trúng mê dược của cô Ma Đăng Già suýt phạm giới thể.
Phật đã cho người đến nhà cô Ma Đăng Già đưa cả A Nan và cô Ma Đăng Già về gặp
Phật.
Việc làm đó nhằm “giải cứu”
ai?
Từ lâu, người học Phật cho
rằng “Việc làm đó nhằm giải cứu ngài A Nan.
Đây là một sự ngộ nhận đáng
tiếc. Thật ra Phật đã giải cứu cô Ma Đăng Già giúp cô không rơi vào tận cùng
đau khổ và tuyệt vọng.
Lúc bấy giờ, ngài A Nan đã
đạt quả Dự lưu bất thối chuyển. Vạn nhất ngài A Nan phạm sắc giới thì sinh lòng
hổ thẹn, sám hối nơi tự tâm và trước đại chúng nhằm phục hồi giới thể.
Việc này hoàn toàn phù hợp
với chánh pháp bởi lẽ ngài A Nan không “Tham dâm, túng dục” mà do trúng phải mê
dược và gian kế của mẹ cô Ma Đăng Già.
Hơn nữa, ngài A Nan đã đạt
bậc bất thối chuyển thì sẽ “Cầm lên được và buông xuống được” nên đối với ngài
A Nan mà nói thì đây không phải là kiếp nạn ghê gớm.
Với cô Ma Đăng Già thì lại
khác, vừa nhìn thấy ngài A Nan cô đã đem lòng yêu say đắm. Hiển nhiên là ngài A
Nan từ chối. Nàng Ma Đăng Già “ngày nhớ, đêm mong” dung mạo đẹp đẽ, khôi ngô
của ngài A Nan. Việc yêu đơn phương khiến cô Ma Đăng Già lâm bệnh nặng, thân
hình tàn tạ, đến chẳng còn thiết sống. Mẹ cô vì quá thương con nên đã dùng mê
dược nhằm giữ ngài A Nan làm “của riêng” cho con.
Nếu Phật không kịp đến giải
cứu thì hẳn là trinh tiết của cô Ma Đăng Già không còn.
Nhưng việc đó có giữ được
ngài A Nan ở mãi bên cô Ma Đăng Già không?
Nếu ngài A Nan rời đi thì cô
ta vạn phần đau khổ.
Còn khi ngài A Nan ở lại và
sống trong cảnh “Đồng sàng dị mộng” liệu cô Ma Đăng Già có được mấy ngày vui?
Rõ thật là ngài A Nan không
hề yêu cô Ma Đăng Già. Khi đi theo Phật ngài A Nan một lòng cầu giải thoát hoàn
toàn, mong chứng quả vị thánh.
Việc hôn nhân của A Nan hiển
nhiên là Phật không thể tùy tiện xen vào. Nếu như ngài A Nan cũng yêu thương cô
Ma Đăng Già bằng tình yêu nam nữ và muốn cưới cô Ma Đăng Già làm vợ thì hẳn là
Phật tác thành mối nhân duyên đó vì thực tế ngài A Nan đã vào bậc bất thối
chuyển cho nên việc giải thoát hoàn toàn về cơ bản sẽ không gặp nhiều trở ngại.
Đây là lý lẽ đúng thật, không hề trái với chánh pháp Phật Thích Ca.
Có một điều rõ thật là Phật
Thích Ca chưa bao giờ khuyên vua cha Tịnh Phạn, vua Tần Bà Sa La, A Xà Thế,
Thái tử Kỳ Đà, vị trưởng giả Cấp Cô Độc, ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, y sĩ
Kỳ Bà (Jivaka),… “cắt ái, ly gia”.
Nếu việc “cắt ái, ly gia” là
“cứu cánh” của đạo giải thoát thì Phật Thích Ca đã nhất mực khuyên vua cha Tịnh
Phạn xuất gia, cầu pháp. Người học Phật đừng hiểu sai về chánh pháp của Phật
Thích Ca.
Thêm nữa, chánh pháp của
Phật Thích Ca khuyên người học Phật không nên tham Dục. Chữ Dục mà Phật đề cập
đến không chỉ là tình dục - giới Dâm mà gồm rất nhiều thứ khác như tiền bạc,
của báu, địa vị, danh lợi, sắc đẹp,… Vì là khi con người tham đắm dục họ sẽ
không từ bất cứ thủ đoạn nào để chiếm hữu, giành giật, cướp về,… làm những việc
gây ra hàng loạt đau khổ cho con người và chính cả bản thân.
Nếu con người sống với hành
vi chân chính thì không có gì là trái với chánh pháp cả. Đối với giới Dâm có
hai vấn đề người học Phật cần rõ biết. Trong đó, chánh dâm là hoàn toàn đúng
với chánh pháp vì việc này đảm bảo sự tồn vong của nhân loại, là việc quan hệ
tình dục giữa những đôi vợ chồng hợp pháp.
Còn tà dâm là việc làm sai
với chánh pháp, nó thể hiện sự “túng dục, khát ái”, buông thả tà tâm, vụng
trộm, việc làm không đúng chánh pháp này sẽ khiến con người thân hình suy hoại,
héo khô, tâm trí loạn động, chẳng an,… và nơi hành dâm là những nơi được xem là
“vũng lầy xã hội” hoặc là những nơi hoang vắng, tối tăm mà người đời thường gọi
là “mèo mả, gà đồng”. Khi người tham dâm tạo thành thói quen thì đến lúc chết
đi sẽ lai vãng, thọ sinh ở những nơi xấu tối. Cứ thế mà những người “tham dâm,
khát ái” sẽ từng bước rơi vào những nẻo xấu trong 6 đường.
…
Mật tông:
Người học Phật theo pháp tu
Mật tông thường xuyên hành trì bùa chú, độ vong,... Việc làm này thường chạm
đến cõi vô hình, xen vào nhân quả nghiệp báo. Pháp tu Mật tông có nét giống như
Pháp tu của đạo Bà la môn. Pháp tu Mật tông hiện nay chân sư khó gặp, phần lớn
người tu pháp môn này dùng phương tiện độ người cõi dưới nhằm thọ nhận vật phẩm
cúng dường, tạo ra sự an tâm tu học, dẫn đến việc giải đãi tu hành chờ ngày
Phật Di Lặc hạ sinh. Nếu người tu học theo pháp môn Mật tông mà tâm không minh,
trí không sáng dễ rơi vào ma đạo. Người tu Mật tông đòi hỏi phải giữ giới
nghiêm cẩn. Nhất là dâm giới, khá nên “cắt ái, ly gia” vì việc luyện bùa chú
khiến không ít chúng sinh nẻo không thân bên mình phò trợ, cũng như học pháp.
Vạn nhất người tu học Mật tông cũng như người thân hành dâm sẽ dễ tạo ra những
hình nhân không hoàn chỉnh về thể xác và tinh thần. Nguyên do là có không ít
chúng sinh nẻo không thân theo bên mình người tu Mật tông dù chưa kịp xóa đi
tâm thức tàn hoại ở tiền kiếp nhưng lại ham thân, vội vàng nhập thai khi có đủ
duyên. Đó là điều mà người học Phật cần nên rõ biết.
Trước đây có vị đệ tử của Phật sau khi trì một thời kinh cho một gia
đình giàu có. Sau thời kinh, vị đệ tử đó được cúng dường “3 đấu 3 thăng vàng”,
vị đệ tử đó trong lòng mừng rỡ về trình với Phật. Phật đã bảo: Trì một thời
kinh mà nhận 3 đấu 3 thăng vàng thì con cháu sau này lấy gì mà dùng.
Tôi lại xét câu chuyện này,
3 đấu 3 thăng vàng cho một thời kinh mà sao Phật lại nhận định là ít bởi vì
pháp Phật là vô giá. Nếu dùng pháp Phật để mang về lợi dưỡng mà sinh lòng mừng
rỡ là đồng nghĩa với vị đệ tử này không cầu pháp xuất thế gian. Hiển nhiên là
việc học Phật theo phương cách đó thì khó thoát ra khỏi 3 cõi luân hồi. Con
cháu mà Phật dùng nói với người học Phật là ám thị chính người học Phật ở những
kiếp về sau chứ không đơn thuần là con cháu của người học Phật vì lẽ con người
nếu sống tốt và không có biến cố lớn lao xảy đến trong cuộc sống thì về cơ bản
con người sẽ luân chuyển ở kiếp người tại những nơi quen thuộc. Cụ thể là sự
luân chuyển chỉ diễn ra trong gia đình, dòng tộc hoặc vùng miền, quốc gia cư
trú,... Thế nên vị đệ tử đó sẽ lại là con cháu của chính mình và nhận lấy phần
phước báo đã tạo ra. Nhưng quy luật của gia đình, dòng tộc là “Con nước ròng,
con nước lớn”, dù cho tiền của có chất cao thành núi thì cũng sẽ có ngày đói
nghèo. Bạn hãy cố tìm xem có gia đình, dòng tộc nào giàu có, hưng thịnh mãi
không? Đến như trữ lượng khoáng sản dầu mỏ, than đá, các mỏ kim loại,… trong
lòng trái đất vô cùng dồi dào, phong phú mà theo năm tháng cứ vơi dần, cạn kiệt
dưới sức tiêu thụ của con người. Vậy tài sản của gia đình, dòng tộc lấy gì đảm
bảo cho tính bền vững, còn mãi?
Quay lại vấn đề “Khi nào
Phật Di Lặc ra đời?”. Ngay trong Hiện kiếp của trái đất sẽ chẳng có Phật Di Lặc
ra đời, chỉ có hóa thân Phật Di Lặc khắp mọi nơi. Nhưng hóa thân Phật Di Lặc
nếu có thì cũng chỉ do nhân loại nhìn nhận chứ không ở nơi người học Phật vọng
ngữ tự nhận mà thành tựu hóa thân Phật. Phật Di Lặc chỉ thật sự ra đời khi trái
đất bị nổ tung. Đến mãi hàng ngàn tỷ năm sau, một sự sống mới lại thành hình
trên khối vật chất của trái đất được tái cấu trúc. Sự sống tiến hóa dần từ thấp
lên cao và đến một lúc nào đó theo tâm ý của chúng sinh nơi trái đất mới mà
Phật Di Lặc sẽ hạ sinh. Bạn hãy tự chọn lựa nên giải thoát trong hiện đời hay
chờ Phật Di Lặc thọ ký đạo quả.
Hiện nay, người học Phật về
cơ bản được chia làm hai dòng tu chính:
Dòng tu tiểu thừa còn gọi
Nam Tông, cội nguồn dòng tu là do những vị đệ tử Phật xuôi về phía nam sông
Hằng lập nên. Điểm đặc trưng của dòng tu
này là người học Phật hành trì dựa theo lối tu của đạo Phật nguyên thủy sơ
khai, lối tu này thường mỗi ngày chỉ ăn 1 bữa, được phép ăn mặn. Bởi do những
vị đệ tử này sau khi học hỏi pháp Phật đạt bậc bất thối chuyển thì rời Phật
xuôi về phương Nam hành đạo, truyền pháp nên về sau không tiếp nhận được thêm
giáo lý đại thừa nơi Phật Thích Ca. Nguyên ủy của việc ăn mặn như tôi đã nói từ
trước là do việc đi khất thực nên người tại gia cúng dường món gì đành phải thọ
thực món đó, khó thể chọn lựa. Song ngày nay, dòng tu này cũng đã hành pháp ở
trong các chùa, tự viện.
Khi đã tự túc được việc nấu
ăn nên chăng người học Phật chuyển sang dùng thức an chay tịnh?
Việc làm đó nhằm giúp cho
thân tâm người học Phật an lạc, nuôi dưỡng lòng từ bi, đức hiếu sinh theo mong
mỏi của Phật Thích Ca.
Hơn nữa, việc thường xuyên
dùng thức ăn mặn, “món ngon, vật lạ” dễ khiến người học Phật sơ cơ rơi vào lợi
dưỡng, lui sụt chí bồ đề.
Lời góp ý vụng về, nếu không
hợp lẽ mong người tu Nam Tông độ lượng, bao dung, “Người xuất gia nên mở không
nên trói”, việc làm tùy tâm, từ bi hỷ xả.
Dòng tu đại thừa còn gọi Bắc
Tông, nguồn gốc dòng tu phát khởi ở những vị đệ tử Phật phát triển, truyền pháp
hướng lên phía bắc sông Hằng. Những vị đệ tử này sau khi đạt bậc bất thối
chuyển vẫn theo Phật hoằng pháp nên được tiếp nhận thêm phần giáo lý, kinh điển
đại thừa. Người tu học theo dòng tu đại thừa việc hành trì dựa vào giáo lý,
kinh Phật sau khi chánh pháp được lưu bố rộng ở Ấn Độ. Lúc bấy giờ, người dân
các nước quanh lưu vực sông Hằng đã biết đến giáo đoàn khất sĩ, những vị cư sĩ
tại gia dựng lên những giảng đường cho khất sĩ có nơi tá túc, trú ngụ. Trong
thời gian này, giới luật của đạo Phật đã được thiết lập chặt chẽ gồm khoảng 250
giới đối với sư và 350 giới đối với ni sư. Người học Phật theo lối tu đại thừa
về sau thường luôn dùng thức ăn chay tịnh.
Trước khi Phật nhập diệt,
Người có phó chúc lại “Giới luật tùy thời có thể bỏ bớt hoặc thêm vào”.
Đây là cái thấy cùng tột của
Như Lai. Bởi lẽ khi con người có sự hiểu biết nhất định tìm đến học Phật thì họ
sẽ cầu Vô thượng bồ đề mà đến.
Khi đó, họ tự biết hành trì,
chuẩn mực đúng với chánh pháp, việc làm hẳn là không phạm vào giới cấm, sẽ có
những giới luật bị vô hiệu (Do không có
người phạm giới) và những giới vô hiệu thời không cần giữ lại. Đó là cái
nhìn thông suốt sáng rõ của người đạt pháp xuất thế gian, chứng trí Như Lai.
Đến nay, giới luật vẫn được
giữ nguyên phải chăng người học Phật đã không thật sự sống được trong chánh
pháp, vẫn còn sai phạm giới luật?
Có không ít vị Tăng bảo cao
niên đã không giữ đúng giới vì cho rằng giới luật chỉ áp dụng cho người sơ cơ
học Phật. Việc này khiến cho người học Phật sơ cơ chẳng nhận rõ chân ngụy nơi
chánh pháp và “Thượng bất minh, hạ tất loạn”. Những điều tiếng này khiến người
tại gia có hiểu biết chẳng thể tin nhận giáo lý nhà Phật.
Tội phá hoại Tam bảo liệu
những vị Tăng bảo lầm lạc, nông nổi có thể kham lãnh chăng?
Vì những chỗ không minh bạch
đó mà giới cư sĩ tại gia phân người xuất gia ra làm 2 hạng:
- Hạng thứ nhất là người tâm
xuất gia, thân xuất gia. Người học Phật thân tâm xuất gia hành trì chuẩn mực
theo chánh pháp, giữ gìn phạm hạnh thân, khẩu, ý. Thật đáng tham bái, kính cẩn
cúng dường.
- Hạng thứ hai là người thân
xuất gia mà tâm tại gia. Người học Phật thân xuất gia mà tâm tại gia thể hiện
“Lý sự chẳng đồng, tâm hành sai biệt”, dối truyền nối pháp Phật, phụng sự Tam
bảo chỉ mong gồm thâu tài vật, lợi dưỡng, lợi danh,… Thật luống uổng việc tham
học giáo lý, kinh điển, mê mờ lý sự, chỉ mong “Chùa to, Phật lớn”, thừa sự cúng
dường,… Người học Phật này lầm lạc đường tu bởi do học pháp xuất thế gian mà
lầm tưởng pháp thế gian nên bị lưới vô minh che lấp thần trí.
Đối với pháp thế gian, người
sống nơi vựa lúa thường chẳng bao giờ sợ thiếu gạo nhưng điều này không đồng
nghĩa với việc họ sẽ không rơi vào nạn đói. Người học Phật này cũng lại như vậy
ở nơi Tam tạng kinh điển và lại thừa hành phụng sự việc Tam bảo, tạo nhiều
phước đức nên cả nghĩ sớm muộn gì cũng được Phật Di Lặc thọ ký đạo quả nên khó
thể tiến tu, Phật A Di Đà chẳng thể tiếp dẫn, lại luân hồi trong 3 cõi.
Vạn nhất trái đất nổ tung
việc tìm lại “Gương mặt mình lúc cha mẹ chưa sinh ra” phải chăng khó càng thêm
khó?
Người học Phật nên chăng sớm
mau quay đầu, tìm về bờ giác ngộ.
Khác với cách phân định đại
thừa - tiểu thừa như trên, ở những phần trình bày sau tôi sẽ giả lập phân định
lại:
- Người tu tiểu thừa là
người học Phật theo Thanh văn thừa, chỉ cầu 1 trong 4 quả vị thánh, mọi việc làm
Phật sự chỉ mong giải thoát hoàn toàn nơi bản thân ra khỏi 3 cõi và cả những
người học Phật giải đãi tu hành, chỉ mong lợi dưỡng,…
- Người tu đại thừa là người
học Phật phát tâm bồ tát dũng mãnh, học Phật cầu cả pháp thế gian và pháp xuất
thế gian, thường hay tùy nghi dùng pháp, giúp người thoát khổ, chỉ bày chánh
pháp chân thật. Tâm bồ tát của người học Phật hiển lộ nơi người sống chứ không
phải ở nơi người chết và cõi giới vô hình vì những nơi đó không người nhận
biết.
Cả pháp tu đại thừa và tiểu
thừa đều là chánh pháp chân truyền của Phật Thích Ca nhưng sao lại có sự sai
khác?
Sau khi Phật thành đạo nhận
biết chúng sinh trong 6 đường mong cầu dứt khổ, giải thoát hoàn toàn nên Phật
đã dấn thân vào con đường truyền đạo.
Lúc bấy giờ, con người chưa
biết đến giáo lý, kinh điển chánh pháp nên việc làm có phần tùy tiện, buông
lung tánh ý, sống với tâm phân biệt, dính mắc “tham sân si mạn nghi” vì thế cái
thấy nghe hay biết bị lưới vô minh che lấp, mê mờ tâm tánh, sự hiểu biết vì thế
cũng không còn sáng rõ, khách quan. Phật đã phương tiện giải giảng về luân hồi,
nghiệp quả, sự giải thoát hoàn toàn,… Con người qua lời Phật thuyết mơ hồ tin
nhận nhưng vẫn không thể rõ biết vì thế Phật lại dùng phương tiện chỉ bày cho
người học Phật việc giữ gìn thân, khẩu, ý nhằm thu thúc thân tâm. Việc dừng
lặng đó giúp người học Phật chuyển cái hiểu của chánh pháp thành việc hành trì,
sống đúng theo chánh pháp. Việc thiền định và quán chiếu giúp người học Phật
nhận rõ tự tâm, tường tận chân tánh, thoát ra khỏi tham sân si mạn nghi, dứt
trừ khổ đau, đạt được sự tự tại, đắc quả vị thánh.
Rồi khi người học Phật đã
sáng rõ chánh pháp, đạt sự tự tại giải thoát thì Phật khuyến khích họ phát tâm
đại thừa, lập hạnh bồ tát, cứu độ chúng sinh 3 cõi, làm việc lợi ích cho xã hội
chứ không nên giữ riêng sự an lạc cá nhân. Bởi do nếu chỉ biết đến sự giải
thoát tự thân thì người học Phật sẽ nuôi lớn bản ngã, chấp giữ đại ngã người
học Phật thật sự chưa thể giải thoát hoàn toàn vì còn tâm phân biệt vi tế, nhỏ
nhẹm.
Xét lại việc “Trước, Phật
phương tiện chỉ bày pháp tiểu thừa. Sau, đúng thời Phật chỉ bày pháp đại thừa”,
ta sẽ thấy Phật vì giúp con người nhận rõ tự tâm, vạn pháp đã khuyên người tu
học buông bỏ tham sân si qua việc quán chiếu mà nhận biết “vô thường, khổ,
không, vô ngã” cùng với việc nhốt thân tâm vào pháp. Đến khi người học Phật
không còn tham sân si,… thì Phật hướng họ đến việc mở lòng ra hòa vào cuộc
sống, nhằm buông bỏ pháp tiểu thừa, hành trì pháp tu đại thừa, sống tự tại,
không dính mắc mọi thứ ở cuộc sống, giúp người sống tốt cũng là giúp mình phá
bỏ hoàn toàn bản ngã, đạt sự giải thoát hoàn toàn thật sự.
Vì người học Phật hành pháp
đại thừa nơi pháp thế gian mà buông bỏ được bản ngã và tất cả các pháp nên theo
cách nói của “Pháp môn không hai” là hành mà không hành, đắc mà không để đắc,
không có người để đắc.
Thế nên, việc làm đó là
tương ưng, khế hợp với lời Phật đã thuyết “Chánh pháp còn bỏ huống hồ là phi
pháp”.
Qua đó, người học Phật sẽ rõ
biết “Cứu cánh của đạo Phật không chỉ là sự giải thoát hoàn toàn cho tự thân mà
là việc giúp người thoát khổ, chỉ bày và cùng người hành trì đạt sự giải thoát
hoàn toàn”.
Tất cả những vấn đề được
trình bày ở trên cho thấy tri thức người học Phật và nhân loại đang bị trói
trong tấm lưới vô minh, nhị nguyên dày đặc.
Việc các tôn giáo trên thế
giới chia rẽ dẫn đến sự phân biệt, giết hại lẫn nhau qua rất nhiều cuộc thánh
chiến, tòa án xử dị giáo,… hẳn những việc làm đó không là chủ trương của nhà
tiên tri Mohamet, Chúa Jesu,… những vị đó thật sự vốn là những người yêu dân
tộc, yêu đất nước. Họ ra đời vì niềm mong mỏi của con người về một cuộc sống ấm
no, bình yên, hạnh phúc của đất nước, dân tộc và bây giờ là cho cả nhân loại.
Bài liên quan
- Thấy Gì Qua Cọng Tóc Thiêng Được Thỉnh Về Ngự Ở Chùa Ba Vàng? (Phần 3)
- Thấy Gì Qua Cọng Tóc Thiêng Được Thỉnh Về Ngự Ở Chùa Ba Vàng? (Phần 2)
- Thấy Gì Qua Cọng Tóc Thiêng Được Thỉnh Về Ngự Ở Chùa Ba Vàng? (Phần 1)
- Xóa Dấu Chim Bay
- LỜI TÂM SỰ CUỐI
- XUA ĐI HUYỀN THOẠI - Đời Thừa
- Giải Công Án Đắc Pháp Của Thiền Sư Đức Sơn
- Vì Chánh Pháp Chặt Lìa Ngón Tay Đệ Tử
- Pháp Phật Không Thể Nghĩ Bàn(P.2)
- Pháp Phật Không Thể Nghĩ Bàn(P.1)
- Lại Vén Áng Mây Chiều
- Hơi Thở
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét