Lưới vô minh
Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017
Dùng nhị
nguyên luận cổ, giải kim (P.3)
1. Lưới vô minh
Tấm màng vô minh là gì?
Đó là những ngôn từ lập luận
ở nơi nhị nguyên đối đãi được dựa trên sự hiểu biết, tư duy, nhận thức của nhân
loại như giàu nghèo, cao thấp, sang hèn, thiện ác, đúng sai, được mất, xuân hạ
thu đông, mặt trời - mặt trăng - trái đất, người da trắng - người da đen, loài
người - loài vật, giữ giới - phạm giới, chay mặn, con gái - con trai, mưa gió
sấm chớp,…
Nếu trình bày những ngôn từ
dệt nên tấm màng vô minh chỉ e rằng tôi viết đến mãn muôn kiếp cũng không thể
trình bày cho cùng tận.
Tấm màng vô minh có từ đâu?
Có nơi tâm ý phân biệt hoàn
toàn chủ quan ở góc nhìn hạn hẹp, không sáng rõ nơi con người, bắt đầu từ sự
nhìn nhận sai lạc, không đúng thật, không dựa vào tổng thể, khách quan. Những
nhận xét, định kiến,… lưu xuất nơi tâm phân biệt mà việc làm, nhận thức, tư duy
của con người bị dính mắc, trói buộc, đánh mất tính khách quan, chuẩn xác,… Cụ
thể,
Con hổ bắt giết ăn thịt con hươu, con người không thể nói con hổ ác.
Con bò ăn cỏ, con người không thể nói con bò ăn chay, sống lương thiện. Nhưng
khi con người giết bò ăn thịt thì sẽ có rất nhiều ý kiến khác nhau: Người giết
bò tàn ác, người giết bò không tàn ác, người ăn thịt bò tàn ác, con người không
ác vì con người cần phải ăn mới sống, thịt bò ngon,… Khi nhìn thấy 1 người cả
đời dùng thức ăn chay tịnh thì sẽ lại có vô số nhận định sai khác: Đó là một
người tu hành, người hiền lành, kẻ “khẩu Phật tâm xà”, người đó làm chuyện xấu
ác giờ quay về nương tựa Tam bảo nhằm giảm bớt nghiệp chướng, tội lỗi,…
Ngày 21 tháng 12 năm 2012
được đồn thổi là Ngày tận thế của nhân loại và với tâm ý phân biệt dính mắc
lệch lạc con người thể hiện mọi sắc thái tình cảm bi hài, hoang mang, hoảng
loạn, bần tiện, xấu xa, ích kỷ, dửng dưng, cười khảy, bình thản, cảm thông,
chia sẻ, thành thật, chu đáo, khuyên bảo, dọa nạt, nguyện cầu, ham tu, niệm
Phật, buông thả, gian dối,…
Máy bay rơi, núi lửa, động
đất, giết người, ôm bom tự sát, vũ khí hạt nhân, chiến loạn, hệ thống phòng thủ
tên lửa, mua vũ khí, xung đột hai miền Triều Tiên, tranh chấp biển Đông leo
thang thành xung đột giữa các cường quốc quân sự, tham vọng bá chủ,… và đây
những sắc thái biểu cảm nơi con người - Hoang mang, hoảng loạn, bần tiện, xấu
xa, ích kỷ, dửng dưng, cười khảy, bình thản, cảm thông, chia sẻ, thành thật,
chu đáo, khuyên bảo, dọa nạt, nguyện cầu, ham tu, niệm Phật, buông thả, gian
dối,…
Trái đất nóng lên, băng tan,
“ngón tay thối”, ngón tay không thối, người đẹp lộ hàng, ảnh nóng, tệ nạn xã
hội, HIV, cúm gia cầm, thịt heo có chất tạo nạc, các sản phẩm nông sản giá cả
bấp bênh, lãi suất ngân hàng tăng giảm, giá vàng, heo vịt rớt giá người nông
dân điêu đứng, ngành mía đường thua lỗ, giá xăng tăng thì “vùn vụt”, giảm thì
“nhỏ giọt”,… và đây những sắc thái biểu cảm nơi con người - Hoang mang, hoảng
loạn, bần tiện, xấu xa, ích kỷ, dửng dưng, cười khảy, bình thản, cảm thông,
chia sẻ, thành thật, chu đáo, khuyên bảo, dọa nạt, nguyện cầu, ham tu, niệm
Phật, buông thả, gian dối,…
…
Dường như sự biểu cảm của
con người cho mọi vấn đề xét trên diện rộng là không có sự sai khác nhưng khi
xét cho riêng từng người cho từng vấn đề thì có sự khác nhau.
Tuy nhiên, khi xét riêng
từng người cho mọi vấn đề thì sự biểu cảm lại có sự chung nhất gồm vui buồn,
hờn giận, khinh ghét, yêu thương, đố kỵ, ích kỷ, dửng dưng, lo âu, đau khổ,…
Phải chăng một con người
chứa đựng cả nhân loại hay cả nhân loại cùng tột cũng chỉ là một con người?
Cả 3 thời quá khứ, hiện tại,
vị lai phải chăng sự biểu cảm của mỗi con người và cả nhân loại đều có sự đồng
nhất như thế?
Vậy tại sao con người cứ mãi
dính mắc phân biệt để rồi tàn hại lẫn nhau, chiến tranh, hận thù và đau khổ?
Người phương bắc, người
phương nam, người phương tây, người phương Đông, người da trắng, người da màu,…
cũng từng ấy những cảm xúc.
Sao họ lại không thể hòa
hợp, thương yêu nhau như yêu thương chính bản thân mình?
Đó là vì sự không hiểu biết,
vì sự phân biệt dính mắc, vì cái tôi mà mỗi người tự tách ra khỏi khối đồng
nhất nhân loại. Nhân loại thật sự là một khối đồng nhất về trạng thái biểu cảm,
vật chất tạo thành, mọi tâm ý và cả bản tâm tĩnh tại,…
Không chỉ vậy! Con người bức
hại, chèn ép, giết hại lẫn nhau còn do nơi tham đắm, si mê, sân hận, hoài nghi,
kiêu mạn. Với niềm tự hào ảo tưởng con người gây đau khổ cho nhau bởi do nơi
lòng tự hào đã có tâm phân biệt, đối đãi, nghi kỵ.
Tôi là người còn bọn giống người kia là bọn mọi rợ xấu xa. Tôi phải bảo
vệ chủng tộc, giống nòi,...
Ngay nơi bảo vệ đã có sự
tranh đấu. Ngay nơi tranh đấu đã có sự sống còn, giết chóc, thảm sát,… Quân đội
được thành lập. Vũ khí được nhân loại sản xuất với mức độ hủy diệt và tính sát
thương ngày càng tàn khốc. Chỉ cần dừng lặng, quán chiếu thì bạn sẽ nhận thấy
nơi kho vũ khí là vô số cuộc chiến tranh xuyên suốt lịch sử loài người, có rất
nhiều máu, nước mắt, xác thân người, đau khổ và tiếng kêu gào bi thảm,...
Bởi lẽ dù thừa nhận hay
không thừa nhận thì rõ thật là vũ khí được tạo ra là nhằm vào mục đích giết
người, hại mạng đồng loại.
Khi quán chiếu bạn sẽ rõ
biết “Không cần phải xảy ra cuộc chiến tranh thì bạn vẫn nhìn thấy đầy dẫy
những xác thân người nằm trong các khối vật chất, nhà cửa tan hoang, hỗn độn do
bom đạn cày nát”. Bởi vũ khí hủy diệt còn đó thì nhân loại sớm muộn gì cũng lại
thêm vài lần được tắm máu hận thù.
Đáng tiếc thay! Do sống nơi
nhị nguyên con người đang tạo ra những kho vũ khí hạt nhân hủy diệt ngày càng
được nâng cấp tối tân, hiện đại và nhằm mục đích nuôi giữ chiến tranh của giấc
mộng bá chủ hoàn cầu.
Mai này có thể tôi chết hoặc
là bạn sẽ chết vì một kho vũ khí hạt nhân phát nổ.
Khi đó, lòng bạn có đau xót
cho những người bị cướp mất sự sống do bởi những tham vọng tàn bạo, si mê, đê
hèn?
Nếu tôi còn sống thì lòng
tôi sẽ đau lắm. Có lẽ tôi sẽ khóc nhiều hơn cả vì tôi đã không thể gỡ bỏ những
ngòi nổ của chiến tranh và cùng nhân loại xóa sổ những kho vũ khí hủy diệt chứa
đựng đầy xác thân, máu thịt con người.
Nhân loại đang định hướng
phát triển dựa trên hàng loạt những sai lầm. Tất cả mọi sai lầm của nhân loại
ngày nay đều phát khởi từ tâm ý phân biệt, dính mắc mà con người đã dệt ra tấm
màng vô minh nhị nguyên, đối đãi dày đặc nhiều tầng. Và … rồi con người ngụp
lặn trong đó với đau khổ, hận thù, trả vay - vay trả. Máu, nước mắt, được mất,
hơn thua,…
Đối mặt với Ngày tận thế,
thiên thạch va vào trái đất,… cùng với những biểu cảm trên, thái độ nom nớp lo
sợ, việc tìm cách bắn phá thiên thạch bằng việc tính toán đo lường quỹ đạo bay
của thiên thể nhằm giữ lấy sự sống trên hành tinh xanh. Xem ra nhân loại đang
lo “mặt ngoài” hơn “mặt trong”.
Do chọn sai góc nhìn mà con
người không nhận biết vấn đề “mặt trong” mới có tính chất quyết định sự tồn
vong của nhân loại.
Một ngày nào đó sự manh động
hiếu chiến của những nhà độc tài quân sự vượt giới hạn, cũng như lực lượng nổi
dậy sở hữu bom hạt nhân và chiến loạn xảy ra 1, 2, 3, 4, 5,…
Cần khoảng bao trái bom nổ
thì trái đất trở thành bụi vũ trụ?
Có lẽ các nhà khoa học về
hạt nhân sẽ cho nhân loại một câu trả lời có phần chuẩn mực không thật đúng vì
lẽ thật sự họ không hoàn toàn tính toán được hết sức hủy diệt, tầm ảnh cộng gộp
của những trái bom hạt nhân khi phát nổ đồng thời, trong điều kiện thực tế và
cũng như các ảnh hưởng ngoại vi khác.
Kho vũ khí hạt nhân có thể
bất ngờ phát nổ không?
Trái đất sẽ ra sao khi băng
Nam cực tan rã hoàn toàn do sự nóng lên nơi nội tại trái đất?...
Với tôi, mặt trời chỉ là tác
nhân phụ trợ. Không chỉ vậy, tôi lại đưa ra nhận định đối nghịch với tri thức
nhân loại là mặt trời đang nóng lên phần nhiều do chịu tác động từ hành tinh
xanh.
Và còn điều gì bất ổn nơi
trái đất có thể khiến sự sống bị hủy diệt?
Sự bấn loạn ở nơi lòng nhân
loại, lòng tham của con người khi vét hết khoáng sản trong lòng đất và đốt cháy
tất cả. Sự rỗng không trong lòng đất sẽ khiến trái đất phải chuyển mình vì
những khối vật chất cực nặng được chất cao ở bên trên,...
Sự chuyển mình của trái đất
có chỉ mãi dừng lại ở sóng thần, động đất, núi lửa, giông bão và lốc tố?
Khi tất cả mọi thứ đều vượt
giới hạn cho phép trái đất cần tái cấu trúc một cách tự phát, khách quan và
không kém phần nghiệt ngã, khốc liệt cho mọi loài.
Khi rừng bị tàn phá chỉ cần
một con voi điên loạn cũng đủ san phẳng cả một khu rừng nhỏ, một buôn làng và
con người đã chết.
Vì sao con voi trở nên điên
loạn?
Do rừng không còn và con
người đã làm điều đó.
Khi nào trái đất điên loạn
và ai có thể làm được điều đó?
Con người không thật rõ biết
nhưng chỉ có con người mới có thể làm được điều đó. Một thí nghiệm nhỏ nơi nhị
nguyên luận.
Bạn hãy lấy 2 quả bóng bay và bơm vào đó một lượng không khí vừa đủ.
Cột miệng quả bong bóng lại, bạn hãy thoa đều khắp bề mặt 2 quả bóng một lớp
mỏng keo dẻo. Hãy để cho lớp keo khô, sau đó bạn hãy lấy 1 quả bóng rồi ném vào
bất cứ vật rắn nào mà bạn nhìn thấy. Dù bạn có cố sức ném thì quả bóng cũng sẽ
không nổ cho đến khi quả bóng chạm phải một vật bén nhọn với một lực đủ mạnh.
Nhưng quả bóng không nổ nó chỉ bị xì hơi thôi. Lấy quả bóng còn lại bạn hãy mở
ra rồi tiếp tục bơm không khí vào và “bùm”. Quả bóng đã vỡ ra làm nhiều mảnh.
Bạn hãy tự làm kết luận và
đánh giá cho thí nghiệm trên.
…
Một thời gian lâu xa về
trước, trái đất đã từng tự chuyển mình để sắp xếp lại trật tự vật chất. Nguyên
nhân dẫn đến sự chuyển mình đó thật không rõ ràng bởi do sự hạn chế về tri thức khoa học và tôi cũng không chuẩn
bị cho một cuộc đi ngược thời gian không cần thiết để rõ biết nguyên nhân sâu
xa của việc tái cơ cấu trái đất.
Tại thời điểm đó, vô số loài
khủng long đã bị tuyệt diệt, chúng chết đi và vật chất của chúng được sắp xếp
lại tạo thành những loài mới phù hợp với điều kiện tự nhiên mới ở trái đất.
Ngày tận thế đã đến với loài
khủng long mà chúng không hề lo sợ, không hề nhận biết, chúng bình thản bắt
mồi, kiếm ăn và hoảng loạn khi chết.
Chúng đã hoảng loạn nhưng ít
ra chúng không quá lo lắng, sống khắc khoải, mọi sinh hoạt an ổn, bình thường
đến ngày cuối đời.
Cũng chính vì sự hoảng loạn
của loài khủng long mà sự sống sinh trưởng trở lại. Nhưng sự sống không thể tạo
ra được ngay những khối thịt khổng lồ. Từng chút một, vật chất được gom góp,
gắn kết lại. Theo thời gian, những khối thịt lớn dần nhưng để sắp xếp lại hình
hài xưa cũ thật quá khó bởi do ký ức của sự sống đã không thật tốt.
Sau một thời gian rất dài,
sự sống đã không còn nhớ rõ hình dạng loài khủng long, chỉ còn những bóng hình
mờ ảo, nhòa nhạt,… Sự sống vẫn cố tạo ra hình dạng ban đầu với những đặc trưng
về xương hàm, đuôi và cả phương thức bắt mồi, kiếm ăn,... Chỉ thế thôi, sự sống
chẳng thể tìm lại nguyên vẹn hình dạng cũ vì trí nhớ kém và điều kiện sống cũng
đã khác xưa.
Sau cùng, sự sống nhận ra
“Tại sao phải cố tạo hình dáng cũ mà đời sống khó khăn, khó thích nghi?”.
Sự sống quyết định quên hết
cả những ký ức xưa để sống tùy thuận, thích nghi với điều kiện môi trường, khí
hậu, thổ nhưỡng mới, chúng ngày một phát triển phong phú, đa dạng cả chủng loài
và hình dáng.
Tính phân biệt, dính mắc,
thích nghi,… của sự sống tạo ra một chủng loài thông minh và phức tạp bậc nhất.
Chủng loài mới này ra đời ngày càng có sự hiểu biết vượt trội và tự tách rời
khỏi những chủng loài khác. Tính phân biệt cao, việc học hỏi nhiều với khối
lượng kiến thức không ngừng cập nhật, tăng thêm khiến chủng loài này quên một
số dữ liệu không dùng đến.
Đáng kể nhất là việc quên bỏ
cả cội nguồn là sự sống. Cũng do tính phân biệt mà chủng loài này nảy ra ý
tưởng làm chủ sự sống, can thiệp, tác động vào mọi vấn đề liên quan đến sự
sống.
Bởi do quên bỏ cội nguồn và
tính phân biệt, dính mắc nên chủng loài này đã nhìn nhận, đánh giá mọi vấn đề ở
góc nhìn hạn hẹp, chủ quan,…
Vì thế chủng loài này không
biết được “điểm dừng” và đang từng bước hủy diệt sự sống. Chủng loài đó chính
là con người ngày nay.
Nếu ngày mai trái đất lại tự
chuyển mình thì hiển nhiên sự sống lại làm chủ mọi việc. Trong đó, có cả việc
sắp xếp lại hình hài con người mà trong trí nhớ sự sống chỉ còn những ký ức
mong manh.
Ở sự tuyệt diệt loài khủng
long, với góc độ nhị nguyên sẽ có nhận định “Khủng long là một loài ngu ngốc,
ngày chết gần kề mà không nhận biết, đến nỗi chết mà không kịp trối trăn”.
Nhưng nếu đặt con người vào
hoàn cảnh đó thì sao?
Nom nớp, lo lắng, hoảng sợ,
gào khóc, nguyện cầu,… và vô số những cung bậc cảm xúc sai khác nữa. Rồi thì
con người cũng phải chết, chết mà không thể bình thản ăn một món ăn ngon, uống
một ly nước mát.
Phải chăng sự khôn ngoan
khiến con người chịu nhiều thiệt thòi hơn những chủng loài khác?
Sự khôn ngoan khiến con
người đang cố hủy hoại sự sống và chính con người. Vì con người là một phần của
sự sống. Cội nguồn của con người là sự sống. Chối bỏ cội nguồn, tàn phá thiên
nhiên, sự sống là con người đang tận diệt chính mình. Con người có thể mất đi
nhưng sự sống sẽ mãi còn.
Tôi vẫn đang dùng nhị nguyên
để luận nhị nguyên nhưng nếu chỉ thế thì luận đến cùng tận cũng chỉ dừng lại ở
nơi nhị nguyên. Có lẽ tôi lại phải mất muôn kiếp để làm điều đó.
Tuy nhiên, cái nhị nguyên
tôi đang dùng có sự khác biệt với nhị nguyên mà nhân loại đang bị trói vào vì
nơi nhị nguyên tôi không có sự dính mắc. Tôi đang dùng nhị nguyên để gỡ bỏ nhị
nguyên. Dùng nhị nguyên để phá tan màng lưới vô minh dính mắc nhiều tầng. Bởi
lẽ ở cùng tận của nhị nguyên chính là pháp môn không hai của Như Lai. Nơi đó
không còn tâm phân biệt, dính mắc, dứt sự đối đãi.
Phật Thích Ca cũng từng bị
trói trong tấm màng vô minh đối đãi với những phiền muộn, lo toan, sinh lão
bệnh tử, giàu nghèo, tham lam, sân hận,... của loài người. Người muốn thoát ra
khỏi cái vòng lẩn quẩn cột trói con người hết đời này sang đời khác. Người đã
tìm đến các tôn giáo nhằm tìm ra lối thoát nhưng những tôn giáo mà Phật học hỏi
không chỉ dẫn cho con người một lối thoát rõ ràng.
Phật lại nghĩ “Việc bị trói
chân nơi triều đình và vướng bận gia đình khiến Phật không thể tham bái, học
hỏi những vị danh sư tiếng tăm. Có lẽ ta phải nên rời gia đình một thời gian
nhằm tìm chân sư học pháp giải thoát cho bản thân rồi sau đó trở về chỉ bày lối
thoát cho vua cha Tịnh Phạn, cho hoàng hậu Kiều Đàm Di, cho nàng Da Du Đà La và
mọi người”.
Nghĩ vậy, Phật lìa bỏ gia đình
tìm đến những vị đạo sư danh tiếng. Sau một thời gian học tập, hành trì Phật
nhận ra con đường mà các vị danh sư, ở các tôn giáo hiện thời bị nghẽn lối,
không có một lối giải thoát thật sự. Chỉ khi con người nhập định thì đạt sự tự
tại còn khi rời định thì những nỗi nhớ, sự buồn vui, lòng mong mỏi,… vẫn cuốn
lấy tư tưởng con người.
Phật rõ biết “Đó là giới hạn
về tri thức cũng như là giá trị thực chất của những tôn giáo truyền thống”. Tuy
nhiên, việc thiền định cũng giúp Người tiếp xúc với cõi giới vô hình nhưng do
giới hạn trong giáo lý của các tôn giáo mà Phật không thể nhận biết rõ về thế
giới tâm linh. Dừng lặng ít lâu, Người quyết chí tiếp tục lên đường nhằm tìm ra
chân tướng của vạn pháp, nguồn gốc sự sống, bản chất thật của luân hồi giữa các
cõi giới. Lần ra đi này, có một sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong
hành trình tìm đạo của Phật. Đó là Phật chỉ đi một mình tìm đạo, không thầy,
không bạn.
Sau cùng, Phật tìm được con
đường giác ngộ, giải thoát hoàn toàn do tự chứng nghiệm lấy mà không có sự
hướng dẫn của bất kỳ một vị thầy danh tiếng nào. Sở dĩ Phật thành đạo là vì sau
thời gian dài thiền định, quán chiếu mà không còn trói buộc vào bất cứ một học
thuyết, kiến chấp, tư tưởng chủ quan nào,… mà Phật sáng rõ nơi chánh pháp.
Tuy nhiên, cũng không thể
phủ nhận việc chính những tư tưởng, tri thức, kiến thức,… Phật được học hỏi,
góp nhặt,… từ trước giúp Phật đạt được sự giác ngộ, giải thoát hoàn toàn.
Công cuộc phá bỏ tấm màng
lưới vô minh của Phật Thích Ca diễn ra và hoàn tất như thế nào?
Sau khi học hỏi sự hiểu biết
có trong cuộc sống, giáo lý các tôn giáo Phật đã dừng lặng lại tiến vào thiền
định. Đạt định rồi Phật bình thản quán chiếu lại nơi mọi sự vật, hiện tượng
bằng một tấm lòng khách quan, rộng mở,…
Việc quán chiếu ban đầu Phật
chỉ dừng ở các sự vật, hiện tượng, cảm giác, tri giác,… nơi pháp thế gian. Càng
quán chiếu, càng bí lối. Mọi việc đều rơi vào nhị nguyên đối đãi, không có sự
cùng tận. Vui rồi buồn, buồn rồi lại vui. Giàu rồi nghèo, nghèo rồi lại giàu.
Tàn ác, hại người rồi sớm muộn gì cũng thiệt thân. Tham lam, giành giật có đó
rồi mất đó. Chỉ thấy khổ đau, phiền muộn vây kín kiếp người. Cũng có những phút
thăng hoa, vui mừng nhưng dường như chúng quá ngắn ngủi cho cả đời người.
Lại có một khoảng lặng
thường hằng, luôn tồn tại trong mỗi con người mà dường như con người quên lãng.
Với phát kiến mới này Phật
đã nhận biết nhưng nói để ai nghe, họ nghe mà làm gì?
Con người mỗi mỗi đều trói
trong “cơm áo gạo tiền”, danh lợi, địa vị, tham đắm, hưởng thụ,… Xã hội phân
tầng giàu nghèo, sang hèn.
Phật tiếp tục quán chiếu.
Tại sao một đứa bé trai ở
tầng lớp Bà la môn vì mong có bạn mà chạy đến nắm tay một bé gái hạ tiện ở tầng
lớp Chiên đà la thì bé gái đó lại bị giết, chặt tay, phạt tiền hoặc là cha mẹ
cô bé buộc phải làm nô lệ trọn đời?
Tầng lớp Thủ đà la không thể
ngẩng cao đầu trước thành phần Tăng lữ, Sát đế lợi,… là con người cả tại sao
lại bị khinh rẻ, xem thường, không bình đẳng?
Những hình hài của các tầng
lớp xã hội có gì khác biệt, cũng khuôn mặt, đôi mắt, hai tay, hai chân, thân mình,
đầu cổ,… cũng xương thịt, máu, tủy, tim, gan,…
Quán sát tận cùng nơi nhị
nguyên xác thân người thì chỉ là chút nước, chút gió, chút đất, chút lửa và hư
không. Nơi cùng tận của từng đại - Đất nước gió lửa hư không - cũng lại là đất
nước gió lửa hư không. Chúng không thể đơn lẻ mà tồn tại, cả mọi sự vật, hiện
tượng có trong trời đất cũng đều như thế.
Phật nhận ra “Cái một có trong cái tất cả và cái tất cả có đầy đủ nơi
cái một”. Phật đã từng thuyết một lời ám thị điều này “Như Lai đã lấy Tam thiên
đại thiên thế giới nhét vào nơi hạt cải mà chúng sinh ở Tam thiên đại thiên thế
giới không hề rõ biết chỉ có những chúng sinh được độ là nhận biết sáng rõ”.
Đáng tiếc là người học Phật ngày nay với tầm nhìn hạn hẹp, sự hiểu biết
không sáng rõ đã không rõ biết chánh pháp của Phật mà lại vọng tưởng ngộ nhận
“Thần thông của Phật là không thể nghĩ bàn”.
Ngay nơi nhị nguyên tôi rõ biết “Thần thông của Phật là không thể nghĩ
bàn” mà nay dối mượn pháp Phật “Lấy Tam thiên đại thiên thế giới mà Phật đã
nhét vào nơi hạt cải ra khỏi hạt cải cho mọi người cùng rõ biết”.
Phật lại nhận ra con người
đã bị tấm màng vô minh trói nhận thức, tư duy nên không thể chung cùng sống hài
hòa, bình đẳng nhưng nếu dùng lời nói trình bày mọi việc ở nơi nhị nguyên thì
con người liệu có mấy ai tin nhận?
Dựa trên góc nhìn tổng thể,
khách quan, sáng rõ,… Phật lại quán chiếu sự tồn vong của mỗi gia đình, mỗi
dòng tộc trong mỗi tầng lớp xã hội đơn lẻ. Quả thật, không có tính trường cửu,
bền vững cho mọi gia đình, dòng tộc. Thiện ác đan xen, giàu nghèo, sang hèn
hoán đổi tương tục,… Sự cai trị hà khắc, áp bức tầng lớp dân nghèo đến cùng
đường của giai tầng “Ăn trên, ngồi trước” thì đến một lúc nào đó sẽ có những
cuộc nổi dậy nổ ra. Những kẻ tàn ác, sống không có tình người sẽ bị giết đi,
những người nghèo khó chia nhau “giá trị thặng dư” và đưa những người mới có uy
tín lên lãnh đạo, lập lại trật tự xã hội. Lâu về sau, những người cai trị đất
nước xa rời tầng lớp dân lao động nghèo, xây dựng những chính sách xã hội đem
lại nhiều lợi ích cho thành phần lãnh đạo, quản lý làm sự phân tầng ngày càng
rõ rệt. Đây là mầm móng đánh dấu cho một nổi loạn mới. Máu, nước mắt, thù hận
và đau khổ lại xảy đến cho con người trên diện rộng. Cứ thế, xã hội loài người
luôn phát triển như vậy trong tất cả giai đoạn lịch sử của con người.
Phật lại nghĩ “Tại sao con
người lại cứ mãi chém giết lẫn nhau khiến cho chính con người sống trong khổ
đau, thù hận?”.
Lẽ nào họ tự trói mình trong
việc chém giết, hận thù, đau khổ nhằm quên đi nỗi lo “Sinh lão bệnh tử” luôn
xảy ra cho đời sống của một con người?
Nói là vậy nhưng Phật đã rõ
biết “Con người đang bị lưới vô minh che lấp bản tâm. Con người đã quen rồi
sống với tâm phân biệt, dính mắc. Nơi tâm phân biệt, dính mắc có giàu có, sang
hèn, thiện ác,… Gốc của tâm phân biệt, dính mắc là tham, sân, si, mạn, nghi.
Mọi tội lỗi, khổ đau của con người đều do tâm phân biệt mà sinh khởi. Thiên
đàng, địa ngục cũng nơi tâm ý con người tạo ra. Do tâm phân biệt mà con người
khổ đau trôi lăn mà không thể thoát ra khỏi luân hồi. Tuy vậy, ngay nơi con
người luôn có bản tâm tự tại, không dính mắc nhưng con người đã bị nhị nguyên
trói chặt nên không tường tận, sống được với sự thật. Chỉ khi con người sống
thật với bản tâm thì con người mới dứt khổ đau, đoạn trừ luân hồi, thiên đàng
và địa ngục”.
Phật lại nhận biết “Dùng lời
nói thành tâm, chân thật trình bày nơi nhị nguyên, nơi bản tâm sẽ không dễ
khiến con người tin nhận. Con người đã vướng vào vô số định kiến, tà kiến, kiến
chấp, học thuyết, tư tưởng,… Thế nên, dùng nhị nguyên nơi pháp thế gian để luận
nhị nguyên nơi thế gian sẽ mang đến sự tranh luận, chống trái,… và không thể
giúp con người giải thoát”.
Phật xét đến pháp xuất thế
gian. Với kiến thức được lĩnh hội từ giáo lý, kinh điển của rất nhiều tôn giáo
có ở các nước thuộc lưu vực sông Hằng, Phật quán chiếu thế giới tâm linh. Cùng
với việc không ít lần tiếp xúc với cõi giới vô hình những khi thiền định và cả
những lúc đã xả thiền, Phật nhìn nhận lại mọi tri thức nhân loại thời đó về cõi
giới vô hình.
Tại sao đã là vô hình mà lại
tạo ra được hình dáng mắt, tai, mũi, miệng, thân hình, lời nói, khóc cười,…?
Tại sao ta lại có thể tiếp
xúc được với họ?
Nhờ mắt thấy, tai nghe,…
chăng?
Thật không có lý bởi lẽ bây
giờ ta vẫn dùng mắt mà cố tìm sao lại chẳng thấy?
…
Hơn nữa, khi thiền định thì
mắt của người nhập thiền đã khép. Vậy ra là ta đã nhìn thấy bằng phần vô hình
nơi bản tâm của tự thân, tạm gọi là thần thức. Hẳn là vậy vì không thể dùng hữu
hình để nhận biết vô hình, chỉ có vô hình mới tiếp xúc được vô hình.
Lại một câu hỏi khác đặt ra.
Tại sao nơi vô hình lại lưu
xuất ra cái thấy nghe hay biết, nói cười, khóc kể,…?
Rõ thật là do nơi ý. Từ đó,
Phật nhận biết: Người cùng chúng sinh cõi giới vô hình tiếp xúc nhau bởi do tâm
ý, cũng từ nơi tâm ý mà chúng sinh cõi vô hình tạo ra hình dạng, màu sắc, âm
thanh, tiếng nói,… và cái thấy nghe hay biết. Rõ biết chân tướng nơi cõi giới
vô hình, Phật đã dựa vào tâm ý của chúng sinh ở cõi vô hình mà bình thản phân
định lại thế giới tâm linh.
Phật tiếp tục thâm nhập cõi
giới vô hình và Phật rõ biết tường tận Tiền kiếp, Hậu kiếp của chúng sinh nẻo
vô hình. Phật đã thông suốt vạn pháp ở cả pháp thế gian và pháp xuất thế gian.
Cõi giới vô hình chẳng thể
tách rời cõi hữu hình mà tồn tại và ngược lại. Những chúng sinh ở cõi hữu hình
và vô hình luân chuyển, hoán đổi vị trí cho nhau bởi do nghiệp duyên nhân quả
rất công bằng, khách quan.
Tuy nhiên, có một điều dễ
nhận thấy là việc luân hồi của chúng sinh nơi 3 cõi 6 đường thường đi kèm với
khổ đau và phiền muộn do bởi những chúng sinh này luôn bị trói vào quy luật vô
thường “Sinh lão bệnh tử” nhằm sắp xếp lại nhân quả, cũng như đảm bảo tính công
bằng, khách quan nơi 3 cõi.
Buông bỏ tâm phân biệt, dính
mắc Phật rõ biết “Tự thân đã thoát khỏi “Sinh lão bệnh tử” và việc luân hồi nơi
3 cõi 6 đường”.
Phật biết rằng “Đã đến lúc Người
đi rộng truyền chánh pháp nhằm làm vơi đi khổ đau, phiền muộn cho mọi chúng
sinh trong 3 cõi 6 đường, xóa bỏ bất công xã hội thời Phật còn đang sống. Đối
với những con người muốn thoát khỏi luân hồi, Phật sẽ dùng phương tiện chỉ bày
giúp họ nhìn thấy và sống được với bản tâm thường tại, rõ biết chân tánh vạn
pháp, giúp họ giải thoát hoàn toàn ngay hiện đời”.
…
Tại sao Như Lai nói khi xét
riêng từng vật, từng đại - Đất, nước, gió, lửa, hư không thì cùng tận trong mỗi
vật, mỗi đại đều có sự hiện diện đất, nước, gió, lửa, hư không?
Có thật chúng không thể đơn
lẻ mà tồn tại?
Tôi lại xét đất, nước, gió,
lửa, hư không có nơi thanh gỗ. Cây được mọc lên từ đất, rễ hút chất dinh dưỡng,
nước giúp cây sinh trưởng, việc phát triển của cây còn do lá hấp thu ánh sáng,
không khí mà chuyển hóa chất dinh dưỡng thành những tế bào tạo nên thân cây.
Gió giúp cây tiếp nhận lượng O2, CO2 đầy đủ mà sinh
trưởng, phát triển tốt. Thanh gỗ được lấy từ thân cây thì hiển nhiên là có đầy
đủ đất, nước, gió, lửa và hư không. Người xưa đã từng lấy lửa trong gỗ bằng
việc kiên trì cọ xát hai thanh gỗ vào nhau mà lấy được lửa. Khi Phật tại thế,
ngoại đạo đã từng vấn nạn Phật mà nói rằng: Ông ta đã chẻ nát thanh gỗ mà không
tìm thấy đất, nước, gió, lửa, hư không và trách Phật nói lời hư dối. Người
ngoại đạo kia không nhìn ra đất, nước, gió, lửa, hư không trong thanh gỗ là vì
tầm nhìn hạn hẹp và phát xuất nơi tâm đố kỵ, hoài nghi. Như người lấy lửa từ
thanh gỗ kia đâu cần một mồi lửa mà chỉ lấy hai thanh gỗ cọ sát nhau mà có lửa,
thanh gỗ cháy tạo ra gió, thanh gỗ cháy hết thì phần than trở về đất, hư không
trả về hư không, nước thì bốc lên thành hơi nước hòa quyện trong khói.
Giờ lại xét trong hư không
có tồn tại đất, nước, gió, lửa hay không?
Hãy nhìn về cuối chân trời,
bạn sẽ nhận ra ranh giới của hư không và mặt đất.
Vậy nên hư không phải nương
đất mà phân định nhưng phải chăng trong hư không sẽ không có đất, nước, gió,
lửa?
Khi xét đến không khí các
nhà khoa học đã thừa nhận có bụi, có gió, có hơi ấm, có hơi nước. Hư không chứa
không khí, đồng thời chứa đất, nước, gió, lửa.
Lại xét đến đất, đất không
phải là một khối vật chất rắn hoàn toàn, trong đất có những khoảng trống chứa
không khí, nước, hơi ấm và nước, hơi ấm, không khí trong đất luôn sự luân
chuyển lên xuống, qua lại đó là dấu vết của gió.
Ở những đại khác bạn hãy tự
xét lấy nhằm nhận biết rằng “Tận cùng của các đại cũng là đất, nước, gió, lửa
và hư không”.
Xác thân tôi và bạn đâu có
khác gì, có khác chăng là ở nơi tâm ý nhưng tận cùng của tâm ý lại là không tâm
ý, là bản tâm không dính mắc, không phân biệt đồng nhất với vạn pháp.
Từ nơi bản tâm vắng lặng,
tịch diệt mỗi chúng sinh tự tìm lấy lối đi của mình trong 3 cõi.
Bài liên quan
- Đôi Mắt (P.4)
- Đôi Mắt (P.3)
- Đôi Mắt (P.2)
- Đôi Mắt (P.1)
- Bọt Biển (P.2)
- Bọt Biển (P.1)
- CHẲNG LÌA PHÁP THẾ GIAN
- Chạm đến cõi vô hình
- Dùng nhị nguyên luận cổ, giải kim (P.2)
- Dùng nhị nguyên luận cổ, giải kim (P.1)
- Thấy Gì Qua Cọng Tóc Thiêng Được Thỉnh Về Ngự Ở Chùa Ba Vàng? (Phần 3)
- Thấy Gì Qua Cọng Tóc Thiêng Được Thỉnh Về Ngự Ở Chùa Ba Vàng? (Phần 2)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét