Đôi Mắt (P.2)
Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018
2. Giáo dục.
Ngày … tháng … năm …
Gửi cho tuổi học trò!
Anh biết rằng rồi có một
ngày anh sẽ ngồi lại để cùng em bày tỏ đôi điều. Khi đó, anh cùng em sẽ có dịp
ngồi nhìn lại những con đường, những năm tháng đã qua, rồi chiêm nghiệm và chọn
lấy cho riêng mình những con đường dấn thân vào đời. Dẫu rằng con đường đó
không trải đầy hoa hồng, nhung gấm giàu sang nhưng ở đó có sự gần gũi sẻ chia,
tình yêu thương và niềm hạnh phúc.
Tuy nhiên, anh cũng không là
người anh độc đoán trói buộc em vào con đường mà anh sẽ chọn lựa cho em. Anh sẽ
không làm thế, không chọn lựa con đường cho em mà chính em mới thật là người
chọn lựa lối đi của riêng mình. Vì lẽ anh hiểu em cũng giống như anh, là một
người khao khát sự tự do trong cuộc sống. Chỉ khi nào tự lòng em hiểu rõ, nhận
biết rồi chọn lựa con đường em bước đi thì em mới trân trọng và kiên định với
chọn lựa của riêng mình mà không bị lung lạc, buông xuôi khi một ai đó. Ví như
là anh ngăn cản, khuyến dụ em rẽ lối vào con đường không đúng với mong mỏi của
lòng em.
…
Cũng như em anh đã từng trải
qua những năm tháng thơ dại, hồn nhiên. Rồi anh lớn lên để đến trường được học
tập vui đùa cùng chúng bạn. Hình ảnh chiếc khăn quàng đỏ thắm, những điểm số 9,
10 chứa đựng niềm kiêu hãnh của anh và mẹ cha. Tuy nhiên, tuổi học trò của anh
cũng không ít lần vụng dại. Những điểm số 1, 2 cũng thường nép sâu trong trang
vở học trò. Dẫu vậy những điểm số đó vẫn không trốn tránh được cái nhìn của mẹ.
Ở nơi đó có nỗi buồn của anh, sự thất vọng của thầy cô, tiếng rầy la của cha,
những đòn roi của mẹ và anh đã khóc.
Không chỉ vậy tuổi thơ của
anh còn có cả những lần trốn học rong chơi, việc không thuộc bài, việc đi học
muộn,... Năm tháng dần trôi áo trắng học trò giờ anh xa mãi, cũng có những nuối
tiếc đã qua nhưng dẫu sao anh vẫn dấu yêu những năm tháng học trò trong sáng,
thơ ngây và tươi đẹp.
Em thấy không? Giống như em
anh đã từng có ngần ấy tháng năm mài đũng quần trên ghế nhà trường, cũng nếm
trải tình thầy trò cao đẹp. Để hôm nay, anh ngồi lại đây nhìn những bước chân
em đi trên con đường mà ngày xưa anh đếm bước rồi suy niệm, nhớ về những ngày
đã qua.
…
Chiều nay, trời đã đổ mưa
nặng hạt. Anh vẫn lặng lẽ ngắm nhìn những bong bóng nước rượt đuổi nhau trên
dòng nước đục ngầu xuôi chảy hòa vào con kênh nhỏ bên hông nhà. Những chiếc
bong bóng nước thi nhau vỡ tung và hòa lẫn vào dòng nước ngầu đục. Trời mưa
khiến lòng anh chậm lại. Anh đã dừng lại và nhớ về em.
Có lẽ bây giờ anh sẽ ngỏ lời
tâm tình cùng em vì bởi trời mưa cũng làm cho em dừng lại để lắng nghe, nhìn
nhận và chọn lựa bước đi tiếp theo cho đời em khi cơn mưa tạnh hẳn.
Em à! Vài tuần trước anh có
ghé thăm cô giáo chủ nhiệm năm anh học lớp 9. Anh ghé thăm cô vì được biết
chồng cô vừa dừng xạ trị sau khi phải thực hiện hai ca phẫu thuật tháo khuỷu
tay rồi sau tháo cả khớp vai phải. Gặp cô anh mới được biết khối u đã di căn
vào các bộ phận khác gây co cơ khiến thầy đau đớn rất nhiều. Nhà cô thì lại neo
người, cô vẫn phải ngày ngày đến trường truyền trao kiến thức cho các em. Hỏi
thêm, anh được biết 2, 3 năm sau cô mới đến tuổi nghỉ hưu. Hỏi về việc học của
em, anh nhận thấy ánh mắt cô như buồn hơn. Cô nói “Học trò bây giờ khác thời
bọn anh nhiều lắm. Học trò ngỗ nghịch, xem thường thầy cô và phụ huynh cũng
không còn quan tâm nhiều đến việc học của con em. Tất cả chỉ còn là tiền và
ngành giáo dục thì chạy theo thành tích”. Dù rằng cô vẫn muốn truyền trao kiến
thức cho thế hệ mai sau trưởng thành nhưng cô mệt mỏi lắm với thái độ, nhân
cách của học trò thời nay. Cô không biết liệu có đứng vững để tiếp tục hướng
dẫn học trò với tình yêu nghề giáo đã giúp cô đứng vững ngần ấy năm.
Nhìn gia cảnh của cô anh
thấy thương cô nhiều hơn. Anh cảm nhận được lòng yêu nghề của cô cũng như nỗi
buồn ẩn chứa trong lòng cô vì sự đổi thay ở thế hệ trẻ ngày nay. Anh lại nhớ
khi anh còn là một cậu học trò lớp 9. Đã có lần anh phạm phải sai lầm suýt phải
rời khỏi ghế nhà trường. Chính cô đã giúp anh đứng lên và tiếp tục đi trên con
đường học vấn. Anh biết anh cần phải làm một điều gì đó dẫu rằng là có muộn
màng và cho dù là vô nghĩa. Anh vẫn sẽ làm vì đó là tiếng nói của lòng anh.
Việc làm đó không thể là lời
xin lỗi, tiếng cám ơn gửi đến cô vì tình yêu nghề giáo của cô sâu nặng lắm.
Đó cũng không thể là lời răn
dạy nghiêm khắc của người anh gửi đến em mà chỉ là lời tâm tình của một người
anh đã từng nông nổi và không muốn nhìn thấy người em thân thương vấp phải
những lỗi lầm xưa cũ mà anh đã từng phạm phải.
Anh chỉ mong ánh mắt của
những giáo viên yêu nghề, sống với tâm đạo, với niềm mong mỏi thiết tha là việc
truyền trao kiến thức, sự hiểu biết đến thế hệ mai sau,… không đượm buồn vì sự
vụng dại, lầm lỗi của những cô cậu học trò trong sáng, ngây thơ.
Tự Truyện Của
Một Người Bạn
Năm lên 4 tuổi, trong một lần cùng mẹ bắt trùn cho ba cắm câu cá trê,
tôi hỏi mẹ:
- Mẹ ơi có phải trên đời này ai cũng phải chết không
Mẹ tôi trả lời:
- Đúng ai cũng phải chết.
Lúc đó, trong lòng tôi buồn vô cùng và suy nghĩ hướng về cái chết. Và
tôi nói tiếp câu chuyện với mẹ:
- Vậy sao mình không chết luôn bây giờ đi, chớ sống làm chi rồi sau này
cũng phải chết?
Mẹ tôi trả lời:
- Đúng trên đời này ai cũng phải chết vì thế khi sống mình phải sống
sao cho có ý nghĩa? Không phải sống cho bản thân mình là đủ, còn phải sống cho
người khác nữa, con phải cố gắng học tập và làm những việc có ích cho xã hội
nữa, còn phải giúp đỡ mọi người.
Tôi hứa với mẹ sẽ cố học, sau này trở thành kỹ sư. Thế là từ đó ngày
nào tôi cũng phụ giúp ba mẹ, anh chị làm những việc mà bản thân mình có thể làm
được. Đặc biệt, bản thân tôi không như những bạn cùng trang lứa thích chơi
những trò chơi dân gian, trái lại tôi chỉ thích học hỏi, tìm tòi và mỗi tối tôi
thường nhờ mẹ chỉ cho làm toán, đánh vần, học viết. Với 24 ngày học lớp 1 ít ỏi
của mẹ (Mẹ tôi chỉ được đến trường học có 24 ngày và học lóm thêm) nhưng cũng
khá đủ cho tôi có được những nền tảng cơ bản của một đứa trẻ thơ trước khi cấp
sách đến trường.
Rồi thời gian cứ trôi đi, tôi vào lớp 1, lớp 2,... rồi đến lớp 6. Năm
nào tôi cũng được học sinh khá, giỏi của trường.
Một hôm, thấy một người bạn cùng xóm, được cha mẹ cho nghỉ học để đi
cắm câu cua, mỗi ngày kiếm được hơn 30 nghìn đồng, tính ra mua gần 20 kg gạo,
một người ăn có thể cả tháng trời. Suy đi, nghĩ lại và nhẩm tính nếu học thêm 6
năm học phổ thông trung học cộng thêm 4
năm đại học nữa thì tôi mới trở thành một kỹ sư, tổng cộng là 10 năm, tổng số
tiền mà cha mẹ bỏ ra để cho mình học phải trên 200 triệu đồng. Nếu bây giờ, mỗi
ngày mình chỉ kiếm 30 nghìn đồng như đứa bạn
thì trong 10 năm mình đem về cho cha mẹ cũng gần 150 triệu đồng. Vừa
không tốn tiến, vừa được tiền cho cha mẹ, thế là tôi tự trốn học 2 hôm, thấy cử
chỉ, thái độ biểu hiện khác thường của tôi, mẹ tôi dò xét, cuối cùng tôi cũng
phải nói và thú thật tất cả với mẹ của tôi.
Mẹ không mắng tôi mà nhẹ nhàng nói:
- Cuộc sống không phải chỉ có tiền là đủ con à, con phải học đi học,
chỉ có học con mới hiểu được lẽ phải, mới có điều kiện kiếm được nhiều tiền,
rồi con mới giúp được nhiều người. Nếu như sau này rừng đước không còn cua để
con cắm, con không còn sức khoẻ để làm
thuê, làm mướn thì làm sao con nuôi cha mẹ được?
Tôi như hiểu ra nhiều thứ, tôi tiếp tục cắp sách đến trường, hàng ngày
chỉ biết học và học, không kể ngày đêm, rảnh thì phụ giúp gia đình, việc chơi xếp lại một bên.
Dù đầu óc tôi không được thông minh nhưng với sự động viên nhiệt tình của mẹ
cùng mọi người trong gia đình tôi như được tiếp thêm sức mạnh, phấn đấu cho đến
ngày được vào rồi ra đại học và có việc làm ổn định như hôm nay.
Tất cả là mẹ đã cho tôi đấy!
Cảm ơn tự truyện của bạn!
Cách viết và suy nghĩ của bạn rất chân chất, mộc mạc, đáng trân trọng!
…
Tôi lại biết đến một câu
chuyện khác.
Có một cậu con trai sống trong một gia đình đông anh em ở một vùng quê
đồng chua, nước mặn. Cha cậu là một người nông dân nghèo, không có nhiều ruộng
đất. Hàng ngày, ông phải làm thuê với rất nhiều việc khác nhau để chăm lo cho
gia đình như dựng nhà, cuốc đất, be bờ, nhổ mạ,… Dù vậy, người cha vẫn lo cho
các con ăn học.
Đến năm 12, 13 tuổi, cậu bé trai thấy chán ngán việc học. Cậu trốn học
được vài hôm thì cha cậu biết được, người cha liền bảo:
- Bây giờ, cha cho con chọn lựa. Một là con ăn học để nên người, hai là
con sẽ phải cầm cái cuốc để tự nuôi sống bản thân.
Cậu bé đã chọn lựa cầm cái cuốc để vào đời. Hôm sau, người cha đi làm
cùng với cậu con trai. Ném cái cuốc cho con, cậu bé đã bắt đầu bước vào đời.
Người cha đó đã rèn luyện cho cậu con trai biết làm lao động và học đức tính
chăm chỉ, cần mẫn,…
Đến nay, cậu bé trai đó đã trưởng thành với 1 gia đình có một người vợ
và 2 đứa bé con. Cuộc sống của gia đình tạm ổn và chàng thanh niên đó nói với
tôi rằng “Sẽ nuôi cho con ăn học thành tài vì cuộc sống lao động chân tay thật
vất vả, nặng nhọc”.
Với đức tính chuyên cần, chịu khó,… chàng trai đó được mọi người trong
vùng quý mến, tin tưởng giao cho nhiều việc mà họ cần làm. Nhờ vậy, chàng thanh
niên có thể bán sức lao động và mang về những đồng tiền chân chính xây dựng tốt
cuộc sống gia đình.
Những người nông dân chân
chất, ít học nhưng họ vẫn biết cách nuôi dạy con cái trở thành những công dân
có ích cho xã hội. Thật đáng trân quý thay tấm lòng của những người nông dân
chân quê, thuần khiết!
…
Thực trạng ngành giáo dục
hiện nay đã không còn chú trọng đến việc rèn luyện nhân cách, đạo đức cho con
người. Người học trò bước vào ngành giáo dục bằng một sự gượng ép mà không bắt
nguồn từ sự yêu thích học hỏi. Cùng với một dung lượng kiến thức khổng lồ,
không sáng rõ, không có giá trị thực tiễn cho cuộc sống,… được nhồi nhét vào bộ
não không được nâng cấp về mặt vật chất xuyên suốt quá trình con người ra đời
và tiến hóa. Việc học trở nên quá tải đối với những hệ thần kinh non nớt, nhỏ
bé. Người học trò ngày nay phần lớn rất chán ngán việc học.
Thêm nữa, người học trò
không nhận thức rõ giá trị của việc học.
Học để làm gì?
Cha mẹ có học đâu mà vẫn
giàu, có “của ăn, của để” trong khi đó có khối người được đào tạo qua trường
lớp kỹ sư, bác sĩ, giáo viên,… với vô số bằng cấp vẫn thất nghiệp, đói nghèo.
Với lối sống thực dụng và
quyền trẻ em được “khuếch đại” những người giáo viên có tâm huyết khó thể răn
dạy những cô cậu học trò. Họ thật sự mệt mỏi, chán chường việc giáo dục nhưng
họ không dễ rời bỏ việc dạy học. Họ đã được “đào tạo” để nhằm vào việc dạy học,
việc dạy học đảm bảo cơm áo gạo tiền cho bản thân và gia đình. Từ bỏ việc giáo
dục sẽ đưa họ vào tình trạng bấp bênh trong cuộc sống.
Quả thật, ngọn lao khi đã
phóng đi khó thể thu hồi lại. Những người đang làm trong công tác giáo dục bị
rơi vào tình huống “Tiến thoái lưỡng nan” và đành “nhắm mắt” bước đi. Việc giáo
dục tiến cũng được, thoái cũng được, đến đâu hay đến đó, trước mắt là làm cho
xong trách nhiệm mà ngành giáo dục giao phó. Dù vậy những người giáo viên không
tránh khỏi điều tủi nhục và buồn bã.
Lối sống thực dụng, quyền
trẻ em, đồng tiền trở nên có giá trị hơn nhân cách, kiến thức của các thầy cô.
Những người học trò chán học, trở nên rất khó dạy bảo, đánh mất hẳn sự ngoan
hiền. Chỉ cần người giáo viên rầy mắng học trò thì sẽ bị ngành giáo dục khiển
trách. Nếu chẳng may việc đến tai phụ huynh thì phần lớn trường hợp rầy la học
trò của giáo viên bị giới phụ huynh không tiếc lời miệt thị, mắng nhiếc.
Không rõ từ bao giờ người
phụ huynh học sinh được quyền xâm phạm nhân cách của giáo viên?
Có lẽ từ khi con người trói
vào quan niệm “Có tiền là có tất cả”. Người học trò không cần việc học, cha mẹ
người học trò không coi trọng việc học.
Ngành giáo dục trở nên thừa
thải vì không có sự cải cách phù hợp với tình hình hiện nay, định hướng giáo
dục lại không sáng rõ, chạy theo thành tích của các nhà quản lý, áp lực của xã
hội.
Trường lớp, cơ sở vật chất
đã xây dựng, không tổ chức giảng dạy thì dùng vào việc gì?
Người học trò và gia đình
“bị buộc” cho con em đến trường.
Ngành giáo dục thì lại không
thật rõ trói con người vào việc học để làm gì?
Xã hội đặt ra áp lực cho
ngành giáo dục về việc giảng dạy cũng không rõ biết “Học để được gì?”. Với hàng
loạt sai lầm con người đặt ra yêu cầu cho giới trẻ “Hãy học đi mà không cần
nhận thức rõ giá trị của việc học”.
Chính từ những áp lực không
thật rõ ràng mà cả phụ huynh lẫn học trò đều không nhận thức được giá trị việc
học là cần thiết. Theo yêu cầu từ xã hội con người bỏ tiền ra mua ngành giáo
dục sự thừa nhận “Là công dân có văn hóa” và không cần biết giá trị thật của
việc học.
Giáo viên là người truyền
dạy kiến thức, nhân cách của cả thế hệ tương lai lại không được xã hội coi
trọng và bị tước đoạt mọi quyền hạn, phương tiện hỗ trợ việc giảng dạy.
Khi đó, người giáo viên còn
có thể làm được việc gì?
Người giáo viên trong xã hội
hiện tại cơ hồ như là những chiến sĩ được đẩy ra chiến trường mà không có bất
kỳ một thứ vũ khí nào, không có một tấc sắt trong tay và họ phải hoàn thành
trách nhiệm tối quan trọng là phải chiến thắng, phải giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ
đất nước.
Điều này có thể thực hiện
được không?
Người giáo viên đang rơi vào
tình trạng bức bách, dồn ép đến đường cùng.
Mặt khác, những ngành phụ
trợ cho ngành giáo dục được bảo trợ đến có phần vô lý. Hơn 20 năm trước, một bộ
sách giáo khoa ra đời được sử dụng luân chuyển. Điều này có nghĩa là những thế
hệ sau vẫn học cùng một quyển sách với thế hệ trước.
Xét ở mức độ tiết kiệm vật
chất, điều này ít nhiều có sự chuẩn mực. Do lượng sách không nhiều nên người
học trò rất quý trọng sách vở.
Ngày nay thì sao?
Một bộ sách giáo khoa ra đời
chỉ có tuổi thọ một năm vì năm sau đã có sự cải cách, thay đổi theo chương
trình của bộ giáo dục. Trên thực tế nội dung bộ sách gần như không có sự thay
đổi nhưng xã hội lại đồng thuận làm đó.
Tại sao?
Vì việc làm đó giúp giải
quyết việc làm cho một lực lượng người. Nếu ta xét ở góc độ tiết kiệm vật chất
thì dường như con người đang hoang phí vật chất. Dường như việc làm của nhân
loại đang áp dụng rộng rãi ở thời điểm hiện tại là làm biến dạng vật chất nhằm lấy
đi giá trị thặng dư của những người lao động sản xuất trực tiếp sản phẩm tiêu
dùng thiết yếu, tạo ra rất nhiều giá trị thặng dư ảo, không thật.
Nếu xét trên diện rộng và
lâu dài thì tôi đảm bảo rằng việc làm biến dạng vật chất không có lợi ích bằng
việc tiết kiệm vật chất. Vấn đề giải quyết lực lượng lao động ở xã hội không
thể xây dựng dựa theo định hướng sai lầm, không sáng rõ. Bởi lẽ khi không có
công việc ở những ngành nghề làm biến dạng vật chất vô ích và việc phân định
giá trị thặng dư xã hội hợp lý thì những người lao động sẽ tìm đến những việc
làm ở những ngành nghề có giá trị hữu ích hơn.
Không chỉ vậy! Việc sử dụng
hoang phí vật chất tạo ra lượng sách giáo khoa dư thừa dẫn đến con người không
xem trọng sách vở, đồ dùng học tập. Người học trò sẽ không dùng lại bộ sách
giáo khoa chỉ mới được dùng qua 1 lần hoặc chưa từng dùng đến nhưng là sách
giáo khoa của năm học trước vì mặc cảm không “bằng chị, bằng em”.
Thói quen hưởng thụ, hoang
phí, thể hiện cái tôi đang được nuôi lớn ở giới trẻ ngay khi còn ngồi trên ghế
nhà trường.
Từ một sự sai lầm trong tư
duy của thế hệ trước tạo ra vô số sai lầm trong nhận thức của thế hệ sau.
Việc sửa sai sẽ mất rất
nhiều thời gian, trải qua nhiều thế hệ. Bởi lẽ giới trẻ ngày nay không mặn mà
với việc đọc sách nuôi dưỡng tâm hồn, rèn luyện nội tâm, tu thân.
Giới trẻ đang sống hưởng
thụ, đam mê thể hiện cá tính, phong cách và bị cuốn vào những trò chơi ở các
phương tiện truyền thông, phim ảnh,…
Việc học không đúng mực đã
khiến giới trẻ chán ngán việc đọc sách. Nếu con người không sớm nhận ra những
lỗ hổng nhằm cùng sửa sai thì nhân loại sẽ rơi dần vào những hậu quả nghiệt
ngã, khó lường và tàn khốc.
Tại sao tôi cứ mãi nói về
vấn đề giáo dục?
Vì dù con người sống trong
thời đại nào thì giáo dục cũng là ngành then chốt quyết định tương lai của nhân
loại. Quả thật tôi mệt nhoài với việc trình bày các vấn đề liên quan đến ngành
giáo dục.
Nếu tôi không nói thì ai sẽ
nói?
Đến bao giờ mới có người lên
tiếng ở góc độ tổng thể, khách quan?
…
Cũng như những vấn đề khác
được trình bày trong bộ sách tôi thật sự không nhằm vào việc thể hiện cá nhân.
Đó chỉ những điều tôi nhìn thấy, nhận biết và tôi đã nói thật lòng mình bằng
vào sự khách quan, không chỉ trích, không xuyên tạc, không tô hồng vấn đề,…
Nếu cứ mãi nói về cái tâm
của người làm công tác giáo dục, việc giáo viên bây giờ bị cuốn vào căn bệnh
thành tích của ngành giáo dục,… thì đến bao giờ mới nói đến tận cùng?
Những con số thống kê liên
quan đến vấn đề giáo dục có bao nhiêu phần trăm thể hiện thực chất?
Bao nhiêu người được đào tạo
qua trường lớp không tìm được công việc thích hợp mà phải làm công nhân trong
các xí nghiệp may, công nhân sản xuất rượu bia, làm nhân viên tiếp thị, nhân
viên quán bar, café,…?
Vì chạy theo thành tích mà
có bao nhiêu người tốt nghiệp lại không có đủ kiến thức chuyên môn, kiến thức
phổ thông và nhân cách đạo đức làm người?
Có lẽ ngành giáo dục đang
phát triển mà thiếu đi sự định hướng sáng rõ. Thế nên việc đào tạo mới trùng
lấp, tràn lan mà không có tính chuyên sâu nhằm đáp ứng theo nhu cầu thực tế xã
hội.
Còn người học thì cũng không
định hướng được rõ ràng con đường tiến thân nên không chọn được ngành học thích
hợp. Vì thế người học không tích lũy được lượng kiến thức cần thiết nhằm đáp
ứng nhu cầu công việc. Kết quả có không ít người có trong tay nhiều loại bằng
cấp mà không thể tìm được một công việc ổn định, thích hợp, đành làm công nhân,
nông dân, nhân viên bảo vệ,… Số người học khác rơi vào tình trạng “lỡ thầy, lỡ
thợ” không biết xoay chuyển, sống như thế nào trong cuộc sống bon chen, cám dỗ,
thực dụng,…
Cũng như những bộ ngành
khác, hiện trạng ngành giáo dục đang có những bước đi chệch choạng. Người có
công trở thành kẻ gây ra tội, đáng chê trách,... Gần đây là việc một cậu học
sinh dùng máy ghi hình quay lại việc gian lận trong thi cử.
Trong khi việc xử lý sai
phạm của những người làm sai trong công tác giáo dục chưa được sáng rõ thì việc
ghi hình cảnh tiêu cực của cậu học sinh lại được đưa ra mổ xẻ. Cậu học sinh bị
trói vào việc vi phạm quy chế thi cần được có hình phạt thích đáng.
Nếu việc này được thực thi
thì về sau liệu còn ai dám chỉ ra những sai phạm, tiêu cực của ngành giáo dục
cũng như ở các bộ ngành khác?
Nếu điều đó xảy ra thì phải chăng xã hội đang
cố bao che, dung túng cho những việc làm tiêu cực, sai phạm tồn tại?
Tôi sẽ kể một câu chuyện.
Có một gã ăn trộm tìm cách đột nhập vào một tòa nhà sang trọng. Hắn
không ngờ rằng “Đó là sào huyệt của một nhóm khủng bố quốc tế, buôn bán vũ khí,
ma túy, bắt cóc tống tiền”. Sau khi vào trong tòa nhà, tên trộm tình cờ nghe
được kế hoạch đặt bom khu trung tâm thương mại và việc ám sát một nguyên thủ
quốc gia. Tên trộm rất run sợ và trốn thoát ra ngoài. Hắn quyết định đến cơ
quan an ninh trình bày những gì “mắt thấy, tai nghe”. Không may cho hắn, viên
cảnh sát địa phương lại hỏi hắn “Đột nhập vào nhà người khác làm gì?”. Tên trộm
thành thật khai báo, ngay lập tức hắn bị tống giam và chờ ngày xét xử mà chưa
kịp trình bày âm mưu của nhóm tội phạm nguy hiểm.
Vào thời xa xưa, những tên
trộm sẽ bị trừng phạt bằng việc chặt tay. Việc làm của lực lượng an ninh trên
có khác nào là hành động “chặt tay” tên trộm và tự làm “mù mắt” của chính mình.
Trong hệ thống giáo dục còn
có rất nhiều những bất cập khác như bạo lực học đường, nạn học sinh học làm đàn
anh, đàn chị, việc tập tành làm người lớn đã tạo ra những bà mẹ trẻ con, ngôn
từ của học sinh đang bị “kẻ chợ hóa”. Việc nói tục, chửi thề,… đang được giới
trẻ tôn vinh, thể hiện đẳng cấp, cá tính của mỗi người, việc bỏ học đi ăn chơi,
đua đòi trụy lạc, sa đọa của các cô cậu học sinh không ngừng gia tăng theo thời
gian, việc bài bạc, trộm cướp, ma túy, mại dâm,… do giới học sinh - sinh viên
thực hiện đã không còn là chuyện ít gặp,…
Ngành giáo dục và xã hội
dường như chưa có giải pháp khả thi nhằm giải quyết rốt ráo những vấn đề bất
cập trên.
Phải chăng là do cơm áo gạo
tiền, địa vị, quyền lợi, trách nhiệm bị “đá qua, đá lại”?
Phải chăng đó là việc của
thiên hạ?
Khi ngành giáo dục và xã hội
không còn chú trọng việc rèn luyện nhân cách đạo đức, giá trị con người cho
giới trẻ cũng như cho chính tự thân thì việc xã hội hỗn loạn, lòng người rối
ren, đảo lộn là điều không khó xảy ra.
Mai này, cuộc sống xã hội sẽ
ra sao khi con người chỉ biết sống cho riêng mình, tự tư, tự lợi?
Việc giáo dục ở gia đình,
con người đã quên bỏ do bị cuốn vào cuộc sống vật chất. Những bậc làm cha mẹ
chỉ còn biết tìm cách gom góp tiền của rồi dệt giấc mơ “Người con là một thiên
tài” và bằng mọi giá họ sẽ biến điều đó thành sự thật. Không ít những người làm
cha mẹ đã rất xem trọng đồng tiền vì họ nghĩ “Có tiền là có tất cả”. Ném cho
con cái những khoản tiền lớn và sẵn sàng bỏ tiền ra mua điểm số, thành tích học
tập cho con.
Cầm số tiền lớn trong tay cả
phụ huynh và học sinh không coi trọng giá trị nhân cách cùng kiến thức của giáo
viên.
Lẽ ra khi không cần sự hiểu
biết của giáo viên thì họ không cần đến trường nhằm gom góp kiến thức.
Nếu tiền có thể mua được sự
hiểu biết và che dấu được sự ngu ngốc, tối tăm trong tâm hồn thì xã hội không
cần giữ lại ngành giáo dục xem chừng không còn hữu ích.
Việc dùng tiền mua kiến thức
đã tạo ra những tri thức giấy, kém cỏi về kỹ năng sống, thoái hóa về đạo đức,…
Nếu xã hội vẫn xây dựng quan
điểm giáo dục theo định hướng hiện tại nhân loại sẽ về đâu?
Có thể nói thế hệ trẻ đang
được xã hội bảo bọc quá mức. Thế hệ trẻ được cung phụng nhiều hơn so với những
gì họ cần. Kết quả họ đã không trân trọng những gì đang có.
Đã là con người thì phần lớn
đều trưởng thành trong sự thiếu thốn, gian truân, khó khăn. Khi tất cả đều đầy
đủ thì con người sẽ mất đi động lực phấn đấu. Vì thế thế hệ trẻ hiện nay đã
không thể tư duy, nhận thức được “Học để làm gì?”.
Với nhận thức “Có tiền là có
tất cả” con người đâu cần phải tập trung cho việc học.
Tôi không cho rằng “Những
bậc làm cha mẹ không chăm lo, bảo bọc, nâng đỡ thế hệ trẻ”.
Tôi chỉ góp lời “Hãy yêu
thương con cái một cách đúng mực, giúp cho giới trẻ rèn luyện nhân cách, phẩm
chất đạo đức, hàm dưỡng đời sống nội tâm, tinh thần lành mạnh, biết giúp đỡ lẫn
nhau, biết yêu thương chân thành, biết sống vì nhau, sống có sự hiểu biết, coi
trọng nhân cách, giá trị con người và tự thân,…”
…
Việc cầm trên tay số tiền
lớn, lối sống thực dụng, đua đòi,… thế hệ trẻ lao vào việc thể hiện đẳng cấp,
bản lĩnh, bộc lộ cái tôi cuồng ngông của những đứa trẻ chưa trưởng thành. Yêu
cuồng, sống vội, đốt cháy đời mình trong những tệ nạn xã hội, nghiện hút, quan
hệ tình dục bừa bãi, sống buông thả,…
Học sinh - sinh viên sử dụng
ngôn từ của kẻ chợ nhằm thể hiện cái tôi, những clip quay phim sex mà diễn viên
là những cô cậu học sinh, clip những học sinh nữ đánh nhau, lột quần áo,… được
tung lên mạng internet.
Quả thật nhân cách giá trị
của thế hệ trẻ đang đảo điên mà nguyên nhân là do sự thiếu quan tâm của những
bậc làm cha mẹ và việc giáo dục đạo đức con người bị ngành giáo dục lãng quên.
Còn gì nữa?
Còn rất nhiều những lỗ hổng
trong ngành giáo dục ở cả trường học, gia đình và định hướng học tập của giới
trẻ.
Tôi chỉ có lời góp ý cho
giới trẻ khi chọn việc dùng ngôn từ kẻ chợ để thể hiện cái tôi của chính mình.
Bạn hãy tự trưởng thành hơn và đặt bản thân vào vai trò làm người cha, người
mẹ. Bạn hãy lắng nghe những đứa con bạn nói ra những lời thô tục, khó nghe,…
Phải chăng lời nói của mỗi
con người sẽ giúp bạn nhận ra nhân cách đạo đức, giá trị của con người mà bạn
đối diện?
Một lời xin lỗi tôi xin gửi
đến từ “kẻ chợ”, tôi không cố ý đồng hóa bạn với những ngôn từ thô tục, những
thói hư, tính xấu,… tôi chỉ là mượn ngôn từ giả lập mà con người thường dùng để
trình bày vấn đề.
Hơn nữa, có lẽ những ngôn từ
mà kẻ chợ đã từng dùng e rằng cũng còn lịch sự, sạch sẽ,… so với ngôn từ mà
không ít giới trẻ đang sử dụng.
…
Đừng trông chờ sự thay đổi ở
mọi người và cuộc sống, bạn hãy dùng sự hiểu biết, tư duy, nhận thức,… nhằm
chọn cho mình một cuộc sống thích hợp, hạnh phúc. Mỗi người, mỗi thành phần xã
hội,… phải tự cứu lấy mình vì nếu không tự mình đứng lên, sửa sai thì sẽ không
có một đấng quyền năng nào có thể giúp bạn thoát ra khỏi vòng xoáy nghiệt ngã
của cuộc sống.
Mai này nếu thế hệ trẻ đều
là kỹ sư, bác sĩ, luật sư, kiến trúc sư, giới trí thức, chính trị gia, nhà kinh
tế, người mẫu, ca sĩ, cầu thủ, vận động viên,… mà không có người lao động thì
nhân loại liệu có còn tồn tại?
…
Việc học phải chăng cần tiến
lên một bước cao hơn là học nhằm mục đích học hỏi sự hiểu biết, rèn luyện nhân
cách đạo đức để nhận biết giá trị của tự thân, nuôi dưỡng tinh thần, hàm dưỡng
nội tâm, tâm hồn,…?
Việc học nhằm hướng đến việc
xây dựng một đời sống vật chất - tinh thần an vui, tốt đẹp, ấm êm, hạnh phúc và
sống hài hòa, bình đẳng, yêu thương thành thật.
...
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét