Pháp Phật Không Thể Nghĩ Bàn(P.1)
Thứ Tư, 18 tháng 4, 2018
VI. Pháp Phật Không Thể Nghĩ
Bàn.
Thật vậy, Pháp Phật không
thể nghĩ bàn là vì người học Phật không thể dùng tâm ý phân biệt, dính mắc,
vọng tưởng điên đảo, loạn động,… mà có thể lĩnh hội, thâm nhập rốt ráo nghĩa lý
của tự tâm, tự tánh, vạn pháp. Khi đã không “minh tâm, kiến tánh” thì người học
Phật không thể hằng sống trong chánh pháp, dứt trừ đau khổ, giải thoát sinh tử
luân hồi. Vì thế sau khi học hỏi, tìm hiểu giáo lý kinh điển người học Phật cần
phải dừng lặng, quán chiếu vạn pháp,… xoay cái thấy trực nhận từ bên ngoài, ở
sự hiểu biết do việc tham học kinh sách và cuộc sống mà chuyển vào nơi tự tâm,
dứt trừ cái thấy nghe hay biết dựa trên tri giác, cảm giác, tư duy, nhận thức
phân biệt, bặt đường ngôn ngữ, lời nói.
Sau một thời gian, người học
Phật sẽ thông suốt, thường sống trong sự chân thật của chánh pháp, tin nhận
“Như Lai không nói lời hư vọng”, giải thoát hoàn toàn ngay nơi hiện đời. Khi tỏ
ngộ, người học Phật sẽ rõ biết “Niết bàn không ở quá khứ, hiện tại, vị lai, đời
trước, đời nay, đời sau mà Niết bàn luôn thường tại”.
Chỉ vì tâm tánh chúng sinh
nơi 6 đường có sự sai biệt mà đã dựng lập ra các cõi giới khác nhau. Thiên
đàng, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, atula, người, các cõi Phật và Niết bàn,… chỉ
có một nơi, vốn chẳng thật có, lại cũng chẳng thật không, chỉ do tâm ý phân
biệt, dính mắc, chấp trước của con người mà thành sự sai khác. Tâm ý của mỗi
chúng sinh sẽ tạo ra cảnh giới cho riêng mình, tạo sự luân hồi nơi 3 cõi.
Tham, sân, si, mạn, nghi,…
và những thói quen xấu bỏn xẻn, ti tiện, ích kỷ,… tạo ra lối mòn dẫn vào địa
ngục, ngạ quỷ, súc sinh, kiếp người kém phước, tật nguyền, túng quẩn,…
Bố thí, trì giới, nhẫn nhịn,
tinh tấn, thiền định, trí huệ và những việc làm tốt, thánh thiện, giúp đỡ mọi
người,… việc huân tập những hành vi, thói quen tốt,… mở rộng cánh cửa cõi
Người, cõi Trời, Atula cho con người. Con người muốn giải thoát hoàn toàn khỏi
luân hồi hãy nên sống tốt ở hiện tại, cùng với sự hiểu biết sáng rõ về chánh
pháp, từng bước buông bỏ dính mắc, tà kiến,… thì Niết bàn chính là bản tâm vậy.
Đây là pháp môn không hai, không thể nghĩ bàn của chư Như Lai.
Nếu không hằng sống nơi
chánh pháp, hành hạnh “Từ, bi, hỷ, xả”, buông bỏ,… thì mọi việc xấu tốt đều
được con người huân tập, ghi nhận lại nơi tâm thức trải qua nhiều đời sẽ tạo
thành nghiệp quả cho mọi hành vi.
Nhất là với những thói quen
xấu được tích lũy lâu xa thì sẽ tạo ra những con người tâm tính loạn động, nông
nổi, già lẩn là bước chuyển tiếp sang những nẻo đường tối tăm, mờ mịt. Đó là
cội nguồn của pháp môn không hai mà Phật đã thuyết, là vô ngôn thuyết.
Kinh viết “Nếu lấy sắc thấy
ta, lấy âm thanh cầu ta, người ấy hành đạo tà, không thể thấy Như Lai”. Rõ thật
là bặt đường ngôn ngữ.
Kinh lại viết “Chớ bảo Phật
vô ngôn, kinh Phật từ miệng thuyết”.
Là lời hư vọng, điên đảo
chăng?
Phật lại nói “Bốn mươi chín
năm ta chưa từng nói một lời”.
Lời Như Lai sao lại trước
sau sai biệt?
Bởi lẽ vạn pháp vốn tự như
như, chỉ vì chúng sinh 3 cõi mê lầm, không sáng rõ Như Lai từ bi vì đoái thương
mà giúp cho chúng sinh 6 đường dứt trừ nạn khổ, thoát vòng tử sinh mê đắm, nhận
rõ chân tánh vạn pháp. Một phen mượn ngôn từ giả tạm lập ra muôn ngàn phương
tiện khéo, vi diệu tùy theo căn tánh sai khác của chúng sinh mà hiển bày chánh
pháp chân thật.
Như Lai lại rõ biết “Chúng
sinh 6 đường vọng chấp thành tánh, u mê trong lưới vô minh khá hay chấp trước”
nên lập ra phương tiện “đoạn lìa” ngôn ngữ, tâm tưởng của chúng sinh “Chánh
pháp còn bỏ huống hồ là phi pháp”.
Pháp vốn chẳng có tà chánh
chỉ vì tâm phân biệt, dính mắc mà nên chánh tà riêng biệt. Đó chính thật là
pháp môn không hai của chư Phật và bồ tát.
Đến thời các vị Tổ sư Thiền
lại một phen dùng pháp vô ngôn nhưng lại dụng tâm sâu kín, không chỉ bày rõ nơi
người học Phật khiến cho người học Phật đời sau không tránh khỏi mê mờ, lầm
lạc. Vô hình chung khiến người học Phật vọng chấp “Bặt đường ngôn thuyết, lời
nói là cứu cánh của pháp Phật”, tạo ra sai lầm lớn. Trước, nhốt thân vào đạo,
vào pháp. Sau, lại nhốt pháp vào pháp khiến cho pháp Phật ngày càng rời xa thực
tế cuộc sống, mất đi tính thực tiễn, khả dụng của chánh pháp.
Nay tôi lại vì bi nguyện của
Như Lai mười phương, ngay nơi “Bặt lời nói, ngôn thuyết” một phen dùng lời vụng
đoạn trừ vô ngôn thuyết. Bởi lẽ pháp môn bất tư nghị giải thoát của Phật nương
nơi ngôn thuyết mà lập, nói cho đến cùng tận các pháp. Về sau, người học Phật
mới khá hay dừng lặng chuyển hóa cái thấy nghe hay biết thu nhận từ bên ngoài
vào nơi tự tâm không phân biệt dính mắc, buông bỏ.
Ngày nay, người học Phật khi
tham học kinh điển, giáo lý nơi sư thầy cùng đồng môn thường vấp phải chướng
ngại “Pháp Phật không thể nghĩ bàn”, “Hãy tự tu, tự chứng sau một thời gian sẽ
như người uống nước, nóng lạnh tự biết”,…
Xét lại vấn đề này, ý từ của
những câu nói trên hàm ý rõ việc “Bặt đường ngôn ngữ, lời nói”.
Vậy người học Phật sẽ biết
bắt đầu tu và hành từ nơi đâu?
Đối với việc truyền trao
pháp Phật, người học Phật khá nên tùy theo căn tánh của người cầu pháp mà tường
tận chỉ bày.
Một lời vô ngôn đoạn lìa
pháp Phật, chánh pháp về sau lấy ai truyền giữ?
Nhớ lại hơn 2500 năm trước,
mỗi khi có người đến cầu pháp Như Lai dùng mọi phương tiện thiện xảo để chỉ bày
nhằm giúp người học Phật mau chóng liễu ngộ sinh tử. Đối với những câu hỏi siêu
hình vượt không gian, thời gian không có ích lợi với việc thoát khỏi luân hồi
Phật Thích Ca dùng phương tiện kể ra những câu chuyện giúp người học Phật tự
nhận biết “Những câu hỏi đó không là cứu cánh của đạo giải thoát”, rồi người đó
sẽ tự trở về mục đích “Liễu thoát sinh tử”.
Với những những người tìm
đến vấn nạn, tranh biện không phải lẽ Phật bình thản vô ngôn. Sau một hồi vấn
nạn, mắng nhiếc mệt nhoài, hả hê,… người vấn nạn lại hỏi Như Lai:
- Như Lai đui mù, câm điếc
hay sao mà không nghe lời tôi mắng nhiếc, miệt thị?
Phật lại bình thản kể một
câu chuyện:
- Ví như có một người tổ
chức một buổi tiệc lớn mời mọi người đến dự. Đến khi mọi người ra về, người chủ
chuẩn bị quà bánh gửi cho từng người.
Dừng lại, Phật hỏi người
kia:
- Lúc bấy giờ, có người
không nhận lấy phần quà thì phần quà đó sẽ về ai?
Người đến tranh biện sẽ bừng
tỉnh “Thì ra mình đang tự làm xấu mặt với những tham sân si mạn nghi còn Như
Lai thì vẫn điềm tĩnh, an lạc, tự tại” và “Trong khi ta đang cố thể hiện cái
tôi thì mọi người sẽ tự nhìn nhận, đánh giá”. Thế là người vấn nạn tự biết sửa
sai, quay về chánh đạo.
Phật quả thật chưa từng vô
ngôn.
Lại nói các vị thiền sư dùng
phương tiện vô ngôn để khiến người học Phật một phen tỏ ngộ rõ biết gương mặt
tự thân lúc chưa được sinh ra. Về sau, tạo ra vô số công án thiền, người tu
thiền lại lập ra phương tiện giải công án, lập kiến giải nhằm trình cái sở đắc
khiến pháp Phật trở nên u huyền, huyễn hoặc, xa rời nhân gian. Người học Phật
từ đó mê mờ sự chân ngụy nơi pháp Phật.
Lại nói nơi bặt ngôn ngữ,
lời nói người học Phật sao có thể liễu giải công án thiền?
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét