Giải Công Án Đắc Pháp Của Thiền Sư Đức Sơn
Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018
Pháp Phật Không Thể Nghĩ Bàn(P.4)
Chỉ với một thao tác thổi
tắt đèn của Thiền Sư Long Đàm khiến sư Đức Sơn “hoát nhiên đại ngộ”. Sư Đức Sơn
đã ngộ ra điều gì mà buông bỏ mọi kiến chấp, sự hiểu biết của tự thân mà quỳ
xuống lạy tạ sư Long Đàm?
Được biết sư Đức Sơn làu
thông kinh Tạng, Luật, Luận. Vì thế trong lòng sư có phần kiêu mạn với mớ kiến
giải, biện luận sâu rộng,… về Tam tạng kinh. Sư muốn xuống phương nam để nhiếp
phục sư Long Đàm nhằm đáp đền ơn Phật vì cho rằng sư Long Đàm là tà ma, ngoại
đạo dối truyền pháp Phật. Vậy mà vừa đến phương nam lại không thể trả lời xong
một câu hỏi của bà lão bán xôi thì hào khí mười phần đã giảm hết nửa. Lại gặp
sư Long Đàm hỏi một câu khiến thần trí mê mờ, nhuệ khí tiêu tan. Sư đành xin ở
lại để tham học. Nhưng với sự hiểu biết, những kiến giải,… thì sư chẳng thể
quên mất. Sư vẫn thường cùng sư Long Đàm hỏi đáp pháp yếu, kinh điển, giáo lý,…
Nói về các pháp, sư thông suốt cả nên dù sư Long Đàm có muốn truyền dạy cũng
chẳng còn chỗ để truyền. Vì tâm của sư Đức Sơn như cái ly nước đầy chẳng thể
rót nước vào thêm.
Cho đến lúc có nhân duyên,
sư Long Đàm liền hỏi:
- Tam tạng kinh, người đã
sáng rõ cả. Đêm đã khuya sao lại chẳng về?
Rõ thật là sư Long Đàm đã mở
lời tiễn khách, sư Đức Sơn đành cúi chào, bước ra nhưng bên ngoài trời tối đen,
không nhìn thấy lối đi. Sư đành trở vào trình:
- Bên ngoài trời tối đen.
Sư Long Đàm thắp đèn đưa Sư.
Sư toan tiếp lấy, sư Long Đàm liền thổi tắt.
Ngay lúc đó, sư Đức Sơn tỏ
ngộ. Câu tiễn khách của sư Long Đàm hàm ý “Phải chăng tự tâm sư đã sáng rõ pháp
Phật?”, sư Đức Sơn chưa kịp trả lời thì đã bị “đuổi đi”. Sư bước ra, thấy “Trời
tối”, liền vào xin ánh sáng.
Sư Long Đàm đã thắp đèn cho
sư nhìn thấy ánh sáng và đưa sang. Nhân lúc sư Đức Sơn toan tiếp lấy đèn thì sư
Long Đàm đã thổi tắt ánh sáng. Việc làm này khiến sư Đức Sơn bừng tỉnh “Thì ra
cái sáng rõ nơi Phật pháp mà bấy lâu ông chấp giữ chỉ là cái thấy bên ngoài, do
giáo lý, kinh điển và tâm phân biệt, dính mắc mà có chứ chẳng phải cái thấy
sáng rõ chánh pháp nơi tự tâm”. Vì thế nên trước câu hỏi đốn chứng của bà lão
bán xôi và sư Long Đàm ông không thể trả lời đặng vì thật sự là chưa “Minh tâm,
kiến tánh”. Việc hội được ý thiền, buông bỏ những kiến chấp, lý giải,… khiến sư
Đức Sơn trút bỏ được gánh nặng trong lòng,… hỏi sư Đức Sơn làm sao không biết
ơn sư Long Đàm truyền tâm pháp? Ngay sau khi buông bỏ mọi kiến giải, chấp trước
thì sư Đức Sơn đã chuyển vị, trở thành Tổ.
Việc đắc pháp của sư Đức Sơn
nơi sư Long Đàm có chỗ tương đồng với việc đắc pháp của sư Huệ Khả nơi Sơ Tổ Bồ
Đề Đạt Ma. Sư Huệ khả cũng am tường kinh điển, giáo lý thậm chí có thể làu
thông Tam tạng kinh hơn cả Sơ Tổ Đạt Ma. Dù vậy ngay khi ngài Đạt Ma bình thản,
tự tại thì trong lòng sư Huệ Khả lại bấn loạn, không an. Bởi do Sơ Tổ Bồ Đề
hằng sống nơi chánh pháp còn sư Huệ Khả chỉ là hiểu biết pháp mà không thật
sống nơi chánh pháp.
Người học Phật mà chỉ dừng ở
nơi rõ biết và không sống được nơi chánh pháp thì ngày càng bị trói vào pháp
với những dính mắc tà kiến, chấp trước. Thật chẳng thể tự tại, an lạc ngay nơi
hiện đời thì nói gì đến việc liễu thoát sinh tử.
…
Tôi trình bày việc giải công
án cũng là phương tiện giả lập nhằm chỉ rõ nơi các vị Tổ đắc pháp vô sanh. Việc
đắc pháp là do người học Phật đã buông bỏ tâm phân biệt, dính mắc,... Người học
Phật khi tìm về chánh pháp nếu có đủ duyên thì hãy nên học hỏi tận cùng sự hiểu
biết sáng rõ của chánh pháp.
Sau đó, người học Phật dừng
lặng thiền định, quán chiếu nhằm rõ biết sự chân ngụy nơi chánh pháp. Chỉ khi
người học Phật hoàn toàn tin nhận và thường sống nơi chánh pháp là sẽ tự dứt
trừ đau khổ, ưu phiền, ra ngoài sinh tử.
Vấn đề người học Phật cần
làm không phải là chỉ dừng lại ở sự hiểu biết sáng rõ chánh pháp mà là sống
thật với chánh pháp nếu muốn vượt thoát khỏi luân hồi nơi 3 cõi 6 đường.
Bài liên quan
- Đôi Mắt (P.2)
- Đôi Mắt (P.1)
- Bọt Biển (P.2)
- Bọt Biển (P.1)
- CHẲNG LÌA PHÁP THẾ GIAN
- Chạm đến cõi vô hình
- Lưới vô minh
- Dùng nhị nguyên luận cổ, giải kim (P.2)
- Dùng nhị nguyên luận cổ, giải kim (P.1)
- Thấy Gì Qua Cọng Tóc Thiêng Được Thỉnh Về Ngự Ở Chùa Ba Vàng? (Phần 3)
- Thấy Gì Qua Cọng Tóc Thiêng Được Thỉnh Về Ngự Ở Chùa Ba Vàng? (Phần 2)
- Thấy Gì Qua Cọng Tóc Thiêng Được Thỉnh Về Ngự Ở Chùa Ba Vàng? (Phần 1)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét