Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết (P.3)
Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018
Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết (P.3)
Mọi người nhìn xem đạo Phật đang huy hoàng, rực rỡ hay đang đắm
chìm ở thời mạt pháp theo đúng nghĩa y kinh?
Tôi thấy sự huy hoàng, rực rỡ bóng bẩy, xa hoa của thuở tôn giáo
trước ngày Phật Thích Ca thành đạo. Và theo quy luật thành trụ dị diệt thì đạo
Phật sẽ lịm tắt giá trị chánh pháp thật có. Con mắt thế gian - Chánh pháp nhãn
tạng Như Lai rồi sẽ diệt mất như thế ư? Sẽ phải đến thế thôi nếu người người
đến với đạo Phật bằng lối tư duy, học Phật như hiện tại.
Tôi nặng mang ơn Phật nên thiết nghĩ đến việc chuyển đổi quy luật
thành trụ dị diệt hiện tồn ở đạo Phật bằng quy luật sinh trưởng dị dưỡng do vậy
lập chí một phen “Đi trong phi đạo hành Phật đạo”. Nếu việc tựu thành thì đạo
Phật đâu đến nỗi rơi vào thời mạt pháp, đạo Phật sẽ tiến vào thời chánh pháp ở
phạm vi nhân loại.
…
Xét lại mà xem. Khi Thiền tông Trung Hoa phát triển huy hoàng thì
cũng là lúc Thiền tông rơi vào pháp nạn. Người học Phật không chứng ngộ, rơi
vào đại ngã hám danh, tham lợi thể hiện qua việc dối lừa đại chúng mạo nhận
chứng ngộ. Người học Phật tu hành trên lý cả thảy rơi vào hý luận, lạm bàn hư
vọng mà chẳng mang chút lợi ích nào cho đời.
Giới chính trị phong kiến lúc bấy giờ dần nhận ra sự giả dối, trá
ngụy ở thành phần Tăng bảo lẫn người học Phật vô minh (nói chung). Việc duy trì
những chuỗi hệ thống tôn giáo thường gây ra sự tiêu tốn một lượng lớn của cải,
vật chất xã hội và cả việc gia tăng gay gắt sự phân tầng giàu nghèo, sang
hèn... Thế nên, khi giới chính trị phong kiến Trung Hoa nhận định hệ thống tôn
giáo là gánh nặng của xã hội liền tùy thời “đập cho nát tan” cái nhóm lợi ích
"theo đốm ăn tàn". Cú trở mặt bất ngờ của giới chính trị phong kiến
Trung Quốc trong khi đạo Phật không có Giác giả, hành giả chứng ngộ trụ thế đã
khiến Phật giáo Trung Hoa suy vong nghiêm trọng, tình trạng tựa như Phật giáo
bị tận diệt ở Ấn Độ, nguyên nhân chỉ có một - Không có Giác giả hộ pháp.
Tuy nhiên, thế giới tâm linh là thật có nên giới chính trị phong
kiến Trung Quốc không thể tận diệt hoàn toàn đạo Phật. Thế là theo dòng lịch sử
đất nước Trung Hoa, đạo Phật lại có dịp phát triển. Giáo lý kinh Phật đã bị
giới chính trị hủy hoại hoặc tịch thu nên trước mắt người truyền pháp ở đạo
Phật chọn pháp môn dễ nhất để hoằng pháp do vậy pháp môn niệm Phật được lên
ngôi và được trao chuốt tỉ mỉ, cẩn thận.
Người truyền đạo nhớ lại thảm họa diệt môn từng xảy ra cho Phật
giáo Ấn Độ, Trung Hoa… thế là giáo lý của đạo Phật được bổ sung phần ngụy thư -
“Đời mạt pháp kinh Phật sẽ không còn, giấy nếu còn thì cũng không có chữ. Đạo
Phật chỉ còn Nam mô A di đà. Về sau, người truyền đạo qua nhiều lần “Tam sao
thất bản” nâng kinh A di đà lên tầm cao mới - Thời mạt pháp, đạo Phật chỉ còn 4
chữ A di đà Phật”.
Sau này, khi pháp môn niệm Phật được phổ truyền rộng khắp ở đất
nước Trung Hoa mà không thỏa mãn được tâm thức của người học Phật cầu sự giác
ngộ giải thoát. Những người học Phật Trung Hoa mong mỏi sự giải thoát hoàn toàn
cũng như việc cầu trí tuệ bát nhã đã lần sang Ấn Độ, Tây Tạng,… và kho lưu trữ
quốc gia tìm lại kinh sách trong lớp bụi mù. Lúc bấy giờ, xã hội Trung Hoa lâm
vào cảnh hỗn độn lòng người nên giới chính trị lại lợi dụng công cụ tôn giáo
cũng như hệ thống tín ngưỡng thần quyền để dễ bề cai trị đất nước. Thế là đạo
Phật được an toàn. Thực tế là đạo Phật tồn tại ở Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Quốc,
Việt Nam… đều đã trải qua biết bao cuộc hưng thịnh, suy vong “ba chìm, bảy
nổi”, nhọc nhằn lênh đênh.
…
Cuối thời phong kiến Trung Hoa, giới chính trị, thành phần cầm
quyền đất nước trở nên hủ bại, suy đồi, mạt hạng… Do vậy chính giới lãnh đạo
Trung Quốc thời tàn phong kiến đã đặt đất nước Trung Hoa vào tình cảnh trở
thành chiếc bánh ngọt và tạo điều kiện thuận lợi cho các nước Tư bản chủ nghĩa
lẫn đế quốc phát xít xâu xé, chia phần. Số đông người Trung Quốc lúc bấy giờ
cũng giam hãm tinh thần, tư duy vào lối sống thực dụng vì thế người Trung Hoa
thành ra một chủng người hạ liệt, khí tiết dân tộc Trung Hoa hàng ngàn đời bị
tiêu ma; Đây là vết dơ lịch sử dân tộc thường thấy ở loài người khi con người
đắm chìm trong lối sống thực dụng, nhỏ nhen, ích kỷ.
Về sau, các nước đế quốc bóc lột thuộc địa quá mức nên nỗi người
Trung Hoa liều chết phản kháng, thế là dân tộc Trung Hoa trải qua một thời kỳ
đẫm máu.
Có một vài tổ chức phản kháng núp bóng ở chuỗi hệ thống tôn giáo,
đạo Phật trường kỳ kháng chiến nhất định thành công. Chủ nghĩa xã hội ra đời ở
Trung Quốc là có sự đóng góp công sức rất lớn về tài vật lẫn tinh thần vô úy
của hệ thống tôn giáo, nhất là đạo Phật. Điều đáng tiếc đã xảy ra, giới lãnh
đạo Trung Quốc phạm phải sai lầm nghiêm trọng thể hiện qua việc áp dụng cơ chế
kinh tế bao cấp nhằm duy trì sự tồn tại xã hội, xây dựng đất nước. Với cơ chế
bao cấp, hàng hóa phục vụ nhu cầu sống của con người được xã hội sản xuất nhỏ
giọt, thế nên sản phẩm vật chất tiêu dùng nội địa đâu đủ sức cung ứng cho mọi
thành phần, tầng lớp xã hội Trung Hoa, lúc bấy giờ hệ thống tôn giáo trở nên là
một cái gánh nặng kinh tế khổng lồ, đè nặng lên sự tồn vong của đất nước Trung
Quốc.
Bên cạnh đó, giới chính trị Trung Quốc cũng ngán ngại các tổ chức
đối lập núp bóng nơi các hệ thống tôn giáo. Mao Trạch Đông (đại diện lãnh đạo
tối cao một thời ở đất nước Trung Hoa) giẫm theo dấu chân của Stalin (đại diện
lãnh đạo tối cao một thời của Liên bang Xô Viết) lấy cớ Đảng cộng sản là người
vô thần, lấy chủ nghĩa duy vật biện chứng làm nền tảng cùng với âm kế chối bỏ
trách nhiệm, chuyện ân nghĩa vay trả với hệ thống tôn giáo thời cùng chung vai,
sát cánh đấu tranh chống đế quốc chủ nghĩa. Mao Trạch Đông ra sức tận diệt công
thần, là chuỗi hệ thống tôn giáo từng nuôi dưỡng cách mạng. Đây là nước cờ thâm
trầm, bí hiểm khó dò thường thấy ở giới lãnh đạo Trung Quốc. Lần này, thật
không may Phật giáo Trung Hoa đã bất ngờ rơi vào pháp nạn, nhất thời trở thành
quân cờ thừa trên bàn cờ chính trị của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Đạo Phật Việt Nam hiện nay cũng có chỗ tương đồng. Pháp môn niệm
Phật đang thắng thế nhưng không mang lại trí bát nhã cho người học Phật, cứu
cánh niết bàn vì thế không hé mở. Thế là Thiền tông các loại được hoằng dương
nhưng đáng tiếc là Chân Long Sư không hiện, phần nhiều chỉ là sa môn nghĩa học,
hành giả không triệt ngộ dịch kinh, giảng pháp. Lại là sự không thỏa mãn cho
người học Phật, Mật tông vì thế len lõi thoát thai, thiền vipassana được dịp
thâm nhập vào Việt Nam.
Đứng ở vị trí tổng thể nhìn vào bức tranh Phật giáo người khách
quan sẽ nhận thấy các pháp môn, những hệ phái đạo Phật hiện đang có sự pha trộn
lẫn nhau nhưng thật không có sự dung thông, hòa tan đúng mực. Liệu pháp dĩ hòa
vi quý đẩy Phật giáo vào đường hẹp - anh sống, tôi sống thành ra chẳng ai chín
cả. Mỗi mỗi pháp môn gặp nhau đều cười xuề xòa để che giấu bản ngã Anh hùng bản
sắc.
Người học Phật mà bản ngã xung thiên thì đến bao giờ mới triệt
ngộ. Đạo Phật vì thế mà lâm cảnh rồng thời vắng rắn thời nhiều. Do vậy đạo Phật
lột xác với chùa to, Phật lớn; Đạo Phật quả thật đang trở thành gánh nặng xã
hội và là mầm mống của sự lụi tàn vì giá trị chánh pháp gần như bị mục rỗng.
Nếu giới Tăng sĩ không tỉnh ngộ hồi đầu thì e rằng đạo Phật ngày nay sẽ chóng
rơi vào pháp nạn, mạt vận. Cần lắm một Chân sư.
…
Minh sát, minh triết, tỉnh thức, tiểu thừa, đại thừa, nguyên thủy,
A di đà cứu cánh... tất chỉ là ngoài da của đạo Phật. Chẳng phải là chỗ tinh túy,
diệu dụng của đạo Phật.
Lẽ chân ngụy chẳng thông hãy còn xa cửa đạo. Nghi tình nên phát
động, điều này chẳng trái với chánh pháp. Xưa kia, nếu Thái tử Tất đạt đa không
phát nghi tình sẽ không có Bậc Toàn giác Thích Ca ra đời.
Việc học Phật thành Phật của con người giống như việc đón xe buýt.
Có khi vừa đến đã có ngay xe đón; Có khi phải chờ đợi; Có khi đứng chờ đợi xe
mà do phút lơ đểnh xe buýt dừng nhưng lại chẳng bước lên, đến khi xe chạy rồi
mới bàng hoàng nuối tiếc, có khi cũng lại mông lung chẳng biết xe biết đang
dừng chờ đã lâu, thế rồi đành đợi chuyến xe sau. Xe buýt không phụ người chỉ do
người không tự bảo nhậm.
Thế là phải ngồi đợi có khi vài giờ, vài ngày, vài năm, vài ngàn
năm, vài vạn kiếp. Rồi cũng sẽ về đến bến thôi có chăng chỉ là luống uổng thêm
hà sa kiếp luân hồi với khổ não hư vọng.
Có nên khi đợi xe buýt mà niệm Phật không?
Nên lắm vì nó nhắc ta nhớ rằng ta cần thành Phật. Ngay nơi đây ta
thành Phật chứ không phải ở một cõi nào đó xa xăm. Ta chờ xe buýt là để thành
Phật.
Nhân loại đang sa vào thời hoại kiếp. Việc này Như Lai không quản
được, Như Lai chỉ có thể làm chậm lại vòng quay luân hồi cộng nghiệp vài sát
na, Như Lai hoàn toàn không thể dừng lại bánh xe luân hồi cộng nghiệp. Như Lai
chỉ bảo người tự độ, Như Lai không thể can thiệp vào nhân quả của mỗi người
huống hồ là cộng nghiệp của nhân loại.
Phật pháp nhằm vào việc cứu khổ và giải thoát sinh tử. Đạo Phật từ
xưa đến nay chỉ là nơi lưu giữ, trao truyền giáo lý Tam Tạng kinh. Ngày nay,
nơi đạo Phật không có khổ, người học Phật bồi công lập đức chút ít, lắm kẻ tự
phụ, kiêu mạn hơn người cũng không thấy khổ. Vậy nên đặt Tam Tạng kinh ở chùa
chiền, tự viện xa hoa nhang khói mịt mù là đã đặt nhằm chỗ giáo lý chánh pháp.
Ngoài xã hội có bao người đau khổ, khốn cùng trong cuộc mưu sinh
với những bon chen, giành giật nghiệt ngã có lẽ họ sẽ cần đến giáo lý chánh
pháp để cân bằng nội tâm và xác định lại mục đích sống của chính mình. Song hẳn
là họ cần đến chánh pháp liễu nghĩa chứ không phải thứ bánh vẽ hão huyền. Vậy
nên người có đạo tâm muốn báo đền ơn Phật thì hãy trả kinh Phật về nơi cần đến
chánh pháp. Muốn làm được điều đó thì người học Phật phải tư duy đúng mực về
vạn pháp. Là Phổ, là trao truyền chánh pháp vào nhân loại - xã hội loài người,
là Di Lặc thiên bá ức hóa thân.
Ai là Di Lặc thiên bá ức hóa thân?
Di Lặc thiên bá ức hóa thân nên hiển nhiên không thể là một người.
Do vậy, Di Lặc chính là mọi người, là những người có sự hiểu biết đúng mực,
sáng rõ về chánh pháp ẩn tàng trong pho Tam Tạng giáo điển.
…
Tóm lại, chân kinh - ngụy kinh chỉ có thể nhận diện bằng sự hiểu
biết khách quan, sáng rõ và tựa trên góc nhìn tổng thể, toàn diện. Việc phân rõ
lẽ chân ngụy không nhằm vào việc tranh luận hơn thua, đúng sai hay dở mà là
nhằm vào việc sáng rõ chánh pháp nhãn tạng Như Lai, cứu cánh niết bàn vô sở
đắc.
Nếu muốn thành tựu vô sanh pháp nhẫn thì người học Phật tránh rơi
vào biên kiến cực đoan hay buông lung thái quá đồng thời cũng giữ mình không
lọt vào lưới nhị nguyên.
Thiền minh sát của nguyên thủy Phật giáo, Tỉnh thức của Phật giáo
đại thừa, niệm Phật A di đà nhất tâm bất loạn hay… tất cả chỉ là những pháp môn
đơn lẻ, những pháp môn học Phật dính mắc sự tự đắc vượt trội đều rơi vào biên
kiến khó mong chứng ngộ A la hán, càng khó tựu thành Giác giả.
Bài liên quan
- Phương Tây khám phá đạo Phật
- Giải mã đạo Phật
- Chọn lựa của nhân loại
- Đơn nghiệp - Cộng Nghiệp
- Bồ tát - Thanh văn
- Huyền môn và đạo Phật
- Một nguyên nhân khác khiến cho đạo Phật bị lu mờ
- Hóa giải thâm cừu, đại hận giữa các hệ phái đạo Phật
- Tam Tạng kinh do ai thuyết?
- Diệu ý Như Lai
- Phác họa chân dung Giác giả Thích Ca
- “Khai quan điểm nhãn” (P.4)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét