Bồ tát - Thanh văn
Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018
Bản đồ Thập pháp giới cũng chính là ngụy thư trong giáo lý đạo
Phật. Bản đồ Thập pháp giới minh chứng cho sự vô minh của người học Phật, sự vô
minh tham đắm bản ngã thường tại. Bản đồ Thập pháp giới thể hiện sự móng cầu
của người học Phật về sự thường trụ nhằm thọ hưởng Thường an lạc tịnh ở trạng
thái niết bàn.
Khi Thái tử Tất đạt đa chưa chứng ngộ vạn pháp, Tam giới đã được
các hệ thống tôn giáo khác nhau nơi lưu vực sông Hằng phân định rất rắc rối,
phức tạp; Mỗi hệ thống tôn giáo khác nhau phác họa ra vô số cõi giới vô hình
khác nhau.
Với mục đích làm sáng rõ các cõi giới vô hình ngõ hầu giúp người
tìm đến chánh pháp dễ dàng nhận ra chân tướng, thể tánh các cõi giới Phật Thích
Ca mới giả lập phân định lại Tam giới gồm 3 cõi 6 đường rành rẽ. Vậy nên thật
không có lý khi về sau Phật Thích Ca hay những Giác giả khác lại lập ra thêm 4
Pháp giới - Phật, Duyên giác, Bồ tát ,Thanh văn nằm bên cạnh 6 Pháp giới -
Trời, Atula, Người, Súc sinh, Ngạ quỷ, Địa ngục. Tương tự như vậy việc chia chẻ
nhỏ vụn các Tầng trời, các cõi giới vô hình là sự tạp nhiễm tư tưởng ngoại đạo
do người học Phật còn trong lưới vô minh vụng về kết tập vào giáo lý đạo Phật.
…
Ở kinh điển nguyên thủy Phật giáo hầu như không đề cập đến sự tồn
tại của các vị Bồ tát, Phật cùng những hóa thân... Ngược lại, kinh điển Phật
giáo đại thừa thì có vô số hà sa những vị Phật, Bồ tát ở khắp mọi nơi, các hóa
thân Phật, Bồ tát,… thường hóa hiện mỗi khi Phật Thích Ca thuyết pháp.
Tại sao có sự dị biệt giữa kinh điển nguyên thủy và kinh điển đại
thừa ở đạo Phật?
Phải chăng những vị Phật, Bồ tát, các vị Phạm thiên, Thiên nữ,
Thiên ma,… hóa hiện trong Tam Tạng giáo điển thật sự đã hiện thân và các vị đệ
tử Phật cùng đại chúng đều có thể nhìn thấy, hỏi đáp trực tiếp?
Thật ra tất cả hóa thân Phật, Bồ tát, Phạm thiên, Thiên ma, Thiên
nữ,… đều do Phật Thích Ca hoặc những vị Giác giả dựng lên. Thực tế là đại chúng
học Phật chẳng thể nhìn thấy hay đối thoại trực tiếp với những hóa thân Phật,
Bồ tát giả lập.
Vậy Phật Thích Ca hay những vị Giác giả hóa hiện những hóa thân
Phật, Bồ tát là nhằm vào mục đích gì?
Mục đích chung nhất của những vị Giác giả là hiển bày sự sáng rõ
về con đường giác ngộ giải thoát hoàn toàn.
Đặc biệt, muốn truyền trao giáo lý đạo giác ngộ giải thoát hoàn
toàn Giác giả phải dựa trên nền tảng trung đạo, đây là việc làm đúng mực, khách
quan ngõ hầu tránh cho cuộc pháp đàm độc thoại hoặc việc truyền pháp rơi vào
biên kiến, thoát khỏi lưới nhị nguyên dính mắc. Chính vì vậy mà chân kinh do
Giác giả thuyết thường không hạn cuộc vào biên kiến, Phật Thích Ca không tự
khởi việc thuyết pháp mà không có đối tượng vấn hỏi. Đây cũng là một trong
những nguyên tắc nhằm giúp người học Phật đúng mực nhận diện chân kinh - ngụy
kinh.
Một buổi pháp thoại của Giác giả hoàn mãn, lợi lạc cho đại chúng
là một cuộc thảo luận dựa trên nhiều yếu tố, trong đó ngoài những câu trả lời
hay đúng, trọn vẹn còn phải có câu hỏi khéo, khế hợp với nội dung của từng cuộc
pháp đàm.
Thế nên, sau mỗi lần trùng tuyên thì những buổi pháp thoại sơ
khai, ban đầu ở giáo lý đạo Phật được hoàn chỉnh về vai trò người hỏi, kẻ đáp.
Nơi Phật Thích Ca truyền đạo là các nước quanh lưu vực sông Hằng, là cội nguồn
của nền văn hóa sử thi. Việc lưu truyền chánh pháp lúc bấy giờ là hình thức
truyền miệng thế nên sau mỗi buổi pháp đàm thì nội dung của những cuộc pháp
thoại được chuyển thể thành những bài thi kệ dễ thuộc, dễ nhớ, dễ truyền miệng.
Đây là cách thức truyền giữ chánh pháp ở đạo Phật nguyên thủy chân phương.
Những bài thi kệ về lời Phật Thích Ca trao đổi cùng đại chúng chính là
bản gốc của pho Tam Tạng giáo điển ngày nay.
…
Dù rằng người học Phật có trí tuệ, nhiều hiểu biết theo Phật Thích
Ca quy y không hề ít nhưng trí hiểu biết thế gian thật không đủ khả năng mở lời
tham vấn chỗ tột cùng, thậm thâm, vi diệu của chánh pháp nhãn tạng Như Lai.
Những bậc Giác giả nhận ra nếu không hiển bày chỗ cùng tột của trí tuệ bát nhã
thì người học Phật ngày sau khó thể thâm nhập, lĩnh hội hoàn toàn pháp yếu vi
diệu, bất khả tư nghị.
Khởi từ dụng tâm sâu sắc Phật Thích Ca cùng những bậc chứng ngộ đã
dùng đến phương tiện hóa thân Phật, Bồ tát,… để diễn nói những bài pháp thoại
trọn vẹn, rõ ràng. Sơ khởi những vị hóa thân Phật, Bồ tát, Thiên ma, vua Trời,…
hiện diện chỉ như là một thính chúng đến nghe pháp thoại về sau họ ứng tiếng,
mở lời ngõ hầu dẫn dắt đại chúng, người học Phật thâm nhập, lĩnh hội giáo pháp
vi diệu, bất khả tư nghị.
Một nguyên nhân khác dẫn đến việc hóa hiện ra những hóa thân Phật,
Bồ tát là trong quá trình hành đạo, truyền đạo Phật Thích Ca không phải luôn
luôn có sự kề cận của những bậc đại trí Xá lợi phất, Tu bồ đề, Ma ha Ca chiên
diên, Phú lâu na,… Chỉ có thị giả, ngài A Nan thường đi cùng với Phật Thích Ca,
song với sở cậy đa văn ngài A Nan không đủ khả năng để đảm nhận vai trò người
hỏi khéo.
Hơn nữa, ngay cả đến bậc đại trí Xá lợi phất cũng không đủ tuệ
giác để tham vấn giáo lý chánh pháp ở những chỗ vi diệu, tột cùng. Chính vì nhu
cầu cần có người hỏi khéo mà rất nhiều hóa thân Bồ tát đã được Giác giả hóa
hiện, trong số đó có ngài Văn Thù Sư Lợi. Tuy nhiên, hóa thân Văn Thù Sư Lợi đã
hóa hiện ở vai trò một vị đại bồ tát thuộc thành phần xuất gia, chính vì vậy có
những vấn đề liên quan đến sự sáng rõ chánh pháp ở nẻo đời mà với vai trò người
xuất gia Văn Thù bồ tát không thể tham vấn Giác giả.
Về sau, vì nhận biết các vị cao đồ như Xá lợi phất, Mục Kiền Liên,
Ma ha Ca diếp, Ma ha Ca chiên diên, A na luật, A Nan,… rơi vào biên kiến -
Thanh văn, tiểu thừa nên Giác giả đã hóa hiện Bồ tát Duy ma cật, một vị cư sĩ
tại gia với biện tại vô ngại khéo léo chỉ ra những hạn chế có ở mười vị cao đồ
của Phật Thích Ca (nói riêng), người học Phật (nói chung) cùng những giới hạn
mà những hóa thân Bồ tát tiền nhiệm đã không đủ khả năng thỏa mãn.
Bồ tát Duy ma cật được Giác giả hóa hiện ra ngõ hầu hiển bày pháp
môn bất khả tư nghị giải thoát, đây là việc làm nhằm phá bỏ biên kiến sai lạc
của người học Phật vô minh - Việc nhận định chỉ có Tăng bảo mới triệt ngộ chánh
pháp Như Lai; Người xuất gia là thành phần học Phật duy nhất có cơ may đạt sự
giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Thực tế là nơi nào có sự khổ, có chúng sinh cần
đến sự giải thoát hoàn toàn thì chánh pháp Như Lai mới thật sự đắc dụng. Do vậy
tính khả dụng, thực tiễn của chánh pháp Như Lai là ở nẻo đời, nơi có rất nhiều
khổ não nhân sinh. Giác giả với hóa thân cư sĩ Duy Ma Cật sẽ giúp cho người học
Phật nhận chân rằng nơi nẻo đời mới tựu thành những bậc Đại bồ tát bất khả tư
nghị, là cứu cánh của đạo giác ngộ giải thoát hoàn toàn; Người xuất gia ở nẻo
đạo - Tăng bảo do hạn cuộc biên kiến, ít khổ não, sự hiểu biết rơi vào một bên
nên chỉ là người học Phật Thanh văn, tiểu thừa. Chánh pháp Như Lai không thể
bừng sáng, tỏa rạng mang lại cứu cánh giải thoát cho nhân loại với những người
học Phật theo đường lối tiểu thừa cùng với sự chứng ngộ hạn chế, hẹp lượng.
Vì mục đích rộng truyền chánh pháp những bậc Giác giả đã cho ra
đời rất nhiều hóa thân Phật, Bồ tát, cư sĩ,... Nếu người học Phật giữ tâm an
tịnh quán chiếu lại những bộ kinh đại thừa sẽ nhận thấy phần lớn những người
đến tham vấn Phật từ hàng cư sĩ tại gia, tín đồ ngoại đạo, đệ tử Phật, đến cả những
người thuộc tầng lớp hạ tiện, thấp hèn đều có đủ biện tài chất vấn ngài Xá lợi
phất, Văn Thù bồ tát,… Thêm nữa, sau khi được Phật chỉ bày chánh pháp thì tất
cả đều đủ thông tuệ để làm những bài kệ lưu loát, đúng mực. Vậy nên tất cả
những bài pháp thoại Phật Thích Ca và Giác giả thuyết đều đã được trùng tuyên
và hoàn chỉnh theo một lộ trình gọt dũa, trao chuốt, tỉ mỉ nhằm lưu lại cho
nhân loại một pho giáo lý chánh pháp nhãn tạng Như Lai hoàn chỉnh
Mỗi hóa thân Phật, hóa thân bồ tát là bóng dáng, hạnh nguyện của
những người học Phật tín thành hoặc là chính tâm Phật hóa hiện ra ví như Văn
Thù bồ tát là hóa thân bồ tát biểu trưng cho trí tuệ của Phật, Bồ tát Duy ma
cật là bóng dáng của vị trưởng giả Cấp cô độc Tu đạt đa (Sudatta), đồng thời
cũng là hóa thân của Phật ở nẻo đời…
Thực tế là Phật Thích Ca (nói riêng), Giác giả (nói chung) xem
trọng hạnh nguyện bồ tát ở giới cư sĩ tại gia hơn là lối tu Thanh văn ở những
người xuất gia, những người học Phật chỉ đảm nhận vai trò truyền giữ chánh
pháp.
Có thể đã có rất nhiều người xem nội dung sách Giải mã đạo Phật ít
nhiều tin nhận về những điều tôi đã trình bày. Nhân đó sẽ có không ít người
vọng chấp cho rằng Phật Thích Ca thật hư vọng khi bày ra những hóa thân Phật,
Bồ tát không thật, hoang đường. Phật Thích Ca, những vị Giác giả chỉ khéo dựng
ra những điều trá ngụy, hư vọng.
Nên chăng hãy xác định lại mục đích của mỗi người khi tìm đến đạo
Phật và nên chăng xét lại mục đích rốt ráo, sau cùng của những vị Giác giả khi
bày ra những pháp phương tiện khéo? Mục đích của họ là gì? Có phải họ làm vì
lợi dưỡng, lợi danh, vì chính họ không?
Chớ trách những vị Giác giả bày ra những điều hư vọng, bối cảnh xã
hội thời Phật Thích Ca tại thế xa xưa có những thuận lợi, có những khó khăn
nhất định do vậy Giác giả, người có tâm bi mẫn với mọi loài phải dụng tâm bất
khả tư nghị. Có chăng nhân loại nên trách người học Phật, người tìm về chánh
pháp, người nghiên cứu Phật học nông nổi, mê mờ lấy ngụy làm chân mà không sáng
rõ con đường giác ngộ giải thoát hoàn toàn mà tiền nhân đã mấy phen hiển bày?
Lời Phật Thích Ca là hư vọng?
Nếu nhân loại và người học Phật muốn nhận định như vậy thì cũng
không sao cả. Vì Phật Thích Ca từng thuyết “49 năm ta không nói một lời”, vậy
nên tất cả chỉ do người không tự nhận biết.
Khi tham cứu kinh Pháp Hoa cũng như ở rất nhiều bộ kinh khác trong
pho Tam Tạng kinh người học Phật sẽ nhận ra Giác giả từng nói Như Lai thuyết
tất cả pháp chỉ là pháp dụ, là pháp phương tiện khéo nhằm đưa người mê, những
chúng sinh vô minh về bờ giác ngộ. Tiếc rằng chỉ do người học Phật vô minh mà
mãi ngồi giữ chiếc bè, hoặc vác chiếc bè lên vai hoặc lấy giả làm chân, mê mờ
tự tánh.
…
Bồ tát là ai?
Có ai không là bồ tát?
Khi bạn làm một điều tốt dù vô tình hay cố ý thì bạn cũng đã là
một vị bồ tát trong cái nhìn của người thọ ơn. Đó là tâm bồ tát thường tại,
luôn có nơi mỗi người - Phật tánh. Tất cả chúng ta, ai cũng có một giá trị, một
lợi ích nhất định nào đó cho cuộc sống. Có thể là lợi ích ta mang lại cho một
người, cho nhiều người hoặc cho chính ta, ta sống có lợi ích thì ta là bồ tát.
Do vậy người học Phật đừng vọng cầu về một vị bồ tát vô hình sẽ
nâng đỡ, chỉ lối ta đi. Sẽ không có vị bồ tát ở cõi giới vô hình nào đủ năng
lực làm điều đó ngoại trừ bản tâm chánh định, chánh trí của chính mỗi người ra
sức.
Những vị bồ tát chứng đắc vô sanh đã trở về vạn pháp, những người
học Phật khi triệt ngộ tánh không sẽ không một ai dính mắc việc trở lại hoằng
dương chánh pháp.
Vì sao những Giác giả sẽ không trở lại nhập thế ra sức truyền trao
chánh pháp?
Vì họ đã thấu rõ 3 cõi 6 đường hư vọng, huyễn hóa chẳng thật, một
khi chánh pháp còn lưu truyền trong nhân loại thì sẽ có Giác giả ra đời, họ
không nhất thiết phải trở lại nẻo người để dính mắc vào vạn pháp. Người học
Phật triệt ngộ hoàn toàn đã không còn ràng buộc vào nhân ngã, họ đã trở thành
Như Lai không đến không đi.
Khi chứng ngộ hoàn toàn vạn pháp người học Phật sẽ tùy duyên tiêu
nghiệp cũ, ra sức hành bồ tát đạo, nâng cao ngọn đuốc chánh pháp và trao truyền
chánh pháp đến với mọi người.
Việc làm tùy thuận, khế hợp nhân duyên. Xong việc là dừng.
Thanh văn là ai?
Thanh văn là những người học Phật dựa vào giáo lý Tam Tạng kinh.
Giới Tăng Bảo chính là tầng lớp Thanh văn chính yếu.
Thật vậy, đa số người học Phật ở thành phần xuất gia là những
người học Phật Thanh văn. Tăng bảo chính là tầng lớp Thanh văn được Phật gửi
gắm việc truyền giữ pho Tam Tạng kinh quý giá.
Phật Thích Ca dấn thân truyền đạo đến với nhân loại thông qua giáo
đoàn khất sĩ, môn đồ của Phật vốn rất nhiều nhưng có không nhiều vị chứng ngộ
chánh pháp ở pháp môn đại thừa. Đa phần người học Phật thời Phật tại thế chứng
ngộ A la hán ở pháp môn tiểu thừa - Thanh văn. Đó là sự hạn chế thường thấy ở
thành phần Tăng Bảo, người xuất gia. Ngài Ca diếp, A Nan, A na luật, La hầu
la,… đều rơi vào biên kiến - Thanh văn, tiểu thừa. Tất nhiên là họ từng ra sức
hành bồ tát đạo, thị hiện pháp khí đại thừa nhưng việc không triệt ngộ vạn pháp
đã phần nào chướng ngại việc hoằng pháp ở những vị cao đồ của Phật Thích Ca.
Bài liên quan
- Giác giả Thích Ca ra đời là điều tất yếu
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết (P.3)
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết (P.2)
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết! (P.1)
- Tri kiến mê lầm ở các hệ phái đạo Phật xưa nay
- Luận tội các vị Tổ khai Tông ở các Tông giáo có gốc tích đạo Phật
- Làm thân Phật chảy máu - Phá hòa hợp Tăng
- Phương Đông hủy diệt đạo Phật
- Phương Tây khám phá đạo Phật
- Giải mã đạo Phật
- Chọn lựa của nhân loại
- Đơn nghiệp - Cộng Nghiệp
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét