Chọn lựa của nhân loại
Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2018
Loài người đã đi rất xa nguồn cội, gốc tích của chính mình. Nguyên
ủy sự sống đang được tri thức nhân loại tìm kiếm ở những nơi xa xăm, những nơi
mà sự sống đã từng tàn lụi và hiện đang cố góp nhặt hình hài, thân xác từ đất
nước gió lửa cùng những tâm ý sự sống chưa thể tan rã hoàn toàn.
Khi tìm nguồn gốc sự sống - con người, phải chăng tri thức loài
người đã quên mất con người là một thực thể sống?
Đi tìm nguồn cội, gốc tích con người mà tri thức con người lại
không nhận diện được “Đâu là con người?” thì quả thật đây là sự vô minh bậc
nhất của tri thức nhân loại.
Phải chăng sự hướng ngoại cùng lối sống thực dụng đã khiến con
người đang tự lừa dối chính con người?
Con người đang điên đảo vẫy vùng trong sự hiểu biết chủ quan,
phiến diện, thiển cận đến mông muội.
Phải chăng con người có thể sống chỉ bằng vào một xác thân hoàn
chỉnh mà không cần đến phần tâm ý sự sống vô hình chi phối, tác động?
Điều này là không thể vì thân xác người chết vẫn vẹn nguyên nhưng
không thể đi đứng nói cười.
Vậy quyết định cho cái khái niệm gọi là sự sống sẽ do phần thân
xác hữu hình quyết định hay do phần tâm vô hình quyết định?
Có lẽ là cả hai.
Có lẽ là cả hai? Câu trả lời này đúng cùng chẳng đúng.
Sao lại có việc đúng cùng chẳng đúng?
Câu trả lời đúng là đúng theo quy ước về khái niệm sự sống hiện
nay của tri thức nhân loại. Tri thức nhân loại đang hạn cuộc khái niệm sự sống
ở những sự vật hiện tượng có thể nhìn thấy hoặc nhận biết được bằng vào một
cách thức nào đó.
Tuy nhiên, quy ước sự sống của tri thức nhân loại hiện nay đã rơi
vào biên kiến, có sự chủ quan nên quy ước khái niệm sự sống của loài người đã
không thật đúng. Chính vì vậy mà có việc đúng cùng chẳng đúng.
Tại sao nói tri thức loài người rơi vào biên kiến chủ quan? Có thể
nói việc chẳng đúng rõ ràng, cụ thể hơn không?
Với góc nhìn của khoa học và tri thức nhân loại hiện nay quả thật
là không dễ trình bày chỗ chẳng đúng về việc cả thân xác hữu hình và phần tâm
vô hình đều là yếu tố quyết định sự sống tồn tại.
Thế này vậy. Ta tạm chấp nhận giả thuyết khái niệm sự sống có tồn
tại ở dạng vô hình thì sự chẳng đúng sẽ dễ hiển bày hơn. Thật ra sự sống tồn
tại ở dạng vô hình là thật có, đây mới chính là sự hiểu biết khách quan, đúng
mực và sáng rõ mà tri thức nhân loại cần chạm đến.
Khi chấp nhận sự sống tồn tại ở dạng vô hình thì chỗ chẳng đúng ở
câu trả lời cả phần thân xác hữu hình và phần tâm vô hình sẽ bày ra.
Vì sao?
Vì phần tâm vô hình mới thật sự quyết định sự sống. Khi con
người và mọi loài chết đi phần thân xác hữu hình vẹn nguyên nhưng hoàn toàn bất
động và dần tàn hoại; Còn phần tâm vô hình ngỡ như mất đi kỳ thực lại tồn tại ở
một dạng sống không có xác thân vật chất Có - vật chất hữu hình. Phần tâm vô
hình đó sẽ tồn tại ở dạng vật chất Không cho đến khi hội đủ yếu tố duyên thì
lại nương gá vào một xác thân vật chất hữu hình khác rồi tiếp tục tạo tác trôi
lăn. Chính vì vậy nên phần tâm vô hình không thật sự chết, phần tâm vô hình chỉ
là luân chuyển sang một dạng sống khác mà bằng mắt thường và các phương tiện dò
tìm hiện tại chưa thể nhận diện. Vậy nên kết luận sự sống do phần tâm vô hình
quyết định mới có sự đúng mực, khách quan và toàn diện.
Điều này vô lý, giả định này không có bằng chứng nên không thể
tính thuyết phục. Đây là sự hoang đường, mê tín dị đoan.
Vậy việc một xác thân hoàn chỉnh nằm bất động và một người sống có
thể đi đứng nói cười khác nhau chỗ nào?
Tạm chấp nhận giả thuyết do phần tâm vô hình chi phối. Chỉ thế
thôi. Sau cùng, chết là hết - cả phần tâm vô hình lẫn phần xác hữu hình đều tàn
hoại, tan rã.
Sự tàn hoại, tan rã của phần xác hữu hình, phần tâm vô hình có đạt
đến sự hoàn toàn không?
Tan rã hoàn toàn.
Tan rã hoàn toàn, điều này có thật không? Chẳng phải là phần thân
xác hữu hình chỉ tan rã trả hơi thở cho gió, trả hơi ấm cơ thể cho lửa, trả các
vật chất hữu cơ - vô cơ cho đất, trả máu, các chất lỏng có trong cơ thể về cho
nước. Phải chăng tất cả những vật chất tạo nên thân xác hữu hình chỉ tan rã trả
về lại nguồn gốc tứ đại ban đầu chứ không hoàn toàn mất đi? Đây là sự tan rã
không hoàn toàn.
Đúng vậy. Vật chất hữu hình có sự tan rã không hoàn toàn. Còn phần
tâm vô hình sẽ tan rã hoàn toàn vì vật chất không sẽ trả về cho hư không, là
không còn gì cả.
Nói vật chất không trả về cho Không đại trở nên không còn gì là
lời khẳng định không thật đúng. Những nhận định rơi vào biên kiến thường rất
chủ quan, vội vàng và kết quả là những sự sai lầm. Đã nói vật chất không trả về
cho Không đại thì sẽ còn nguyên vẹn vì Không đại là có trong nhận thức, tư duy của
loài người; Không đại có thật, Không đại không đồng nghĩa là không có hiện hữu.
Do vậy nói phần tâm vô hình tan rã hoàn toàn là lời khẳng định lỗi lầm.
Hơn nữa, phần tâm vô hình không chỉ đơn thuần là một sự rỗng lặng,
trống không, nơi phần tâm có lưu xuất ra phần ý - thức. Nếu 4 yếu tố vật chất
hữu hình có ở phần thân xác không tan rã hoàn toàn mà trả về cho tứ đại, phần
tâm vô hình cũng không tan rã hoàn toàn mà chỉ trả về không đại thì phần ý -
thức cũng sẽ không dễ tan rã hoàn toàn, phần ý - thức sẽ tồn tại ở đâu, duy trì
ở dạng gì?
…
Phần tâm vô hình có thể tự nương gá vào xác thân của con người và
muôn loài sau đó chi phối mọi hành vi, hoạt động, cả tập tính giống loài đặc
trưng. Con sâu tạo kén, hóa nhộng thành bướm, con nhện biết giăng tơ, con tôm biết
lột xác, con người với sự hiểu biết không ngừng nâng lên,… Tất cả những sự vật
hiện tượng trên đều do phần tâm vô hình ảnh hưởng. Nếu phần tâm vô hình chỉ đơn
thuần là một khoảng không vô thức nương gá vào phần thân xác hữu hình rồi tạo
tác, thi vi tất cả mọi việc, lời nói này có vô lý, hư vọng, hoang đường không?
…
Vấn đề có vẻ phức tạp, trừu tượng. Vậy nên ta hãy đơn giản vấn đề.
Hãy sống với hiện tại, sống với kiếp này! Hãy làm tốt những việc mình muốn làm,
những hoài bão, những ước mơ, những mục đích mà ta muốn chạm đến. Kiếp sống
hiện tại còn chưa tốt được thì lo nghĩ đi nhiều đến chuyện tương lai, chuyện
hậu kiếp, tiền kiếp hay giải thoát hoàn toàn.
Bạn đã nói đúng. Đơn giản mọi vấn đề để sống chỉ biết lợi ích của
cá nhân, đó là lối sống thực dụng đương đại đang chi phối toàn nhân loại. Con
người hiện đại với sự chủ quan, bảo thủ, cố chấp, thực dụng đã đang và sẽ hủy
hoại xã hội loài người cùng sự sống nơi hành tinh xanh. Chủ nghĩa thực dụng sẽ
khiến mỗi người chìm đắm, sa lầy nơi cộng nghiệp với những khổ não khốn cùng,
không lối thoát.
Có những sự việc đơn giản nhưng tri thức loài người đã khiến chúng
trở nên phức tạp, trừu tượng. Vì vậy nên chỉ cần nhìn thẳng, đối mặt với sự
phức tạp, trừu tượng ấy loài người sẽ nhận ra sự việc thật rất đơn giản, rõ
ràng.
…
Vì vô minh và thực dụng mà loài người chấp nhận trói sự hiểu biết
vào định kiến “Chết là hết”, việc làm chặn đứng sự hiểu biết khách quan, đúng
mực ở nhân loại. Rồi nay khi lý luận “Chết là hết” bị bẻ gãy, sự hiểu biết nửa
vời, chủ quan của loài người đã không còn đứng vững, bộc lộ những khiếm khuyết
thì với sự nông nổi, thực dụng tri thức nhân loại không dám đối mặt, nhìn nhận
sự sai lầm nơi tri thức loài người, tiếp tục khỏa lấp, che đậy sự yếu kém về
nhận thức, tư duy nửa vời bằng “Hãy sống với hiện tại”.
Sống với hiện tại rồi sẽ đưa nhân loại về đâu nơi vòng xoáy chủ
nghĩa thực dụng đang nhấn chìm giá trị con người nơi mỗi người?
Phải chăng Sống mà không biết đến ngày mai sẽ lại là một chọn lựa
mới cho tương lai nhân loại?
Cuộc sống hiện tại rất bon chen, nghiệt ngã. Kiếp sống hiện tại
đang mệt nhoài với những khổ não, lo toan; Nói về tiền kiếp, hậu kiếp, sự giải
thoát hoàn toàn phỏng có ích gì?
Hãy lắng lòng! Hãy dừng lại! Một chút thôi! Hãy đón nhận một tri
thức mới dường như khác lạ, lắng lòng nghe và sẽ chẳng mất gì.
Khi chiêm nghiệm lại tri thức nhân loại sẽ thừa nhận “Chết sẽ
không hết”. Vậy vấn đề đặt ra “Nếu chết không hết thì ta sẽ về đâu, tiếp tục
dòng tâm thức như thế nào? Sẽ là khổ não hay hạnh phúc?...”.
Tiền kiếp đã qua, mỗi người không cần và cũng không thể níu giữ.
Chết đã không là hết thì mỗi người hãy tự chọn lựa lối đi cho hậu kiếp về sau?
Là tiếp tục trôi lăn hay dừng lại, thoát ra khỏi quy luật luân hồi sinh tử?
Có thể chọn lựa lối đi nơi hậu kiếp được sao
Hiển nhiên là được. Tùy tâm ý dính mắc mà con người, muôn loài
chọn lựa đời sống hậu kiếp song mỗi người phải ít nhiều biết đến sự chọn lựa
thì việc chọn lựa lối tốt cho đời sau sẽ có sự tự chủ hơn.
Kiếp sau có liên quan đến kiếp này không?
Có. Nếu không có thì việc chọn lựa phỏng có ích gì?
Liên quan như thế nào?
Mọi thói quen, đam mê, sở thích, sự chăm chỉ hay biếng lười, tốt
bụng hay xấu tánh,… tất cả những tâm tánh được góp nhặt, tích lũy qua mỗi đời
kiếp sẽ ghi nhận nơi tâm thức mỗi người, đặc biệt là ở hiện kiếp. Những điều đó
sẽ được lưu lại và sẽ hiển bày ra khi đủ duyên, kiếp sau của mỗi người sẽ do sự
hiểu biết, trí tuệ ở kiếp hiện tại chi phối. Trở lại kiếp người hay lạc lối ở
các nẻo khác cũng do tâm ý dính mắc, bị ràng buộc bởi nghiệp quả, báo ứng mà
ra; Việc giải thoát hoàn toàn cũng do đời sống hiện kiếp quyết định.
Những tri thức này là nguồn triết lý của tôn giáo - đạo Phật. Thật
khó thể tin nhận.
Đây là sự vô minh của nhân loại. Phật Thích Ca cũng như các vị
Giác giả sau thời Phật Thích Ca không tạo ra một hệ thống tôn giáo hay một
trường phái triết học để giành giật tín đồ hay gây dựng danh tiếng trên phạm vi
nhân loại.
Nếu nhân loại biết đến sự hiểu biết đúng mực, khách quan, sáng rõ
ẩn tàng nơi Tam Tạng kinh nhân loại sẽ được gì, mất gì?
Nếu không sớm nắm bắt được nguồn chánh pháp mà Phật Thích Ca trao
truyền phải chăng loài người sẽ trượt dài vào lối sống thực dụng, ích kỷ cùng
tâm bão của lòng tham? Nếu điều đó xảy ra thì giá trị con người ở loài người
liệu có còn không? Xã hội loài người sẽ về đâu với những chiến tranh, xung đột,
hận thù tôn giáo, sắc tộc, người giàu - kẻ nghèo…?
Nếu mỗi mỗi con người trong nhân loại chạm đến sự hiểu biết có nơi
giáo lý Tam Tạng kinh thì phải chăng lòng họ sẽ bình an hơn, họ sẽ sống chậm
lại để cân bằng nội tâm, cuộc sống bằng sự hiểu biết đúng mực, khách quan?
Đừng vội nói giáo lý Phật Thích Ca không đúng, những điều tôi
trình bày chẳng thật. Hãy tìm câu trả lời ngay chính sự hiểu biết khách quan
nơi mỗi người!
…
Tri thức nhân loại đã vô minh khi nhìn nhận giáo lý chánh pháp có
nơi pho Tam Tạng kinh là đạo Phật. Tri thức nhân loại vô minh khi không thể
chạm đến sự hiểu đúng mực, khách quan, sáng rõ của chánh pháp và không ra sức
phổ truyền chánh pháp.
Xã hội loài người đang trượt dốc trên sự hiểu biết chủ quan, nhận
thức sai lầm và tư duy nông nổi.
Nếu nhân loại không thể trả lời được những câu hỏi “Nguồn cội sự
sống, gốc tích con người đến từ đâu? Khi chết con người sẽ về đâu? Sẽ mãi là sự
quẩn quanh luân chuyển hay sẽ có cách dừng lại, thoát ra?... thì nhân loại sẽ
mãi lặn ngụp, đắm chìm trong sự vô minh bất tận.
…
Mục đích của việc giải mã đạo Phật đã hoàn mãn. Kết luận sau cùng
là Phật Thích Ca không kiến tạo nên một hệ thống tôn giáo đạo Phật, Giác giả
Thích Ca cũng không xây dựng một trường phái minh triết phương Đông, những điều
được Phật Thích Ca truyền trao trong giáo lý Tam Tạng kinh chỉ là những pháp
phương tiện nhằm chỉ bày cho tri thức nhân loại nhận diện ra sự thật về nguồn
gốc sự sống, những quy luật vận hành, luân chuyển và cách thức thoát ra mọi
ràng buộc, dính mắc việc khổ não, tử sinh. Khi nhân loại rõ biết về sự thật
hiện tồn nơi cuộc sống thì mỗi người sự tự chọn lựa lối đi hợp với lòng mình.
Nhân loại đang chờ sự chọn lựa của mọi người, đó là Phật Di Lặc ra đời với thiên bá ức hóa thân.
(Hết)
Bài liên quan
- Phương Tây khám phá đạo Phật
- Giải mã đạo Phật
- Đơn nghiệp - Cộng Nghiệp
- Bồ tát - Thanh văn
- Huyền môn và đạo Phật
- Một nguyên nhân khác khiến cho đạo Phật bị lu mờ
- Hóa giải thâm cừu, đại hận giữa các hệ phái đạo Phật
- Tam Tạng kinh do ai thuyết?
- Diệu ý Như Lai
- Phác họa chân dung Giác giả Thích Ca
- “Khai quan điểm nhãn” (P.4)
- “Khai quan điểm nhãn” (P.3)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét