Diệu ý Như Lai
Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018
Thái tử Tất đạt đa ra đời và lớn lên trong nỗi bất hạnh lớn lao
nhất của một đời người, Thái tử là đứa bé mồ côi mẹ.
Dẫu rằng xuất thân vương giả tôn quý, được bảo bọc trong tình
thương yêu của vua cha Tịnh Phạn và mẹ kế, cũng là dì ruột, hoàng hậu Kiều Đàm
Di. Nhưng trong vòng tay yêu thương đó đứa bé nhạy cảm Tất đạt đa vẫn không thể
tránh khỏi nỗi nguôi ngoai, nhớ nghĩ đến người mẹ đã mất, việc sinh tử đã ám
ảnh tâm thức Thái tử, nỗi ám ảnh đó tăng trưởng dần theo năm tháng Thái tử Tất
đạt đa lớn khôn.
Thái tử Tất đạt đa là một người thông tuệ, ham học hỏi mọi sự hiểu
biết. Do bởi xuất thân ở dòng dõi tôn quý Sát đế lợi nên Thái tử hội đủ những
yếu tố cần thiết cho việc trau dồi kiến thức, phẩm hạnh. Việc tiếp xúc với giới
Tăng lữ - Bà la môn đã giúp Thái tử sớm biết đến sự giải thoát của một con
người bằng cách hợp thể với Braham (Đại ngã). Khi một tiểu ngã (Atman) trở về
đại ngã (Braham) thì sẽ được giải thoát khỏi sinh tử, vượt thoát sinh tử là
đồng nghĩa với việc giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau.
Và do lưu tâm đến việc giải thoát sinh tử nên Thái tử đã tìm đọc
cũng như học hỏi các vị thầy Bà la môn về Áo Nghĩa Thư, kinh Vệ đà với tất cả
lòng say mê, tận tụy. Song Thái tử mau chóng nhận ra việc giải thoát sinh tử,
hợp thể với Braham chỉ là những lý thuyết chưa sáng rõ nơi giáo lý kinh điển Bà
la môn, dường như không có ai trong số những vị Bà la môn danh tiếng mà Thái tử
Tất đạt đa tìm gặp đạt được trạng thái giải thoát hoặc rõ biết cách thức hợp
thể cùng Braham - không có một chứng nhân xác thực nào thể hiện việc thể nhập
niết bàn tịch diệt. Sự giải thoát hoàn toàn lúc bấy giờ chỉ là nguồn lý thuyết
suông, thiếu khuyết hẳn một bằng chứng thiết thực, cụ thể. Niết bàn là hiện
tại, là quá khứ, là vị lai? Không một ai rõ biết, các vị giáo chủ ở các tôn
giáo danh tiếng quanh lưu vực sông Hằng chỉ đàm luận về niết bàn, trạng thái
niết bàn qua ngôn từ, cổ thư cùng kinh điển; có những sai khác tư tưởng về
trạng thái niết bàn, sự giải thoát, việc hợp thể cùng Braham, tất cả biện giải
về sự hợp thể, giải thoát, niết bàn,… đã đang và sẽ là những cuộc tranh luận
gay gắt giữa các hệ thống tôn giáo, cơ hồ đó là những cuộc tranh luân không có
hồi kết.
Câu hỏi “Làm sao hợp thể với đại ngã - Braham?” đặt ra nơi tâm
thức Tất đạt đa, câu hỏi đó thôi thúc Thái tử về một sự giải thoát hoàn toàn
cùng với việc thoát khổ đến xuyến xao.
Tuy nhiên, do xuất thân hoàng tộc nên Tất đạt đa không chỉ bị nỗi
thao thức tâm linh cá nhân trói buộc, Thái tử Tất đạt đa phải học hỏi cả việc
chính sự nhằm chuẩn bị cho vai trò thay vua cha Tịnh Phạn quản lý vương quốc
Thích Ca. Việc tham gia chính sự khiến Thái tử sớm nhìn ra “hậu trường” tởm lợm
của giới chính trị được tiếng tôn quý, mực thước. Ở nơi đó Thái tử Tất đạt đa
thấy rõ sự dối trá, thối nát, đạo đức giả của nhân cách dòng dõi Sát đế lợi,
hoàng thân, quốc thích với những tranh danh, đoạt lợi đớn hèn, hiểm độc.
Trong sự ngụp lặn nơi được mất, hơn thua của các hoàng thân, quốc
thích, giới quan quyền Thái tử nhận ra những khổ não, khốn cùng của họ, những
người giàu có, uy quyền bậc nhất. Thái tử Tất đạt đa cũng nhận biết được vua
cha Tịnh Phạn, vị vua cai trị vương quốc Thích Ca cũng có nhiều lo toan, khổ
não và đã rất nhiều lần vì đại cuộc, sự an nguy quốc gia mà phải có cách hành
xử nhún nhường với các vị hoàng thân nhiều thế lực.
Giới Bà la môn, thành phần có uy quyền bậc nhất nơi thế giới tâm
linh cũng trói mình trong những khổ não thế tục với tranh danh, đoạt lợi. Trong
lòng những người Bà la môn chân chính, chuẩn mực nhất cũng còn đó những nỗi bất
an, việc khao khát chạm đến sự hợp thể cùng Braham, họ cũng vẫy vùng một cách
bế tắc trong việc tìm ra lối thoát việc sinh tử - hợp thể, trở về với đại ngã
Braham. Đắm chìm trong các nghi thức tế lễ, nguyện cầu, phủ phục trước Đấng
Braham với đủ đầy sự tín thành, lòng mong mỏi được hợp thể cùng Braham,…
Đồng thời cũng thông qua các cuộc tế lễ, nguyện cầu… các dòng Bà
la môn đã sử dụng đặc quyền “khả năng tiếp xúc” các Thần linh như là một
công cụ hữu hiệu nhằm gia tăng thanh thế, uy quyền trước các tầng lớp xã hội
khác cùng việc gom góp tài vật, danh lợi cho dòng tộc.
Các thành phần xã hội thấp kém hơn như Phệ xá, Thủ đà la, Chiên đà
phải phục dịch cho thành phần Sát đế lợi, Bà la môn một cách lệ thuộc và cam
chịu. Sự phân tầng giai cấp rõ rệt, sâu sắc đè nặng lên kiếp người ở các giai
tầng thấp kém, hạ tiện. Sự bóc lột giữa người với người gay gắt, việc tế lễ tốn
kém, xa hoa bòn rút sức lao động, sự sống còn của các giai cấp thấp hơn. Việc
cúng tế, ma chay, các buổi lễ Thánh tẩy, cầu nguyện tiêu tốn nhiều vật phẩm,
công sức phục dịch khiến cuộc sống người lao động - Thủ đà là, Chiên đà - thành
phần trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội rơi vào khốn cùng, khổ não,
bất an.
Sự bất công nơi xã hội con người khiến trái tim nhạy cảm khổ đau
của Thái tử Tất đạt đa rát buốt. Hẳn là Thái tử đã hơn một lần tự nhủ “Ôi! Khổ
não kiếp người! Khổ não việc tử sinh!...”.
Với một trái tim nhạy cảm yêu thương như thế lòng Thái tử luôn
mong mỏi đến sự giải thoát cho mọi người, mọi loài. Và cũng nơi trái tim nhạy
cảm đó khiến lòng Thái tử Tất đạt đa có sự nhu hòa, do dự - nửa muốn thoát ly
hoàng tộc tìm sự giải thoát khổ não, việc tử sinh; nửa lo nghĩ về trách nhiệm
đối với dòng dõi Sát đế lợi, trở thành một vị vua cai trị đất nước Thích Ca.
Hai dòng tư tưởng không thể, không dễ dung hòa đã đè nặng lên tư tưởng của Thái
tử Tất đạt đa; Cái chết của người mẹ khiến Thái tử cơ hồ mất đi một điểm tựa
tinh thần quan trọng. Chính vì sự do dự, bất quyết mà Thái tử thêm nặng nề,
không lối thoát.
Trai lớn lấy vợ, gái lớn lấy chồng. Thái tử Tất đạt đa được đặt
trong tình cảnh gần như bất khả kháng. Việc lấy vợ, tham gia triều chính phần
nào lấn át nỗi thao thức tâm linh nơi Thái tử Tất đạt đa. Song những khi “trái
ý, nghịch lòng” trước tình cảnh đối mặt với sự tranh giành quyền lực trong
hoàng tộc khiến lòng Thái tử trĩu nặng, Tất đạt đa lại nhớ nghĩ đến việc xa rời
sinh tử, thoát khỏi khổ não - sự hợp thể Braham.
Khi được vợ, công nương Da du đà la cho biết rằng nàng đã thọ thai
thì sự lo nghĩ của Thái tử Tất đạt đa càng thêm bức bách “Đã có sinh ắt có tử”,
Thái tử lại nhớ đến việc mẹ chàng vì sinh chàng mà phải chết và bao khổ não
nhân sinh đang trói chặt bao kiếp người và muôn loài nơi sự sống.
…
Chàng ý thức được sợi dây trói quyến thuộc cha con, chồng vợ,
hoàng tộc, quốc gia đang siết chặt lấy chàng. Chàng nhận thức được rằng nếu
chàng không tìm ra được cách thoát khỏi sinh tử thì chàng sẽ phải tiếp tục trôi
lăn trong sinh tử luân hồi và chàng cũng ý thức được nếu không quyết đoán thoát
ly gia đình thì chàng sẽ không có cơ may tìm được sự giải thoát hoàn toàn khỏi
việc sinh tử ở hiện kiếp.
Ngày công nương Da du đà la hạ sinh là ngày Thái tử Tất đạt đa bồn
chồn, bấn loạn. Thời may là “mẹ tròn, con vuông”, trong thời khắc sinh tử của
vợ Thái tử Tất đạt đa âm thầm xác quyết chọn lựa việc thoát ly hoàng tộc ngõ
hầu tìm ra con đường giúp người thân - cha chàng, vợ con, chàng và mọi người
thoát ra mọi khổ não thế nhân, vượt thoát khỏi sinh tử. Thái tử Tất đạt đa hạ
quyết tâm rằng “Mình phải tìm ra cách thức thoát khổ cho chính mình rồi trở về
hướng dẫn lại mọi người. Chàng không thể tiếp bước vai trò của cha chàng là làm
vua một nước và rồi lẩn quẩn trong những lo toan, khổ não mà không thể thoát
ra”.
Thế là Thái tử Tất đạt đa từ bỏ hoàng cung dấn thân vào con đường
tìm ra sự giác ngộ giải thoát.
…
Trải qua bao khó khăn, lao nhọc và cả việc dấn thân vào các pháp
môn hành trì tìm về sự giải thoát hoàn toàn sai lầm cuối cùng bằng vào việc
buông bỏ mọi tri kiến từng dính mắc Thái tử Tất đạt đa dấn thân vào việc thiền
quán vạn pháp, trong vạn pháp có cả chính chàng. Việc quán chiếu vạn pháp đến
tận cùng bản chất, việc thiền quán khách quan thuận nghịch từ tổng thể đến chi
tiết, rồi lại từ chi tiết trở ra tổng thể. Việc làm đúng mực, khách quan đó đã
vượt qua góc nhìn hiện tượng và thâm nhập hoàn toàn vào bản chất, tự tánh vạn
pháp. Sự hiểu biết của Thái tử Tất đạt đa dần đạt đến sự cùng tột, vô úy vượt
qua vô minh - sự hiểu biết sai lạc, không thật đúng của loài người đương thời.
Tiểu ngã (Atman) tan rã hoàn toàn vào đại ngã (Braham), hóa ra Braham không
phải là một Đấng quyền năng sáng thế, không là những vị Thần linh tối thượng;
Braham chính là vạn pháp với đất nước gió lửa.
Việc tăng trưởng sự hiểu biết đến mức tổng thể, khách quan, đúng
mực giúp Thái tử Tất đạt đa dễ dàng phá ngã, buông bỏ mau chóng sự cả nghĩ về tính
dính mắc sai lầm, cái tôi thường tại trong mỗi xác thân máu thịt. Việc phá ngã
thành tựu Thái tử đạt trạng thái niết bàn tịch diệt, chứng đắc pháp vô sanh ở
hiện kiếp ngay khi còn sống. Chìa khóa giúp Thái tử Tất đạt đa chứng nhập niết
bàn vô sanh chính là sự hiểu biết sáng rõ, đúng mực, khách quan về tự tánh vạn
pháp, về cái tôi Atman, cái tôi Braham. Tất cả chỉ là huyễn hóa, không thật có,
chẳng thật không; Mê đắm vào những điều huyễn hóa - vô minh thì bị trói cột vào
sinh tử luân hồi với vô thường, khổ, không. Sáng rõ lẽ thật về tự tánh vạn
pháp, xả bỏ cái tôi kiến tạo bởi tri kiến sai lầm thì dần thoát ra mọi khổ não
cùng quy luật luân hồi sinh tử, nhân vay - quả trả…
…
An nhiên nếm trải trạng thái niết bàn thường lạc Thái tử Tất đạt
đa quán chiếu lại vạn pháp và xét đến việc sẽ làm về sau. Sự giải thoát hoàn
toàn thật vi diệu, vượt lên mọi nhận thức, tư duy của người đương thời. Sự hiểu
biết khách quan, tổng thể thật thậm thâm, không ngằn mé, đúng mực với bản chất
sự sống, tự tánh vạn quả thật là rất khó để truyền đạt cho người thân, cho mọi
người nhất là khi họ còn tham đắm được sống, được giàu sang với những tranh
giành hơn thua, được mất, thành bại.
Hẳn Thái tử Tất đạt đa đã từng nghĩ “Thật khó cho ta”, “Những khổ
não thế nhân, vòng quay luân hồi sinh tử trói buộc bao kiếp người chỉ là những
vòng tròn huyễn hóa, lẩn quẩn. Chỉ do vô minh - sự hiểu biết sai lầm về bản
ngã, cái tôi thường tại mà mọi chúng sinh phải trôi lăn nơi 3 cõi 6 đường”,
“Làm sao ta có thể giúp vua cha Tịnh Phạn, vợ con ta, người thân và mọi người
hiểu biết rõ sự vô minh ngõ hầu giúp họ tự thoát ra mọi khổ não, việc tử sinh
khi mà trong lòng họ không khao khát đến sự giải thoát khỏi sinh tử, họ hãy còn
mê đắm với ngũ dục, với Tham sân si mạn nghi?”, “Lẽ nào ta phải từ bỏ lời nguyện
ban đầu khi ta dấn thân lìa bỏ hoàng tộc đi tìm sự giải thoát hoàn toàn?”…
Biết rằng thật khó để chỉ bày cho người thân về con đường giác ngộ
giải thoát Thái tử Tất đạt đa lại thả lòng rỗng lặng, tịch yên. Tuy nhiên, từ
tâm trong lòng Thái tử Tất đạt đa, vị Giác giả vĩ đại không hề lui sụt bi
nguyện dũng mãnh ban đầu, Tất đạt đa biết rằng con đường giác ngộ giải thoát
hoàn toàn khỏi sinh tử luân hồi cần được phổ truyền vào nhân loại. Song với mỗi
một mình thì ta sẽ không thể truyền trao chánh pháp lan rộng vào trong lòng
nhân loại và vị Giác giả Thích Ca quyết định thực hiện việc thành tựu “Thiên bá
ức hóa thân”.
Nhớ nghĩ đến các vị thầy từng truyền dạy, những người bạn đồng tu
và cả những vị sa môn, Bà la môn, những vị giáo chủ ở các hệ thống tôn giáo quanh
lưu vực sông Hằng cùng hà sa môn đồ của họ - Những người khát khao sự giải
thoát hoàn toàn, vượt thoát luân hồi cùng khổ não - Thái tử Tất đạt đa phát
sinh diệu ý “Ngọn đuốc chánh pháp sẽ được truyền đến tay những người đang khát
khao sự giải thoát hoàn toàn, việc rời xa sinh tử. Khi sáng rõ chánh pháp, đạt
đến sự giải thoát hoàn toàn chính họ sẽ sinh khởi từ bi tâm mà ra sức trao
truyền và giữ lửa cho ngọn đuốc chánh pháp sáng mãi. Việc giữ lửa và trao
truyền rộng khắp ngọn đuốc chánh pháp sẽ giúp con người và muôn loài thoát khổ,
thoát khỏi sinh tử khi cần”.
Với tấm lòng bi mẫn không cùng Giác giả Thích Ca dấn thân vào con
đường truyền trao giáo lý về con đường giác ngộ giải thoát vào nhân loại một
cách tận tụy, đầy trách nhiệm với mọi chúng sinh.
…
Trong quá trình tìm tòi, học hỏi việc hòa vào nhất thể Braham -
đây là khái niệm giải thoát hoàn toàn ban đầu khi Thái tử Tất đạt đa dấn thân
tìm đạo Lớn - Thái tử Tất đạt đa đã trải qua bao lần tắm mình trên dòng sông
Hằng linh thiêng; Thái tử cũng trải qua biết bao cuộc tế lễ Thần linh trang
nghiêm, tín cẩn với những bùa chú, huyễn thuật, cầu nguyện và lễ lạy thuần
phục; việc hành trì thiền định, quán tưởng với nhiều phương pháp hành trì sai
khác, dị biệt mà các vị thầy danh tiếng đã ra sức chỉ bày tận tình.
Sau một quá trình hành trì quyết liễu, miên mật đến mức thể nhập
vào mọi ngõ ngách của các pháp môn tham học Thái tử Tất đạt đa nhận ra rằng
giáo lý và pháp hành mà chàng đã gắng sức hành trì hoàn toàn không chứa đựng
cứu cánh giải thoát hoàn toàn hoặc việc hợp thể cùng Braham. Việc cầu nguyện,
lễ lạy ở những buổi lễ tế Thần hay việc dùng những chú thuật trong các tang lễ
thật không thể giúp ích cho người sống lẫn thần thức người chết thoát ra khỏi
luân hồi hay khổ não. Tất cả chỉ là một sự ngụy tạo, là việc tự “lừa mình, dối
người”, chúng chỉ có giá trị trấn an, khỏa lấp sự yếu đuối của con người trước
các Đấng Thần linh, là sự cân bằng tâm linh giả tạm.
Thêm nữa, những việc làm cúng tế đó sẽ mang lại các vị Bà la môn
sự xa hoa, giàu có, no đủ ngược lại chúng lại đem đến sự khốn cùng, khổ não, lo
toan ở các giai tầng xã hội thấp hơn như Thủ đà la, Chiên đà, những người nghèo
khó, hạ tiện.
Các vị Bà la môn tín cẩn cúng tế Thần linh theo trình tự, thứ
lớp,… họ chỉ làm mọi việc theo tính kế thừa, họ hoàn toàn không biết cách thức
hợp thể cùng Braham, họ chỉ là những người mù ở thế giới tâm linh, việc chú
nguyện của họ dành cho người chết nhằm “tiếp sức” thần thức người chết trở về
hợp thể cùng Braham là cảnh tượng một người mù chỉ đường cho một người mù. Thế
nên các nghi thức, vật cúng tế tốn kém, xa hoa ở các tang lễ sẽ không đưa thần
thức người chết rời xa quy luật luân hồi song sự tốn kém cho các nghi thức tang
lễ trở thành một gánh nặng vật chất, tinh thần cho những người sống, thân nhân
của người chết.
Không chỉ vậy. Các vị Thần linh cũng chỉ là những huyễn tưởng, họ
cũng chỉ là một dạng chúng sinh trong lục đạo luân hồi. Thế nên chính các vị
Thần linh trong các buổi cúng tế tang lễ cũng chẳng thể hợp thể cùng Braham thì
họ cũng chẳng thể “tiếp rước” các thần thức người chết nhằm hòa vào đại ngã
Braham.
Đó là một trong những lý do mà Thái tử Tất đạt đa từ bỏ việc tham
gia các buổi tế tự, cầu nguyện với chú thuật, lễ lạy, đó cũng là nguyên nhân mà
Tất đạt đa thoát ly hoàng tộc lên đường tìm đạo Lớn.
Đã có bao hệ thống tôn giáo hiện hữu nơi nhân loại là có bấy nhiêu
chí hướng xuất trần ngõ hầu tìm ra lối thoát tâm linh cho loài người. Biết bao
con người hiện diện trong các hệ thống tôn giáo là có bấy nhiêu tâm ý chúng
sinh muốn xa lìa khổ não, việc tử sinh, việc hợp thể cùng Braham. Song hệ thống
giáo lý nơi các hệ thống tôn giáo truyền thống đó đều không hề có sự giải thoát
hoàn toàn cho loài người đúng như lòng những kẻ tìm cầu mong đợi. Do tính kế
thừa tư tưởng giáo lý một cách cứng nhắc, chủ quan, cực đoan mà hệ thống tôn
giáo truyền thống rơi vào Thường kiến, Đoạn kiến cùng những công kích, xung
đột, chống trái lẫn nhau.
Nếu con đường vượt thoát khỏi luân hồi sinh tử là không thật có
hẳn là Thái tử Tất đạt đa sẽ không khiêng cưỡng dấn thân truyền trao pho Tam
Tạng kinh quý giá, vi diệu, thậm thâm vào trong nhân gian với những 49 năm dài
đầy dẫy những gian truân, lao nhọc.
Nếu chánh pháp chỉ đơn thuần là sự vượt thoát khổ não ở hiện tại
thì sau khi thành đạo Thái tử Tất đạt đa sẽ trở về hoàng cung thay vua cha,
Tịnh Phạn vương làm vị minh quân mẫu mực của một đất nước.
Song nếu Thái tử Tất đạt đa chọn lựa việc làm vua cai trị vương
quốc Thích Ca để riêng hưởng niềm vui giải thoát hoàn toàn thì chánh pháp vượt
khổ, liễu thoát sinh tử cho muôn loài làm sao được phổ truyền? Chúng sinh 6
đường sẽ khổ não, mệt nhoài lẩn quẩn nơi 3 cõi biết đến bao giờ mới tìm ra lối
thoát khỏi sinh tử? Các vị giáo chủ danh tiếng của các hệ thống tôn giáo truyền
thống cũng chỉ là những chúng sinh vô minh, họ hoàn toàn không biết cách thức
thoát ra lưới mộng luân hồi thì làm sao họ có thể giúp những chúng sinh khác,
những chúng sinh đang khao khát việc thoát khổ, vượt thoát việc sinh tử rời xa
luân hồi? Sau rốt Thái tử Tất đạt đa chọn lựa việc vì chúng sinh nơi 3 cõi 6
đường mà ra sức.
Và hiển nhiên là vị Giác giả lỗi lạc không hề có ý định tạo dựng
nên một hệ thống tôn giáo mới nhằm tranh giành tín đồ với các hệ thống tôn giáo
hiện có. Diệu ý của Như Lai chỉ là việc truyền trao chánh pháp, giáo lý về con
đường giác ngộ giải thoát hoàn toàn vào trong nhân loại, đó mới chính thật là
mục đích, là điểm đến cứu cánh mà Giác giả Thích Ca dụng tâm.
Với câu “49 năm ta chưa từng nói một lời nào” và ”Chánh pháp còn
bỏ huống hồ là phi pháp” Giác giả Thích Ca đã thể hiện rằng chánh pháp giải
thoát hoàn toàn không phải là một hệ thống tôn giáo, đạo Phật chỉ là một pháp
phương tiện nhằm truyền giữ chánh pháp, đạo Phật không là một tổ chức tôn giáo
cứng nhắc, thô ráp như quy ước thiển cận, ấu trĩ của nhân loại ngày xưa và ngày
nay.
Nhân loại ngày nay cần phải khách quan nhận diện Phật Thích Ca vốn
không có ý tạo dựng nên một hệ thống tôn giáo để tranh giành tín đồ với các hệ
thống tôn giáo hiện có khác. Giáo đoàn khất sĩ với ba y, một bát sống đời tri
túc, phạm hạnh ra đời không nhằm vào việc xây dựng chùa to, Phật lớn, những
giáo đường tráng lệ, xa hoa. Nơi giáo lý của đạo Phật mà Giác giả Thích Ca
tuyên thuyết cũng không là các buổi cúng tế linh đình cùng việc cầu nguyện, lễ
lạy. Giáo đoàn Tăng Bảo ra đời cũng không nhằm vào việc tổ chức tang lễ, tiễn
đưa người chết với hủ tục 49 ngày, 100 ngày...
Giáo đoàn khất sĩ, đạo Phật chỉ là một pháp phương tiện mà Giác
giả Thích Ca tạo lập nhằm gìn giữ, bảo lưu, truyền thừa giáo lý chánh pháp,
chiếc chìa khóa liễu thoát sinh tử, khổ não của con người và mọi loài.
Đạo Phật ngày nay đã không còn chân phương như buổi đầu, thời kì
Phật Thích Ca và những người cùng chí nguyện dấn thân trên đôi chân trần truyền
trao giáo lý giác ngộ giải thoát đến với xã hội loài người.
Bài liên quan
- Chọn lựa tích cực của Phật Thích Ca ngay sau ngày thành đạo…
- Giác giả Thích Ca ra đời là điều tất yếu
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết (P.3)
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết (P.2)
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết! (P.1)
- Tri kiến mê lầm ở các hệ phái đạo Phật xưa nay
- Luận tội các vị Tổ khai Tông ở các Tông giáo có gốc tích đạo Phật
- Làm thân Phật chảy máu - Phá hòa hợp Tăng
- Phương Đông hủy diệt đạo Phật
- Phương Tây khám phá đạo Phật
- Giải mã đạo Phật
- Chọn lựa của nhân loại
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét