Giác giả Thích Ca ra đời là điều tất yếu
Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2018
Sự ra đời Giác giả là quy luật tất yếu của sự vận động, phát triển
ở xã hội loài người. Thật vậy, khi sự bế tắc tâm thức hiện hữu trong nhân loại
đạt đến mức cực điểm thì sẽ có một bậc Toàn Giác ra đời.
Phật Thích Ca đã ra đời trong bối cảnh xã hội loài người lâm vào
cục diện như thế. Quy luật vận động tâm thức ở xã hội loài người quanh lưu vực
sông Hằng cách đây hơn 2500 năm đã thúc đẩy và tượng hình ra một vị Giác giả
chứng ngộ hoàn toàn vạn pháp.
Giác giả là ai? Giác giả là người như thế nào?
Giác giả vốn là một con người bình thường, là một người chịu sự
chi phối bởi quy luật sinh lão bệnh tử cùng những khổ não nhân sinh. Do duyên
nghiệp nhiều đời kết hợp với duyên của hiện kiếp nên người ấy tìm cách tháo gỡ
sự bế tắc tâm thức, một lòng hướng đến sự giải thoát hoàn toàn, thoát ra mọi
khổ não, mọi sự ràng buộc dính mắc và nhất là vấn đề sinh tử.
Quá trình tựu thành một Giác giả:
Xuất phát điểm Giác giả vốn là một con người bình thường, tiến đến
là việc trở thành một học nhân, về sau cảm nhận sự học hỏi có sự giới hạn nên
từ vị trí học nhân người ấy quay về chiêm nghiệm, lĩnh hội, tư duy và quán
chiếu lại mọi điều đã từng biết. Người học nhân trở nên là một hành nhân, hành
nhân đạt được ít nhiều sự tỏ ngộ chuyển vị thành hành giả. Khi hành giả thâm
nhập, chứng ngộ tự tánh vạn pháp, thông suốt mọi lẽ nhân duyên sinh diệt thì
Giác giả ra đời.
Giác giả là người đã thông suốt vạn pháp, chứng ngộ pháp vô sanh
nên không còn chịu sự ràng buộc của quy luật sinh tử. Do rõ biết tự tánh vạn
pháp nên Giác giả tùy thuận sống hết kiếp sống cuối cùng của một chúng sinh đã
trải qua hằng hà sa số kiếp trôi lăn trong vòng lẩn quẩn luân hồi tương tục.
…
Loài người thời cổ đại có đời sống hướng nội nên thường trăn trở,
suy tư về gốc tích của tự thân - Ta đến từ đâu? Tại sao Ta được sinh ra? Ta
sinh ra nhằm vào mục đích gì? Tại sao có sự chết đi? Và khi chết Ta sẽ về đâu?
- Đó là những câu hỏi rất đúng mực, sâu sắc, sáng suốt của người xưa. Song
những câu hỏi minh triết như thế cơ hồ đã trở nên ngây ngô, thô thiển, ấu trĩ
đối với tri thức nhân loại ngày nay, nhất là với số đông những người đang đắm
mình trong lối sống thực dụng, buông thả.
Chính do người xưa ở cả phương Đông - phương Tây có thiên hướng
sống hướng nội nên hình thành nên những hệ thống triết học cổ đại chứa đầy
những thông điệp minh triết, thông thái và sáng suốt. Tuy nhiên, về sau khi
không tìm được câu trả lời cho những câu hỏi nội tâm người phương Tây đã từ bỏ
đời sống nội tâm sâu sắc mà dịch chuyển dần sang lối sống hướng ngoại. Chính sự
chuyển dịch lối sống của người phương Tây đã khiến nền triết học cổ đại phương
Tây bị chặn đứng và có sự tụt hậu so với nền minh triết phương Đông.
Hệ thống triết học cổ đại Đông Tây là hệ tư tưởng minh triết dựa
trên cơ sở lý luận biện chứng logic sâu sắc nên có tính khách quan, sáng rõ,
đúng mực.
Nương theo sự minh triết có ở các trường phái triết học cổ đại
dòng tâm thức tín ngưỡng tâm linh ra đời. Dòng tâm thức tín ngưỡng tâm linh ra
đời do hệ tư tưởng minh triết ở các trường phái triết học Đông Tây không thỏa
mãn được nhu cầu hiểu biết của loài người, có rất nhiều vấn đề bức thiết có
trong nhận thức, tư duy con người đặt ra mà sự minh triết, thông thái của loài
người không thể lý giải. Tính thực thể có nơi hệ thống triết học cổ đại - hiện
đại đã chặn đứng sự hiểu biết của loài người về những vấn đề tâm linh, những
điều huyền bí, mầu nhiệm, thế giới sau khi con người chết…
Dần dần, những hệ thống tư tưởng tâm linh được phân định rạch ròi
bằng chuỗi những hệ thống tôn giáo khác nhau. Hệ thống tôn giáo ra đời khi ý
thức, nhận thức, tư duy của loài người phát triển. Khác với hệ thống triết học
cổ đại Đông Tây, hệ thống tôn giáo chịu chi phối của sự tín ngưỡng do vậy nên
có tính chủ quan, phiến diện. Kết quả là chuỗi hệ thống tôn giáo cổ đại ngày
càng rơi vào sự suy diễn, ước đoán, viễn vông, đánh mất dần sự đúng mực, sáng
rõ.
Do đời sống hướng nội nên người cổ đại nhận thức được sự nhỏ bé,
mong manh của tự thân, mãi trói mình trong nhận thức đó và nhìn thấy sự kỳ vĩ
của thế giới hiện tượng, sự bao la, trùm khắp của thế giới tự nhiên loài người
suy lường “Hẳn là có một ai đó đã tạo nên sum la vạn tượng và con người, loài
vật cũng do bởi một bàn tay nào đó nhào nặn mà thành”.
Do suy lường như thế nên loài người đã chia sẻ thông tin cho nhau
dần dần một giả thuyết được định hình trong nhận thức, tư duy nơi số đông loài
người. Sau cùng, việc thừa nhận có một Đấng quyền năng đầy quyền phép đã tạo ra
loài người và muôn vật được xác lập. Dần dần, do nhận thức được sự yếu đuối,
nhỏ bé của con người trước thiên nhiên kỳ vĩ, bất thường con người trở nên lệ
thuộc Đấng quyền năng vô hình tự lúc nào chẳng rõ. Hệ thống tôn giáo hình thành
ban đầu chỉ có một dần dần phân cành, rẽ nhánh lan rộng khắp xã hội loài người.
Tùy thuộc vào sự hiểu biết của những vị lãnh đạo hệ thống tôn giáo mà giáo lý ở
các hệ thống tôn giáo có sự sai biệt. Tuy nhiên, điểm chính yếu cho sự tồn tại
tôn giáo thời cổ đại là có Đấng quyền năng đấy quyền phép, về sau để thỏa mãn
sự bay bổng sáng tạo ở tâm trí loài người có thêm rất nhiều vị Thần linh ra đời
nhằm đảm nhận những công việc sáng tạo khác nhau, những vị Thần được tạm xem là
người giúp việc của Đấng quyền năng Tối cao.
Hệ thống tôn giáo sơ khởi chỉ có một Đấng quyền năng - Nhất Thần
giáo tiến hóa lên thành hệ thống tôn giáo Đa thần. Từ đó, thế giới loài người
xảy ra sự xung đột tín ngưỡng và cái giá phải trả là mạng sống của con người,
những tín đồ tôn giáo thuần thành, tận tụy.
Không chỉ vậy. Nơi dòng tâm thức tín ngưỡng tâm linh về sau cũng
ra đời những vị hành giả tâm linh, họ học hỏi giáo lý có ở các hệ thống tôn
giáo, họ cũng từng hành trì việc nguyện cầu, lễ bái, cúng tế nhưng sâu thẳm nơi
tâm thức họ trực nhận dường như có một điều gì đó không thật đúng, dường như
các Đấng quyền năng do loài người dựng lên.
Vì sao họ phát sinh những suy tư như vậy?
Vì họ nhận ra các Đấng quyền năng mà họ tín thành thờ cúng, nguyện
cầu chưa từng hiện hữu nơi thế giới loài người. Qua việc tìm hiểu cùng sự khách
quan đánh giá họ, những người có niềm thao thức tâm linh thật sự biết rằng
dường như không có một ai từng tiếp xúc được với những Đấng quyền năng. Những
việc cúng tế, những điều cầu nguyện của tự thân đã không được các Đấng quyền
năng vô hình thỏa mãn dù rằng họ đã rất tín thành. Một câu hỏi âm thầm được đặt
ra trong tâm thức “Phải chăng các Đấng quyền năng không tồn tại, các Đấng quyền
năng không có thật hoặc chí ít các Đấng quyền năng không thể chi phối đời sống
con người?”.
Do nhận thức, tư duy như vậy những vị học nhân dừng lặng quán
chiếu lại sự hiểu biết của chính mình và tri thức loài người. Về sau, câu hỏi
nơi tâm thức ít nhiều được khai mở, có thể là không có Đấng quyền năng nào cả
hoặc là có thể có các Đấng quyền năng vô hình nhưng họ không đủ sức chi phối
đến cuộc sống con người. Nguồn tư tưởng mới lại được chia sẻ cho những người
cùng chí hướng, đó là gốc tích của những tôn giáo có khuynh hướng vô thần đã
dần thành hình nơi xã hội loài người từ xa xưa. Tuy nhiên, kiếp người ngắn
ngủi, thêm vào đó là sự giới hạn tri thức những vị hành giả ban đầu không thể
thông suốt được thế giới tâm linh nơi xã hội loài người họ đã chết đi và kịp kế
thừa cho người ở lại về những hiểu biết tâm linh của mình, đồng thời họ đã chứa
giữ những thông tin tâm linh mới mẻ đó vào tiềm thức của chính họ khi họ chết.
Thông tin tâm linh mới được di truyền về sau nhờ vào việc truyền thừa cho người
ở lại và cả “Người trở lại” - thần thức người chết tìm được một thân xác vật
chất ở nẻo người.
…
Khi Thái tử Tất đạt đa ra đời thì quanh lưu vực sông Hằng có biết
bao hệ thống tôn giáo phát triển, chi phối đời sống tâm linh con người.
Thái tử Tất đạt đa xuất thân ở tầng lớp Sát đế lợi quyền quý nên
hội đủ điều kiện tiếp xúc các buổi cúng tế Thần linh, những buổi Thánh tẩy,…
với rất nhiều nghi thức rối rắm, phức tạp, tốn kém của giới Bà la môn - Thành
phần Tăng lữ xưa. Và theo truyền thống Thái tử Tất đạt đa phải học hỏi giáo lý
kinh điển Vệ Đà và Áo Nghĩa Thư của Bà la môn giáo. Chịu sự ảnh hưởng chung của
hệ tư tưởng truyền thống đương thời Thái tử Tất đạt đa biết rằng con người nơi
hiện kiếp chỉ là một giai đoạn sống ngắn ngủi, con người rồi sẽ chết đi.
Tiếp cận giáo lý kinh điển Bà la môn Thái tử Tất đạt đa được biết
khi chết đi con người - Tiểu ngã (Atman) sẽ trở về hợp thể với Đại ngã
(Braham), đây mới chính là đời sống dài lâu, bền vững, không cùng.
Việc tham cứu kinh Vệ Đà, Áo Nghĩa Thư đã khiến Thái tử Tất đạt
đa, người có trái tim nhạy cảm thường nhận thức, tư duy về những điều được
truyền dạy và những câu hỏi có thiên hướng tâm linh dần nảy sinh “Làm cách nào
để trở về hợp thể với Braham sau khi chết? Tại sao điều thiết thực cứu cánh này
không được giáo lý kinh điển Bà la môn chỉ rõ? Phải chăng giới Tăng lữ Bà la
môn đã che giấu tri thức tâm linh về cách thức hợp thể Braham nơi kinh điển hay
họ thật không rõ biết về lối giải thoát khỏi luân hồi? Nếu chết mà không được
hợp thể với Braham thì linh hồn người chết sẽ về đâu? Và hiện kiếp này của Ta
với thân xác con người ngắn ngủi, tạm bợ thì việc tranh giành quyền lực, làm
vua một đất nước với rất nhiều những lo toan, suy tính cùng phiền não,… Ta nỗ
lực tranh giành cái giá trị giả tạm như thế để làm gì?”...
Thái tử Tất đạt đa đã chiêm nghiệm việc hơn thua, giành giật sự
giả tạm ở kiếp người ngắn ngủi một cách sâu sắc. Phải chăng những sự tranh
giành được mất thường chỉ mang lại cho con người nhiều khổ não, phiền muộn? Mẹ
ta đã chết ngay sau khi sinh ra ta, mẹ ta có về hợp thể với Braham không? Cái
chết thật đáng sợ, nó gây ra cho con người sự đau thương, mất mát, khổ não. Làm
cách nào để vượt qua cái chết trở về hợp thể vĩnh viễn với Braham?
Sự mơ mộng, bay bổng về giấc mơ hợp thể vào Đại ngã (Braham) đã
ghi đậm trong ký ức thời niên thiếu của Thái tử Tất đạt đa. Song với xuất thân
Sát đế lợi Thái tử Tất đạt đa được đào luyện để trở thành một vị vua của vương
triều Thích Ca. Với sự thông tuệ Thái tử Tất đạt đa sớm nhận ra bản chất của
giới lãnh đạo đất nước, đó cũng chỉ là sự tranh giành quyền lực nghiệt ngã, đớn
hèn và khi mở rộng lòng ra trực nhận cuộc sống Thái tử dần nhận ra sự khổ não
hiện diện khắp mọi nơi, mọi thành phần, tầng lớp xã hội con người. Ở tầm nhận
thức, tư duy khách quan Thái tử nhận ra con người đang ràng buộc, tranh đấu
trong mọi điều khổ não - sinh khổ, bệnh khổ, già khổ, chết khổ…
Thái tử Tất đạt đa ý thức được rằng rồi Ta cũng sẽ trôi lăn trong
muôn điều khổ não, mệt nhoài. Thái tử Tất đạt đa đã tự xét lại chính mình và
nhận ra “Ta không muốn đắm chìm trong khổ não, ta phải vượt ra ngoài mọi khổ
não”. Thế là Thái tử lưu tâm trao dồi tri thức có ở mọi giáo lý của tất cả tôn
giáo quanh lưu vực sông Hằng, Thái tử tìm gặp, học hỏi tri thức tâm linh ở các
nhà minh triết, những giáo chủ tôn giáo danh tiếng; Việc làm nhằm thông suốt
việc thoát khổ, giác ngộ và hợp thể Braham. Kết quả của cuộc tìm kiếm nhằm tháo
gỡ bế tắc tâm thức ở Thái tử Tất đạt đa là có sự giải thoát hoàn toàn dựa trên
lời khẳng định bằng niềm tin của những nhà hiền giả minh triết. Chỉ thế thôi.
Còn cách thức để đạt được việc giải thoát hoàn toàn thì chỉ là những câu từ
gượng ép - Sự trở về hợp thể cùng Braham. Tuy vậy, Thái tử Tất đạt đa đã nhận
thức được rằng “Muốn thoát ra mọi khổ não thì nhất thiết phải dừng việc sinh
tử, phải hợp thể vĩnh viễn cùng Braham”.
Hợp thể cùng Braham? Bằng cách nào? Thái tử Tất đạt đa lần tìm câu
trả lời trong sự vô vọng cùng bế tắc.
Theo dòng thời gian Thái tử Tất đạt đa lập gia đình với công nương
Da du đà la và Thái tử Tất đạt đa buộc phải tham gia nhiều hơn về công việc
quản lý vương triều Thích Ca. Trái tim nhạy cảm khiến Thái tử Tất đạt đa càng
thêm phiền muộn, Thái tử chán chường cho sự giả tạm kiếp người và trước những
tranh giành danh lợi, thái độ sống thường thấy của loài người vương giả, nơi ấy
đã phơi bày dấu tích về mọi điều dối trá, điêu ngoa ở đại diện loài người thuộc
thành phần lãnh đạo đất nước, tầng lớp được mặc nhiên thừa nhận là chủng người
tôn quý bậc nhất nhân loại.
Rồi thì công nương Da du đà la thọ thai, niềm vui được làm cha của
Thái tử cũng nặng oằn nỗi ám ảnh, cái chết của người mẹ - hoàng hậu Ma da.
Những bế tắc tâm thức khiến Thái tử Tất đạt đa ngột ngạt, khốn
cùng. Thái tử Tất đạt đa biết rằng mình phải lên đường để giải tỏa sự bế tắc
tâm thức của chính mình.
Ngay khi biết công nương Da du đà la hạ sinh La hầu la “mẹ tròn,
con vuông” thì Thái tử Tất đạt đa đã an lòng và âm thầm chuẩn bị một chuyến đào
thoát khỏi cái ngục tù - Kiếp người. Thái tử Tất đạt đa ý thức được việc phải
tìm ra cứu cánh giải thoát hoàn toàn.
Khi đã xác quyết Thái tử Tất đạt đa bỏ lại chiếc ngai vàng cùng
dòng dõi Sát đế lợi, Thái tử dũng mãnh dấn thân đi tìm sự giải thoát hoàn toàn.
Lại tìm đến những vị giáo chủ danh tiếng ngoài vương quốc Thích Ca để tham học,
Thái tử Tất đạt đa dấn thân trải nghiệm làm một hành nhân, rồi hành giả với
những tầng thiền định sâu. Sau cùng, Thái tử Tất đạt đa nhận ra các vị thầy,
các vị Giáo chủ danh tiếng ở các dòng Bà la môn khác nhau cũng chỉ đến thế, họ
còn đó những nghi lễ, những buổi nguyện cầu Đấng quyền năng với niềm mong mỏi
sự hợp thể song các Đấng quyền năng Tối cao - Braham vẫn bặt dấu.
Thái tử Tất đạt đa không thỏa mãn về những điều đã đạt được ở các
tầng thiền định do vậy Tất đạt đa tìm đến sự hành trì của lối tu khổ hạnh thuộc
Kỳ Na giáo, một tôn giáo không trói con người lệ thuộc vào Thần linh. Trải qua
lối tu khổ hạnh quyết liệt đến mức suýt phải đánh đổi bằng mạng sống Thái tử
Tất đạt đa nhận ra mình đã rơi vào sự cực đoan quá mức, Thái tử Tất đạt đa dần
thức tỉnh và trở về trung đạo. Việc thiền định sâu dần phát huy tác dụng những
câu hỏi không có lời đáp từng bước được hé mở. Sau cùng, Thái tử Tất đạt đa
nhận ra cần phải quán chiếu lại những điều đã biết, đã chứng ngộ. Kết quả của
sự tư duy đúng mực ở Thái tử Tất đạt đa đã mở ra một phương pháp thiền quán
khách quan, đúng mực, sáng rõ. Đây chính là chiếc chìa khóa mở ra sự giác ngộ
giải thoát hoàn toàn.
Ngay nơi rỗng lặng của nội tâm Thái tử quán chiếu vạn pháp một
cách cùng tận từ chiếc lá, dòng nước, làn gió, đám mây, con cá, bụi cỏ, con
người,… Tất cả chỉ là một và một cũng là tất cả. Chiếc lá kia không thể tự có,
chiếc lá hiện hữu do đủ duyên cùng các yếu tố Tứ đại - đất nước gió lửa mà
thành hình, giọt sương mai buổi sớm cũng là đất nước gió lửa, Thân xác ta và
con cá, con voi, vợ ta, mẹ ta, con ta,… cũng từ nơi đất nước gió lửa mà tượng
hình, nào đâu có điều khác biệt.
Ta có thể tìm thấy ta trong thân xác của cha ta hoặc nơi đàn bò
đang gặm cỏ bên dòng Ni liên thiền, Ta có thể tìm thấy Ta trên đám mây trắng
nhẹ bay… Mọi vật chất hữu hình đều là đất nước gió lửa, sum la vạn tượng cũng
chỉ là đất nước gió lửa.
Vì Ta là Ta, Ta trói Ta trong kiếp người ngắn ngủi nên Ta có sinh,
có diệt, có khổ não, vui buồn. Vậy tại sao Ta lại mãi trói Ta trong nhận thức
Ta nhất thiết phải là Ta mà không mở lòng ra với nhận thức Ta là cả sơn hà đại
địa? Điều gì đã dẫn Ta đến sự nhận thức sai khác đó? Phải chăng chính nhận thức
Ta chỉ là cái Ta bé nhỏ đã cản trở việc Ta trở về hợp thể vào Đại ngã (Braham).
Sum la vạn tượng, đất nước gió lửa nương nơi hư không mà thành
hình nên vạn pháp không ưu tư, phiền não. Hư không - Không đại vô tâm còn Ta vì
có tâm ý mà chướng ngại với bao khổ não, muộn phiền nơi sinh tử - tử sinh. Cái
Ta - bản ngã trong Ta chính là do tâm ý của Ta mà tựu thành, những phút giây
thiền định tâm ý Ta dừng lặng, nơi đó Ta không có khái niệm về sự hiện hữu hay
không hiện hữu, sinh diệt hay không sinh diệt; Khi ấy, việc sinh tử - khổ não,
giải thoát hay không giải thoát thật sự chẳng bức hại tâm thức của Ta. Hóa ra
tâm ý của Ta, ở mọi loài đều nương nơi bản tâm rỗng lặng mà tạo thành, khi Ta
thiền định Ta đã hòa Tiểu ngã (Atman) của Ta vào Đại ngã (Braham). Khi chết đi
Ta trả thân xác về Tứ đại - Đất nước gió lửa và nếu Ta chấp nhận buông bỏ hòa
bản tâm vào Không đại thì Ta sẽ được giải thoát hoàn toàn. Khi ấy, Ta đã là vạn
pháp, là bất sinh bất diệt, không tăng không giảm, không dơ không sạch, không
có cũng không không. Khi giải thoát hoàn toàn Ta trở về nơi bắt đầu, nơi Ta
chưa từng sinh ra. Ta đã đạt sự giải thoát hoàn toàn khi chứng ngộ tự tánh vạn
pháp bằng công phu thiền quán, bằng vào sự giác ngộ hoàn toàn, quả thật không
có gì là Ta cả; Ta đã phá ngã rốt ráo và sẽ không còn trôi lăn nơi bể khổ luân
hồi huyễn mộng.
Thế còn những người hành trì tìm về sự giải thoát hoàn toàn mà
không chứng ngộ pháp vô sanh họ sẽ đi về đâu khi già bệnh chết? Những tâm ý của
con người khi không biết đến lối thoát khỏi việc sinh tử luân hồi họ sẽ tồn tại
ở trạng thái nào? Tâm ý của loại chúng sinh này sẽ tan rã hoàn toàn hay còn mãi?
Thái tử Tất đạt đa dấn thân vào thiền quán để nhận chân các cõi
giới vô hình, những chúng sinh không thân mà Thái tử từng chạm đến trong quá
trình hành đạo, tầm đạo. Đó là dấu tích của tâm ý sự sống còn nắm giữ cái tôi,
họ không thực sự chết, họ chỉ chuyển từ hình thức hữu hình sang vô hình, rồi
tùy tâm ý mà họ dựng lập nên các nẻo giới vô hình khác nhau và sau đó họ lại
tìm cho tự thân một xác thân vật chất hữu hình tương ưng, việc này tùy thuộc
vào tâm ý yêu ghét dính mắc, tham đắm ràng buộc của chính họ cùng với một yếu
tố duyên. Đây cũng chính là mối nối lưu giữ dòng tâm thức, tâm ý sự sống của
loài người và loài vật. Con người, muôn loài thật không dễ dàng “Chết là hết”.
Thật không dễ đạt đến sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn, bản ngã nơi mỗi tâm ý sự
sống đã được chấp giữ rất lâu xa và chúng sinh 3 cõi thật không đủ dũng mãnh
cùng sự hiểu biết nhằm sẵn sàng từ bỏ cái bản ngã đã khiến họ trôi lăn mãi nơi
dòng sinh tử tương tục cùng vô vàn những khổ não do vô minh mà thành tựu.
Quán chiếu lại sự hình thành, sinh ra và lớn lên của mỗi loài cùng
mọi loài Thái tử Tất đạt đa nhận biết “Con người thật không dễ có được thân
người từ đất nước gió lửa và tâm ý sự sống, đó là một quá trình tích lũy lâu xa
từ những chủng loài thấp sanh, hóa sanh, noãn sanh rồi tiến hóa đến thai sanh.
Trí tuệ nơi mỗi loài không tự nhiên mà có, đó là cả một quá trình tích lũy lâu
dài trải qua vô số hà sa kiếp sống, trải qua thiên hình vạn trạng xác thân; mỗi
tâm ý chủng loài luôn chứa đựng điều dính mắc, sự ràng buộc. Và trong vòng tương
tục đó vì vô minh, dính mắc cùng ràng buộc mà con người và mọi loài có sự luân
chuyển lên xuống, ngược xuôi, qua lại với những mối nhân duyên chằng chịt, vay
trả - trả vay.
…
Cứ thế công trình thiền quán vĩ đại, khách quan và đúng mực đã
giúp Thái tử Tất đạt đa từ một con người bình thường bị ràng buộc trong khổ
não, tử sinh thoát thai trở thành một Giác giả chứng ngộ vạn pháp, liễu thoát
hoàn toàn sinh tử.
Sau khi chứng ngộ giải thoát hoàn toàn Thái tử Tất đạt đa đã vì
chúng sinh nơi 3 cõi 6 đường dấn thân rộng truyền chánh pháp, cứu cánh giải
thoát hoàn toàn cho loài người và muôn loại chúng sinh.
Những câu hỏi về nguồn gốc sự sống - Ta đến từ đâu? Chết là hết
hay còn? Chết Ta sẽ về đâu?… đã được vị Giác giả Thích Ca trả lời rốt ráo từ
hơn 2500 năm trước.
…
Song vì chỗ tự phụ tri thức hơn người và lối tư duy hướng ngoại mà
đại diện cho tri thức nhân loại ngày nay vẫn chưa tường tận nguồn gốc của con
người, sự sống và vì vô minh mà xã hội loài người đang bức hại lẫn nhau với
chiến tranh, tham đắm, hận thù.
Bài liên quan
- “Khai quan điểm nhãn” (P.1)
- Chọn lựa tích cực của Phật Thích Ca ngay sau ngày thành đạo…
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết (P.3)
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết (P.2)
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết! (P.1)
- Tri kiến mê lầm ở các hệ phái đạo Phật xưa nay
- Luận tội các vị Tổ khai Tông ở các Tông giáo có gốc tích đạo Phật
- Làm thân Phật chảy máu - Phá hòa hợp Tăng
- Phương Đông hủy diệt đạo Phật
- Phương Tây khám phá đạo Phật
- Giải mã đạo Phật
- Chọn lựa của nhân loại
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét