Huyền môn và đạo Phật
Thứ Ba, 17 tháng 7, 2018
Vạn pháp duy tâm, Tam giới duy thức.
Đạo Phật ngày nay đã lan rộng ở phạm vi thế giới song chiếc chìa
khóa có công năng khai mở trí tuệ bát nhã ngõ hầu giúp loài người chạm đến sự
hiểu biết sáng rõ về nguốn gốc con người - sự sống, tự tánh Như Lai cũng như
cách thức vượt thoát khỏi quy luật sinh tử cơ hồ đã không còn hữu dụng.
Vì sao lại như vậy?
Ngày nay, thế giới tâm linh được nhiều người tin nhận, việc luân
hồi, sự giải thoát hoàn toàn đã có rất nhiều người biết đến khi tìm hiểu đạo
Phật song vẫn chưa có người tìm ra được lối thoát khỏi luân hồi. Nguyên nhân là
do niềm tin không đủ chăng? Hay do sự hiểu biết thiếu đi tính khách quan, sáng
rõ, đúng mực?
Một trong những nguyên nhân khiến chánh pháp nơi đạo Phật không
mang lại trí bát nhã cho người học Phật đó chính là yếu tố huyền học, bí thuật.
Yếu tố huyền học là phần giáo lý bị bỏ ngỏ nơi những lời Phật Thích Ca tuyên
thuyết.
Vì sao Phật Thích Ca bỏ ngỏ yếu tố huyền học trong giáo lý giác
ngộ giải thoát hoàn toàn?
Vì huyền học sẽ gây ra sự chướng ngại cho người tìm cách thoát
khổ, liễu thoát sinh tử. Phật Thích Ca, Giác giả rõ biết giá trị, vị trí của
huyền học. Huyền học gần như vô nghĩa đối với việc giải thoát hoàn toàn của con
người. Hơn nữa, lúc bấy giờ những người tìm đến học hỏi giáo lý giác ngộ giải
thoát không dính mắc nhiều về vấn đề huyền học. Do vậy mà Phật Thích Ca đã
không đề cao huyền học, không đặt huyền học vào nơi giáo lý Tam Tạng kinh.
Song người học Phật ngày nay, phần nhiều không rõ gốc ngọn nên tin
nhận bùa chú, huyễn thuật, tử vi, bói toán… Do dính mắc yếu tố huyền học nên
việc học Phật của con người ngày nay có sự nghẽn lối, vấp nhiều chướng ngại.
…
Lẽ ra người học Phật ngày nay nên nhớ việc quy y Tam bảo một cách
đúng mực. Quy y Tam bảo với lời răn của Lục Tổ Huệ Năng:
- Quy y Phật, quy y Giác, Lưỡng túc tôn.
- Quy y Pháp, quy y Chánh, Ly dục tôn.
- Quy y Tăng, quy y Tịnh, Chúng trung tôn.
Từ nay trở đi nương Giác - Chánh - Tịnh làm thầy, trọn chẳng quy y
tà ma, ngoại đạo.
Này thiện tri thức! Ta khuyên thiện tri thức hãy nên quy y Tự tánh
Tam bảo. Phật tức Giác, Pháp tức Chánh,Tăng tức Tịnh. Tự tâm quy y Giác thì tà
mê chẳng sinh, thiểu dục tri túc hay lìa Tài - Sắc nên gọi Lưỡng túc tôn. Tự
tâm quy y Chánh là niệm niệm chẳng tà kiến, vì chẳng có tà kiến nên chẳng có
nhân ngã, cống cao, tham ái, chấp trước nên gọi là Ly dục tôn. Tự tâm quy y
Tịnh là tự tánh đối với tất cả trần lao ái dục đều chẳng nhiễm trước, gọi là
Chúng trung tôn.
Nếu tu hạnh này là tự tánh quy y. Người kém trí hư vọng, mê muội
từ sớm đến tối thường khuyên người thọ Tam quy y mà chẳng hiểu. Nếu nói quy y
Phật, Phật ở chỗ nào? Nếu chẳng thấy Phật thì dựa vào đâu quy y? Nói ra lại
thành vọng.
Này thiện tri thức! Mọi người hãy xem xét kỹ, chớ lầm dụng tâm.
Trong kinh nói rõ ràng là quy y tự tánh Phật, chẳng có nói quy y tha Phật. Tự
tánh Phật chẳng quy y thì đâu còn chỗ nào quy y nữa.
Nay ta nói cho các người rõ về sau mỗi mỗi đều phải quy y Tự tánh
Tam bảo, bên trong sửa đổi tâm tánh, bên ngoài kính mến mọi người tức là tự quy
y vậy.
…
Huyền môn có thật không? Câu trả lời hiển nhiên là huyền môn có
thật. Lá số tử vi, kinh dịch, bói toán, thuật chiêm bốc, bùa chú, huyễn thuật…
tất cả những gì liên quan đến huyền học đã hiện tồn và trói buộc cũng như tương
tác với xã hội loài người trải suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Vì lẽ đó chẳng
thể nói huyền môn không thật có, song tự tánh vạn pháp là không, là huyễn nên
huyền môn cũng hư huyễn, chẳng thường tại; Do vậy tự tánh huyền môn đồng thời
cũng là không.
Sắc tức thị không, không tức thị sắc; Sắc bất dị không, không bất
dị sắc thế nên khi con người dùng ý thức, nhận thức, tư duy dựa trên nền tảng
nhị nguyên để biện luận sự có không của mọi sự vật, hiện tượng thì con người sẽ
nhận thấy có Có, có Không. Tuy nhiên, khi vượt ra khỏi giới hạn nhận thức, tư
duy nhị nguyên và thâm nhập vào tự tánh, bản chất của mọi sự vật, hiện tượng
với trí tuệ bát nhã thì con người sẽ nhận ra Có và Không là tướng đối đãi chẳng
thật; Có - Không nương nhau mà lập, nương nhau mà hoại song Có cũng là Không,
Không cũng là Có. Vì bởi Có - Không chuyển biến qua lại, thường hoán đổi vị trí
cho nhau theo tự tánh vô thường của vạn pháp; Có - Không không có tánh cố định,
thường tại; Có - Không được giả lập nên là do hội đủ yếu tố duyên.
Vì thế nên với một sự khách quan, sáng rõ, đúng mực con người sẽ
nhận ra vạn pháp vốn thật chẳng phải có, chẳng phải không; Việc khẳng định, xác
quyết Có - Không ở mỗi sự vật, hiện tượng (nói riêng), vạn pháp (nói chung) chỉ
là cách nhìn nhận vấn đề rơi vào biên kiến chủ quan, cực đoan, bảo thủ.
Bởi do rơi vào biên kiến hoặc nhị nguyên nên đã từ lâu tri thức,
nhận thức, tư duy của loài người đã không còn thật đúng về bản chất mọi sự vật
hiện tượng và cả con người. Và đó cũng chính là nguyên nhân, là giềng mối khiến
cho xã hội loài người lâm vào hiện cảnh hỗn độn, rối ren, khốn cùng với chiến
tranh, thiên tai, dịch bệnh cùng sự tàn hoại, diệt vong.
…
Tại sao huyền môn lại đúng với thưc tế đời sống con người?
Vì Tam giới duy tâm, Tam giới duy thức. Những quy ước, định mức có
nơi huyền môn được giả lập nơi tri thức loài người đã âm thầm dính mắc, ràng
buộc tâm ý sự sống nơi loài người trải qua vô số kiếp luân hồi từ lâu xa. Ngay
cả chúng sinh nẻo không thân cũng chịu sự chi phối của huyền môn bởi do tri
kiến lập tri khi còn hiện hữu ở nẻo người.
Song giá trị của huyền học chỉ dừng lại ở tính tương tác đa phương
mà không có tính cố định tuyệt đối. Bởi do huyền học chịu sự chi phối bởi ba
yếu tố không thể tách rời là Thiên Địa Nhân. Vì lệ thuộc vào cả ba yếu tố Thiên
Địa Nhân nên huyền học không nhất thiết phải luôn đúng, do vậy nếu biết cách
tác động vào một trong ba yếu tố Thiên Địa Nhân, cách hành xử thay đổi thì con
người ít nhiều có thể cải biến thực tiễn và huyền học.
Tuy nhiên, những lợi ích của huyền học mang lại cho con người là ở
hiện kiếp, là ở pháp thế gian. Nếu người học Phật mãi dính mắc vào huyền học dễ
thường tăng trưởng bản ngã, một số vì vô minh mà can thiệp vào quy luật nhân
quả khách quan của quy luật luân hồi, việc tạo tác những điều không đúng mực,
sáng suốt sẽ khiến người học Phật trôi lăn nơi Tam giới.
Tóm lại, huyền học là pháp thế gian với những điều huyễn hóa,
huyền hoặc, thần thông, bùa chú,… Nếu muốn học Phật đạt pháp xuất thế gian,
vượt khỏi sinh tử luân hồi thì người học Phật hãy hạn chế dính mắc đến những
yếu tố huyền học.
Người học Phật tìm đến đạo Phật cần sáng rõ mục đích của mình -
chánh kiến, khi đã có chánh kiến rõ ràng, việc giải thoát hoàn toàn thì hãy giữ
vững chánh định ngõ hầu đạt được mục đích tối hậu. Nhược bằng người học Phật
muốn học hỏi huyền học thì giáo lý Tam Tạng kinh khó thỏa mãn điều kỳ vọng đó.
Thêm nữa, người học Phật nên rõ biết còn sinh là còn tử; Thể nhập
niết bàn tịch diệt không phải là việc đắc quả A la hán rồi về Chân như thọ dụng
Thường an lạc tịnh; Như Lai là không đến không đi, không sinh không diệt. Người
học Phật mà không buông xả bản ngã thì không thể giác ngộ giải thoát hoàn toàn.
Việc học Phật của con người sau rốt cũng chỉ là sự chọn lựa. Hoặc
là tiếp tục trôi lăn trong quy luật luân hồi sinh tử, nhân quả vay trả - trả
vay; Hoặc nếu nhàm chán việc sinh tử quẩn quanh thì hành trì phá ngã vượt thoát
khỏi luân hồi. Giác giả Thích Ca trao truyền chánh pháp nhãn tạng Như lai với
yếu quyết “Pháp hay chẳng trói buộc người”. Phật Thích Ca chỉ rõ quy luật vận
hành của luân hồi, tự tánh vạn pháp còn việc chọn lựa lối đi mai hậu là do tự
mỗi người, mỗi tâm ý sự sống quyết định.
Bài liên quan
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết (P.2)
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết! (P.1)
- Tri kiến mê lầm ở các hệ phái đạo Phật xưa nay
- Luận tội các vị Tổ khai Tông ở các Tông giáo có gốc tích đạo Phật
- Làm thân Phật chảy máu - Phá hòa hợp Tăng
- Phương Đông hủy diệt đạo Phật
- Phương Tây khám phá đạo Phật
- Giải mã đạo Phật
- Chọn lựa của nhân loại
- Đơn nghiệp - Cộng Nghiệp
- Bồ tát - Thanh văn
- Một nguyên nhân khác khiến cho đạo Phật bị lu mờ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét