“Khai quan điểm nhãn” (P.2)
Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2018
(Kinh
Chuyển bánh xe pháp)
Mặc dù Phật đã khôi phục lại niềm tin ở những người bạn cũ nhưng
Phật rõ biết mầm mống sự hoài nghi vẫn còn dính mắc trong suy nghĩ của năm
người bạn. Thế nên khi bắt đầu thuyết giảng về con đường giác ngộ, giải thoát
hoàn toàn Phật đã nói về hai trạng thái cực đoan sai lầm mà những người xuất
gia, những người có chí hướng tìm về sự giải thoát hoàn toàn thường mắc phải.
Đây là bài pháp đối trị nhằm đập tan những hoài nghi mê lầm và định kiến sai
lạc tiềm tàng ở tâm trí những người bạn, Phật thuyết:
- Này các bạn! Có hai cực đoan mà người xuất gia phải
tránh. Cực đoan thứ nhất là xu hướng tham đắm ngũ dục, lợi dưỡng, lợi danh, đây
là cực đoan vui thú thỏa mãn bản ngã,… vì như thế là uế trược, thấp hèn, tai
hại, không đúng với đời sống phạm hạnh của một người tu sĩ. Cực đoan thứ hai là
sự cứng nhắc, khắc khe trong lối tu khổ hạnh, từ bỏ thọ dụng, mọi nhu cầu thiết
yếu của đời sống thường nhật vì như thế là tạo ra sai lầm gây đau đớn, mệt mỏi
xác thân, ngưng trệ sự minh mẫn, sáng suốt ở mỗi người. Điều đó cũng không đúng
mực với đời sống phạm hạnh, sai lầm đó cũng sẽ chặn đứng con đường giải thoát
hoàn toàn ở người xuất gia. Hai trạng thái cực đoan trên thật tai hại, không
đúng và vô ích đối với việc tìm về sự giải thoát hoàn toàn.
Dừng lại một lúc để những người bạn chiêm nghiệm, lĩnh hội,… Phật
lại nói:
- Tôi đã từ bỏ cả hai trạng thái cực đoan và dấn thân vào
con đường trung đạo nhằm tìm ra sự giải thoát hoàn toàn. Sự thật về con đường
trung đạo là việc tôi đã trải qua quá trình học hỏi tận tụy ở cuộc sống và kinh
sách,… tôi đã tìm đến cầu pháp ở các vị đạo sư danh tiếng, tôi đã nỗ lực hành
trì tìm về sự giải thoát hoàn toàn. Tôi đã từng tiếp xúc với cuộc sống, nhận
biết mọi thứ, học hỏi sự hiểu biết ở tất cả các pháp thế gian cũng như áp dụng
lối tu ở các pháp xuất thế gian khác nhau. Kết quả vẫn là; sự bế tắc trong tâm
thức, thật không có lối ra nơi vạn pháp ở các pháp tu xuất thế gian hiện nay,
tôi đã không tìm thấy được sự giải thoát hoàn toàn để thỏa mãn điểm đến rời xa
khổ đau, sinh tử luân hồi. Về sau, tôi nhận ra sự sai lầm ở cách thức tìm về sự
giải thoát hoàn toàn nơi pháp tu khổ hạnh, tôi đã từ bỏ trạng thái cực đoan vô
ích đó và tiến đến việc dừng lặng mọi ý thức, nhận thức, tư duy nhằm đạt đến sự
an tịnh của thiền định. Tôi muốn có được sự khách quan, sáng suốt nhất để chiêm
nghiệm lại con đường tìm về sự giải thoát hoàn toàn. Kết quả là chính ngay sự
rỗng lặng của tâm thức thì trí tuệ vô thượng, thậm thâm, vi diệu, không dính
mắc bản ngã đã được khai mở. Với cái biết khách quan, tổng thể, xuyên suốt,
toàn diện đó tôi đã thấu rõ tự thể cũng như bản chất vạn pháp vốn bất sinh, bất
diệt, vô ngã, vô hữu, vô vô,… Sau đó, tôi đã quán chiếu lại tất cả vạn pháp, rõ
biết chân nghĩa giác ngộ, niết bàn, trí tuệ vô thượng, sự giải thoát hoàn
toàn,… Thế nên, tôi rõ biết và khẳng định lại một điều rằng “Hai trạng thái cực
đoan sai lầm mà những người xuất gia thường dính mắc sẽ không mang lại sự giải
thoát hoàn toàn có chăng là sự đau khổ, âu lo, bất an và ràng buộc. Muốn đạt sự
giải thoát hoàn toàn thì sự lắng lòng - thiền định và sự hiểu biết khách quan,
việc quán chiếu đúng mực lại cái biết là chiếc chìa khóa để khai mở sự
giác ngộ. Đó là con đường Trung đạo.
Nghe những lời Phật diễn giải Kiều Trần Như và bốn người bạn nhận
biết “Đây chính là vị đạo sư sẽ dẫn đường, chỉ lối họ đạt đến sự giải thoát
hoàn toàn, là con đường mà cả năm người đã không ngừng ra sức, nỗ lực hành trì
mà thật sự chưa tìm thấy lối ra”. Họ rất vui mừng đồng thời quỳ xuống lạy tạ và
thỉnh cầu được làm những người học trò của Phật. Phật đã tùy thuận nhận lời.
Sau khi được Phật tiếp nhận làm học trò, Kiều Trần Như thỉnh cầu
Phật chỉ dẫn rõ con đường Trung đạo mà Phật đã hành trì và cách thức tìm ra sự
giải thoát hoàn toàn. Phật đã nói:
- Này các bạn! Con đường Trung đạo là những phương pháp mà tôi đã
hành trì và nhờ những phương pháp đó tôi đã đạt cái thấy, cái biết khách quan,
sáng rõ. Thông qua sự dừng lặng tâm tôi đã khai mở trí tuệ, đạt đến sự tỉnh
giác và chứng ngộ niết bàn. Con đường trung đạo bao gồm 8 phương pháp đúng mực
có công dụng giúp người tu sĩ đạt đến sự giải thoát hoàn toàn. Những phương
pháp đó tôi gọi là Bát chánh đạo. Tôi sẽ lần lượt trình bày các phương pháp đó
cho các bạn rõ. Các bạn hãy an tịnh và lắng nghe.
Chú ý:
Bài pháp thoại đầu tiên Phật thuyết cho năm anh em đồng tu Kiều Trần Như nên
cách diễn giải sẽ có sự sai biệt. Nguyên nhân dẫn đến sự sai khác đó chính là
do các bài giảng của Phật là những bài pháp đối trị, tùy bệnh mà cho thuốc. Thế
nên những lời giảng sẽ bám sát đối tượng mà trình bày, lời giảng phụ thuộc
nhiều vào căn cơ, sức hiểu và mục đích tham vấn của người đối diện.
Điểm sai khác rõ nét nhất ở năm anh em Kiều Trần Như với người đời
đó là họ là những người xuất gia chân chính, họ đã “cắt ái, ly gia”, thoát ly
mọi dính mắc thế gian, theo đuổi mục tiêu giải thoát hoàn toàn, việc rời xa
sinh tử cũng như mọi khổ não kiếp người.
Một vấn đề cần nói rõ thêm ở những người xuất gia chân chính thời
hơn 2500 năm về trước.
Người xuất gia xưa tin nhận và một lòng tìm về sự giải thoát hoàn
toàn, rời xa những ràng buộc, dính mắc nơi cuộc sống. Họ tin nhận có niết bàn,
nơi chỉ tồn tại Thường Lạc Ngã Tịnh mà không có khổ não, muộn phiền, bất công,
áp bức và việc sinh tử bức ngặt. Người xưa đã hệ thống rạch ròi về sự hiện diện
của bát khổ - Sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, Tử khổ, Cầu bất đắc khổ, Ái biệt ly
khổ, Oán tăng hội khổ, Ngũ ấm xí thạnh khổ. Những người có chí hướng xuất trần
xa xưa trực nhận 8 sự khổ thường cột trói kiếp người và mơ hồ nhận biết sự luân
hồi nên sinh tâm nhàm chán khổ não, những muốn lìa xa sinh tử do vậy họ dũng
mãnh xuất gia nhằm tìm về sự giải thoát hoàn toàn.
Đây là điểm mấu chốt gắn kết chặt chẽ với lời Phật thuyết giảng
nơi bộ Kinh Chuyển Pháp Luân. Lời Phật thuyết gắn liền với mục đích giải thoát
hoàn toàn tối hậu ở chí hướng xuất trần nơi năm người bạn.
Quay lại vấn đề con đường trung đạo.
Do vậy tôi sẽ diễn nghĩa Bát chánh đạo và Tứ diệu đế dựa trên đối
tượng người xuất gia mà cụ thể là năm anh em Kiều Trần Như.
Phật đã thuyết về Bát chánh đạo như sau:
- Một là chánh kiến. Chánh kiến ở người xuất gia, người tìm về sự
giải thoát hoàn toàn là cái thấy khách quan, sáng rõ, đúng mực về con đường
giải thoát hoàn toàn. Muốn có chánh kiến thì con người phải mở lòng ra trực
nhận cũng như nhìn xuyên suốt vào vạn pháp mà không có một sự ngăn ngại hay
kiến chấp, phân biệt chủ quan, cục bộ nào. Vô thường khổ không vô ngã là tự
tánh chân thật của vạn pháp mà người hành giả phải lĩnh hội, trực nhận và nắm
bắt rõ. Chánh kiến chính là cái thấy biết sự vật, hiện tượng đúng theo thật
tướng vô thường, thật thể vô ngã, thật tánh không của
chúng, không chấp Thường, chấp Đoạn, không lầm theo biên kiến, tà kiến nhị
nguyên của ngoại đạo và người đời. Khi người tu sĩ có chánh kiến thì người tu
sĩ sẽ dần thông hiểu Tứ Diệu Ðế, rõ biết vô ngã, vô thường, biết khổ, biết
không như huyễn,… nên không tham luyến, dính mắc nhờ vậy mà không còn bị chìm
đắm trong khổ não, sinh tử luân hồi,…
- Hai là chánh tư duy. Chánh tư duy ở người xuất gia chính là
ý thức, nhận thức, tư duy đúng thật về sự giải thoát hoàn toàn, cách thoát ra
mọi khổ não, luân hồi sinh tử. Người tu sĩ có chánh tư duy là người biết dùng
trí tuệ khách quan, cái biết chân chính để tư duy, nhận biết vạn pháp, niết
bàn,… và sống thật với sự giải thoát hoàn toàn. Khi người hành giả có được
chánh tư duy thì vị tu sĩ đó sẽ có suy nghĩ, hành động, việc làm đúng theo
chánh pháp nhằm đem đến sự an vui, hạnh phúc cho tất cả mọi người và bản thân,
rời xa tham đắm lợi dưỡng, lợi danh, ngũ dục.
- Ba là chánh ngữ. Chánh ngữ ở người xuất gia là những lời
nói hòa nhã, đúng mực, hợp thời, hữu ích cho mọi người. Người xuất gia học hỏi
chánh pháp không rơi vào lạm bàn, hý luận, không tranh luận theo thiên kiến,
cục bộ, chủ quan… Chánh ngữ ở người xuất gia thể hiện ở sự hỏi đáp cởi mở nhằm
vào mục đích giúp người biết đến chánh pháp cũng như việc làm sáng rõ con đường
giải thoát hoàn toàn mà một người xuất gia chân chính cần thành tựu.
- Bốn là chánh nghiệp. Chánh nghiệp ở người xuất gia là những
hành động, việc làm đúng mực với đời sống phạm hạnh. Người xuất gia có chánh
nghiệp sống tùy thuận theo chánh pháp, thường trụ nơi giải thoát hoàn toàn, làm
việc ích mình, lợi người, giúp người hết khổ được vui, giữ thân khẩu ý thanh
tịnh. Chánh nghiệp ở người xuất gia đó chính là sự giải thoát hoàn toàn, thoát
ly mọi dính mắc, ràng buộc khổ não, sinh tử.
- Năm là chánh mạng. Chánh mạng ở người xuất gia là người tu
sĩ có đời sống phạm hạnh, chân chính, không tham đắm ngũ dục, không buông lung
bản ngã, tánh ý. Việc giữ gìn thân mạng là cần thiết cho con đường tu học giải
thoát nhưng tránh rơi vào hai trạng thái cực đoan tham đắm vượt mức và đoạn
tuyệt thọ dụng vật thực một cách khắc khe, cứng nhắc. Người xuất gia có chánh
mạng là người biết nương nhờ thân xác để hành trì khai mở sự giác ngộ giải
thoát hoàn toàn và dùng thân mạng để phổ truyền chánh pháp,…
- Sáu là chánh tinh tấn. Chánh tinh tấn ở người xuất gia là
người tu sĩ cần siêng năng trao dồi, học hỏi giáo lý về con đường dẫn đến sự
giác ngộ, giải thoát hoàn toàn. Khi đã thông hiểu lý thuyết thì người tu sĩ cần
tiếp tục hành trì tùy thuận bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định
để đạt đến sự chứng ngộ. Việc mở lòng ra vì người cũng như tiếp xúc cuộc sống,
vạn pháp sẽ giúp người hành giả dễ dàng khai mở trí tuệ nhằm đạt đến sự giác
ngộ, giải thoát hoàn toàn.
- Bảy là chánh niệm. Chánh niệm ở người tu sĩ là luôn giữ
niệm giác ngộ giải thoát hoàn. Suy nghĩ, hành động, việc làm đều thuận theo
niệm giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Người xuất gia dễ thường được người đời
trọng vọng, cả nể, được cúng dường y bát, vật dùng hậu hĩnh, thừa mứa. Người tu
sĩ có chánh niệm phải là người tỉnh thức, là người biết cách tránh rơi vào lợi
dưỡng, lợi danh, tham đắm hão huyền,… những việc dẫn đến “đánh mất” niệm giải
thoát hoàn toàn, thoái thất bồ đề tâm. Người tu sĩ có chánh niệm sẽ rõ biết kết
quả của việc đánh mất chánh niệm sẽ là việc luân hồi nơi 6 nẻo ở kiếp sau. Vì
lẽ đó chánh niệm được người có chí hướng tìm về sự giải thoát hoàn toàn giữ gìn
miên mật, nghiêm cẩn.
- Tám là chánh định. Chánh định ở người xuất gia là luôn giữ
tâm thanh tịnh, sáng suốt, dừng lặng. Từ nơi an tịnh của thiền định người hành
giả quán chiếu lại những gút mắc của tư duy, nhận thức,… dựa trên cái biết
khách quan, tổng thể không dính mắc cái tôi. Hành giả quán chiếu về vạn pháp,
việc sinh tử, quy luật luân hồi, nhân quả, chuỗi thập nhị nhân duyên, niết
bàn,… Hành giả sẽ quán chiếu cho đến khi thông suốt thật tướng niết bàn cũng
như tự tánh vạn pháp và đạt được sự giải thoát hoàn toàn ngay nơi hiện kiếp.
Vậy nên chánh định xuyên suốt của người xuất gia là đích đến giải thoát hoàn
toàn, người xuất gia có chánh định tinh thuần và hành trì bát chánh đạo mọi
lúc, mọi nơi từ trước cho đến khi đạt được sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn.
Khi đã chứng ngộ hoàn toàn người xuất gia sẽ thường sống nơi chánh định mà
không còn sự thoái thất bồ đề tâm, việc làm tùy thuận.
Ở trên là Bát chánh đạo mà Phật đã thuyết cho những người xuất gia
nhằm giúp họ có được những phương pháp thù thắng, từ bỏ những ràng buộc, dính
mắc không thật đúng đã từ lâu trói chặt định kiến, tư duy của những người tu sĩ
thời Phật tại thế.
Có một điều cần phải nói rõ thêm là sơ khởi bài thoại về Bát chánh
đạo sẽ vắn tắt, ngắn gọn và không lột tả hết được toàn bộ lý thuyết về nội dung
Bát chánh đạo. Hơn nữa, đây không phải là lời thoại một chiều mà là một buổi
vấn đáp qua lại giữa vị thầy - Phật Thích Ca và năm người học trò hay nói đúng
hơn là cuộc trò chuyện giữa những bạn nói về cách thức để tìm về sự giải thoát
hoàn toàn.
Về sau, qua nhiều lần trùng tuyên và thêm nhiều câu hỏi phát sinh
nơi những người hậu học thì Bát chánh đạo dần hoàn thiện thành một hệ thống
giáo lý hoàn chỉnh. Và cũng tùy đối tượng tìm đến đạo Phật mà Phật và những
người học trò đạt pháp vô sanh đã diễn giải nội dung bài thoại khác nhau. Sự
sai khác biểu hiện rõ nét khi thuyết riêng cho người xuất gia và tại gia.
Kết thúc bài pháp thoại Bát chánh đạo Phật đã dừng lặng một thời
gian đủ lâu để năm người bạn thọ nhận, chiêm nghiệm và lĩnh hội. Sau đó, Phật
nói về Tứ diệu đế.
(Còn tiếp)
Bài liên quan
- Hóa giải thâm cừu, đại hận giữa các hệ phái đạo Phật
- Tam Tạng kinh do ai thuyết?
- Diệu ý Như Lai
- Phác họa chân dung Giác giả Thích Ca
- “Khai quan điểm nhãn” (P.4)
- “Khai quan điểm nhãn” (P.3)
- “Khai quan điểm nhãn” (P.1)
- Chọn lựa tích cực của Phật Thích Ca ngay sau ngày thành đạo…
- Giác giả Thích Ca ra đời là điều tất yếu
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết (P.3)
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết (P.2)
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết! (P.1)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét