“Khai quan điểm nhãn” (P.3)
Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2018
Phật giảng Tứ Diệu Đế
Do rõ biết năm người bạn vì muốn lìa khổ, tìm về sự giải thoát
hoàn toàn, mong cầu niết bàn nên Phật giảng giải Tứ Diệu Đế. Vậy nên Tứ diệu đế
cũng được Phật thuyết nhằm giúp người xuất gia muốn lìa khổ trực nhận khổ, rõ
biết khổ, phương cách thoát khổ và thành tựu sự thoát khổ.
Tôi sẽ tái hiện lại diễn biến cuộc hỏi đáp Pháp yếu của hơn 2500
năm về trước giữa Phật và năm người bạn.
Phật nói:
- Này các bạn! Các bạn hãy thành thật, khách quan trả lời những
câu hỏi của tôi. Khi đó, các bạn sẽ tiến gần với sự thật. Các bạn hãy thật sự
kiên nhẫn để chính các bạn tìm ra vấn đề không ổn mà các bạn đang mắc phải. Chỉ
khi nhận diện được vấn đề thì các bạn mới có thể tìm ra cách giải quyết vấn đề.
Con đường giải thoát hoàn toàn ở mỗi người phải chính do mỗi người tự nhận diện
và chọn lựa cách thức hành trì…
- Các bạn đã dũng mãnh “cắt ái, ly gia”, xa lìa mọi ràng buộc thế
gian, sống đời khổ hạnh và mong cầu tu học đạt được sự giải thoát hoàn toàn là
vì lẽ gì?
Năm người bạn lần lượt trả lời với đại ý:
- Bạch Thế Tôn! Vì muốn rời xa sinh tử luân hồi, vì muốn thoát
khỏi mọi khổ não trần thế, vì muốn tìm về niết bàn - Thường lạc ngã tịnh, vì
không muốn còn bị một pháp khổ nào bức ngặt đời sống và thân tâm,…
Phật nói tiếp:
- Vậy ra các bạn muốn thoát ly sinh tử mà mong cầu chứng đắc sự
giải thoát hoàn toàn. Và sở dĩ các bạn muốn thoát ly sinh tử là vì muốn lìa xa
mọi khổ não. Có đúng như vậy không?
Năm người bạn trả lời:
- Bạch Thế Tôn! Đúng vậy. Do muốn thoát khổ, thoát luân hồi mà
chúng tôi mới quyết chí tìm về sự giải thoát hoàn toàn. Cả năm người chúng tôi
đều tin rằng có sự luân hồi trói chặt kiếp người và muôn loài nên chúng tôi
muốn xa lìa, thoát khỏi sự luân hồi.
Phật lại nói:
- Có phải chính vì khổ mà các bạn muốn thoát ly luân hồi sinh tử?
Nếu không có khổ thì các bạn đã không lập chí thoát ly sinh tử? Tôi muốn các
bạn xác nhận lại vì điều này sẽ là điểm mấu chốt giúp các bạn tìm được sự giải
thoát hoàn toàn. Chỉ khi các bạn nhận diện được nguyên nhân của vấn đề và xác
định đích đến rõ ràng, không lay chuyển thì các bạn mới có thể giải quyết triệt
để vấn đề.
Năm người bạn đồng thời xác nhận:
- Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Chúng tôi vì biết đời là khổ nên rất
mong thoát khỏi luân hồi, đó là nguyên nhân của việc chúng tôi ra sức nỗ lực
hành trì tu học và đích đến là sự giải thoát hoàn toàn.
Phật nói:
- Các bạn vì muốn thoát khổ mà mong muốn thoát ly sinh tử. Các bạn
dũng mãnh “cắt ái, ly gia”, thoát ly mọi ràng buộc, dính mắc ở đời, các bạn
sống đời khổ hạnh và ra sức hành trì tìm về sự giải thoát hoàn toàn. Trải qua
quá trình dài hành trì tu học các bạn đã có sự an lạc, tự tại,… các bạn đã
thoát khổ hoàn toàn chưa, các bạn đã nếm trải trạng thái niết bàn chưa?
Năm người bạn trình bày:
- Bạch Thế Tôn! Chúng tôi đã thoát ly khỏi những khổ não, muộn
phiền của cuộc đời thế tục. Chúng tôi cũng có được niềm an lạc, thảnh thơi
nhưng chúng tôi vẫn chưa thoát khỏi nỗi khổ của bệnh, của già - chết. Và chúng
tôi còn có cả những âu lo vì chưa chứng ngộ được sự giải thoát hoàn toàn. Lòng
chúng tôi thật sự chưa an vì chưa biết cách chế ngự sinh tử, chúng tôi không có
niềm tin về việc đã thoát khỏi luân hồi.
Phật nói:
- Vì muốn xa lìa khổ não thế gian các bạn từ bỏ mọi ràng buộc nơi
đời thường, hạn chế cả việc tiếp nhận vật thực do e dè dính mắc nghiệp nhân
quả. Các bạn có được chút thanh thản nhưng rồi các bạn lại bị khổ não nơi đời
sống xuất gia bức ngặt, tâm mong cầu chứng quả giải thoát đã âm thầm bức hại
các bạn. Các bạn xa lìa khổ não ở đời rồi lại bị khổ não ở đời sống xuất thế
bức hại. Chính điểm đến - quả giải thoát hoàn toàn mà các bạn đang mong cầu lại
trở thành chướng ngại, thành phiền não cột trói sự tự tại, an lạc ở các bạn.
Tại sao lại như vậy? Đây chính là vấn đề mà các bạn phải nhận diện và tìm
cách giải quyết dứt điểm vấn đề gút mắc đó.
Năm người bạn mơ hồ nhận ra vấn đề nhưng họ không thể nhận diện
được rõ vấn đề và cả việc “Tại sao họ bị khổ não bức hại dù rằng đã dũng mãnh
xuất gia nhằm thoát khổ?”. Họ không tìm thấy trong sự hiểu biết của họ cũng như
trong kho giáo lý kinh điển ở các tôn giáo mà họ đã từng tham cứu được câu trả
lời cho vấn đề mà Phật đã đặt ra. Sau cùng, năm người bạn lên tiếng:
- Bạch Thế Tôn! Chúng tôi rất mong Thế Tôn chỉ rõ vấn đề mà chúng
tôi bị dính mắc và giúp chúng tôi cách thoát ra khỏi vấn đề đã gây khổ não, âu
lo,… nơi chúng tôi. Thế Tôn hãy hướng dẫn chúng tôi cách thoát khỏi luân hồi,
rời xa sinh tử, đạt sự giải thoát hoàn toàn.
Phật nói:
- Có phải chính tâm nhàm chán khổ não nơi đời khiến các bạn xuất
ly thế gian? Có phải chính tâm mong cầu đắc quả giải thoát hoàn toàn khiến lòng
các bạn bất an? Có phải chính tâm phân biệt, tâm dính mắc,… đã khiến các bạn
muộn phiền, khổ não?... Chính tất cả những điều đó đã khiến các bạn đánh mất sự
an lạc, thảnh thơi và dẫn đến việc các bạn phải trôi lăn trong sinh tử luân
hồi.
Dừng lại một lúc, Phật tiếp tục trình bày:
- Điều gì đã tạo ra tâm phân biệt, tâm mong cầu, tâm nhàm chán,
tâm đau khổ,…? Điều gì đã tạo ra sự khổ não và luân hồi?...
- Đó chính là do bản ngã của các bạn, là cái tôi đầy chấp trước mà
các bạn cả nghĩ là thường tại, là còn mãi. Chính cái tôi đó đã khiến các bạn
rơi vào kiến chấp Tham sân si mạn nghi và từ đó mọi khổ não cả hai nẻo đạo đời
vây kín tâm trí các bạn. Cũng chính cái tôi dính mắc sai lầm đó đã khiến các
bạn mãi chìm nổi trong luân hồi sinh tử, tử rồi sinh với mạng lưới nhân duyên
nghiệp quả vay trả, trả vay chằng chịt, muôn trùng.
- Muốn thoát ra mọi khổ não, sự luân hồi đạt được sự giải thoát
hoàn toàn các bạn phải hành trì buông bỏ định kiến sai lầm về cái tôi thường
tại. Đó là vấn đề mà người xuất gia muốn chứng ngộ niết bàn tịch diệt, không
còn trôi lăn trong sinh tử phải hành trì chạm đến.
- Một vấn đề khác không kém phần quan trọng mà các bạn nhất thời
chưa thể nhận diện đó là “Tại sao lại có cái tôi trong mỗi người nơi các bạn?”.
Tôi sẽ giúp các bạn mau chóng nhận diện vấn đề nguyên nhân có sự hiện diện của
cái tôi trong mỗi con người. Đó là do vô minh, do sự hiểu biết không đúng thật
về Thật Tướng và Thể Tánh của cái tôi. Vì sự hiểu biết không thật đúng về cái
tôi mà các bạn đã cả nghĩ về sự tồn tại thường còn của cái tôi nơi các bạn -
Tiểu ngã. Nhưng cái tôi đó vốn không thường còn do vậy nên các bạn không thể
thường tại. Thật tướng và thể tánh cái tôi vốn là như huyễn, không thật có,
chẳng thật không. Cái tôi vốn vô thường, vô ngã nhưng do vọng chấp sai lầm mà
các bạn cho rằng cái tôi thường tại rồi dính mắc và từ đó có khổ não, có luân
hồi, có sinh tử,…
- Và … vấn đề của các bạn bây giờ là sẽ phải tự nhìn nhận, đánh
giá lại vấn đề về sự tồn tại của cái tôi mê lầm, không thật đúng - Cái tôi dẫn
đến mọi khổ não, luân hồi nơi các bạn. Nếu các bạn nhận thấy đó thật sự là vấn
đề mà các bạn đang dính mắc thì các bạn hãy quán chiếu lại vạn pháp, cái tôi
bằng Bát chánh đạo. Các bạn cần rõ biết sự thật để hành trì phá bỏ cái tôi mê
lầm trở về vô ngã nhằm đạt đến sự giải thoát hoàn toàn. Chỉ khi gỡ bỏ vô minh
và có sự hiểu biết đúng thật về tự tánh vạn pháp thì các bạn mới có thể thoát
khỏi sự ràng buộc của cái tôi thường tại. Khi ấy, các bạn sẽ rời xa sự điên đảo
tương tục - khổ não, nhân quả, luân hồi. Do vậy con đường mà Như Lai đã vượt
qua khổ não, luân hồi sinh tử được tôi gọi là con đường giác ngộ giải thoát hoàn
toàn.
…
- Tóm lại, hôm nay tôi đã nói với các bạn bốn sự thật về con đường
giác ngộ, giải thoát hoàn toàn. Tôi gọi đó là Tứ diệu đế. Tứ diệu đế là bài
pháp chứa đựng sự thật về con đường giải thoát hoàn toàn. Tứ diệu đế trình bày
rõ về sự khổ, nguyên nhân gây ra sự khổ, cách thức diệt khổ và sau cùng là sự
giải thoát hoàn toàn. Đây là bài pháp thậm thâm, vi diệu, khó thể nhận biết,
khó thấu hiểu vượt qua mọi lý luận, tư duy chủ quan hiện tại, là bài pháp chưa
từng có trước đây. Nếu các bạn cũng như một ai đó đọc hiểu, lĩnh hội, hành trì
thì tự mỗi người sẽ đạt sự giác ngộ, giải thoát hoàn toàn. Đây là lời xác tín
của Như Lai; Như Lai không nói lời hư dối.
…
Thế đấy! Qua một buổi trò chuyện thân mật và cởi mở Phật đã thuyết
giảng cho những người bạn về bốn sự thật nhằm đạt đến sự giải thoát hoàn toàn.
Và hiển nhiên là trong một buổi pháp thoại sẽ không thể nói rõ hết toàn phần Tứ
diệu đế mà phải trải qua nhiều buổi hỏi đáp khách quan, cởi mở thì năm anh em
Kiều Trần Như mới có thể lĩnh hội, thấm nhuần Bát chánh đạo, Tứ diệu đế và sinh
khởi niềm tin bất thoái chuyển về việc chứng ngộ sự giải thoát hoàn toàn.
Sau một khoảng thời gian được Phật tận tình chỉ dẫn và cả việc
hành trì kiểm chứng thì hành giả Kiều Trần Như đã là người đạt sự tỏ ngộ giải
thoát hoàn toàn, những người bạn còn lại sau đó cũng chứng thành đạo quả. Sơ
khởi họ đạt 1 trong 4 quả vị Thánh, hoàn toàn thoát khổ,… về sau họ liễu ngộ
niết bàn, thật sự thoát khỏi luân hồi.
…
Tứ diệu đế được Phật cùng môn đệ đem ra giảng giải rất nhiều lần
cho những người xuất gia và được hoàn chỉnh thành một hệ thống giáo lý thậm
thâm, tinh tế, vi diệu, đúng thật.
Tuy nhiên, những người học Phật về sau do không thấu triệt Tâm
Phật và chân nghĩa Tam Tạng kinh đã diễn giải Tứ diệu đế một cách máy móc, cứng
nhắc, không bám sát đối tượng tham học dẫn đến giáo nghĩa Tứ diệu đế trở nên xa
vời, viễn vông. Việc dịch giải kinh sách Phật học không liễu nghĩa đã khiến
người hậu học không dễ nhận biết và lĩnh hội chánh pháp. Giáo lý Tam Tạng kinh
vì thế mà nhạt nhòa, mai một giá trị giác ngộ giải thoát hoàn toàn.
Vì chút duyên nên tôi đã trình bày lại Tứ diệu đế mà Phật Thích Ca
từng thuyết giảng. Tôi sẽ diễn giải theo lối y kinh, bám sát đối tượng là người
xuất gia chân chính, người tin nhận luân hồi và một lòng muốn tìm về sự giác
ngộ giải thoát hoàn toàn.
Chung quy lại Tứ diệu đế đã trình bày bốn vấn đề: Khổ đế, Tập đế,
Diệt đế, Đạo đế.
- Một là Khổ đế. Khổ đế là sự thật chỉ bày rành rõ, mạch lạc về sự
khổ, là lý thuyết đúng thật về mọi khổ não, phiền muộn đã trói chặt kiếp người
trong luân hồi sinh tử, quy luật nhân duyên nghiệp quả. Khổ đế gồm có bát khổ -
Sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, Tử khổ, Cầu bất đắc khổ, Ái biệt ly khổ, Oán tăng
hội khổ, Ngũ ấm xí thạnh khổ. Nội dung Khổ đế là sự tổng hợp lại giáo lý, kinh
điển các tôn giáo quanh lưu vực sông Hằng và cả ý thức, nhận thức, tư duy của
người xuất gia, tại gia thời Phật tại thế về sự khổ.
- Hai là Tập đế. Tập đế chứa đựng sự thật về những nguyên nhân gây
ra sự khổ ở con người và chúng sinh nơi 3 cõi. Ở nội dung Tập đế Phật đã phác
họa ra chuỗi thập nhị nhân duyên - Vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập,
xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử - những mắc xích dính mắc, ràng buộc tạo
ra sự luân hồi tương tục gần như không có điểm kết thúc nơi mỗi tâm ý sự sống.
Vô minh là sự hiểu biết sai lầm, không thật đúng về Thật tướng vạn pháp, thể
tánh niết bàn, sự khổ và bản ngã,… Vô minh là cội rễ dẫn đến việc chúng sinh
nơi 6 đường không ý thức được điểm dừng lại, do không có ý thức dừng lại nên
tâm ý sự sống không thể thoát ra chuỗi sinh tử luân hồi, không đạt đến sự giải
thoát hoàn toàn. Chính do hiểu biết sai lầm về cái tôi thường tại - bản ngã mà
chúng sinh nơi 3 cõi có sự tham ái, chấp trước, tham đắm mong cầu tái sinh,
hiện hữu và vô sanh - sự giải thoát hoàn toàn. Chính do dính mắc cái tôi thường
tại cùng việc mong cầu mà người xuất gia bị khổ não và việc sinh tử luân hồi
trói cột. Nội dung Tập đế là kết quả sự chứng ngộ vạn pháp của Phật Thích Ca.
Ba là Diệt đế. Diệt đế là sự thật về cách thức rời xa và chấm dứt
mọi khổ não cũng như vòng sinh tử luân hồi. Nội dung căn bản của Diệt đế là do
rõ biết sự khổ, nguyên nhân gây ra sự khổ là bởi yếu tố dính mắc cái tôi thường
tại và sự hiểu biết sai lầm. Vì vậy người xuất gia chân chính, một lòng cầu
giải thoát hoàn toàn sẽ hành trì buông bỏ cái tôi thường tại mê lầm, dứt tâm
phân biệt, mong cầu cũng như việc rời xa những ràng buộc tham ái, ham muốn dục
vọng, chấp trước,… Muốn chứng ngộ Diệt đế người hành giả phải “đánh đổ” vô minh
để có cái biết đúng thật về vạn pháp, niết bàn. Trợ duyên cho Diệt đế đó chính
là lục độ ba la mật - Bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn và thiền định. Diệt
đế cũng là kết quả chứng ngộ của Giác giả Thích Ca Mâu Ni.
Bốn là Đạo đế. Đạo đế là sự thật về con đường giác ngộ giải thoát
hoàn toàn. Người hành giả sau khi liễu ngộ Tứ diệu đế sẽ chứng ngộ Đạo đế. Trải
qua quá trình hành trì sống thật với Diệt đế thì sự hiểu biết của người hành
giả sẽ đạt đến sự thông suốt, sáng rõ,… tâm ý phân biệt, dính mắc,… cái tôi
thường tại mê lầm đã đoạn trừ, sự vô minh không còn, dứt vọng về chân. Từ đó
người hành giả không còn tâm tham luyến sinh tử, niết bàn, sự chứng ngộ pháp vô
sanh,… Vị hành giả đạt được giải thoát hoàn toàn ngay nơi hiện kiếp. Về sau, vị
hành giả sống an lạc, tùy thuận, khi ấy hành giả không còn bị ràng buộc bởi quy
luật luân hồi sinh tử, khổ não và cả việc chứng đắc.
(Còn tiếp)
Bài liên quan
- Giác giả Thích Ca ra đời là điều tất yếu
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết (P.3)
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết (P.2)
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết! (P.1)
- Tri kiến mê lầm ở các hệ phái đạo Phật xưa nay
- Luận tội các vị Tổ khai Tông ở các Tông giáo có gốc tích đạo Phật
- Làm thân Phật chảy máu - Phá hòa hợp Tăng
- Phương Đông hủy diệt đạo Phật
- Phương Tây khám phá đạo Phật
- Giải mã đạo Phật
- Chọn lựa của nhân loại
- Đơn nghiệp - Cộng Nghiệp
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét