“Khai quan điểm nhãn” (P.4)
Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018
Khi liễu nghĩa Đạo đế thì người hành giả sẽ có thể tự chủ trong
việc lựa chọn lối đi ở đời sau, có 2 lối đi sáng rõ để người hành giả lựa chọn.
- Một là vị hành giả phát tâm bồ tát, hành bồ tát đạo vì chúng
sinh nơi 3 cõi mà bước đi trong lưới luân hồi, rộng truyền chánh pháp. Dù rằng
người hành giả vẫn trong lưới luân hồi nhưng không còn bị tham đắm, trôi lăn
trong sinh tử, không bị khổ não, phiền muộn bức ngặt.
- Hai là vị hành giả sau khi chứng ngộ Đạo đế sẽ sống tùy thuận
nơi hiện đời, tùy duyên phổ truyền chánh pháp, sau khi hết kiếp mạng chung thì
rời khỏi luân hồi, chính thức thể nhập niết bàn tịch diệt.
…
Nội dung Tập đế, Diệt đế, Đạo đế là hệ thống lý thuyết chưa từng
có trước đó. Thông qua Khổ - Tập - Diệt - Đạo, Phật Thích Ca đã chỉ ra những
khiếm khuyết, những hạn chế tồn tại có ở giáo lý kinh điển các tôn giáo quanh
lưu vực sông Hằng thời xa xưa và vô hình chung hiển bày cả sự giới hạn tri thức
của nhân loại ngày nay.
Sau khi giảng thuyết xong bài pháp thoại Phật xác tín lại lần nữa,
Phật nói:
- Này các bạn! Nếu Như Lai đã chưa hoàn toàn thấu triệt Tứ diệu
đế, Bát chánh đạo một cách sáng rõ thì Như Lai sẽ không xác nhận trước các bạn
về sự chứng ngộ vô thượng, chánh đẳng, chánh giác. Đó là cái biết thật đúng và
hoàn toàn sáng rõ. Khi đã chứng ngộ sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn Như Lai đã
hoàn toàn giải thoát và đây là kiếp sống cuối cùng của Như Lai, Như Lai sẽ dừng
lại, Như Lai sẽ không tiếp tục trôi lăn trong luân hồi sinh tử.
Quả thật là Bát chánh đạo, Tứ diệu đế dù rất xác thực, đáng tin,
gần gũi nhưng cũng vô cùng uyên áo, thâm sâu, thật khó thấu hiểu, khó nhận
thức, vượt lên mọi lý luận, tư duy chủ quan, hẹp hòi,… Vì vậy chỉ cần có chút
ít kiến chấp vụng vặt, phiến diện,… thì con người, người hành giả, nhà nghiên
cứu Phật học,… sẽ không thể chạm đến tận cùng sự thật.
Cũng vì lẽ đó mà trải qua hơn 2500 năm kể từ khi Phật nhập diệt đã
không có một Giác giả nào đủ tầm liễu nghĩa Tam Tạng kinh và tâm Phật. Thậm chí
là cho đến hiện tại với nguồn tri thức không ngừng được cập nhật, nâng cấp, bổ
sung mà sự hiểu biết của con người đối với Bát chánh đạo, Tứ diệu đế vẫn không
thể thâm nhập, nhận thức và thấu hiểu.
Đứng trước sự hiểu biết khách quan, tổng thể, sáng rõ, đúng mực ở
người bạn lớn của nhân loại - Phật Thích Ca, đại diện cho tri thức nhân loại
đương thời đã bộc lộ sự nhỏ bé, lạc lõng, hẹp kém với đủ đầy sự tự ti, hoang
mang, đố kỵ, hoài nghi, ngờ vực.
…
Lời Phật thuyết thường là những bài pháp đối trị nên tùy cơ và khế
lý. Trong khi đó việc dịch giải kinh từ lâu đã rơi vào biên kiến, nhị nguyên và
không tùy thời,… Việc truyền pháp của các vị đạo sư, người học Phật cứng nhắc
đến thô ráp. Có thể nói việc dịch giải kinh đã bị trói vào tình trạng:
“Y kinh diễn nghĩa Tam thế Phật oan
Ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết”
Người dịch giải rơi vào biên kiến vừa bị trói y kinh, vừa bị cột
ly kinh nên đã không thể diễn giảng kinh điển đúng theo sự khế hợp với bối cảnh
thực tế quá khứ cũng như sự tùy thời ở hiện tại. Do vậy kinh điển ngày càng xa
rời đời thật, đánh mất tính khả dụng, tính thực tiễn.
Cũng lại như vậy. Ở bộ Kinh Chuyển Pháp Luân việc diễn giải nghĩa
Bát chánh đạo, Tứ diệu đế bị dính mắc ngữ văn, Tự Điển Phật học,… sự chủ quan,
cục bộ, giới hạn tỏ ngộ của người dịch giải dẫn đến lời kinh mang tính chung
chung, thiếu sự rõ ràng, minh bạch…
Do vậy, tôi cạn nghĩ việc dịch giải kinh điển, sách xưa cần phải
xét đến đối tượng, bối cảnh xã hội, mặt bằng tri thức và mục đích dịch nghĩa y
kinh điển gốc hay giải nghĩa cho người đương thời.
…
Lẽ ra việc diễn giải kinh điển là nhằm vào tính khả dụng nên yếu
tố người đương thời sẽ mang tính chất quyết định, quan trọng nhất. Thế nên việc
diễn nghĩa Tam Tạng kinh lẽ ra phải chú trọng đến sự rành mạch, rõ ràng, gần
gũi. Và do sự tùy cơ mà việc dịch giải, thuyết giảng cho người xuất gia và
người tại gia cần có sự sai khác, chuyên biệt.
Tại sao có sự diễn giải kinh sách sai khác giữa người xuất gia và
người tại gia?
Vì mục đích và đời sống của hai đối tượng này gần như khác nhau
hoàn toàn. Người xuất gia là người đã tự nguyện, chấp nhận sống đời phạm hạnh
với những giới luật nhằm cách ly, dứt trừ tham sân si mạn nghi, rời xa ngũ dục,
làm Tăng bảo hộ trì chánh pháp, sống theo bi nguyện cao cả của Phật Thích Ca.
Người xuất gia vì chúng sinh nơi 3 cõi gìn giữ cũng như rộng truyền chánh pháp
và đích đến của họ là sự giải thoát hoàn toàn.
Người tại gia sống đời thế tục với những ràng buộc gia đình, xã
hội, phải lao động để mưu sinh. Người tại gia chưa ý thức hoặc chưa nhàm chán
sinh tử luân hồi, ở nơi bể khổ mà vẫn cảm nhận sự vui thú, đem lòng ưa thích,
không muốn lìa xa. Thế nên đích đến của người tại gia không là sự giải thoát
hoàn toàn.
Đứng trước một đối tượng còn lắm mong cầu, đam mê bản ngã với tham
sân si mạn nghi, với việc thỏa mãn vui thú dục vọng, tiền tài, danh lợi,… chưa
từng có ý niệm rời xa những luyến ái kiếp người, tạm xem người tại gia chưa hề
có ý thức lìa xa sinh tử luân hồi như là những người còn đang mê ngủ với bia
rượu, men tình, món ngon, vật lạ… mà người thuyết giảng vắn tắt, ngắn gọi diễn
nghĩa về sự giải thoát hoàn toàn thì đâu thể xem là việc làm hợp thời, tùy
thuận. Đó chỉ là những lời hư vọng, đảo điên chứ nào phải y kinh.
Vậy nên Bát chánh đạo diễn giải cho người tại gia sẽ khác đi. Điển
hình là nội dung bát chánh đạo với đối tượng tại gia chỉ nên xoay quanh thập
thiện, làm lành, lánh dữ, cách tiết chế lòng tham, ngăn ngừa sự mê tín, cách
sống bao dung, biết vì mọi người, từ bi, bác ái,… cách sống biết buông xả, cách
giảm thiểu muộn phiền, khổ não cho bản thân, gia đình và xã hội... Yếu tố giải
thoát hoàn toàn chỉ có thể nói thoáng qua mà không cần nhấn mạnh vì việc làm
trên như thể là việc dọa dẫm, đè nén, bức bách người… Việc làm không đúng mực
đó sẽ gây phản tác dụng, tạo sự nhàm chán cũng như lập hàng rào giới hạn đạo
đời. Ngoài ra, việc làm nông nổi trên giống như là trò makerting rẻ tiền mà
những người kế thừa giáo lý của Phật Thích Ca thật không cần đến.
Một vấn đề không kém phần quan trọng là nếu đã nói đến sự giải
thoát hoàn toàn cho người tại gia thì phải nói đến tận cùng sự khách quan, rõ
ràng, mạch lạc, đúng thật. Việc làm nhằm giúp người tại gia hoàn toàn ý thức,
nhận thức được cốt lõi của vấn đề. Vấn đề chỉ là sự lựa chọn chứ không là sự
trói buộc. Thật không thể chỉ tựa nơi Bát chánh đạo, Tứ diệu đế,… chưa trình
bày rốt ráo, liễu nghĩa mà ra sức bức bách, trói cột tư tưởng con người.
Tuy nhiên, việc làm này cần tùy thuận, tránh rơi vào lạm bàn, hý
luận và cần xác định được mục đích của người đối thoại một cách rõ ràng, đúng
mực.
Chánh pháp vốn vô giá, ngàn lượng vàng chẳng thể mua nhưng chỉ quý
đối với người cần đến, hoàn toàn mất giá trị trong tay người cuồng vọng - những
kẻ tự phụ đầy lòng tham đắm, sân hận, si mê, hoài nghi,…
Vậy nên, Bát chánh đạo, Tứ diệu đế cần phải diễn giải đúng mực,
tùy thuận theo từng đối tượng. Thật không thể diễn giải một cách rập khuôn,
cứng nhắc và dựa hoàn toàn vào quyển Tự Điển Phật Học cũng như dựa vào sự chủ
quan, không chứng ngộ hoàn toàn của người giảng sư. Đó chỉ là những tài liệu
tham khảo của người học Phật, người hành giả chân chính. Và những bài viết của
tôi cũng không là ngoại lệ.
Tại sao không thể dựa vào cách diễn giải “sát sườn” của bộ Tự Điển
Phật Học?
Vì bộ Tự Điển Phật Học không do Phật Thích Ca cùng những người học
Phật đã tỏ ngộ hoàn toàn viết ra. Bộ Tự Điển Phật Học ra đời do tâm ý phân
biệt, chủ quan của con người tăng trưởng. Phần lớn công đóng góp cho sự ra đời
của bộ Tự Điển Phật Học là những học giả, những nhà nghiên cứu về đạo Phật. Có
thể nói là không có bóng dáng của một vị hành giả triệt ngộ nào góp phần làm
nên bộ Tự Điển Phật Học.
Vậy nên giá trị của bộ Tự Điển Phật Học tự có giới hạn, bộ Tự Điển
sẽ không thể nói đúng về giá trị, ngữ nghĩa của những từ mà Phật đã vận dụng,
đó chỉ có thể là sự gần đúng và chung nhất. Nhưng điều đó sẽ đồng nghĩa với
việc cách xa muôn trùng với sự thật.
Nếu những vị học giả, những nhà nghiên cứu Phật học không tự làm
hành giả hoặc mở lòng ra thì có lẽ dù trải qua thêm muôn ức chu kỳ sinh trụ dị
diệt của hành tinh xanh quyển Tự Điển Phật Học cũng chỉ là phần xác vô hồn của
đạo Phật, nó gần như vô nghĩa. Và trái tim, từ bi tâm của Phật Thích Ca theo đó
sẽ nhạt nhòa, biến dạng.
Việc dịch giải Tam Tạng kinh ở các vị học giả, hành giả dựa vào bộ
Tự Điển Phật Học một cách xơ cứng, thô ráp dẫn đến Tam Tạng kinh không lột tả
được giá trị cốt lõi về sự tồn tại một con đường giác ngộ giải thoát hoàn toàn,
không ít quyển kinh sách không liễu nghĩa trở thành những phế vật đáng vất đi.
Dù vậy người học Phật vẫn cứng nhắc tán thán, đọc tụng vì họ gọi đó là kinh
Phật.
…
Tôi đã trình bày Bát chánh đạo, Tứ diệu đế theo khuynh hướng y
kinh giành cho người xuất gia. Dường như đã không có sự hợp cơ, khế lý song
những điều tôi trình bày sẽ được phổ truyền vì vậy những người đọc sẽ có những
người học Phật chân chính một lòng cầu sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn và cả
các bậc Tăng nhân, giới xuất gia.
Thật ra vấn đề tôi trình bày xuyên suốt trong nội dung bộ sách “Sự
hiểu biết làm thay đổi nhận thức, giá trị con người” không chỉ là Bát chánh
đạo, Tứ diệu đế có ở giáo lý đạo Phật mà tôi đang nói về sự lựa chọn mỗi người
ở hai nẻo đạo đời.
Bát chánh đạo ở người xuất gia sẽ đặt ra những giới hạn mà người
tu sĩ phải nghiêm cẩn thực hiện vì đó là chọn lựa của họ. Họ đã tự nguyện chọn
lựa làm người giữ gìn và trao truyền chánh pháp, làm thầy của Trời - Người.
Vậy nên dựa vào Bát chánh đạo người đời sẽ dễ dàng nhận diện vị
Tăng bảo có hành trì đúng chánh pháp hay không? Là Chân sư hay Tà Tăng?...
Khi rõ biết sự chân ngụy nơi Tăng bảo, giáo lý Tam Tạng kinh thì
chánh pháp sẽ tự thường còn và khả dụng.
Với người tại gia thì Bát chánh đạo sẽ tùy thuận, ít buộc ràng và
hợp thời hơn. Dù vậy với chánh kiến, chánh tư duy, chánh nghiệp, chánh ngữ,… sẽ
giúp người đời có cuộc sống lợi ích, thuận hòa, bác ái,… tránh rơi vào sự cực
đoan của tham sân si mạn nghi, tà kiến,…
Thử hỏi với Bát chánh đạo, Tứ diệu đế,… mà Phật Thích Ca đã thuyết
cách nay hơn 2500 năm thì các môn khoa học, giáo dục, đạo đức, ý thức, tư duy
sống của con người ngày nay liệu có thể so bì?
Nếu con người và tri thức nhân loại có sự khách quan, đúng mực thì
phải chăng là con người sẽ phải thừa nhận “Thật sự là không có một bộ môn khoa
học hay một phương pháp tư duy vượt trội nào của nhân loại hiện nay đạt đến sự
tinh tế, đầy đủ, khách quan và cụ thể như hệ thống tri thức nơi Bát chánh đạo”?
Đời có phải là bể khổ không?
Nội dung Tứ diệu đế phải chăng đã lột tả ngắn gọn, xúc tích nhất
mọi khổ não nơi đời sống con người, nguyên nhân và cách con người thoát ra
những khổ não, phiền muộn để được tiếp xúc nhiều hơn với niềm vui, sự an lạc,
hạnh phúc. Giáo lý Phật Thích Ca đâu từng phủ nhận niềm vui thường có nơi xã
hội loài người. Không chỉ vậy ngón tay chỉ mặt trăng của Phật Thích Ca còn giúp
con người xây dựng cuộc sống tốt đẹp, nhiều niềm vui hơn thì có gì sai.
…
Chỉ vì tầm nhìn hẹp hòi, kiến thức nông cạn, tư duy kém cỏi mà loài
người mà nhất là đại diện tri thức nhân loại đã chặn đứng sự hiểu biết đúng
mực, khách quan và tổng thể của nhân loại. Rạch ròi đời đạo, nhốt giáo lý chánh
pháp vào đạo Phật, lập hàng rào cô lập với sự hiểu biết tổng thể, khách quan và
sáng rõ. Một việc làm vụng về mà chỉ cần có chút ít khách quan thì con người sẽ
tự nhận ra việc làm đó tương tự việc làm mù mắt chính mình,…
Đó là việc làm khiến tầm nhìn của con người bị giới hạn, kéo theo
sự hiểu biết, khả năng tư duy, nhận thức bị lệch lạc, rời xa sự thật, dẫn đến
vô số những sai lầm gây ra việc hủy hoại cho chính loài người và sự sống.
Loài người với thói quen tự phụ hơn người để rồi trở nên kém cỏi
vô cùng. Cứ xem như không có yếu tố hư huyền, sự tồn tại của thế giới tâm linh
vô hình thì giáo lý nơi Bát chánh đạo, Tứ diệu đế vẫn còn rất nhiều điều để con
người và tri thức ngày nay ra sức tham cứu, học hỏi, tin nhận và vận dụng.
Chết là hết chăng? Hay chính trong lòng của giới khoa học và những
người theo trường phái duy vật biện chứng vẫn còn đang hoài nghi, không rõ
biết? Lòng họ còn nhiều bất an và bấn loạn, họ vẫn chưa muốn chết, họ vẫn còn
nhiều việc phải làm, cần làm, họ cần có thêm nhiều thời gian,…
Sau cùng, đứng trước giờ phút sinh tử họ níu kéo, họ hoang mang
“Chết ta sẽ về đâu?”,… Vì vậy mà họ không dễ dàng “Chết là hết”, họ vẫn còn tồn
tại trong lưới luân hồi sinh tử với vô vàn mắc xích nhân duyên, nghiệp quả
chằng chịt trả vay.
Và… nếu một ngày nào đó trái đất bị hoại diệt mau chóng bởi lòng
tham vô đáy, sự si mê không cùng,… của con người thì đó là cộng nghiệp của toàn
nhân loại. Quả gây nên sự phá hủy, tàn hoại hành tinh xanh không chỉ do nhân là
lòng tham, sự si mê, tâm hoài nghi, lòng tự phụ,… của một số ít người hay chỉ 1
thế hệ mà đó là tổng hợp tất cả sự yếu kém, non nớt, bạc nhược,… và ích kỷ ở số
đông loài người và trải qua rất nhiều thế hệ. Một khi loài người đồng thuận và
chấp nhận cùng gieo nhân xấu thì việc cùng nhận quả đắng âu cũng là lẽ thường.
Chết chùm rồi lại cùng ra sức góp nhặt, tích lũy, dựng xây là những việc làm
còn mãi nơi ý thức, nhận thức, tư duy ở loài người và chúng sinh nơi 3 cõi.
Không sao cả! Điều này hoàn toàn đúng với sự thật “Điểm kết thúc từ nơi khởi
đầu”.
…
Tại sao tầm nhìn, khả năng nhận thức, tư duy của con người cách
nay những hơn 2500 năm lại có sự vượt trội, hơn hẳn người đương thời?
Phải chăng sự hiểu biết của con người đã bị lỗi ở nơi tư duy, nhận
thức và tri thức chủ quan, giới hạn? Phải chăng “Chết là hết” đã tạo ra sự tụt
hậu tri thức nhân loại?
…
Giá như người đời, đại diện tri thức nhân loại, giới quản lý xã
hội có đủ sự khách quan, tầm nhìn, nhận thức, tư duy đúng mực về giá trị đạo
Phật, về Bát chánh đạo, Tứ diệu đế,… thì xã hội loài người đâu dễ trải qua mấy
phen suýt hoại diệt với đau khổ, hận thù, chiến tranh, nước mắt, hơn thua, được
và mất...
Nếu không có một giáo lý chánh pháp giúp con người nhận ra chân
tướng vạn pháp, sự tồn tại mê lầm bản ngã trong mỗi con người thì sự hỗn mang,
cuồng loạn nơi xã hội loài người hiện nay sẽ về đâu và làm sao cứu vãn sự tồn
tại của hành tinh xanh trước lòng tham không đáy của loài người chưa đủ đầy
hiểu biết?
Làm sao đối trị lòng tham, sự si mê, sân hận, hoài nghi, kiêu mạn
và chủ nghĩa thực dụng đang tăng trưởng vượt mức trong lòng con người trên phạm
vi thế giới?
Biến đổi khí hậu toàn cầu, băng sẽ tan, dịch bệnh bùng phát, chiến
tranh leo thang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, sự áp bức, bất công vượt mức ở mọi
hình thái xã hội,… có cội nguồn từ nơi đâu?
Lòng tham, sự si mê, thù hận, tự phụ rởm đời,… do sự hiểu biết bị
giới hạn, bị ngăn che bởi vật chất, sự chủ quan, duy ý chí với nguồn tri thức
mê lầm.
Có lẽ phổ truyền chánh pháp chân thật đúng nghĩa ẩn tàng nơi Tam
Tạng kinh sẽ là giải pháp không dễ thay thế, không thể thay thế của loài người
đương đại. Sự hiểu biết của loài người cần chạm đến sự hiểu biết tổng thể,
khách quan, xuyên suốt 3 thời - Quá khứ, hiện tại, vị lai và cả 3 cõi, 6 đường
để mỗi người sẽ tự có sự chọn lựa đúng lúc, hợp với lòng mình.
Nếu vẫn tiếp tục che mờ sự hiểu biết khách quan, tổng thể, sáng rõ
bằng sự tự ti, bạc nhược, yếu đuối, chủ quan, hẹp hòi, phiến diện và cục bộ thì
đó đã là chọn lựa nhân loại. Loài người đã chọn lựa lối đi tiến vào Kỷ Nguyên
Đổ Nát Hoàn Toàn Và Tàn Hoại Hành Tinh Xanh.
Không sao cả. Chẳng ai bị mất đi. Tất cả chỉ là sự bắt đầu lại. Từ
chút một mỗi tâm ý sự sống chưa phá bỏ cái tôi thường tại sẽ lần dò tìm kiếm,
góp nhặt lại hình hài, vóc dáng, cảm giác, tri giác, sự hiểu biết và cả sự đau
khổ lẫn niềm vui,…
Lẽ ra con người nên có đủ sự hiểu biết cho chọn lựa của chính
mình. Nếu những ai tình cờ biết đến một sự chọn lựa thì có lẽ hãy nên chọn lựa
lối đi cho riêng mình. Vòng quay luân hồi nơi hành tinh xanh sẽ không ngừng và
mỗi một tâm ý sự sống luôn tiếp tục trôi lăn cho đến khi nhận diện và ý thức về
sự dừng lại.
Trong mỗi quá trình góp nhặt hình hài, nhất là việc góp nhặt từ
bụi vũ trụ thì đó là một quá trình dài đăng đẳng, đầy lao nhọc, gian truân và
có cả yếu tố khổ não, muộn phiền. Tuy nhiên, đó chỉ là một cuộc chơi mà mỗi
người tự chọn lựa cho chính mình những vòng tròn huyễn hoặc, kỳ bí,… Và những
vòng tròn sinh tử cứ quay mãi cho đến khi mỗi tâm ý sự sống ý thức đến sự dừng
lại và tìm được cách phá vỡ sự vô minh, sự hiểu biết không đúng thật về vạn
pháp, về cái tôi thường tại.
…
Việc diễn giải Bát chánh đạo, Tứ diệu đế tôi đã phần nào khôi phục
lại bản gốc thời hơn 2500 năm về trước. Hiển nhiên là việc diễn giải sẽ không
được vẹn toàn như thật nhưng chí ít việc làm đó sẽ mở lối cho việc dịch giải
kinh điển phóng khoáng, mạch lạc, tùy thời và khế hợp hơn.
Chỉ bằng vào việc loại bỏ yếu tố hư cấu, huyền hoặc, bí ảo,… nơi
Tam Tạng kinh thì mỗi người sẽ tự nhận diện được giá trị đúng mực, sáng rõ của
giáo lý chánh pháp. Một khi nhận diện được ngón tay chỉ mặt trăng thì mỗi người
sẽ rõ biết về con đường đạt đến sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Khi nắm bắt
được sự thật có nơi Tam Tạng kinh thì mỗi người sẽ tự chọn lựa cho mình một lối
đi phù hợp và khách quan.
…
Tôi không hề có ý định diễn giải lại Tam Tạng kinh. Tôi biết sự
vụng về, kém trí của cá nhân sẽ không tương hợp với vai trò của một học giả.
Tôi càng không hão huyền mơ tưởng vị trí của một hành giả, tôi thật khá lắm
điều nên không hợp làm hành giả đúng nghĩa.
Tôi chỉ tạm xem mình như là một người khách. Là một người khách,
tôi sẽ có đến và đi. Nếu có sự tương hợp, hữu duyên thì tôi sẽ trả lời những
điều mà bạn chưa rõ ở cả hai nẻo đạo đời, nhất là khi bạn đặt ra những câu hỏi
về những vấn đề cần biết. Tôi sẽ không mãi làm một nghệ sĩ cô độc, kém cỏi vừa
hát, vừa đánh đàn. Tôi sẽ dừng lại khi nhận ra cung đàn lạc điệu hoặc bản tình
ca đã chạm đến những giai điệu cuối.
Đồng thời, tôi cũng sẽ là một người chủ. Là người chủ, tôi sẽ đến
đi như chưa từng đến đi. Đây cũng là kiếp sống cuối cùng của tôi trong vai diễn
là một người khách. Mai này, đoạn đời còn lại dù tại thế hay xuất gia, dù làm
gì hay ở đâu thì tôi cũng sẽ tự chấm hết những vòng tròn bí ảo đã bao lần cột
trói chính tôi trên muôn nẻo đạo đời nơi 3 cõi 6 đường.
Cả đời tôi hoặc chí ít là cho đến thời điểm hiện tại tôi thật sự
không hề lo sợ sự hiểu biết của tự thân kém cỏi hơn người. Nếu có người đạt sự
hiểu biết về 3 cõi, 6 đường, quy luật luân hồi và cách thức thoát khổ, giải
thoát hoàn toàn vượt trội hơn tôi thì thật là tốt. Ngọn đuốc chánh pháp của
Phật Thích Ca đã có người gìn giữ và khêu sáng. Nếu điều đó xảy ra thì nhân
loại, muôn loài và hành tinh xanh đã được cứu.
Tôi thật sự rất trân trọng và thầm cảm ơn những người bạn đã dùng
sự hiểu biết khách quan, tổng thể soi rọi, xét lại tính đúng mực, tính khả dụng
của giáo lý Tam Tạng kinh. Và… vì giá trị chánh pháp, từ bi tâm của Phật Thích
Ca, sự hỗn độn, cuồng loạn, đảo điên, mất phương hướng ở loài người hiện nay mà
phổ truyền lan tỏa sự hiểu biết và sự thật về con đường giác ngộ giải thoát
hoàn toàn.
Điều quan trọng hơn cả là nếu bạn nhận ra chút ít giá trị nơi Tam
Tạng kinh thì bạn hãy sống với điều đó.
Phải chăng với Bát chánh đạo, Tứ diệu đế,… thì Bước ngoặc lịch
sử nơi sự hiểu biết khách quan, sáng rõ, tổng thể và đúng mực của nhân loại đã
được khai mở cách đây những hơn 2500 năm?
Bài liên quan
- “Khai quan điểm nhãn” (P.3)
- “Khai quan điểm nhãn” (P.2)
- “Khai quan điểm nhãn” (P.1)
- Chọn lựa tích cực của Phật Thích Ca ngay sau ngày thành đạo…
- Giác giả Thích Ca ra đời là điều tất yếu
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết (P.3)
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết (P.2)
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết! (P.1)
- Tri kiến mê lầm ở các hệ phái đạo Phật xưa nay
- Luận tội các vị Tổ khai Tông ở các Tông giáo có gốc tích đạo Phật
- Làm thân Phật chảy máu - Phá hòa hợp Tăng
- Phương Đông hủy diệt đạo Phật
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét