Một nguyên nhân khác khiến cho đạo Phật bị lu mờ
Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2018
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chánh pháp có nơi giáo lý đạo
Phật bị mai một điển hình là:
- Một là do nhận thức, tư duy nhân loại bị chi phối bởi định kiến
“Chết là hết”, đây là định kiến do giới khoa học và trường phái chủ nghĩa duy
vật, đại diện hàng đầu của tri thức nhân loại ngày nay đã từng có lúc chủ quan
mặc định xác nhận.
- Hai là lối sống của con người ngày càng trở nên thực dụng đến
nghiệt ngã, do vậy nên con người ngày nay có xu hướng hướng ngoại, việc hàm
dưỡng nội tâm bị xem nhẹ nên đời sống tâm linh cũng thiếu sự sáng rõ, đúng mực.
- Ba là do người học Phật và người truyền nối pháp Phật vì vô minh
đã khiến cho giáo lý đạo Phật đánh mất tính thực tiễn, sự khả dụng.
…
Xét lại tính thực tiễn, sự khả dụng của giáo lý Tam Tạng kinh.
Mục đích chính yếu rốt ráo của những lời Giác giả Thích Ca truyền
đạt là nhằm vào hai vấn đề then chốt. Đó là sự thoát khổ và giải thoát khỏi
luân hồi.
Người học Phật và người truyền pháp ngày nay ban đầu tìm đến đạo
Phật có thể cũng vì những mục đích tối hậu đó, một số khác tìm đến đạo Phật
nhằm thỏa mãn sự hiểu biết, việc học hỏi trí tuệ có nơi giáo lý đạo Phật. Tuy
nhiên, trải qua một khoảng thời gian người học Phật dần quên đi mục đích ban
đầu khi tìm đến đạo Phật mà rơi vào thế giới siêu hình, huyễn hóa hoặc sa ngã
vào sự hiểu biết sai lạc, việc tầm thường hóa đạo Phật. Đó là hai trạng thái
cực đoan mà người học Phật ngày nay thường mắc phải.
Trường hợp thứ nhất:
Do tham cứu kinh điển Phật giáo được dịch giải không liễu nghĩa,
việc dịch giải do bởi các vị học giả, các nhà nghiên cứu Phật học. Những bộ
kinh được dịch thuật đượm màu yếu tố huyền học, thần thông, bùa chú. Do sự tạp
nhiễm tư tưởng ở các hệ thống tín ngưỡng tôn giáo khác mà người dịch giải đã
chuyển thể lời Phật Thích Ca thuyết thành một loại kinh sách lai căng huyền
hoặc, huyễn hóa. Điều đáng tiếc là người học Phật, người đời từ xưa đến nay vốn
đã tạp nhiễm lâu xa giáo lý các tôn giáo khác nên đã khế hợp với những điều
huyền hoặc, siêu hình, lấy ngụy làm chân. Từ đó mà giá trị chánh pháp có ở Tam
Tạng kinh bị khuất lấp và người học Phật dần quên đi mục đích tìm đến đạo Phật
ban đầu. Về sau, người học Phật xa rời mục đích cứu cánh chánh pháp đã góp phần
xiểng dương những điều huyễn hóa, hoang đường nơi các cõi giới vô hình, người
học Phật rơi vào việc lạm bàn, hý luận về những điều mà họ hoàn toàn không rõ
biết, họ đắm chìm trong tà kiến ngoại đạo. Đạo Phật vì thế mà trở nên là một
tôn giáo chứa đựng những điều mê tín dị đoan.
Trường hợp thứ hai:
Người học Phật, hành giả học Phật vì không triệt ngộ nên không thể
lý giải những điều huyền hoặc, họ cũng không thể thâm nhập, lĩnh hội các cõi
giới vô hình nên đã lờ đi hoặc tránh né việc trả lời những vấn đề liên quan đến
các cõi giới khác, chuyện tiền kiếp, hậu kiếp. Viện dẫn việc Phật không trả lời
những câu hỏi không đúng thời như “Vũ trụ là hữu biên hay vô biên? Thời gian là
hữu hạn hay vô hạn?” người học Phật đã khéo léo che đậy góc khuất về sự hiểu
biết của tự thân, đó cũng chính là nguyên nhân khiến vị hành giả không thể
triệt ngộ vạn pháp.
Giác giả là người thông đạt vạn pháp nên các cõi giới hữu hình, vô
hình đều rõ biết. Việc trả lời hay không trả lời câu hỏi của người tham vấn chỉ
là sự tùy thời, nếu đã đúng thời thì không có điều gì là không thể nói rõ.
Dòng truyền thừa Phật giáo nguyên thủy vì không có hành giả triệt
ngộ nên dùng thiền minh sát - Vipassana để truyền dạy học nhân, tương tự như
vậy Thiền tông cũng dùng sự Tỉnh thức, thường sống tiếp xúc với hiện tại để
trói cột tư tưởng người học Phật khiến họ không tìm về quá khứ, không vọng đến
tương lai nhằm khóa chặt những câu hỏi mà với người truyền pháp là có sự buông
lung, điên đảo muốn tham vấn, tranh biện đồng thời cũng là những câu hỏi mà
chính họ cũng không có câu trả lời đúng mực sau cùng.
Tuy nhiên, việc dính mắc vào những điều siêu hình, huyễn hóa ở các
cõi giới vô hình là việc học Phật rơi vào biên kiến; việc sống tỉnh thức, minh
sát ở hiện tại cũng lại là biên kiến Đoạn kiến. Người học Phật mà rơi vào biên
kiến thì khó mong chứng ngộ hoàn toàn do vậy mà đã từ lâu nơi giáo đoàn Phật
học không hề có Giác giả ra đời. Giới Tăng bảo bị rơi vào biên kiến nẻo Đạo nên
việc giác ngộ giải thoát hoàn toàn vốn tự có chướng ngại nhất là khi không có
Giác giả hộ pháp trợ duyên.
Do sự hiểu biết bị giới hạn nên người truyền pháp ở đạo Phật đã
đặt chánh pháp vào hiện trạng Đoạn kiến, sống với hiện tại. Đạo Phật ra đời
không trụ nơi Đoạn kiến mà hiện tồn cả 3 thời - quá khứ, hiện tại, vị lai với 3
cõi 6 đường mà không có sự ngăn ngại. Nếu không có sự tồn tại khách quan, đúng
mực của các cõi giới vô hình thì Phật Thích Ca đã không dấn thân trao truyền
chánh pháp nhãn tạng Như Lai, giáo lý Tam Tạng kinh sẽ không thành hình. Bởi
vậy cho nên việc các dòng thiền với Minh sát, Tỉnh thức vì muốn che mắt người
học Phật đã tự cô phụ trí tuệ bát nhã của chính mình.
Ngược lại, việc học Phật cũng không nhằm vào việc tìm hiểu, nắm
bắt các cõi giới vô hình, dính mắc vào những điều huyền hoặc, huyễn hóa mà
chính sự tồn tại của tự thân lại không rõ biết. Rơi vào biên kiến lấy đó bỏ
đây, vọng ngoại tìm cầu thì biết đến bao giờ người học Phật vô minh mới có thể
tri kiến Phật?
Chính do dính mắc Thường kiến, Đoạn kiến mà người học Phật, người
truyền pháp đã làm mai một giá trị chánh pháp ẩn tàng trong pho Tam Tạng kinh.
Thật ra khi Phật Thích Ca hay Giác giả thuyết pháp thì đó là lý
trung đạo, có người hỏi có kẻ đáp. Nhưng khi trùng tuyên hay kết tập kinh điển
thì sự đã rơi vào biên kiến hoặc nhị nguyên. Rồi lại đem giáo lý nhị nguyên
nhốt vào hệ thống tôn giáo, đạo Phật thì Tam Tạng kinh đã nằm gọn vào biên
kiến. Khi thuyết pháp, giảng giải pháp yếu thì vị đạo sư sẽ lại dùng biên kiến
để truyền thừa. Nếu vị đạo sư là hành giả chứng ngộ đúng mực tự sẽ có cách
chuyển giáo lý đạo Phật từ biên kiến trở về trung đạo. Ngược lại, nếu vị đạo sư
chỉ là học giả Phật học thì việc giảng giải pháp Phật khó thể thoát ra ngoài
nhị nguyên. Tuy nhiên, muốn thuyết giảng giáo lý đạo Phật vượt khỏi nhị nguyên
đạt sự bất tư nghị giải thoát là một điều rất khó khăn đối với một hành giả
không triệt ngộ.
Vì sao?
Vì giáo lý Tam Tạng kinh từ lâu đã rơi vào biên kiến - Đạo Phật.
Ngay cả những vị Tổ Thiền tông chứng ngộ pháp vô sanh vẫn phải
chịu hạn cuộc vào biên kiến - Đạo Phật và cùng với sự tùy duyên các vị Tổ đã
góp phần khiến chánh pháp bị mai một trong khối giáo lý hỗn độn đạo Phật. Những
vị Tổ vì đi trong Phật đạo, biên kiến - Đạo Phật mà không thể làm bừng sáng
ngọn đuốc chánh pháp nơi phạm vi nhân loại. Do vậy mà việc xuất hiện Giác giả
ra đời rồi nhập thế kể từ sau khi Phật Thích Ca nhập diệt là rất hiếm hoi.
Bài liên quan
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết (P.3)
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết (P.2)
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết! (P.1)
- Tri kiến mê lầm ở các hệ phái đạo Phật xưa nay
- Luận tội các vị Tổ khai Tông ở các Tông giáo có gốc tích đạo Phật
- Làm thân Phật chảy máu - Phá hòa hợp Tăng
- Phương Đông hủy diệt đạo Phật
- Phương Tây khám phá đạo Phật
- Giải mã đạo Phật
- Chọn lựa của nhân loại
- Đơn nghiệp - Cộng Nghiệp
- Bồ tát - Thanh văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét