Đơn nghiệp - Cộng Nghiệp
Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2018
Mỗi một con người, mỗi một chúng sinh, mỗi một tâm ý sự sống đều
mang nơi tâm thức vô số những nhân duyên, nghiệp quả vay trả - trả vay từ rất
lâu xa và cứ thế trôi lăn mãi nơi lưới mộng luân hồi với vô vàn buồn vui, hơn
thua, được mất.
Và trong khối tâm thức hỗn độn nơi mỗi tâm ý sự sống luôn tồn tại
một niềm mong mỏi không khổ não, không tử sinh - việc giải thoát hoàn toàn.
Song cuộc sống, sự sống với những ràng buộc, dính mắc cùng vô minh mà mỗi tâm ý
sự sống thoạt nhớ, thoạt quên sự giải thoát hoàn toàn. Cùng với đơn nghiệp,
cộng nghiệp những dòng tâm thức sự sống cứ trôi lăn vô định; một số tâm thức
đối diện với khổ não, tử sinh cảm thấy sự nhàm mỏi, chán chường; Song đa số tâm
thức khác do mãi mê hướng ngoại với những điều kỳ vọng huyễn hóa cơ hồ đã quên
đi việc khổ não tử sinh nhưng rồi khi đối diện với vô thường thì nội tâm bấn
loạn, hoang mang “Chết là hết” và “Ta sẽ chết, thật đáng sợ. Ta không muốn điều
đó sẽ xảy ra với Ta, với người thân của Ta” nhưng làm sao có thể dừng được vòng
quay sinh tử?
Vì lẽ đó trong nhân loại sẽ có, luôn có một dòng tâm thức tìm về
sự giải thoát hoàn toàn. Đa số những tâm ý sự sống sẽ tìm đến các hệ thống tôn
giáo nhằm lần về sự giải thoát hoàn toàn. Những người học Phật sẽ tìm đến đạo
Phật nhưng vì bị lưới vô minh bủa vây họ hoang mang, bất định với đơn nghiệp và
cộng nghiệp.
Đơn nghiệp là duyên nghiệp, quả nghiệp, nhân nghiệp nơi mỗi người.
Khi đã mang thân người hay tồn tại ở một dạng chúng sinh bất kỳ nào đó thì ta
sẽ dính mắc, ràng buộc bởi đơn nghiệp. Đơn nghiệp do mỗi tâm ý sự sống đã từng
tạo ra từ rất nhiều kiếp sống lâu xa cùng với những nhân duyên kiến tạo ở kiếp
hiện tại. Người học Phật vì muốn giải thoát hoàn toàn họ sẽ phải hóa giải những
duyên nghiệp mà họ đang bị ràng buộc, cột trói.
Với những người học Phật một lòng tìm về sự giải thoát hoàn toàn
song lại có định lực yếu kém khó thể đối mặt với Tham sân si mạn nghi, do rõ
biết những người học Phật đó chẳng đủ khả năng thọ trì pháp môn đại thừa nên
Phật Thích Ca bày ra phương tiện khéo - việc “Cắt ái, ly gia”. Vậy nên từ đó
việc “Cắt ái ly gia” được phổ truyền cho giới xuất gia học Phật. Pháp phương
tiện “Cắt ái ly gia” mà Phật Thích Ca áp dụng cho giới xuất gia có công năng
đoạn dứt các duyên thường ràng buộc ở người học Phật căn cơ thấp, định lực
mỏng, nội tâm yếu kém.
Vậy nên việc “Cắt ái ly gia” là trợ duyên giúp cho người học Phật
tiến đến sự quyết liễu thoát sinh tử; Việc “Cắt ái ly gia” chưa từng là cứu
cánh của sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn.
Khi Phật Thích Ca còn tại thế thì việc chấp nhận cho người học
Phật xuất gia được thực hiện khi người đó ít nhiều rõ biết về giáo lý đạo giác
ngộ giải thoát và người học Phật sẽ được xuất gia khi xác định rõ đích đến mà
họ mong mỏi là sự giải thoát hoàn toàn. Người học Phật khi xác định rõ đích đến
là sự giải thoát hoàn toàn và hội đủ duyên thì mới được nhận vào giáo đoàn khất
sĩ. Việc “Cắt ái ly gia”, việc không lưu trú cố định ở một trú xứ chính là nhằm
vào mục đích giảm trừ các duyên ràng buộc, đoạn lìa nghiệp tương tục và việc
khất thực tuần tự thứ lớp, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn là nhằm vào
việc phá ngã ở người học Phật theo lối Thanh văn.
Do việc “Cắt ái ly gia” không hề là cứu cánh của đạo giác ngộ giải
thoát nên Phật không từng thiết chế giới luật “Cắt ái ly gia” cho người học
Phật. Với những người học Phật có pháp khí đại thừa Phật Thích Ca không từng
dùng việc “Cắt ái ly gia” để hạn cuộc họ, mọi sự tùy duyên.
Ngày nay, vì không rõ chánh pháp nên đã có ít nhiều sự hiểu lầm
nơi định kiến nhân loại - người học Phật nhất thiết phải “Cắt ái ly gia”, một
sự hiểu biết sai lạc đã từng khiến giá trị chánh pháp có nơi giáo lý đạo Phật
mất đi tính thực tiễn và sự khả dụng.
Nguyên nhân của việc bày phương tiện khéo “Cắt ái ly gia” ở vị
Giác giả Thích Ca là vì người học Phật căn cơ bậc hạ dễ bị trói nơi đơn nghiệp
và cộng nghiệp. Việc dính mắc đơn ngiệp - cộng nghiệp sẽ khiến người học Phật
thường rơi vào tâm thái khổ não, lo toan; Người học Phật mà tâm không định sẽ
khó thể chứng ngộ việc liễu thoát sinh tử. Việc học Phật chỉ thành tựu pháp vô
sanh khi người học Phật phá ngã thành công trong khi con người lại thường trói
vào ngã - cái tôi, ngã sở - cái của tôi. Một số người học Phật có thể hành trì
ngỡ như không dính mắc ngã - cái tôi nhưng lại bị trói nơi cái của tôi - ngã
sở. Sau rốt tương tác với duyên nghiệp thì người học Phật sẽ lại dính mắc bản
ngã, việc liễu thoát sinh tử ở người học Phật đó vì thế bị chặn đứng.
Với những người học Phật thượng căn có pháp khí đại thừa, hành bồ
tát đạo một khi sáng rõ chánh pháp thì tùy duyên tiêu nghiệp cũ; Ái dục, tham
luyến, quyến thuộc,… nơi hiện kiếp không là chướng ngại đủ sức trói buộc chí
xuất thế của người đã chứng ngộ pháp vô sanh, thâm nhập tận cùng lý sự vô
thường.
…
Cộng nghiệp là những tác động chung, cộng nghiệp có sự chi phối
đến đơn nghiệp mỗi người. Ở tầm nhìn tổng thể, khách quan, sâu rộng tri thức
nhân loại sẽ dễ dàng nhận ra “Trong cái một có cái tất cả, trong cái tất cả có
cái một” do vậy cộng nghiệp của mỗi tâm ý chúng sinh cũng không đơn thuần dừng
lại ở những mối quan hệ huyết thống gần gũi trong gia đình mà dính mắc đến mọi
tổ chức, cộng đồng, đất nước, xã hội con người và đến cả nhân loại, mọi loài,
mọi sự vật hiện tượng. Thực tế là tác động của mỗi người ít nhiều đều tương tác
đến với tất cả và ngược lại.
Cụ thể là với những xung đột vũ trang ở khắp nơi trên thế giới
hiện nay và đến một lúc nào đó sự xung đột vượt giới hạn, một vài quả bom hạt
nhân được kích nổ phải chăng vấn đề ảnh hưởng sẽ không dừng lại ở một vài quốc
gia lân cận?
Và phải chăng với những xáo trộn ở cuộc di dân Châu Âu đã ảnh
hưởng lan rộng vượt ra ngoài phạm vi của một Châu lục và sẽ gây ra những tác
động có tính hệ lụy lâu dài?
Chiến tranh, xung đột vũ tranh, xung đột tôn giáo, sắc tộc, thiên
tai, dịch bệnh, ngành công nghiệp,… đang ảnh hưởng khắp mọi ngóc ngách nơi xã
hội loài người. Băng tan, động đất, núi lửa, sóng thần, bão tố, biến đổi khí
hậu, trái đất nóng lên,… đó là kết quả của cộng nghiệp nhân loại và cả loài
người cùng muôn loài đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự hiểu biết sai lầm có
tính kế thừa nơi tri thức, nhận thức nhân loại.
Nếu vẫn tiếp tục dấn thân xây dựng xã hội loài người dựa trên nền
tảng sai lầm hiện nay thì nhân loại sẽ về đâu? Sự sống nơi hành tinh xanh này
liệu sẽ có thể tồn tại được bao lâu nữa khi mà chủ nghĩa thực dụng đang nhấn
chìm giá trị con người nơi mỗi con người?
Nếu trái đất nổ tung hay trở thành một hành tinh chết liệu còn có
ai, có tâm ý sự sống nào còn lại nơi nấm mồ của cộng nghiệp nhân loại?
Nếu người học Phật không sáng rõ việc liễu thoát sinh tử sẽ tiếp
tục trôi lăn và cùng với tâm ý những chúng sinh vô minh đi nhặt nhạnh, gom góp
hình hài, thân xác trải qua hành tỷ, hành tỷ tỷ năm tương tục. Đó là cộng
nghiệp nhân loại đã ảnh hưởng đến đơn nghiệp của mỗi người, mỗi loài.
…
Nếu tri thức nhân loại sớm nhận diện được sự hiểu biết đúng mực,
khách quan, sáng rõ thì hẳn là việc duy trì sự sống nơi hành tinh xanh sẽ được
kéo dài thêm. Tất nhiên là sẽ không có việc trái đất này không bao giờ tàn hoại
nhưng nếu con người biết đến và sống đúng mực với chánh pháp thì xã hội
loài người sẽ dần tiến đến sự hài hòa, tiến bộ, bác ái; Chiến tranh, thù hận,
xung đột giết chóc đồng loại sẽ giảm thiểu nơi nhân loại, xã hội loài người sẽ
an toàn, văn minh hơn.
Hành tinh xanh còn tồn tại thì việc liễu thoát sinh tử cho dòng
tâm ý sự sống nhàm chán sinh tử sẽ có thêm nhiều cơ may. Và trên tất cả là xã
hội con người sẽ giảm thiểu sự khốn cùng, hỗn độn, rối ren khi giá trị con
người hiển lộ.
Do vậy… Nên chăng con người khi tìm đến đạo Phật và nhận ra chánh
pháp thì hãy vì nhau ra sức nâng cao ngọn đuốc chánh pháp, trả tri thức đúng
mực, khách quan về sự tồn tại dòng lưu chuyển tâm ý sự sống cho sự hiểu biết
nhân loại, là việc làm có tính chất cứu cánh, sống còn đối với sự tồn tại hay
tàn hoại của hành tinh xanh. Đây là đơn nghiệp ảnh hưởng, chi phối lại cộng
nghiệp nhân loại.
Bài liên quan
- Tri kiến mê lầm ở các hệ phái đạo Phật xưa nay
- Luận tội các vị Tổ khai Tông ở các Tông giáo có gốc tích đạo Phật
- Làm thân Phật chảy máu - Phá hòa hợp Tăng
- Phương Đông hủy diệt đạo Phật
- Phương Tây khám phá đạo Phật
- Giải mã đạo Phật
- Chọn lựa của nhân loại
- Bồ tát - Thanh văn
- Huyền môn và đạo Phật
- Một nguyên nhân khác khiến cho đạo Phật bị lu mờ
- Hóa giải thâm cừu, đại hận giữa các hệ phái đạo Phật
- Tam Tạng kinh do ai thuyết?
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét