Phẩm Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát
Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018
Lúc bấy giờ, ngài Xá lợi phất nhìn thấy trong nhà trưởng giả Duy
ma cật trống không nên khởi nghĩ “Các vị Bồ tát cùng mọi người sẽ biết ngồi nơi
đâu mà nghe pháp thoại?”
Trưởng giả Duy ma cật biết ý liền nói với ngài Xá lợi phất:
- Thế nào? Nhân giả vì pháp mà đến hay vì chỗ ngồi mà đến?
Ngài Xá lợi phất đáp:
- Thưa cư sĩ! Tôi vì pháp chứ không phải vì giường ngồi.
Trưởng giả Duy ma cật nói:
-
Thưa ngài Xá lợi phất! Người cầu chánh pháp đến thân mạng còn không tham tiếc,
huống chi là chỗ ngồi. Thêm nữa, người học Phật không phải trụ nơi sắc - thọ -
tưởng hành - thức hay Tam giới - dục giới, sắc giới, vô sắc giới, lại
cũng không phải rời nơi sắc - thọ - tưởng
hành - thức hay Tam giới - dục giới, sắc giới, vô sắc giới mà cầu chánh
pháp.
- Thưa ngài Xá lợi phất! Người cầu pháp không nên đắm nhiễm nơi
Phật bảo mà cầu pháp, không nên đắm nhiễm nơi Pháp bảo mà cầu pháp, không nên
đắm nhiễm nơi Tăng bảo mà cầu pháp. Lại nữa, người cầu pháp không nên vì thấy
khổ mà cầu, không nên vì muốn rõ sự sinh diệt mà cầu, cũng không nên vì chứng
triệt ngộ, đắc đạo mà cầu pháp. Vì sao? Vì pháp không hý luận. Nếu nói ta phải
thấy sự khổ, sự sinh diệt, việc chứng ngộ, đắc đạo,… đó là hý luận không phải
cầu pháp. Thưa ngài Xá lợi phất! Pháp là tịch diệt, nếu thực hành pháp sinh
diệt là cầu pháp sinh diệt, không phải cầu pháp. Pháp là không nhiễm tịnh, nếu
chấp có pháp, có Niết bàn thọ dụng, đó là nhiễm đắm không phải cầu pháp. Pháp
không chỗ làm, nếu lập thành pháp, đó là chỗ làm không phải cầu pháp. Pháp
không nắm giữ, nếu nắm giữ pháp, đó là việc nắm giữ không phải cầu pháp. Pháp
không xứ sở, nếu chấp trước xứ sở, đó là chấp trước nơi xứ sở không phải cầu
pháp. Pháp không có tướng, nếu nhân tướng mà biết, đó là cầu tướng không phải
cầu pháp. Pháp không chỗ trụ, nếu trụ nơi pháp, đó là trụ nơi pháp không phải
cầu pháp. Pháp không phải thấy nghe hay biết, nếu tựa nơi thấy nghe hay biết,
đó là thấy nghe hay biết không phải cầu pháp. Pháp là vô vi, nếu làm hữu vi là
cầu hữu vi không phải cầu pháp. Vì thế, thưa ngài Xá lợi phất! Người cầu pháp
đối với tất cả pháp đều không có chỗ mong cầu.
Khi Trưởng giả Duy ma cật nói lời ấy rồi, năm trăm vị chư Thiên ở
trong pháp hội được Pháp nhãn thanh tịnh.
Bấy giờ, trưởng giả Duy ma cật hỏi ngài Văn Thù Sư Lợi:
- Thưa ngài Văn Thù Sư Lợi! Ngài du hành qua vô số hà sa cõi nước
và nhận thấy cõi Phật nào có những bảo tòa tuyệt đẹp được trang nghiêm bởi vô
lượng công đức vi diệu mà thành tựu?
Ngài Văn Thù Sư Lợi nói:
- Thưa cư sĩ! Về phương đông cách đây hơn ba mươi sáu lần số cát
sông Hằng cõi giới, có cõi nước tên là Tu Di Tướng, Đức Phật hiệu là Tu
Di Đăng Vương, hiện vẫn còn. Thân Phật cao tám muôn bốn ngàn do tuần, bảo tòa
cũng cao tương ứng, đây là những bảo tòa sư tử được trang nghiêm tuyệt đẹp vô
cùng.
Lúc ấy, trưởng giả Duy ma cật hiện sức thần thông, tức thời Phật
Tu Di Đăng Vương ở cõi nước Tu Di Tướng điều khiển ba vạn hai ngàn bảo tòa sư
tử cao rộng, trang nghiêm thanh tịnh đến trong nhà trưởng giả Duy ma cật. Các
vị Bồ tát, đại đệ tử, Đế Thích, Phạm thiên, Tứ thiên vương tất cả đều thấy được
việc xưa nay chưa từng thấy.
Nhà trưởng giả Duy ma cật dung chứa cả ba vạn hai ngàn bảo tòa
rộng lớn mà lại không có sự chật hẹp, thành Tỳ da ly cho đến bốn phương cõi
Diêm Phù Đề cũng không bị ép lấn, tất cả đều vẹn nguyên.
Trưởng giả Duy ma cật mời ngài Văn Thù Sư Lợi và các Bồ tát an vị
nơi bảo tòa, song tất cả phải hiện thân hình tương ưng với bảo tòa rộng lớn.
Các Bồ tát có sức tự tại liền biến hiện thân hình cao bốn muôn hai ngàn do tuần
đến ngồi nơi bảo tòa, còn các Bồ tát mới phát tâm và hàng đại đệ tử đều không
lên được.
Lúc đó, trưởng giả Duy ma cật mời ngài Xá lợi phất lên bảo tòa an
vị chỗ ngồi.
Ngài Xá lợi phất đáp:
- Thưa cư sĩ! Bảo tòa này cao rộng quá tôi không thể lên được.
Trưởng giả Duy ma cật nói:
- Ngài Xá lợi phất hãy đảnh lễ Phật Tu Di Đăng Vương tự khắc sẽ có
thể ngồi lên bảo tòa.
Khi ấy, các vị Bồ tát mới phát tâm và hàng đại đệ tử đều đảnh lễ
Phật Tu Di Đăng Vương rồi liền được ngồi trên bảo tòa cao rộng.
Ngài Xá lợi phất nói:
- Thưa cư sĩ Duy ma cật! Thật không thể ngờ. Cái nhà của ngài lại
đủ sức dung chứa được những bảo tòa cao rộng như thế và thành Tỳ da ly cũng
không vì sự xuất hiện của ba vạn hai ngàn bảo tòa sư tử mà có sự chia cắt, các
làng mạc, thôn xóm, thị trấn cũng những cung điện chư Thiên, Long vương, quỉ
thần trong bốn thiên hạ ở cõi Diêm Phù Đề cũng không ép chật.
Trưởng giả Duy ma cật nói:
- Thưa ngài Xá lợi phất! Chư Phật và chư Bồ tát có pháp giải thoát
tên là Bất khả tư nghị. Nếu Bồ tát trụ nơi pháp giải thoát đó lấy núi Tu Di
rộng lớn đặt vào trong một hạt cải thì mọi thứ vẫn không thêm bớt, núi Tu Di
vẫn to lớn vẹn nguyên mà chúng sinh trời Tứ Thiên vương, trời Đao Lợi không
hay, không biết rằng đã bị cho vào hạt cải, chỉ có những người được độ mới thấy
núi Tu Di đã vào trong hạt cải, đó là Pháp môn bất khả tư nghị giải thoát. Lại
nữa, Bồ tát trụ nơi Pháp môn bất khả tư nghị giải thoát lấy nước của bốn biển
lớn cho vào trong lỗ chân lông mà không hề khuấy động đến các loài thủy tộc như
cá trạch, ngoan đà, tôm cua, rùa cá… mà các biển lớn kia cũng vẫn y nguyên. Đến
các loài rồng, quỉ thần, Atula,... đều không hay, không biết thế nên các loài
ấy thảy đều không loạn động, kinh sợ.
- Thưa ngài Xá lợi phất! Bồ tát ở nơi Pháp bất khả tư nghị giải
thoát có thể tóm lấy cõi Tam thiên đại thiên thế giới đặt trong lòng bàn tay
rồi nhanh như người thợ gốm xoay chiếc bàn xoay vị Bồ tát ném cõi Tam thiên đại
thiên thế giới vượt qua khỏi vô số hà sa thế giới tựa như số cát sông Hằng mà
chúng sinh trong đó không hay, không biết mình đã bị ném đi, sau đó vị Bồ tát
đem Tam thiên đại thiên thế giới trở về chỗ cũ mà mọi chúng sinh đều không biết
đã có đến, có đi và thế giới ấy cũng vẹn nguyên, không bị lay động.
- Lại nữa, thưa ngài Xá lợi phất! Hoặc có chúng sinh nào ưa ở lâu
trong đời mà có thể độ được. Bồ tát liền kéo dài bảy ngày ra làm một kiếp để
cho chúng sinh kia gọi là một kiếp; Hoặc có chúng sinh nào không ưa ở lâu trong
đời mà có thể độ được, Bồ tát liền rút ngắn một kiếp lại thành bảy ngày để cho
chúng sinh kia gọi là bảy ngày.
- Lại nữa, thưa ngài Xá lợi phất! Bồ tát trụ nơi Pháp bất khả tư
nghị giải thoát đem những việc tốt đẹp của tất cả cõi Phật gom về một cõi nước
để chỉ bày cho chúng sinh. Lại nữa, Bồ tát trụ nơi Pháp giải thoát đem tất cả
chúng sinh ở cõi Phật đặt trên lòng bàn tay rồi đi đến mười phương cho mọi
chúng sinh cùng thấy tất cả các cõi giới mà không hề nhàm chán nơi bản xứ. Lại
nữa, thưa ngài Xá lợi phất! Những đồ cúng dường chư Phật của chúng sinh trong
mười phương, Bồ tát làm cho tất cả đều thấy nơi một lỗ chân lông. Lại nữa, ngay
nơi lỗ chân lông Bồ tát đều làm cho mọi chúng sinh thấy rõ tất cả mặt trời, mặt
trăng, những vì sao… ở các cõi nước mười phương.
- Lại nữa, thưa ngài Xá lợi phất! Bồ tát có thể hút hết tất cả gió
ở các cõi nước trong mười phương vào trong miệng mà thân không hề tổn hại,
những cây cối ở bên ngoài cũng không xiêu ngã, gãy đổ. Lại khi, gặp kiếp lửa
cháy ở cõi nước mười phương, Bồ tát đem tất cả lửa ấy để vào trong bụng, lửa
cũng vẫn y nguyên mà không thể làm tổn hại. Bồ tát lại vượt qua vô số hạn lượng
số cát sông Hằng thế giới về phương dưới rồi lấy một cõi Phật đem để cách khỏi
số cát sông Hằng thế giới ở phương trên như cầm mũi kim nhọn ghim lấy một lá
táo mà cũng không gây ra sự tổn hại.
- Lại nữa, thưa ngài Xá lợi phất! Bồ tát trụ Pháp bất khả tư nghị
giải thoát hay dùng thần thông hiện làm thân Phật hoặc Bích Chi Phật, Thanh
văn, Đế Thích, Phạm Vương hoặc thân Chuyển luân Thánh vương. Bồ tát thường dùng
các thứ tiếng to, vừa, nhỏ ở các cõi nước mười phương biến chuyển thành Pháp âm
diễn nói pháp vô thường - khổ - không - vô ngã và những pháp của chư Phật mười
phương làm cho khắp tất cả chúng sinh đều được nghe chánh pháp.
- Thưa ngài Xá lợi phất! Nay tôi chỉ nói lược qua thần lực giải
thoát bất khả tư nghị của Bồ tát như thế, nếu nói cho đủ thì đến hết kiếp cũng
không thể diễn nói trọn vẹn.
Khi đó, ngài Ma ha Ca diếp nghe nói Pháp môn bất khả tư nghị giải
thoát của Bồ tát liền ngợi khen chưa từng có và nói với ngài Xá lợi phất rằng
“Ví như có người ở trước người mù phô bày các thứ hình sắc, người mù kia đâu
thể thấy được. Nay tất cả hàng Thanh văn nghe Pháp môn bất khả tư nghị giải
thoát này cũng đâu thể hiểu trọn vẹn. Hẳn là người có trí tuệ khi nghe pháp môn
này thảy đều phát tâm vô thượng bồ đề. Ngài Xá lợi phất này! Tại sao người học
Phật theo lối Thanh văn thừa lại mất hẳn hạt giống ấy, đối với pháp đại thừa
này chúng ta đã như là hạt giống hư hoại? Tất cả hàng Thanh văn nghe Pháp môn
bất khả tư nghị giải thoát này đều phải than khóc vang động cõi Tam thiên đại
thiên thế giới, còn tất cả Bồ tát lại rất đỗi vui mừng mà thọ trì Pháp môn vi
diệu, bất khả tư nghị giải thoát. Nếu có Bồ tát nào tin hiểu Pháp môn bất khả
tư nghị giải thoát này thời tất cả chúng ma không thể làm gì được”.
Khi ngài Ma ha Ca diếp nói như thế rồi có ba vạn hai ngàn vị chư
Thiên đều phát tâm vô thượng bồ đề.
Bấy giờ, trưởng giả Duy ma cật nói với ngài Ma ha Ca diếp rằng:
- Thưa ngài Ma ha Ca diếp! Các vị làm Ma vương trong vô lượng vô
số cõi nước ở mười phương phần nhiều là những bậc Bồ tát trụ nơi pháp bất khả
tư nghị giải thoát, vì dùng sức phương tiện giáo hóa chúng sinh nên thị hiện
làm Ma vương.
- Lại nữa, thưa ngài Ma ha Ca diếp! Vô lượng Bồ tát ở mười phương
hoặc có người đến xin tay chân, mắt mũi, tủy não, huyết thịt, da xương, xóm
làng, thành ấp, vợ con, tôi tớ, voi ngựa, xe cộ, vàng bạc, lưu ly, xa cừ, mã
não, san hô, hổ phách, trân châu, đồi mồi, y phục… và các món ăn uống,… thì
người xin được bố thí đó phần nhiều là những vị Bồ tát trụ Pháp bất khả tư nghị
giải thoát, họ dùng sức phương tiện đến thử thách để làm cho các Bồ tát kia
thêm kiên cố. Vì sao? Vì Bồ tát trụ Pháp bất khả tư nghị giải thoát có thần lực
dũng mãnh mới dám làm các việc bức ngặt để chỉ bày cho chúng sinh những việc
khó làm như thế. Còn kẻ phàm phu hạ liệt không có thần lực, không thể làm bức
ngặt được Bồ tát ví như chỉ với cái nhấc chân của con voi chúa thì sức con lừa
không thể gánh vác. Đó là cánh cửa trí tuệ bát nhã của Bồ tát ở nơi Pháp môn
bất khả tư nghị giải thoát.
Tinh yếu lược giải:
Phẩm bất khả tư nghị giải thoát mà vẫn có thể diễn nói thì đúng
thật là không thể nghĩ bàn.
Người học Phật khi gặp chướng duyên thường sinh tâm phiền não, gặp
thuận duyên thì rơi vào giải đãi, buông lung tánh ý, theo năm tháng dần trôi
thảy đều lạc lối chánh pháp, thoái thất Bồ đề tâm, rồi lại trôi lăn chìm nổi
nơi lưới mộng luân hồi. Thế nên, ngài Duy ma cật mới nói tất cả Ma vương khắp
mười phương đều là Bồ tát thị hiện nghịch hạnh để sách tấn, chuyển hóa chúng
sinh từ nẻo mê về bờ giác. Những Bồ tát thị hiện pháp nghịch hạnh, những Ma
vương có thần lực bất khả tư nghị cũng chính là tâm tánh của chúng sinh chi
loại nơi Tam giới.
Ngài Ca diếp sau khi nghe cư sĩ Duy ma cật diễn nói Pháp môn bất
khả tư nghị cùng với thần lực vô úy của người học Phật đại thừa, những vị Bồ
tát đắc trí tuệ Phật liền đại diện cho người xuất gia sám hối pháp hành tiểu
thừa mà người học Phật Thanh văn thường tự ràng buộc, đó là việc nương vào
chánh vị, chấp trước hữu dư y Niết bàn dẫn đến việc không thể dũng mãnh phát
tâm đại thừa cầu trí tuệ Bát nhã. Người học Phật Thanh văn thừa đã được ví như
là hạt giống chánh pháp đã bị hư rỗng, không còn có thể nẩy mầm trí tuệ Bát
nhã. Đây quả thật là điều rất đáng tiếc thường xảy ra ở lối học Phật Thanh văn
thừa.
Ngài Ca diếp nói với ngài Xá lợi phất:
- Ví như có người ở trước người mù phô bày các thứ hình sắc, người
mù kia đâu thể thấy được. Nay tất cả hàng Thanh văn nghe Pháp môn bất khả tư
nghị giải thoát này cũng đâu thể hiểu trọn vẹn. Hẳn là người có trí tuệ khi
nghe pháp môn này thảy đều phát tâm vô thượng bồ đề. Tại sao chúng ta mất hẳn
hạt giống ấy, đối với pháp đại thừa này chúng ta đã như là hạt giống hư hoại? Tất
cả hàng Thanh văn nghe Pháp môn bất khả tư nghị giải thoát này đều phải than
khóc vang động cõi Tam thiên đại thiên thế giới, còn tất cả Bồ tát lại rất đỗi
vui mừng mà thọ trì Pháp môn vi diệu, bất khả tư nghị. Nếu có Bồ tát nào tin
hiểu Pháp môn bất khả tư nghị giải thoát này thời tất cả chúng ma không thể làm
gì được.
Vậy nên người học Phật cầu đạo vô thượng bồ đề hãy tham cứu, lĩnh
hội Pháp môn bất khả tư nghị ngõ hầu triệt ngộ chánh pháp nhãn tạng Như Lai, ra
sức hành Bồ tát đạo để báo đền ơn Phật.
Bài liên quan
- Phẩm Căn Dặn
- Phẩm Pháp Cúng Dường
- Phẩm Được Thấy Phật A Súc
- Phẩm Hạnh Bồ Tát
- Phẩm Phật Hương Tích
- Phẩm Pháp môn không hai
- Phẩm Con Đường Phật Đi
- Phẩm Quán Chiếu Căn Tánh Chúng Sinh
- Phẩm Văn Thù Sư Lợi Đi Thăm Bệnh
- Phẩm Trò Chuyện Cùng Các Vị Bồ Tát (P.2)
- Phẩm Trò Chuyện Cùng Các Vị Bồ Tát (P.1)
- Phẩm Nói Với Chúng Học Trò Thanh Văn (P.2)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét