Phẩm Con Đường Phật Đi
Thứ Tư, 25 tháng 7, 2018
Bấy giờ, ngài văn Thù Sư Lợi hỏi ông Duy ma cật rằng:
- Bồ tát làm thế nào để khai mở thông suốt, rộng lối con đường
Phật đã đi?
Trưởng giả Duy ma cật đáp:
- Bồ tát hãy nên phổ truyền chánh pháp ở bên ngoài đạo Phật để
khai mở thông suốt, rộng lối con đường Phật đi?
Ngài Văn Thù Sư Lợi hỏi:
Thế nào là Bồ tát phổ truyền chánh pháp ở bên ngoài đạo Phật là
khai thông con đường Phật đi?
Trưởng giả Duy ma cật đáp:
- Nếu Bồ tát thị hiện phạm năm tội vô gián mà không phiền não, vào
nẻo địa ngục mà không có dính mắc nghiệp báo, vào nẻo súc sinh mà trí tuệ không
bị sự u mê chướng ngại, vào nẻo ngạ quỉ mà vẫn đầy đủ công đức, nhẫn đến hiện
thân nơi cõi Sắc giới - Vô Sắc giới mà không cho là thù thắng, hiện thân ở chốn
tham dục mà không nhiễm đắm, hiện ra vẻ giận dữ mà đối với chúng sinh không có
sự xa lánh, hiện có sự ngu khờ mà dùng trí tuệ điều phục tâm mình, hiện hạnh
tham lam mà xả bỏ tất cả của cải, nhẫn không tiếc đến thân mạng, hiện phá giới
cấm mà thường giữ lòng thanh tịnh, đến những tội nhẹ cũng hết lòng bảo nhậm,
xem như là giới trọng, hiện ra sự khó khăn, gò ép mà thường từ bi, nhẫn nhục,
hiện tướng lười biếng mà siêng năng các việc công đức, hiện sự loạn ý mà thường
ở trong chánh định, hiện làm những việc ngu khờ mà thông đạt trí tuệ thế gian
và xuất thế gian, hiện việc hư dối mà khéo dùng phương tiện tùy thuận chánh
pháp, hiện vẻ kiêu mạn mà đối với chúng sinh tận lực ra sức như thể bản thân là
chiếc cầu, con đò để cho mọi chúng sinh bước lên, hiện tất cả phiền não mà lòng
thường thanh tịnh, hiện vào trong chúng ma mà thuận theo trí tuệ Phật, không
theo tà thuyết, hiện làm hàng Thanh văn mà diễn nói các pháp chưa từng nghe cho
chúng sinh, hiện vào hàng Bích Chi Phật mà thành tựu lòng đại bi, giáo hóa
chúng sinh, hiện vào hạng tàn tật mà có đủ tướng tốt trang nghiêm thân, hiện
vào hạng nghèo nàn mà có đầy đủ công đức, trí tuệ Phật, hiện vào hạng người ốm
yếu mà được thân bất hoại, tất cả chúng sinh đều muốn chiêm ngưỡng, hiện vào
hạng già bệnh mà đoạn hẳn gốc bệnh, không còn sợ sệt sinh tử, hiện làm hạng
giàu có mà xem tài vật là vô thường, không có tham đắm, hiện có thê thiếp, nàng
hầu mà tránh xa ngũ dục, hiện nơi hạng đần độn mà thành tựu biện tài, nắm vững
tổng trì, hiện vào nẻo xấu mà dùng chánh kiến độ thoát chúng sinh, hiện vào
khắp các nẻo để đoạn dứt nhân duyên cột trói chúng sinh, hiện vào Niết bàn mà
không rời sinh tử. Thưa ngài Văn Thù Sư Lợi! Nếu Bồ tát làm được những việc như
thế ở bên ngoài đạo Phật gọi là khai mở rộng lối con đường Phật đi.
Bấy giờ, trưởng giả Duy ma cật hỏi ngài Văn Thù Sư Lợi:
- Thế nào là hạt giống Như Lai?
Ngài Văn Thù Sư Lợi nói:
- Có thân là hạt giống Như Lai. Vô minh có ái là hạt giống Như
Lai; Tham sân si là hạt giống Như Lai; Bốn món điên đảo là hạt giống Như Lai;
Năm món che ngăn là hạt giống Như Lai; Sáu nhập là hạt giống Như Lai; Bảy chỗ
thức là hạt giống Như Lai; Tám pháp tà là hạt giống Như Lai; Chín món phiền não
là hạt giống Như Lai; Mười điều bất thiện là hạt giống Như Lai;… Nói tóm lại,
sáu mươi hai món tà kiến và tất cả phiền não đều là hạt giống Bồ đề.
Trưởng giả Duy ma cật hỏi:
- Sao lại nói sáu mươi hai món tà kiến và tất cả phiền não đều là
hạt giống Như Lai?
Ngài Văn Thù Sư Lợi đáp:
- Nếu người thấy pháp xuất thế gian rồi liền nhập diệt tận định
thì người này sẽ không thể phát khởi trí tuệ Bát nhã, không thể hành Bồ tát đạo
được nữa. Vì sao? Ví như chỗ gò cao không thể sinh hoa sen, chỉ có nơi bùn lầy
ngập nước mới có hoa sen sinh trưởng. Như thế, người thấy pháp xuất thế gian
liền thọ chánh vị thì không còn tăng trưởng trí tuệ trong Phật pháp được nữa,
chỉ ở trong vũng lầy phiền não mới có chúng sinh phát khởi trí tuệ Bồ đề vô
thượng. Ví như gieo hạt giống nơi hư không thì hạt không sinh trưởng được, chỉ
ở nơi đất mùn tơi xốp thì hạt mới nẩy mầm, phát triển tốt tươi. Như thế đấy, người
đã nhập hẳn vào chánh vị pháp xuất thế gian, xa lìa pháp thế gian thì sẽ không
còn tăng trưởng trí tuệ Bát nhã nơi Phật pháp; Ngược lại, kẻ có khởi ngã chấp
như núi Tu Di vẫn có thể phát tâm vô thượng bồ đề nhờ vậy mà tăng trưởng trí
tuệ Phật, sau phát tâm đại thừa đem lại điều lợi lạc cho chánh pháp. Cho nên
phải biết tất cả phiền não là hạt giống Như Lai. Ví như không xuống bể cả thì
không thể có được bảo châu vô giá; Cũng như không vào biển cả phiền não thì làm
sao mà có được ngọc báu Nhất thiết chủng trí - Trí tuệ Giác giả.
Lúc bấy giờ, ngài Ma ha Ca diếp khen rằng:
- Hay thay! Hay thay! Thưa ngài Văn Thù Sư Lợi! Thật đúng như lời
ngài nói! Những trần lao dính mắc là hạt giống Như Lai. Hôm nay, hạng đại đệ tử
chúng tôi đã không còn kham phát trí tuệ Bát nhã. Đến như người đủ 5 tội vô
gián còn có thể phát ý mong cầu trí tuệ Phật mà nay chúng tôi hoàn toàn không
được vậy. Hạng đại đệ tử chúng tôi đã như những người 5 căn đã hư, đối với 5
món dục lạc chẳng còn cảm xúc. Quả thật là hàng Thanh Văn học Phật đã ngăn che,
rào chặn muôn duyên nên ở trong Phật pháp không còn có lợi ích cho chúng sinh
Tam giới và đạo pháp bởi do giới học Phật Thanh văn không có chí nguyện phát
tâm đại thừa.
- Thưa ngài Văn Thù Sư Lợi! Vì thế nên hạng kém trí, ngu độn ở
trong Phật pháp còn có ảnh hưởng, mà hàng Thanh văn thời không. Vì sao? Vì hạng
người kém trí, ngu độn nghe Phật nói pháp khởi được đạo tâm vô thượng, chẳng
đoạn Tam bảo; Còn hạng Thanh văn thừa trọn đời nghe Phật pháp mà hoàn toàn
không phát được đạo tâm vô thượng bồ đề.
Tinh yếu lược giải:
Qua Phẩm con đường Phật đi Giác giả đã diễn nói những việc mà vị
Bồ tát, những người học Phật đại thừa nên làm. Người học Phật với pháp khí đại
thừa đã thâm nhập, rõ biết tự tánh vạn pháp nên dần thoát ly mọi ràng buộc
phiền não, sinh tử cùng với trí tuệ khách quan, sáng rõ. Sau khi đạt sự tín tâm
bất thoái chuyển người học Phật hành Bồ tát đạo hãy như là một con voi chúa dấn
thân vào lưới mộng luân hồi để xô dẹp những tà thuyết, những kiến chấp vô minh
mà chúng sinh 3 cõi đang dính mắc. Người học Phật với pháp khí đại thừa hãy
diễn nói chánh pháp như tiếng gầm của con sư tử chúa oai mãnh nhằm thức tỉnh sự
u mê của nhân loại với những hận thù, giết chóc vay trả - trả vay.
Người học Phật hãy nên khai mở sự hiểu biết khách quan, đúng mực
để rõ biết “Phiền não tức bồ đề”, vậy nên rời Tam giới tìm bồ đề là tà kiến,
rời pháp thế gian mà triệt ngộ pháp xuất thế gian là điều hư vọng, hoang đường.
Người học Phật đúng mực khi tham cứu kinh Duy ma cật sở thuyết rất
nên lưu tâm đến tánh không hai cũng như cách lập ngôn của ngài Duy ma cật, ngài
Văn Thù Sư Lợi Bồ tát,…
Và ở Phẩm con đường Phật đi, ngài Ca diếp lại thêm một lần nữa sám
hối chỗ hẹp kém, khó thể tăng trưởng trí tuệ Bát nhã ở hạng học Phật Thanh văn
thừa, việc học Phật chấp thủ theo lối tiểu thừa, đa phần chỉ hướng đến việc bảo
nhậm sự Thường an lạc tịnh cá nhân, do vậy có sự chướng ngại việc phổ truyền
chánh pháp gián tiếp làm cản trở sự khai mở trí tuệ Bát nhã. Người học Phật
Thanh văn thừa như là sen mọc trên gò cao, như việc rải hạt giống vào hư không
thế nên không thể trông mong ngày thu hoạch mùa vụ.
Bài liên quan
- Phẩm Nói Với Chúng Học Trò Thanh Văn (P.1)
- Phẩm Pháp Phương Tiện - Sự Quyền Biến
- Phẩm Cõi Nước Phật Thích Ca
- Liễu giải kinh Duy ma cật sở thuyết
- Phẩm Căn Dặn
- Phẩm Pháp Cúng Dường
- Phẩm Được Thấy Phật A Súc
- Phẩm Hạnh Bồ Tát
- Phẩm Phật Hương Tích
- Phẩm Pháp môn không hai
- Phẩm Quán Chiếu Căn Tánh Chúng Sinh
- Phẩm Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét