Phẩm Phật Hương Tích
Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2018
Lúc bấy giờ, ngài Xá lợi phất chợt động niệm “Gần đến giờ thọ trai
rồi, các Bồ tát và đại chúng không biết sẽ thọ thực nơi đâu?”.
Ngài Duy ma cật biết ý liền nói:
- Này ngài Xá lợi phất! Phật nói có 8 môn giải thoát và ngài đã
thọ trì, nay đâu lại có việc xen cái tâm muốn ăn mà nghe pháp. Nếu ngài muốn
ăn, hãy đợi giây lát, tôi sẽ cúng dường ngài bữa ăn chưa từng có. Ngài Duy ma
cật liền nhập chánh định, dùng sức thần thông hiện bày cho đại chúng thấy rõ
cảnh giới mười phương, qua khỏi 42 số cát sông Hằng có cõi nước tên là Chúng
Hương, Đức Phật nơi đây hiệu là Hương Tích. Mùi hương ở nước ấy vượt trội hơn
cả so với mùi hương của Trời, người và các cõi Phật khác. Ở cõi nước ấy không
có tên gọi Thanh văn, Duyên giác chỉ có chúng Đại Bồ tát thanh tịnh thường được
nghe Phật diễn nói chánh pháp. Cõi nước ấy có lâu đài, nhà cửa, hoa viên, đất
đai, vườn tược,… đều làm bằng chất liệu hương thơm, còn món ăn thì có mùi hương
thanh khiết vi diệu lan tỏa khắp vô lượng, vô biên thế giới. Ngay lúc ấy, Phật
Hương Tích đang cùng các Bồ tát thọ thực, món ăn được các vị Thiên tử có cùng
một tên gọi Hương Nghiêm cúng dường, các vị Thiên tử này đều phát tâm vô thượng
bồ đề. Cả đại chúng ở cõi Ta Bà đều nhìn thấy mọi việc đang diễn ra ở cõi Phật
Hương Tích.
Khi ấy, ngài Duy ma cật hỏi các Bồ tát:
- Thưa các nhân giả! Có vị nào ra sức đi thỉnh cơm ở cõi Phật
Hương Tích không?
Vì nương theo sức trí tuệ của Văn Thù Sư Lợi mà các vị Bồ tát thảy
đều lặng thinh.
Ngài Duy ma cật lại nói:
- Các nhân giả không thấy hổ thẹn sao? Vì sao không một ai đi
thỉnh cơm và cả thảy đều im lặng?
Ngài Văn Thù Sư Lợi nói:
- Theo như lời Phật nói “Chớ nên khinh người chưa học”.
Khi đó, ngài Duy ma cật ở trước đại chúng hóa ra một vị Bồ tát
tướng tốt rực rỡ, oai đức thù thắng hơn tất cả đại chúng. Ngài nói với vị Hóa
Bồ tát ấy:
- Ngài hãy qua cõi nước Chúng Hương, ở nơi đó Phật Hương Tích và
các Bồ tát đang thọ trai, ngài y theo lời tôi mà thưa “Cư sĩ Duy ma cật xin cúi
đầu đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, cư sĩ Duy ma cật cung kính gửi lời thăm đến Thế
Tôn hỏi rằng hằng ngày Thế Tôn có được không bệnh, ít não, thân tâm thường an
lạc chăng? Cư sĩ Duy ma cật nguyện được món cơm thừa của Thế Tôn đem về cõi Ta
Bà làm việc Phật, mục đích là để cho những chúng sinh ưa pháp nhỏ được pháp lớn
và để cho danh tiếng của Như Lai được vang xa khắp mười phương cõi”.
Lúc đó, Hóa Bồ tát ở trước Pháp hội liền theo lời ngài Duy ma cật
rời đi, cả đại chúng đều thấy Hóa Bồ tát đi đến nước Chúng Hương đảnh lễ dưới
chân Phật và nghe tiếng thưa “Cư sĩ Duy ma cật xin cúi đầu đảnh lễ dưới chân
Thế Tôn, cư sĩ Duy ma cật cung kính gửi lời thăm Thế Tôn hỏi rằng hằng ngày Thế
Tôn có được không bệnh, ít não, thân tâm thường an lạc chăng? Cư sĩ Duy ma cật
nguyện được món cơm thừa của Thế Tôn đem về cõi Ta Bà làm việc Phật, mục đích
là để cho những chúng sinh ưa pháp nhỏ được pháp lớn và để cho danh tiếng của
Như Lai được vang xa khắp mười phương cõi”.
Các Bồ tát ở cõi nước Chúng Hương thấy vị Hóa Bồ tát đều ngợi khen
chưa từng có và nghĩ rằng “Vị thượng nhân này từ đâu mà đến? Cõi Ta Bà ở đâu?
Sao lại gọi chúng sinh là ưa pháp nhỏ? Sao có việc Bồ tát đi xin cơm thừa làm
việc Phật để chúng sinh ưa pháp nhỏ được pháp lớn?”. Những vị Bồ tát ở cõi nước
Chúng Hương liền đem những điều không rõ hỏi Phật Hương Tích.
Phật Hương Tích đáp:
- Cách đây 42 số cát sông Hằng có cõi nước tên là Ta Bà, Phật hiệu
là Thích Ca Mâu Ni, nay hiện tại ở đời ác trược vì những chúng sinh ưa pháp nhỏ
mà diễn nói giáo lý chánh pháp. Cõi Ta Bà lại có vị cư sĩ Duy ma cật, đây là vị
Bồ tát đắc cảnh giới giải thoát bất khả tư nghị, ngài ấy đang nói pháp cho các
vị Bồ tát và đại chúng, đã đến giờ thọ thực nên vị cư sĩ Bồ tát Duy ma cật hóa
hiện ra vị Hóa Bồ tát này đi đến đây; Trước là khen ngợi danh hiệu Ta và tán
thán cõi này để làm cho các Bồ tát ở cõi nước Ta Bà được thêm nhiều công đức,
trí tuệ thù thắng; Sau là thỉnh cơm về cho đại chúng đang cầu pháp.
Các Bồ tát cõi nước Chúng Hương lại hỏi:
- Vị đó là người như thế nào mà đủ sức biến hiện ra vị Hóa Bồ tát
có sắc tướng tuyệt đẹp và thần lực tự tại đến nhường này?
Phật Hương Tích nói:
- Thần thông của vị Bồ tát Duy ma cật là tự tại, vô ngại. Ngài ấy
thường dùng Hóa Bồ tát đi đến khắp mười phương làm việc Phật, lợi ích cho tất
cả chúng sinh.
Khi đó, Phật Hương Tích lấy cái bát ở cõi nước Chúng Hương đựng
đầy cơm thơm trao cho Hóa Bồ tát. Bấy giờ, chín trăm vạn Bồ tát ở nước Chúng
Hương đồng thanh thưa:
- Kính bạch Thế Tôn! Chúng con muốn đến cõi Ta Bà để cúng dường
Phật Thích Ca Mâu Ni và ra mắt ngài Duy ma cật cùng đại chúng hiện ở Pháp hội.
Phật Hương Tích nói:
- Thật vừa khéo. Tuy nhiên, các vị phải thu nhiếp mùi hương cơ
thể, chớ để cho chúng sinh cõi kia sinh tâm mê đắm. Thêm nữa, các vị phải thay
đổi hình dáng, đừng để những người cầu đạo Bồ tát ở cõi Ta Bà phải sinh lòng hổ
thẹn, tự ti. Các ngài đến cõi Ta Bà đừng đem lòng khinh chê mà tâm có điều
chướng ngại. Vì sao? Vì mười phương cõi nước chư Phật đều như hư không, chư
Phật vì muốn hóa độ những người ưa pháp nhỏ nên không hiện ra thuần một cõi
nước thanh tịnh.
Hóa Bồ tát sau khi nhận lấy bát cơm từ Phật Hương Tích liền cùng
với chín trăm vạn Bồ tát nương theo sức tự tại, vô ngại của chư Phật và ngài
Duy ma cật chỉ trong khoảnh khắc đã về đến nhà ngài Duy ma cật.
Lúc ấy, ngài Duy ma cật hóa ra chín trăm vạn tòa sư tử trang
nghiêm tốt đẹp, các vị Bồ tát cõi nước Chúng Hương đều đến ngồi nơi những bảo
tòa. Hóa Bồ tát liền đem cái bát đựng đầy cơm thơm dâng lên cho ngài Duy ma
cật, mùi cơm thơm lan tỏa khắp thành Tỳ da ly và cõi Tam thiên đại thiên thế
giới.
Bấy giờ, trong thành Tỳ da ly, các Bà la môn, cư sĩ nghe mùi hương
này, thân tâm thơi thới ngợi khen chưa từng có. Vị trưởng giả giàu có Nguyệt
Cái liền cùng tám vạn bốn ngàn người đi đến nhà ngài Duy ma cật, thấy trong nhà
chúng Bồ tát rất đông và những tòa sư tử cao rộng trang nghiêm ai nấy thảy đều
vui mừng, đảnh lễ các Bồ tát và đại đệ tử rồi đứng qua một phía. Các vị thần
đất, thần hư không và các vị trời ở cõi Dục, cõi Sắc nghe mùi thơm vi diệu đều
cùng đến nhà trưởng giả Duy ma cật.
Ngài Duy ma cật liền nói với ngài Xá lợi phất và đại chúng:
- Này các nhân giả! Khi dùng cơm vị cam lồ của Như Lai do sức đại
bi huân tập, đừng đem tâm ý suy lường mà ăn sẽ khiến không thể tiêu hóa được
trọn vẹn chánh vị.
Có nhiều vị Thanh văn khởi nghĩ “Cơm này ít lắm đâu thể đủ chia sẻ
cho đại chúng, song đại chúng thì người nào cũng cần thọ trai”.
Hóa Bồ tát nói:
- Chớ đem trí hẹp, đức nhỏ của Thanh văn mà đo lường phúc tuệ vô
lượng, vô biên của Như Lai. Bốn biển còn có thể cạn chớ cơm này không khi nào
hết. Dẫu cho tất cả mọi người đều ăn mỗi lần một vắt lớn như núi Tu Di thì dẫu
cho đến hết trọn một kiếp cũng không thể hết số cơm này. Vì sao? Vì đây là món
ăn của Như Lai, người đã đủ đầy công đức, vô tận giới, định, huệ, giải thoát,
giải thoát tri kiến,… do vậy cơm này không bao giờ hết.
Sau giờ thọ trai, đại chúng cả thảy đều no song bát cơm hương vẫn
còn đầy. Các Bồ tát, Thanh văn, trời, người… ăn cơm đó rồi thân thể nhẹ nhàng,
thanh thản ví như các Bồ tát ở cõi nước Nhất Thiết Lạc Trang Nghiêm và các lỗ
chân lông đều thoảng ra mùi hương cũng như mùi hương cây cối ở cõi nước Chúng
Hương.
Thọ trai xong, ngài Duy ma cật hỏi các vị Bồ tát ở cõi nước Chúng
Hương:
- Phật Hương Tích thường lấy gì để diễn nói pháp?
Các Bồ tát ở cõi nước Chúng Hương đáp:
- Phật Hương Tích ở cõi nước Hương Chúng không dùng văn tự để
thuyết pháp, Phật chỉ dùng các mùi hương làm cho các trời, người được thanh
tịnh. Các Bồ tát nhẫn nghe mùi hương mầu nhiệm, vi diệu, thanh khiết đều được
tam muội công đức Bồ đề, đặng đầy đủ công đức Bồ tát.
Các Bồ tát ở cõi nước Chúng Hương hỏi ngài Duy ma cật:
- Ở cõi Ta Bà, Phật Thích Ca Mâu Ni lấy gì để nói pháp?
Ngài Duy ma cật đáp:
- Chúng sinh cõi Ta Bà cang cường, khó giáo hóa cho nên Phật Thích
Ca nói những lời cang cường để điều phục họ. Nói đó là địa ngục, đó là súc
sinh, đó là ngạ quỉ, đó là chỗ nạn, đó là chỗ người vô minh chìm đắm sinh tử,
đó là thân làm việc tà, đó là quả báo của thân làm việc tà, đó là miệng làm
việc tà, đó là quả báo của miệng làm việc tà, đó là ý làm việc tà, đó là quả
báo của ý làm việc tà, đó là sát sinh, đó là quả báo của sát sinh, đó là không
cho mà lấy, đó là quả báo của không cho mà lấy, đó là tà dâm, đó là quả báo của
tà dâm, đó là vọng ngữ, đó là quả báo của vọng ngữ, đó là hai lưỡi, đó là quả
báo của hai lưỡi, đó là lời nói ác, đó là quả báo của lời nói ác, đó là lời nói
vô nghĩa, đó là quả báo của lời nói vô nghĩa, đó là tham lam, ganh ghét, đó là
quả báo của tham lam, ganh ghét, đó là tức giận, đó là quả báo của tức giận, đó
là tà kiến, đó là quả báo của tà kiến, đó là bỏn sẻn, đó là quả báo của bỏn
sẻn, đó là phá giới, đó là quả báo của phá giới, đó là giận hờn, đó là quả báo
của giận hờn, đó là lười biếng, đó là quả báo của lười biếng, đó là ý tán loạn,
đó là quả báo của ý tán loạn, đó là ngu si, đó là quả báo của ngu si, đó là
giới, đó là giữ giới, đó là phạm giới, đó là nên làm, đó là không nên làm, đó
là chướng ngại, đó là không chướng ngại, đó là mắc tội, đó là khỏi tội, đó là
tịnh, đó là dơ, đó là hữu lậu, đó là vô lậu, đó là tà đạo, đó là chánh đạo, đó
là hữu vi, đó là vô vi, đó là thế gian, đó là Niết bàn. Vì sao? Vì chúng sinh
cõi Ta Bà u mê khó giáo hóa, tâm tánh như khỉ vượn nên Phật Thích Ca dùng bao
nhiêu pháp như thế để chế ngự lòng họ, chế ngự rồi mới có thể điều phục được.
Ví như với những loài voi, ngựa ngang ngạnh khó thuần phục thì người huấn luyện
trước phải đánh đập dữ tợn cho đến lúc chúng biết sợ rồi mới điều phục được.
Chúng sinh cõi Ta Bà cang cường, khó giáo hóa cũng như thế cho nên Phật, Bồ tát
phải dùng tất cả các pháp phương tiện khéo, dùng sự quyền biến xảo diệu mới có
thể đưa họ về đường chánh đạo.
Các Bồ tát ở cõi nước Chúng Hương nghe vậy liền nói:
- Thật chưa từng có, chưa từng thấy! Thật không thể ngờ Phật Thích
Ca lại ẩn đi cái sức tự tại, vô úy, thần lực không cùng mà dùng những phương
pháp tùy thuận nhu nhuyễn để độ thoát mọi chúng sinh. Các Bồ tát ở cõi đây cũng
nhất mực kham nhẫn, hạ mình,… các vị quả thật đã dùng lòng đại bi vô lượng để
sinh vào cõi Ta Bà.
Ngài Duy ma cật nói:
- Bồ tát ở cõi này đối với chúng sinh, lòng đại bi bền chắc thật
đúng như lời các ngài đã ngợi khen. Do vậy mà Bồ tát ở cõi này làm lợi ích cho
chúng sinh trong một đời còn hơn trăm ngàn kiếp ở cõi nước khác. Vì sao? Vì cõi
Ta Bà này có mười điều lành mà các cõi thanh tịnh Phật quốc khác không có. Thế
nào là mười điều lành? Một là dùng bố thí để nhiếp độ kẻ nghèo nàn, khốn khổ;
Hai là dùng tịnh giới để nhiếp độ người phá giới; Ba là dùng nhẫn nhục để nhiếp
độ kẻ giận dữ, si mê; Bốn là dùng tinh tấn để nhiếp độ kẻ giải đãi, lười biếng;
Năm là dùng thiền định để nhiếp độ kẻ loạn ý; Sáu là dùng trí tuệ để nhiếp độ
kẻ ngu si; Bảy là nói pháp trừ bát nạn để độ kẻ bị tám nạn; Tám là dùng pháp đại
thừa để độ kẻ ưa pháp tiểu thừa; Chín là dùng các pháp lành để cứu tế người kém
đức; Mười là thường dùng Từ bi hỷ xả để thành tựu mọi chúng sinh.
Các Bồ tát ở cõi nước Chúng Hương lại hỏi:
- Bồ tát ở cõi này phải hành trì những pháp nào thành tựu thì mới
trang nghiêm được cõi nước Ta Bà thanh tịnh?
Ngài Duy ma cật đáp:
- Khi Bồ tát thành tựu 8 pháp sau đây không lầm lỗi thì cõi nước
Ta Bà trở thành cõi nước thanh tịnh. Tám pháp gồm: Một là làm lợi ích cho chúng
sinh mà không mong báo đáp. Hai là thay tất cả chúng sinh chịu mọi điều khổ
não, lao nhọc. Ba là bao nhiêu công đức mình làm đều chan hòa rộng khắp cho tất
cả chúng sinh. Bốn là lòng bình đẳng đối với mọi chúng sinh, thường khiêm
nhường, không có điều ngăn ngại, đối với Bồ tát xem như Phật. Năm là những kinh
chưa từng nghe, khi được nghe không liền sinh lòng nghi ngờ tà vạy, chớ vội có
tâm hoài nghi không đúng pháp. Sáu là không chống trái với hàng Thanh văn. Bảy
là thấy người được cúng dường cũng không khởi lòng đố kỵ, ganh tỵ, lại không tự
mãn, kiêu mạn về sở đắc của tự thân, ở nơi đó mà điều phục tâm thanh tịnh. Tám
là thường xét lỗi mình, không nói đến lỗi của người, thường nhất tâm cầu trí
tuệ Phật.
Ngài Duy ma cật và ngài Văn Thù Sư Lợi nói pháp này rồi, ở trong
đại chúng có hàng trăm ngàn trời, người đều phát tâm vô thượng bồ đề, mười ngàn
Bồ tát chứng ngộ pháp vô sanh.
Tinh yếu lược giải:
Thật đúng như lời Phật nói “Đừng khinh người chưa học”. đây là lời
cảnh tỉnh đúng thời mà vị Giác giả gợi nhớ cho người học Phật. Người học Phật
xưa nay thường tích góp, thu gom tri kiến Phật pháp sau đó lập tri, rồi chấp
vào sở tri trên văn tự, nơi biên kiến đối đãi lấy đó làm sở đắc, sở cậy nuôi
lớn bản ngã, dưới mắt không người, đánh giá thấp người hậu học, kẻ chưa học
Phật. Người học Phật đúng mực hãy nên khách quan quán chiếu về chỗ tư kiến hẹp
hòi, lẫy lừng kiêu mạn rơi vào đại ngã đã lâu mà không tự nhận biết.
Sáu là không chống trái với hàng Thanh văn - Người học Phật với pháp khí đại thừa muốn
thành tựu trang nghiêm cõi nước thanh tịnh nhất thiết không nên chống trái với
người học Phật theo lối Thanh văn thừa, những vị Bồ tát gìn giữ giáo lý Như Lai
tạng với công đức vô lượng.
Phẩm Phật Hương Tích, cõi nước Chúng Hương cũng là một trong những
pháp phương tiện khéo mà Giác giả quyền biến “khai quan, điểm nhãn” người học
Phật. Với những người triệt ngộ thì pháp độ sinh, cứu khổ, giải thoát cho chúng
sinh Tam giới nhiều như lá cây trong rừng, đến khi đúng thời thì tùy duyên hiển
lộ.
Nếu thời Phật Thích Ca mà hiển bày kinh Duy ma cật sở thuyết là
không đúng thời vì khi ấy tri thức, sự hiểu biết của đại chúng lẫn người học
Phật không thể chạm đến. Nếu Giác giả cưỡng cầu diễn nói thì đấy là việc làm hư
vọng, rơi vào hý luận, lạm bàn.
Trải qua 400, 500 năm tri kiến nhân loại, sự hiểu biết của người
học Phật đã tăng trưởng vượt bậc, chánh pháp muốn được rộng truyền thì phải tùy
thuận thỏa mãn yếu tố khế cơ, hợp thời. Nếu chánh pháp không tự uyển chuyển
tương hợp tự khắc đạo Phật sẽ rơi vào thời mạt pháp.
Hoa, hương, cơm thơm, văn tự, ngôn thuyết, sự im lặng,… khi vận
dụng đúng thời thảy đều là chánh pháp, tất cả đều là ngón tay chỉ mặt trăng, là
chiếc bè giúp người vượt qua dòng sinh tử, khổ não.
Hương ở cõi nước Chúng Hương chính là hương thanh tịnh bất khả tư
nghị của chánh pháp, cơm thơm có chánh vị chính là sự giải thoát hoàn toàn. Đó
là những điều mà người học Phật tham cứu kinh điển đại thừa phải tự nhận diện
sáng rõ, đúng mực. Chỉ khi người học Phật ý thức, nhận thức, tư duy chánh pháp
đúng mực thì mới có cơ may khai mở trí tuệ Bát nhã. Nếu không được vậy người
học Phật sẽ tự ràng buộc bản thân vào những điều huyễn hoặc, thần thông, bị
dính mắc vào muôn ức cõi Phật, rồi mê mờ chánh pháp. Người tham cứu kinh điển
đại thừa rất nên lưu tâm câu nói của các bậc Cổ đức, Tiền hiền khi tham cứu
kinh điển đại thừa người học Phật hãy chú trọng việc “đạt ý, vong ngôn” - là
lấy ý, quên lời, chớ bị trói vào ngôn từ biến ảo, xảo diệu.
Chúng sinh ưa pháp nhỏ là hàm ý người học Phật theo lối Thanh văn
thừa. Xin cơm thơm về làm việc Phật để hiển bày sức trí tuệ vô biên, tự tại của
người học Phật thành tựu hạnh Bồ tát viên mãn. Vì thấy chỗ thể dụng bất khả tư
nghị của hàng Bồ tát học Phật mà đại chúng Thanh văn thừa phát khởi tâm đại
thừa, đây là điều mà những vị Giác giả luôn mong mỏi, sách tấn người học Phật
theo lối Thanh văn. Vì sao? Vì việc nguyện hành Bồ tát đạo trước sẽ mang lại
điều lợi ích cho người phát tâm, việc chóng viên mãn trí tuệ Bát nhã, sau mới
góp sức đền ơn Phật, trải từ bi tâm làm bừng sáng chánh pháp nơi 3 cõi 6 đường.
…
Các Bồ tát ở cõi nước Chúng Hương hỏi ngài Duy ma cật:
- Ở cõi Ta Bà, Phật Thích Ca Mâu Ni lấy gì để nói pháp?
Ngài Duy ma cật đáp:
- Chúng sinh cõi Ta Bà cang cường, khó giáo hóa cho nên Phật Thích
Ca nói những lời cang cường để điều phục họ. Nói đó là địa ngục, đó là súc
sinh, đó là ngạ quỉ, đó là chỗ nạn, đó là chỗ người vô minh chìm đắm sinh tử,
đó là thân làm việc tà, đó là quả báo của thân làm việc tà, đó là miệng làm
việc tà, đó là quả báo của miệng làm việc tà, đó là ý làm việc tà, đó là quả
báo của ý làm việc tà, đó là sát sinh, đó là quả báo của sát sinh, đó là không
cho mà lấy, đó là quả báo của không cho mà lấy, đó là tà dâm, đó là quả báo của
tà dâm, đó là vọng ngữ, đó là quả báo của vọng ngữ, đó là hai lưỡi, đó là quả
báo của hai lưỡi, đó là lời nói ác, đó là quả báo của lời nói ác, đó là lời nói
vô nghĩa, đó là quả báo của lời nói vô nghĩa, đó là tham lam, ganh ghét, đó là
quả báo của tham lam, ganh ghét, đó là tức giận, đó là quả báo của tức giận, đó
là tà kiến, đó là quả báo của tà kiến, đó là bỏn sẻn, đó là quả báo của bỏn
sẻn, đó là phá giới, đó là quả báo của phá giới, đó là giận hờn, đó là quả báo
của giận hờn, đó là lười biếng, đó là quả báo của lười biếng, đó là ý tán loạn,
đó là quả báo của ý tán loạn, đó là ngu si, đó là quả báo của ngu si, đó là
giới, đó là giữ giới, đó là phạm giới, đó là nên làm, đó là không nên làm, đó
là chướng ngại, đó là không chướng ngại, đó là mắc tội, đó là khỏi tội, đó là
tịnh, đó là dơ, đó là hữu lậu, đó là vô lậu, đó là tà đạo, đó là chánh đạo, đó
là hữu vi, đó là vô vi, đó là thế gian, đó là Niết bàn, vì chúng sinh cõi Ta Bà
u mê khó giáo hóa, tâm tánh như khỉ vượn nên Phật Thích Ca dùng bao nhiêu pháp
như thế để chế ngự lòng họ, chế ngự rồi mới có thể điều phục được. Ví như với
những loài voi, ngựa ngang ngạnh khó thuần phục thì người huấn luyện trước phải
đánh đập dữ tợn cho đến lúc chúng biết sợ rồi mới điều phục được. Chúng sinh
cõi Ta Bà cang cường, khó giáo hóa cũng như thế cho nên Phật, Bồ tát phải dùng
tất cả các pháp phương tiện khéo, dùng sự quyền biến xảo diệu mới có thể đưa họ
về đường chánh đạo.
Đây là chỗ dụng tâm bi mẫn của Phật Thích Ca cùng các vị Bồ tát ở
cõi Ta Bà. Vị Giác giả sau thời Phật Thích Ca đã trải lòng của Như Lai cho
người học Phật và nhân loại rõ biết.
Các Bồ tát ở cõi nước Chúng Hương nghe vậy liền nói:
- Thật chưa từng có, chưa từng thấy! Thật không thể ngờ Phật Thích
Ca lại ẩn đi cái sức tự tại, vô úy, thần lực không cùng mà dùng những phương
pháp tùy thuận nhu nhuyễn để độ thoát mọi chúng sinh. Các Bồ tát ở cõi đây cũng
nhất mực kham nhẫn, hạ mình,… các vị quả thật đã dùng lòng đại bi vô lượng để
sinh vào cõi Ta Bà.
Ngài Duy ma cật nói:
- Bồ tát ở cõi này đối với chúng sinh, lòng đại bi bền chắc thật
đúng như lời các ngài đã ngợi khen. Do vậy mà Bồ tát ở cõi này làm lợi ích cho
chúng sinh trong một đời còn hơn trăm ngàn kiếp ở cõi nước khác. Vì sao? Vì cõi
Ta Bà này có mười điều lành mà các cõi thanh tịnh Phật quốc khác không có. Thế
nào là mười điều lành? Một là dùng bố thí để nhiếp độ kẻ nghèo nàn, khốn khổ;
Hai là dùng tịnh giới để nhiếp độ người phá giới; Ba là dùng nhẫn nhục để nhiếp
độ kẻ giận dữ, si mê; Bốn là dùng tinh tấn để nhiếp độ kẻ giải đãi, lười biếng;
Năm là dùng thiền định để nhiếp độ kẻ loạn ý; Sáu là dùng trí tuệ để nhiếp độ
kẻ ngu si; Bảy là nói pháp trừ bát nạn để độ kẻ bị tám nạn; Tám là dùng pháp
đại thừa để độ kẻ ưa pháp tiểu thừa; Chín là dùng các pháp lành để cứu tế người
kém đức; Mười là thường dùng Từ bi hỷ xả để thành tựu mọi chúng sinh.
Các Bồ tát ở cõi nước Chúng Hương lại hỏi:
- Bồ tát ở cõi này phải hành trì những pháp nào thành tựu thì mới
trang nghiêm được cõi nước Ta Bà thanh tịnh?
Ngài Duy ma cật đáp:
- Khi Bồ tát thành tựu 8 pháp sau đây không lầm lỗi thì cõi nước
Ta Bà trở thành cõi nước thanh tịnh. Tám pháp gồm: Một là làm lợi ích cho chúng
sinh mà không mong báo đáp. Hai là thay tất cả chúng sinh chịu mọi điều khổ
não, lao nhọc. Ba là bao nhiêu công đức mình làm đều chan hòa rộng khắp cho tất
cả chúng sinh. Bốn là lòng bình đẳng đối với mọi chúng sinh, thường khiêm
nhường, không có điều ngăn ngại, đối với Bồ tát xem như Phật. Năm là những kinh
chưa từng nghe, khi được nghe không liền sinh lòng nghi ngờ tà vạy, chớ vội có
tâm hoài nghi không đúng pháp. Sáu là không chống trái với hàng Thanh văn. Bảy
là thấy người được cúng dường cũng không khởi lòng đố kỵ, ganh tỵ, lại không tự
mãn, kiêu mạn về sở đắc của tự thân, ở nơi đó mà điều phục tâm thanh tịnh. Tám
là thường xét lỗi mình, không nói đến lỗi của người, thường nhất tâm cầu trí
tuệ Phật.
Sau khi bày cõi nước Chúng Hương và Phật Hương Tích, vị Giác giả
biết rằng do chúng sinh căn tánh chẳng đồng rồi sẽ có người học Phật sinh lòng
mê đắm - Bỏ thực tại hiện tiền, dính mắc vào cõi huyễn mù khơi - Thay vì nhìn
theo ngón tay chỉ mặt trăng để sáng rõ chánh pháp lại rơi vào chấp Pháp “Tham
đó, bỏ đây”, rơi vào hư vọng. Dẫu biết là vậy, song Giác giả nhận biết chẳng
thể cứng nhắc trói buộc người học Phật đã trải nhiều đời kiếp vô minh, việc họ
sẽ không sinh lòng tà vạy, thế là Giác giả lại thêm một lần quyền biến sách
tấn, động viên người học Phật - “Bồ tát ở cõi Ta Bà làm lợi ích cho chúng sinh
trong một đời còn hơn trăm ngàn kiếp ở cõi Phật khác”.
Tâm bi mẫn của những vị Giác giả trước sau thật bất khả tư nghị.
Bài liên quan
- Phẩm Cõi Nước Phật Thích Ca
- Liễu giải kinh Duy ma cật sở thuyết
- Phẩm Căn Dặn
- Phẩm Pháp Cúng Dường
- Phẩm Được Thấy Phật A Súc
- Phẩm Hạnh Bồ Tát
- Phẩm Pháp môn không hai
- Phẩm Con Đường Phật Đi
- Phẩm Quán Chiếu Căn Tánh Chúng Sinh
- Phẩm Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát
- Phẩm Văn Thù Sư Lợi Đi Thăm Bệnh
- Phẩm Trò Chuyện Cùng Các Vị Bồ Tát (P.2)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét