Phẩm Được Thấy Phật A Súc
Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018
Bấy giờ, Thế Tôn hỏi ngài Duy ma cật rằng:
- Này cư sĩ Duy ma cật! Muốn thấy Như Lai thì Bồ tát phải quán
chiếu như thế nào?
Trưởng giả Duy ma cật đáp:
- Muốn thấy Như Lai thì Bồ tát phải quán thật tướng của thân. Quán
Như Lai đời trước không đến, đời sau không đi, hiện tại không ở; Không quán
sắc, không quán sắc như, không quán sắc tánh; Không quán thọ, tưởng, hành,
thức, không quán thức như, không quán thức tánh; Không phải tứ đại sinh, cũng
không do hư không sinh; Không do sáu nhập, không do sự nhóm họp mắt, tai, mũi,
lưỡi, thân, tâm; Không ở ba cõi đã lìa đắm nhiễm, thuận ba môn giải thoát; Có
đủ ba minh cùng như vô minh, không một tướng, không khác tướng, không tự tướng,
không tha tướng, không phải không tướng, không phải chấp tướng; Không bờ bên
này, không bờ bên kia, không giữa dòng mà hóa độ chúng sinh; Quán tịch diệt mà
không diệt hẳn; Không đây, không kia, không nương nơi đây, không nương nơi kia;
Không thể dùng trí mà hiểu được, không thể dùng thức mà biết được; Không tối
không sáng; Không danh không tướng; Không mạnh không yếu; Không phải sạch,
không phải dơ; Không ở chỗ trụ, không lìa chỗ trụ; Không phải hữu vi, không
phải vô vi; Không bày không nói; Không bố thí, không bỏn sẻn; Không giữ giới,
không phạm giới; Không nhẫn, không giận; Không tinh tấn, không giải đãi; Không
định, không loạn; Không trí không ngu; Không thật không dối; Không đến không
đi; Không ra không vào; Bặt đường nói nín; Không phải phước điền, không phải
không phước điền; Không phải xứng đáng cúng dường, không phải không xứng đáng
cúng dường; Không phải thủ, không phải xả; Không phải có tướng, không phải
không tướng; Đồng với thực tế, bình đẳng như pháp tánh; Không thể cân, không
thể lường, vượt các sự cân lường, không lớn không nhỏ; Không phải thấy, không
phải nghe; Không phải giác, không phải tri; Lìa mọi ràng buộc, bình đẳng các
trí, đồng với chúng sinh; Đối với các pháp không phân biệt; Tất cả đều không
đầy vơi, không phiền không khổ, không tác không khởi, không sinh không diệt,
không sợ không lo, không mừng không chán, không đã có, không sẽ có, không hiện
có, không thể lấy tất cả lời nói phân biệt chỉ bày được. Thưa Thế Tôn! Tánh
tướng Như Lai là thật tướng vạn pháp,… Muốn thấy Như Lai phải quán chiếu như
thế, đây gọi là chánh quán, còn quán Như Lai không đúng pháp quán chiếu như thế
gọi là tà quán.
Lúc ấy, ngài Xá lợi phất hỏi:
- Thưa Đại sĩ Duy ma cật! Ngài ở đâu chết rồi sinh nơi đây?
Trưởng giả Duy ma cật nói:
- Thưa ngài Xá lợi phất! Pháp của ngài chứng ngộ có chết rồi sinh
không?
Ngài Xá lợi phất đáp:
- Thưa nhân giả! Pháp tôi chứng ngộ thời không chết không sinh.
Trưởng giả Duy ma vấn ngài Xá lợi phất:
- Nếu các pháp không có tướng chết rồi sinh, vậy tại sao ngài lại
hỏi tôi ở đâu chết rồi sinh ra nơi đây? Ví như nhà huyễn thuật tạo ra những
hình tướng nam nữ, ngài thử nghĩ xem những hình tướng nam nữ huyễn hóa ấy có
chết rồi sinh ra không?
Ngài Xá lợi phất nói:
- Vì hình tướng nam nữ do nhà huyễn thuật làm ra là tướng giả hợp,
là tướng huyễn hóa nên không có việc chết rồi sinh ra.
Trưởng giả Duy ma cật truy vấn:
- Thưa ngài Xá lợi phất! Ngài không nghe Phật thuyết các pháp
tướng đều như huyễn hay sao?
Ngài Xá lợi phất đáp:
- Thưa nhân giả! Tôi có nghe Phật nói điều đó.
Trưởng giả Duy ma cật nói:
- Nếu các pháp tướng như huyễn thời tại sao ngài còn hỏi “Tôi ở
đâu chết rồi sinh nơi đây?”. Thưa ngài Xá lợi phất! Chết là cái tướng hư hoại
của pháp hư dối, sinh là tướng tương tục của pháp hư dối, Bồ tát dù chết không
dứt mất gốc lành, dù sống cũng không thêm các điều ác.
Bấy giờ, Phật nói với ngài Xá lợi phất:
- Có cõi nước Diệu Hỷ, Như Lai cõi nước Diệu Hỷ hiệu là Phật Bất
Động, trưởng giả Duy ma cật này từ ở cõi nước Diệu Hỷ hóa sinh ở cõi Ta Bà.
Ngài Xá lợi phất lại hỏi:
- Thật chưa từng có vậy, thưa Thế Tôn! Người này chịu bỏ cõi thanh
tịnh mà đến chỗ nhiều não hại, oán phiền.
Trưởng giả Duy ma cật nói với ngài Xá lợi phất:
- Thưa ngài Xá lợi phất! Ngài thử nghĩ xem. Lúc ánh sáng mặt trời
soi chiếu lên khắp cõi Ta Bà, ánh sáng mặt trời có hiển hiện chung cùng với
bóng tối không?
Ngài Xá lợi phất đáp:
- Thưa Đại sĩ Duy ma cật! Khi ánh sáng mặt trời soi sáng thì không
còn bóng tối nữa.
Trưởng giả Duy ma cật hỏi:
- Mặt trời tại sao lại đi qua cõi Diêm Phù Đề?
Ngài Xá lợi phất đáp:
- Vì mặt trời mang lại ánh sáng soi chiếu, xua đi sự tối tăm cho
cõi nước Diêm Phù Đề.
Trưởng giả Duy ma cật nói:
- Bồ tát cũng thế, việc hóa sinh ở cõi nước bất tịnh là cốt
để hóa độ mọi chúng sinh, việc hóa sinh của Bồ tát không có thỏa hiệp, chung
cùng với sự u mê, tăm tối mà là nhằm vào việc dứt trừ khổ não, muộn phiền ở tất
cả chúng sinh.
Nghe đến đây, đại chúng đồng khởi niệm những mong được tận mắt
chiêm bái Phật Bất Động cùng các hàng Bồ tát, hàng Thanh văn ở cõi nước Diệu
Hỷ.
Phật biết tâm niệm của đại chúng nên bảo trưởng giả Duy ma cật:
- Này Đại sĩ Duy ma cật! Đại sĩ hãy hiện cõi nước Diệu Hỷ, Phật Bất
Động và các hàng Bồ tát, Thanh văn cho đại chúng cõi Ta Bà được trông thấy, đại
chúng đây đều đang rất ngưỡng mộ, mong mỏi được gặp.
Lúc ấy, trưởng giả Duy ma cật dụng tâm “Ta sẽ không rời chỗ ngồi
mà tiếp lấy cõi nước Diệu Hỷ, núi, sông, khe, hang, ao hồ, biển lớn, nguồn
suối, các núi Thiết Vi, Tu Di, và mặt trời, mặt trăng, các vì sao, các cung
điện của Thiên, Long, quỉ thần, Phạm thiên cùng các hàng Bồ tát, Thanh văn,
thành ấp, thôn xóm, trai gái lớn nhỏ, cho đến Phật Bất Động và cây bồ đề, hoa
sen quí, những thứ có thể làm Phật sự trong mười phương, ta hóa hiện thềm báu
nối liền cõi Diêm Phù Đề đến cõi trời Đao Lợi, do có thềm báu nối liền này mà
chư Thiên đồng phó hội, chư Thiên sẽ cung kính đảnh lễ Phật Bất Động và nghe
thọ kinh pháp; Người ở cõi Diêm Phù Đề cũng lên thềm báu đó mà đi lên cõi trời
Đao Lợi để chiêm bái chư Thiên. Cõi nước Diệu Hỷ sẽ thành tựu công đức vô
lượng, trên đến trời Sắc Cứu Cánh, dưới đến tận Long cung. Trưởng giả Duy ma
cật liền dùng bàn tay phải xoay nhanh một cái như cách xoay chiếc bàn xoay của
người thợ gốm lành nghề, liền đó nhấc bổng cõi nước Diệu Hỷ đem về cõi Ta Bà,
cõi nước Diệu Hỷ bấy giờ tựa như là chiếc tràng hoa, tất cả đại chúng cõi Ta Bà
đều được thấy. Khi trưởng giả Duy ma cật hiện sức thần thông mang cõi nước Diệu
Hỷ về cõi Ta Bà, các Bồ tát và chúng Thanh văn cùng các hàng trời, người có
thần thông ở cõi nước Diệu Hỷ đều cất tiếng hỏi Phật Bất Động:
- Thưa Thế Tôn! Có ai đó đang đem chúng con đi, mong Thế Tôn ứng
cứu.
Phật Bất Động đáp:
- Không phải do ta làm, đó là thần lực của trưởng giả Duy ma cật.
Cùng lúc đó, những chúng sinh ở cõi nước Diệu Hỷ mà chưa có thần
thông thảy đều không hay không biết mình đã bị mang đi. Cõi nước Diệu Hỷ dù bị
đặt vào cõi Ta Bà mà vẫn vẹn nguyên, không có sự bó hẹp; Cũng lại như vậy, cõi
Ta Bà cũng không hề bị chèn lấn, vẫn giữ nguyên hiện trạng ban đầu.
Bấy giờ, Phật Thích Ca nói:
- Đại chúng hãy chiêm ngưỡng Phật Bất Động, cõi nước Diệu Hỷ, cõi
nước đó trang nghiêm thật tốt đẹp, chúng Bồ tát cùng hàng đệ tử đều thanh tịnh.
Đại chúng đáp:
- Thưa Thế Tôn! Thật là chưa từng có. Đại chúng nay thảy đều được
thấy.
Phật nói:
- Này các vị Bồ tát! Nếu muốn được cõi nước Ta Bà thanh tịnh như
thế thì Bồ tát cần thọ trì hạnh nguyện của Phật Bất Động.
Khi hiện ra cõi nước Diệu Hỷ này, cõi Ta bà có 14 na do tha chúng
sinh liền phát tâm vô thượng bồ đề, họ đều nguyện được thọ sinh sang cõi nước
Diệu Hỷ. Phật Thích Ca biết rõ tâm ý những chúng sinh vọng ngoại đó liền thọ ký
“Những ai cầu sinh sang cõi Phật Bất Động sẽ đặng sinh sang nước cõi nước Diệu
Hỷ”.
Khi đã làm xong việc Phật sự, cõi nước Diệu Hỷ được trưởng giả Duy
ma cật mang đặt về đúng nơi chốn cũ.
Phật bảo ngài Xá lợi phất:
- Ông có thấy rõ cõi nước Diệu Hỷ và Phật Bất Động không?
Ngài Xá lợi phất đáp:
- Thưa Thế Tôn! Con đã thấy rõ. Con nguyện tất cả chúng sinh ở
mười phương đều được cõi nước thanh tịnh như cõi Phật Bất Động và sức thần
thông tự tại như trưởng giả Duy ma cật.
- Thưa Thế Tôn! Chúng con thật sự được nhiều lợi lành, được thấy
và gần gũi cúng dường Đại sĩ Duy ma cật. Con nguyện những chúng sinh hoặc hiện
tại hoặc sau khi Phật diệt độ mà nghe kinh này cũng đều được lợi lành. Thật
càng lợi lạc hơn khi có người được nghe rồi tin hiểu, thọ trì, đọc tụng diễn
nói và đúng như pháp hành trì. Nếu có người nào đặng duyên thọ nhận bộ kinh
điển này thì người đó đã có được kho tàng Pháp bảo Như Lai tạng. Nếu có người
đọc tụng giải thích nghĩa lý kinh này, lại đúng như lời pháp hành trì thời được
chư Phật hộ niệm. Nếu có ai cúng dường những người y pháp hành trì như thế tức
là việc cúng dường tất cả chư Phật. Nếu có người nào biên chép thọ trì kinh này
thì trong nhà người đó có Như Lai. Nếu người nghe kinh này mà tùy hỷ tín thọ
thời người đó sẽ dần tiến đến bậc nhất thiết chủng trí. Nếu người tin hiểu kinh
này cho đến ghi nhớ một bài kệ rồi diễn nói cho người khác nghe, phải biết
người đó được thọ ký quả vô thượng bồ đề.
Tinh yếu lược giải:
Vì biết người học Phật, chúng sinh vô minh chấp Sắc tướng Như Lai
với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp… Giác giả đã dùng pháp phương tiện xảo diệu cảnh
tỉnh người học Phật hãy dùng chánh quán để quán chiếu Như Lai, chớ sinh lòng si
mê, tà vạy những mong trông thấy Phật ở hình tướng, thanh sắc.
…
Ở Phẩm được thấy Phật A Súc, ngài Xá lợi phất lại thêm một lần nữa
phơi bày bản tánh chấp thủ của người học Phật Thanh văn thừa, việc sinh tử, chỗ
đến đi của Bồ tát Duy ma cật. Và ngài Duy ma cật phải thêm một lần cảnh tỉnh
những chỗ học hiểu mà không thể liễu ngộ, thấu triệt ở người học Phật chấp văn
tự, ngôn thuyết, Pháp ngữ.
Qua lời vấn của ngài Duy ma cật người học Phật khách quan sẽ nhận
ra người học Phật Thanh văn thừa tựa nơi kinh điển, lời Phật thuyết dường như
đã hiểu cả nhưng không thể tùy nghi khởi dụng đúng thời, pháp hành do vậy có sự
ngưng trệ, trí tuệ theo đó cũng có sự giới hạn, khó thông đạt vạn pháp.
Vì rõ biết với người học Phật chẳng rõ chánh pháp, giới học Phật
hãy còn chấp Tướng đều cho rằng Phật, Bồ tát là có sự đến đi. Do duyên ấy, vị
Giác giả đã thuyết cư sĩ Duy ma cật đến từ một nơi được trang nghiêm tuyệt đẹp,
thanh tịnh, thuần khiết,… cõi nước đó có tên Diệu Hỷ, nơi Phật Bất Động thường
trụ.
Cõi nước Diệu Hỷ là cõi nước nào? Phật Bất Động là ai?
Người học Phật không mê đắm điều huyễn hóa, việc tham đó, bỏ đây
sẽ dễ dàng nhận ra cõi nước Diệu Hỷ chính là cõi Ta Bà - Phật quốc. Việc đó
thành tựu khi người học Phật dứt tâm phân biệt đối đãi thủ xả, lập hạnh Bồ tát
trang nghiêm cõi nước thanh tịnh thuần khiết và Phật Bất Động cũng chính là Như
Lai không đến không đi, không sinh không diệt, không trước không sau.
Với người học Phật đại thừa, căn tánh linh mẫn thì sẽ không bị
tướng ngôn thuyết làm mê tâm, đem lòng chấp thủ điều hư vọng. Song căn tánh
người học Phật xưa nay vốn không đồng thế nên vị Giác giả đã tùy thuận dùng
pháp phương tiện thỏa mãn hạnh nguyện của người học Phật theo lối tiểu thừa - Như
Lai thọ ký “Những ai cầu sinh sang cõi Phật Bất Động sẽ đặng sinh sang nước
cõi nước Diệu Hỷ”. Đây là việc làm nhằm duy trì niềm tin về chánh pháp, là
sự quyền biến ngõ hầu dung chứa, cứu khổ mọi chúng sinh với muôn ngàn căn
tánh dị biệt, đây là pháp phương tiện quyền biến nhằm giúp người học Phật an
tâm đi trên đường lớn chánh đạo, việc ra sức thọ trì chánh pháp dần dần sẽ giúp
người học Phật có xu hướng vọng ngoại chạm đến nguồn an lạc, trực nhận và thâm
nhập sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn.
Sau cùng, ngài Xá lợi phất đã thay mặt đại chúng tán thán chỗ vi
diệu, thù thắng của bộ kinh chứa đựng rất nhiều pháp phương tiện thiện xảo,
quyền biến.
Con nguyện những chúng sinh hoặc hiện tại hoặc sau khi Phật diệt
độ mà nghe kinh này cũng đều được lợi lành. Thật càng lợi lạc hơn khi có người
được nghe rồi tin hiểu, thọ trì, đọc tụng diễn nói và đúng như pháp hành trì.
Nếu có người nào đặng duyên thọ nhận bộ kinh điển này thì người đó đã có được
kho tàng Pháp bảo Như Lai tạng. Nếu có người đọc tụng giải thích nghĩa lý kinh
này, lại đúng như lời pháp hành trì thời được chư Phật hộ niệm. Nếu có ai cúng
dường những người y pháp hành trì như thế tức là việc cúng dường tất cả chư
Phật. Nếu có người nào biên chép thọ trì kinh này thì trong nhà người đó có Như
Lai. Nếu người nghe kinh này mà tùy hỷ tín thọ thời người đó sẽ dần tiến đến
bậc nhất thiết chủng trí. Nếu người tin hiểu kinh này cho đến ghi nhớ một bài
kệ rồi diễn nói cho người khác nghe, phải biết người đó được thọ ký quả vô
thượng bồ đề.
Bài liên quan
- Phẩm Nói Với Chúng Học Trò Thanh Văn (P.1)
- Phẩm Pháp Phương Tiện - Sự Quyền Biến
- Phẩm Cõi Nước Phật Thích Ca
- Liễu giải kinh Duy ma cật sở thuyết
- Phẩm Căn Dặn
- Phẩm Pháp Cúng Dường
- Phẩm Hạnh Bồ Tát
- Phẩm Phật Hương Tích
- Phẩm Pháp môn không hai
- Phẩm Con Đường Phật Đi
- Phẩm Quán Chiếu Căn Tánh Chúng Sinh
- Phẩm Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét