Tam Tạng kinh do ai thuyết?
Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2018
Pho Tam Tạng kinh không chỉ do Phật Thích Ca tuyên thuyết, có một
vài vị Giác giả chứng ngộ sau thời Phật Thích Ca trụ thế đã góp sức hoàn thiện
bộ Tam Tạng kinh.
Tôi sẽ lại kể một câu chuyện.
Tin Tin vấn hỏi:
- Bạn cho rằng Tam Tạng kinh có chân kinh, có ngụy kinh nhưng sao
lại cứ nhất thiết phải nói kinh A di đà là ngụy kinh? Bạn có biết rằng pháp môn
niệm Phật phù hợp với căn tánh của tất cả mọi người và Phật thuyết đây là bộ
kinh còn lại sau cùng của đạo Phật ở thời mạt pháp không? Bạn nói kinh A di đà
là ngụy kinh sẽ khiến người học Phật theo pháp môn niệm Phật rơi vào hụt hẫng,
hoang mang. Bạn sẽ đánh mất niềm tin về đạo Phật ở người học Phật theo pháp môn
Tịnh độ.
Tôi đáp:
- Tôi chỉ trình bày về việc trong pho Tam Tạng kinh có chân kinh,
có ngụy kinh, có ngụy thư trong chân kinh. Tôi đâu từng bác bỏ pháp môn niệm
Phật của người học Phật theo pháp môn Tịnh độ.
Vấn đề thảo luận hiện là chân kinh - ngụy kinh chứ không phải là
vấn đề kinh A di đà là ngụy kinh hay chân kinh. Bạn Tin Tin đã rõ vấn đề đang
thảo luận?
…
Thực ra việc thảo luận ngụy kinh - chánh kinh ở giáo lý Tam Tạng
kinh đã diễn ra suốt chiều dài lịch sử tồn tại và phát triển của đạo Phật. Tiếc
rằng những cuộc thảo luận nhằm phân định rạch ròi sự chân ngụy ở pho Tam Tạng
kinh đều rơi vào biên kiến, trước sau nối tiếp nhau mà đã không đi đến một kết
luận khách quan, đúng mực sau cùng.
Với việc tranh luận ngụy kinh - chân kinh, tôi nhận ra đó là lẽ
thường, việc nói ra chính kiến chỉ là sự mặc khế tôi đâu từng có ý đoạn diệt
ngụy kinh, ngụy thư.
Vì sao?
Vì ngụy thư nương nơi chân kinh mà lập, ngụy kinh cũng nương nơi
chánh kinh mà tựu thành. Nào phải ngụy kinh, ngụy thư là sự xa rời Pháp bảo.
Việc tôi biện cho ra lẽ chân ngụy chỉ là một phần của thiển ý nhắc người học
Phật rằng "Hãy đốt đuốc tự soi". Nào phải việc đoạn diệt pháp môn
niệm Phật, tôi đâu từng rơi vào nhị nguyên đúng - sai.
Vì có người hỏi nên tôi lấy sự thành tâm mà đáp. Do sớm biết câu
trả lời có sự dính mắc pháp môn học Phật nên dễ gây ra điều thị phi nơi người
học Phật. Chính vì vậy tôi đã không ngần ngại gọi Tổ Long Thọ là giả bồ tát và
kinh Hoa Nghiêm là ngụy kinh. Việc làm có chút tư tâm đó tôi cả nghĩ là đủ để
dung hòa việc có ngụy kinh, ngụy thư trong chân kinh và người học Phật nên
chăng nhận rõ lẽ chân ngụy ngõ hầu tiến vững trên đường đạo. Vậy mà...
Thật ra pho Tam Tạng giáo điển đâu phải chỉ do mỗi Phật Thích Ca
tuyên thuyết. Người chứng ngộ A la hán trong nhân loại sau ngày Phật Thích Ca
thành đạo đâu chỉ một người. Các vị ấy thuyết pháp bất khả đắc đâu cần đến một
danh xưng ngoài danh vị Phật Thích Ca. Kinh Phật vì thế mà có sự tùy thời, khế
hợp.
Tuy nhiên, trong số những người thuyết pháp giả lập gọi là kinh
Phật đâu phải tất cả đều đã chứng ngộ Giác giả hoàn toàn do vậy có không ít bộ
kinh rơi vào hư vọng, hoang đường.
Không phải tôi tùy tiện gọi ngài Long Thọ là giả bồ tát mà là vì
dựa vào kinh sách cổ thì bộ kinh Hoa Nghiêm đích thật do ngài ấy thuyết ra. Và
dựa vào kinh sách ghi lại thì ngài Long Thọ đã phạm đại vọng ngữ, việc hý lộng
quỷ thần, thiên nhân sư về gốc tích của sự ra đời bộ kinh Hoa Nghiêm.
Cũng lại như vậy lịch sử 33 vị Tổ cũng là chỗ lao tâm của người
Trung Hoa xưa. Lúc bấy giờ người Trung Hoa coi trọng thuyết Chính danh bởi vậy
cho nên việc ngụy tạo mạch pháp Phật đơn truyền từ Ấn Độ sang Trung Quốc được
thành hình, việc trá ngụy lịch sử 33 vị Tổ nhằm bổ khuyết chỗ chánh tông tâm
pháp Phật môn cho Phật giáo Trung Hoa. Quả thật là người Trung Hoa từ xưa đã
rất thâm trầm, sâu sắc đến khó dò. Nếu thả lòng xem lược sử 33 vị Tổ người học
Phật sẽ thấy có nhiều điểm chẳng thông ví như về khoảng thời gian truyền thừa
giữa các vị Tổ có sự thiếu liền mạch, nhiều yếu tố quyền phép đượm màu truyện
Tây Du Ký, Phong Thần,… huyền môn mang bản sắc Trung Hoa,...
Và một điểm cực kỳ hư vọng có nơi lịch sử 33 vị Tổ là việc y bát
được truyền từ thời Phật Thích Ca đến thời Lục Tổ Huệ Năng. Chẳng rõ y bát ngày
xưa được làm bằng chất liệu gì mà bền đến không thể nghĩ bàn? Một lẽ chẳng
chân, vạn điều thành ngụy.
Song trong cái ngụy của Phật giáo Trung Hoa đã mở lối sống mới cho
đạo Phật, nơi đất nước Trung Hoa chánh pháp nhãn tạng Như Lai đã từng có lúc
sáng bừng rực rỡ, đã có rất nhiều người học Phật Trung Hoa nhờ thọ trì chánh
pháp Phật môn mà thoát khổ, vượt thoát luân hồi. Nhìn vào lịch sử Trung Hoa ta
sẽ nhận ra có rất nhiều thời kỳ đất nước này thái bình, thịnh trị, xã hội Trung
Hoa từng hài hòa, ổn định là nhờ vào chánh pháp ẩn tàng trong pho Tam Tạng
kinh.
Do vậy, có thể nói rằng giáo lý đạo Phật từ lâu đã nhờ vào ngụy
kinh, ngụy thư trong chân kinh mà còn tồn tại nơi xã hội loài người; Tam Tạng
kinh nhờ yếu tố lai căng tín ngưỡng ở các hệ thống tôn giáo truyền thống bản
địa mà được người học Phật ngày nay gìn giữ truyền thừa. Dẫu rằng việc xen lẫn
ngụy kinh, ngụy thư cùng các yếu tố lai căng tín ngưỡng đã phần nào làm mai
một, nhạt nhòa viên ngọc chánh pháp sáng rỡ có nơi giáo lý đạo Phật. Song giá
trị chánh pháp có nơi đạo Phật vẫn còn vẹn nguyên khi con người tìm đến pho Tam
Tạng kinh bằng vào sự khách quan, đúng mực.
Tóm lại, pho Tam Tạng kinh đích thực chẳng do riêng mỗi Phật Thích
Ca tuyên thuyết. Về sau, có rất nhiều hành giả chứng ngộ đã lấy những ý nhỏ nơi
lời Phật Thích Ca thuyết để hoàn chỉnh lại hệ tư tưởng chánh pháp ngõ hầu giúp
người học Phật dễ dàng hơn khi tiếp cận giáo lý đạo Phật.
Bên cạnh đó, việc học giả nghiên cứu Phật học lấy trí hiểu biết
suy lường cũng góp phần vào việc kết tập pho Tam Tạng kinh cho nên trong giáo
lý đạo Phật khó tránh khỏi việc tồn tại chân kinh - ngụy kinh, ngụy thư trong
chân kinh.
Song người học Phật đúng mực và người có sự hiểu biết khách quan
sẽ rõ biết muốn đãi vàng thì con người phải gạn lọc từ trong khối ngổn ngang
cát đá.
Chiếc chìa khóa có công năng giúp loài người và mọi chúng sinh
thoát khổ, giải thoát hoàn toàn rời xa việc sinh tử luân hồi vẫn còn vẹn nguyên
nơi giáo lý Tam Tạng kinh. Nhân loại, người học Phật hoàn toàn có thể tìm thấy
chiếc chìa khóa vi diệu ấy trong pho Tam Tạng kinh khi khách quan, đúng mực
nhận diện rõ lẽ chân ngụy trong lời Phật Thích Ca và những vị Giác giả từng
trình bày.
Bài liên quan
- Hóa giải thâm cừu, đại hận giữa các hệ phái đạo Phật
- Diệu ý Như Lai
- Phác họa chân dung Giác giả Thích Ca
- “Khai quan điểm nhãn” (P.4)
- “Khai quan điểm nhãn” (P.3)
- “Khai quan điểm nhãn” (P.2)
- “Khai quan điểm nhãn” (P.1)
- Chọn lựa tích cực của Phật Thích Ca ngay sau ngày thành đạo…
- Giác giả Thích Ca ra đời là điều tất yếu
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết (P.3)
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết (P.2)
- Chân kinh - Ngụy kinh, những điều cần biết! (P.1)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét