Đạo Phật dơ bẩn
Thứ Năm, 23 tháng 8, 2018
Thân hình của cô người mẫu có đẹp không? Kinh Phật có vi diệu,
chân chính không?
Có. Thân hình của cô người mẫu tuyệt đẹp, kinh Phật thật tuyệt
diệu. Tuy nhiên, sự kết hợp của hai cái đẹp trên bằng một loại hình gọi là nghệ
thuật thì dường như cái đẹp đã bị đánh cắp. Dường như có một sự thô bỉ, dơ bẩn
trong lòng người khi con người lạm dụng các hình thức thể hiện nghệ thuật.
Bát nhã tâm kinh được vẽ lên thân thể trần trụi của người phụ nữ
có thể xem như là sự phỉ báng kiến thức con người đương đại. Người họa sĩ, cô
người mẫu đã biết gì về giá trị của Bát nhã tâm kinh. Là nghệ thuật ư? Người
họa sĩ đã nghĩ gì khi viết những câu chữ lên những vị trí được xem là nhạy cảm
ở thân thể người phụ nữ? Người phụ nữ khỏa thân đã nghĩ gì khi để người vẽ kinh
Phật lên thân hình trần trụi?
Tôi đã dự định tìm những bức ảnh được che chắn hoặc làm nhòa đi
như điểm nhạy cảm nhưng rồi tôi nhận thức được rằng điều đó không thật sự cần
thiết. Đã lộ liễu, trần trụi rồi che đậy chỉ làm kích thích thêm sự vọng tưởng,
suy diễn mà thôi. Vậy nên tôi sẽ lấy hẳn ảnh gốc để chỉ ra sự dung tục, dơ bẩn
của những người mượn danh nghĩa nghệ thuật, văn hóa làm điều bệnh hoạn, xấu xa.
Viết kinh Phật lên thể xác của người phụ nữ nghe chừng đã có phần
dung tục, phản cảm. Vậy mà lòng tham, sự si mê cuồng vọng của con người không
dừng lại đó.
Nude để thiền - Lời thiệu nghe thật ấn tượng và… có phần thanh
tịnh. Lại một chuỗi những hình ảnh trần trụi, dung tục của một cô gái mà người
đương đại gọi là hot girl vờn quanh một kẻ cạo đầu.
Kẻ làm nghệ thuật đã trơ tráo nói rằng đây là bộ ảnh nghệ thuật
thể hiện người tu hành sẽ không bị ô nhiễm sắc dục, lòng thanh, tâm lặng. Bộ
ảnh ra đời do dựa vào tích Phật Thích Ca trước ngày thành đạo bị Thiên ma biến
hình thể nữ chiêu dụ mà Phật vẫn không hề nao núng, chùn tâm, thoái chí xuất
gia.
Nghe chừng thật đúng mực. Nhưng đã có sự trá ngụy. Phật Thích Ca
tu hành chân chính, đắc pháp vô sinh khiến cung ma nghiêng ngã. Vì lẽ đó Thiên
ma mới đến gây điều não hại nhằm ngăn chặn việc tiến tu của Phật. Thật ra Phật
đã thuyết ra mẩu truyện này chỉ nhằm mục đích sách tấn người xuất gia xa rời
việc tham đắm ngũ dục chứ không chỉ riêng dâm giới.
Việc lưu xuất dục là từ tâm thể vô hình và người xuất gia chân
chính cần gột rửa, chế ngự vọng tâm cuồng loạn, đảo điên. Đằng này những đương
sự liên quan dối láo pháp Phật dựng cảnh, tạo hình.
Nếu không do tâm vọng lập cảnh thì từ đâu mà ra cảnh?
Lại nói đó là phương cách giữ tâm thanh tĩnh của thiền nhân trước
cám dỗ của sắc dục hay vọng tâm rong ruổi nẻo mê ở những kẻ khởi phát tâm tà?
Khi dựng cảnh tạo hình mắt người đầu trọc nhắm nghiền nhưng khi
mưu sự đã thành liệu chừng có không việc chiêm ngưỡng thành quả thu được?
Hơn nữa, thật chẳng thể nhắm nghiền hai mắt, không dễ đóng kín cả
hai tai trong suốt cả quá trình tác nghiêp. Vậy nên thật là “danh chánh, ngôn
thuận” thả rong vọng tâm.
Đắc pháp ư? Đạt đạo ư? Đối cảnh vô tâm ư?
E rằng còn xa lắm với miên man vọng tâm điên đảo, loạn cuồng.
Nghệ thuật ư? Văn hóa ư?
Nghe chừng quá ư dung tục, dơ bẩn, biến thái nhân cách, đạo làm
người. Nghệ thuật ngày càng trở nên thô thiển đến bền bỉ. “Thà trắng, thà đen”,
đừng che đậy, ngụy tạo ngôn từ thì có lẽ sự dung tục, trần trụi sẽ ít bị điều
tiếng hơn.
Nếu muốn chiêm ngưỡng “núi đôi, hang thẳm” thì đâu cần phải bày
vẽ, phô trương lắm vậy.
Cổ nhân dạy: “Phú quý sinh lễ nghĩa. Nhàn cư vi bất thiện”. Người
Việt Nam ngày nay rơi vào tâm bão của lòng tham, lối sống thực dụng đã phơi bày
2 thái cực trái ngược rõ nét nơi xã hội. Người thì nghèo khó, khốn cùng, tất tả
kiếm miếng cơm, manh áo; Kẻ thì giàu sụ, đắm chìm trong hoang lạc, tập tành
thói trưởng giả rởm đời. Thật là một xã hội hỗn mang, đảo điên, bấn loạn… và
man trá.
Trong sự trưởng giả học làm sang thường tồn tại nơi tâm tưởng của
loài người, người Việt Nam cũng đã mang về cho bộ sưu tập cá nhân một bức tượng
Phật được tạo hình đượm màu sắc dục nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ, tính bản ngã.
Tuy nhiên, với không ít tín đồ học Phật thì đây là một sự xúc phạm
đến Đức Phật mà họ tôn thờ bởi do tính trơ trẽn, trần trụi của một tác phẩm
nghệ thuật biến tấu, bệnh hoạn. Người khác lại cho rằng đó chỉ đơn giản là một
tác phẩm nghệ thuật của những kẻ lắm tiền, nhiều trò, kệch cỡm.
Giới chuyên gia và những nhà nghiên cứu đã vào cuộc. Họ đánh giá
cao bức tượng “ma quỷ” bởi lẽ nếu xác định được đây là cổ vật thì quả thật là
một “món hời lớn”. Đây là biểu hiện thường thấy của giới chuyên gia đồ cổ nhưng
vị chuyên gia này quả thật quá non nớt, thiếu kinh nghiệm. Họ cho rằng nếu xác
định được niên đại cổ vật cũng như xác định nguốn gốc, xuất xứ ở Việt Nam cho
tượng Phật thì mảnh ghép Mật tông du nhập Việt Nam sẽ có lời giải. Họ còn trưng
ra bộ sách Đồ giải Tây Tạng Mật tông - Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thiểm Tây
với rất nhiều những bức hình trần trụi tương tự và lý giải gốc văn hóa của
tượng là quan điểm triết học phương Đông về âm dương. Sau đó, họ đưa ra thêm
vài dẫn chứng và khẳng định suy diễn nếu có sự bậy bạ trong bức tượng thì cho
do cách nhìn nhận không đúng của người đương thời còn thực tế là bức tượng trên
mang biểu tượng Từ Bi.
Ôi trời! Lý giải thế này thì chỉ có thể giới chuyên gia, nhà
nghiên cứu, thành phần học giả,… mới có thể “gặm nhấm” được.
Với tôi thì vấn đề có phần đơn giản hơn. Thoạt nhìn màu sắc, chất
liệu,… và thời gian xuất hiện bức tượng thì có thể khẳng định đây là sản phẩm
đồ đồng mới chế tác, chẳng thể có niên đại đủ lâu để làm cổ vật. Và sản phẩm là
do sự “đặt hàng” của một người tìm tòi, nghiên cứu về Mật tông hoặc đơn giản
hơn là người đó muốn thỏa mãn sự hiếu kỳ, phấn khích cá nhân và… thôi đây là…
chuyện mật của họ.
…
Mật tông là tôn giáo gì? Có thật Mật tông thuộc về Phật giáo
không? Cũng lại như vậy bức tượng sắc dục trên liệu có gốc tích từ Phật giáo?
Những câu hỏi này giới chuyên gia nghiên cứu, học giả,… không dễ
tường tận câu trả lời. Phần lớn câu trả lời cũng như những khẳng định của họ
đều vướng mắc sự chủ quan, thiên kiến và cả những định mức, quy ước.
…
Tôi sẽ mở rộng về tượng Phật mang dấu ấn Từ Bi cùng triết lý âm
dương của giới chuyên gia, những nhà nghiên cứu ở trên thành vấn đề Mật tông.
Được biết Mật tông ra đời vào khoảng thứ 5, 6 ở Ấn Độ và khoảng
thế kỷ thứ 7 thì được du nhập vào Trung Quốc. Thật ra thời gian ra đời của Mật
tông có phần sớm hơn rất nhiều. Bởi do tính khép kín, ẩn tu mà thời gian ra đời
của Mật tông không dễ nhận biết. Tính giới hạn và kín kẽ pháp hành ở các dòng
tu khác nhau khiến tư liệu về Mật tông không được phổ truyền và số tư liệu Mật
tông tồn tại đến ngày nay chỉ là sự góp nhặt chấp vá.
Mật tông phát khởi từ Ấn Độ. Nguyên nhân sự ra đời Mật tông Ấn Độ
là do đạo Phật bị bí lối vì sự “đánh mất” hay nói cách khác là đã không có bậc
Giác giả, vị hướng đạo sư chân chính ra đời và kế thừa việc truyền pháp. Việc
hành giả không ít nhưng Giác giả hoàn không. Kết quả của việc “thiếu hụt” vị
chân sư đúng nghĩa dẫn đến sự “leo thang” tính hoài nghi ở người học Phật, do
vậy đã có “những cuộc lội ngược dòng” tìm dấu sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn
và phương cách được sử dụng là trở về nguồn cội kinh Vệ đà của Pháp tu Bà la
môn. Người học Phật trốn vào hang thẳm, rừng sâu hành trì bùa chú, huyễn
thuật,… có nơi kinh điển gốc.
Vậy nên bảo Mật tông thuộc về đạo Phật là đúng cùng không đúng vì
đó là một hiện tượng biến dị giao thoa giữa Bà la môn giáo và Phật giáo.
Mật tông theo trường phái Ấn Độ gốc và ở giai đoạn này không hề có
khái niệm âm dương, càng không thể có hình tượng nam nữ lõa thể. Ngay cả điều
đơn giản này mà giới học giả, chuyên gia Việt Nam cũng không rõ biết lại giở
thủ đoạn “Cả vú lấp miệng em” ngụy tạo Mật tông cũng là trường phái triết học
phương Đông nên chứa đựng học thuyết âm dương là sự sai lầm không thể bào chữa.
Giới chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu, giới quản lý xã hội,…
thật sự đã phạm sai lầm nghiêm trọng và nông cạn khi chỉ có thể nhìn nhận Phật
giáo (nói riêng), tôn giáo (nói chung) như là một phạm trù triết học, một
truyền thống văn hóa, một tín ngưỡng tâm linh chủ quan,…
Học thuyết âm dương là một trường phái triết học phương Đông và
nơi khai sinh học thuyết âm dương chính là Trung Hoa cổ đại. Dù rằng Ấn Độ,
Trung Hoa cũng đều là những chiếc nôi tri thức phương Đông nhưng thật không thể
tùy tiện trộn lẫn vào nhau để tạo thành một khối duy nhất vì như thế sẽ tạo ra
sự hỗn độn, đảo điên, rối mắt nhân loại.
Về sau, Phật giáo du nhập Trung Hoa. Bởi do không có vị Giác giả
hoàn toàn nào phổ truyền Tam tạng kinh cho đất nước Trung Hoa rộng lớn, dù rằng
có Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma là người tạm gọi là sáng mắt nhưng Sơ Tổ chưa đủ tầm ở vị
trí Giác giả hoàn toàn và Sơ Tổ đã bị trói vào pháp Thiền. Lâu về sau, việc góp
nhặt pháp Phật theo đường chính thống không thỏa mãn tâm tưởng và lòng móng cầu
của người Trung Hoa cổ Mật tông cũng đã được du nhập vào Trung Hoa.
Người Trung Hoa cổ xưa và cả hiện tại vốn là chủng người năng
động, sáng tạo, có thừa khả năng suy tưởng và tính tự tôn dân tộc cao tột… Do
không thấu hiểu tâm Phật vọng tưởng cõi Phật (Niết bàn) là có nơi, có chỗ để
trú ngụ hưởng thụ Thường lạc ngã tịnh nên đã tạo ra trường phái tu Tiên ở đạo
Lão, cõi Tiên với tiêu diêu, tự tại, là cõi đối trọng với Niết bàn.
Ở pháp tu Tiên gốc, người học đạo coi trọng nguyên tắc âm dương có
nơi nội tại mỗi người. Tuy nhiên, về sau sự không thỏa mãn dục tính, mộng
trường sinh bất tử và do hiểu lầm ý kinh điển Lão - Trang đã tạo ra một
thành phần người học đạo biến thái với các phép tu tiên bá đạo như Thái âm bổ
dương - Ngọc nữ thái chiến, Thái dương bổ âm, việc luyện đan dược, luyện thánh
thai,…
Lúc bấy giờ, người tu Mật tông ở Trung Hoa cũng đã chịu sự ảnh
hưởng của pháp tu Tiên và cả nghĩ việc tiến tu cần phải hội đủ yếu tố âm dương
nên đã âm thầm luyện pháp tu tà ma, ngoại đạo. Bởi do pháp Mật tông được tiếng
là pháp Phật nên việc bổ trợ âm dương có dính mắc yếu tố nam nữ sẽ khiến lòng
người không phục, mang nhiều điều tiếng xấu xa thế là pháp tu Mật tông có yếu
tố âm dương rút sâu về Tây tạng cũng như dãy Hymalaya để hành pháp.
Hãy nên nhớ rằng tôi không hề đồng thuận và xác nhận việc học Phật
là phải “cắt ái, ly gia”. Việc “cắt ái, ly gia” không phải là chiếc chìa khóa
tạo ra sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn, có chăng điều đó chỉ là trợ pháp giúp
người học Phật giảm thiểu sự dính mắc, tiến nhanh trên đường đạo.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc cư sĩ tại gia không
thể có sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Vấn đề nằm ở sự hiểu biết, cách sống
tùy thuận buông bỏ dần mọi dính mắc, khả năng phá ngã ở mỗi người học Phật là
chính yếu và tiên quyết.
Xuất gia chỉ tựa nơi hình tướng, còn tâm ý ở tại gia thì đây không
phải là hiện tượng hiếm gặp ở giới Tăng bảo. Đó chỉ là sự trốn tránh khổ não
tạm thời và nếu không thay đổi tư duy, nhận thức thì những vị Tăng bảo lánh đời
này cũng ngụp lặn trong phiền muộn, khổ não, sự luân hồi và nghiệp quả.
Thân ở tại gia, tâm xuất gia có lẽ chọn lựa không tệ cho người học
Phật ngày nay. Bởi lẽ tự viện, chùa chiềng,… đang chìm đắm trong hư danh, vọng
tưởng, thị phi.
…
Người tu Mật tông nổi tiếng sự kín kẽ, ẩn khuất, ít khi tạo ra
những điều tai tiếng vượt mức. Vì lẽ đó sự tồn tại những đồ hình, ngẫu tượng
của Mật tông thường là do những kẻ học lỏm cùng việc suy diễn, ước đoán mà tạo
lập ra. Vậy nên những hình tượng (nếu có) là do những người tu Mật tông phối
trộn pháp tu Tiên ngẫu hứng tạo ra (một món đồ pháp khí) cùng với việc luyện
bùa chú (một pháp hành thường dùng của người học Mật tông).
Tuy nhiên, pháp luyện mật dựa vào món đồ pháp khí này (mật đã nói
ra) sẽ dẫn đến người luyện mê tâm, loạn trí bởi do tính hỗn độn âm dương, mê mờ
thật giả, chân ngụy.
…
Sau cùng là sự xuất hiện một hòn đá lạ nơi đền Hùng. Một hòn đá lạ
đã ngốn không ít giấy mực cùng những cuộc hội họp, đàm luận phong phú, đa dạng
ở giới chuyên gia nghiên cứu, thành phần quản lý xã hội, các nhà khoa học,…
Đã có những phát biểu “đi mây, về gió” của một vài chuyên gia được
tiếng là có kiến thức hàn lâm.
“Đây là là bùa bát quái mà Phật Tổ Như Lai dựa theo Trận đồ bát
quái của Đức Thánh Trần dùng để hộ thế và hóa giải bùa trấn yểm của giặc ngoại
xâm phương bắc”.
Trời ạ! Chẳng rõ kiến thức hàn lâm của vị chuyên gia này ở tầm mức
nào mà lại có thể phát ngôn “Kinh thiên, động địa” đến vậy. Tôi chỉ nghe Bát
quái trận đồ có trong cổ thư của người Trung Hoa chứ đâu từng nghe nói vua Trần
nhân Tông lại có xài Trận đồ bát quái. Và … thêm một điều kinh dị hơn nữa là
Phật Tổ Như Lai (người của hơn 2500 năm về trước) đã dựa vào Trận đồ bát quái
của vua Trần Nhân Tông (là hậu bối những ngàn năm về sau) để gia tăng độ linh
hiển.
Phật Tổ Như Lai đã làm một cuộc du hành vượt thời gian chăng?
Thật kinh dị đến hoang đường!
Vấn đề hòn đá lạ không dừng lại đó. Đã có thêm rất nhiều, rất
nhiều chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu, giới quản lý xã hội, lực lượng phóng
viên,… nhúng tay vào cuộc. Người thì nói lá bùa xấu, kẻ lại nói là bùa tốt…
Thêm nữa, việc đặt hòn đá lạ vào thì dễ nhưng lấy ra khỏi đền thì
không phải là việc dễ dàng, đơn giản, nếu hành xử không khéo hậu quả khó lường.
Nào là phải giải bùa, di dời và tiêu hủy…
Lại có thêm một nhóm chuyên gia, nhà khoa học,… đem các máy móc
thiết bị đến đo đạc, kiểm tra năng lượng của hòn đá lạ là xấu hay tốt. Đã có
kết luận chưa cuối cùng là hòn đá chứa năng lượng xấu, cần phải giải trừ bùa
yểm và nên di dời ra khỏi đền Hùng ngay.
…
Ôi chao! Đến nay dư luận cũng như vấn đề tranh biện về hòn đá lạ
vẫn chưa thật sự ngã ngũ và khép lại.
Tôi tin rằng nếu tôi “thổi” vào hòn đá lạ trên một lời nguyền của
Pharaon thì trong vòng 3 đến 5 năm sẽ có những người từng “động chạm” đến hòn
đá lạ bị chết vì dịch lạ, bệnh hiểm nghèo.
…
Giới học giả, chuyên gia nguyên cứu, các nhà khoa học, thành phần
quản lý xã hội,… ở nơi đất nước Việt Nam đang phơi bày sự học của người Việt
Nam đương đại đó chăng?
Họ thuộc trường phái duy tâm hay duy vật, giới khoa học hay những
ông thầy bói mù?
Tại sao không có sự chuẩn mực rõ ràng? Tại sao đại diện cho tri
thức người Việt lại hỗn độn, rối ren, điên đảo trong vòng thị phi bát nháo, hổ
lốn?
Đo năng lượng cho hòn đá, giải trừ bùa chú, việc thư yểm,… Dường
như đây không phải là cách hành xử của những người tin sâu khoa học cùng chủ
nghĩa duy vật vô thần. Thật tà quái, ma mị, lọc lừa và man trá!
…
Đôi khi giới nghiên cứu, chuyên gia, học giả,… ngẫu hứng phát ngôn
đã tạo ra những điều ngớ ngẩn, ngây ngô, sự xáo rỗng, hụt hẩng tri thức. Kết
quả của trò đùa tri thức ngẫu hứng đã phơi bày sự kém cỏi, nông cạn, vụng về
của giới chuyên gia, học giả người Việt Nam.
Có lẽ một lúc nào đó hoặc cho đến khi tự nhìn lại thì giới trí
thức cao cấp Việt Nam sẽ không thể nhận diện được “Họ là ai? Là đại diện của
trường phái duy tâm hoang đường hay là tín đồ thuần thành của chủ nghĩa duy vật
và khoa học?”.
Và có lẽ khi đó họ sẽ hoang mang về cả những điều mà chính họ đã
từng thốt ra một cách chắc chắn, quyết đoán và dường như vô nghĩa.
Con người không phải chỉ cần khoác lên chiếc áo bác sĩ là có thể
làm tốt công việc của một bác sĩ. Cũng lại như vậy, thật không thể chỉ vì việc
được người tôn trọng gọi nhau một tiếng chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu là
trí tuệ đã thông suốt cổ kim, là biết tuốt, biết tất. Lẽ ra khi được người đời
trọng vọng thì lời nói càng nên khiêm nhường, từ tốn,… càng không thể nói càn,
nói loạn làm xấu hình tượng giới trí thức cũng như sự hiểu biết của người Việt
Nam. Quả thật không nên biến đại diện tri thức người Việt Nam làm trò cười của
bạn bè quốc tế.
Hãy nên nhớ rằng khi là một chuyên gia, học giả, nhà khoa học, hay
thành phần quản lý xã hội thì lúc bấy giờ bạn chỉ là người có tri thức và đang
trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi vấn đề hay sự việc được giao phó
hoặc đảm nhận. Vì lẽ đó sự chính chắn, chuẩn mực trong từng lời phát ngôn sẽ
thể hiện cũng như phơi bày sự hiểu biết của giới trí thức cao cấp người Việt.
Do vậy đừng làm xấu mặt người Việt là yêu cầu chân chính, đúng mực của một
người Việt bất kỳ.
Ngày nay, việc phát triển vũ bão của công nghệ thông tin - truyền
thông - khoa học các nhà đài vì “miếng cơm, manh áo” đã tạo ra rất nhiều chương
trình truyền hình trực tiếp và mời những vị học giả, chuyên gia, nhà khoa học,
giới quản lý xã hội cấp cao,… ra mặt phát biểu, trình bày “Lời hay, ý đẹp”.
Tuy nhiên, với tri thức nửa vời cùng sự tự phụ hơn người ở giới
học cao, hiểu rộng đã có không ít phát ngôn mà tôi tình cờ được nghe và tôi chỉ
có thể thấy hình tượng đại diện cho tri thức con người Việt Nam đang trở nên
giả dối, xấu xa, dơ bẩn và hèn hạ.
Và… hiển nhiên là khi tôi lên tiếng cảnh tỉnh thì điều đó đồng
nghĩa với thực tế là đã có đa số giới chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu,
thành phần quản lý đất nước Việt Nam,… phạm phải những sai lầm.
Tôi không muốn hình tượng người Việt Nam bị bạn bè quốc tế đánh
giá, nhận xét về tri thức, nhân cách, khí tiết,… vì lẽ đó tôi hy vọng những cảnh
tỉnh nông nổi, trực tính này sẽ đánh thức sự mê lầm ở một thành phần không nhỏ
đang đại diện cho tri thức người Việt Nam ngày nay.
Giới trí thức, học giả, chuyên gia, những nhà khoa học, thành phần
quản lý đất nước hãy nên giữ sự tự trọng cần có khi phát ngôn nhằm đảm bảo hình
tượng người Việt Nam trước bạn bè 5 Châu.
Nhược bằng lời lẽ của tôi quá ư đắng môi, chát miệng, trái tai thì
những ai muốn ở tôi sự trả giá cứ việc đến tìm tôi và “đòi nợ”. Nếu thật là nợ
thì tôi sẽ trả để rồi không ai nợ ai.
…
Thế đấy! Đạo Phật đang được loài người vô tri, loạn trí làm hoen
ố, bẩn dơ, dung tục và trần trụi. Không chỉ ở nẻo đời làm hủy báng đạo Phật mà
nẻo đạo với “Nhất bộ, nhất bái”, Thánh tăng ở tuổi mầm non, những scandanl nơi
giới xuất gia,… cũng góp phần không ít trong việc kiến tạo nên một Đạo Phật
dơ bẩn.
Bài liên quan
- Giải trình Luận Án ngoài học hàm Bác học (Phần 7)
- Giải trình Luận Án ngoài học hàm Bác học (Phần 6)
- Giải trình Luận Án ngoài học hàm Bác học (Phần 5)
- Giải trình Luận Án ngoài học hàm Bác học (Phần 4)
- Giải trình Luận Án ngoài học hàm Bác học (Phần 3)
- Giải trình Luận Án ngoài học hàm Bác học (Phần 2)
- Giải trình Luận Án ngoài học hàm Bác học (Phần 1)
- Giải pháp thoát ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới
- Giải Mã Nhân Loại V.
- Giải Mã Nhân Loại IV…
- Giải Mã Nhân Loại III…
- Giải Mã Nhân Loại II…
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét