Giải Mã Nhân Loại III…
Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018
Quả thật, cuộc sống ngược xuôi đẩy đưa khiến tôi tình cờ biết
những điều tôi không cần biết, không nên biết và tôi đã từng cảm nhận về một sự
thật đau lòng. Một người sống với trái tim chết đã đau lòng. Thật là trò đùa
của tạo hóa.
Trên bước đường xuôi ngược để hoàn tất việc cần làm tôi được nghe
đến những ngôi nhà xa hoa, lộng lẫy và người ta gọi nó là ngôi nhà từ đường.
Ôi thật là đẹp. Nhà thờ dòng tộc, gia tiên, TỪ ĐƯỜNG nhà ai mà
tráng lệ đến vậy?
Chú em ngốc! Ai bảo chú là nhà TỪ ĐƯỜNG mà là nhà từ đường.
Nhà từ đường là sao, là gì?
Là từ việc làm đường mà ra đấy, chú em ngốc ạ.
Ôi trời! Tôi không dám tin, không thể tin “Làm sao họ dám làm điều
đó, ngang nhiên công kích dư luận chăng?”. Ôi hay là miệng lưỡi dân gian! Dân
vốn gian mà. Là đúng, là sai? Là thật, là giả? Tôi sẽ không nói, không cần tìm
hiểu và không muốn biết để sống thanh thản thêm ít ngày…
Lại một thông tin không cần biết lọt vào tai. Thôi tôi nói ra để
xóa đi nỗi hoài nghi trong lòng xã hội. Khi đất nước vừa giành được độc lập thì
có đến hơn 100 người làm việc trong giới chính trị, trong tổ chức đảng được
tung vào hàng ngũ những người xuất gia cũng như các tôn giáo khác nhằm mục đích
nắm rõ nội tình các tôn giáo cũng các tổ chức xã hội. Việc làm này không sai nhưng
đã tạo ra sự nghi kỵ ở các tổ chức tôn giáo, các tổ chức xã hội. Một số người
biết chuyện đã mất lòng tin ngược lại nơi giới lãnh đạo.
Vì đâu nên nỗi? Tại sao chúng ta không tin tưởng, sống thật cùng
nhau mà mãi cứ hoài nghi, ôm giữ mối lo trong lòng?
Ôi chao! Việc “Thâm cung, bí sử” này mà cũng lọt vào tai một gã
ngây khờ, vô tâm. Thế mới nói “Cây kim giấu trong bọc rồi cũng có ngày lộ ra”.
Việc này có thật không tôi không cần biết, tin hay không tin với tôi không quan
trọng. Mà dù việc đó có thật thì có sao đâu? Lý do an toàn mà. Đâu phải việc gì
to tát, lớn lao đáng để giấu nhẹm, che đậy. Công khai, minh bạch, nói thật cùng
nhau để cảm thông phỏng có hơn không?
Thời kỳ tranh tối, tranh sáng,… làm sao biết ai có tóc, ai trọc
đầu? Ai tu tâm, dưỡng tánh? Ai mượn vỏ bọc tôn giáo lẩn trốn hoặc làm điều phi
pháp, hoạt động phản động? Cài người nắm bắt thông tin tình báo âu cũng là việc
nên làm trong bối cảnh hệ thống chính quyền còn non trẻ. Đến nay, có lẽ các nhà
quản lý xã hội cần nên công khai, minh bạch những vấn đề đã không mang tính
chất sống còn cho sự tồn tại của đất nước. Công khai, minh bạch rồi thì mọi
việc lại bình yên, hiềm khích, hoài nghi xưa sẽ trở thành niềm đồng cảm, tốt
đạo đẹp đời. Đó là việc nên làm.
Hãy nói để xóa bỏ hoài nghi, hiềm khích giữa người với người.
Còn nhớ giới lãnh đạo Trung Quốc qua các thời kỳ đã từng “càn
quét” Bạch Liên Giáo, Thiên Địa Hội, Ngũ Mễ Đạo, Phật Giáo, Hồi giáo,… và hiện
nay là Pháp Luân Công,… Nguyên do cũng vì sự hoài nghi ở giới lãnh đạo đất nước
Trung Quốc đã dẫn đến đánh mất sự an tâm về khả năng kiểm soát quyền làm chủ,
quyền điều hành đất nước.
Giới lãnh đạo Trung Quốc đã từng là những người nổi dậy, những
người bị khoác trên người chiếc áo lực lượng phản động, lực lượng nổi dậy, lực
lượng chống đối nhà nước,… họ đã từng náu nương dựa vào vỏ bọc tôn giáo, những
tổ chức phi chính trị để tồn tại, duy trì, phát triển và giành lấy quyền lãnh
đạo đất nước. Hơn ai hết họ biết rõ sức mạnh nơi các tổ chức tôn giáo, nơi chi
phối tư tưởng người dân. Họ đã từng thành công dựa vào “đòn bẫy” - tổ chức phi
chính trị đó.
Nhưng khi họ nắm trong tay quyền lực chính trị thì hiện tại họ đã
ra ngoài tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo lại lấy lý do phi chính trị tỏ rõ
lập trường không lệ thuộc hoàn toàn, không phục tùng tuyệt đối, không báo cáo
mỗi ngày... Đây quả thật là một mối nguy không nhỏ.
Qua cầu rút ván là giải pháp được chọn. Lấy danh nghĩa chủ nghĩa
vô thần, duy vật biện chứng là nền tảng của sự hiểu biết tiến bộ tối cao, hoàn
chỉnh nhất của nhân loại. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã sử dụng học thuyết duy
vật biện chứng, chủ nghĩa vô thần làm công cụ chính trị để hạ bệ tôn giáo và
giải pháp “rút ruột công trình” được âm thầm triển khai, thuận ta thì sống,
nghịch ta thì chết.
Các tôn giáo bị mổ xẻ và Phật giáo đã bị “trộm long, tráo phụng”
khiến rồng mất đầu, thật khó coi ra con gì?
…
Rõ thật là chúng ta chưa từng sống thật. Nếu thật sống hợp với
lòng người, hợp đạo thì xá gì bọn phản động, nổi loạn vì thành phần đó không
thể tồn tại.
Nếu xã hội phát triển ổn định, bền vững, hài hòa thì ai lại tự xô
ngã đời mình vào những cuộc chiến sống còn, hận thù, đau khổ.
Bằng vào cách nói của tôi thì vô lý mất. Xã hội loài người có đâu
mà đơn giản thế. Không sai xã hội loài người vốn dĩ rất đơn giản. Bởi do con
người tự phụ thông minh mà tạo nên một xã hội rối ren, hỗn độn, phức tạp. Do
bởi hoài nghi, đố kỵ,… do con người đã không sống thật mà ra.
Đừng nói về dân chủ, TBCN hay XHCN hay một thể chế chính trị nào
đó,… mà hãy xây dựng một xã hội hài hòa. Không có ai là chủ cả. Không quân chủ,
không dân chủ.
Nếu có thì chỉ là sự tự chủ, sống có ý thức với xã hội, với chính
mình mà thôi. Mối quan hệ của cách thành phần, tầng lớp trong xã hội là sự hợp
tác bền vững, các bên cùng có lợi. Giữa người dân và giai cấp lãnh đạo cũng
thế. Chúng ta hợp tác vì một xã hội hòa bình, bền vững, tiến bộ, ổn định.
Muốn đạt được điều đó thì chúng ta cần hiểu biết, cần tin tưởng
nhau, xóa bỏ mọi điều hoài nghi bằng sự thành thật.
Hãy sống thật và những người lãnh đạo hãy tiên phong thể hiện điều
đó bằng một sự chân thành, khách quan, đúng mực.
Tôi, người dân không muốn xáo trộn cuộc sống, tôi chỉ muốn một
cuộc sống bình yên, tôi không muốn phải quay lưng về phía bạn, không ủng hộ bạn
nữa, sẽ không có bạo loạn đấu tranh nhưng sẽ có cách hành xử không hợp tác thật
lòng, mạnh ai nấy làm nếu bạn độc tài, chuyên quyền, cực đoan, bảo thủ và đố
kỵ.
Bạn có quyền đặt ra câu hỏi “Nhưng khi sự gắn kết giữa chúng ta
không còn, bó đũa đoàn kết dân tộc bị chia chẻ, xã hội như rắn mất đầu, đất
nước sẽ về đâu?”.
Tôi không cần trả lời câu hỏi đó. Đó là vấn đề của bạn không phải
là vần đề của tôi. Dù vậy, tôi cũng đưa ra gợi ý “Khi đủ hiểu biết thì tôi biết
sẽ phải làm gì dù bạn không còn hiện diện, hoặc là bạn hiện diện mà tôi xem như
không tồn tại.
Bạn hãy nhớ rằng “Bạn đã bỏ rơi tôi chứ không phải tôi đã từ bỏ
bạn. Đó là chọn lựa của bạn”.
Đất nước sẽ về đâu? Hay nhân loại còn không?
Tôi là một con người, tôi thuộc về thế giới, thuộc về nhân loại.
Thế giới không thể từ bỏ sự thật về sự hiện diện của một con người. Chỉ có tôi
mới có quyền chối bỏ phần người trong tôi, bạn ạ!”.
Phương Tây, Hoa Kỳ,… biểu tượng CNTB một thời cường thịnh, giàu
mạnh là vậy mà giờ đang loi ngoi, lóp ngóp trong cơn sóng thần lòng tham, cơn
địa chấn của chủ nghĩa thực dụng, ngọn núi lửa ích kỷ phun trào với dung nham
là đánh mất và chia rẽ.
Khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng nợ công, khủng hoảng xã hội,
khủng hoảng bất động sản, khủng hoảng hệ thống tài chính và ngân hàng, khủng
hoảng lòng người, khủng hoảng vũ khí hủy diệt, khủng hoảng môi trường,… và
nhiều … nhiều khủng hoảng khác nữa.
Gì là khủng hoảng?
Đơn giản thôi cái gì mà con người không thể kiểm soát thì con
người sẽ hoảng, và càng hoảng thì sự tình càng nghiêm trọng, khủng khiếp hơn
đến lúc bấy giờ con người gọi đó là khủng hoảng.
Làm sao giải quyết khủng hoảng mà nhất là khủng hoảng trên diện
rộng, khủng hoảng đủ thứ?
Hãy đi tìm gốc của sự khủng hoảng sẽ giải quyết được khủng hoảng
và điều quan trọng hơn là đừng hoảng thì mới có đủ sự tỉnh táo, sáng suốt giải
quyết ổn thỏa vấn đề khủng hoảng.
Nói gì đơn giản vậy. Khủng hoảng đủ thứ thì phải chăng có rất
nhiều gốc để mò? Mò được gốc cho mọi vấn đề đã khó rồi, còn phải đánh giá, phân
tích, tư duy, thuê mướn chuyên gia,… rà đi soát lại,… rồi trình thượng viện,
nghị viện, hạ viện,… lại thông qua bộ trưởng chuyên trách đến trình thủ tướng,
lại đề xuất cùng tổng thống,… Phải tuân thủ thời gian, quy trình, trật tự, thứ
bậc,…
Thôi! Thôi! Bạn đừng làm tôi không vò mà thành rối, không điên mà
thành cuồng, thành loạn. Dẫu không thương tôi thì cũng nghĩ chút tình. Dù sao
thì tôi cũng có ý muốn giúp bạn kia mà.
Ừ thì… Tại rối thật, phức tạp thật mà! Nhiều gốc quá biết đâu là
giềng mối.
Bạn sai rồi. Bạn cứ phức tạp mọi vấn đề nên thành ra mọi việc cứ
rối rắm, phiền phức. Hãy đơn giản mọi vấn đề lại thì sự việc dễ giải quyết hơn.
Gốc thì chỉ có một thôi chứ đào đâu ra mà nhiều gốc?
Nhiều vấn đề khủng hoảng thì phải nhiều gốc chứ. Bạn ngốc thì có.
Tôi đang muốn giải quyết hàng loạt vấn đề khủng hoảng chứ có giải quyết riêng
một vấn đề đâu?
Chẳng tại tôi ngốc mà tại bạn phức tạp, chia chẻ ra nhiều vấn đề
đó thôi. Tôi hỏi bạn “Tôi cùng bạn đang đứng bên cạnh một khu rừng. Bạn hãy chỉ
cho tôi gốc của cây?”
Bạn muốn nói cây nào? Bạn hãy cho tôi biết cây nào thì tôi sẽ chỉ
cho bạn gốc của cây đó. Bạn đã hỏi một câu hỏi rất ngớ ngẩn, không rõ đầu đuôi
hoặc là bạn đang bỡn cợt tôi. Nếu bạn vô lễ thì tôi không cần đến bạn.
Không. Tôi rất nghiêm túc. Gốc của cây ở đâu? Chỉ là một câu hỏi
đơn giản như thế.
À…, gốc của cây là đất.
Đúng rồi. Thế đấy! Đó là vấn đề của bạn một câu hỏi đơn giản mà
bạn cứ làm phức tạp, rối tung lên. Đó là lỗi nơi góc nhìn của bạn. Bạn hay dính
mắc rất nhiều điều, khả năng chuyên biệt hóa mọi việc tạo ra sự cục bộ, từ sự
cục bộ tạo ra sự phiến diện, từ sự phiến diện đưa ra những đánh giá, nhận định
chủ quan và không thật đúng.
Bạn cứ nghĩ rằng sự chuyên biệt hóa, chuyên môn hóa là tốt, là
hoàn hảo nhưng thật ra nó chỉ tốt cho vấn đề mà bạn đang xét đến và rồi tạo ra
vô số lỗ hỏng ở hàng loạt vấn đề liên quan.
Bạn muốn tách biệt mọi vấn đề ư?
Điều đó là không thể. Trong xã hội con người, trong cuộc sống mọi
việc luôn gắn kết, dính mắc, đan xen lẫn vào nhau. Cái này tồn tại dựa vào cái
kia; cái kia, cái này tồn tại nhờ vào nhiều cái khác nữa. Thật không thể tách
rời.
Cái có nhờ cái không mà tồn tại, cái không nhờ cái có mà con người
mới nhận biết ra… Thế nên sự chuyên biệt hóa không đúng mực sẽ khiến xã hội con
người rối loạn. Lẽ ra bạn nên đứng ở góc nhìn tổng thể, chung nhất để giải
quyết mọi vấn đề. Khi đó thì việc làm, cách hành xử của bạn mới đạt đến sự khách
quan, sáng rõ và đúng mực.
Nhưng vấn đề của tôi đang gặp phải là sự khủng hoảng đủ thứ. Tôi
cần một giải pháp toàn vẹn cho tất cả. Bạn hãy giúp tôi nhận diện gốc của cuộc
khủng hoảng liên hoàn, hàng loạt.
Rất nhiều vấn đề khủng hoảng. Trong đó, có cả khủng hoảng con
người. Đó là gốc. Hãy giải quyết từ vấn đề đó.
Tại sao khủng hoảng con người lại là gốc? Phải chăng mọi vấn đề
khủng hoảng hiện nay đều khởi phát từ con người?
Hay nói đúng hơn là lòng người khủng hoảng là giềng mối của mọi sự
khủng hoảng.
Phải chăng nội tâm của con người đang bấn loạn, bất an, hoài nghi
mọi giá trị nơi cuộc sống? Phải chăng tư duy, nhận thức, sự hiểu biết của con
người đang bị gò bó, trói buộc, dồn nén trong sự cục bộ, chủ quan, phiến diện
và nông cạn?
Chính điều này đã tạo hàng loạt khủng hoảng nơi xã hội. Xã hội
đang cần một sự giải tỏa, nội tâm con người cần được giải phóng, phóng thích.
Bạn nói cứ như là nội tâm con người đang bị giam hãm, bị cầm tù
vậy. Và… làm cách nào để giải phóng con người?
Bạn nói đúng. Nội tâm con người đang bị cầm tù. Và cái nhà tù giam
hãm con người là lòng tham không đáy, sự thực dụng, bản tính ích kỷ cùng vô số
những thói tật xấu xa.
Muốn giải phóng nội tâm con người thì phải cần phổ biến sự hiểu
biết khách quan, đúng mực và sáng rõ. Thêm nữa, hãy giúp mọi người sống thật
lòng bằng cách bạn hãy học cách sống biết nói thật.
Bạn lại quá lời. Tôi luôn nói thật. Lạy chúa! Tôi đã đặt bàn tay
lên quyển kinh thánh để tuyên thệ. Tôi đã đứng trước tổ chức đảng và người dân
trịnh trọng nói lời xin hứa. Nước tôi là một nước tư bản cường thịnh, giàu có.
Vì lẽ đó người dân tôi không tham lam, ích kỷ xấu xa. Bạn hãy nên học cách biết
tôn trọng người khác.
Còn vấn đề phổ biến sự hiểu biết khách quan, đúng mực, sáng rõ thì
gồm những vấn đề gì?
Tôi đã học cách biết tôn trọng người khác và thường sử dụng nó.
Nhưng tôi thấy đôi khi nguyên tắc lắm cũng chẳng đạt được nhiều hiệu quả. Dù
vậy tôi vẫn dùng cách tôn trọng người khác bằng vào cách thức mà tôi cho rằng
hợp lý hơn. Bạn đừng bảo vệ một điều không thật trước tôi bởi lẽ tôi sẽ lột
trần sự thật. Điều đó sẽ khiến bạn hổ thẹn. Nhưng bạn hãy an lòng, tôi mong
rằng tôi sẽ có thể là một người bạn chân thành. Vì thế tôi muốn đến đóng góp,
chia sẻ chứ không phải đến để hạ gục bạn.
Bạn nói bạn rất thật lòng. Thế những lời hứa của bạn, của những
người tiền nhiệm ở nơi chiếc ghế bạn đang ngồi,…
Tại sao chỉ mãi là những lời hứa mà không trở thành hiện thực?
Sự phát triển, tiến bộ, định hướng vươn tới những tầm cao đã rơi
rớt nơi đâu?
Và những cuộc khủng hoảng, những cuộc bạo loạn, biểu tình, thảm
sát,…vẫn cứ chung đụng với người dân đất nước bạn khiến lòng người bất an và sự
thất nghiệp cứ lởn vởn như bóng ma vây quanh những người lao động?
Mọi việc cần phải có thời gian, cần một tiến trình và … và … do
rất nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác nữa. Hơn nữa, đây là tình hình chung
của thế giới. Đâu phải do khả năng lãnh đạo của tôi vụng về?
Vậy sao bạn lại hứa và tuyên bố hùng hồn, dõng dạc?
Phải chăng điều đó giúp bạn có cơ hội ngồi lên chiếc ghế quyền lực
tối cao?
Nhưng đó là chuyện của bạn và những người cộng sự, tôi không quá
quan tâm về điều đó. Tôi chỉ muốn nói rằng “Nếu những lời hứa đã đưa ra mà
không chuyển hóa thành hiện thực thì đó chỉ là những lời nói suông, những lời
dối trá, là lời nói không thật lòng”.
Bạn có phần quá khích, cực đoan khi đánh giá vấn đề này. Lời hứa
của tôi xuất phát từ đáy lòng, tôi rất muốn làm tốt những điều đã hứa. Tôi chưa
làm được điều đó không có nghĩa là tôi không thành thật.
Tốt. Tôi lại hỏi bạn “Phải chăng muốn làm một điều gì thành công
thì bạn phải có cơ sở, một nền tảng giúp bạn nắm chắc phần thắng?”. Do đó, khi
bạn hứa nhất là lời hứa trước người dân, dân tộc, đất nước thì bạn càng nên cân
nhắc, thận trọng phát ngôn. Nếu không thể làm tốt một lúc rất nhiều điều thì
bạn không nhất thiết phải hứa rất nhiều điều. Bởi lẽ khi bạn cùng những người
tiền nhiệm không hoàn thành những điều đã hứa được lập đi, lập lại rất nhiều
lần thì người dân sẽ không còn tin và hoài nghi khả năng điều hành quản lý đất
nước ở thành phần lãnh đạo.
Họ truyền tai nhau “Giới chính khách là những kẻ nói dối, là thành
phần nói dối hay nhất mọi thời đại, họ gian trá, trí xảo, mưu mô và thủ đoạn”.
Bạn nghĩ sao về điều này? Liệu có những lời nói trái tai như vậy
không?
Nhưng xin thưa tôi đã từng nghe điều đó và bây giờ tôi đang nói
điều đó. Không có lửa thì làm sao có khói, có thể bạn đã dối trá, lừa mị người
dân, có thể bạn không may rơi vào tình trạng không hay này hoặc là có thể những
nhà lãnh đạo khác đã phạm sai lầm như thế và dẫn đến việc đặt bạn vào thế khó…
Đừng vội cáu giận tôi vì tôi đang nói thật và vì bạn đã lên tiếng
ra sức bảo vệ lập trường, niềm tin, quan điểm của bạn mà tôi phải trình bày vấn
đề cao trào đến vậy.
Tương tự, người bác sĩ trước khi chữa trị bệnh cho một bệnh nhân.
Sau khi tầm soát bệnh vị bác sĩ mới có thể nhận định là cứu được hay không
được. Không thể có chuyện nói được rồi trị không xong gây chết người sau đó vị
bác sĩ đổ lỗi do chủ quan, khách quan hoặc là nói hên xui. Đó là sự vô trách
nhiệm. Người thân của bệnh nhân có thể sẽ giết vị bác sĩ vô trách nhiệm.
Luận chứng này không có lỗi chứ?
Ngoài ra, nếu chỉ là những lời hứa có không nhiều giá trị thì tôi
cũng nói được.
Bạn nghĩ sao?
Nếu tôi hứa trước người dân nước bạn rằng tôi sẽ thay bạn điều
hành, quản lý đất nước tốt hơn bạn những 10 lần, 100 lần… xin các bạn hãy bỏ
phiếu cho tôi.
Có vẻ khôi hài nhưng đó là cách mà những chính khách hàng đầu hay
làm.
Ồ! Có rất nhiều chướng ngại cho con đường thăng quan, tiến chức
của tôi à?
Yếu tố truyền thống, học thức, quốc tịch, tôn giáo,… là vô vàn rào
cản à?
Còn nhớ đã có nhà khoa học từng nói “Hãy cho tôi một điểm tựa tôi
sẽ nâng cả trái đất” - Đây là điều không thể. Còn tôi là người làm chủ cuộc
chơi “Biến những điều không thể thành có thể”.
Nhưng bạn yên tâm tôi không đến để giành chiếc ghế của bạn. Tôi
chỉ thích sống cuộc sống thuộc về tôi. Tôi ích kỷ hơn bất cứ một người ích kỷ
danh tiếng nào trên toàn thế giới nhưng sự ích kỷ đó không hại gì ai. Đó là sự
khác biệt.
…
Bạn đang im lặng là vì điều gì? Tôi quá miệng lưỡi, gian ngoan và
cơ xảo à?
Tôi không gặp may đã sinh ra trong thời loạn thôi mà. Không có khả
năng, không có điều kiện để góp sức cho đời nên uốn 3 tấc lưỡi làm một kẻ mua
vui.
Người dân tôi không tham lam, ích kỷ xấu xa à?
Hãy nhớ những lời tôi nói không chứa sự tuyệt đối. Bạn nghĩ gì về
sự rạn nứt trong các khối EU, các tổ chức liên chính phủ và phong trào chống
nhất thể hóa Châu Âu?...
Bạn lại im lặng.
Phải chăng là do nơi không thể chăm lo cho những kẻ ăn không ngồi
rồi, chờ viện trợ, cứu trợ? Lá lành không thể đùm lá rách?...
Đó là gì nếu không là sự ích kỷ xấu xa? Những người bạn trong khối
liên minh đang khủng hoảng triền miên, không ra tay tương trợ thì nói gì đến
tình anh em gắn kết bền chặt. Nơi ích kỷ không thể không nói đến lòng tham và
sự thực dụng. Cũng như khủng hoảng nợ công Châu Âu người ta nói đến biện pháp
thắt lưng, buộc bụng.
Nhưng buộc bụng, thắt lưng ai? Phải chăng biện pháp thắt lưng,
buộc bụng sẽ trói buộc, đè nén thành phần thấp cổ bé miệng trước nhất và sau đó
là những thành phần khác nữa?
Đáng tiếc, mọi thành phần, tầng lớp xã hội đều đang sống lối sống
thực dụng, lòng tham và sự gắn kết của các thành phần là vô cùng hời hợt, lỏng
lẻo. Sự ích kỷ, lối sống thực dụng, lòng tham,… đang ngự trị trong tư duy, nhận
thức ở số đông con người trong đất nước bạn, không có sự đồng cảm, chia sẻ,
không có sự chung tay tháo gỡ, cùng vượt quá thời khắc khó khăn của đất nước.
Biểu tình, bãi công,… làm tình hình xã hội càng rối ren thêm. Bởi
do họ hoài nghi khả năng điều hành, quản lý đất nước của bạn.
Họ nhìn vào tài sản, cách sống, và kiểu hình, cân nặng của bạn để
nhận biết những gì bạn nghĩ, họ cảm nhận được bạn đang sống vì ai.
Thế nên biện pháp thắt lưng buộc bụng thực chất chỉ nhằm vào họ.
Vì lẽ đó họ cho rằng “Cứ mãi im lặng, chịu đựng thì họ sẽ bị đè đầu cởi cổ, họ
đã phản kháng bằng hành động biểu tình, bãi công,… bạo loạn … đảo chính lật đổ
chính quyền … và rồi gì nữa…”. Thật là khó để điều tiết, quản lý một xã hội mà
con người sống trong hoài nghi, không biết nói lời thật lòng.
Phong trào chống nhất thể hóa Châu Âu ra đời nhằm bảo vệ quyền lợi
cá nhân, quyền lợi quốc gia ích kỷ xấu xa.
Tại sao con người ở nơi xã hội văn minh lại hành xử như vậy?
Vì những người tham gia phong trào chống nhất thể hóa Châu Âu
không nhận thấy quyền lợi, phần hơn gì khi ra sức tương trợ những quốc gia lâm
vào cảnh khốn cùng.
Nhưng thật ra việc giải cứu các nền kinh tế khủng hoảng có giá trị
rất lớn mà những nhà quản lý xã hội nắm vai trò kẻ ban ơn sẵn sàng tận lực.
Nhất thể hóa Châu Âu là một lợi thế, là một quyền lực lớn lao.
Quyền thế, địa vị, tiền của và tiềm lực kinh tế từ lâu luôn là người bạn chung
đường. Nhưng do che đậy, ém nhẹm sự thật mà mọi người đã không hiểu nhau dẫn
đến việc lập ra Phong trào chống nhất thể hóa Châu Âu ngớ ngẩn.
Đơn cử như việc Cộng hòa Síp, Hy Lạp,… nhận sự giúp đỡ là các gói
cứu trợ tài chính từ các tổ chức quốc tế với những điều khoản bắt buộc có phần
chèn ép, mất nhiều quyền lợi. Chấp nhận những điều khoản trói buộc có khác gì
các nhà quản lý xã hội đã bán rẻ đất nước của mình, người dân cùng giới lãnh
đạo gần như mất quyền tự chủ, tự quyết.
Bạn không có việc gì làm ngoài việc “Bới lông tìm vết” à?
Có lẽ vậy.
…
Thôi! Bạn hãy nói về việc phổ quát sự hiểu biết sáng rõ, khách
quan và đúng mực.
À, có nghĩa là bạn hãy giúp những điều tôi trình bày được lan
truyền đến tay người dân, mọi thành phần, tầng lớp xã hội nơi nước bạn cũng như
giúp các nước lân cận biết về những vấn đề đó. Và … bạn cũng nên nghiền ngẫm,
xem xét chúng, tôi tin rằng những lập luận đó sẽ có ích cho bạn.
Ý bạn nói những điều bạn trình bày là luôn đúng, là chuẩn xác.
À, không. Có những điều đúng, có những điều không hoàn toàn đúng,
có những điều có thật, có những điều không có thật,…
Vậy thì làm sao nó có thể giải phóng nội tâm con người, giải quyết
triệt để những vấn đề khủng hoảng hàng loạt trên phạm vi thế giới? Nhất là với
những điều không có thật.
Những điều không có thật không hẳn là không thật. Bạn thấy đó,
thật giả, đúng sai, được mất,… qua cách sử dụng ngôn từ của tôi đã trở nên khôn
lường, tà quái. Dường như tôi nói lời sai nhưng lại không thật sai mà trở thành
một vấn đề đáng để bạn suy ngẫm. Đó là sự khác biệt.
Bạn cứ thong thả nghiền ngẫm, đánh giá trước khi rộng truyền mà
không cần vội vã. Bạn có toàn quyền chọn lựa kia mà.
Và khi chấp nhận trao truyền thì hãy trả lại những sự hiểu biết
khách quan cho nhân loại mà không giấu giếm một điều gì. Vì nửa sự thật không
thể là sự thật.
(Còn tiếp)
Bài liên quan
- Điểm mù của nhân loại
- Đạo Phật dơ bẩn
- Dân cần biết?
- Cuộc cách mạng trí tuệ khách quan
- Câu chuyện bên lề Giải trình luận án... (Phần 4)
- Câu chuyện bên lề Giải trình luận án... (Phần 3)
- Câu chuyện bên lề Giải Trình Luận Án… (Phần 2)
- Câu chuyện bên lề Giải Trình Luận Án… (Phần 1)
- Giải trình Luận Án ngoài học hàm Bác học (Phần 9)
- Giải trình Luận Án ngoài học hàm Bác học (Phần 8)
- Giải trình Luận Án ngoài học hàm Bác học (Phần 7)
- Giải trình Luận Án ngoài học hàm Bác học (Phần 6)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét