Phẩm Căn Dặn
Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018
Bấy giờ, Phật bảo Bồ tát Di Lặc:
- Này ngài Di Lặc! Nay ta đem pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác
đã chứa nhóm vô lượng ức a tăng kỳ kiếp công đức mà trao lại cho ông. Những
kinh điển như thế, sau khi Phật diệt độ về đời mạt kiếp ông phải ra sức diễn
nói và rộng phổ truyền khắp cõi Diêm Phù Đề, hãy nhớ rằng đừng để dứt mất những
bộ kinh điển bất khả tư nghị quý báu. Vì sao? Vì ở đời vị lai sẽ có những thiện
nam, tín nữ và Thiên, Long, Quỉ thần, Càn thát bà, La sát... phát tâm vô thượng
chánh đẳng chánh giác với pháp khí đại thừa, nếu họ không được nghe những kinh
điển thậm thâm, vi diệu này thì chúng sinh 3 cõi sẽ mất đi vô lượng điều lợi
lạc. Ông phải rõ biết những hạng chúng sinh đó nghe diễn nói những kinh điển
như thế này sẽ phát tâm đại thừa, cung kính đảnh lễ, thọ trì kinh Pháp rồi tùy
thuận chỗ lợi lạc cho mọi chúng sinh mà diễn nói Pháp yếu.
- Ngài Di Lặc này! Ông nên biết Bồ tát có hai hạng. Sao gọi là Bồ
tát có hai hạng? Một là hạng Bồ tát ưa thích những ngôn từ hoa mỹ, văn ngữ cao
siêu, với hạng ưa thích những câu văn hay đẹp, ngôn từ hoa mỹ ông phải biết đó
là Bồ tát mới học Phật; Hai là hạng Bồ tát không e sợ nghĩa lý sâu xa, vi diệu
hạng Bồ tát này thâm nhập vào đúng chân nghĩa giáo lý chánh pháp. Với những
người học Phật ở nơi kinh điển thậm thâm không nhiễm, không lìa, tham cứu rốt
ráo nghĩa lý mà không có sự ngăn ngại, sợ sệt. Sau khi lĩnh hội, hiểu rõ chân
thật nghĩa tâm liền thanh tịnh thọ trì, việc làm tùy thuận theo đúng như pháp
thì ông phải biết đó là hạng Bồ tát thâm nhập Phật đạo đã thuần thục.
- Ngài Di Lặc này! Lại có hai pháp mà hạng Bồ tát mới học Phật
không thể thâm nhập diệu pháp thậm thâm. Hai pháp đó là gì? Một là những kinh
điển thậm thâm chưa từng nghe, nếu được nghe thời sợ sệt, sinh lòng nghi hoặc,
không tùy thuận được, sau lại khinh chê rồi nói rằng "Kinh này từ trước
đến giờ ta chưa từng nghe, kinh này không rõ từ đâu mà có? Kinh này liệu có
phải lời Phật thuyết không?"; Hai là nếu có người hộ trì chánh pháp diễn
nói những kinh điển sâu xa như thế thì không đồng thuận, không kề cận, cung
kính cúng dường, hoặc đem lòng ngờ vực ngay đó buông lời, tạo điều thị phi bắt
lỗi của người kia. Ở hai pháp đó, ông phải biết Bồ tát mới học Phật chỉ tự làm
tổn hại bản thân bởi do họ không thể ở nơi giáo pháp thậm thâm mà điều phục
được tâm.
- Ngài Di Lặc này! Lại có hai pháp, Bồ tát dù đã có sự tin hiểu
giáo pháp thậm thâm mà vẫn còn gây ra việc tự làm tổn hại chánh kiến, chính do
vậy mà vị Bồ tát đó không thể chứng ngộ Pháp vô sanh. Hai pháp đó là gì? Một là
xem thường các Bồ tát mới học mà không chỉ bày hoặc khinh chê; Hai là dù tin
hiểu pháp thậm thâm mà lại chấp tướng phân biệt.
Bồ tát Di Lặc nghe Phật nói như thế, liền tham vấn:
- Thưa Thế Tôn! Đây là những điều hy hữu mà con chưa từng được
nghe. Theo lời căn dặn của Thế Tôn con quyết xa lìa, tránh phạm những lỗi như
thế, con xin gánh vác, giữ gìn pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác đã chứa
nhóm từ vô lượng a tăng kỳ kiếp công đức của Như Lai. Nếu đời vị lai có thiện
nam, tín nữ nào cầu pháp đại thừa, con sẽ tạo điều kiện cho người đó có được
những bộ kinh đại thừa và chỉ bày họ cách thức ghi nhớ để thọ trì, đọc tụng và
diễn nói cho người khác. Thưa Thế Tôn! Nếu đời sau có người thọ trì, đọc tụng,
diễn nói kinh này cho người khác; Đó chính là do thần lực, trí tuệ vô ngại của
Di Lặc thành tựu.
Phật nói:
- Lành thay! Vì lời ông nói ta sẽ tán thán công đức tùy hỷ của
ông.
Bấy giờ, các vị Bồ tát đồng chắp tay và nói với Phật:
- Sau khi Như Lai diệt độ, chúng con ở các cõi nước khắp muôn
phương sẽ tùy thuận truyền trao giáo pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác và
tạo duyên cho những người học Phật có pháp khí đại thừa thảy đều có được bộ
kinh thậm thâm, vi diệu, bất khả tư nghị này.
Lúc đó, bốn vị Thiên vương liền thưa với Phật:
- Ở những chỗ thành ấp, thôn xóm, núi rừng, đồng nội… những nơi có
quyển kinh này hoặc những chỗ có người đọc tụng, diễn nói chúng con sẽ đem tất
cả quyến thuộc đến để nghe pháp, đồng thời ra sức hộ trì cho người đó, quyết
không để những hạng chúng sinh vô minh cố ý làm hại người diễn nói kinh Bất khả
tư nghị giải thoát.
Bấy giờ, Phật bảo A Nan rằng:
- Này A Nan! Ông hãy thọ nhận kinh này, về sau truyền rộng khắp
muôn phương.
Ngài A Nan thưa:
- Thưa Thế Tôn! Con đã thọ nhận rồi. Kinh này tên gọi là gì?
Phật đáp:
- Kinh này tên là "Kinh Duy ma cật Sở Thuyết" cũng gọi
là " Kinh Bất Khả Tư nghị Giải Thoát”.
Phật nói kinh này rồi, trưởng giả Duy ma cật, ngài Văn Thù Sư Lợi,
ngài Xá lợi phất, ngài A Nan... và các hàng Trời, Người, A tu la,… tất cả đại
chúng có nơi Pháp hội đều rất hoan hỷ, tin nhận, thọ trì.
Tinh yếu lược giải:
Vị Giác giả lại bi mẫn chỉ rõ cho người học Phật với hạnh nguyện
Bồ tát cách nhận diện hai hạng Bồ tát học Phật, hai pháp thường gây chướng ngại
cho hạng Bồ tát mới học Phật, hai pháp thường gây chướng ngại sự thâm nhập trí
tuệ Bát nhã ở Bồ tát đã kiên cố trong đạo Phật.
Sau khi căn dặn Bồ tát Di Lặc hay nói cách khác là người học Phật
với pháp khí đại thừa tín cẩn thọ trì, nỗ lực thâm nhập kinh điển thậm thâm rồi
rộng diễn nói cho đại chúng học Phật, vị Giác giả đã đúng mực giao phó ngài A
Nan, người đại diện cho người học Phật Thanh văn thừa hay nói cách khác là giới
Tăng bảo, thành phần chịu trách nhiệm chính về việc gìn giữ, lưu bố kinh điển
hãy thọ nhận, lưu giữ và công bố về sự tồn tại bộ kinh Duy ma cật sở thuyết hay
còn gọi là kinh Bất khả tư nghị giải thoát. Việc này cho thấy vị Giác giả xác
quyết vai trò rất quan trọng của giới Tăng bảo, đây là điều mà người học Phật
với pháp khí đại thừa nên rõ biết về công đức bất khả tư nghị của người học
Phật theo lối Thanh văn thừa. Vì thế người học Phật nhẫn đến nhân loại rất nên
cung kính cúng dường cho giới Tăng bảo những vật dùng thiết yếu đảm bảo cho nhu
cầu sinh hoạt thường nhật đối với đời sống của người xuất gia.
Liễu Giải
Vì lẽ sau khi Phật Thích Ca nhập diệt người học Phật Thanh văn
thừa đã chẳng rõ dụng tâm Phật nên giải đãi hành trì, trụ nơi lối tu tiểu thừa
nên trí tuệ Bát nhã trải qua vô số hà sa kiếp chẳng khai mở. Một số lượng không
hề nhỏ người học Phật suy lường, thọ trì việc học Phật chỉ là sự gieo duyên chờ
ngày Phật Di Lặc nhập thế, đó là những người học Phật chủ quan suy lường chỉ
khi sinh ra thời Phật Di Lặc trụ thế thì họ mới có cơ may đạt sự giải thoát
hoàn toàn.
Khi chứng ngộ vị Giác giả thứ hai rõ biết người học Phật cả hai
nẻo - xuất gia và tại gia vì không rõ dụng tâm của Phật Thích Ca thảy đều giải
đãi trong việc hành trì chánh pháp. Lại thấy nội tại đạo Phật “Rồng thì vắn,
rắn thì nhiều”, người học Phật xuất gia chìm sâu trong lợi dưỡng, lợi danh,
việc tranh hơn, luận thắng vô ích,… những việc khiến đạo Phật có nguy cơ rơi
vào pháp nạn. Chính vì điều đó vị Giác giả sau thời Phật Thích Ca đã tùy thời
bày pháp phương tiện khéo thuyết ra kinh điển đại thừa ngõ hầu đảm bảo cho sự
tồn vong bền vững, lâu dài của chánh pháp có nơi đạo Phật.
Sau khoảng 400 - 500 năm kể từ ngày Phật Thích Ca nhập diệt, đạo
Phật rơi vào một cuộc pháp nạn đặc biệt nghiêm trọng, việc thua sút trí tuệ của
đa số người học Phật trước những luận thuyết của ngoại đạo. Giáo lý cố định có
nơi pho kinh điển nguyên thủy của đạo Phật ở một mức độ nào đó đã không còn hợp
thời. Trải qua vài trăm năm, trí tuệ nhân loại có những bước tiến dài, các hệ
thống tôn giáo quanh lưu vực sông Hằng đã kịp chuyển mình canh tân hoàn chỉnh
lại giáo lý cho phù hợp với thời đại. Khi ấy, đạo Phật không được vậy, do tự
mãn vai trò độc tôn mang lại sự giải thoát cho chúng sinh Tam giới nên giáo lý
đạo Phật đã không có được sự canh tân, bổ khuyết tri thức đúng mực. Có một điều
luôn đúng là lý hay thành sự, lúc bấy giờ Phật giáo trước những cuộc tham vấn
của ngoại đạo, dòng dõi Sát đế lợi và các tầng lớp xã hội khác ngày càng rơi
vào tình trạng đuối lý, phơi bày sự hẹp kém trí tuệ ở người học Phật. Giáo lý
đạo Phật vì thế đã không còn được các thành phần, tầng lớp xã hội tín ngưỡng,
thọ trì. Nguy cơ giáo lý đạo Phật bị thất truyền ngày càng hiện rõ, ngọn đuốc
chánh pháp trở nên lu mờ, tàn lụi.
Trước sự bế tắc tư tưởng ở giáo lý đạo Phật trên diện rộng đã
khiến ngay chính người học Phật trở nên hoang mang, hoài nghi về giá trị chánh
pháp, về sự giải thoát hoàn toàn.
Trong tình hình bức bách, khốn cùng của sự tồn vong chánh pháp vị
Giác giả đời thứ hai trong nhân loại đã nhập thế, vị Giác giả thứ hai liền ra
sức đền ơn Phật. Việc phổ truyền kinh điển đại thừa đúng thời của vị Giác giả
không chỉ cứu nguy cho sự lụi tàn đạo Phật ở khoảng khắc đương thời mà còn làm
bừng sáng ngọn đuốc chánh pháp, giúp giá trị chánh pháp khách quan, đúng mực và
sáng rõ có ở đạo Phật lan tỏa rộng khắp.
…
Thông qua bộ sách Liễu giải kinh Duy
ma cật sở thuyết tôi đã dịch giải theo lối Việt hóa ngôn từ Phật học những mong
người tham cứu sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận sự đúng mực, khách quan, sáng
rõ của giáo lý chánh pháp. Bên cạnh đó là phần Tinh yếu lược giải hy vọng người
đọc sẽ nhận diện được chuẩn mực hàm nghĩa mà vị Giác giả thứ hai trình bày
thông qua những bộ kinh điển đại thừa.
Ở bộ kinh Duy ma cật sở thuyết , việc chuyển ngữ hoàn toàn từ Hán
ngữ sang Việt ngữ là không thể trọn vẹn vì có không ít ngôn từ Phật học khi
diễn giải Việt ngữ sẽ khiến câu từ trong đoạn văn sẽ rườm rà, rối rắm. Tuy
nhiên, người học Phật, người tham cứu kinh điển Phật học đúng mực, khách quan
hãy nên lấy đại ý của bộ kinh làm trọng, đừng quá dính mắc, ràng buộc vào những
ngôn từ Phật học chuyên môn mà có sự chướng ngại việc thâm nhập, lĩnh hội trí
tuệ Phật.
Cũng lại như vậy, người tham cứu kinh điển đạo Phật chớ đi tìm sự
hoàn hảo, toàn bích của những bộ kinh được dịch giải vì điều đó sẽ phần nào
ngăn ngại việc khai mở trí tuệ Bát nhã ở mỗi người. Song khi tham cứu Tam
Tạng kinh thì người học Phật rất nên tham cứu kinh điển được diễn giải thông
suốt, liễu nghĩa; Chớ nên xem kinh bất liễu nghĩa mà rơi vào tà kiến dẫn đến sự
mê mờ chánh pháp, vô minh chồng lấp vô minh.
Hơn nữa, người học Phật nên khách quan, đúng mực, sáng rõ nhận
diện trong pho Tam Tạng kinh có không ít bộ kinh được trình bày bởi người chứng
ngộ không hoàn toàn và cả việc xen tạp ngụy thư trong chân kinh. Tuy nhiên, dù
là ngụy thư trong chân kinh hay là kinh điển không do Giác giả tuyên thuyết thì
nơi giáo lý của những bộ kinh thuộc pho Tam Tạng kinh đều ít nhiều chứa đựng
giá trị giác ngộ giải thoát, do vậy người học Phật chớ nên hủy báng kinh điển
mà hãy kham nhẫn gạn lọc tìm vàng trong khối cát đá, tìm chánh pháp trong khối
tà thuyết hỗn độn của vô minh. Người học Phật nên rõ biết tự tánh của vô minh
là Bồ đề, rời vô minh mà chứng ngộ Bồ đề là sự hư vọng, hoang đường.
Người học Phật nên rõ biết Tam Tạng kinh điển mà Giác giả tuyên
thuyết vốn nương nơi vô minh mà lập, nương nơi giáo lý, tà thuyết ngoại đạo mà
thành hình. Người học Phật với pháp khí đại thừa, lòng nên rộng mở chẳng nên
mãi chấp Thường - Đoạn, Chánh - Tà, Phật đạo - Ngoại đạo,…
Người học Phật hãy nên luôn ghi nhớ rằng “Bồ tát muốn thành tựu
cõi nước thanh tịnh phải đi bên ngoài đạo Phật hành Phật đạo, làm mà không làm,
không làm mà không gì không làm” .
Bài liên quan
- Phẩm Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát
- Phẩm Văn Thù Sư Lợi Đi Thăm Bệnh
- Phẩm Trò Chuyện Cùng Các Vị Bồ Tát (P.2)
- Phẩm Trò Chuyện Cùng Các Vị Bồ Tát (P.1)
- Phẩm Nói Với Chúng Học Trò Thanh Văn (P.2)
- Phẩm Nói Với Chúng Học Trò Thanh Văn (P.1)
- Phẩm Pháp Phương Tiện - Sự Quyền Biến
- Phẩm Cõi Nước Phật Thích Ca
- Liễu giải kinh Duy ma cật sở thuyết
- Phẩm Pháp Cúng Dường
- Phẩm Được Thấy Phật A Súc
- Phẩm Hạnh Bồ Tát
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét