Phẩm Pháp Cúng Dường
Thứ Tư, 1 tháng 8, 2018
Bấy giờ, Thiên chủ trời Đế Thích ở trong đại chúng bước ra trình
với Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Con dù theo Phật và ngài Văn Thù Sư Lợi nghe nói
trăm ngàn bộ kinh vi diệu mà chưa từng được nghe kinh điển Bất khả tư nghị tự
tại thần thông quyết định thật tướng. Theo chỗ con hiểu nghĩa lý từ lời Phật
thuyết là nếu có chúng sinh nào nghe kinh pháp này mà tin hiểu, thọ trì, đọc
tụng thì quyết đắc được pháp bất khả tư nghị giải thoát, điều này không thể khác
được. Do vậy nên nếu chúng sinh nào đúng như pháp mà hành trì thì người đó đã
chặn lối các nẻo ác, mở các cửa lành, thường được chư Phật hộ niệm, lần lượt sẽ
hàng phục được tất cả ngoại đạo, dẹp trừ được ma oán, hành đạo Bồ đề, an tịnh
nơi đạo tràng, noi theo việc làm của chư Phật.
- Thưa Thế Tôn! Nếu có người thọ trì đọc tụng, đúng như pháp hành
trì thì con cùng quyến thuộc sẽ thường luôn cúng dường, kề cận hộ trì. Ở nơi
thôn xóm, thành ấp, núi rừng, đồng nội, chỗ nào có kinh điển này con cùng quyến
thuộc sẽ đến chỗ đó nghe thọ pháp yếu. Những người chưa tin, sẽ làm cho họ sinh
khởi lòng tin, người đã tin rồi chúng con sẽ hằng hộ trì cho họ thêm tinh tấn,
dũng mãnh.
Phật nói:
- Lành thay! Thiên chủ Đế Thích, chúng sinh mai này sẽ trở lại nẻo
người! Vì lời ông nói ta sẽ giúp cho ông được thêm hoan hỷ. Kinh điển này vốn
chính là kinh điển mở rộng lối vào đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác
bất khả tư nghị của chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai. Vì thế Thiên chủ Đế
Thích hãy nên bảo nhậm, thọ trì. Nếu có thiện nam, tín nữ thọ trì, đọc tụng,
cúng dường kinh pháp này thì cũng chính là cúng dường chư Phật quá khứ, hiện
tại và vị lai. Thiên chủ Đế Thích này! Giả dụ nếu có thiện nam, tín nữ nào hoặc
một kiếp hoặc không đầy một kiếp cung kính cúng dường các món cần dùng cho chư
Phật khắp các cõi Tam thiên đại thiên thế giới với số lượng nhiều như mía, tre,
lau, lúa, mè, rừng bụi,…; Cho đến sau khi tất cả chư Phật đó diệt độ vị thiện
nam, tín nữ kia liền đem xá lợi của mỗi vị Phật gìn giữ trong bảo tháp trang nghiêm
được xây dựng bằng bảy loại kỳ trân, dị bảo quý hiếm bậc nhất, mỗi bảo tháp
ngang rộng bằng bốn cõi thiên hạ, cao đến trời Phạm thiên, bảo tháp được trang
trí bằng tất cả hoa hương, anh lạc, lọng báu,… tuyệt đẹp, việc làm này cũng
trải qua một kiếp hoặc ít hơn một kiếp cúng dường. Này Thiên chủ Đế Thích! Ông
thử nghĩ xem người đó làm như vậy có tạo được phước đức nhiều không?
Thiên chủ Đế Thích đáp:
- Thưa Thế Tôn! Thật rất nhiều! Phước đức của người đó dù cho trải
trăm ngàn ức kiếp nói mãi cũng không thể hết.
Phật nói:
- Này Thiên chủ Đế Thích! Ông và đại chúng nên biết vị thiện nam,
tín nữ nào mà nghe kinh điển bất khả tư nghị giải thoát này tin hiểu, thọ nhận,
đọc tụng, hành trì thì phước đức hơn hẳn người làm việc cúng dường kia. Vì sao?
Vì quả Bồ đề của chư Phật đều từ kinh điển này mà thành tựu. Tướng Bồ Đề không
có hạn lượng do vậy nên phước đức của người thọ trì kinh điển này cũng không có
hạn lượng.
Phật lại bảo Thiên chủ Đế Thích:
- Về quá khứ vô lượng a tăng kỳ kiếp, lúc ấy ở đời có Phật hiệu là
Dược Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế
gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Cõi
nước đó tên Đại Trang Nghiêm, tên kiếp là Trang Nghiêm. Phật Dược Vương thọ 20
tiểu kiếp, chúng Thanh văn Tăng có 36 ức na do tha, chúng Bồ tát Tăng có 12 ức.
Lúc đó, có vị Chuyển Luân Thánh Vương tên là Bảo Cái, vị này có đầy đủ bảy báu,
cai trị cả bốn thiên hạ. Vua có một ngàn người con tốt đẹp, dũng mãnh,… một
ngàn người con này thường hay ra sức dẹp trừ các bọn giặc cướp tàn ác, những kẻ
thù hung bạo. Bấy giờ, Vua Bảo Cái cùng quyến thuộc cúng dường Đức Dược Vương
Như Lai, dâng cúng các đồ cần dùng đến mãn năm kiếp. Qua năm kiếp rồi, vua Bảo
Cái căn dặn một ngàn người con rằng “Các con cũng phải đem tấm lòng kiên cố tín
tâm cúng dường Phật Dược Vương như là ta đã từng làm”. Khi đó, một ngàn người
con đều vâng lời vua cha cúng dường Đức Dược Vương Như Lai, dâng cúng tất cả đồ
cần dùng cũng mãn năm kiếp.
Một hôm, có một người con của vua Bảo Cái tên là Nguyệt Cái ngồi
một mình suy nghĩ “Có việc cúng dường nào thù thắng hơn việc cúng dường Phật
Dược Vương chăng?”.
Do nương sức trí tuệ Phật, ở giữa hư không có vị Trời nói:
- Thiện nam tử! Pháp cúng dường là hơn hết các việc cúng dường.
Nguyệt Cái liền hỏi:
- Sao gọi là pháp cúng dường?
Vị trời đáp:
- Ông đến hỏi Dược Vương Như Lai sẽ nói rõ thế nào là pháp cúng
dường.
Nghe vậy, Nguyệt Cái vương tử liền đi đến chỗ Dược Vương Như Lai
cúi đầu lễ dưới chân Phật, đứng qua một bên và thưa:
- Thưa Thế Tôn! Con nghe nói “Trong tất cả việc cúng dường có pháp
cúng dường là hơn hết”. Nay con xin được Thế Tôn chỉ bày “Thế nào gọi là pháp
cúng dường?”.
Phật dạy rằng:
- Thiện nam tử! Pháp cúng dường là kinh thâm diệu của chư Phật
tuyên thuyết. Tất cả chúng sinh nơi 3 cõi nhất thời khó tin, khó nhận vì sự vi
diệu, thù thắng, nhiệm màu khó thấy, sự thanh tịnh không nhiễm, không phải lấy
suy lường phân biệt mà rõ biết được. Kinh này là Pháp bảo trong kho tàng Pháp
tạng của chư Phật, là Ấn pháp tổng trì, nhẫn đến bất thoái chuyển, thành tựu
lục độ ba la mật, khéo phân biệt các nghĩa, thuận pháp Bồ đề, dẫn đầu các kinh
Tạng, vào đại từ bi, lìa các việc ma oán và các tà kiến, thuận pháp nhân duyên,
không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ giả, không vô tướng, vô tác,
không khởi,… làm cho chúng sinh ở nơi đạo tràng mà chuyển pháp luân, chư Thiên,
Long thần, Càn thát bà thảy đều ngợi khen. Pháp cúng dường đưa chúng sinh học
Phật vào Pháp tạng thâm sâu của Như Lai, thu nhiếp tất cả trí tuệ của Hiền
Thánh, diễn nói các pháp hành của Bồ tát, nương theo nghĩa thật tướng của các
pháp, hiển bày các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, tịch diệt, cứu độ chúng
sinh hủy phá giới cấm, làm cho tà ma, ngoại đạo và người tham lam chấp trước
đều sợ sệt; Chư Phật, Hiền Thánh đều xiểng dương. Pháp thí trừ diệt tất cả mọi
khổ não, sinh tử chỉ bày niềm an lạc Niết bàn, chư Phật ba thời ở khắp 10
phương đều diễn nói. Nếu người nào nhân được nghe những buổi Pháp thí mà tin
hiểu, thọ trì, đọc tụng, dùng sức phương tiện biện giải, chỉ bày rành rõ cho
chúng sinh học Phật, giữ gìn chánh pháp; Đó gọi là pháp cúng dường.
Lại theo các pháp hành trì, tùy thuận 12 nhân duyên, lìa tà kiến,
được vô sanh pháp nhẫn, quyết định không có ngã, không có chúng sinh mà đối với
quả báo nhân duyên không chống trái, lìa các ngã sở, y theo nghĩa không y theo
lời, y theo trí không y theo thức, y theo kinh liễu nghĩa không y theo kinh
không liễu nghĩa, y theo pháp không y theo người, thuận theo pháp tướng, không
chỗ vào, không chỗ về, vô minh diệt hết thời hành cũng diệt hết, cho đến sinh
diệt hết thời già chết cũng diệt hết, quán như thế thì 12 nhân duyên không có
tướng diệt hết, cũng không có tướng khởi sinh; Đó gọi là pháp cúng dường hơn
hết các việc cúng dường.
Phật lại nói với Thiên chủ Đế Thích:
- Vương tử Nguyệt Cái theo Phật Dược Vương nghe pháp như thế rồi
được Pháp nhu thuận nhẫn, Vương tử Nguyệt Cái liền cởi y báu và đồ trang sức
nơi thân cúng dường Phật và nguyện “Thưa Thế Tôn! Sau khi Như Lai diệt độ con
sẽ thực hành pháp cúng dường để gìn giữ chánh pháp, nguyện nhờ sức trí tuệ của
Như Lai thương xót gia hộ cho con được hàng phục ma oán, tu hạnh Bồ tát”. Phật
Dược Vương biết trong tâm niệm của Nguyệt Cái mà thọ ký rằng "Về đời sau
này ông sẽ giữ gìn thành trì chánh pháp".
- Này Thiên chủ Đế Thích! Vương tử Nguyệt Cái lúc đó có được Pháp
nhãn thanh tịnh nghe Phật thọ ký đem lòng chánh tín xuất gia thọ trì các pháp
lành, tinh tấn chỉ trong một khoảng thời gian ngắn chứng đạt ngũ thông, đủ đạo
hạnh Bồ tát, được môn tổng trì, biện tài vô ngại. Sau khi Phật Dược Vương diệt
độ, Tỳ kheo Nguyệt Cái dùng sức thần thông, tổng trì biện tài đã chứng được y
theo pháp của Dược Vương Như Lai mà diễn nói pháp suốt 10 tiểu kiếp. Tỳ kheo
Nguyệt Cái giữ gìn Phật pháp, siêng tinh tấn ngay đời đó hóa độ được trăm muôn ức
người ở nơi đạo vô thượng bồ đề, giúp họ không còn ý thoái chuyển, 14 na do tha
người phát tâm Thanh văn thừa, Duyên Giác thừa và vô lượng chúng sinh được sinh
về các cõi Trời.
Này Thiên chủ Đế Thích! Vua Bảo Cái lúc ấy hiện nay đã thành Phật
hiệu là Bảo Diệm Như Lai, còn một ngàn người con của vua Bảo Cái chính là một
ngàn vị Phật trong đời Hiền kiếp mà đức Ca La Cưu Tôn Đà thành Phật trước hết,
đến vị Phật thành tựu sau cùng hiệu là Lầu Chí Như Lai, còn Nguyệt Cái Tỳ kheo
chính là Ta.
Như thế đấy, Thiên chủ Đế Thích! Ông và đại chúng hãy nên ghi nhớ
trong các pháp có Pháp cúng dường là dẫn đầu các pháp. Này Thiên chủ Đế Thích!
Chúng sinh 3 cõi hãy lấy Pháp cúng dường mà cúng dường chư Phật.
Tinh yếu lược giải:
Phẩm Pháp cúng dường là Phẩm xưng tán công đức thù thắng, bất khả
tư nghị của kinh Duy ma cật sở thuyết. Người học Phật hãy nên tham cứu, quán
chiếu cùng tột những lời mà Như Lai tuyên thuyết về sức tự tại, vô úy, vi diệu
của bộ kinh Duy ma cật sở thuyết.
“Chúng sinh 3 cõi hãy lấy Pháp cúng dường mà cúng dường chư
Phật” - Thật đúng là pháp môn không hai không thể nghĩ bàn. Đây là hạnh Bồ
tát mà người học Phật rất nên thọ trì để báo đền ơn Phật.
Trong các việc cúng dường, Pháp cúng dường là thù thắng, vi diệu
bậc nhất. Người nào nghe kinh điển rồi sinh lòng tin nhận, đọc tụng, y pháp thọ
trì nhất thiết sẽ thành tựu quả vô thượng chánh đẳng, chánh giác.
Riêng phần tiền kiếp, hậu kiếp của chư Phật trong pho Tam Tạng
kinh (nói chung), kinh Duy ma cật sở thuyết (nói riêng) cũng có giá trị đồng
với giá trị lục chủng chứng tín nơi phần mở đầu ở tất cả bộ kinh. Đó chỉ là
việc xác tín niềm tin cho người học Phật khi mà chúng sinh thời xa xưa chưa đủ
tri kiến để phân biệt đâu là chánh pháp, đâu là ngụy kinh; Còn với người học
Phật đã sáng rõ chánh pháp thì những phần ngoại biên của chánh kinh chỉ là phần
tham khảo, là màu sắc hoa lá cành của ngón tay chỉ mặt trăng.
Nếu có sự chú tâm đúng mực thì người học Phật sẽ nhận ra những câu
chuyện nói về tiền kiếp, hậu kiếp chư Phật cũng chỉ là một pháp phương tiện
khéo chỉ bày cho người tham cứu về những việc mà Bồ tát thị hiện, đó là những
việc ích người, lợi mình. Do vậy người học Phật đúng mực hãy nên khéo hay phân
biệt điều chân ngụy, thật giả song chớ rơi vào sự ràng buộc. Chớ sinh lòng tham
đắm, dính mắc hư huyễn mà lạc lối chánh đạo, trượt dài nơi đường cùng, lối rẽ
mà luống uổng nhiều đời trôi lăn, chìm nổi nơi lưới mộng luân hồi.
Bài liên quan
- Phẩm Con Đường Phật Đi
- Phẩm Quán Chiếu Căn Tánh Chúng Sinh
- Phẩm Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát
- Phẩm Văn Thù Sư Lợi Đi Thăm Bệnh
- Phẩm Trò Chuyện Cùng Các Vị Bồ Tát (P.2)
- Phẩm Trò Chuyện Cùng Các Vị Bồ Tát (P.1)
- Phẩm Nói Với Chúng Học Trò Thanh Văn (P.2)
- Phẩm Nói Với Chúng Học Trò Thanh Văn (P.1)
- Phẩm Pháp Phương Tiện - Sự Quyền Biến
- Phẩm Cõi Nước Phật Thích Ca
- Liễu giải kinh Duy ma cật sở thuyết
- Phẩm Căn Dặn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét