Câu chuyện bên lề Giải Trình Luận Án… (Phần 2)
Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018
Đây là buổi trò chuyện giữa tôi cùng với một người cao tuổi giữ được sự sáng suốt, minh mẫn và khỏe mạnh.
Tôi dò hỏi: Tại sao ông lại không cáng đáng, chỉ dẫn mọi việc cho con cháu như những người cao tuổi ở nhóm người già lẩn đã làm?
Ông lão trả lời: Cuộc sống sau này là của thế hệ trẻ. Thế nên, con cháu họ phải biết sống tự lập, không dựa dẫm vào thế hệ đi trước, ông không thể “Lột da như rắn” để sống đời với con cháu. Hơn nữa, bối cảnh xã hội không ngừng thay đổi, cách suy nghĩ của hai thế hệ lại sai khác nhiều. Áp đặt, trói buộc con cháu làm theo ý riêng của mình thì không hẳn là đúng đắn. Con cháu hiếu thuận vâng lời nhưng trong lòng lại không vui. Còn bằng con cháu không thuận theo, dẫn đến tranh cãi thì cả người lớn lẫn con trẻ đều chuốc lấy buồn phiền, đau khổ,… Ông đã sống hơn nửa đời người mới có được sự hiểu biết từng trải. Sự hiểu biết từng trải ở người cao tuổi là nhận biết được thời điểm dừng lại. Nhận biết khi nào con cháu lớn khôn thì chuyển giao mọi việc cho thế hệ con cháu còn người cao tuổi thì buông bỏ những lo nghĩ đa đoan, tận hưởng những giây phút an nhàn, thảnh thơi,…Chỉ có như vậy thì người cao tuổi mới có thời gian nuôi dưỡng tinh thần, giữ cho trí não minh mẫn, sáng suốt. Về sau, họ không rơi vào tình cảnh già lẩn, không gây khó, làm khổ con cháu,…
Tôi hỏi thêm: Vậy…! Tại sao những người cao tuổi từng trải khác lại không biết “Điểm dừng”? Tại sao họ lại trói buộc, áp đặt con cháu phải làm theo ý riêng của họ?,…
Ông lão trả lời: Xem ra chú em cũng là người hiểu chuyện. Già chẳng tiếc lời trò chuyện cùng chú em.
Dừng lại một lúc, ông lão lại nói: Những người cao tuổi không biết “Điểm dừng lại”, thường hay can thiệp, sắp xếp mọi việc làm của con cháu là vì tình thương yêu con cháu trong lòng họ quá lớn.
Thật vậy, trong cái nhìn của phần lớn những người làm cha mẹ thì những đứa con luôn bé bỏng, đáng yêu. Đó là nguyên nhân làm cho cha mẹ nghĩ rằng “Những đứa trẻ chẳng bao giờ lớn”. Thế nên những người làm cha mẹ luôn bảo bọc, chăm lo, sắp xếp mọi việc cho con trẻ. Thời gian cứ trôi qua, những người con dần khôn lớn nhưng cha mẹ thường không tin nhận vào sự trưởng thành của lũ trẻ. Họ vẫn để mắt, xét nét việc làm của con cái.
Tại thời điểm này sẽ hình thành nên hai nhóm cha mẹ khác biệt nhau:
Nhóm thứ nhất là nhóm người tạo điều kiện cho những người con phát huy năng lực, sở trường,… Nếu những người con có thể tự lập tốt thì họ chuyển giao dần công việc, tài sản cũng như vai trò trụ cột gia đình cho thế hệ trẻ, giúp những người con sớm nhận biết vai trò, trách nhiệm làm chủ cuộc sống của chính mình. Từ đó, tạo cho thế hệ trẻ có được sự tự tin, vững vàng đối diện với những khó khăn, thử thách của cuộc sống,... Nếu những người con chưa đủ tự tin để làm chủ cuộc sống thì những người làm cha mẹ sẽ dìu dắt, chỉ dạy, động viên,…giúp thế hệ trẻ có thêm niềm tin, sức mạnh và sự hiểu biết,… để hòa nhập tốt vào cuộc sống. Thế hệ trẻ được nuôi dạy theo phương cách này tương lai sẽ trở thành những trụ cột vững chắc của gia đình và xã hội. Đến khi nhận biết con trẻ đã thực sự trưởng thành thì những bậc cha mẹ chuyển giao hết mọi việc cho con cái, buông bỏ vai trò làm chủ gia đình, dứt trừ những suy nghĩ, lo toan về cuộc sống của con cháu, tận hưởng sự an nhàn, thảnh thơi. Chú em có biết “Tại sao những người cao tuổi từng trải biết được điểm dừng lại không?”. Bởi vì sự từng trải hiểu biết giúp họ dám chấp nhận sự thật. Họ đã nuôi dạy những người con từ tấm bé. Cho đến lúc con trẻ khôn lớn, trưởng thành. Điều này đồng nghĩa với việc “Họ đã già”. Chấp nhận thực tế “Bản thân đã già” thì những người cao tuổi mới có thời gian nghỉ ngơi, thư giản. Tâm trí thảnh thơi giúp người cao tuổi dừng lại những lo nghĩ đa đoan vì lẽ họ đã lo toan gần cả một đời người, đã đến lúc họ dừng lại ngơi nghỉ. Sự hiểu biết từng trải lại một lần nữa giúp người cao tuổi nhận ra “Rồi họ sẽ phải chết, đó là một sự thật mà bất kỳ ai cũng phải trải qua ở kiếp người”. Người cao tuổi dám chấp nhận sự thật sẽ chọn lựa lối sống cho quãng đời còn lại cũng như là chọn lựa cách thức chết cho bản thân. Những người từng trải sẽ dễ dàng nhận biết “Cái chết đến với con người với rất nhiều hình thức khác biệt nhau nhưng thực ra chỉ là biểu hiện của hai hình thức chính có sự sai khác ít nhiều về mức độ biểu hiện. Đó là cái chết đến với con người như là một giấc ngủ ngon êm đềm, không mộng mị và một cái chết vật vã, đau đớn cả về xác thân lẫn tinh thần”. Nhìn những người có cái chết nhẹ nhàng như đang say ngủ chú em sẽ nhận thấy ở nơi đó có sự bình yên an lạc, không hối tiếc lo toan, sầu khổ; Chú em cũng nhận thấy được sự chấp nhận việc già chết là một sự thật ở nét mặt của người đã khuất, họ an nhiên, bình thản đón nhận cái chết,... Ngược lại, nhìn những người phải chết vật vã, đớn đau chú em sẽ thấy những ưu tư phiền muộn, sự ân hận tiếc nuối, lo lắng,… và cả việc không cam chịu, không chấp nhận cái chết tìm đến họ qua những hình ảnh vùng vẫy, giẫy dụa,… như là cố níu kéo lại mạng sống, hơi thở của chính mình nhưng việc làm đó thật sự vô ích. Tìm hiểu thêm chú em sẽ biết những người già lẩn, những người khó khăn với con cháu, những người có tính gia trưởng, độc đoán, cố chấp, hay can thiệp vào công ăn, việc làm của con cháu, ham muốn thể hiện mình,… thường phải nhận lấy những cái chết bi thảm, vật vã. Bởi lẽ tính cách cố chấp, bảo thủ,… khiến họ không can tâm, không chấp nhận việc già chết là một việc tất yếu, không thể tránh khỏi của đời người. Tóm lại, do không hiểu biết và chấp nhận “Bản thân đã già yếu” những người cao tuổi này đã không có thời gian chuẩn bị cho những ngày cuối đời. Họ không có được thời gian nhàn hạ, tự tại, hàm dưỡng nội tâm, giữ tâm trí minh mẫn, sáng suốt, kiên định. Việc lo nghĩ đa đoan làm suy kiệt tinh thần và thể chất gây nên việc rối loạn trí nhớ, già lẩn ở người cao tuổi. Do không chấp nhận việc già chết là việc không thể tránh khỏi cho nên khi cận kề với cái chết những người cao tuổi này sẽ hoảng loạn, cầu cứu, bám víu sự sống một cách tuyệt vọng, đau đớn. Già đã sống đến từng tuổi này để nhận biết sáng rõ “Việc dừng lặng, buông bỏ những suy tư, lo nghĩ,… giúp tinh thần của người già luôn minh mẫn, sáng suốt; cơ thể thì ít bệnh tật”. Nếu người cao tuổi nào cũng có lối sống lành mạnh, tỉnh táo như thế thì già tin chắc rằng “Căn bệnh già lẩn quái ác sẽ không thể gây khó, bức hại người già”.
Nhóm thứ hai là nhóm những người thương yêu, bảo bọc, chăm lo con cái từ miếng ăn, giấc ngủ,… Sự thương yêu khiến họ luôn nghĩ con trẻ còn nhỏ dại, yếu đuối,… Họ ra sức chở che, tiếp sức,… mọi việc. Họ không an tâm khi con trẻ tham gia làm những công việc mới mẻ, khác lạ. Họ sợ lũ trẻ sẽ làm hỏng việc, thất bại. Vì thế họ sẽ ngăn cản, cấm đoán con cái làm những việc mà họ không thông hiểu, rõ biết. Họ ép buộc con trẻ vào những khuôn khổ, những công việc giới hạn mà theo sự hiểu biết của những người làm cha mẹ là “Tốt nhất cho con”. Việc này khiến cho những đứa trẻ trở nên bạc nhược, yếu đuối, sống ỷ lại vào cha mẹ. Vạn nhất cha mẹ đột ngột qua đời thì những đứa trẻ đó sẽ khó thể vững vàng sống tốt trong xã hội. Hoặc là đến khi những đứa trẻ lớn lên. Một số vẫn giữ lối sống ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, những người con thuộc nhóm thành phần này là những người có lớn nhưng không có khôn, chúng sẽ khó thể xây dựng cuộc sống tự lập hài hòa, hạnh phúc. Số khác nhận ra những điều không ổn, vô lý khi cha mẹ cứ trói buộc họ vào những công việc, những nghĩ suy không đúng với sở thích, năng lực của bản thân. Kết quả sẽ dẫn đến những tranh cãi, chống đối lại những quyết định mang tính áp đặt, ràng buộc của người lớn. Mâu thuẫn sẽ lớn dần tạo nên hố sâu tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Mâu thuẫn này phát sinh do sự sai khác về nhận thức giữa hai thế hệ. Trong khi thế hệ người cao tuổi cho rằng “Con cái vẫn còn nhỏ dại, chưa lớn khôn” thì thế hệ trẻ lại nhận thấy “Cha mẹ đã già, lớn tuổi”. Khi mà sự khác biệt về nhận thức giữa hai thế hệ không được dung hòa ổn thỏa thì những chống trái, xung đột,… không ngừng nảy sinh, gây ra sự đổ vỡ, ly tán gia đình. Kết quả là cả hai thế hệ đều chuốc lấy khổ đau, muộn phiền. Lẽ ra những người làm cha mẹ phải biết thời điểm dừng lại và hiểu rõ đạo lý “Tre già, măng mọc”. Chỉ khi chuyển giao vai trò làm chủ cho thế hệ trẻ thì con cái mới có thể khôn lớn, trưởng thành và họ mới có cuộc sống nhàn hạ, thảnh thơi.
Tôi lại hỏi: Giả như những người con vẫn muốn dựa dẫm, nương nhờ sự nâng đỡ, dìu dắt của cha mẹ. Trong trường hợp này có phải người làm cha mẹ sẽ tiếp tục bảo ban, quán xuyến mọi việc cho con cháu đến lúc cuối đời không?
Ông lão trả lời: Chú em ngốc thật hay là giả ngốc? Nếu hiểu biết chú em sẽ nhận ra những con gà rừng, heo rừng,… thường thích ứng rất tốt trong môi trường sống hoang dã ít thức ăn, nhiều kẻ thù. Bởi vì những chú heo rừng, gà rừng,… ngay từ nhỏ đã được tập sống quen dần với những khó khăn, khắc nghiệt. Ngược lại, những con gà nuôi, heo nhà,… thì lại dễ nhiễm bệnh tật dù rằng “Đồ ăn, thức uống, thuốc bổ dưỡng thì luôn được bày sẵn”. Kết quả là lũ thú rừng thích ứng tốt sẽ sống khỏe mạnh đến lúc cuối đời còn lũ thú nuôi chỉ là “Đồ bị thịt” lại sớm lên bàn mổ. Thực tế là con người khi sống trong môi trường nhiều khó khăn, thử thách thường sớm trưởng thành, chững chạc hơn những người sống trong môi trường được nâng đỡ, che chở quá mức của cha mẹ. Người cao tuổi từng trải rõ biết điều đó và giúp con cái có ý thức, lối sống tự lập, tránh cho con cháu trở thành “Đồ bị thịt”. Họ biết được giới hạn tình yêu thương, sự bảo bọc, nâng đỡ đối với con cái. Họ chấp nhận sự vấp ngã, thất bại ở thế hệ trẻ vì “Mỗi lần vấp ngã là một lần bớt dại, ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”. Sự vấp ngã là bài học mà mỗi người đều phải tự học lấy để thích ứng, sống tốt hơn và người già không thể chăm lo, sống mãi với con cháu. Mặt khác, người cao tuổi hiểu biết cũng nhận biết “Sự sống là của con cháu, họ không thể sống thay thế hệ trẻ. Còn cái chết sẽ đến với họ và con cái cũng chẳng thể chết thay”. Họ cũng cần có thời gian quen dần và chấp nhận cái chết. Vì thế người cao tuổi từng trải hiểu biết sẽ buông bỏ mọi việc cho con cháu, dừng lại những lo nghĩ đa đoan, quay về lối sống tĩnh lặng, an nhàn.
Tôi tiếp lời: Việc chuyển giao hết quyền hành, công việc, tài sản,… đồng nghĩa với việc người cao tuổi không còn gì cả. Chuỗi ngày còn lại chủ yếu sống dựa con cháu. Nếu chẳng may gặp phải con cái ngỗ nghịch, bất hiếu,… xem người già là đồ vô tích sự, đồ đáng bỏ đi,… thì quả thật là những ngày cuối đời của người cao tuổi bi thảm, cùng quẩn. Có lẽ người cao tuổi nên chuẩn bị sẵn cho mình một số tài sản đảm bảo cho đến ngày nhắm mắt, nên chăng?
Ông lão khẽ cười nói: Chú em thật là…! Đã nói buông bỏ mọi thứ mà còn giữ lại “Tài sản hộ thân” thì làm sao dứt bỏ lo nghĩ được. Hơn nữa, không sống thành thật, bao dung với con cháu, còn “Rào trước, đón sau” thì làm sao con cháu có thể sống với người cao tuổi bằng tình thương chân thành cho được. Chú em phải hiểu rõ là “Khi con người gieo nhân yêu thương, hòa hợp, ấm êm và hiểu biết thì sẽ nhận được quả tốt là sự hiếu thuận, thảo hiền, chân thật,… Ngược lại, khi con người gieo nhân ngang tàng, bạo ngược, ích kỷ, ganh ghét, tranh giành,… thì sẽ nhận lấy quả báo là sự mất mát, lẻ loi, cô độc, mọi người xa lánh,…”. Mặt khác, nếu chẳng may gặp phải con ngỗ nghịch, bất hiếu thì người cao tuổi phải sớm nhận biết đó là lỗi của chính mình vì đã không biết cách nuôi dạy con. Xuất phát từ tình thương chân thành, người làm cha mẹ sẽ có phương cách chỉ dạy những người cháu ngoan hiền, tự khắc con cái nhận ra lầm lỗi, trở nên hiếu thuận. Chỉ khi con cháu xua đuổi, ruồng bỏ,… thì người cao tuổi cứ an nhẫn bước đi vì sự hiểu biết từng trải sẽ giúp người cao tuổi nhận ra: Là cha mẹ không ai lại “Tranh ăn” với con cháu. Người cao tuổi từng trải một khi nhận ra “Con người, chính ngay mạng sống của bản thân còn không thể làm chủ được thì việc tranh giành vai trò làm chủ gia đình, tài sản, của cải,… có ích lợi, có giá trị gì?”. Khi người cao tuổi nhận thức, chấp nhận “Cái chết sẽ đến với mình là một việc hiển nhiên, không thể né tránh” thì có khó khăn, chướng ngại nào mà họ không thể vượt qua. Người cao tuổi từng trải sẽ kiên định, quả cảm đối diện với cuộc sống gian truân, ngang trái,… bởi lẽ chết đã không sợ thì có gì đáng để lo nghĩ.
Tôi buộc miệng: Người cao tuổi mà sống kham nhẫn, chịu đựng như vậy hẳn là con cháu chẳng thể xa lánh, rời bỏ cho được. Nhưng ông lão à! Liệu ông lão nói được mà có làm được như vậy không? Hay là khi ông gặp cảnh “Trái ý, nghịch lòng” thì mặc tình “La con, mắng cháu”, nguyền rủa ông bà, tổ tiên,...
Ông lão nghiêm giọng: Chú em nói đúng lắm! Mọi người, ai cũng có thể hiểu biết, lĩnh hội hết những điều ta đã trao đổi với chú em nhưng sống được như thế quả thật là không dễ. Vì thế ngay khi hiểu chuyện thì chú em hãy tập sống với những điều đã lĩnh hội, tạo thành một thói quen tốt. Đừng chờ đợi đến khi lớn tuổi rồi mới áp dụng, già chỉ e rằng “Khi đó, chú em lại trở thành một con vẹt, nói được mà không hiểu đang nói gì và cũng không làm theo được” bởi vì thói hư, tật xấu đã thành thói quen, không dứt bỏ được. Ở từng tuổi này, già đã gặp không ít cảnh đời “Dở khóc, dở cười” - Rất nhiều người khuyên bảo, chỉ dẫn người khác sống tốt - đừng gia trưởng, độc đoán, cố chấp, bảo thủ, đừng cáu gắt, khó tính, trì chiết, rầy la,… con cháu nhưng nhìn lại thì chính họ lại là người mắc nhiều tật xấu nhất và về sau những người đó rơi vào tình cảnh lú lẩn, đần ngốc,... Thật đáng tiếc! Người xưa dạy “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” nghĩa là trước nhất phải xét bản thân có mắc sai trái gì, sau đó mới xét đến người xem có lỗi lầm gì. Sau khi xét kỹ mọi việc thì mới khách quan mở lời góp ý, sửa sai. Con người thời nay thì lại khác, chỉ mãi lo xoi mói, phanh phui,… lỗi lầm của người; Quên bỏ, che giấu,… những sai trái của bản thân - Việc làm thành công thì ra sức tâng bốc, kể lể công trạng; Việc làm sai trái thì lờ đi, lảng tránh hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác,… Thật ra chú em đang đứng trước sự chọn lựa của một đời người và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả của việc chọn lựa. Về sau chú em sẽ không thể đổ lỗi, trách hờn,… bất kỳ ai vì đó chính là chọn lựa của chú em. Một là chú em sống lành mạnh, có hiểu biết, yêu thương đúng mực, biết dừng lại, tạo điều kiện cho con cháu tự lập tốt; sống gần gũi, hài hòa với con cháu … thì chú em sẽ có thời gian nghỉ ngơi, sống an nhàn, minh mẫn, khỏe mạnh đến cuối đời; Hai là chú em sống gắt gỏng, khó khăn, ham tranh giành vai trò làm chủ, cố chấp, bảo thủ, chuyên quyền,… thì mọi người sẽ phải xa lánh, rời bỏ,…Chú em phải chịu cảnh lẻ loi, cô độc khi tuổi già, sức yếu và căn bệnh già lẩn sẽ có dịp tàn phá khiến cho tâm trí chú em trở nên si dại, đần ngốc,… Có lẽ đây là cảnh đời mà chú em không mong muốn mình nhận lấy. Vì thế ngay bây giờ chú em hãy chọn con đường để mà đi, già lẩn rồi thì sẽ không còn cơ hội chọn lựa. Chú em có biết rằng “Ngày nay những người cao tuổi thường dễ bị đột quỵ do tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim không?”. Những đè nén, ức chế tinh thần do tính cố chấp mà những người cao tuổi đã bị bệnh tật xâm hại. Cả những căn bệnh như tiểu đường, béo phì, thoái hóa khớp, giảm trí nhớ,… ít nhiều cũng do những tổn thương về tình cảm , tinh thần. Những tổn thương tinh thần đã gián tiếp hay trực tiếp tàn phá, làm hao mòn trí não, thân thể người già. Có phải là những người giữ được sự hài hòa, cân bằng giữa tinh thần và vật chất thì ít bệnh tật còn những người làm việc quá sức hoặc lo nghĩ nhiều thì dù có tích góp rất nhiều tài sản, của cải thì cũng không thể thọ hưởng dài lâu vì bệnh tật, khổ đau,… sẽ làm những người lao tâm, lao lực sớm ngã quỵ?
Bài liên quan
- Giải trình Luận Án ngoài học hàm Bác học (Phần 4)
- Giải trình Luận Án ngoài học hàm Bác học (Phần 3)
- Giải trình Luận Án ngoài học hàm Bác học (Phần 2)
- Giải trình Luận Án ngoài học hàm Bác học (Phần 1)
- Giải pháp thoát ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới
- Giải Mã Nhân Loại V.
- Giải Mã Nhân Loại IV…
- Giải Mã Nhân Loại III…
- Giải Mã Nhân Loại II…
- Giải Mã Nhân Loại I…
- Giải mã hiện tượng Bắc Triều Tiên (P.2)
- Giải mã hiện tượng Bắc Triều Tiên (P.1)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét